WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Ngày Xuân Đất Lạ

 

Nhật mộ hương quan xứ thị ?
Yên ba giang thượng sử nhân sầu.
Thôi Hiệu
Từ làng nổi Koh K’ek tôi đi ghe ra Pursat, rồi bắt xe đò trở lại Phnom Penh. Dọc theo quốc lộ 5, thỉnh thoảng, có nơi bầy bán mai vàng. Nhìn những cành hoa vừa nhu nhú nụ, sao hơi thấy nôn nao. Tết đến rồi đa!

Vào đến thủ đô Nam Vang lúc chiều vừa tắt nắng. Ngang công viên Tượng Đài Độc Lập, đôi chỗ, thấy bán bóng bay. Những chùm bóng đủ mầu rực rỡ, to hơn kích cỡ bình thường, với hàng chữ Việt (Cung Chúc Tân Xuân – Chúc Mừng Năm Mới) khiến tôi không khỏi ngẩn ngơ:

Không dưng thấy mắt hơi cay. Tôi đổ thừa tại khói xe nhưng lại nhớ đến lời kêu gọi thiết tha của ông Nguyễn Thiện Nhân hồi cuối năm trước: “Tất cả đồng bào Việt Nam ở nước ngoài nếu trong 40 năm qua chưa có dịp về nước thì nên về … chắc chắn sẽ thấy nó phát triển.”

Năm nay, Ban Tuyên Giáo còn “tiếp sức” với ông Chủ Tịch Mặt Trận Tổ Quốc bằng nguyệt san Di Sản Việt Nam (Vietnam Heritage – December 2016-January 2017 ) với nội dung vô cùng phong phú. Tất cả những bài viết đều bằng Anh Ngữ, kèm nhiều hình ảnh sống động: đua thuyền, thổi cơm thi, đá gà, dựng nêu, múa lân, đốt pháo …
Xem mà nhớ quê hương muốn ứa nước mắt luôn, và chỉ ước ao sao mình có thêm đôi cánh (hay được cấp cái visa) để bay về quê tức khắc. Nước Việt thiệt là nền nã, an bình, và phú túc.

Ảnh: Cao Phong

Ảnh: Cao Phong

Đọc đến trang cuối mới thấy một mẩu tin (“ Vietnam to slap higher fines on public urination”) ngăn ngắn, khiến độc giả – dù là người Việt – cũng phải bàng hoàng:

People who urinate in public will be fined VND1-3 million ($44-133) from February 1, 2017, according to a new government decree.

The fines have been raised significantly from the current $9-13.

Public urination is nothing strange in Vietnam, where there is an acute shortage of public toilets…

Data from Hanoi’s Department of Construction shows that the capital has 340 public toilets, but two thirds are located in residential areas and only 100 are situated along streets or at entertainment facilities.
Ho Chi Minh City faces the same problem with only 200 public toilets serving the needs of its 10 million residents and the 5 million foreign tourists that visit the city each year.
Úy, trời, đất, qủi, thần, ơi ? Giữa Thủ Đô Của Lương Tâm Nhân Loại và Thành Phố Hồ Chí Minh (Quang Vinh) mà mười lăm triệu người phải dùng chung chỉ có hai trăm cái nhà vệ sinh công cộng thôi sao?

Ảnh: internet

Ảnh: internet

Nếu thế, nếu có bệnh tiểu đường thì sống làm sao ở một đất nước mà khắp nơi đều có bảng ghi “cấm đái.” Đã thế, kể từ ngày 1 tháng 2 năm 2017 – theo luật lệ mới – mỗi lần tè bậy là có thể bị phạt đến 144 Mỹ Kim thì chịu đời sao thấu. Đ…mẹ, tiền (dollar) chớ bộ giấy lộn hay sao – mấy cha? Thảo nào mà nhà báo Lê Phú Khải đã phải nặng lời: “Có lẽ không có ở đâu trên trái đất này có một chính quyền cư xử với dân ti tiện như vậy.”

