WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Cú và Chim Se Sẻ

Kịch bản: Stephane Gauger
Đạo diễn: Stephane Gauger
Quay phim: Stephane Gauger
Phát Hành: Bùi Timothy, Trần Hàm, Phạm Nghiêm
Diễn viên:
Lan: Cát Ly
Hải: Lê Thế Lữ
Thủy: Phạm thị Hân
Chú Minh: Nguyễn  Hậu
Phi công: Trọng Hải
Phương: Nguyễn Kim Phương
Cậu Bé Bán Mì: Hoàng Long
Dài: 97 phút

SAN JOSE – Hai giờ 15, trưa chủ nhật 18 tháng 1, 2009, đèn rạp Camera 12 đã tắt mà nhiều người vẫn còn lục tục kéo nhau tìm vào ghế ngồi để thưởng ngoạn một phim Việt-Nam mới nhất: Cú và Chim Se Sẻ. Nếu những người chưa xem Owl and the Sparrow chỉ nghe đến tên cuốn phim này, họ có thể hình dung đến một chuyện ngụ ngôn, thì chưa hẳn họ đã sai. Đạo diễn và tác giả kịch bản cuốn phim, Stephane Gauger, cho biết anh làm phim này theo dạng một chuyện cổ tích/ngụ ngôn, nghĩa là anh muốn đề cao tình người và bản chất tốt lành của người Việt (Sàigòn?) dù sống trong một hoàn cảnh trái ngang và nghiệt ngã, lòng thành và nhân đạo cũng sẽ chế ngự. Qua phim này, anh muốn tặng cho Sàigòn, nơi chôn nhau cắt rún của mình, một món quà nhân ái, một lá thơ tình bày tỏ tâm hồn trong sáng của mình.

Thế nào? Một người mang tên Stephane Gauger, cao gần 2 mét, (6 feet 3″) nhìn vào thì không có vẻ là Việt Nam, nhưng mà lại yêu thành phố Sàigòn ồn ào, náo nhiệt đến thế à? Làm cách nào để quay một đề tài trần trụi về những (một) đứa trẻ mồ côi đi bán hoa ở giữa chợ đời khói bụi như thành đô Sàigòn mà không đập vào mắt khán giả với những thực tế trắng trợn đến rùng mình hoặc nói lên những chuyện khôn lường và điên đảo ở chốn giao du phồn hoa xe cộ của hơn 8 triệu dân số (hiện nay số thống kê không chính thức nhưng có lẽ gần với sự thật hơn là 10 triệu).

Đúng vậy, một kịch bản viết theo kiểu phim tài liệu, nói lên mặt trái của thành phố và những cư dân của nó có mang lại cho người xem những hụt hẫng không? Hẳn nhiên, tùy theo tâm trạng mà sự thẩm định của khán giả sẽ nằm ở mức độ nào. Nhưng một điều khó chối cãi, là trong phim này, bất kể bề trái của nó, Sàigòn vẫn mang lại những phút ấm lòng, an toàn cho những nhân vật nhỏ bé nhất, hiền hậu nhưng đầy nghị lực, như Thủy, một hoa sen mọc lên giữa đầm lầy. Nó gợi lên một hình ảnh hiền lành dễ thương khiến ít ai nỡ lòng làm hại em, kể cả khi em nằm ngủ ở bờ sông. Hoặc được cậu bé bán mì không nỡ bỏ đói. Chính vì những hình ảnh như vậy đã hấp dẫn người xem, mang lại điểm son cho đạo diễn và cuốn phim bình dị, một cốt truyện chỉ xảy ra trong vòng năm ngày.

Độc giả nào chưa xem cũng nên đi để chứng kiến đạo diễn Stephane lồng sự đối xử nhân cách vào cốt chuyện của ba tâm hồn lạc lõng tình cờ gặp nhau tại giao điểm Sàigòn như thế nào. Lan, một tiếp viên của Hàng Không Việt Nam, trong tuần nghỉ phép, đương tìm lối thoát khỏi một vụ ngoại tình với một phi công (cơ trưởng) VNHK đã có vợ; Hải, một người nài voi ở sở thú, thất tình vì bị hôn thê (Phương) ruồng rẫy; Thủy, cô bé mồ côi cha mẹ, trốn xưởng làm hà khắc của ông chú để bôn ba giữa chốn thị tứ xô bồ kiếm sống. Thật ra, những mảnh đời rách nát vẫn có thể tìm giao điểm ở Sàigòn, khác chăng các nhân vật chính trong phim, qua những hoàn cảnh tương tự với đời thường như vậy có hành xử tử tế và từ tốn trong một chốn cuồng vội như thế hay không.

