WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Nguyễn Văn Thiệu và cuộc chiến 1975

Đại sứ Mỹ tại Việt Nam, ông Ellsworth Bunker cùng TT Nguyễn Văn Thiệu và Phó TT Nguyễn Cao Kỳ, 1969. Ảnh: flickr

Những khuyết điểm

Sau khi Cộng quân tràn ngập Thủ đô Sài Gòn ngày 30-4-1975, người dân bàng hoàng như trong cơn ác mộng, họ bảo nhau.

- Ủa tại sao thua nhanh thế nhỉ?

Khoảng một tháng sau ngày mất nước, công chức trung cấp, cao cấp của chính phủ Việt Nam Cộng Hòa ra trình diện cải tạo  tại trường nữ trung học Gia Long Sài Gòn, một ông  quả quyết nói:

- Thiệu đóng đúng cái vai trò mà Mỹ đạo diễn, ngoài ra không có gì cả!

Các giới chức quân sự, chính trị cũng đều nghĩ rằng ông Thiệu là người đã làm mất miền Nam, gây lên tấm thảm kịch 1975. Mười lăm năm sau ngày mất miền Nam, năm 1990 khi Cộng Sản Nga và Đông Âu thi nhau sụp đổ, ông Thiệu tổ chức buổi nói chuyện với đồng bào Hải ngoại về tình hình đất nước tại Cali, ông đã bị chống đối dữ dội.  Mười lăm năm đã trôi qua người ta vẫn còn oán hận ông vì ông mà mất Sài Gòn.

Đó là chuyện đã qua, dần dần những bí mật về cuộc chiến tranh Việt Nam đã được tiết lộ, nhất là về mặt quân sự, quốc phòng. Từ giữa thập niên 80 và cuối thập niên 90 ông Cao Văn Viên cựu Tổng tham mưu trưởng Quân độïi VNCH trong cuốn Những Ngày Cuối Của VNCH đã nói về tình trạng kiệt quệ đạn dược tiếp liệu của ta trong những năm 1974, 1975. Nhiều tài liệu sách báo khác cũng cho thấy những khó khăn khốn đốn của ta trước áp lực rất mạnh của Cộng Sản Bắc Việt, lại nữa thuyết Domino không còn giá trị, khi ấy người ta mới thấy rằng còn có nhiều nguyên nhân chính yếu khác đã gây nên sụp đổ chứ không phải chỉ do một mình ông Thiệu.

Cuộc chiến tranh Đông Dương mà hơn 90% diễn ra tại Việt Nam đã được quốc tế hóa từ 1949, 1950. Tháng 10-1950 sau khi Mao nhuộm đỏ nước Tầu, thành lập Trung Hoa Nhân Dân Cộng Hòa Quốc thì Việt Minh được viện trợ tối đa, họ đã thành lập được 40 ngàn quân chính qui, các trại huấn luyện quân sự mọc lên như nấm dọc theo biên giới Việt Hoa. Trước nguy cơ Cộng Sản lan tràn xuống Đông Nam Á, Mỹ vội nhẩy vào cuộc chiến, tháng 10-1950 họ viện trợ cho Pháp 300 triệu đô la, hàng không mẫu hạm Mỹ chở tới Sài Gòn 40 máy bay Hellcat cho Pháp. Cuộc chiến Đông Dương khởi đầu giữa Thế Giới Tự Do gồm Pháp – Mỹ và Cộng Sản Quốc tế do Trung Cộng đứng sau lưng Việt Minh.

Cuộc chiến Đông Dương kéo dài mấy chục năm cho tới thập niên 70 là giai đoạn chót, phía Cộng Sản Quốc tế gồm Nga Xô, Trung Cộng và các nước xã hội chủ nghĩa anh em vẫn tiếp tục viện trợ không ngừng cho Cộng Sản Bắc Việt. Trong giai đoạn 1969-1972 họ viện trợ cho Bắc Việt 684,666 tấn vũ khí (Theo tài liệu của BBC.com, CSVN công bố trong cuộc Hội thảo tại Sài Gòn ngày 14-4-2006) và giai đoạn 1973-1975 là 649,264 tấn vũ khí, trong khi ấy Thế Giới Tự Do chỉ có một mình Mỹ đứng ra viện trợ cho Việt Nam Cộng Hòa, các nước đồng minh Tây phương Anh, Pháp đã không phụ giúp Mỹ mà còn thọc gậy bánh xe phá Mỹ.

