WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Vui buồn nghề đưa đón: Chở đi đánh bài, chở đi bắt ghen!

“Làm nghề này vui lắm. Ði nhiều nơi, biết nhiều chỗ, tiếp xúc với nhiều người.” Anh Lâm, một người làm nghề “đưa đón” nói bằng giọng hào hứng. Trong khi đó, chú Thái, một “đồng nghiệp” như anh Lâm, lại chia sẻ bằng giọng chán chường, “Cùng đường rồi không biết lấy gì sống thì mới làm nghề này, chẳng có gì hấp dẫn hết.”

Vậy ra, cùng một công việc “đưa đón” nhưng từ những vui buồn với nghề mà kẻ yêu người ngán. Và hầu hết đều không nói tên thật. Trong lúc làm phóng sự này, trừ anh Mến và anh Lâm, những người “đưa đón” đều yêu cầu dùng tên khác!

Từ đưa đón người nhà, tới làm nghề đưa đón

Anh Mến bên chiếc xe van dùng chở khách.

“Ðưa đón” là tên gọi công việc của những người kiếm thêm thu nhập bằng cách chở khách đi đây đi đó.

Tuyến đường đi có khi rất gần như đi học, đi bác sĩ, đi mua đồ ăn; có khi rất xa như đi San Jose, đi Las Vegas, Arizona.

Khách hàng cũng đa dạng, đa thành phần. Khi là những em bé mẫu giáo, tiểu học, khi là những ông bà lớn tuổi không sống cùng con cháu, khi là một người từ tiểu bang khách sang chơi, lúc là những người từ Việt Nam sang du lịch và muốn tự khám phá thêm về những nơi ‘hấp dẫn’ không có trong chương trình đi ‘tour’.”

Họ không gọi đó là nghề “lái taxi” bởi đưa đón ít nhiều mang tính chất gia đình, quen biết, “thời vụ,” nhiều hơn là tính chuyên nghiệp.

Không ai có thể trả lời chính xác tên gọi nghề “đưa đón” ở đây có từ lúc nào, chỉ biết là nhiều người đến với nghề này một cách rất tình cờ.

“Thoạt đầu tui đưa đón bà xã đi làm ‘neo’ ở Santa Monica. Rồi ít lâu, chủ tiệm nhờ tui sẵn trên đường đi thì ghé chợ ABC đón luôn một số thợ không biết lái ‘freeway.’ Họ hùn lại đưa tui tiền xăng nhớt.” Chú Long kể chuyện mình bắt đầu làm công việc đưa đón như thế nào.

Sau khi vợ lái xe vững vàng, có thể tự chở những bạn ‘neo’ đi chung, chú Long lại được nhờ cậy chuyện đưa và ‘pick-up’ con của những người thợ ‘neo’ đến trường. Rồi khi những người quen biết có việc cần đi đâu đó, không có người nhà đưa rước, họ lại hỏi nhờ chú Long và “gửi tiền đổ xăng, uống cà phê.”

“Cứ vậy mà thành ‘nghề’ hồi nào hổng hay.” Chú Long nói về công việc mình làm từ 8, 9 năm qua

Ông Cường thì có ‘job’ đưa đón trẻ con đi học là bởi trước giờ ông vẫn lãnh nhiệm vụ đưa đón đám cháu nội ngoại đến trường, “để ba má tụi nó yên tâm đi làm.” Nhiều người nhìn thấy tưởng đó là “nghề” của ông và hỏi thăm khi “họ có chuyện về Việt Nam một tháng mà không biết làm sao kiếm ra người chở mấy đứa con đến trường.” Ông Cường nhận lời chở giúp, không ngờ miệng đồn miệng, nhiều người gọi hỏi nhờ. Thế là ông có thêm nghề “đưa đón” một cách bất đắc dĩ.

Trong khi đó, Anh Mến, người có thâm niên “đưa đón” trên 10 năm thì đến với công việc này theo “gợi ý của người nhà, sau khi đã trải qua rất nhiều nghề.” Vì đã xem đó là một “nghề” nên ngay từ đầu, anh Mến đã có hẳn một kế hoạch phải mua xe tốt, đăng quảng cáo trên báo, nhờ bạn bè người quen giới thiệu, và theo thời gian anh đã có hẳn nhiều mối khách ruột là các ca sĩ đi ‘show.’

