WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Lửa bạc

Đêm Hai Mươi tháng Chín, trời trở gió. Qua hôm sau, thời tiết thay đổi trong nội một ngày. Buổi sáng lá còn xanh mơn, chiều về núi rừng đổi sắc. Đất trời bàng bạc, không gian tím tái một màu. Từ cõi xa xăm những ngọn gió heo may lồng lộng thổi về. Gió lùa vào khe sưởi. Gió lướt qua rừng cây. Trời đất tơi bời lá. Những chiếc lá liệng mình tán loạn trên không rồi nhẹ nhàng nằm im trên đất. Lá rụng.

Thu về

Dưới mặt nước, chúng bắt đầu mở mắt. Những cặp đồng tử đục ngầu, thao láo nằm im trong lòng trứng. Những cái trứng màu hồng ửng, ẩn mình sau khe đá, lững lờ trôi dưới đáy sông. Mấy tuần sau, trứng vỡ, chúng quẫy đuôi rồi biến thành nòng nọc. Nòng nọc trong vắt, bụng còn dính trứng, đã tung tăng đớp bóng và ngắm mùa Thu bay qua trên bến sông.

Cá Hồi Sockeye về Nguồn, tranh Michael Savlen

Bây giờ trời ngớt gió, rừng cây trơ trụi. Khi chiếc lá cuối cùng cuốn trôi theo dòng nước thì  mặt sông im lìm. Gió tạnh. Nhiệt độ tuột xuống đột ngột. Khí trời như quyện lại. Trên cao mây trắng xóa, che kín cả bầu trời. Rồi tuyết lác  đác rơi.

Đông đến

Mặt sông đông cứng, phẳng lì trong suốt như gương. Dưới lớp băng mỏng, lũ nòng nọc rụng bụng trứng, trở thành một thứ cá lòng tong với chút lốm  đốm trên lưng. Chúng soi bóng qua những tảng băng trôi và chợt thấy mình thay da đổi thịt hàng ngày. Thân thể trong suốt của nòng nọc từ từ biến thành đục ngầu, trên lưng những vết đốm bắt  đầu dày đặc, bụng trắng bóng, vây và đuôi cũng bắt đầu dài ra.

Khi mặt sông hoàn toàn bị đông kín thì băng đã dầy. Một con cá đầu to, màu xanh sẫm, lớn như  một tảng rêu, chu miệng “ro ro” gọi chúng nó,  “Xuống đây, mau mau xuống đây.” Kêu xong, Tảng Rêu lặn tót xuống đáy. Đám lòng tong líu ríu bơi theo. Bơi ngược dòng là một con cá dài, miệng cong như  một chiếc móc quặp, trở lên thị sát mặt sông. Móc Quặp đuổi vài ba con lòng tong còn nấn ná  ở lại đớp mồi. Khi chắc chắn đã tập hợp được đầy đủ, Móc Quặp lao xuống như  một mũi tên.

Lúc bầy lòng tong chạm dưới đáy sông thì chúng giật mình. Một con cá đầu đen bóng, cứng như cái nón sắt, nằm thu lu bất động như một tảng đá chìm, chờ chúng từ lâu. Khi tất cả tề tựu, con Đầu Sắt cất giọng trầm đục, nghe như tiếng sóng vọng ầm ỳ từ dưới đáy sông. Những bài học vỡ lòng cũng bắt đầu từ đây.

“Theo truyền thuyết, cuộc đời chúng ta là một chuỗi luân hồi.” Cá Đầu Sắt nói. “Có  nghĩa là chúng ta sinh ra nơi nào thì sẽ trở  về nơi đó. Mười mấy ngàn năm, quy luật  đó không bao giờ thay đổi.”

“Tại sao?” Một con thắc mắc.

“Bởi vì chúng ta là giòng giống cá Hồi.”  Con Tảng Rêu chận ngang, giải thích. “Hồi có nghĩa là sự trở về, như hồi hương là  về quê, hồi đầu là quay đầu lại.”

“Về? Nhưng mà về đâu?” Đám cá nhỏ  lao nhao.

“Thì về cái nơi mà mình đã ra đi.”  Một con cất tiếng mai mỉa. “Tức là chỗ này nè.”

Đám cá nhỏ ngún nguẩy đuôi, búng mình lượn mấy vòng rồi đảo mắt nhìn quanh nơi chúng sinh ra,

Đầu Sắt không để mắt tới chúng, nó vẫn tiếp tục như ra lệnh. “Bắt đầu từ đây, chúng ta sẽ theo dòng sông này xuống hạ nguồn để  đi ra biển. Tới biển, chúng ta xuôi theo những dòng hải lưu để đi khắp cùng đại dương. Đi hết  đại dương, chúng ta sẽ phải bơi ngược lên thượng nguồn để trở về đây.”

“Đi là để tìm đường trở về ư?”

“Thật vô lý.”

“Chỉ tổ mất công toi.” Cả lũ  bất mãn ra mặt.

“Quy luật bất di, không thay đổi được à?.”  Một con thắc mắc.

“Ai nói vậy? Thay đổi hay không phải tùy chúng ta chứ.”  Cả bầy tức tối la.

“Không đi đâu hết, tụi tui quyết định ở  đây.” Một con đanh giọng, quyết tâm như một lời thề.

Đám cá nhỏ lại lao xao, chúng đồng loạt quay lại nhìn con Đầu Sắt.

Cá Đầu Sắt không trả lời, nó lẳng lặng chúi mặt vào một khe động như chả nghe thấy gì. Mấy con cá lớn khác cũng làm thinh.

“Chúng ta phải vượt sông ư?”

“Khi nào đi?” Có con buồn miệng hỏi.

Không biết khi nào thì chuyến viễn du bắt đầu khởi hành. Lợi dụng thời gian này những con cá nhỏ tập bơi, lặn và săn bắt mồi. Tảng Rêu, Móc Quặp, và mấy con cá lớn khác dạy lũ trẻ những kỹ năng sống dưới nước.

“Quan trọng nhất là phải biết thở.” Nghe Tảng Rêu nói, lũ trẻ cười ồ.

“Xì, ai lại không biết thở?”

“Này, bác Rêu ơi, bác nên dạy cho những con cá  chết biết thở trước đã.”

Có tiếng cười sùng sục. Nhưng cười chưa dứt đã thấy bác Rêu lấy cái đuôi to bè như cánh quạt đập ầm ầm. Mặt nước dậy sóng. Lũ cá con sặc sụa, chúng há miệng ngáp ùng ục như sắp đứt hơi. Những chùm bong bóng trong nước bay lên liên tục.

Khi bong bóng ngớt, bác Rêu kiêu ngạo bảo, “Thở, không có dễ đâu.” Đợi cả bọn hoàn hồn, bác mới giải thích, trên mặt sông nước chảy mạnh nên trong nước có nhiều không khí, thở rất dễ. Càng xuống sâu áp suất càng thấp, càng khó thở. Khi khó thở phải há miệng ra hớp thật nhiều nước vào, rồi mở hai mang để lùa nước chảy ra. Những mạng go trong mang sẽ tự động lọc không khí rồi đưa vào máu.

Dạy tới đó, bác Rêu ngưng và bảo nguyên cả  bầy thực tập. Những cái miệng hả ra và những cái mang xếp lại đồng loạt, thật nhịp nhàng. Nhưng được một chút thì chúng lại ngộp. Bọn cá con bắt đầu lảo đảo. Thấy vậy, bác Rêu hấp tấp kêu, “Trồi lên, trồi lên mau.” Lũ cá nhỏ  đua nhau trồi lên, hớp bóng. Bác Rêu dặn, thở một lúc dưới sâu thì go đầy khí, cần phải trồi lên hớp bóng để đẩy bớt khí ra.

