WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Dòng đời

Ảnh minh họa. Nguồn On the net

Chiếc máy bay lăn từ từ ra đường băng chính. Tiếng động cơ máy bay gầm lên, máy bay lao nhanh về phía trước và sau đó nhấc mình lên khỏi mặt đất. Lưng mọi người dán chặt vào ghế. Hắn cũng vậy, thở hắt ra một cái, mắt nhắm nghiền lại…

Hắn đã trở về Việt Nam! Nhưng đây là một chuyến trở về đầy sóng gió, không hề được hắn chuẩn bị trước. Đúng ra là hắn không hề muốn trở về bằng cách này.

“Mẹ kiếp, cuộc đời là vậy, thật chó má và đen đủi”, hắn nghĩ trong đầu như vậy.

Mọi người xung quanh hắn đang loay hoay, có người chuẩn bị ngủ. Chuyến bay Matcơva – Hà Nội hơn 11 tiếng đồng hồ, phải ngồi tại chỗ với chừng ấy thời gian kể cũng hơi lâu, nhưng hắn đâu có cần quan tâm. Hắn đã thoát được nửa chặng đường rồi. Còn một cửa nữa đang chờ nó ở Nội Bài. Nếu các chủ nợ của hắn phát hiện kịp thời việc hắn trốn đi thì chúng sẽ điện báo ngay cho người nhà ở Việt Nam, để báo công an bắt hắn ngay khi vừa đặt chân xuống sân bay. Nhưng hắn tin là sẽ thoát, vì hắn tính toán rất cẩn thận. Sáng nay hắn vẫn ra chợ như không có chuyện gì, về ăn cơm xong ra ngay sân bay, vé thì hắn đã mua từ mấy hôm trước. Và hắn tin rằng công an cũng không mấy nhiệt tình trong những chuyện này. Hắn đâu có làm chính trị. Mà giả sử có bắt được hắn đi nữa thì hắn cũng đâu còn đồng nào…

- Em ngủ một chút đây, anh bế con em với – tiếng vợ hắn mệt mỏi cất lên. Hắn đón lấy con bé từ tay vợ, nhìn con lòng hắn thấy nhói đau, có lẽ con bé cũng mệt vì thời gian chờ làm thủ tục khá lâu nên nó vẫn ngủ li bì. “Bố thật có lỗi với con!”, hắn lẩm bẩm trong miệng. Con bé mới 6 tháng tuổi, thế mà đã phải theo bố đi trốn…

Bốn năm về trước, hắn đã đến nước Nga. Hắn có thằng anh sang Nga từ hồi năm 1987, đi theo đường hợp tác lao động. Lần đó về phép thấy hắn làm ăn chẳng ra làm sao, nên đã đồng ý cho hắn sang Nga. Đi Nga là rẻ và dễ nhất, mọi chuyện “dịch vụ” lo từ A đến Z, hắn chỉ việc làm hộ chiếu và đến ngày là ra máy bay để đi. Sang Nga có người đón hắn và đem hắn về giao cho anh hắn, sau khi bàn giao hắn cho anh hắn, người đó lấy tiền, hình như là hơn 2000$ gì đó, là xong “hợp đồng”.

Hắn bắt đầu cuộc sống mới ở Nga với việc ôm quyển hội thoại Nga – Việt và bập bẹ những chữ đầu tiên. Được mấy hôm thằng anh hắn dẫn về cho hắn một bà giáo già để dậy nó tiếng Nga. Thế là hắn cặm cụi với mấy quyển sách đó, đến giờ anh hắn sắp về thì đi nấu cơm. Thức ăn anh hắn đã mua và để sẵn trong tủ lạnh, hắn làm quen dần với bếp ga và thấy nó cũng đơn giản, nấu nhanh và không bẩn nồi như đun củi ở quê.