Năm 1968 trong trận Mậu Thân, Việt Cộng thảm bại, VNCH đã đánh thắng một trận lớn nhưng thua cuộc chiến, trận Tổng công kích của Việt Cộng đã thúc đẩy phong trào phản chiến tại Mỹ lên cao rất nhiều. Năm 1969 Nixon lên nhậm chức Tổng Thống Hoa Kỳ, thực hiện Việt Nam hóa chiến tranh, họ đã bắt đầu nghĩ tới việc rút quân phần vì bị dân trong nước chống đối dữ dội, phần vì thuyết Domino không còn ý nghĩa, từ 1970 họ đã đi đêm với Trung Cộng, ngày 9-7-1971 Kissingger đã bí mật gặp Chu Ân Lai tại Bắc Kinh.

Năm 1969 quân phí của Hoa Kỳ trong cuộc  chiến tranh Việt Nam lên tới đỉnh cao là 29 tỷ đô la, nhưng ngày càng tụt dần, tụt dần cho tới 1975 chỉ còn 700 triệu đô, tức là chỉ còn hơn 2%. Năm 1972 trên 500,000 quân đồng minh đã rút đi, VNCH một mình phải gánh vác chiến trường với quân số bị cắt giảm tới xương tủy. Trong khi Cộng Sản Quốc Tế kiên trì viện trợ cho Bắc Việt thì Hoa Kỳ lại chán nản, thay đổi chính sách tại Đông Dương. Đứng trước những thử thách lớn lao như thế VNCH cũng khó mà vượt qua cơn nguy khốn.

Mặc dù ông Thiệu không phải là nguyên nhân duy nhất đưa tớisự sụp đổ miền Nam nhưng chế độ của ông cũng đã có nhiều khuyết điểm lớn. Liên danh Thiệu Kỳ đắc cử cuối tháng 10-1967, chấm dứt một giai đoạn biểu tình tuyệt thực nhiễu nhương, năm 1971 ông Thiệu tái cử độc diễn và đắc cử nhiệm kỳ hai. So với thời Đệ Nhất Cộng Hòa, chế độ Nguyễn Văn Thiệu dân chủ tự do hơn, chính sách cởi mở dễ thở hơn, công nhận chính trị đảng phái đối lập nhưng kỷ cương lại thụt lùi. Về phương diện kỷ luật trong lãnh vực hành chánh, quân sự thua kém thời ông Diệm nhiều. Chế độ chỉ nghiêm chỉnh được một thời gian ngắn rồi dần dần lụn bại trong vũng lầy thối nát tham nhũng.

Những năm đầu của chế độ 1967, 1968, guồng máy tương đối còn có kỷ cương nhưng dần dần đi tới chỗ tham nhũng thối nát tồi tệ, nó đã phá hoại kinh tế vật chất và làm suy sụp tinh thần quân dân. Tham nhũng hối lộ có từ thời Tây nhưng dưới chế độ Nguyễn Văn Thiệu đã tiến tới chỗ tột cùng. Các chính phủ Quốc Gia từ thời Trần Văn Hữu, Nguyễn Văn Tâm, Ngô Đình Diệm, Nguyễn Cao Kỳ cũng ít nhiều có tham nhũng nhưng người dân còn chấp nhận được.  Sau khi miền Trung thất thủ lọt vào tay Cộng quân, chúng tôi có nghe một người làm cho chính phủ than thở.

“Chế độ Thiệu đi theo vết xe đổ của Tưởng Giới Thạch, các ông tỉnh trưởng chết gục trên đống vàng!”

Nhà báo Phạm Huấn có nói.

“Theo dư luận, cái giá để mua chức Tỉnh trưởng qua đường dây bà Thiệu, bà Khiêm, thường thường từ 10 đến 20 triệu”

Tệ nạn mua quan bán tước ngày càng lộ liễu mà hầu như ai cũng đều thấy cả, những chức vụ, công việc hái ra tiền đều được mua bán sòng phẳng. Tại các bộ phủ, cơ quan trung ương cũng như trong quân đội, các quan chức lớn tham lam vơ vét lộ liễu. Nguyễn Đức Phương nói các hình thức tham nhũng tại miền Nam đã được nhóm nghiên cứu thuộc tổ hợp Rand xếp thành bốn loại chính buôn lậu, hối lộ, mua quan bán tước và lính kiểng, lính ma Trong phim Việt Nam Thiên Sử Truyền Hình (Vietnam, a Television History), ông giám đốc CIA khi trả lời phỏng vấn cho biết tham nhũng (corruption) đã phát triển quá độ tại miền Nam VN, chỗ nào cũng có, chính phủ Mỹ biết rõ và họ đã phải che giấu không cho báo chí biết sợ đến tai Quốc Hội, viện trợ sẽ bị cắt giảm.

