Trật tự thế giới mới – 20 năm nhìn lại.
Thế giới có thể được ví như một vùng đất hồ ao bị nhiều con đập ngăn trở. Mỗi lần đập vỡ mực nước từ trên cao đổ xuống, dưới thấp dâng lên tạo ra các vũng xoáy cho đến khi một trật tự thăng bằng mới được tái lập.
Các mặt hồ là những quốc gia và nền văn minh khác biệt. Đập cảng là các chướng ngại cho giao thông liên lạc như biển sâu, núi cao, sa mạc hay băng tuyết. Mỗi lần nhân loại đạt được các tiến bộ kỷ thuật để vượt qua những rào cản này, các nền văn hoá và các quốc gia lại tiếp xúc, va chạm sinh ra nhiều biến động.
Nhiều phát minh quan trọng bắt đầu từ thế kỷ 15 tại Âu Châu đã làm thay đổi bộ mặt lịch sử. Đầu tiên là kỹ thuật ấn hành sách báo được hoàn thiện giúp các hệ tư tưởng về khoa học và xã hội được quảng bá, tranh luận và lan truyền ra khắp thế giới. Kế đến gồm kỷ thuật cơ giới và thuốc súng, nhờ vào đó Âu Châu vượt trội và chinh phục các lục địa còn lại trong khoảng 300 năm.
Cuộc cách mạng hậu công nghiệp xảy ra sau đó vào cuối thế kỷ thứ 20. Các tiến bộ vượt bực về điện toán giúp việc giao lưu trao đổi kiến thức trên toàn thế giới trở nên vô cùng dễ dàng và nhanh chóng, phá bỏ rào cảng giữa các nước phát triễn và đang mở mang. Trật tự giữa các quốc gia sẽ theo đó thay đổi như thế nào trong vài mươi năm tới là một đề tài được tranh luận rất nhiều vào đầu thế kỷ 21.
Cụm từ toàn cầu hoá ra đời vào thập niên 1960 (1) theo gót các bước phát triễn nhảy vọt về giao thông dân sự. Trong lãnh vực hàng không những chiếc phản lực cơ khổng lồ Boeing 707 và 747 được sản xuất hàng loạt, việc qua lại giữa các lục địa trở nên thuận lợi và nằm trong khả năng của giai cấp trung lưu thay vì chỉ dành riêng cho quân đội hay giới giàu có. Vận chuyển hàng hoá xuyên đại dương cũng thêm dễ dàng khi các thương thuyền ngày càng to lớn. Giao thương và mậu dịch toàn cầu theo đó tăng trưởng nhanh chóng mang lại các phép lạ kinh tế bắt đầu với Tây Đức, Nhật Bản rồi đến 4 con rồng Á Đông – Singapore, Hồng Kông, Đài Loan, Nam Hàn.
Đầu thập niên 70 có một sự kiện tài chánh thường được gọi là Bretton Woods II (2) khi Hoa Kỳ không còn dùng vàng để bảo đảm giá trị Mỹ kim. Các nước tư bản lấy đô-la làm đơn vị chính cho trữ lượng ngoại tệ và ngoại thương, doanh nghiệp không còn phải tính toán đổi giá hàng ra nhiều mặt tiền tệ khác nhau như Bảng của Anh, Quang của Pháp, Mark của Đức, Yen của Nhật v.v… khiến xuất nhập cảng phần nào trở nên đơn giản. Khi cần chính phủ Mỹ có thể in thêm đô-la tung ra thị trường, tăng số lượng tiền tệ ấn hành để thúc đẩy mậu dịch. Đồng Mỹ kim có thể bị xuống thấp, nhưng nếu sau đó kinh tế phát triễn thì lại tăng cao. Như vậy giá trị đô-la được thả nổi đựa trên số lượng lưu hành và mức tín nhiệm vào hệ thống chính trị kinh tế của Hoa Kỳ so với các nước khác.