Hắn sống trong một ký túc xá của người Việt cùng với anh hắn, vợ anh hắn đã về nước được hơn năm nay nay rồi. Thằng con trai của anh hắn gần 15 tuổi, học hành trễ nãi và thích tụ tập với bọn trẻ phố huyện, nơi anh hắn đã mua một căn nhà cách đây 5 năm về trước. Nỗi sợ của anh chị hắn cũng có lý, vì ở cái phố huyện bé nhỏ này nạn nghiện hút đã trở thành phổ biến và luôn ám ảnh các bậc phụ huynh.

- Anh ăn cơm thịt hay cơm gà ạ?- tiếng cô tiếp viên hỏi hắn. Ăn gì cũng được – hắn trả lời qua quýt. Bụng dạ nào mà ăn với uống – hắn nghĩ.

Hắn là một thằng nhanh nhẹn và tháo vát, mọi người luôn nghĩ về hắn như vậy và hắn cũng biết điều đó. Học hết cấp 2 là hắn đã bỏ học đi làm, hắn biết kiếm tiền từ rất sớm. Hắn biết chỉ có buôn bán mới có tiền nhanh chứ như bố hắn suốt cả cuộc đời chỉ biết lao động chân tay, hết ngoài ruộng lại về đến vườn, cào cào cuốc cuốc suốt cả cuộc đời mà vẫn có khá lên được đâu. Nếu nói về người nông dân thì bố hắn là người rất xuất sắc, ông làm việc không biết nghỉ ngơi là gì, những đêm trăng sáng ông cũng cầm cuốc ra vườn. Ông có thể trồng những loại rau trái mùa và rất tốt, có lẽ vì thế mà mẹ hắn mới có cái chạy chợ để nuôi năm anh em hắn. Kẻ thù của bố hắn là lười biếng và rượi chè. Có lần ông đã vác gậy nện cho hắn một trận vì ngủ dậy muộn. “Lười như mày rồi không làm được trò trống gì đâu!”, bố hắn vẫn thường bảo với hắn như vậy. Giấc mơ của ông là xây được một ngôi nhà thật to.

Hắn bắt đầu nghề buôn bán của mình bằng cách đi bán bánh đa. Hắn đến các lò mua bánh sau đó buộc vào xe đạp đi bán rong. Bán cái này vốn ít vì thế lãi cũng ít, nhiều hôm ế hắn đành ăn bánh đa trừ cơm. Hắn bỏ nghề này khi bị ngã xe và vỡ hết đống bánh đã nướng. Hắn theo bọn bạn đi mua chuối xanh để bán sang Trung Quốc, mấy tháng đầu công việc tiến triển tốt nhưng rồi một lần khi hắn và bạn bè tập kết được một xe chuối chở đến gần biên giới thì có lệnh đóng cửa biên giới do tranh chấp thương mại giữa hai nước, cả xe chuối phải đổ đi và hắn cũng bỏ nghề này. Sau đó hắn thử thêm một vài nghề nữa như bán thịt lợn, mà bán rong chứ không phải bán tại chợ. Cũng không thành. Lại bỏ. Lần này hắn ra tận Quảng Ninh kiếm ăn, lúc đầu hắn đi vác than cho mấy mỏ than lậu. Công việc nặng nhọc mà lương không được bao nhiêu, hắn chạy mua được cái bằng trung cấp kỹ thuật sau đó chuyển sang làm ở mỏ khác với công việc là “đánh mìn”, công việc này nhẹ nhàng hơn nhưng nguy hiểm hơn. Thế nhưng hồi đó còn trẻ nên có bao giờ hắn biết sợ là gì. Tiền bạc kiếm được hắn ném vào các cuộc ăn nhậu hết, mấy tháng mới về nhà một lần mà cũng có đem được về bao nhiêu, quà cáp cho mấy bà chị dâu và mấy đứa cháu là hết.

- Anh uống cà phê hay chè? – tiếng cô tiếp viên.

- Cho tôi cà phê, không đường.

- Mời anh – Một thoáng ngạc nhiên hiện ra khi cô tiếp viên thấy hắn không đụng vào suất ăn.