Ít lâu sau, khi cả bầy đã thở điều hòa, bác Rêu dạy về cách dùng vây và đuôi. Nghe bác Rêu giảng, lũ cá nhỏ mới thấy chúng chỉ  mới biết nổi trên mặt nước để khỏi chết đuối chứ chưa thể gọi là bơi. Thì ra, sức mạnh của loài cá chính ra tập trung ở cái  đuôi. Đuôi cũng là một cái vây lớn. Khi quẫy nhẹ  và đều thì nó như một mái chèo đẩy con thuyền lướt êm trên mặt nước, khi gặp nguy đuôi quẫy mạnh, cả thân mình phóng đi như một mũi tên. Ngoài ra, đuôi cũng là một vũ khí để tấn công hay tự vệ. Muốn bơi đúng hướng và  giữ thăng bằng, chúng phải nhờ bảy cái vây lớn nhỏ. Hai vây nằm sau mang sử dụng như hai mái chèo, dùng để bơi và quẹo. Vây dài và lớn trên lưng ví như cánh buồm đội gió, giữ thăng bằng phía trước. Dưới bụng, có hai vây phụ, nằm hai bên song song để cân bằng toàn thân thẳng đứng. Cận  đuôi, trên và dưới thân, cũng có hai vây nhỏ  giữ hướng lái đằng sau. Khi đứng lại, bảy cái vây giương cứng như bảy cánh quạt, hay còn gọi  đó là bảy cái thắng không bao giờ mòn.

Thời gian tập bơi dài hơn dự định. Bấy giờ bọn cá mới hiểu ra, bơi khó hơn chúng tưởng. Bơi không phải chỉ là khả năng di chuyển tới lui, mà là một thứ kỹ năng để sống còn. Săn bắt mồi để mưu sinh hay trốn tránh kẻ thù đều cần phải bơi cho thật giỏi. Nhưng mà ngay cả điều này không phải ai cũng hiểu như nhau. Có nhiều con thi nhau phóng nhanh như một mũi tên vút ngược lên cao rồi ngửa cái bụng trắng muốt trở mình là đà trên mặt nước. Chúng đang biểu diễn để đoạt danh hiệu là tay bơi cừ nhất. Lúc này lão cá dữ Móc Quặp mới ra mặt. Lão phóng như bay, dùng cái mỏ cong như cái móc quật như điên vào mấy cái bụng trắng phau. Bọn cá nhỏ sợ hãi, chúng tản ra rồi lủi mất.

“Hãy coi chúng bây kìa. Muốn tự sát ư?”  Móc Quặp chửi như tát vào mặt cả bầy. “Một lũ điên.”

Lão nhiếc, “Bọn bây phơi cái bụng trắng tinh lên mặt nước để khoe với ai hử? Với Diều Hâu hay Chó Sói? Chúng đang đợi tụi mày trên kia đấy.”

Nghe Móc Quặp mắng, bọn chúng bất chợt nhìn nhau. Bỗng chúng phát hiện, cả mình mẩy đã thay đổi lúc nào không biết. Các thứ lốm đốm trên lưng hồi trước nay dầy đặc đến nỗi đã hòa thành một màu xanh diệp lục, cái màu xanh tiệp với màu rong rêu mục rã lâu ngày. Nếu nhìn từ trên cao, khó mà  phát hiện vì chúng đã lẫn trong màu bùn non nằm sâu dưới đáy sông. Mà nếu có ai nhìn ngược từ  đáy sông thì càng không thấy, những cái bụng trắng phau bấy giờ cũng hòa lẫn với màu mây, màu nắng lóa gẫy khúc khi chạm tới mặt sông. Phân cách giữa hai màu của lưng và bụng là một đường chỉ  có khóe cạnh nằm dọc theo chiều dài của thân thể. Lão Móc Quặp nói, cái đường chỉ này chính là  đường dây thần kinh cảm giác, rất nhạy bén. Nó  giúp loài cá đánh hơi được kẻ thù từ  xa hàng chục dặm. Nghe nói, bầy cá nhỏ quay đầu ngắm cơ thể mình. Mặc chúng cố gắng cách mấy cũng không sao ngắm được chính mình.

Không tự ngắm mình được chúng quay ra ngắm nhau. Qua ánh sáng lờ nhờ dưới đáy sông, bọn chúng phát hiện, một con có đường chỉ lưng óng ánh như  một sợi chỉ bạc đang im lìm trong một góc tối. Lũ cá nhỏ kêu lên, “A, con Bạc.” Chúng xúm xít bơi quanh con Bạc hỏi han, “Ê, dây thần kinh bằng bạc, chắc mày kinh khủng lắm.” Con Bạc ngạc nhiên quá đỗi, nó loay hoay mãi cũng không thể ngoái đầu để coi sợi chỉ bạc của mình.

“Mày đẹp lắm, Bạc ơi!” Có tiếng trầm trồ.

“Thật ư?”

Càng được khen, nó càng kiếm cách nhào lộn để tự ngắm mình. Trong góc tối, thân thể nó lờ mờ, nhưng đường chỉ bạc lấp lánh nhảy nhót, ngoằn ngoèo như những dải lụa múa.

“Ô! Đẹp quá.” Nhiều tiếng tán thưởng.

“Mày giống như công chúa ấy.” Bọn chúng ngưỡng mộ.

“Phải, phải.”

“Công chúa của cá Hồi ư?” Cả bọn  đồng thanh, rất điệu nghệ, “Công Chúa dẫn  đường, chúng ta sẽ bơi theo dù phải băng qua biển.”

“Có chết cũng không từ.” Một con tuyên bố  quá cỡ.

“Thôi đủ rồi.” Một tiếng quát bất chợt như xé màng tang. Lão Móc Quặp cắm phập cái mỏ  cong như cái  lưỡi câu vào khoảnh đất lồi  ở giữa.

Lão xỉa xói, “Cái đường chỉ bạc sáng choang của ngươi chỉ tổ dẫn dụ cho Cá Mập tới nuốt hết cả đàn.”

Lão đe, “Coi chừng đấy, trên sông dưới đáy, ai cũng thấy mày.”

Bạc biết, nó nghe nói, hai bên bờ sông dầy  đặc kẻ thù. Nào Sói, nào Gấu, Chồn rừng, Rái Cá, Hải Ly, Hải Cẩu,… Trên cao còn có Quạ, Diều hâu, Ưng, Ó,… những loài này mắt rất sắc, có  thể bắt cá xuyên thấu đáy sông. Móc Quặp không phải dọa suông, Bạc sáng lấp lánh như vậy rất dễ trở thành mục tiêu cho tất cả kẻ  thù.

“Số mày mạng yểu, có thể không sống được tới khi ra biển.” Móc Quặp bi quan tiên đoán, trông lão cũng buồn ra mặt.

Nguyên cả bầy đều nghe thấy, chúng trở mặt nhanh không thể tưởng. Trong tích tắc, vinh quang tắt phụt, chung quanh Bạc không còn một mống cá nào.

Lời tiên đoán của lão cá Móc Quặp ám ảnh Bạc giống như một lời nguyền. Hình ảnh những kẻ thù truyền kiếp lúc nào cũng lảng vảng, rình rập đâu đây. Nó sống trong nỗi sợ. Và tưởng tượng ra muôn vàn kiểu chết mà kiểu nào cũng thì cũng khó coi. Lội gần bờ sẽ bị Sói chụp, nhảy sóng dễ bị Gấu xơi, bơi giữa dòng thì Ưng, Quạ mổ, núp dưới khe đá hay lặn tuốt xuống đáy sông chỉ có môn chết đói. Đường nào cũng chết, nó nghĩ, suy cho cùng cái chết mới chính là kẻ thù lớn nhất trong mọi kẻ thù. Muốn sống sót trước hết phải biết chiến thắng chính mình. Nó cần vượt qua nỗi sợ, phải bơi nhanh nhất đàn, phải trở thành một tay săn giỏi nhất. Mà quan trọng hơn cả là phải cảnh giác cao độ, bởi kẻ thù nguy hiểm nhất là những kẻ thù không thấy mặt.