Thế là “giấc mơ hồi hương” tan vỡ. Lại phải tiếp tục đi thôi, dù chưa biết sẽ đi đâu? Thôi, cứ ghé đại chỗ nào làm vài ly cái đã:

Dừng chân nơi quán lạ
Thèm com chiều hương quê
Chị ơi thôi đừng đợi
Chiều nay em chưa về (tnt)
Chả quen biết ai ở Nam Vang, và cũng đã trải qua hai cái Tết chán ngắt ở Xứ Chùa Tháp rồi nên tôi nghe lời rủ rê của một người bạn đồng nghiệp (đang làm thông tín viên thường trực cho RFA, ở Thái Lan) bay sang Bangkok, rồi đi xe về vùng quê nghỉ chơi vài bữa.

Anh kết hôn với một cô giáo Thái, người vùng Chai Nat. Họ sống cách thủ đô chỉ chừng hai trăm cây số mà cảnh khung cảnh nơi đây an bình và trầm lặng khiến tôi cảm thấy ngỡ ngàng. Nhà hai người nằm cạnh bờ sông. Dòng sông (Chao Phraya) mà chỉ mới chỉ thoạt trông thôi tôi cũng đã “phải lòng” rồi: tĩnh lặng, hiền hoà và yêu kiều quá!

Ảnh chụp tháng Giêng 2017

Ảnh chụp tháng Giêng 2017

Tôi sinh trưởng ở cao nguyên, nơi chả có biển rộng hay sông dài gì ráo trọi. Suốt thời thơ ấu, tôi chỉ quen với những buổi sáng rừng tưng bừng (tiếng con vuợn hú) và những đêm trăng tà ngây ngất, hoang vu.

Mãi đến năm mười sáu – trong một chuyến giang hồ (vặt) đầu đời – khi đặt chân đến Tân Châu, tôi mới được nhìn thấy một nhánh sông Tiền đang cuồn cuộn cuốn mau dưới ánh nắng chiều lấp lánh. Tôi đoán đó là “Giòng An Giang” của Anh Việt Thu mà ca sĩ Ánh Tuyết đã khiến cho nhiều người thương mến:

Giòng An Giang sông sâu nước biếc
Giòng An Giang cây xanh lá thắm
Lả lướt về qua Thất Sơn
Châu Đốc giòng sông uốn quanh
Soi bóng Tiền Giang Cửu Long… 

Cô thôn quê đang giặt yếm trên sông
Tiếng sáo vắng trên đồng lúa xanh tươi 
Trâu lang thang, đôi cò trắng tung bay dập dìu. 
Tôi không thấy cô gái Thái nào giặt yếm, hay phơi khăn, trên sông Chao Phraya cả. Cũng không nghe “tiếng sáo vắng trên đồng lúa xanh tươi” nhưng cò trắng và cò quăm thì (ôi thôi) không phải từng đôi mà dễ đến hàng ngàn, bay rợp cả bầu trời.

Thỉnh thoảng, tôi cũng bắt gặp vài cánh cò lạc lõng ở California nhưng đến Chai Nat thì mới nhìn thấy tận mắt – lần đầu – cảnh vật an bình mà mình chỉ được nghe qua tiếng đàn giọng hát (trầm ấm) của Phạm Ngọc Lân:

Con cò lại bay trên đồng ruộng xanh
Tre già bảo nhau cúi đầu trầm ngâm
Cùng mùi khói rơm quen thuộc …

Đồng xanh, cánh cò, khói rơm, và trâu bò dục mõ … tuy cũng quyến rũ nhưng chính nét diễm kiều và hiền dịu của dòng sông Chao Phraya mới khiến cho tôi say đắm. Chợ họp không đông, ngay tại bến đò. Những con đò thưa khách, từ từ cặp bến rồi chầm chậm rời bờ. Dù không đón, cũng chả đưa ai, mà lòng cũng thoáng bâng khuâng.
Người dân Chai Nat đều có dáng vẻ chậm rãi và khoan thai y như con sông và bến đò của họ. Ở đây, rõ ràng, chả ai có việc gì phải vội. Tôi cũng thế, tôi cũng “chậm” lại (luôn) mà chả hiểu tại sao và tự lúc nào?