Sau 3 tháng học tiếng hắn bắt đầu ra chợ và phụ giúp anh hắn, bỡ ngỡ vài bữa đầu là hắn quen ngay. Công việc buôn bán ở Nga cũng vất vả chứ không đơn giản như hắn nghĩ. Buổi sáng 3-4 giờ là đã phải dậy, ăn uống qua loa là ra chợ. Bắt đầu mở “công”, (1) bày hàng. Hàng của hắn là đồ chơi nên bày biện hơi lâu. Hắn thấy mệt nhất là ra kho lấy hàng cho khách. Chợ thì rộng, kho thì xa, hôm nào bán được hàng thì nó phải chạy hàng chục lần ra kho, về đến nhà 4-5 giờ chiều, chân không muốn bước nữa. Nhiều hôm mệt chỉ ăn mì tôm cho nhanh để còn ngủ.

Không bao lâu hắn đã nhanh chóng quen việc, thành thạo mọi đường đi nước bước trong chợ. Hàng nào bán chạy hàng nào không? Ngày nào thì khách thành phố xa lên lấy hàng nhiều? Gặp công an thì phải đối phó sao? Gặp ban quản lý chợ thì phải làm gì?…Thậm chí hắn nhanh chóng vượt trội anh nó trong nhiều việc, nhất là trong lĩnh vực “ngoại giao”. Anh hắn vốn nông dân nên ít lời và cục mịch, còn hắn thì rất nhanh mồm, nhanh miệng, gặp ai cũng chào, cũng hỏi rất chân tình và vồn vã. Mọi người ngày càng quí mến và tin tưởng ở hắn.

Bao nhiêu năm lăn lộn ở Việt Nam đã cho hắn những bản lĩnh và kinh nghiệm quí báu. Anh hắn đã bắt đầu tin tưởng ở hắn, mọi công việc như giao nhận hàng, tiền đều đến tay hắn. Hắn rất sòng phẳng và rõ ràng trong chuyện tiền nong. Đã hứa với ai điều gì thì không bao giờ nó quên, nhất là trong chuyện tiền bạc. Vay trả, hắn chính xác như đồng hồ Thụy Sĩ. Hắn giúp anh hắn nhiều chuyện quan trọng, có lúc hàng về cần tiền để trả hải quan, anh hắn ngại không dám đi mượn đành nhờ hắn đi hộ và hắn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Không ngờ mọi tai họa của nó lại bắt đầu từ đó.

- “Con dậy rồi, em cho con ăn đi”- hắn lay gọi vợ.

Nhìn vợ, hắn vừa thương vừa giận. Vợ hắn đẹp. Cao ráo, trắng trẻo, chân dài, eo nhỏ. Mặc dù đã sinh đứa thứ hai, đứa đầu đã đi học lớp 1 và đang ở Việt Nam với ông bà nội, nhưng hắn biết vợ hắn vẫn còn khối kẻ trông theo khi ra đường. Hắn gặp vợ hắn trong hoàn cảnh cũng không giống ai. Dù hắn và vợ hắn đều là người Kinh xịn, nhưng gặp và quen nhau lại ở trên rừng, ở tận xó xỉnh của tỉnh Lào Cai. Hồi đó sau khi không làm ở Quảng Ninh nữa hắn đã lên Lào Cai thăm anh hắn, anh hắn lấy vợ và đưa nhau lên đấy sống. Hắn đã đi làm nương làm rẫy như một người dân tộc thật sự. Vợ nó cũng vậy, từ quê lên giúp chị gái trên đó và là hàng xóm của anh trai hắn.

Vợ hắn cũng học xong cấp 1 là bỏ, do nhà nghèo lại đông anh em. Lên rừng ở với anh chị. Hắn nhanh chóng chinh phục được cô hàng xóm xinh đẹp, bởi hắn đã từng yêu và yêu cả các em lẫn các chị. Vợ hắn là một cô gái nhà quê trăm phần trăm: đơn giản, mộc mạc, nghiêm túc trong tình yêu. Hắn dùng chiến thuật “Nước chảy đá mòn” chứ không dùng chiến thuật “Đánh nhanh thắng nhanh” như với mấy cô gái phố Huyện, hay mấy cô người yêu cũ đáng tuổi chị nó.