Vì sợ chết, Bạc dành suốt mùa Đông để tập luyện. Nó dùng đuôi, trước còn đập nước, sau đập vào đá. Tập dần đến khi xương cứng thì đuôi cũng rắn, nó phóng mình luyện bơi. Mới  đầu nó xuôi theo dòng, sau lội ngược, cuối cùng là  tập băng ngang. Bạc nghe đồn, Hải Cẩu, Hải Ly là những tay bơi không đối thủ, nhất là với những khoảng cách ngắn hoặc là lúc phải băng ngang sông. Đến khi băng qua sông đối với Bạc chỉ là một cú búng mình, nó bắt đầu tập bắn mình từ dưới đáy hay bổ nhào từ trên cao. Tập quay ngoắc, vút ngược và lộn mèo.

Cuối tháng Ba, tuyết bắt đầu tan. Trên mặt sông, nước chảy xiết, cuồn cuộn như lũ sắp về. Nguy hiểm nhất là lúc băng nứt, phát ra những tiếng kêu lắc rắc. Băng trôi lềnh bềnh khi gặp khúc sông xiết, băng va vào đá bể tan tành như những mảnh thủy tinh vỡ.

Thời tiết ấm dần. Mặt sông bây giờ là  một dòng nước luân lưu mềm mại. Trên bến sông, gió  mơn man thổi, mặt nước lăn tăn gợn sóng.

Vạn vật bừng dậy sau một giấc ngủ dài. Qua một  đêm, cành lá trở mình, những mầm non khẽ  nhú. Buổi sáng nắng tươi, từng đàn chim phương Nam ríu rít trở về. Rừng núi khoác một màu xanh mới. Và  hoa, trải dài một thảm đủ màu, đỏ vàng trắng tím rung rinh khoe sắc. Trời đất tưng bừng như bước vào mùa hội lớn.

Xuân sang

Bạc thường trồi mình lúc mặt trời mới chớm. Lắng nghe tiếng chim non chíu chít, hòa trong tiếng gió xạc xào, và uống những giọt sương rỏ lon ton từ những chùm hoa dại xuống mặt nước. Bên bờ sông, ễnh ương, cóc nhái, cũng vươn vai mà nhẩy. Cào cào, châu chấu, mòng mòng, muỗi,… cũng bắt đầu rượt nhau ngậu xị trong những lùm lau sậy um tùm. Dưới nước, bọn cá Hồi đang thả bóng chờ mồi. Bạc cho đó cách săn lười và liều. Lũ Sói, Chồn, Rái, cũng thường ẩn mình trong bụi rậm. Chúng nó nhanh như cắt chộp ngay những chú cá lờ đờ, không sai sót. Chính mắt Bạc đã từng chứng kiến một vụ thảm sát như vậy. Sau lần đó, Bạc thường bơi trở lại khúc sông này, quặn lòng mà ngắm bộ xương có dính cái đầu cá khô queo còn mắc trên một nhành lau.

Rất nguy hiểm khi săn bắt gần bờ. Bạc sợ, nên chịu khó ra tới giữa dòng. Nó thích rượt đuổi những cánh chuồn chuồn đang la đà trên nước. Rồi phóng mình đớp lấy trước khi con mồi kêu ré. Thủ tiêu nhanh và gọn. Đôi khi Bạc cũng phân vân, không biết con vật bất chợt rơi vào chốn tối tăm đó nghĩ  gì. Con vật sợ hãi trước khi chết hay chết trước khi sợ.

Ngoài chuồn chuồn, Bạc thích săn nhiều loại riu, tép và  những loài cá nhỏ. Đánh bắt nhiều tới nỗi bây giờ trên con sông này chỉ còn độc nhất một giống cá Hồi. Nhiều khi nó tự hỏi hay đây chính là con sông Salmon.1 Sau này, Tảng Rêu bảo, sông này là Clearwater1, tức là sông Trong vì nước trong leo lẻo, còn sông Salmon cách đó gần trăm dặm, chỉ rặt một giống cá Hồi, những loài khác không sinh sản được. Mật độ cá ở đó dầy đặc nên cuộc sống khó khăn, đó là nơi quy luật “Cá lớn nuốt cá bé” triệt để nhất. Muốn tồn tại, cá Hồi phải ăn thịt lẫn nhau.

Mùa Xuân chưa qua mà trời oi bức lạ. Ánh nắng như ngọn lửa rơm táp rát da thịt. Dọc hai bờ  sông, hoa đã tàn. Nắng vàng tươi đổ tràn suốt cả  dòng sông. Nước cứ ấm dần, ấm dần lên. Cả  đàn tranh nhau trốn nắng, chúng lặn sâu dưới đáy. Không con nào còn muốn săn mồi hay đớp bóng. Cái nóng làm chúng nó lười.

Hè tới

Phải nói chính xác đó là mùa nóng mới đúng, bởi vì Xuân chưa qua. Cũng chưa ai nghe được tiếng ve sầu. Thế mà dường như Hè đã tới. Mặt nước, chỗ nắng lấp lánh đã hâm hấp nóng.Với thời tiết này, giống cá vùng lạnh không sống được, chúng sẽ chết. Đã có con hoang tưởng về  một cái chết khô, một đám hỏa táng cho nguyên cả  đàn.

Giữa lúc cảm giác lo âu đang lan tràn khắp nơi thì  đột nhiên có lệnh, khởi hành. Chuyến viễn du bắt  đầu. Khẩu lệnh lan truyền khắp ngõ ngách. Cả  một khúc sông náo nhiệt hẳn lên. Trước nhất phải vượt sông. Cả đàn tất tả bơi, không ai muốn bị  rớt lại. Kể cả những kẻ trước thề  thốt sẽ ở lại đây suốt đời.

Bạc cũng bơi, nhưng bơi rất chậm. Giờ phút ra đi sao mà quyến luyến. Đây là quê hương, nơi nó mở mắt chào đời, biết bao là kỷ  niệm. Bạc nhìn quanh như muốn thu hết hình ảnh trong mắt một lần cuối. Một chuyến ra khơi không biết bao giờ mới trở lại, mà cũng có thể  đây chính là lần vĩnh biệt.

Bạc là con bơi sau cùng. Nó xả hết tốc lực đuổi theo một hồi lâu mới bắt kịp. Ở phía sau, nó mới có dịp thấy nguyên cả đàn. Nó kinh ngạc, không ngờ đàn mình đông vậy, ước chừng cả chục ngàn con. Chúng từ mọi ngõ ngách nào chui ra cũng không biết.

Đàn cá bơi nhanh như bay. Những con cá lớn như con Đầu Sắt, Tảng Rêu, Móc Quặp và những con lớn khác dẫn đầu. Đầu Sắt tiên phong, nó là một con cá dũng mãnh, liều lĩnh. Nghe nói trước đây nó đã từng dẫn cả đàn băng qua vùng Cá Mập. Những con Vây Rách, Đuôi Xòe, Tảng Rêu, Móc Quặp đều là những chứng nhân còn sống sót trong vụ này. Bây giờ thì cả đàn đều yên chí và đặt niềm tin vào cá Đầu Sắt. Niềm tin chính là một thứ kỷ luật  giúp đàn cá sinh tồn.

Con sông Clearwater dài gần hai trăm dặm, bắt nguồn từ  giữa hai cánh rừng lớn St.Joe và Clearwater. Từ  thượng nguồn sông chảy ngang bang Idaho, xuyên qua thung lũng Nez Perce rồi nhập vào dòng Snake.1 Đây là con sông dài và hẹp, chạy ngoằn ngoèo luồn qua những rặng thạch sơn hùng vĩ. Hai bên sông vách núi dựng đứng, lòng sông sâu, nước chảy xiết, tiếng sóng vỗ ầm ỳ dội ngược vào những hẻm núi âm u.

