WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Vicky Cristina Barcelona: phim tình cảm, kịch tính trớ trêu hay phim hài?

Thời lượng: 96 phút
Chấm điểm: *****/*****
Đạo diễn và kịch bản: Woody Allen
Diễn viên: Rebecca Hall, Scarlett Johansson, Javier Bardem, Penelope Cruz, Chris Messina, Patricia Clarkson, Kevin Dunn, Julio Perillain, Christopher Evan Welch (giọng kể chuyện)

vickycristinabarcelona.files.wordpress.com
Mấy tuần gần đây, khán giả xem phim ở Mỹ đã xôn xao bàn tán về Vicky Cristina Barcelona, phim thứ 38 của đạo diễn lão luyện Woody Allen. Đã lâu lắm rồi người viết mới xem được một phim tình cảm thiết thực, gần gụi với đời thường như vậy. Đây là phim thứ tư ông quay ngoài Hoa Kỳ, sau ba phim quay ở London [(Match Point (2005), Scoop (2006), và Cassandra Dream(2007)]

Nhưng đúng ra người xem phim chỉ nên đánh giá cuốn phim theo giá trị tiêu biểu của nó tùy theo cảm nhận trung thực của mình thay vì để ý đến tác giả viết kịch bản hay đạo diễn phim là ai, nhất là trong trường hợp này kịch bản và đạo diễn đều do bậc thầy tầm cỡ như ông Allen chủ xướng. Truyện phim mời khán giả theo dõi những diễn biến tình cảm của hai cô gái Mỹ trẻ Vicky (Rebecca Hall) and Cristina (Scarlet Johansson) khi họ đi nghỉ Hè ở thành phố đẹp và nổi tiếng vùng duyên hải của Tây Ban Nha, Barcelona. Hai cô gái ngoài hai mươi là bạn thân, tuy quan niệm về tình yêu và hạnh phúc của hai người khác nhau. Cô Vicky là một cô gái tóc nâu, xinh đẹp và thuần thục, thông minh và nhạy cảm, qua Barcelona viết luận án Cao học/Masters về Đặc tính và Căn cước của vùng Catalonia (đông bắc của Tây ban Nha, đông giáp Địa trung Hải, Bắc giáp nước Pháp , nơi thành phố Barcelona tọa lạc). Vicky cũng đang yêu và đính hôn với người yêu “lý tưởng” là Doug (Chris Messina), con nhà giàu và là một chàng trai tử tế đàng hoàng ở New York.  Cristina là cô gái mơn mởn đào tơ, tóc vàng óng ả, man dại và bốc lửa hơn cô bạn Vicky “trầm tĩnh” của mình. Cristina vừa trải qua một cuộc tình không toại nguyện, nàng lại cũng chẳng hài lòng với đoạn phim 12 phút về tình yêu mà mình mới thực hiện. Trong khi Vicky biết được mình muốn gì trong cuộc đời, thì Cristina chẳng có một ý niệm khái quát gì về chuyện mình muốn trong tình yêu hay cuộc đời cả! Tuy Cristina có thể biết được mình không muốn điều gì, giọng kể chuyện cho biết như vậy.

Người xem phim có thể an tâm sẽ thấu đáo với tình tiết của cốt chuyện nhờ giọng tường thuật (của Christopher Evan Welch) cho biết rõ ràng đầu đuôi tự sự hay những cảm nghĩ thầm kín của các nhân vật trong phim mà họ không phải phỏng đoán qua hình ảnh, diễn tả, sắc mặt hay thái độ. Đây có lẽ là ưu điểm của cốt chuyện nhưng đôi lúc sự kể lể cũng hơi thái quá có lẽ vì đạo diễn không muốn ai mất đi những tình ý quan yếu mà ông sắp xếp chăng?

Then chốt của cốt chuyện

Trong một buổi triển lãm hội hoạ bất chợt một chàng Tây Ban Nha đẹp trai có cặp mắt đa tình bắt mắt Cristina nên cô bèn hỏi bà Judy (Patricia Clarkson), người họ hàng xa của Vicky (bà và chồng là Mark Nash (Kevin Dunn) là chủ cái villa ở Barcelona nơi hai cô bạn gái đang tá túc) thì được biết anh ta là Juan Antonio (Javier Bardem, cũng là tài tử đóng vai tên sát thủ tàn ác trong phim “No Country for Old Men”, đúng vậy, sát nhân và Don Juan, hai vai trò và hình dáng hoàn toán khác biệt!) một họa sĩ tranh dầu đã trải qua một cuộc ly dị sôi động với vợ, không rõ anh ta hay vợ huýt đâm nhau chết trong cuộc tình rất gấu ó và giật gân này!