Đám cưới diễn ra sau đó một năm. Hắn thuê hẳn một chiếc xe hơi Lada sang quê vợ đón dâu, cả làng quê vợ hắn đổ ra đường xem. Đám cưới hắn lớn nhất ở làng quê nghèo khó đó, bố mẹ vợ hắn cũng nở mày nở mặt với xóm làng. Cưới xong hắn lại dắt vợ lên rừng, làm nương làm rẫy. Hắn và vợ hắn đã có những tháng ngày thật hạnh phúc trong mảnh rừng xa xôi đó. Những hôm trời có sương mù, chỉ một vài mét là không thấy mặt người, để tìm nhau hắn phải hú như Tac-zan trong phim “Người rừng”.

Những sáng mùa Xuân hoa Ban nở trắng rừng, hoa rụng đầy trên lối đi. Hắn biết cưỡi ngựa, xem được ngựa tốt hay xấu, dùng được hay phản chủ. Làm nghề nông ở trên rừng sướng hơn nhiều so với dưới đồng bằng, đất đai bao la và màu mỡ. Hạt giống cứ việc vứt hay vùi sơ dưới đất sau đó đến mùa là thu hoạch. Rất nhiều vụ nông sản hắn được mùa, chở xuống chợ Huyện bán, tiền thu được khá nhiều. Hắn và vợ tha hồ đưa nhau đi mua sắm. Đóng bộ tươm tất vào không ai nghĩ hắn và vợ hắn từ trên rừng xuống.

- Anh trông con, em đi xin ít nước sôi pha bột cho nó – Vợ hắn đưa con cho hắn và đứng dậy đi về cuối khoang máy bay.

Từ khi có hắn sang giúp một tay, anh hắn rãnh rỗi hơn và bắt đầu đi sang Trung Quốc tự đánh hàng chứ không lấy lại của các chủ ở chợ nữa. Thời gian anh hắn ở Tàu và về Việt Nam nhiều hơn thời gian ở Nga, nên mọi chuyện buôn bán giao tiếp đều do một tay nó quản lý. Hắn bắt đầu tính chuyện làm ăn lớn. Hắn mượn tiền mua một cái “công” đẹp, giá gần cả trăm nghìn đô. Sau đó một thời gian hắn lại tậu cho mình một chiếc BMW, sêri 5. Hắn bắt đầu nổi lên như một gương mặt sáng giá, nhiều người mới cho con cháu từ Việt Nam sang đã lấy hắn làm tấm gương để mà học tập.

Hắn quyết định cho vợ hắn sang, bên này một mình cũng buồn. Ngoài giờ đi chợ về hắn chỉ biết quanh quẩn trong “ốp” (Ký túc xá). Đi làm về chỉ biết tụ tập uống rượi, chơi bài, hát karaoke, đám đàn bà thì chúi mũi vào mấy bộ phim truyền hình trên VTV4. Đi đâu ra đường cũng sợ, gặp công an cũng chết, dù có giấy tờ đầy đủ đến đâu cũng bị vòi tiền, nếu không xì tiền ra sẽ bị chúng thu hộ chiếu với lý do là để xác minh xem “Hộ khẩu” thật hay giả! Sau đó có tìm đến nơi, lấy lại được hộ chiếu cũng toát mồ hôi. Không biết có nước nào mà bọn công an lại ăn bẩn như bọn công an Nga không? Mà lạ là bọn nó chỉ rình để bắt “Cộng” (2) thôi, chứ dân các nước khác có thế đâu.