Sáng, chiều thơ thẩn đi dọc bờ sông. Nhìn nắng, nhìn nước, nhìn trời, nhìn mây, ngó lá, ngó hoa, ngó cây, ngó quả. Chao ơi, xứ sở gì mà thơ mộng và trù phú dữ vậy nè? Đu đủ, mía, xoài, vú sữa, chuối, dừa … mọc tá lả khắp nơi – kể cả ở những khúc sông hoang dã. Thiệt là quá đã!

Đã nhứt là đứng sau bất cứ búi tre, bụi chuối nào cũng có thể vạch quần tè mà không sợ làm bận mắt tha nhân. Tuy thế, đái bậy dường như chỉ là thói quen của người dân Việt (và người dân Miên nữa) chớ người Thái thì không.
Dọc theo bờ sông Chao Phraya, tại những khoảng cách nhất định, đều có những nhà vệ sinh chung. Tuy chỉ nhỏ nhắn thôi nhưng xinh sắn và sạch sẽ nên dân chúng không ai bị bệnh … đái đường!

 

Ảnh chụp tháng Giêng 2017

Ảnh chụp tháng Giêng 2017

Vợ chồng anh bạn còn cho tôi biết thêm rằng phong trào xây dựng nhà vệ sinh công cộng ở Thái Lan đã phát khởi từ hai mươi năm trước. Bởi thế, những chiếc ghế đá đặt phía trước cho khách nghỉ chân đều đã nhuốm rêu phong nhưng bồn tiểu và bồn cầu thì vẫn trắng tinh vì được thay thế định kỳ và cọ rửa thường xuyên.

Nghe mà lại nhớ đến lời khẳng định về sự “phát triển đất nước” của ông Nguyễn Thiện Nhân, và những với bài viết (dùng toàn những lời có cánh) trên Vietnam Heritage mà không khỏi thở dài!

Loài vật có thể tiểu tiện hay đại tiện bất cứ nơi đâu vì chúng không có ý thức gì về ngoại cảnh. Ép buộc con người phải sinh hoạt gần như cầm thú – trong những đô thị với hàng trăm ngàn người mới có một nhà vệ sinh chung – là điều chỉ có thể xẩy ra trong một chế độ bất nhân, nơi mà những kẻ nắm quyền “ăn không từ một thứ gì” – kể cả những cái cầu tiêu hay buồng tiểu.

 Tưởng Năng Tiến

18 Phản hồi cho “Ngày Xuân Đất Lạ”

  1. Lão Ngoan Đồng says:

    http://www.tienve.org/home/literature/viewLiterature.do?action=viewArtwork&artworkId=9177

    CỨT ĐÁI, ĐỪNG NGÓ LƠ !

    Dân gian ta có câu: “Thứ nhất quận công. Thứ nhì iả đồng”. Ỉa, được xếp trong hàng tứ khoái, nếu ỉa đồng nữa thì chỉ đứng sau cái sướng được làm quan. Câu nói này cho thấy rõ dấu vết của nền văn minh nông nghiệp, khi con người sống giữa thiên nhiên, chuyện ai nấy làm, đèn nhà ai nấy sáng. Hồi xưa, nhất là ở nông thôn, ít nhà nào có nhà cầu. Cả xóm, làm tạm bợ vài cái nhà cầu chung, có khi trên một cái ao, dưới nuôi cá tra. Nơi khác, chuyện phóng uế được thực hiện trên gò mả, hay bụi tranh, bụi đế. Trên các dòng sông, phân nổi lều bều là hình ảnh quen thuộc tại những vùng sông nước.

    Bịt mũi làm chi hỡi lão ông
    Qua cầu nhìn xuống đám xe tông
    Êm êm cục cứt trôi chờ rã
    Nhìn thẳng một đàn cá dưới sông
    (thơ Sơn Núi)
    Tại đô thị, người ta núp tạm sau các cây cổ thụ bên vệ đường. Ta đố kỵ những từ taboo, nhưng thực hiện chúng ít e dè. Có người nhận xét rằng một khác biệt văn hoá đáng kể giữa ta và người nước ngoài là chuyện gì họ làm ở chỗ kín, ta làm nơi công cộng, và ngược lại, và hai bên chê trách lẫn nhau.