Khuya hôm đó, hai cô bạn lại tình cờ gặp Juan Antonio trong một tiệm ăn ở Barcelona. Sau một chặp Cristina và anh ta liếc trộm nhau thì Juan đã lù lù bước sang bàn ăn hai người rủ rê hai cô gái trẻ bay xuống Oviedo với mình trong dịp cuối tuần đó, mời họ đi viếng cảnh, đi nếm rượu, nghe nhạc và về khách sạn làm tình. Vicky tròn xoe mắt hỏi: ai sẽ làm tình với ai? Juan Antonio trả lời: cả ba người! Tất nhiên, điều này không thể chấp nhận được, bởi Vicky cho rằng anh ta quá ngông và ngạo mạn nên đã thẳng tay từ chối sau khi giảng cho anh Juan Antonio một bài luân lý. Trong khi bạn mình đối đáp với Juan thì Cristina nhìn Juan Antonio với một vẻ thích thú, rồi bất kể sự chưng hửng, kinh ngạc của Vicky: Cristina trả lời: Sao không? Vicky giãy nẩy: Bạn đi với hắn một mình nhé. Thế rồi trong chuyến bay đi Oviedo người ta lại thấy ba người bay với nhau trong một chiếc máy bay nhỏ trong cơn giông tố.

Ai nào ngờ từ chuyện từ chối ra mặt cho đến chuyến đi miễn cưỡng (có phải Vicky sợ bạn mình bị tên dâm tặc lợi dụng quá đáng hay chính nàng cũng không muốn bỏ mất một cơ hội phiêu du kỳ thú?) cho đến cuộc tình tay tư, đúng thế, quý độc giả đã nghe không lầm: tay tư! Đây là một bức tranh tâm lý của con người, mà đúng hơn một bức tranh tâm lý của phụ nữ mà dù đàn ông hay đàn bà, những người thích tìm hiểu nên đón xem.

Tâm lý đàn ông đối chọi với tâm lý phụ nữ

Nam giới càng không nên bỏ qua loại phim người Mỹ gọi là ‘chick-flick’ (1) của mấy cô — không phải phim “action” bắn giết náo động mà là phim tình cảm nhẹ nhàng, hài hước (dù có phũ phàng hay phụ bạc) — không phải chỉ để làm vừa lòng tình nhân hay vợ mà đúng ra một phim như Vicky Cristina Barcelona rất có lợi cho những chàng trai còn muốn chinh phục phái đẹp, tìm hiểu tâm tư khó hiểu và mâu thuẫn của các cô.

Có phải đàn ông thường hay tự phụ cho rằng ý trung nhân của mình hoặc những người mình sẽ chọn làm phối ngẫu sẽ là mẫu người trung thành, tiết hạnh khả phong? Hoặc giả rất tự tin về chính bản thân mình, cho rằng con người của mình sẽ là mẫu người toàn mỹ, lý tưởng về mọi mặt của các cô, để các cô không bao giờ tơ tưởng đến ai khác? Khi còn trai tráng, ăn chơi, nhiều người thích tìm đến những cô khêu gợi, sexy như cô Cristina để thỏa mãn (dục vọng và) cái tôi kiêu căng, rằng ta đã chinh phục được đàn bà đẹp; đến lúc chọn người yêu lâu dài, nếu họ đẹp thì họ phải là người khó tánh, biết phân biệt, loại bỏ các người đàn ông không đứng đắn, dâm và dê như Juan Antonio, nhất là khi đã đính hôn, sắp lấy chồng như Vicky.

Theo tôi, đây là trường hợp “nghệ thuật bắt chước đời thường” (Art imitating Life) bởi đã bao nhiêu lần tác giả hoặc độc giả đã chứng kiến tình huống các cô gái nhà lành, đoan trang, đứng đắn sa ngã vào tay các tên dâm tặc (Sở Khanh)? Cái khó xử trong phim này không phải ở chỗ “xấu-tốt” rõ rệt, tỉ dụ như anh họa sĩ Antonio là một thằng đểu giả hoàn toàn, một tên chỉ biết lợi dụng những giây phút yếu lòng của phái nữ để thỏa mãn dục tính; hay cô Vicky đã bị lời đường mật hay phong cảnh/cảnh quang trữ tình dụ dỗ.