Qua những ghềnh thác, đàn cá không cần bơi, chúng chỉ thả mình trôi. Cả bầy khoái chí, lần  đầu tiên chúng có cảm giác buông mình mà nổi. Bạc nghĩ, chuyến viễn du thật kỳ thú, nó hồi hộp khi nghĩ tới lúc tung mình nhào xuống đại dương. Nó cũng sẽ buông xuôi để trôi theo hải lưu  đi khắp cùng thiên hạ. Nhưng chưa gì, bác Rêu đã phá nát ước mơ của nó. Bác bảo, đi càng dễ thì về càng khó, xuống hạ nguồn không cần sức thì sau này trở lên thượng nguồn phải dốc toàn lực. Bác Rêu buồn rầu, ngày xưa, khi về tới nơi thì cái đàn cũ của Bác đã kiệt sức, sau khi đẻ trứng thì tất cả đều chết. Bác ngậm ngùi, nhìn cả đàn phơi xác dài trên bãi sông làm mồi cho Chim, Quạ, Gấu, Sói, xông vào rỉa, xé mà tan nát cõi lòng.

“Cả đàn chết hết sao bác còn sống?” Bạc thắc mắc.

“Số còn sống chỉ vài phần trăm, đó là  những con cá không đẻ trứng.”

“Thế sao những con đực khác không đẻ mà vẫn chết?”

“Nó không đẻ, nhưng giúp con cái đẻ bằng cách phủ tinh lên trứng nên kiệt tinh mà chết.”

“Vậy sao bác không giúp một con cái nào đó?”

“Không ai thương, không có cặp, làm sao giúp?”  Bác Rêu ca cẩm.

“Eo ơi? Chắc là bác cô đơn lắm.” Nó  hỏi cù nhây.

“Ừ, những kẻ khốn cùng thường sống dai lắm… ” Đang nói nhưng sực nhớ ra điều gì, bác Rêu mắng, “Thôi nào, thật lắm lời. Hãy ngậm miệng lại để giữ sức.”

Nhập dòng Snake không bao lâu là tới Hells Gate. Hells Gate có nghĩa là Cửa Địa Ngục. Chỉ nghe cái tên đàn cá đã nao núng. Ôi, mới đây mà chúng phải chết ư? Để trấn an, bác Rêu bảo, đừng lo, địa ngục thật sự là ở  nhánh sông kia, bác vẫy cái vây về phía trái. Đó là  con sông Salmon, rất hiểm trở, nhiều ghềnh thác, trông như một cái thang nước bắc ngược lên trời. Sông Salmon còn gọi là Dòng Sông Không Trở Lại.1 Ở đó, sau mỗi chuyến hồi hương lên thượng nguồn, tuyệt không có một con nào sống sót.

Thật may mắn, nó không phải là cư dân của  sông Salmon. Nhưng mà ở dòng Clearwater, quê hương của nó, chuyến trở về cũng khó mà sống sót. Chả phải bác Rêu kể, cá chết cả đàn đó sao. Bạc định bụng, khi ra khơi, nó tìm dịp trốn ở lại. Đại dương mênh mông lẽ nào không tìm được một chỗ trú thân. Một hốc đá, một nhánh rong cũng đủ cho nó một mái nhà. Nó hình dung ra một cuộc sống cô đơn ngoài biển lớn, nhưng mà còn hơn là trở về để chết. Ừ, thôi thì cứ quyết định như vậy.

Chạy dài sáu mươi dặm, dòng Snake nhập vào con sông Columbia, con sông chính lớn nhất Bắc Mỹ, bắt nguồn từ Canada. Lòng sông Columbia rộng, nhiều chỗ trở thành hồ. Mặt sông êm, nước lững lờ, xanh như biển. Lúc trời mờ sáng, sương sa trắng xóa mặt sông, trời và nước liền nhau một màu lam thẫm. Ở dòng sông này, chúng nó thấy những giống cá Hồi khác. Đông nhất là những con cá Hồi của dòng Salmon, “Một Đi Không Trở Lại.”1 Nhưng mà hình như chúng nó không biết đây là chuyến đi định mệnh nên hăm hở lắm. Thật tội nghiệp, Bạc thở dài. Ngoài số phận khắc nghiệt, chúng nó là đồng loại, chỉ khác nhau đàn.

Nước chảy chậm, sức cản lớn, đàn cá phải bơi cật lực, chúng phải ra biển trước khi Hè thật sự  tới. Bấy giờ, Bạc ngó lên bờ. Hai bên thông trùng điệp. Rừng vô tận. Thông là loại cây duy nhất  ở đây, màu xanh chập chùng phủ khắp núi  đồi. Bạc dùng đuôi quẩy nhẹ, hai vây khoác nước đều, thân nó băng băng rẽ sóng. Hai hàng thông chạy giật lùi, bỏ lại đồi núi mờ nhạt  đằng sau.

Càng ngày, đêm ngắn dần. Mặt trời như chỉ qua lại giữa hai đầu sông. Đàn cá mải miết bơi. Dần dần, rừng thông thưa hẳn, những hải cảng hiện ra với những con tàu trắng có cột buồm cao ngất. Ngửi trong hơi nước có mùi lờ lợ mặn, hình như muối. Cả đàn reo lên, biển. Chúng tung tăng mừng như ngày hội. Nhiều con định bơi ngang để đo chiều rộng cửa biển. “Ê, cái lũ ngu.” Con Đầu Sắt vừa mở miệng tính quát cho một chập thì sóng đã đánh ập tới.

Buổi chiều hôm đó, một con sóng lớn cuồn cuộn đã cuốn nguyên cả đàn ném vào biển. Cái ném mạnh, chúng có cảm giác bị liệng vào một thế giới khác. Đại dương bao la vô tận, đó là một bầu vũ trụ lỏng. Và nó có cảm giác đang lạc vô cõi ta bà.

Bạc không biết mình đã ngất đi trong bao lâu. Khi tỉnh dậy, nó thấy chỉ mỗi một mình. Đàn cá  tan tác hết. Cảm giác lạc lõng giữa biển khơi làm nó hoảng. Nó sợ hãi, gào to, “Sockeyes, sockeyes…2 ” Kêu khản giọng, không có một tiếng nào vọng lại, âm thanh chỉ tan vào trong nước. Bây giờ nó bỗng thấy khó thở. Nước biển là một thứ dung dịch mặn làm nó ngộp. Bạc sặc sụa liên tục. Phải lấy thăng bằng, nó nghĩ, Bạc đứng nguyên tại chỗ và bắt đầu mở miệng hớp từng ngụm nước nhỏ rồi thở ra từ từ.

Khi hơi thở đã điều hòa, thình lình một con cá  to từ phía sau cắn mạnh vào đuôi làm nó giật bắn. Chưa kịp quay đầu thì Bạc hoa mắt. Một con cá xanh lè dí sát mặt nó.

“Ối trời ơi, Bác Rêu.” Bạc mừng rỡ.

“Đồ điên.” Tảng Rêu giận dữ, mắng. “Ngoài biển, chớ bao giờ đứng yên một chỗ, rõ  chưa?”

“Ở đây đâu có ai?” Bạc nhìn quanh quất, biển vắng ngắt, bốn bề tịch mịch như tờ.

“Sao không? Bọn cá Mập, Kình ngư, cá Kìm, Lưỡi Kiếm, Trạch, Đuối, Hải Cẩu, Hải Sư,… đầy dẫy  ở đây. Chúng có thể từ một nơi nào  đó bất ngờ xẹt tới nhanh như chớp. Có thể  mình bị đớp trước khi nhìn thấy chúng.”

“Eo ơi!” Bạc rùng mình kêu nhỏ.

“Mày đứng im giống hệt như một miếng mồi mắc vào cái lưỡi câu, trông cũng hấp dẫn lắm.” Chế giễu xong, Bác Rêu lôi nó bơi song song.

“Lúc sống trong sông, kẻ thù ta ở trên bờ. Ngoài biển, kẻ thù đều là những loài dưới nước. Chúng kề cận ta, to hơn, mạnh hơn và bơi nhanh hơn ta. Còn nữa, răng chúng sắc, ngạnh dài và  cứng như một ngọn giáo có thể đâm thủng bất cứ thứ da vẩy nào.”

Bạc chột dạ, “Như vậy, vũ khí chúng ta đâu?” Nó đảo mắt nhìn mình, nó không có râu, không có ngạnh, bảy cái vây đều mềm như bảy giải lụa.