    Nhà tắm, cầu tiêu là thành quả của nền văn minh đô thị, nó không thể xuất phát từ đời sống du mục hay nông nghiệp được. Quả vậy, lịch sử xuất hiện của hai loại nhà này ở nước ta có khá trễ, chỉ mới manh nha trong thế kỷ 20 vừa qua mà thôi, và hiện nay vẫn còn chưa hoàn thiện. Tại tỉnh Nghệ An, có xã không có được một nhà vệ sinh nào. Thế giới đã tổ chức trao giải thưởng cho toilet tiêu biểu hàng năm trên thế giới, nước ta chắc còn lâu mới nghĩ đến việc dự thi các giải này.

    Thực trạng của nước ta phơi bày rõ hơn trong quá trình hội nhập và công nghiệp hoá. Nhà đầu tư ngoại quốc thường than phiền về tình trạng không biết giữ gìn vệ sinh chung của công nhân viên người Việt. Họ hay quậy phá, làm bẩn nhà vệ sinh, và tệ hơn nữa, họ không biết ngồi trên bàn cầu cho đúng cách. Tại nhà máy sản xuất linh kiện điện tử Deawoo ở Bình Dương, người Hàn quốc có lúc phải tập hợp công nhân cả công ty lại để hướng dẫn họ cách vào nhà vệ sinh phải như thế nào, kể cả cách ngồi trên cái ngai vàng bằng sứ (procelain throne) của họ…. Mỗi khi tiếp một đoàn khách đến công ty, ba nơi mà họ chuẩn bị chu đáo nhất là nhà cầu, nơi đổ rác và nhà ăn. Có người cũng từng nói: “Muốn biết trình độ văn minh của một dân tộc, bạn cứ vào toilet của họ thì rõ”.

    Ở Việt Nam, đọc báo, nghe đài, ta được biết giáo dục khủng hoảng; đạo đức xã hội suy thoái trầm trọng; tham nhũng hối lộ, lạm quyền đã từ lâu thành quốc nạn. Tệ nạn xã hội ngày càng lan rộng, thanh niên hư hỏng, sa đoạ, tai nạn xe cộ thành nỗi ám ảnh kinh hoàng… Các đống rác dơ bẩn, ngập ngụa; các dòng sông, kinh rạch đen ngòm hôi thối tại những đô thị xinh đẹp; người dân thản nhiên vứt mọi thứ chất thải xuống nước, ra đường và làm chuyện toi lét trên phố, bất chấp mọi người dòm ngó; tại các điểm lễ bái linh thiêng lê lết kẻ ăn xin, móc túi; nhà vệ sinh hôi thúi, kinh tởm; trên các tuyến du lịch, du khách ăn mặc sang trọng sắp hàng bên vệ đường, hay ngồi lúp xúp trong các bụi cỏ chỉ để …giải quyết bầu tâm sự!

    (…)

    Về ngôn ngữ, người Việt chửi thề ngày càng nhiều hơn, lan xuống cả trẻ em, phụ nữ. Đâu đâu cũng có thể nghe những tiếng văng tục như thế, từ đường phố, công sở, trường học, lăng miếu… Nghiêm trọng hơn, ít khi người ta nói thật những gì họ suy nghĩ trong bụng. Ngôn ngữ trở thành một loại công cụ, một thứ vũ khí, để người ta trục lợi, để cầu an, để ba hoa… Vì vậy hầu hết là những lời dối trá.

    • Bến Tre says:

      Việc khan hiếm nhà vệ sinh , là hậu quả của phong trào ” Phân Bắc , tức là đổ thùng , tức là lấy cái ” Đầu Ra ” rồi đem đi bón cho cái ” Đầu Vào “.

      *******

      Lâu quá mới thấy bài của cố nhân , cũng thấy nhớ.

      Gia quyến và bản thân vẩn bình yên?