Tại các tỉnh, viện trợ kinh tế, xã hội, bình định phát triển  bị đục khoét nhiều, viện trợ  Mỹ dùng vào mục tiêu kinh tế quân sự  đã vào túi các quan lại tham ô không phải là ít. Tham nhũng vừa phá hoại kinh tế quốc gia, vừa làm suy yếu tinh thần người dân cũng như người lính chiến.

Tham nhũng  ngày càng đào sâu hố bất công xã hội tại miền Nam, trong khi binh sĩ chết như rạ ngoài mặt trận thì tại các thành phố lớn, nhà giầu mua xe hơi bóng lộn, xây nhà cao năm bẩy tầng lầu. Con buôn đầu cơ tích trữ hái ra tiền nhờ chiến tranh rồi cho con cái đi du học ngoại quốc trong khi những kẻ sông pha mũi tên hòn đạn ngoài chiến trường phải chịu cảnh nghèo nàn thiếu thốn. Thực trạng xã hội đã ảnh hưởng rất nhiều đến tinh thần người chiến sĩ, họ phải hy sinh, chiến đấu cho một chế độ bất công thối nát, người dân thì bi quan chán nản không tha thiết ủng hộ chính quyền.

Khởi đầu từ 8 tháng 9 năm 1974, linh mục Trần Hữu Thanh Chủ tịch Phong trào Nhân dân chống tham nhũng cho phổ biến bản cáo trạng số 1 tố cáo ông Thiệu tham nhũng và yêu cầu từ chức. Tổng thống Thiệu bị tố tham nhũng nhiều vụ như nhà cửa, đất đai, đầu cơ phân bón, gạo miền Trung, buôn bán bạch phiến  phong trào lôi cuốn các nhóm khác như sinh viên, ký giả, chính khách. Đầu tháng 2 năm 1975, phong trào phổ biến cáo trạng số 2 tố cáo ông Thiệu nhiều tội và hô hào lật đổ bằng võ lực khiến ông phải dùng biện pháp mạnh cho bắt giam nhiều nhà chính khách, đảng phái. Phong trào chứng tỏ sự phẫn uất của người dân đã lên cao.

Người Mỹ chán nản, tiền của họ đổ vào từ bao lâu nay y như gió lùa vào nhà trống, cựu Đại sứ Bùi Diễm nói.

“Một quốc hội quá chán ngán chiến tranh và mệt mỏi vì đã yểm trợ một đồng minh có quá nhiều khuyết điểm và thối nát”

Nhiều người nói Cộng Sản Việt Nam hiện nay còn tham những thối nát gấp trăm ngàn lần chế độ VNCH trước đây, ta không thể so sánh như vậy để bào chữa cho chế độ Thiệu được. Chế độ Thiệu tham nhũng trong thời chiến nay CS tham nhũng trong thời bình khi chính quyền của họ đang vững chãi, hai sự kiện khác nhau.

Chuẩn Tướng Trần Văn Nhựt, cựu Tư Lêïnh Sư đoàn 2 BB trong hồi ký Cuộc Chiến Dang Dở của ông đã chỉ trích nạn bè phái, cho rằng nạn bè phái bổ nhiệm trong quân đội đã khiến cho nhiều người không có thực tài nắm giữ những chức vụ then chốt.

Một khuyết điểm lớn của Tổng thống Thiệu là không nắm vững tình hình quốc ngoại cũng như quốc nội, Chuẩn Tướng Nhựt đã nhận xét như sau.

“Việc ông sửa đổi Hiến Pháp để làm Tổng Thống thêm một nhiệm kỳ năm năm nữa chứng tỏ ông đã không nhìn thấy việc Hoa Kỳ sắp bỏ rơi Việt Nam và đã làm xáo trộn thêm tình hình chính trị trong nước. Như Tướng Khiêm phải ra mặt chống đối Tổng Thống Thiệu vì ông Thiệu không giữ lời hứa là sau 2 nhiệm kỳ làm Tổng Thống của ông thì tới phiên ông Khiêm.”
(Cuộc Chiến Dang Dở trang 273.)

