WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

TS. Nguyễn Quang A : Có thể người ta “vẽ” ra thủ tục để có cánh hẩu

Có luật mà không thực thi nổi thì phải xem lại lỗi hệ thống

Nhà báo Trần Quốc Hải (NB): Để chống lại đi đêm, các nhà quản lý nghĩ ra cách đấu thầu. Ví dụ, NN có dự án phát triển ngành công nghiệp đóng tàu. Để tránh quan hệ cánh hẩu thì tôi đưa ra cho 4-5 nhà thầu đấu thầu. Tại sao mình không làm như thế? Chúng ta đã có văn bản nào ngăn chặn được sự chỉ định trên cơ sở quan hệ cánh hẩu?

Tiến sĩ Nguyễn Quang A

TS. Nguyễn Quang A (TS):  Khuôn khổ pháp lý thì có nhưng người ta không làm nghiêm cái đó, hoặc có làm cho có hình thức mà thôi.

NB: Đấy ông thấy không, người ta biết là có văn bản pháp lý qui định đấy, ai cũng biết là thế nhưng không ai làm, không ai phản ứng thì rõ là môi trường để các quan hệ cánh hẩu sinh sôi nảy nở?

TS: Đúng vậy. Nếu có thể, ông tư pháp trong nhánh quyền lực Nhà nước ít chịu sức ép từ ông hành pháp thì hay hơn. Ông toà án, ông kiểm soát, ông thanh tra, .. phải có môi trường phát huy vị thế độc lập hơn hiện nay. Có thể thử nghiệm Chủ tịch nước bổ nhiệm và tăng nhiệm kỳ của ông thẩm phán tối cao lên 10 năm và không ai có thể bác bỏ sự bổ nhiệm đó trừ khi có băng chứng ông ta vi phạm pháp luật hoặc đạo đức không ? Có lẽ lúc đó, họ sẽ phải làm nghiêm về pháp luật, họ sẽ phát hiện ra và trừng trị 1-2 trường hợp, khi đó các ông khác sẽ phải lo sợ.

Cốt lõi của môi trường xây dựng quan hệ cá nhân là tổ chức xã hội của mình chưa hòan chỉnh. Một trong những biểu hiện đó là coi quản lý và thực hiện mục tiêu doanh nghiệp và thực hiện nhiệm vụ chính trị là trùng khớp lên nhau. Chủ doanh nghiệp Nhà nước đồng thời phải gánh vác thêm cả những yêu cầu của chính sách xã hội như xóa đói giảm nghèo cho một địa phương; cứu trợ; đóng góp tài chính cho các chương trình từ ca nhạc đến họat động hội hè, phường, xóm …

Doanh nhân là một nghề, một người đi làm thuê, điều hành. Nó có một thị trường lao động doanh nhân. Rất tiếc là chúng ta chưa làm cho thị trường ấy hoạt động một cách suôn sẻ thì làm sao mà không hỏng được. Mà chính trị gia đi làm kinh tế, thế thì làm sao mà không hỏng được. Quan hệ chính trị và quan hệ xã hội nhằng nhịt với nhau. Đáng lẽ, càng tách bạch ra thì càng tốt, dù không tách bạch được 100%, nhưng cái đáng tiếc là chúng ta không ai nghĩ cần phải làm cái việc tách bạch đó.

NB: Vừa rồi các tỉnh cấp tràn lan khai thác các mỏ quặng, có những cái thuộc thẩm quyền của tỉnh hoặc phải đề nghị lên Bộ nhưng có những DN không có năng lực vẫn được rất được cấp phép khai thác rất nhiều mỏ? Đấy là mối quan hệ như thế nào, tại sao họ lại bước qua được rất nhiều công đoạn đòi hỏi những tiêu chí có thể đo; đếm được về tài chính, yêu cầu năng lực kỹ thuật chuyên môn của các cơ quan công quyền?