Trong các nhân vật trong phim Cú và Chim Se Sẻ, có lẽ cô bé Phạm thị Hân là diễn viên xuất sắc nhất, tuy rằng cô chỉ 10 tuổi và đây là lần đầu tiên cô đóng phim. Ngoài đời mẹ cô là người dạy múa. Anh Lê Thế Lữ (rất xuất sắc trong Mùa Len Trâu của đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh) nhưng trong phim này với vẻ mặt trầm buồn cố hữu, khó đăm đăm của mình, làm như anh không thể vượt qua nổi mối tình dang dở với Phương nên có vẽ hơi bị ngượng nghịu khi đóng chung với Lan, ngay cả khi vui tươi, hớn hở được giáp mặt với người tình mới. Tuy rằng chính bé Thủy đã đặt tên cho Hải là Cú (vì bé cho là Hải khôn ngoan), Lan là Se Sẻ (mang lại niềm vui), theo tôi, chính cô bé mới là Se Sẻ, vì cô bé đã một tay làm mai, mang hai tâm hồn lạc lõng đến với nhau, xứng đáng giữ vai trò then chốt trong phim.

Hai người thiếu một chất xúc tác (chemistry) nên không được tự nhiên với nhau lắm, nhất là khi đối đáp với Lan. (Cát Ly, thủ vai Phương trong phim Vượt Sóng của Hàm Trần, trong phim này cô đóng vai Lan, tuy nhiên khán giả khó có thể nhận diện ra cô!) Cát Ly có một diễn xuất không đồng đều, nhiều lúc cô bộc lộ được một vẻ suy tư trầm mặc, khó ở vì mối tình vụng dại với một người đàn ông đã có vợ, nhiều lúc lộ vẻ lúng túng, ngượng ngập. Qua giọng nói, tôi nhận ra được nét Việt kiều của cô. Kết cục cuộn phim nói lên sự hy sinh cho tình người, cho lý tưởng, nhưng có lẽ không được thực tế như trong đời thường.

Làm thế nào để thực hiện một phim phóng sự (tốn khoảng 60,000 Mỹ kim, 15 ngày quay ở 30 địa điểm khác nhau, hoàn toàn ở Việt Nam) mang tính chất tài liệu thật như mình muốn mà vẫn giữ được tính nên thơ, hồn nhiên của một phim hư cấu – như đã thể hiện qua lối diễn xuất tự nhiên và tài tình của bé Phạm thị Hân? (năm nay 12 tuổi, vì phim được thực hiện trong năm 2006). Đó là điều đạo diễn Stephane mong mỏi. Anh là người mong muốn tình người, chia sẻ nỗi đau và kinh nghiệm của một thành phần xã hội Việt Nam. Liệu anh có hiểu được tâm lý và Việt tính không? Xem xong phim Cú và Chim Se Sẻ có thể giúp chúng ta trả lời được câu hỏi này.

Người ta có thể hình dung anh Stephane vào sở thú tìm nơi ẩn trú, tránh cảnh xe cộ inh ỏi nhức đầu của đường xá, bổng nhiên tìm ra nguồn hứng thú cho câu chuyện phim giữa thú và người (đúng như lời kể của anh). Nhưng ai có thể mường tượng một người mang cái vỏ của một khách ngoại quốc như anh, thu mình vào một góc nào đó ở các nơi như tiệm ăn, khách sạn, phòng trà, chợ búa Sàigòn, nghe ngóng (lén) những câu chuyện Việt xảy ra quanh mình rồi lấy nó làm tài liệu cho cuốn phim của mình. Một người Mỹ như anh mà nghe được tiếng Việt à?