Nhưng vẫn có một bức tường lớn ngăn cách giữa hệ thống tư bản và cộng sản. Hai khối không giao thương qua lại nên các chính sách về kinh tế của các bên không ảnh hưởng vào nhau – chỉ trừ trường hợp có xung đột tại các khu vực quyền lợi cốt yếu như vùng dầu hoả Trung Đông, các chốt hàng hải nơi Đại Tây Dương, Ấn Đô Dương, ngoài biển Đông v.v…
Hai sự kiện vô cùng quan trọng xảy ra vào cuối thập niên 80 là (a) sự tan rã của khối Xô Viết, (b) những bước phát triển nhảy vọt trong kỷ thuật điện toán và truyền thông:
- Sau khi Liên Xô sụp đổ, dù còn vài nước xã hội chủ nghĩa như Trung Quốc, Cuba, Bắc Hàn và Việt Nam nhưng hệ tư tưởng cộng sản không còn là mối đe doạ sống còn cho khối tư bản. Các quốc gia trong phong trào Phi Liên Kết (hay còn gọi là Khối Thứ Ba) gồm Ấn Độ, Nam Mỹ v.v… cũng từ bỏ mô hinh kinh tế chỉ huy để cùng Trung Quốc và Việt Nam mở rộng cánh cửa thị trường tự do và giao thương với Âu-Mỹ. Học giả Francis Fukuyama đã viết một quyễn sách nổi tiếng The End Of History and the Last Man vê sự thay đổi này, tác giả lập luận rằng cơ cấu kinh tế thị trường và nền dân chủ tự do đã trở nên hướng tiến chung cục cho lịch sử nhân loại (4).
- Trong cùng khoảng thời gian đó nhiều thành tựu về điện toán giúp việc liên lạc trên khắp thế giới trở nên vô cùng nhanh chóng chỉ qua vài cái nhấp chuột. Nhờ vậy các công ty Tây Phương có thể chuyển sản xuất ồ ạt sang những nơi xa xôi như Trung Quốc và các nước đang mở mang để dùng nhân công rẻ mà vẫn có thể điều hành chặc chẻ qua các phương tiện truyền thông. Ngành giao thông vận tải cũng phát triển khả dĩ chuyên chở số lượng hàng hoá khổng lồ xuyên lục địa với giá rẻ cạnh tranh được với mức thành trong nội địa.
Chiến tranh lạnh đã chấm dứt, Tây Phương không còn e ngại một cuộc chạy đua vũ trang mới nên chính quyền Âu-Mỹ đã tạo dễ dàng cho những công ty tư nhân hoán chuyển kỹ thuật – ban đầu thô sơ nhưng ngày càng hiện đại – sang Trung Quốc, Ấn Độ và các nước đang mở mang. Ổn định toàn cầu để duy trì và phát triển thương mại quốc tế là chính sách của các nước lớn vào cuối thế kỷ 20. Đây là lý do khiến Hoa Kỳ can thiệp bằng quân sự khi Iraq xâm chiếm Kuwait đe doạ nguồn dầu hoả Trung Đông mà vẫn được Nga Hoa Đức Nhật Anh cùng hậu thuẫn.
Các nước Âu-Mỹ tự tin rằng mình phát triển quá xa nên những nước còn lại chỉ cố bắt kịp chớ không thể đối đầu. Nhiều nhà trí thức và lãnh đạo Tây Phương còn lập luận rằng những thành quả về kinh tế tất yếu sẽ dẫn đến việc mở mang xã hội, khiến chế độ độc tài sụp đổ và các nền dân chủ được thành hình– quan trọng nhất trong đó là họ mong đợi sự thay đổi trong tương lai tại Hoa Lục.
***
Song song với Âu-Mỹ chuyển công nghiệp sản xuất sang các nước đang mở mang, những tiến bộ về tin học còn giúp cho việc đầu tư tài chánh trở nên dễ dàng và thuận lợi. Tầm hoạt động của các tổ hợp tài chánh lớn lan ra khắp thế giới; họ đầu tư những ngân khoảng khổng lồ vào mọi quốc gia; họ thường xuyên theo dõi những tin tức nóng bỏng để lượng giá mức độ rủi ro. Chỉ trong tích tắc đồng hồ họ có thể đổ vào hay rút ra hay chục hay trăm tỷ đô-la mà không nhà nước hay biên giới nào có thể ngăn chận – số tiền to lớn gấp nhiều lần các khoảng viện trợ từ chính quyền Hoa Kỳ, Âu Châu, Nhật Bản.