“Chúng ta không có vũ khí.” Bác Rêu chép miệng, thở ra. Những bong bóng nước bay lên trông méo mó như những giọt lệ chảy ngược lên trời.

Bạc nao núng, “Vậy thì lấy gì chiến đấu?”

“Không có chiến đấu.”

“Trời đất! Chẳng lẽ cả đàn nhắm mắt chịu chết ư?” Bạc thảng thốt kêu.

“Chúng ta phó mạng cho trời. ” Bác Rêu nguẩy  đuôi, mắt buồn xo, “Mình chỉ ước tính thành bại trên sự thiệt hại nhiều hay ít thôi.”

“Nhiều, ít thế nào?”

“Gặp cá Mập mình chết cả đàn, nếu là  Hải Cẩu thì mất một vài con.” Bác nói thêm, “Nếu còn sống, kể như đã thắng.”

Bạc chua xót, “Không có cách nào đối phó  ư?”

“Chỉ còn nước chạy.” Bác Rêu phán, “Tẩu vi thượng sách.”

“Bốn biển mênh mông, biết chạy đàng nào?”

“Thì dùng sợi chỉ bạc trên lưng này, đó là  sợi dây thần kinh cảm giác, có thể đánh hơi kẻ thù từ xa cách mấy dặm.”

Bạc ngạc nhiên, định hỏi, “Sao sợi chỉ bạc của nó lâu nay chẳng ngửi thấy mùi gì cả?”  Thì bác Rêu đã nói, “Muốn đánh hơi phải tập cái đã. Quan trọng nhất là phải bơi nhanh hơn nữa.”

Điều này thì nó hiểu, nhận biết sự nguy hiểm gần kề mà bơi chậm thì khó thoát.

“Kể ra thì sợi chỉ bạc trên lưng mình cũng xem là thứ vũ khí duy nhất của trời ban.”  Bác Rêu tự trào.

“Ông Trời đáng ghét!” Bạc phẫn uất. Thật bất công, Tạo Hóa trớ trêu sao tước đoạt đi quyền tự vệ của chúng nó chứ.

Đàn cá bắt đầu xuôi theo dòng hải lưu, lên phương Bắc. Càng ngày khí hậu càng dễ chịu. Gió lành lạnh, nước trong suốt. Xa xa, ở tận chân trời, những dải núi tuyết nhạt nhòa hòa cùng mây trắng.

Gần đến cực Bắc, dòng hải lưu cuốn mình và  rẽ ra khơi. Nước gần bờ trong xanh, ra xa xanh thẫm, rồi xanh đậm, tới giữa khơi ở những vùng biển sâu nước đen như mực.

Bạc bơi cuối đàn. Nó thích ngắm hình ảnh cả  đàn lao vút như một đàn chim bay trong nước. Chúng lóng lánh và đẹp như những mũi tên.

Những con như cá Đầu Sắt, Tảng Rêu, Vây Rách, và Móc Quặp bơi như điên. Không biết mục tiêu  đến những đâu mà nhóm đầu đàn róng mình thi với dòng nước chảy. Đằng sau, bọn của Bạc theo muốn  đuối. Khi Bạc quay lại, một nhóm Hải Cẩu đông tới mấy chục con đang phóng mình vụt tới. Chúng há miệng táp ngang thân những con cá bơi chậm. Hai cái nanh vàng cáu như hai cây đinh cắm phập trên lưng một con Hồi xấu số. Bạc chưa kịp nhìn thấy một dòng máu  đỏ nào chảy ra thì nó đã quay ngoắc, bơi bán mạng qua mặt cả đàn. Khi bắt kịp cá Đầu Sắt, Bạc mới định hồn.

“Ông Đầu Sắt ơi! Hải Cẩu, Hải Cẩu kìa.” Bạc thở hổn hển, mắt nó tròn xoe kinh khiếp.

“Bình tĩnh nào. Lũ khốn đó bị mất dấu rồi.” Cá Đầu Sắt trấn an.

Bạc quay lại nhìn, Hải Cẩu đã biến mất. Bấy giờ, cả đàn cá đang bơi trong cảnh thanh bình. Bạc ngạc nhiên quá đỗi.

“Ô hay! Ông đã thấy à?” Nó giận dữ,  “Sao ông không cứu họ?”

“Cứu? Làm sao cứu?” Ông Đầu Sắt điềm tĩnh, “Tao chỉ cứu tao thôi.”

“Đồ ích kỷ.” Nó phẫn nộ hét.

“Hồn ai nấy giữ. Đó là quy luật của cá  Hồi, mày chưa biết à?” Đầu Sắt vẫn tỉnh bơ.

Bạc tức tối, quy luật gì tàn nhẫn vậy. Nhưng nó  chưa kịp phản đối đã có tiếng đồng thanh.

“Phải, phải, quay lại là chết.” Cá Vây Rách chen vào. “Mỗi con phải biết tự cứu mình.”

“Cứu mình tức là cứu đàn.” Đầu Sắt nói,

“Chỉ cần bất kỳ con nào sống đều có  nghĩa là đàn vẫn sống.”

“Nhưng làm sao để sống?” Hình ảnh một đám Hải Cẩu hung dữ như đàn sói biển vẫn còn  đọng trong đôi mắt nó.

“Thì mày cứ bơi như hồi nãy đó.”  Đầu Sắt buột miệng khen, “Trong phút chốc mà qua mặt được cả đàn, giỏi lắm.”

“Lúc nãy là bơi bán mạng.” Bạc nói. Cho tới bây giờ nó cũng không hiểu nó lấy sức  đâu mà vượt trong lúc rã rời như vậy.

“Lúc nào cũng bơi bán mạng, mày sẽ thọ nhất  đàn.”

Bạc nghĩ, lúc nào cũng bán mạng thì nó sẽ  đứt hơi mà chết.

Nhưng bơi bán mạng cũng chưa đủ, sau này con Vây Rách dạy Bạc hụp. Phải biết hụp, biết ngoắc phải, ngoắc trái thật bất ngờ mới thoát hiểm. Vây Rách bảo, khi bị cá Mập đuổi, có bơi bán mạng cũng không kịp. Khi cá Mập sát bên, phải hụp lúc chúng sắp há miệng, như vậy mới tránh được sức nước đang lùa vô miệng chúng. Chính Vây Rách là một bằng chứng. Có lần nó hụp, đuôi bị một con Lưỡi Kiếm chém trúng nên bị rách, đúng ra phải gọi là Đuôi Rách. Còn cách ngoắc phải hay ngoắc trái khi bị tấn công đồng loạt hoặc lúc lọt vào vùng nguy hiểm.

Bạc cảm thấy rùng mình. Nó nghe nói đàn cá  cũ trước đây đã từng đi qua biển Cá Mập, không hiểu đàn làm sao để thoát hiểm. Và trong chuyến này, chúng có phải qua những vùng đàn đã từng qua, gặp những kẻ thù mà đàn đã từng gặp? Mà dòng hải lưu này có phải cũng là dòng hải lưu xưa, xuôi trong đại dương theo những chu kỳ  bất biến? Và tại sao chúng nó phải bơi theo hải lưu kia chứ? Tại sao không rẽ qua một dòng nào khác? Hay chiếm một vùng san hô hiểm trở để trú  ngụ, an toàn hơn?

Khi Bạc hỏi Bác Rêu mấy điều này Bác lấy cái vây  đập vào đầu nó.

“Hỏi một hồi, dám chừng mày sẽ hỏi tại sao chúng ta ra biển?”

Bạc gật đầu lia, “Phải, phải. Sống trong sông, đỡ nguy hiểm hơn.”

“Ở trong sông, cá Hồi đâu lớn nổi. Mày mãi mãi chỉ là thứ lòng tong khờ dại.”  Bác Rêu lượn một vòng rồi ngắm nghía, “Coi, ra biển mấy tuần mà mày đã lớn hẳn.”

“Thật ư?” Bạc tự ngắm mình, lần  đầu tiên nó đã nhìn được cái đuôi của mình. Lưng nó cũng cứng cáp nhờ một lớp vẩy mỏng tang, trong vắt. Chao ơi, nó đã lớn, biển  đã nuôi nấng và giúp nó trưởng thành.