  2. Lão Ngoan Đồng says:

    Nhà tập thể không… hố xí
    Thời ấy Hà Nội đang cho xây hàng loạt nhà tập thể để giải quyết chỗ ở cho cán bộ, công nhân viên. Bên A là cơ quan chủ quản, bên B là bên công ty xây dựng (cũng thuộc về Nhà nước cả)
    Tới ngày nghiệm thu một khu nhà 5 tầng mới hoàn thành, bên A cử cán bộ tới xem xét, có kỹ sư của bên B đi kèm. Nếu bên A có gì thắc mắc hay yêu cầu sửa đổi thì bên B có thể giải thích hoặc đáp ứng ngay (thì mới lấy được tiền chứ!)
    Sau khi đi hết một vòng cả 5 tầng, bên A thắc mắc:
    - Các đồng chí hoàn thành đúng thời hạn, công trình đẹp đẽ, khang trang, thế nhưng tại sao không một tầng nào có hố xí?
    Kỹ sư bên B giải thích:
    - Bây giờ chúng ta đang ở trong giai đoạn chống Mỹ cứu nước nên phải hết sức tiết kiệm. Những gì lãng phí xa hoa, không cần thiết là phải cắt hết. Tiết kiệm cho Nhà nước, tiết kiệm cho công quỹ. Chúng tôi sau khi nghiên cứu kỹ dự án công trình này, xin ý kiến Đảng uỷ Bộ Xây dựng rồi mới bắt tay thi công. Theo dự án, tầng 1 dành cho nhà trẻ, mẫu giáo…
    Bên A:
    - Thế sao lại không xây hố xí?
    Bên B:
    - Các cháu nó đi ỉa vào bô rồi các cô mang đi đổ, vậy thì cần hố xí làm gì?
    - Thế tầng hai?
    - Tầng hai dự kiến dành cho học sinh, sinh viên, nhưng chúng nó có gì ăn đâu mà ỉa?
    - Tầng ba?
    - Tầng ba dành cho cán bộ công nhân viên, nhưng mà tranh thủ tám giờ vàng ngọc, họ ỉa hết ở xí nghiệp với ở cơ quan rồi.
    - Còn tầng bốn?
    - Tầng bốn dự định dành cho văn nghệ sĩ…
    - Thế họ không ỉa sao?
    - Chao ôi, văn nghệ sĩ thì chúng nó ỉa vào mồm nhau!
    - Tầng năm thì thế nào?
    - Tầng năm dành cho cán bộ cao cấp của các Cục, Vụ, Viện…
    - Thế các ông ấy ỉa vào đâu?
    - Giời ôi, các ông ấy ỉa đâu mà chẳng được. Các ông ấy ỉa vào đầu thằng khác hay là ỉa đâu cũng có thằng hót rồi.

    • Hùng AK 47 says:

      Quan bác mồm tru miệng tréo cố tình vu khống đảng nên nói không đúng sự thật. Kể từ sau năm 1969, Đảng và nhà nước ta đã lên kể hoạch & cho xây một hố xí lớn nhất trong cả nước để toàn bộ các nhà ở tập thể ở Hà Nội có thể sử dụng. Nơi này được gọi là lăng Bác. Bởi thế cho nên dân Hà Nội chúng em, cứ mỗi lần đi tiểu tiện thì lại bảo là đi thăm lăng Bác.

  3. Lonely Samurai says:

    Nếu thằng Trọng Lú chịu ói cái tượng HCM bằng vàng ra là cả Hà-nội mặc sức mà xài cầu tiêu. Thật khổ cho dân tui …..

  4. nguyen ha says:

    Dân Miền Nam ( Miền Nam ở đây là những người song dưới chính thể VNCH ), ít ai biết Hanoi đầu thâp niên 80 về ăn -ở. Đầu năm 80, tôi có dịp ra Hanoi,ở tại nhà khách Bộ -y-tế Giảng Vỏ-Hanoi. Khi đi cứ nghe, ra ăn- ở tại nhà khách của Bộ,lòng háo hức,vì lúc đó thời bao-cấp bên ngoài không có khách sạn nhiều sao như bây giờ. Ăn thì khỏi nói,vì cả nước đều cực khổ. Còn ở và vệ sinh ,thấy một lần tởn đến già ! Mổi buổi sang thức dậy khổ nhất là đi vệ sinh!. Phải lên lầu,đi bộ qua các phòng làm việc,rồi đến phòng đi cầu (toilet).Đây là phòng cải biên theo kiểu XHCN để lấy “phân xanh”! Ngồi ở trên cao ,gió thổi “phía dưới’,tôi nhìn xuống ,2 em bé “cháu ngoan Bác Hồ’ đang dung kẹp để gắp giấy báo giữa biển ruồi -xanh. Trời ơi sao lại làm thế,tôi nghĩ vậy. Nhưng chưa hết ,tôi lại gặp 2 cháu ấy, ở nhà tắm công cộng ,đang “cọ rửa” những miếng giấy vừa nhặt ở gầm cầu.Hỏi ra thì các cháu trả lời :giấy đem bán cho mậu dịch để tái-xuất !! Đó là ở Bộ Y-ế ! Đi thăm bờ Hồ ,tôi lại gặp 2 chị gánh đôi thúng ,rất going mấy người bán bún lá ở Miền Trung.Tôi hỏi : ở đây củng có bún lá .?Một chị cười và nói : c..ứt !!
    Tôi ngẩn ngơ ,càng ngẩn ngơ hơn chỉ sau phút chốc ,2 thúng c..ứt quăng gọn xuống hồ ! Nói ra thì có người cho quá đáng, Hanoi “trái tim” và “đỉnh cao trí tue” của nhân loại : Có môt thời, Người và Cá đều ăn Cứt ! ( xin lổi vì đây là sự that).Nhưng củng chính sự that nầy, mà đẻ ra Bà Bộ trưởng y-tế Kim-Tiến,một tai họa cho dân VN !

    • tungphung says:

      Cơ chế này không Kim Tiến thì lại có Kim Tiền tiên sinh ạ! Làm gì có người giỏi và có tâm lọt vào bộ máy chính trị cấp cao bây giờ nữa. Đại họa sau bao giờ cũng khủng khiếp hơn đại họa trước là quy luật muôn đời.

  5. Nguyễn Hưng says:

    Thế kỷ 21: Việt nam nước giàu dân mạnh dưới sự lãnh đạo quang vinh của Đảng CS :

    http://soha.vn – 16/11/2016

    Bộ Y tế thống kê rằng, có tới 30% trường học không có nhà vệ sinh hoặc nhà vệ sinh không đảm bảo những tiêu chuẩn tối thiểu về môi trường. Đối với các trường học ở nông thôn thì con số này lên tới 88%.

    06/21/2016- RFA:

    Một cư dân sinh sống tại khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long trình bày về thực trạng nhà vệ sinh cho người dân ở khu vực này như sau:

    “Ở đồng bằng Sông Cửu Long cầu tiêu bắc trên sông. Nhà trên sông thì bắc ngay cầu trên sông. Rồi ao cá tra; vẫn chưa triệt để dùng hố xí, dùng cầu tiêu tự hoại, vẫn chấp nhận ‘cầu tỏm’ trên sông, trên kênh rạch và trong ao hồ.

    Có thể nói ghê lắm; bây giờ ‘khuất mắt trông coi ‘ vậy thôi! Ở đây tôi dùng nước máy của Nhà máy nước Sông Hậu, chỉ trông cậy nhà máy nước họ lọc nhiều vòng kỹ thì tốt. Còn nói đến nông thôn thì vẫn cứ tình trạng nước thủy triều, con nước lớn, nước ròng rồi kênh rạch. Cầu tiêu vẫn bắc trên sông, hồ, ao luôn!”

  6. Nguyễn Hưng says:

    Thủ đô Hà nội, nhà vệ sinh ở các trường học ra sao ?

    http://baogialai.com.vn 28/10/2016

    Hệ thống nhà vệ sinh các trường học trên địa bàn Thủ đô vẫn đang trong tình trạng quá tải và… mất vệ sinh; nhiều nơi đã trở thành sự sợ hãi của học sinh và nỗi lo của các bậc phụ huynh.

    Sáng nào chị Thu Hoài (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cũng gọi cô con gái 8 tuổi dậy sớm và đi vệ sinh, có khi phải chờ 30 phút để con được đi “nặng”, chị mới yên tâm làm các việc khác. “Con tôi học tại một trường công lập trên địa bàn quận Cầu Giấy. Mang tiếng là trường ở ngay giữa Thủ đô, nhưng nhà vệ sinh thì bốc mùi, giấy vệ sinh vứt tung tóe. Ngay từ khi học lớp 1 cháu đã sợ đi vệ sinh và nói nhà vệ sinh như trong “Halloween” vậy; nên cháu hạn chế uống nước và nhịn đi “nhẹ” tại trường”.