Sang Nga 4 năm mà chỉ có một lần duy nhất hắn đi ngang qua Quảng trường Đỏ và chiêm ngưỡng công trình vĩ đại này qua kính ô tô. Đối với hắn và rất nhiều người Việt khác thì Mát-cơ-va hay bất kỳ thành phố nào của Nga cũng chỉ là nơi để kiếm tiền mà thôi. Khát khao làm giàu để thay đổi cuộc sống nghèo khổ nơi quê nhà luôn ám ảnh hắn. Quãng đường duy nhất mà hắn vẫn đi về đó là quãng đường từ nhà ra đến chợ. Nước Nga mấy năm gần đây lại còn thêm một vấn nạn nữa đó là bọn đầu trọc, cách đây không lâu chúng đã đánh chết một người đồng hương của hắn khi người đó ra thăm con mình, đang gửi ở nhà “Tây” về. Sự việc ồn ào lên mấy hôm rồi đâu vào đó, mạng người Việt ở Nga rẻ như bèo, chết hay sống đâu có làm ai xúc động, chỉ có thiệt mình.

Số tiền mà hắn vay mượn ngày càng nhiều lên, nhưng với tài ngoại giao khéo léo cộng với sự chính xác và uy tín của mình, mọi người vẫn cứ cho hắn vay. Tất nhiên là hắn trả lãi cho mọi người, phần trăm hắn trả rẻ hơn nhiều so với bọn cho vay lãi chuyên nghiệp. Mọi người nghĩ cho hắn vay, tuy lãi ít nhưng mà chắc hơn cho những chỗ khác, bởi hắn ít ra có tóc để nắm.

Công việc khó khăn dần, mấy chuyến hàng anh hắn đánh về đều sai chủng loại, chỉ một phần ba là bán được ngay còn lại phải bán lay, bán lắt. Tiền trả lãi hàng tháng nhiều dần lên, vợ hắn lại sắp sinh. Hắn bắt đầu thấy lo lắng vì thu không đủ chi. Thằng anh bên Tàu thì cứ gọi điện giục chuyển tiền sang để cho “công” đi, hàng tồn chất đầy dần lên trong kho. Hắn bắt đầu vay mượn các kiểu, từ vay lãi hàng tháng đến vay nóng tính phần trăm hàng ngày, hắn đều đồng ý tuốt.

Giữa lúc khó khăn chồng chất chưa có lối ra đó thì một lần đi ăn đầy tháng con thằng bạn, hắn làm quen với một trò chơi mới đó là: Cá cược bóng đá. Xưa nay hắn chưa bao giờ xem bóng đá. Hắn không mê bóng đá. Cờ bạc đỏ đen hắn cũng chơi nhưng chỉ dừng lại ở chổ “tá lả” hay “ba cây” là cùng. Thấy hắn có vẻ chăm chú, người bạn mới quen đó đã hướng dẫn nhiệt tình. Các thuật ngữ “chuyên ngành” như bóng to, bóng nhỏ, cửa trên, cửa dưới…lùng bùng trong tai hắn. Hôm đó hắn ra về chỉ nhớ có hai điều đó là số điện của thằng ghi độ bóng đá và biết rằng cá cược bóng đá rất dễ chơi và rất dễ thắng.
Thế rồi “Ma đưa lối quỷ đưa đường”, hắn đã lao vào trò cá cược bóng đá này như một con thiêu thân. Hắn không hiểu có phải “Cờ bạc đãi tay mới” hay số hắn phải “đứt bóng”, mà hồi đầu, lúc mới chơi hắn thắng liên tục. Có hôm hắn đặt một ngàn đô sáng hôm sau thắng được bảy ngàn đô. Hắn thắng được mấy lần như vậy.

“Kiếm tiền kiểu này cũng dễ thật”, ban đầu hắn nghĩ vậy. Chẳng mấy chốc sẽ có tiền để trang trải nợ nần. Có thêm ít vốn để kinh doanh là hắn sẽ thôi, hắn nghĩ vậy.

Hắn không ngờ, tưởng vậy mà không phải vậy! hắn bắt đầu thua. Càng thua hắn càng cố gỡ, càng gỡ càng thua. Nợ nần bắt đầu chồng chất. Tất cả những nơi có thể mượn được tiền hắn đều đã gõ cửa, dù lãi xuất cao hay thấp.