Giả sử có thiên tai hay chiến tranh khiến hàng hoá buôn bị gián đoạn, nhưng cũng mất vài ngày mới thấy ảnh hưởng lên giá cả và thị trường. So với các quyết định tài chánh do tư nhân quyết định, thực hiện chỉ trong khoảng khắc nhưng để lại nhiều hệ luỵ lâu dài và trầm trọng. Có lẻ vì lý do này mà các cuộc khủng hoảng toàn cầu năm 1997-98 tại Đông Á, 2001 ở Nam Mỹ, 2007-09 tại Hoa Kỳ và 2010 ở Âu Châu đều bắt đầu từ lãnh vực tiền tệ.
***
Quan hệ giữa các nước trước đây được quy định nơi lãnh thổ và nhà nước – một ý niệm được Nguyễn Trãi thể hiện hùng hồn qua lời thơ bất hủ “Nam Quốc Sơn Hà Nam Đế Cư”. Nhưng nhân loại đã khắc phục các chướng ngại thiên nhiên ngăn trở thông tin và giao thông, và như trong toán học, chúng ta khai phá một chiều không gian mới để ràng buộc các quốc gia lại với nhau bằng thương mại và tài chánh. Quan niệm độc lập dân tộc giờ đây rất khó được phân định trong trào lưu toàn cầu hoá.
Tỷ dụ một nước dù có lãnh thổ vẹn toàn, chính quyền dân cử nhưng tài chánh cùng nhiều xí nghiệp quan trọng – tức là an sinh của dân chúng – do tư bản nước ngoài nắm giữ thì có xem là chủ quyền hay không? Nếu một phần lớn đất đai, tài nguyên mầu mỡ do ngoại quốc kiểm soát thì còn độc lập hay không?
Chiêu bài phát triển về kinh tế sẽ cản trở hay dẫn đến tự do dân chủ tại các nước đang mở mang?
Hoa Kỳ và Tây Âu phải cân bằng giữa nhu cầu chiến lược địa chính trị (geo-politics), giá trị nhân quyền và những quyền lợi thiết thực về mậu dịch và tài chánh như thế nào?
Hoặc trở lại với cả bốn cuộc khủng hoảng Đông Á1997-98, Nam Mỹ 2001, Âu Mỹ 2007-09 và khối Euro 2010: chính quyền của nhiều nước bị thay đổi vì những vận hành “tự nhiên” của kinh tế thị trường, hay do ảnh hưởng của chính quyền và tập đoàn ngoại quốc nào?
Trong các thế kỷ 19 và 20 tư bản tương đồng với Âu-Mỹ. Giờ đây giới chủ nhân ông có mặt tại cả các nước tự do lẫn độc tài, dân chủ lẫn cộng sản. Trên khía cạnh tích cực toàn cầu hoá đã giúp con số kỷ lục trên 1 tỷ người ra khỏi ngưỡng cửa nghèo khó chỉ trong vòng 20 năm. Về mặt tiêu cực đã dẫn đến tình trạng bóc lột lao động, tiêu huỷ môi trường, tận dụng tài nguyên. Chủ nghĩa tiêu thụ (consumeurism) đã huỹ hoại nhiều giá trị xã hội cần được bảo tồn.
Các tập đoàn kinh tế lớn hoạt động đa quốc gia và không có những quyền lợi rỏ rệt gắn liền với chủ nghĩa hay dân tộc nào. Hàng trăm triệu người tại các nước công nghiệp đã mất công ăn việc làm vì những điều kiện đầu tư dễ dãi, nhân công rẻ và nhiều ưu đãi trong các quốc gia thiếu dân chủ. Nhưng bù lại, nguồn tài chánh từ bên ngoài cũng giúp thành hình một tầng lớp trung lưu đáng kể tại các nước đang phát triễn, đồng thời hàng hoá sản xuất giá rẻ nâng cao mức sống tại cả những quốc gia hậu công nghiệp và đang mở mang.