Chú Thái không đến với nghề đưa đón một cách tình cờ như chú Long, ông Cường, mà “sau khi thất nghiệp, ở nhà chán quá, nên cũng gia nhập vào nghề ‘đưa đón’ vừa kiếm chút tiền vừa có nơi chạy tới chạy lui khỏi chồn chân, trong khi chờ kiếm việc làm ở hãng khác.”

Mỗi người đến với duyên nghiệp “đưa đón” có mỗi lý do khác nhau. Tuy nhiên, dù là vào nghề có sự chuẩn bị chu đáo, hay tình cờ bất đắc dĩ, hay thậm chí chỉ là lúc “nín thở qua sông,” thì người nào cũng có những kinh nghiệm, những câu chuyện và kỷ niệm rất riêng với nghề này.

Khách thua bài, quỵt luôn tiền xe

Cách đây 5, 6 năm, lúc mới vô nghề, anh Lâm được một người gọi chở đi Hawaiian Gardens Casino. “Ðường đi không xa nhưng họ tự trả giá khá sộp. Rồi trong câu chuyện qua lại trên xe, người đó hỏi mượn tiền. Tôi cả tin đưa họ mượn mấy trăm, rồi họ biến mất luôn.”

Cũng vì chuyện này mà từ đó đến nay, anh Lâm không bao giờ nhận lời chở ai đi sòng bài nữa.

“Mấy người đi đánh bài tin dị đoan lắm, nên họ không có muốn mình đòi tiền trước. Có hôm 2, 3 giờ sáng đang ngủ, họ gọi phone kêu đi đón họ về. Mình chạy lên sòng bài chở về đến nơi, họ nói ‘thua hết rồi, hết tiền rồi.’ Tức muốn chết cũng đành chịu.” Chú Long kể.

Anh Mến thì kinh nghiệm hơn với những người này, “Tôi nói trước nếu họ muốn tôi chở đi chở về thì phải đưa tiền trước cả 2 chuyến, và sau giờ hẹn 15 phút mà họ không ra về là coi như họ mất tiền.”

“Tâm lý của người đánh bài là nếu thua thì muốn gỡ, thắng thì muốn hốt thêm, thành ra nếu mình không cương quyết thì mình khổ,” anh Mến nói thêm.

Không chỉ “đau thương” với khách có máu đỏ đen mà người làm nghề “đưa đón” còn phải làm quen, chịu đựng với nhiều người “trái tính trái nết.”

Anh Mến nêu ví dụ, “Họ kêu mình chở đi đón thân nhân ở Việt Nam mới qua. Mình đã biết trước là người mới đến Mỹ thì thủ tục nhập cảnh rất lâu. Nói máy bay 2 giờ đáp, mình nói ở nhà 3 giờ đi là vừa, họ nhất định không chịu, bắt phải đi trước 2 giờ. Thời gian chờ đợi đó họ có chịu trả tiền đâu. Nhưng đôi khi vì giữ khách, mình cũng chìu.”

Nếu như khách của anh Mến muốn đi sớm thì khách của chú Long lại muốn cận giờ mới đi ra sân bay, “Trên đường đi, sợ trễ giờ họ cứ hối mình chạy lẹ, chạy lẹ. Ðến khi bị ‘quất’ cái giấy phạt ‘over miles’ thì mình lãnh đủ. Người biết điều còn ‘shared’ với mình chút đỉnh, nhưng số đó không nhiều.”

Anh Lâm thì lại gặp tình huống khác.

Chở một cặp vợ chồng có con nhỏ ra sân bay về Việt Nam. Dù đã nhắc nhở họ nào va li, nào hành lý xách tay, nào đồ ăn thức uống, bình sữa, nước uống cho em bé, “vậy mà cuối cùng lên freeway rồi họ cũng bảo là quên cái này cái kia.” Anh Lâm nhớ lại.