“Mày lớn, nhưng chưa thể gọi là trưởng thành.”  Bác Rêu chận nó lại, “Muốn trưởng thành phải làm  được những thứ tao đã làm.”

“Như những việc gì?”

“Đánh hơi, nhảy sóng.”

Bạc sực nhớ, sợi chỉ bạc trên lưng nó vẫn lóng lánh, nhưng quả, bấy lâu nay không ngửi được mùi gì. “Làm sao để đánh hơi?” Nó  hỏi.

Bác Rêu không trả lời, mà hỏi lại. “Mày biết biển có mùi gì không?”

Bạc hít một hơi sâu, rồi nén hơi, thở ra nhè  nhẹ bằng go. Nước trào qua kẻ mang, mở ra từ từ hai bên má. Một lúc sau, nó vẫn không phát hiện được mùi gì. Biển vẫn trong lành.

“Không có mùi gì là tốt rồi. Khi ngửi  được bất cứ mùi gì lạ, cần phải kêu lên, báo động cho cả đàn.”

“Rồi đàn làm gì?”

“Lúc đó tất cả túa ra mọi hướng, hễ  ngửi hướng nào không mùi thì báo tin tốt ngay. Đàn sẽ lập tức theo hướng đó.”

“Vậy lúc đó mình không cần theo hải lưu nữa  ư?”

“Tạm thời không. Nhưng sau đó phải trở lại. Theo hải lưu là bơi xuôi dòng, ngoài dòng là bơi ngược. Khi bơi ngược tốc độ chậm, khó tránh nguy nếu bị loài khác tấn công.”

Theo Bác Rêu, Bạc phát giác, tốc độ bơi chính là  một thứ vũ khí để tự vệ. Ngoài ra, đánh hơi, nghe ngóng cũng giúp chúng phát hiện được kẻ địch. Rèn luyện bản thân thôi cũng chưa đủ, chúng nó phải tìm hiểu tính cách, bản năng của các loài khác. “Biết địch, trăm trận trăm thắng.”  Bác Rêu bảo thế.

Đàn cá Hồi của dòng sông Clearwater đã ở vùng biển Alaska suốt mùa Hè năm ấy. Ở đây cuộc sống tương đối an lành. Chúng sống chung với những loài Cua biển, Tôm hùm, Bạch tuộc, Hải sâm và vô số những thủy tộc khác. Chúng cũng gặp những đàn cá Hồi khác từ những con sông quanh đó đổ về. Những đàn Hải cẩu, Hải sư, Hải mã, Rái biển, Hải ly từ khắp nơi trên Bắc Cực cũng kéo về bắt đầu mùa săn bắt. Sự nguy hiểm giăng đầy mặt biển. Để trốn tránh, đàn của Bạc lặn sâu dưới đáy. Chúng lẩn vào những rặng san hô chập chùng như những cánh rừng của biển. Bạc mò mẫm tìm những nhánh san hô bám đầy rong để đánh một giấc ngon lành.

Cuối Thu, hải lưu đổi chiều. Đàn cá lên đường xuôi Nam trước khi nước đóng băng.Trên trời những đàn chim cũng bắt đầu đi trốn lạnh.

Càng về Nam, biển càng rộng và sâu. Khi trời bắt  đầu lạnh, đàn cá Hồi đã xuống tới Thái Bình Dương. Một khối nước khổng lồ, ngút ngàn phủ kín chân trời. Nhìn ra tứ bề, trời biển giao nhau bằng một đường cong tím nhạt. Trái đất bây giờ  là một hành tinh nước. Đại dương mênh mông, đàn cá cảm thấy mình nhỏ nhoi như những giọt nước. Bỗng nhiên, chúng bơi rúc vào nhau. Tội nghiệp cho những ai sống cô đơn ngoài biển. Lần đầu tiên Bạc phân vân về ý định trốn lại biển một mình.

Mùa Đông, mùa giông bão. Sấm nổ rền trời. Lẫn trong những đám mây vần vũ, chớp giật liên hồi. Những tia lóe sáng ngời run rẩy làm bầu trời sắp rạn bể. Rồi gió giật, và mưa đổ. Sóng dậy. Mặt biển chao nghiêng. Nước chực đổ tràn ra ngoài vũ  trụ. Từng cơn sóng cuồn cuộn cuốn mình như muốn nhón tới trời xanh. Nước vút lên rồi vụt xuống, hết lớp này tới lớp khác, rượt đuổi nhau róng riết trên mặt biển.

Đàn cá lặn tuốt dưới đáy tránh bão. Suốt đêm Bạc không ngủ. Tim nó đập thình thịch. Bạc lắng nghe tiếng trống tim nhỏ xíu chen lẫn tiếng sóng gầm gừ gào thét trên không. Trời đất đang nổi cơn thịnh nộ. Cả đàn im thin thít. Cơn bão có thể  kéo dài. Bạc nằm im, lững lờ ve vẫy hai vây. Lòng nó cũng đang có sóng, sóng từng cơn, háo hức. Nếu không có đàn, nó bất kể tất cả  nguy hiểm để phóng mình lên. Bạc ước trong đời tận mắt nhìn những bông hoa sóng. Nó nghe kể, khi sóng đập vào gềnh, ngọn nước tóe ra những bông hoa sóng trắng xóa. Hoa sóng tích tắc nở, rồi rơi xuống tan ngay vào biển. Bạc ước, nếu hớp được một cánh hoa sóng ấy rồi có bị sóng dập chết cũng cam. Nhưng mà  bấy giờ, nó không thực hiện được ước mơ điên cuồng ấy trước mắt cả đàn.

Không biết thời gian trôi qua bao lâu. Bão tạnh. Cả  đàn nghếch mỏ im nghe. Những tiếng ỳ ầm tắt bặt tự bao giờ. Biển lặng như hồ. Lũ cá lao nhao, bắt đầu một con rồi hai con, bọn trẻ phóng mình vụt lên xem biển. Không ai có thể kềm giữ nổi lũ trẻ. Thời gian chờ bão dài như thời gian bị giam trong chốn ao tù.

Khi Bạc ngoi đầu lên, biển đang tí tách mưa. Những hạt mưa nhẹ như bụi, mờ mờ như  sương giăng đầy trên biển. Và trên cao, lộ giữa bầu trời hoang tàn, lẻ loi một vầng trăng xanh vừa  đi qua trong mưa. Bạc cảm động, trong lúc nó chui rúc vào chốn an toàn thì mảnh trăng này đã chia sẻ cùng trời đất, trăng là chứng nhân duy nhất nhìn thấy bao giông bão chôn lấp nhau giữa chốn mịt mùng.

Qua đêm sau, trời xanh ngắt, trăng chót vót cao. Ánh vàng rót tràn xuống biển. Nước lấp lánh, nhấp nhô cả  một biển vàng. Đàn cá tung tăng. Bọn chúng thi phóng mình đón trăng. Khi Bạc tung mình lên, đột nhiên nó  nhìn thấy có một bóng vàng vừa rơi xuống nước. Lần nào như lần nấy, nó ngạc nhiên. Không phải trăng rơi, mà là có một con cá với sợi  chỉ lưng màu vàng, óng ánh quá đỗi. Màu chỉ của con Vàng cứ như màu trăng đã thu vào đấy. Đẹp quá, Bạc ngưỡng mộ, bất giác nó thấy sợi chỉ bạc của mình tối tăm như màu chì. Đột nhiên, giữa lúc ấy có tiếng rót vào mang nó.

“Em đẹp quá, Bạc ơi.” Một con đực to lớn, vây dài, vẩy cứng phe phẩy bên nó.

“Thật ư?” Bạc lui ra. Nó ngó con Vàng, “Kia mới đẹp kìa.”