Hắn thấy khả năng chi trả của hắn không còn nữa, dù chỉ là trả lãi cũng không còn…

Con gái hắn đã ăn xong. Nó bắt đầu khó chịu khi không thấy thoải mái, nó bắt đầu khóc. Mấy hôm nay hình như nó cũng cảm thấy được bố mẹ nó đang rơi vào một hoàn cảnh đặc biệt nên cũng rất ít khóc.

- Ngoan nào, mẹ thương! – vợ hắn dỗ dàng con bé. Đầu óc hắn quay cuồng. Hắn nhìn vợ hắn và một cơn giận bỗng dâng lên trong lòng. Hôm hắn thông báo với vợ hắn rằng hắn đã phá sản, không còn khả năng trả nợ và có thể phải đi trốn thì vợ hắn tròn mắt và đổ sụp xuống như cây chuối khi biết hắn đang nói thật. Hắn giận cho sự cả tin đến ngu ngốc của vợ hắn vào hắn.

Từ khi lấy nhau đến giờ, vợ hắn luôn coi hắn như một ông Thánh, tin tưởng tuyệt đối vào hắn. Mọi chuyện liên quan đến làm ăn, tiền bạc không bao giờ vợ hắn cật vấn hắn. Khi nào cần tiền thì xin hắn. Công việc tốt xấu, hay dở ra sao, vợ hắn cũng không hỏi mà nếu có hỏi thì hắn gạt đi và vợ hắn cũng không hỏi thêm gì nữa. Vợ nó hài lòng với cuộc sống mà hắn tạo ra trong gia đình. Thỉnh thoảng cũng có mấy bà hàng xóm nói ra nói vào với vợ hắn là phải để mắt đến hắn, chứ để hắn tự do muốn làm gì thì làm như vậy không hay đâu, nhưng vợ hắn đều bỏ ngoài tai. Thậm chí con vợ nó ngu đến nỗi mấy tháng nay rồi hắn không đụng vào người vợ, mấy lần khi con bé ngủ, vợ hắn cố gạ gẫm hắn để “làm một cái” nhưng hắn đâu còn tâm trí để làm tình nữa, hắn giả vờ bảo “thôi giữ cho em, con còn nhỏ”, thế mà vợ nó cũng tin.

Khi biết được sự thật, hắn cũng đưa ra một phương án khác là hắn sẽ về Việt Nam trốn còn vợ nó thì xuống thành phố khác ở với một đứa em họ nhưng dứt khoát vợ nó không nghe. Hắn không muốn vợ hắn phải khổ, nhưng cuối cùng hắn phải chiều vợ là để vợ cùng trốn với hắn. Trong thâm tâm hắn biết vợ hắn nghĩ khác. Vợ hắn bị xốc nặng vì thần tượng bị sụp đổ. Nhưng sau khi khóc hết nước mắt, bình tâm lại vợ hắn bảo với hắn “Em đã là vợ của anh thì sống cùng sống, chết cùng chết, em sẽ đi cùng anh”. Hắn biết vợ hắn đang nói dối. Giờ thì hắn đã thân tàn ma dại thế này rồi, còn giúp gì cho vợ hắn được nữa. Vợ nó còn trẻ (và đẹp) nên nếu nó chịu ở lại thì chỉ một thời gian ngắn sẽ có thằng khác tìm đến ngay. Hắn biết là vợ hắn không dám ở lại một mình, sống dựa dẫm vào hắn quen rồi. Vợ hắn đã quen với cuộc sống phụ thuộc vào hắn, quen với sự chỉ bảo của hắn. Nếu phải sống một cuộc sống tự lập thì quả là một việc mà vợ hắn không (hoặc chưa) bao giờ nghĩ đến.

Phải trốn thôi, không thể chần chừ được nữa – hắn quyết định. Mấy hôm nay báo chí trong nước đang làm ầm lên quanh chuỵên một thằng Tổng Giám đốc của Bộ Giao thông – Vận tải chơi cá cược bóng đá có tháng thua đến 1,8 triệu đôla. Tên đó hình như là Bùi Tiến Dũng thì phải. So với tên này thì hắn chỉ là con tép riu.