Tổng Thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu

Người ta đã có chính sách bỏ Đông Dương từ những năm cuối thập niên 60 và bắt đầu thực hiện dần dần vào đầu những năm thập niên 70, họ đã bắt đầu đi đêm với Trung Cộng nhưng ông Thiệu vẫn cho sửa Hiến pháp chuẩn bị ra ứng cử thêm một nhiệm kỳ nữa như thế ông không hay biết gì và quá lạc quan tin tưởng vào những lời hứa xuông của họ. Về điểm này, khi trả lời phỏng vấn của Phạm Huấn, Tướng Vĩnh Lộc nói ông Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ không phải chỉ đi dự tiếp tân mà phải làm một điệp viên (spy) cung cấp tin tức mật cho chính phủ VNCH. Vì thiếu tin tức ông Thiệu đã không biết trước mưu đồ của người bạn Đồng minh ngõ hầu soay trở kịp thời.

Ngay cả đối với tình hình quốc nội, ông Thiệu cũng không nắm vững, vì quá khinh địch cho rằng Cộng Sản Bắc Việt chưa phục hồi sau trận Mùa hè đỏ lửa,  họ không đủ khả năng tấn công vào các thành phố lớn.  Trong cuốn Decent Intreval, Frank Snepp, một chuyên viên cao cấp về phân tích tình báo chiến lược Hoa Kỳ thuộc văn phòng CIA ở Sài Gòn đã cho biết như sau.

“Một điệp viên trong bộ tham mưu thân cận của Tổng Thống Thiệu đã gửi một bản báo cáo tối mật về những kế hoạch và ước đoán của chính phủ Sài Gòn cho Bắc Việt. Theo báo cáo của tên gián điệp này thì vào hai ngày 9 và 10 tháng 12 năm 1974, có một phiên họp cao cấp về quân sự tại Sài Gòn nhằm vào việc thẩm định những dự tính của Hà Nội trong năm tới.Trong phiên họp này, các tướng lãnh cùng đồng ý với quan điểm của Tổng Thống Thiệu là trong những tháng sắp tới, Cộng Sản sẽ “chiến đấu trên một bình diện đại qui mô” hơn trong năm 1974 tuy nhiên sẽ không tổng tấn công như hồi năm Mậu Thân 1968. Điệp viên nói thêm rằng Tổng Thống Thiệu đã kết luận rằng các lực lượng Bắc Việt sẽ không đủ khả năng để tấn công chiếm giữ và bảo vệ các thành phố lớn,
(Trần Đông Phong trích dịch – Việt Nam Cộng Hòa, 10 Ngày Cuối Cùng)

Tài liệu phía Cộng Sản cũng có nói tới gần giống như vậy. Tướng Văn Tiến Dũng, Tổng Tham Mưu Trưởng Quân đội Cộng Sản Bắc Việt, người chỉ huy trận chiến xâm lăng miền Nam 1975 đã ghi nhận trong hồi ký của y (Đại Thắng Mùa Xuân) như sau.

“Theo tin tình báo của ta, trong hai ngày 9 và 10 tháng 12 năm 1974, trong “dinh Độc Lập”, Thiệu họp với bọn tư lệnh các quân đoàn, quân khu ngụy để phán đoán hoạt động của ta trong năm 1975. Bọn chúng nhận định.

Trong năm 1975, ta có thể đánh với qui mô lớn hơn năm 1974 nhưng không như năm 1968 và không bằng năm 1972. Ta chưa có khả năng đánh thị xã lớn hoặc thành phố, dù có đánh cũng không giữ được. Ta chỉ có thể đánh loại thị xã nhỏ và cô lập như Phước Long, Gia Nghĩa.”
(Trang 40, 41)

Trong khi trên  80% lực lượng chính qui Bắc Việt đã có mặt tại miền Nam nhất là tại Quân khu 1 và 2 từ cuối 1974 và đầu 1975 với quân số và vũ khí đạn dược gấp bội lần năm 1972 mà ông vẫn không hay biết. Theo ông Cao Văn Viên trong buổi họp cao cấp quân sự ngày 6-12-1974 nêu trên dưới sự chủ toạ của Tổng Thống Thiệu đã nhận định.