TS: Đấy là mối quan hệ cánh hẩu, đấy có thể là kế sát với chuyện tham nhũng về quyền lực, về phân bổ nguồn lực, tài nguyên. Đấy là một món rất bở mà nguyên nhân tham nhũng, kênh tham nhũng xét về số lượng tiền chủ yếu là gắn với phân bổ nguồn lực. Nguồn lực ấy là tài nguyên thiên nhiên, là mỏ, là khoáng sản, là đất… cái đó là vô cùng tai hại, làm cho một số kẻ không có tài cán gì cả, chỉ cần có quan hệ cánh hẩu mà có thể trong một thời gian ngắn trở thành thành tỷ phú đô la, tất nhiên lại có chia lại với các quan chức. Lúc đó từ cánh hẩu chuyển sang tham nhũng là chỉ một làn ranh mỏng như sợi tóc.

Theo tôi biết có rất nhiều dự án khi giao cho nhà đầu tư nước ngoài đất của dân, hoặc lấy đất rừng, đất lâm nghiệp thì các địa phương nói rằng không phải chủ trương của địa phương mà các ông ở trên dúi xuống, vì ông chủ đầu tư nước ngoài có quan hệ rất tốt – quan hệ cánh hẩu – với một ông A, B, C nào đấy trên TƯ. Vì thế, cái gọi là “các địa phương cấp phép tràn lan về mỏ, về đất, về dự án” nhìn sâu thêm một nấc có khi không phải là do địa phương mà do 2-3 ông ở TƯ dí xuống.

Nếu cứ như thế đất nước này sẽ tan hoang.

Thủ tục và nhân sự chồng chéo là lý do cho quan hệ cánh hẩu

NB: Qua trao đổi với các DN, kể cả DN nước ngoài, thì thấy rằng, từ khi hình thành ý định đầu tư cho đến hoàn thành thủ tục giấy tờ để cắm cọc bê- tông xuống đất, họ đều thích làm việc theo kiểu quan hệ hơn là làm theo đúng qui trình, đi gõ cửa từng cơ quan bộ ngành một.

Người ta thấy rằng, thà chi phí cho quan hệ cánh hẩu được lợi về thời gian hơn, có khi tổng chi phí ấy lại tương đương cái tổng chi phí mà đi theo đúng qui trình chính thống. Theo anh, quan hệ này phát sinh phải chăng do chính qui trình chính thống quá rắc rối, quá mù mờ để người ta không còn lòng tin, không còn đủ kiên nhẫn để đi theo con đường chính thống, nên đường tắt, đường vòng có lợi hơn?

TS: Có thể như vậy. Cũng không loại bỏ trường hợp người ta cố tình đưa ra qui trình chính thức như thế để cài bẫy, bắt chẹt các DN. Các DN, họ tính chi phí lợi ích, mục tiêu của họ là làm dự án, nếu làm cách đường đường chính chính thì hết ngần này thời gian, hết ngần này chi phí, còn theo đường bất hợp pháp, thông qua mối quan hệ cánh hẩu và từ cánh hẩu mà chuyển sang đút lót, nhận hối lộ thì là người ta tính.

Ở đây, cách đây 15 năm, tôi có dịch một nghiên cứu kinh tế lý thú là nghiên cứu thị trường tham nhũng. Có người đưa hối lộ, người khởi xướng là bên mua, quan chức là bên bán thì có những khuyến khích gì để người ta làm việc đó. Và DN đôi khi vì lợi ích riêng của mình mà bất chấp luật pháp để chọn cách kia.

Đi đường tắt cũng phải chấp nhận một sự rủi ro nhất định nhưng dù con đường đó dù rủi ro cao thì các doanh nghiệp vẫn xem đi dường nào đạt đích sớm nhất thì họ theo. Tất nhiên, đó là vấn đề của hệ thống pháp luật, hệ thống thực thi pháp luật.

NB: Theo ông, để ngăn chặn, để giảm thiểu dư địa, mảnh đất cho quan hệ cánh hẩu, để vun vén, giành giật lợi ích và nguồn lực quốc gia cho riêng mình, cho một nhóm người. Vậy về mặt quản lý xã hội, ý thức công dân, thực thi pháp luật… thì theo ông, có những vấn đề gì cấp bách cần đặt ra?