Vâng, anh nói tiếng Việt sành sỏi lắm, (kể cả tiếng Pháp nữa). Mỗi năm về Việt Nam 2 kỳ, hay trà trộn và kết thân với đám trẻ mồ côi ở Sàigòn, biết được cuộc sống của những trẻ đầu đường xó chợ, những cháu bán hoa, cho đến nay anh vẫn thường đóng góp tiền bạc cho những cô nhi viện ở Sàigòn. Thật ra, mẹ của Stephane là Việt Nam, cha anh là người Mỹ gốc Đức (là một nhà thầu xây cất cho quân đội Mỹ trong những năm chiến tranh Việt-Nam). Anh sinh ở Sàigòn năm 1970, cùng với gia đình rời Việt Nam năm 1975. Sau 5 năm sống ở Guam và Houston, Texas, gia đình anh dọn về quận Cam và anh trưởng thành tại đó. Ra trường Fountain Valley High School, sau đó tốt nghiệp Cal State Fullerton.

Tuy đây là cuốn phim vào thị trường đầu tiên của Stephane, và có thể ít người để ý đến tên tuổi anh, nhưng thật ra Stephane Gauger đã làm việc trong ngành điện ảnh gần 15 năm nay. Bắt đầu từ năm 1995, anh – một chuyên viên ánh sáng – đã gặp và hợp tác với hai anh em họ Bùi, Tony và Timothy trong phim Ba Mùa. Sau đó đã sống ở Thái Lan 2 tháng để giúp Trần Hàm hoàn thành cuốn phim Vượt Sóng. Ngay cả chính người viết, tuy đã coi phim Giòng Máu Anh Hùng (The Rebel của Charlie Nguyễn) cũng không ngờ chính anh đã thủ vai sĩ quan người Pháp tên Derue trong phim ấy.

Hiện nay anh, cùng viết kịch bản với Timothy Bùi, cũng vừa hoàn tất cuốn phim Mỹ “Powder Blue” với các vai chính như Forest Whitaker, Ray Liotta và nữ diễn viên mát da mát thịt Jessica Biel. Anh cũng sắp cho ra mắt cuốn phim tài liệu Vietnam Overtures, nói về nhạc viện Việt Nam và sự hợp tác của họ với nước Na-Uy trong khâu nhạc cổ điển. Anh cùng với Bùi Timothy, Trần Hàm, và hai thương gia Việt Nguyễn Kenneth và Trần Nguyên mở một công ty để phổ biến (lăng xê) phim Việt có tên là Wave Releasing. Mục đích nhằm phát huy cái hay đẹp của phim Việt với các dòng chính ở Hoa Kỳ và thế giới, giúp cho những nhà làm phim độc lập có cơ hội tìm được đại lý quảng bá phim Việt một cách rộng rãi trên thị trường quốc tế cũng như mang lại được một khoản thu nhập xứng đáng với tài nghệ và nổ lực của các nhà làm phim hơn. Một nổ lực đáng tán thưởng và cổ động.

Owl and the Sparrow/Cú và Chim Sẻ khởi sự trình chiếu, bắt đầu January 16th (16/01/09) ở Los Angeles và Quận Cam/Orange County sau đó sẽ mở rộng đến những thành phố dưới đây:

January 16, 2009 (16/01/2009)

Laemmle Sunset 5
8000 W Sunset Blvd
Los Angeles, CA 90046
Giờ chiếu: 1.40p  4.20p  7.15p  9.45p

Regal Garden Grove
9741 Chapman Ave
Garden Grove, CA 92841
(714) 534-4777
Giờ chiếu: 12.10p  2.40p  5.05p  7.30p  10.05p

Edwards Westpark
3755 Alton Pky
Irvine, CA 92604
(949) 622-8609
Giờ chiếu: 1.30p  4.30p  7.30p  9.50p

Sắp Chiếu:
January 23, 2009 (23/01/09) – San Jose, Camera 3
February 6, 2009 (06/02/09) – Dallas & Houston, Sẽ thông báo giờ sau
February 13, 2009 (13/02/09) – San Francisco, Sundance Kabuki Theater

Events:

January 16, 2009 (16/01/09)
Laemmle Sunset 5 – West Hollywood
Meet writer/director Stephane Gauger & Exec. Producer Timothy Linh Bui (Green Dragon, Three Seasons) @ the 7.15p & 9.45p showtimes for Q&A

January 17, 2009 (17/01/09)
Edwards Westpark 8 – Irvine
Q&A with writer/director Stephane Gauger @ 4.30p & 7.30p showtimes

© 2009 Đàn Chim Việt Online

Phản hồi