“Không đâu, Bạc mới đẹp.” Đực chê con Vàng, “Màu bạc lóng lánh, sáng át ánh trăng.”  Nói xong, Đực dùng vây vuốt nhẹ dọc trên sóng lưng của Bạc. Bạc rùng mình, nó lảng ra xa, rồi bắt  đầu tung mình nhảy sóng. Nó muốn xem, màu bạc của nó có át được màu trăng. Cá Đực cũng phóng theo nhưng mới mấy cái Đực đã chán. Nó  lẩn quẩn bên những nàng cá khác.

Bạc siêng lắm, bất kể mưa nắng, nó tập phóng liên miên. Cao hơn nửa thước, Bạc phóng như bỡn. Những con đầu đàn cũng khen ngợi. Phóng cao một thước, xác suất sinh tồn cũng cao hơn. Bạc nhớ lại những khúc có nhiều ghềnh thác, bơi ngược dòng thật không dễ. Nó nghe nói, có truyền thuyết nói về  một loài cá Chép phóng rất cao, vượt vũ môn  để hóa thành Rồng. Nó ngưỡng mộ cá Chép lắm. Nhưng mà phóng thế nào để vượt vũ  môn, mà vũ môn là ở đâu kia chứ? Nó  hỏi Bác Rêu. Bác Rêu mắng, “Hoang đường. Rồng là  con vật tưởng tượng. Chưa có con cá Chép nào sống sót khi ra tới biển.” Bác Rêu nhắc nhở, cuộc đời ngắn lắm, phải thực tế thôi.

“Mày có ai chưa?” Lần nào gặp nó, Bác Rêu cũng hỏi câu này.

“Chưa.” Bạc đáp.

“Kiếm một đứa đi, cho có đôi có bạn.”  Bác Rêu khuyên.

Bạc ngó quanh, nó nhác thấy con Đực ve vãn con Vàng. Nó xao lòng, giọng buồn thiu.

“Để làm chi?”

“Để còn sinh đẻ chứ. Ai cũng như mày, đàn tuyệt giống.”

“Sinh đẻ làm sao?” Nó vẫn cái giọng lười biếng, đều đều hỏi.

“Khi trở về nguồn, cá cái tìm chỗ, cá  đực đào lổ, con cái đẻ trứng, mấy ngàn cái trứng, rồi cá đực phủ tinh lên trứng, tinh sẽ giúp trứng nở thành con, và tinh cũng là thức ăn để nuôi ấu trứng.”

“A!” Bạc la lên. Nó chợt nhớ ra, cũng vì  cái vụ đẻ đái này mà vợ chồng cá  đều kiệt sức chết cả đôi. Nó nghiệm ra, giống cá Hồi chết vì kiệt sức do sanh sản, chứ  nếu vượt nguồn thôi thì chưa chắc chết. Nó  vội nói điều này với bác Rêu.

“Chết không đáng sợ.” Bác Rêu buồn bã. “Cái  đáng sợ là sau khi chết, đàn của mình không ai sống cả.” Giọng bác bi thương, “Giống cá Hồi sẽ biến mất trên thế gian này.”

“Biến mất thì biến mất, sợ chi?” Bạc chán đời, “Cái vòng sinh diệt của cá Hồi là  cái vòng lẩn quẩn. Sinh ra trong sông ngòi, lớn lên giữa  đại dương, tranh đấu để sống còn, chúng ta tận sức vượt bao ghềnh thác, bơi ngược dòng để trở về, sinh đẻ rồi chết. Vậy mà chúng ta phải kéo dài cái vòng sinh tử này ư?”

Nó hỏi ngược bác Rêu, “Vậy sống có ý  nghĩa gì?”

“Ai mà biết! Nhưng mà Bạc ơi,” Giọng bác Rêu trầm hẳn, “Một hạt lúa nếu không được nẩy mầm để trở thành cây lúa thì hạt lúa đó rồi cũng sẽ mục rửa trong lòng đất  mà thôi.”

Bạc quyết định, nó không thể trở thành hạt lúa lép, nó sẽ nẩy mầm, đơm bông để cho đời trăm ngàn hạt lúa mới. Nó định, hễ con Đực trở lại có lẽ nó sẽ không từ chối nữa. Mấy ngày nó để ý tìm nhưng Đực mất tăm. Hỏi khắp nơi, lũ cá cái  đều mắng, Đực là tên dâm tặc, một cây ve vãn có  tiếng.

Bạc muốn quên Đực ngay, quanh nó còn biết bao con đực khác. Một con Hồi thân tròn, mập ú như  cá Flounder cứ lượn lờ quanh nó. Con khác  ốm nhom, thân dài như cá trạch. Có con đen thùi như cá lòi tói, con trơn lui như cá  da trơn, con thì lấm tấm rổ như cá nhám, có con đẹp dáng lại hết sức vô duyên. Nói chuyện với đám này Bạc có cảm giác Bạc nhìn thấy chúng, nhưng chúng không nhìn thấy Bạc. Trước những lời tán tỉnh, Bạc vô tri như một con cá giả, một thứ cá bằng nhựa màu mè vẫn thường thấy mắc trên các lưỡi câu.

Biển Thái Bình không bình yên như tên gọi. Giông bão trên biển không đáng sợ, nguy hiểm tiềm tàng thường nằm sâu dưới đáy đại dương. Thường thì đàn tránh đi vào những vùng nguy hiểm như vùng Cá Mập, biển tử thần (vùng nước xoáy), san hô đỏ (loại có độc), hay rừng Sứa (sứa giăng dầy như lưới). Cá Đầu Sắt, Móc Quặp, Vây Rách, Đuôi Xòe đều là những con thuộc lòng hải trình. Cái khó không phải chuyện tránh đi vào vùng nguy hiểm mà là sự chọn lựa khi gặp cả hai. Nhưng cũng có những thứ nguy hiểm mà Đầu Sắt không thèm né.Ví dụ như gặp một bầy cá Đuối mấy chục con, đàn cá mất mấy chục mạng. Gặp cá Lưỡi Kiếm, Đầu Sắt cũng không màng, kết quả có cả chục con bị xiên một lượt. Bạc nghĩ, Đầu Sắt không những có cái đầu cứng như sắt mà tim cũng bằng sắt, nó không biết thương xót cho thân phận đồng loại.

Trước khi kêu ca về điều này, Bạc chợt nhận ra đàn cá Hồi đông cả chục ngàn con của mình cũng là một thứ hung thần trong biển cả. Những vùng chúng nó qua không một sinh vật nào sống được. Quy luật cá lớn nuốt cá bé đã tiêu diệt những loài sinh vật nhỏ không có sức tự  vệ. Cái vòng sinh tử, ôi tàn nhẫn làm sao. Nhưng mà, Bạc không có thời gian thương cảm lâu, nó phát giác có mùi máu. Nó đánh hơi một lần nữa, sợi chỉ Bạc trên lưng nó rung lên, như có  một luồng điện rần rật khắp châu thân. Nó la lên, lúc ấy phía trước cũng có tiếng báo động. Một con cá trạch nhỏ vừa bị hai con Hồi cắn xé, thân cá trạch tét đôi, máu đổ linh láng, dấu máu loang dài theo đường bơi. Đây là dấu hiệu cho Cá Mập đánh hơi tìm tới. Lúc bấy giờ theo kinh nghiệm của Đầu sắt, Móc Quặp, có chạy đàng trời cũng không thoát. Cá Mập thân to, vây lớn, có bảy lớp mang, sức bơi nhanh như chớp, phút chốc sẽ tới. Nhanh như cắt, Đầu Sắt phóng tín hiệu, “tan hàng”. Đàn cá bung ra trăm hướng. Chúng tản mác khắp nơi. Cả vùng biển sâu rộng thoáng chốc trở thành một vùng trời tan tác.