Quay xe lại cho khách lấy đồ “thực lòng không mấy vui,” nhưng anh Lâm cho rằng “thà như vậy còn hơn để họ ngồi gây gổ, đổ thừa nhau trong xe mình.” Có điều, theo anh Lâm nhận xét, những chuyện ‘nice’ với khách như vậy cũng được khách để ý ghi nhận và “kỳ sau lại gọi mình hoặc giới thiệu thêm cho người khác.”

Ngoài những chuyện như trên, hay chuyện những khách trông có vẻ rất sang trọng, nói chuyện ra cứ như “đại bác bắn” mà “trả giá mặc cả chi li đến sợ,” thì người làm nghề “đưa đón” đôi lúc còn làm cả công việc của một “thám tử nghiệp dư.”

Trong khi anh Mến cười nắc nẻ nhớ lại chuyện mình từng được một bà vợ thuê ngồi canh mấy tiếng xem ông chồng đi đâu, đậu xe ở đâu, ra vào với ai, thì anh Lâm lại rất nghiêm túc kể lại câu chuyện một lần khách nhờ chở đi “bắt ghen.”

“Khi làm như vậy anh có cảm thấy hồi hộp không?” Tôi hỏi.

“Không. Suốt mấy tiếng ngồi theo dõi ông chồng, rồi nghe câu chuyện của cô ta, mình thấy tội nghiệp cho nên nghĩ là mình cần phải giúp cô ta có bằng chứng ra tòa để giành quyền nuôi con, cũng như có được những quyền lợi cho đứa nhỏ.” Người “đưa đón” kiêm “thám tử” đáp.

Anh Lâm kể chuyện mình mang máy ảnh theo “đôi tình nhân” kia vào trong chợ và canh chụp lúc họ có cử chỉ “thân mật” với nhau ra sao, đồng thời cũng chuẩn bị luôn sẵn câu trả lời giả như họ hỏi mình chụp hình làm chi, chẳng khách gì ‘thám tử” thứ thiệt.

Anh Mến thì lại nhớ chuyện “đưa đón” một phụ nữ “đi tìm thầy bói làm bùa gọi chồng về.”

“Mỗi lần đi cũng tốn cả trăm, lần nào cũng nghe bả nói ‘thầy’ bảo kỳ này ông chồng sẽ bỏ vợ bé mà về với bả. Kết quả đâu chẳng thấy, đến lần thứ ba, thầy bói phán, ‘chắc anh chị hết duyên rồi!’ Ðúng là tiền mất tật mang. Tui không phải tiếc mất một mối ngon, mà tui thất tội nghiệp bả quá!”

Vui buồn nghề “đưa đón” còn là chuyện “làm nghề này lắm lúc như làm từ thiện.”

Ông Long kể, “Có mấy ông già bà cả ở nursing home muốn mua cái này cái kia ăn mà không có con cháu thì mình chở đi thôi, lấy tiền lấy bạc gì đâu.”

Anh Mến cũng từng chở nhiều người lớn tuổi, hoặc người ở Việt Nam mới qua định cư, đi làm giấy tờ, bởi “mình có kinh nghiệm, biết tiếng Anh nên vừa đưa họ đi mà cũng vừa giúp họ điền đơn, chỉ dẫn này nọ.”

Bằng giọng nói đậm chất người miền Tây, chú Long kể, “Hôm rồi chở hai ông cháu kia đi làm giấy tờ ‘interview’ xin tiền nhà. Mình cũng lấy số ngồi chờ mấy tiếng với họ. Khi chở về, vô tới chỗ họ ở trọ thấy tội nghiệp quá, cái giường cũng không có, chỉ có tấm nệm bỏ dưới đất ngủ. Thấy mà đau lòng. Tui mà khá tui còn cho họ thêm tiền chứ đừng nói là lấy tiền.”

Thì ra, nghề “đưa đón” đâu chỉ là một hành động đưa đi hay đón về. Ân tình chứa trong hai chữ “đưa đón” đó, nghe ra, thật nặng.

Nguồn: Ngọc Lan (Nguoi-viet.com)

Phản hồi