“Buổi họp kết luận năm 1975 là năm Cộng sản sẽ tấn công miền Nam để phá hoại cuộc bầu cử VNCH trong năm 1975 và gây tiếng vang trong cuộc tranh cử Tổng thống Hoa kỳ cho năm 1976…”
(Những Ngày Cuối Của Việt Nam Cộng Hòa trang 96)

Như vậy chứng tỏ ông Thiệu đã tỏ ra rất khinh địch, cho rằng CS chỉ đủ sức phá hoại cuộc bầu cử, không đủ khả năng đánh vào các thị xã, ông vẫn tin tưởng mình sẽ lên làm Tổng thống thêm một nhiệm kỳ nữa.

Về điểm này ông Nguyễn Tiến Hưng nói:

“Trái với nhiều người lầm tưởng, Sài Gòn và Washington không hề ngạc nhiên khi cuộc tấn công mùa Xuân 1975 xẩy ra. Tin tức tình báo cũng như đánh giá về khả năng này đã được thông báo đầy đủ cho phía Hoa Kỳ từ cuối năm 1974 qua nhiều ngả.

Ngày sáu tháng 12, 1974, một phiên họp mật tại Dinh Độc Lập về tình hình quân sự đã đi đến kết luận là năm 1975 sẽ có một cuộc tổng tấn công với mức độ 1972, đi tới cao điểm vào tháng 10, 1975 lúc đó có bầu cử tổng thống ở Việt Nam, rồi kéo dài tới 1976 là năm bầu cử tại Hoa Kỳ”
(Khi Đồng Minh Tháo Chạy -Trang 248)

Nhận định này chắc không đúng vì như đã dẫn chứng ở trên tác giả Frank Snepp, Đại tướng BV Văn Tiến Dũng, cựu Đại tướng Cao Văn Viên đều ghi nhận ông Thiệu cho rằng CSBV không đủ khả năng đánh lớn, đánh vào các thị xã mà chỉ để phá hoại cuộc bầu cử, BV chưa phục hồi sau trận mùa hè đỏ lửa. Chưa tới một tuần sau phiên họp quân sự cao cấp kể trên, vào ngày 13-12-1975 CSBV đưa ba sư đoàn đánh chiếm Phước Long khi ấy ông Thiệu mới tiên đoán là BV sẽ đánh lớn trong năm 1975.

Sự thất bại.

Chúng tôi xin sơ lược tình hình quân sự 1975. Phía Việt Nam Cộng: Hòa Không quân có 2,075 máy bay, đứng thứ tư trên thế giới về số lượng, binh chủng Thiết giáp có 2,200 chiếc (hơn 60% là M-113 và các loại xưa cũ), Pháo binh gồm khoảng 1,500 khẩu (60% là súng 105 ly, 25% loại 155 ly, 15% 175 ly), đây chỉ là những số thống kê lý thuyết, trên thực tế nhiều máy bay, xe tăng, đại bác bất khiển dụng, thiếu cơ phận thay thế. Hải quân có 1,600 tầu chiến và giang thuyền đủ các loại.

Lục quân có hơn một triệu, 40% là chủ lực chính qui khoảng 400 ngàn người gồm các lực lượng tác chiến và yểm trợ, 50% là Địa phương quân, nghĩa quân, không quân, hải quân, cảnh sát, đó chỉ là con số lý thuyết trên thực tế không hẳn như vậy vì phải trừ đi số lính đảo ngũ, lính ma lính kiểng… Quân đội VNCH tổ chức theo lối Mỹ, một người tác chiến có năm người yểm trợ thuộc các ngành tài chánh, quân y, quân trang, quân dụng, lính nhà nghề chỉ vào khoảng từ 160 cho tới 180 ngàn người. Chủ lực quân gồm 13 Sư đoàn (11 Sư đoàn BB và 2 Sư đoàn tổng trừ bị) và 15 Liên đoàn Biệt động quân (có tài liệu nói 17 liên đoàn) tương đương hơn 2 Sư đoàn (một Liên đoàn trên thực tế có hơn 1,000 người) bố trí như sau: Quân khu Một: 5 Sư đoàn và 4 Liên đoàn BĐQ, Quân Khu Hai: 2 Sư đoàn và 7 Liên đoàn BĐQ, Quân khu Ba: 3 Sư đoàn và 4 Liên đoàn BĐQ, Quân

Khu Bốn: 3 Sư đoàn.