Cái khó và Xung đột

Cái khó ở đây không phải những sự kiện mà người xem có thể dễ dàng đoán trước được như chàng Antonio dâm-dê  thích làm tình với gái đẹp sẽ quyến rũ được Cristina hay Cristina nhẹ dạ yêu thích ai, vì trong trong tâm trí nàng đã có ấn tượng tốt, để ý đến chàng họa sĩ với đôi mắt giường ngủ (bedroom-eyes) rồi nên bất kể lời phản đối hay thuyết phục của Vicky, Cristina muốn có cơ hội tìm hiểu thêm về chàng họa sĩ Antonio này, dù chuyện tìm hiểu đó có đưa đến chuyện làm tình đi nữa. Sex trong tường hợp này không phải là một chuyện đáng ghét, trái lại nó là một điều mong muốn, mặc kệ người xem muốn nghĩ thế nào thì nghĩ!

Cái khó ở đây chính là chuyện của Vicky với Juan sẽ xảy ra như thế nào, cho dù khán giả có đoán được sẽ có mối liên hệ giữa hai người hay không. Vicky một người đắn đo, cân nhắc biết suy tư không thích chuyện sỗ sàng. Nàng đã biết trước dự tính của Juan Antonio, biết hoàn cảnh của mình với Doug, hôn phu của nàng, nhưng chính cái “rất người” của các nhân vật trong phim và tình cảnh đã đưa họ vào những trường hợp khó xử. Cái khó không phải sự thấp thỏm sợ hai cô gái bị rơi vào tay tên thợ săn ái tình hay là sự ghét bỏ của đấng mày râu ghen ghét, khinh bỉ sự đường đột của Antonio đã gặt hái được kết quả.

Cái khó ở đây là chuyện khám phá ra mối tình cũ, cuộc hôn nhân sôi nổi không thành, một mối tình không chịu kết thúc giữa Juan với Maria Élena (Pénélopé Cruz), cái bất cập của Antonio với một con người cũng cuồng nhiệt không kém, trái lại lại thêm phần “thần kinh”, thích thiêu đốt, tự hủy hoại mình và người mình thương. Mối tương quan giữa hai người có một thiếu sót gì đó cho đến khi có Cristina nhập cuộc thì họ nghĩ đã tìm ra cái khoen xích thiếu sót đó. Cho nên cả Juan Antonio và Maria Élena đều có những nhược điểm, những tật thói tội nghiệp đáng thương, bệnh hoạn nhưng rất người đó.

Trong khi Cristina phải tìm chỗ đứng — có phải nhất thời không? — của tình cảm mình trong mối liên hệ nay đã thành tay tư. Điều này lại càng rối rắm hơn khi Doug đề nghị sẽ qua Barcelona làm đám cưới với Vicky (thấy nàng ngập ngừng do dự trên điện thoại, Doug lại trấn an: không sao mình lại có thêm một đám cưới nữa khi về lại New York, đông đủ gia đình, bạn bè và quan khách) Một người hôn phu chu đáo như vậy còn đòi hỏi gì nữa? Rồi đám cưới xảy ra như dự tính, nhưng mối liên hệ giữa Vicky và Juan tưởng như chấm dứt lại đi thêm một bước nữa. Nhất là khi người họ hàng của Vicky, bà Judy bị Vicky tình cờ bắt quả tang đang hôn hít với người tình của bà thì mối tình cảm giữa Vicky và Judy lại thêm phần gần gũi, vì bây giờ hai người lại chia sẻ tất cả những chuyện thầm kín nhất của mình. Khi biết được mối tương quan giữa Vicky và Juan, bà lại tìm cách dàn cảnh cho hai người có dịp gặp nhau nối lại câu chuyện dở dang của họ vì bà không muốn Vicky phải muộn màng, ngoại tình ở tuổi gần 50 như mình. Bà Judy thố lộ bà không thể bỏ chồng để theo người tình (chính là đối tác làm ăn của chồng) một cách trọn vẹn được!

Đó lại thêm một câu chuyện hiện thực của đời thường nữa, do đó mối đe dọa và rắc rối cuộc đời của các bậc nam nhi không phải chỉ nằm nơi tay tình địch nam của mình, mà chính là sự a tòng, đôn đốc giữa các người phụ nữ thân thuộc với nhau!

Do đó sự xung đột đầy tình người trong Vicky Cristina Barcelona là chính sự tự ý (tự do) đi tìm thú đau thương của mỗi con người. Mâu thuẫn con người không nằm trong cái gì họ không thích mà chính ở chỗ không biết mình thật sự muốn gì. Đây là một phim tình cảm có những kịch tích bất cập và trớ trêu, người ta có thể cười trên những nghịch lý và khổ lụy của người trong trận.