***
Nhiều nhà quan sát đánh giá sự sụp đổ của khối Xô Viết như là chiến thắng của thế giới tự do đối với chủ nghĩa cộng sản. Nhưng sau 20 năm nhìn lại, người viết nghĩ chính yếu đây là thắng lợi của mô thức thị trường tự do so với kinh tế chỉ huy. Khối Xô Viết đã xụp đổ dưới gánh nặng trì trệ của nền kinh tế tập trung; vài nước như Cuba, Bắc Hàn hiện còn áp dụng kiểu mẫu này đều không thoát khỏi cảnh nghèo nàn lạc hậụ. Trong khi đó Trung Quốc, Việt Nam mở rộng cánh cửa thị trường và mậu dịch quốc tế nên đạt được những thành quả đáng kể.
Tuy vậy vai trò của chính quyền, tính chuyên chế và mức độ can thiệp của nhà nước vào xã hội cùng tự do cá nhân vẫn còn là những đề tài tranh chấp trên cả lý thuyết lẫn thực hành và chưa đến hồi chung cuộc.
***
Thập niên 90 đánh dấu sức mạnh của Hoa Kỳ ở vào giao đoạn cực điểm. Mỹ là cường quốc duy nhất còn lại sau khi Liên Xô sụp đổ. Ưu thế tuyệt đối về quân sự đã được chứng minh hùng hồn qua cuộc chiến tranh vùng vịnh lần thứ nhất. Mỹ dẫn đầu về các phát minh và thành tựu khoa học nhất là trong lãnh vực tin học. Nền kinh tế đứng hạng nhất trên cả tiêu thụ lẩn sản xuất. Mô hình tài chánh, luật pháp và giám sát của Mỹ được thế giới tán thưởng và học hỏi. Hoa Kỳ giúp giải quyết hai cuộc khủng hoảng Đông Á 1997-98 và Nam Mỹ 2001 không lan ra toàn thế giới. Trong nước các nhà kinh tế Mỹ hình như đã tìm được một công thức mầu nhiệm giữ mức độ phát triển đều khoảng 4% mỗi năm, tỷ lệ thất nghiệp thấp mà lạm phát vẫn không tăng. Đối với toàn cầu Hoa Kỳ là nước đầu tàu tổ chức và vận động cho tự do mậu dịch. Xu thế của thời đại sẽ gồm các nước lớn nhỏ rơi vào quỹ đạo toàn cầu hoá để giúp mọi người trên thế giới cải thiện về cả đời sống vật chất lẫn thông tin, từ đó phát huy các ý thức về nhân quyền và dân chủ tự do.
Nhưng có lẽ đúng với quy luật thị trường, phát triễn muốn lành mạnh cần phải có cạnh tranh. Khi Hoa Kỳ nắm ưu thế tuyệt đối thì cũng là lúc những mầm móng chống đối nẩy sinh:
- Phong trào Hồi Giáo quá khích là một phản ứng cực đoan chống lại trào lưu toàn cầu hoá vốn được nhiều người xem đồng nghĩa với Mỹ hoá.
- Mỹ bị lên án đã phản ứng đơn phương và nông nổi khi tấn công vào Iraq. Hậu quả là các nước đồng minh gồm cả Tây Âu và Nhật Bản đều e ngại về vị thế độc tôn (hegemony) của Hoa Kỳ sau chiến tranh lạnh.
- Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của Đặng Tiểu Bình giống như ánh đèn vùi trong đống trấu, kiên nhẫn xây dựng kinh tế để chờ ngày trổi dậy.