Phía Cộng Sản Bắc Việt: Theo tài liệu của Nguyễn Đức Phương và tài liệu phía Cộng  Sản: Lực lực lượng chính qui Bắc Việt 1975 có 4 Quân đoàn (gọi theo thứ tự 1, 2, 3, 4) và đoàn 232 tương đương một Quân đoàn, mỗi Quân đoàn có 3 Sư đoàn, tổng cộng có 15 Sư đoàn chính qui, thêm vào đó một Sư đoàn đặc công, trên 10 trung đoàn độc lập, toàn bộ lực lượng vào khoảng 20 hoặc 21 Sư đoàn, trên 300 ngàn người. Lực lượng yểm trợ gồm trên 20 lữ đoàn, trung đoàn xe tăng, pháo binh, phòng không.

Hơn 80% bộ đội chính qui Bắc Việt đã có mặt tại miền Nam từ đầu năm 1975, họ để lại Quân đoàn I (gồm 3 Sư đoàn) ở ngoài Bắc làm lực lượng tổng trừ bị. Trọng pháo được ước lượng không chính xác vào khoảng trên 500 khẩu gồm 130 ly, 120 ly… xe tăng khoảng trên 600 chiếc phần nhiều là xe T-54. Theo tài liệu Cộng sản (Dương Đình Lập, Trần Cao Minh,  Cuộc Tiến Công Và Nổi Dậy Mùa Xuân 1975, trang 90, 91)  tại Quân khu 2  lực lượng BV gồm  5 Sư đoàn và 4 trung đoàn độc lập, tương đương 6 Sư đoàn. Tại Quân khu 1, lực lượng Cộng quân gồm 8 Sư đoàn (theo Tướng Cao Văn Viên gồm 5 Sư đoàn và trên 10 trung đoàn độc lập, theo Nguyễn Đức Phương gồm 7 Sư đoàn và 4 trung đoàn độc lập)

Xin nêu thêm những khó khăn của VNCH trong giai đoạn này: sau Hiệp định Paris hơn nửa triệu quân Đồng Minh đã rút đi, Quân đội VNCH một mình phải gánh vác toàn bộ chiến trường với nhiều khó khăn thiếu thốn. Tháng 6-1973 Quốc Hội Mỹ biểu quyết cắt ngân khoản cho tất cả các hoạt động quân sự Mỹ tại Đông Dương Việt Mên lào, được áp dụng từ giữa tháng 8-1973 cấm hoạt động quân sự trên toàn cõi Đông Dương. Tháng 10-1973 Quốc Hội Mỹ ra Đạo luật hạn chế quyền Tổng Thống về chiến tranh (Wars Powers Act), đòi hỏi Tổng thống phải tham khảo ý kiến Quốc Hội trước khi gửi quân đi tham chiến. Quân phí của Hoa kỳ trong chiến tranh Đông Dương tăng dần từ 1967 là 20 tỷ, năm 1968 lên 26 tỷ, năm 1969 lên tới đỉnh cao là 29 tỷ, nhưng năm 1970, 1971 tụt xuống còn 12 tỷ mỗi năm. Cuối 1972 Hoa Kỳ rút hết quân sau Hiệp định Ba Lê, năm 1973 viện trợ quân sự cho VNCH xuống còn 2 tỷ 1, năm 1974 chỉ còn 1 tỷ 4, năm 1975 tụt xuống còn 700 triệu trong đó kể cả ngân khoản để trả lương cho nhân viên DAO Hoa Kỳ.

Theo ông Cao Văn Viên như đã nói ở Chương Bẩy, hậu quả của cắt giảm quân viện khiến cho Không quân VNCH phải giải tán hơn 200 phi cơ chiến đấu, oanh tạc, vận tải thám thính, giảm giờ bay thực tập và yểm trợ, yểm trợ giảm 50%, vận chuyễn trực thăng giảm 70%, không vận bằng vận tải cơ bị cắt giảm 50%. Hoạt động Hải quân bị cắt giảm 50%, hoạt động từ tháng 7-1974 ở sông ngòi giảm 70%, giải tán 600 giang thuyền. Từ tháng 7-1974 hỏa lực giảm trên 70%. Vào tháng 2-1975, số lượng đạn tồn kho của tất cả các loại súng lớn, súng nhỏ chỉ còn khoảng 30 ngày. Tháng 4-1975, đạn tồn kho ở bốn kho dự trữ tuột dốc xuống mức thấp nhất chỉ đủ xài từ 14 đến 20 ngày. Kể từ sau Hiệp định Paris VNCH không còn trông cậy vào yểm trợ của B-52 nữa.