    Tình trạng này cũng xảy ra ở một số trường tại quận Hoàn Kiếm ở trung tâm thành phố. Cháu Nguyễn Thu Hoài, học sinh một trường THCS cho biết: “Lên đến cấp II rồi nhưng cháu vẫn không thoát được nỗi ám ảnh nhà vệ sinh bẩn. Đừng nói đến xà phòng rửa tay hay giấy vệ sinh, mà nước nhiều khi còn không có để xả. Mỗi lần đi vệ sinh xong phải nhịn thở để đi ra”.

    Một giáo viên ở trường tiểu học quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội than thở: “Một trong những nỗi lo đầu năm học là sợ bị xếp vào phòng học gần nhà vệ sinh. Mùi khai, xú uế bốc ra khiến có lúc tôi phải kêu ca với ban giám hiệu”.

  7. Nguyễn Hưng says:

    Nhờ ơn Đảng CS quang vinh mà học sinh có những nhà vệ sinh như thế này đây:

    http://vietnamnet.vn 09/08/2016

    Nói về chuyện con sợ vào nhà vệ sinh của trường vì quá bẩn, chị Lê Vân (Vĩnh Phúc) cho biết, không ít lần chị thấy cảnh con “nhịn” tiểu và chỉ đợi về đến nhà là lao ngay vào nhà vệ sinh giải quyết. “Con giải thích nhà vệ sinh của trường quá bẩn, con không dám đi ở đó”, chị Vân chia sẻ.

    Chị Nguyễn Hoa (Hà Nội) kể: “Lần nào đi họp phụ huynh cho con, mình cũng cố tình đi vào khu vực vệ sinh xem sao. Khu nhà vệ sinh của các giáo viên thì không đến nỗi nhưng lượn đến chỗ vệ sinh của các con thì thôi rồi, bẩn đến nỗi không dám bước vào luôn. Nhìn chỗ bồn rửa tay thôi cũng thấy chắc phải đến cả tháng không có người cọ rửa”.

    Quá kinh hãi, chị Hoa gặng hỏi việc đi vệ sinh của con ở trường ra làm sao thì mới biết con cũng có cách khắc phục. “Hoá ra con cũng biết lén lên khu nhà vệ sinh các giáo viên để đi. Trường con mình học “tiêu chuẩn thành phố” mà còn thế này, không biết các trường khác thì như thế nào nữa”, chị Hoa bức xúc.

    Chị Trần Hạnh (Ninh Bình) chia sẻ: “Con mình đi học thì không dám đi vệ sinh. Mình thắc sao lại không dám đi thì con trả lời nhà vệ sinh trường con bẩn kinh lắm. Con mỗi lần bước vào là thấy buồn nôn. Giấy vệ sinh thì không có. Vậy mà hàng tháng tôi vẫn phải phải nộp tiền dọn vệ sinh, giấy vệ sinh cho con”.

    Sợ đến nỗi nhịn luôn cả uống nước

    Có cô con gái học lớp 2 tại một trường tiểu học ở Hà Nội, chị Lê Thúy Ngân bức xúc: “Mỗi năm chúng tôi đều phải đóng tiền vệ sinh cho trường thuê người dọn vệ sinh, thậm chí đóng cả tiền mua giấy nhưng vẫn rất bẩn”.

    Chị Ngân biết được điều này khi một lần tình cờ dẫn con vào nhà vệ sinh của trường nhưng cô con gái chả dám đi và kêu bẩn.

    Nghe con nói vậy, chị vào tận nơi xem thì mới hiểu rằng tại sao con lại sợ đến vậy. “Bệ vệ sinh mốc xì mốc xịt, hoen ố, nhà thì hôi hám. Nghe bảo nhà trường mỗi tháng trả lương thuê người dọn vệ sinh nhưng chả biết có dọn hay không. Họp phụ huynh tôi có phản ánh lại nhưng chả ăn thua, rồi đâu lại vào đấy”, chị Ngân kể.