Rốt cuộc chúng ta có thể đổ tội, trách cứ phong cảnh hữu tình của Avilés,  Barcelona và Oviedo, những buổi Tây ban Cầm nhịp nhàng mê ly, những món ăn ngon hay kiến trúc tân thời và cổ kính của Barcelona và những thành phố và miền quê nơi cuốn phim được thực hiện (2) hay là người xem có thể trách chính những hư cấu đã bắt nguồn từ thực tế?

Một điều mà tôi hơi bị khó chịu là màu sắc vàng võ của phim, cũng như nhiều lúc không hiểu vì ống kính không được vặn rõ (focus) hay chính vì đạo diễn muốn dùng soft focus/ống kính mờ để làm tăng thêm phần nên thơ, hữu tình cho các màn tình tứ trong phim.

Vài nét về Woody Allen, một nhà làm phim “khác thường”

Giới sành điệu về phim ảnh hẳn không lạ gì với nhà làm phim độc lập này — phim ông không liên hệ hay có tài trợ của giới tài phiệt Hollywood. Tài tử làm việc với ông chịu thiệt về lương bổng của mình để đổi lại danh giá được đóng phim với nhà đạo diễn tài ba. Ông Allen không những đơn thuần là một người đạo diễn độc đáo, ông còn là diễn viên, người hài, văn sĩ, nhạc sĩ và kịch gia 72 cái xuân xanh nổi tiếng. Ông có đôi mắt nhìn đời rất độc đáo, châm biếm, nực cười và đôi khi chua chát và lập dị.  Chưa nói đến chuyện ông lấy cô con gái nuôi Soon-Yi Previn của người tình Mia Farrow, năm Soon-Yi 22 tuổi, làm một số người bị dị ứng với chuyện luân lý và đời tư của ông. Ngay cả đối với cuộc đời tình ái khá sôi nổi của ông với hai cuộc ly dị (với Harlene Rosen, lấy nhau khi cô mới 16 và ông 19 (1944) ly dị khoảng 5 năm sau đó; và cuộc hôn nhân với Louise Lasser từ 1966-1969, sau khi ly dị, ông không cưới hỏi ai nữa cho đến khi cưới con gái nuôi người Nam Hàn của Mia Farrow vào năm 1997. Ông Allen nhiều phen chung sống với nhiều nữ minh tinh màn bạc đã đóng phim cho mình như Diane Keaton, hoặc Stacey Nelkin, một cô học sinh trung học 17 tuổi ở New York có một vai nhỏ trong phim Annie Hall bị cắt bỏ; và Mia Farrow (mẹ nuôi của Soon Yi, vợ cũ của nhà soạn nhạc André Prévin).

Nhiều người cho rằng ông là một đạo diễn siêu phàm, có nhiều phim đáng để đời, một số khác cho rằng một số phim của ông thuộc loại “quái gỡ” hay “thần kinh”, vì họ không đủ trình độ để xem những phim của ông. Nhưng có lẽ vì phim của ông không giống ai, nên ông trở nên một người viết kịch bản khai phóng, có nhiều phim nổi tiếng, như Annie Hall và Hannah and Her Sisters đã đoạt giải Oscar, và chính ông đã chiếm một giải Oscar về Đạo diễn xuất sắc nhất cũng như nhiều giải điện ảnh quốc tế khác. Hiện ông đang hoàn chỉnh phim thứ 39 của mình Whatever Works và cho biết ông đang thực hiện một vở Opéra đầu tay của mình.

Tuyên bố đáng nhớ của Woody Allen: “Tôi không muốn được bất tử vì sự nghiệp của mình. Tôi muốn được bất tử vì không thể chết.”
——————————————————————————–
(1) chick-flick: ‘chick’ tiếng lóng là gái (gà) ‘flick’ là phim , đến từ chữ ‘flicker’: hình ảnh chớp sáng chớp tối của điện ảnh.
(2)Woody Allen đã được tòa Thị chính thành phố Barcelona biếu một triệu euros để quay phim ở đây, trong khi chính phủ vùng Catalonia đã tài trợ phim này 500 ngàn Mỹ kim, 10 phần trăm tổng số phí tổn của cuốn phim.

© 2008 www.danchimviet.com

1 Phản hồi cho “Vicky Cristina Barcelona: phim tình cảm, kịch tính trớ trêu hay phim hài?”

  1. San sẻ về điều này , ông Đào Văn Hùng –
    chủ thương hiệu nhẫn cưới thời trang SKY-MOND ,
    chuyên gia danh tiếng tốt về các loại trang sức ,
    nhẫn cưới dành cho các cặp đôi một vài lời khuyên quý
    giá.

Phản hồi