Theo Tướng Viên nạn đào ngũ (trang 79) đã khiến cho quân số thiếu hụt, hàng tháng lính đào ngũ trung bình lên tới 1,5 hay 2 phần trăm tổng số quân  và như vậy hàng  năm quân đội mất đi gần 1/4  quân số, hàng năm phải tuyển mộ từ 200 tới 240 ngàn người để thay thế số thương vong, đào ngũ nhưng trên thực tế không tuyển mộ được đủ số tân binh như phỏng định vì nạn trốn quân dịch.

Trong khi đó Cộng Sản Bắc Việt ngày càng gia tăng xâm nhập chuẩn bị đánh lớn, trong khi miền Nam bị Mỹ cắt giảm viện trợ thì BV được Cộng Sản Quốc Tế giúp đở không ngừng nghỉ. Như đã nói ở Chương Bẩy, theo cuộc hội thảo qui mô tại Sài Gòn ngày 14 và 15-4-2006 của Viện Lịch Sử Quân Sự CSVN, trong giai đoạn 1969-1972 Nga, Tầu, Đông Âu đã viện trợ cho Bắc Việt 684,666 tấn vũ khí đạn dược, trong giai đoạn 1973-1975 họ viện trợ cho BV 649,246 tấn vũ khí đạn dược. Khối lượng hàng viện trợ trong hai giai đoạn tương đương nhau nhưng giai đoạn trước (1969-72) sự vận chuyển vũ khí đạn dược gặp nhiều trở ngại vì bị không lực Mỹ trải bom, đánh phá, trái lại giai đoạn sau (1973-75) đường xâm nhập gần như bỏ ngỏ nên BV đã xử dụng 16 ngàn xe vận tải chuyên chở được nhiều vũ khí đạn dược gấp bội các giai đoạn trước.

Pages: 1 2

26 Phản hồi cho “Nguyễn Văn Thiệu và cuộc chiến 1975”

  1. Tuấn says:

    Bài này hay, mọi người nên đọc lại!