    Chính vì điều này, mà ở lớp, con gái chị rất lười uống nước bởi sợ uống nhiều sẽ phải đi vệ sinh. “Con lười uống nước đến nỗi có đợt còn bị đi tiểu buốt. Quá nguy hiểm và tôi thêm việc phải nhắc cháu uống nước thường xuyên”.

  8. QL/ VNCH says:

    Hai câu trên tôi đọc trong Giai Thoại Làng Nho. Sau khi thống nhất đất nước Vua Gia Long (Nguyễn Ánh) phong tướng (Tiền Quân) Nguyễn văn Thành trấn giữ đất Bác (Bắc Hà). Nguyễn Văn Thành lập lể Chiến Sỉ Trận Vong tưởng nhớ Chiến Sỉ bỏ mình vì nước, cổng vào trước đài có hai câu đối (không chuẩn bị trước) vì ông nghĩ tất cả văn võ bá quan một bụng ăn chương, trước khi hành lể bàn nhau viết cũng được. Bá quan đưa nhiều câu đối nhưng chưa thuận. Ô Tổng Trấn Ng V Thành nhìn xuống người đứng dưới đài thấy một người mỉm cười gọi hỏi (bắt lỗi) chổ quan đàm luận sau có thái độ bất lịch sự nếu không làm được thơ sẽ bị phạt. Ông này nói là mượn hai câu thơ trong thơ Đường, ông TTrấn Ng. V. Thành nói sau cũng được miễn hay: “Bóng chiều đã ngã đâu làng củ
    Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai.” Hai câu đối hay quá ai cũng đồng ý bá quan lo viết dán lên, chừng nhớ lại người cho câu đối đi mất rồi. Sau này hỏi ra thì biết đó là Khoá Liếm (học trò tên Liếm). Quan và học trò trở thành bạn, khoá Liếm có khuyên ông T.trấn công thành, danh toại nên từ quan, cái gương Việt Câu Tiển, phạm Lãi và Văn Chủng, ông Nguyễn v Thành có lẽ nghĩ đến công trận nhiều quá nên không từ quan (đoán vậy). Sau này bị chém toan gia ( cũng vì một bài thơ) xin phép tóm tắt.
    .

  9. Người Sài gòn says:

    Hai câu thơ (của Thôi Hiệu) trên đầu bài viết, bị thiếu mất một chữ (hà) trong câu thứ nhất, nên đọc thấy kỳ kỳ:
    Viết đúng là:

    Nhật mộ hương quan hà xứ thị ?
    Yên ba giang thượng sử nhân sầu.

    • tungphung says:

      Nghĩa tiếng Việt là gì? ông có thể dịch được kh? Cám ơn nhiều!

    • COTODA says:

      Đây lá 2 câu thơ cuối (câu 7-8) trong bài thơ thất ngôn bát cú Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu.

      “Nhật mộ hương quan hà xứ thị,
      Yên ba giang thượng sử nhân sầu”

      Tản Đà dịch :

      Quê hương khuất bóng hoàng hôn
      Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai

      Giải Nghĩa:

      Trời về chiều tối, quê nhà nơi đâu?
      Khói sóng trên sông khiến người sinh buồn!

      Nghĩa từng chữ:

      Nhật : ngày, mặt trời ; mộ : tối, lúc hoàng hôn ; hương quan : cổng làng, quê hương ; hà : gì, nào ; xứ : nơi, chỗ ; thị : ấy, thế

      Yên : khói ; ba : sóng ; giang thượng : trên sông ; sử : khiến, làm cho ; nhân : người ; sầu : buồn

      • tungphung says:

        Hay quá! Tôi năm nay cũng trên 50 nhưng không rành Hán Việt và thơ Đường nên được tiên sinh chỉ cho thấy khoái chí vô cùng.

  10. tungphung says:

    Năm mới chúc tiên sinh sức khỏe và nhiều may mắn (đừng để rơi vào tay VC, nó hành hạ dã man đấy vì nó ghét những người như tiên sinh lắm lắm).

Leave a Reply to Lão Ngoan Đồng