TS: Quan trọng nhất là đừng bao giờ có chỉ đạo trong họat động tư pháp. Nếu ông chỉ đạo vụ án phải thế này thế kia là hỏng. Ngành tư pháp phải hoạt động theo luật. Sai thì phải xử. Vi phạm luật trong quá trình điều tra, tố tụng là chuyện mà nhiều người vi phạm.

Cơ quan tư pháp phải độc lập, phải độc lập hơn mức nào thì tốt mức ấy. Cái thứ hai là, thủ tục qui định về các mối quan hệ phải rành mạch hơn nữa, phải minh bạch hơn nữa, công khai hơn nữa. Và báo chí có vai trò hết sức quan trọng, phanh phui những sự thật ra. Nhưng phanh phui mà ông thứ 3 nào đó lại cũng bảo báo chí không được nói thế này, thế kia thì thôi, quên đi…

Ngăn chặn phải từ khâu giám sát, chính sách đãi ngộ

NB: Kinh doanh quan hệ và chủ nghĩa tư bản thân hữu khó dấu, rất công khai. Nếu nguời dân có ý thức công dân, có diễn đàn để bầy tỏ ý kiến, nêu lên việc đó. Nhà ông quan chức làm chính sách không thể ở giữa đảo được, còn có hàng xóm.

TS: Hiển nhiên. Tất cả những cái đó mà người dân có diễn đàn để có thể cất lên tiếng nói thì các ông ấy sợ lắm. Nguyên chuyện các ông ấy sợ thì lợi cho đất nước này không biết bao nhiêu mà kể, vì giảm bớt được quan hệ cánh hẩu, giảm được tham nhũng.

Nhưng phải xử lý như nước ngoài. NN phải trả lương 5.000-10.000USD/tháng cho một ông Bộ trưởng. Tại sao không trả được, đất nước này đâu phải thiếu, để họ thực sự không phải lo tích lũy trong thời gian làm việc trong bộ máy công quyền.

Hoặc qui định rõ khi ông làm bộ trưởng trở lên thì vợ con ông phải minh bạch… như thế nào. Không thể nào ông làm bộ trường, cấp cao của đất nước mà vợ ở dưới đến các DN, nói là tôi là người nhà anh A, anh B, anh C, có gì thì tôi giúp. Đó là tham những chứ không phải gây dựng quan hệ cánh hẩu. Đó là lạm dụng quyền lực, kinh doanh quyền lực.

NB: Phải chăng công chức nhà nước ở cấp nào đấy phải làm những việc pháp luật quy định, trong đó có việc kê khai tài sản. Cách đây một tuần Trung Quốc đã bắt cán bộ cấp huyện trở lên phải kê khai tài sản, công khai mối quan hệ, ít nhất với người nước ngoài?

TS:  Kê khai xong vẫn giữ im ỉm, không ai biết tài sản đó đâu. Chuyện riêng tư thì giữ cho người ta, nhưng khi anh là Bộ trưởng, là người của nhân dân, của công chúng thì anh phải hy sinh, phải công khai tài sản. Công khai không có nghĩa là đăng lên báo mà có chỗ giữ cái đó. Tôi là một công dân, tôi muốn đến xem cái đó tôi phải được quyền. Có thể tôi phải trả một phí nhất định và tôi phải cam kết nắm thông tin này chỉ được sử dụng ở phạm vi nhất định chứ không phải bêu riếu người khác, như hiện nay, khi kê khai rồi để đó chỉ là bằng 0.

NB: Cuộc trao đổi hôm nay cũng gói gọn trong một số nội dung chính về quan hệ nói chung và quan hệ cánh hẩu nói riêng, vậy ranh giới giữa hai cái đó là gì? Tôi với ông là quan hệ bình thường thì hành vi nào để phân biệt là đã chuyển sang quan hệ không minh bạch?

TS: Ranh giới tùy theo mục tiêu của sự giao kết – contact. Phải xem bản chất mối quan hệ đó là như thế nào. Nếu các ông là người quen mà ông thắng hợp đồng này là do đấu thầu đàng hoàng, cạnh tranh nghiêm túc, không có quân xanh quân đỏ thì đấy là mối quan hệ bình thường, mối quan hệ tốt. Nhưng nếu có hợp đồng mà ông quen đó gà cho trước thông tin, rồi chọn 2-3 công ty khác làm quân xanh cho anh thì đó là mối quan hệ cánh hẩu thì đó là tham nhũng nguồn lực rồi.