  2. NGÀN KHƠI says:

    BÌNH LUẬN NGẮN VỀ LỊCH SỬ

    Trước khi thực dân Pháp qua, đất nước VN thời quân chủ phong kiến, chưa có chủ nghĩa cộng sản, hay chưa có chế độ CS. Trong suốt thời kỳ dân tộc VN đấu tranh chống Pháp đưới thời thực dân, cũng chưa hề có ý thức hệ, hay lý thuyết CS. Nhưng kể từ thập niên 1930, chủ thuyết Các Mác hay lý thuyết CS, đã có mặt tại VN. Như thế, kể từ đây, đã có hai khuynh hướng rõ rệt. Khuynh hướng, hay mục đích của những người CS đã bắt đầu chủ yếu là nhằm xây dựng một đất nước VN cộng sản. Khuynh hướng, hay mục đích của những người không CS, hoặc chống cộng, chỉ thuần túy là muốn tranh thủ nền độc lập cho quốc gia, dân tộc, xây dựng một đất nước, hay một quốc gia VN dân chủ, tự do thuần túy, hay kể cả chế độ quân chủ đại nghị, nếu đối đế buộc phải như vậy. Nên nói gì chăng nữa, những khuôn mặt nhân vật lịch sử nổi bật nhất, trong suốt những thời kỳ sau này, chỉ có thể nói đến các tên tuổi mang tính thời sự, là nhà vua Bảo Đại, ông Hồ Chí Minh, ông Ngô Đình Diệm, và cuối cùng, là ông Nguyễn Văn Thiệu. Còn những người khác, nếu có mặt, có tên tuổi khác, cũng đều không quan trọng bằng. Trừ những người quần chúng nói chung, đi theo các nhân vật trên, cho dù mọi tính chất, vai vế, ý đồ, hay mục tiêu của họ ra sao, thật sự cũng đều hướng theo các nhân vật trên, mà không hoàn toàn có tính quyết định. Như thế, ngoài các nhân vật nói trên, không còn có ai quan trọng được hơn cả họ về mặt quốc nội. Nhưng về mặt quốc ngoại, còn có những thế lực quyết đinh khác. Đó chính là nước Pháp, nước Mỹ, Liên xô, Trung quốc, hay nói cách rộng lớn ra, tức bao trùm hơn trong bới cảnh chung đó, kể từ sau Thế chiến thứ hai, chính là khối CS hay XHCN, và khối tư bản, hay khối chống CS trên toàn thế giới. Vậy thì, ý nghĩa của cuộc chiến tranh chống Pháp trong suốt 9 năm, và ý nghĩa của cuộc chiến tranh Việt Mỹ, tại miền Nam và tại miền Bắc, từ 1954 đến 1975, đều không ra ngoài các nhân vật đã nói, và không ra ngoài chính bối cảnh lịch sử nói chung như trên. Tất nhiên, miền Nam thì nhân dân có ý thức độc lập, tự do, nhưng các chính khách thật sự mà nói, đều không có ai nổi bật lên, để nắm được vai trò lịch sử của dân tộc một cách chủ động, ngoài những con người từng nổi rõ như đã nói trên. Nhân dân miền Bắc, nói chung không thể ai có ý thức, suy nghĩ độc lập, tự do, mà chỉ nói theo lãnh tụ, làm theo lãnh tụ, tức là nói theo ý thức hệ CS, mà chính bối cảnh chung của thế giới lúc đó mang đến. Có nghĩa, ý thức của nhân dân, trong ý nghĩa của MTDTGPMN lúc đó, cũng chẳng khác gì ý thức của nhân dân của toàn miền Bắc thế thôi. Mặc dầu, ý nghĩa của toàn tuyến XHCN trong nước, chỉ hoàn toàn tuyên bố công khai là mục đích giải phóng miền Nam, chống Mỹ cứu nước. Điều này, trước 1975, nói chung còn nhiều chỗ chưa rõ ràng, nhiều người còn rất mơ hồ. Nhưng sau 1975, thì mọi sự đều đã trở nên quá rõ ràng, đã trở thành ván bài lật ngữa, nên chính những ai hãy còn mơ hồ, mới thật sự có vấn đề. Lịch sử đã qua lâu, mà ý thức cá nhân hay ý thức của dân tộc chưa chuyển, có nghĩa là dân tộc đó quả chưa thật sự ưu việt, hay đã bị làm cho không còn ưu việt nữa. Mà tiền đồ của bất kỳ quốc gia, dân tộc nào, cũng đều phải xây dựng trên tính ưu việt của toàn dân, hay trong nhân dân của nó. Tính cách ưu việt, chính là ý thức tự cường, ý thức dân chủ, tự do, tinh thần độc lập và tự chủ của mỗi công dân, và của toàn dân nói chung. Khi nào tinh thần hay tính chất ưu việt này bị tê liệt, hay bị vô hiệu hóa mất đi, thì đó chính là mối hiểm nghèo của toàn dân tộc, đất nước đó. Chỉ bình luận vắn tắt thế thôi, để thấy rõ hai tuyến chính trong dòng lịch sử của đất nước VN thời kỳ cận đại, chính là ông Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Hữu Thọ, ông Huỳnh Tấn Phát. Đó cũng là tuyến của chủ thuyết Mác, chủ nghĩa CS, của ý thức hệ CS. Còn tuyến kia thì có vua Bảo Đại, hay công dân Vĩnh Thụy, rồi đến ông Ngô Đình Diệm, ông Nguyễn Văn Thiệu, thậm chí cả đến ông Nguyễn Cao Kỳ nữa. Thế thì, chính hoàn cảnh, hay bối cảnh thế giới đã tạo nên những nhân vật nổi bật của VN, như trên đã nói, vì nhiều lý do, tính cách khác nhau. Nhưng có biết được như thế, mới có thể hi vọng được vào tiền đồ sáng sủa của đất nước ta sau này. Ngược lại, chỉ vì những lý do nào đó, mà có người, có nhiều người, hay hầu như toàn thể người dân VN ngày nay, dù ở đâu, hoàn cảnh thế nào, mà còn chưa nhận thức ra, hay còn phủ nhận sự thật lịch sử này, thì tiền đồ của dân tộc ta, thật sự vẫn chưa thể gọi là hoàn toàn sáng sủa và hi vọng được.

    Võ Hưng Thanh
    (21/8/11)

Phản hồi