- Ngay trong nước Mỹ cũng có những mầm móng ung thối nẩy sinh. Nhiều người nhận xét những bước tiến về thông tin khiến tầm nhìn của xã hội ngắn lại và chạy đua theo lợi nhuận nhất thời (short-term profit) khiến doanh nhân mất dần chử tín (ethics). Dân chúng Hoa Kỳ cũng rơi vào căn bệnh trầm kha của các nước hậu công nghiệp là mức lương cao (so với các quốc gia đang mở mang) lại đòi hỏi nhiều quyền lợi nên mất dần tính cạnh tranh.
Một trong các điều thú vị là quan sát sự sai lầm của những nhà nghiên cứu xã hội – trong số đó có cả người viết. 25 năm trước đây không ai có thể tiên đoán ngày xụp đổ của khối Xô-Viết. Cuối thế kỷ 20 thế giới lo ngại về vai trò độc tôn (hegemony) của Mỹ. Nhưng giờ đây nhiều báo chí đã tiên đoán Hoa Kỳ không thể tránh khỏi suy thoái và có thể trở thành cường quốc hạng nhì. Trong 30 năm lúc nào cũng có các chuyên gia đánh giá nền kinh tế của Hoa Lục là một quả bong sắp nổ, hay các phát triển về kinh tế tất yếu dẫn đến sự sụp đổ của đảng cộng sản; còn bây giờ tuần nào cũng có bình luận vê mưu đồ bành trướng của Bắc Kinh ra nước ngoài là đe doạ cho ổn định thế giới.
Nhưng trật tự mới của thế giới vào thế kỷ 21 không còn hoàn toàn nằm trong tay nhà nước cho dù là Hoa Kỳ hay Trung Quốc. Những tiến bộ khoa học kỷ thuật đã mang đến cho vài cá nhân hay các tổ chức phi chính phủ tầm ảnh hưởng vô cùng rộng lớn, đến mức độ không tương xứng với vai trò của họ. Tỉ dụ thời đại nào cũng có vài thiểu số bất mãn quá khích, nhưng hiện tại nếu một nhóm nhỏ cực đoan có thêm bom nguyên tử thì tác động sẽ vô cùng rộng lớn. Ngay cả chỉ với lời đe doạ về vũ khí hạch nhân cũng đủ để chính quyền các quốc gia phải thay đổi các biện pháp an ninh và giao thông.
Nhiều người nhận xét nền tài chánh toàn cầu lệ thuộc phần quan trọng vào khoảng 4 ngàn chuyên viên tư nhân vốn là những người quản lý các quỹ đầu tư quốc tế. Chúng ta đã thấy ảnh hưỡng của số người này qua trường hợp Thái Lan (1997) và Hy Lạp (2010). Họ hạ thấp điểm tín dụng, doạ rút hàng ngàn tỷ đô-la hay tăng lãi xuất cho vay khiến tác động lan rộng ra các khu vực rộng lớn ở Đông Á hay Âu Châu. Liệu các chuyên viên này có phục vụ cho một chính quyền nào hay cho quyền lợi của các tổ hợp tài chánh không biên giới, thật khó có câu trả lời rõ rệt.
Đó là những vấn đề cho trật tự mới đang hình thành trong thế kỷ 21.
© Đoàn Hưng Quốc
© Đàn Chim Việt
————————————————————-
Ghi chú:
(1) Why Globalization works – Trang 13 chương 2. Martin Wolf.
(3) Băng đảo tức Iceland là chốt hàng hải giữa Bắc Mỹ và Tây Âu; kênh đào Panama là con đường vận tải gần nhất giữa Đông và Tây Hoa Kỳ; biển Đông là ngỏ giao thông giữa Đông và Tây Á.
(4) The End of History and The Last Man – Francis Fukuyaman
Cuộc khủng hoảng Đông-Á năm 1997 đã làm xụp đổ thể chế độc tài của tổng thống Suharno tại Nam Dương, và chấm dứt tình trạng độc quyền của Quốc Dân Đảng tại Đài Loan. Cuộc khủng hoảng Nam Mỹ 2001 đã thay đổi nhà nước đ