Tùy mối quan hệ có cái lân cận của nó, tức là có một vùng xung quanh, bối cảnh của nó, trong đó có thể được quan hệ với ai, có minh bạch không, có cạnh tranh không, có sự tư lợi ở đây không. Đây thực sự là đơn giản, không có gì phức tạp cả nếu một ông, dẫu là kiểm toán, hay là thanh tra mà thực sự độc lập, chỉ làm theo đúng quy định thì có thể xác minh rất rõ.

NB: Dù ông nhân dân, hay kiểm toán, thanh tra hay ông công an… cơ quan giám sát nếu có kết luận mà không công khai xử lý thì chẳng có tác dụng gì?

TS: Hiển nhiên. Quanh quẩn nói tóm lại môi trường pháp lý quy định các mối quan hệ phải rõ ràng, minh bạch hơn, và những mối quan hệ bất chính như cánh hẩu, tham nhũng phải được phát hiện và xử lý một cách nghiêm minh. Đấy chính là môi trường giáo dục cho người dân, DN, quan chức hữu hiệu nhất để giảm bớt dần các mối quan hệ cánh hẩu này đi cũng như giảm bớt tham nhũng mà không bao giờ loại trừ được vì ranh giới giữa nó với quan hệ tốt là tương đối mập mờ.

NB: Thêm một ý mời ông bình luận hoặc đánh giá. Trong bất cứ trường hợp nào có hai đối tác thì theo tôi đối tác nắm quyền lực hành chính, quyền lực Nhà nước là quan trọng nhất và các biện pháp ngăn chặn trước hết là nhằm vào đối tượng này (bên bán) chứ không phải bên mua quan hệ?

TS: Đúng thế. Bởi vì Luật là để điều chỉnh ứng xử của công chức, quan chức Nhà nước là chính. Nếu đã làm quan chức, đã quy định rõ ông chỉ được làm 10 việc còn sang việc thứ 11 là phạm pháp. Tôi không quy định cấm nhưng là trưởng phòng hay thứ trưởng chỉ được làm 13 việc này, ngoài 13 việc là phạm pháp thì phải anh sẽ phải coi chừng ngay. Bản thân DN là số đông, có mục đích của nó có động cơ của nó để chạy theo lợi nhuận thì với động cơ bất chính nó cũng có lỗi, nhưng nó có lỗi 1 thì ông quan chức lỗi 3 nên cần tập trung vào ông quan chức sẽ giảm đi rất nhiều. Tất nhiên ông đi thiết lập mối quan hệ cánh hẩu này cũng phải bị trị, nhưng các biện pháp với ông ấy chỉ nên 30%, còn với các quan chức Nhà nước là phải 100%.

NB: Ý chí chính trị là gì, trong rất nhiều hội thảo hay nhấn đến?

TS. Nguyễn Quang A: Tức là quyền lực bị tha hoá quá nhiều, phải có một quyết tâm rất lớn mới cắt được những cái đó vì đụng đến quyền lợi, quyền lực chính trị và quyền lực của đồng tiền quện vào nhau thì lúc đó gọi là một sự đồi bại. Có người có quyết tâm ý chí, làm chính trị không phải vì tiền.

Cũng có cách thử bày tỏ ý chí chính trị trong giai đọan hiện nay: Ngày hôm qua các ông tham nhũng kiếm được bao nhiêu tiền tôi hợp thức hoá hết cho ông, còn từ mai trở đi ông nào léng phéng thì phải trảm thôi, tức là phải có thời điểm ân xá để người ta làm từ đầu. Và phải tinh giản bộ máy vì nó cồng kềnh, quan liêu thì DN tất phải tìm đến các quan hệ cách hẩu để đi “vòng” qua các thủ tục rắc rối, mất nhiều thời gian.

NB: Cảm ơn ông đã dành thời gian tham gia trò chuyện. Tôi đang có một số câu hỏi, bình luận từ độc giả gửi đến nhưng xin hẹn câu trả lời của ông vào dịp sau.

Nguồn: VNNet

Phản hồi