“Mẹ kiếp! Tiền đâu ra mà lắm thế?” – Hắn nghĩ. Nếu hắn có một phần nho nhỏ số tiền đó thì không bao giờ hắn chơi trò cá cược này làm gì. Hắn cũng muốn làm người lương thiện. Hắn cũng không có ý định lừa mọi người, nhưng lỡ rồi đành phải theo. Đâm lao phải theo lao, hắn biết là hắn sai nhưng không đủ can đảm để dừng lại. Đành “cố đấm ăn xôi”. Không ngờ càng cố, càng giãy giụa thì hắn càng xuống dốc như xe không phanh.

Số tiền hắn nợ mọi người cũng gần ba trăm ngàn rồi. Hắn đã phải gán chỗ (3) và xe đi cho mấy chủ nợ thân thiết và gần nhà, nhưng cũng mới trả được gần một nữa. Cái khiến hắn phải trốn đi là nếu hắn có ở lại thì cũng không làm ăn gì được nữa. Trong kinh doanh mà mất uy tín và vốn lại không còn thì coi như “hết cửa”. Vả lại hắn là thằng sĩ diện, xưa nay để tạo cho mình vỏ bọc hắn đã xử sự như một ông chủ, luôn tỏ vẻ ta đây, thậm chí còn lên lớp này nọ. Hắn không còn mặt mũi nào nhìn mọi người nữa.
Hắn cảm thấy ân hận. Hắn thấy thương bố hắn vô cùng. Không biết bố hắn có chịu nổi cú sốc này không? Hắn biết bố hắn sẽ không bao giờ tha thứ cho hắn. Ngôi nhà mà hắn và anh hắn gửi tiền về xây cho ông cụ năm ngoái sẽ bị cả cái làng của hắn đem ra đàm tiếu, thị phi. Khi nhà xây xong đã bao nhiêu kẻ ấm ức, ghen tỵ. Thế nào rồi cái bọn rỗi hơi cũng sẽ phao tin ầm lên là nhà xây bởi tiền lừa đảo. Dù rằng khi gửi tiền về xây nhà cho bố hắn thì hắn vẫn chưa chơi cái trò đỏ đen này. Thằng anh của hắn đang ở bên Tàu, vẫn không biết gì chuyện hắn làm. Hắn biết anh hắn cũng sẽ không bao giờ tha thứ cho hắn. Anh hắn cũng đã quá tin vào hắn. Càng tin bao nhiêu thì càng thất vọng bấy nhiêu. Anh hắn sẽ hận hắn suốt đời. Hai mươi năm nay, anh hắn sống trong yên bình và luôn tin vào sự tốt đẹp ở đời, tin vào hắn. Thế mà…

- Máy bay đang hạ độ cao. Chúng ta sắp hạ cánh xuống sân bay quốc tế Nội Bài. Hy vọng chuyến bay làm quí vị hài lòng. Cám ơn và hẹn gặp lại – Tiếng loa rè rè, nghe câu được câu mất. Mặc quần áo cho con đi!- hắn bảo vợ.

Vợ hắn nhìn hắn, một cái nhìn ngây dại và lo lắng. Hắn với tay lấy hành lý và lầm lũi bước đi…

Moscow 1/2006

© Việt Hoàng

© Đàn Chim Việt

———————————
Chú thích:
(1) “Công”: tiếng lóng chỉ container hàng hoá của người Việt ở Nga và Đông Âu. Rất nhiều trung tâm lấy container làm thành một kiosk bán hàng hoặc kho ngoài trời.
(2) “Cộng”: Từ những năm 90, người Việt ở Nga và Đông Âu gọi “Cộng” như một tiếng lóng phổ cập cho tất cả những gì liên quan đến Việt Nam, ví dụ: Quán ăn Cộng, chè Cộng, khu buôn bán của Cộng,..v.v
(3): “Chỗ”: Chỉ địa điểm thuê để làm cửa hàng buôn bán trong các trung tâm, hoặc chợ mà người Việt thường sang nhượng hợp đồng thuê lại cho nhau (nhiều khi tới hàng chục ngàn đô la/chỗ).

Phản hồi