Khi Cá  Mập tới, Bạc đã nấp sâu dưới một nhánh Kelp3. Kelp là một loại rong to bản, lá xanh như loài dương xỉ của biển. Lá Kelp dài mười mấy thước, rậm rạp như một rừng lau sậy an toàn. Bạc nấp trong rừng Kelp, ngước mắt nhìn lên. Một con Mập đang bơi ngay trên đầu nó, giống như chiếc tàu ngầm chầm chậm lướt qua. Thấy đàn cá rời rạc, cá Mập thất vọng. Nó há miệng lớn như chiếc tàu há mõm. Nước cuốn bầy cá ùa vào miệng Mập mạnh như nước lũ tràn bờ. Lặn sát gốc Kelp mà Bạc còn xính vính vì sức nước. Nó cắn chặt gốc Kelp, thân lơ lửng, lắt lay theo nước. Hình như là hai con Mập chứ không phải một. Chúng đảo quanh nhiều vòng như vớt cho hết đàn. Gần cả ngày hai con cá Mập mới rút lui. Đợi chúng đi hẳn, vài giờ sau mới nghe tiếng đàn “ru.. rúc” gọi nhau. Khi Bạc lên, đàn vẫn chưa tập hợp đủ. Những con đầu đàn vừa bơi quanh đó vừa “rúc.. ru.. ru” từng hơi dài. Bạc và đám còn lại cũng bắt đầu bơi theo sau phụ lực. Đầu Sắt đợi một hai ngày sau mới ra lệnh khởi hành. Qua chuyến này kiểm điểm đàn mất một phần ba.

Bạc theo đàn rời khúc biển đó mà lòng như để lại. Nó bơi nhưng thỉnh thoảng cứ quay lui, không biết có còn sót ai. Một phần ba đàn đã mất. Một phần ba thân thể bị chặt lìa. Lòng Bạc tê tái. Nhưng mà trong đàn không có con cá nào khóc cả.

Nó hỏi. Bác Rêu nói, “Mắt cá không chớp nên cá không biết khóc.”

“Không lẽ trái tim cá không biết xúc động ư?” Nó muốn giận thật sự.

“Mày có thấy nước biển mặn không?” Bác Rêu hỏi ngược nó. “Nước biển là nước mắt của tổ tiên tất cả các loài cá đã khóc  đấy.”

“Tất cả à?” Nó ngạc nhiên, “Kể  cả tụi cá Mập, cá Voi, cá Heo ư? Cá  lớn nuốt cá bé, vậy đâu có ai nuốt nổi những con này.”

“Ừ, nuốt không nổi. Nhưng mày có biết những con kình ngư chết như thế nào không?”

Bạc không trả lời.

“Đói mà chết đấy.” Bác Rêu tiếp, “Chết vì đói nên nó biết trước cái chết của mình. Khi gần chết, nó thường tìm những hố sâu nhất của biển mà cắm đầu vào. Trước khi trút hơi nó rống lên những tiếng kêu thảm thiết lắm. Đó gọi là cá Voi trầm sát.”

“Chết thì chết, tại sao phải thế?”

“Ai biết đâu.” Giọng bác Rêu bắt đầu nhão, “Chắc nó oán trời đất. Có sinh mà không có dưỡng.”

Kết thúc câu chuyện, bác Rêu buông thõng một câu, “Kể cũng tội nghiệp.”

Tội nghiệp lũ cá Mập sao? Lòng của cá Rêu  ắt rộng như biển. Thương cả kẻ thù  à? Trái tim Bạc không đủ rộng lượng như vậy.

Trải ba năm sau, chứng kiến nhiều trận sống chết  ở đời, Bạc mới hiểu. Định mệnh của loài cá  không nằm trong biển, chúng sống dưới nước nhưng chết trên bờ. Gởi xác trong biển đúng ra đã là một phúc phận.

Bây giờ, hơn lúc nào hết, Bạc nhớ quê kinh khủng. Nó hình dung ra dòng sông Clearwater, nước trong vắt, đáy in cả một mảnh trời xanh ngắt. Nó mơ  nhìn lại mấy chòm mây trắng bay. Một dòng sông êm  ả, thanh bình. Ôi ! quê nhà yêu dấu ơi!

Nỗi nhớ quê hương tha thiết của Bạc truyền  đi rất nhanh. Cả đàn đều muốn trở về. Nhưng những con đầu đàn quyết liệt phản đối.

“Về bây giờ là tự sát.” Đầu Sắt tuyên bố, “Phải chờ hải lưu đổi chiều.”

Nỗi nhớ quê nhà da diết đã làm cả đàn thất thần, ngơ ngáo. Không ngờ chính vì đó mà chúng lạc vào một tai họa bất ngờ.

Đuôi Xòe phát giác trước tiên, nó báo động, phía trước là một dãy núi san hô đỏ, loại có  độc. Trước mắt chúng, một vùng biển rựng sáng, ánh hồng rọi như vầng dương sẽ mọc lên từ  đáy biển.

Cá Đầu Sắt ngừng lại, ngắm hướng. Móc Quặp cũng từ phía khác bơi về, một bầy sứa nhiều như  rừng đang giăng kín khắp nơi.

Những con đầu đàn chụm đầu bàn tán. Đi hướng nào? Dãy núi san hô đỏ chập chùng, dài vô tận. Loại san hô đỏ hồng như những ngọn lửa than, chất độc lan tỏa trong nước, đàn cá bơi ngang chưa qua khỏi thì đã trúng độc. Có cách nào thoát? Không ai nghĩ ra.

Nhưng mà rừng Sứa, cũng khó mà lọt qua. Những con Sứa trắng mờ hình dáng như những chiếc dù tung cánh, phất phơ trong nước, mềm mại như những làn khói mỏng. Vướng vào Sứa như dính vào mạng nhện, khó mà cục cựa, đừng nói chi bơi.

Rừng Sứa dầy đặc, kín mít giống như một cái lưới giăng phủ khắp nơi. Đàn cá Hồi đã bị bao vây trong một cái bẫy khổng lồ.

“Phải mở đường máu ngay.” Đầu Sắt thấy, càng lúc vòng vây càng siết lại.

Móc Quặp, Vây Rách, Đuôi Xòe dẫn theo một đoàn một trăm con xung phong. Chúng nó phóng thật nhanh vào rừng Sứa. Đội tiên phong vừa bơi, vừa tự lăn tròn, quấn mình vào lũ Sứa. Lăn càng nhanh, càng quấn được càng nhiều, cho đến khi đội xung phong nằm im, trông chúng bây giờ như những kén tơ trắng muốt. Một con đường máu lộ ra. Đầu Sắt giục, cả đàn phóng như bay. Những con cá giống như những mũi tên phăng phăng xé nước.

Khi cả đàn thoát qua rừng Sứa, chúng để lại ba ngàn con, đàn còn non một nửa. Một sự mất mát đáng kể, trong đó có những con đầu đàn, toán cảm tử  và cả con Vàng nữa. Khi liều mạng băng qua, Bạc thoáng thấy một sợi chỉ vàng lấp lánh gói gọn trong một cánh dù trắng muốt. Không thấy con Đực, sau này Bạc cũng không biết nó sống chết ra sao.

Đêm hôm ấy, Bạc ngoi đầu lên mặt nước. Qua bao biến cố dồn dập, trên cao trời vẫn lồng lộng xanh. Một ngôi sao Hôm lấp lánh chực rơi xuống địa cầu. Một mùa Hè nữa lại tới. Hải lưu đổi chiều, dòng nước lạnh chuyển mình ra Bắc. “Về nguồn”, tín hiệu vui phát từ đầu đàn. Sung sướng, bọn Bạc mừng rỡ nhảy cỡn. Cả đàn tức tốc lên đường.

Đường về quê xa xôi diệu vợi, đàn phải tăng sức gấp ba. Chúng đua hết tốc lực, không có đêm và ngày, không có thời gian ăn uống nghỉ ngơi, không còn lòng dạ cho trăng, sao và gió nữa. Đàn cá vượt qua những rừng rong, bơi qua những rặng san hô hiểm hóc, bên dưới là những hố sâu thăm thẳm. Ban ngày, mặt trời lên, ánh sáng xuyên thấu qua mặt nước thành một một vầng hào quang mờ ảo lung linh. Chúng nương theo bóng mặt trời, đêm theo dấu những vì sao. Khi trời không trăng, bóng tối vây quanh, chúng cũng liều đầu vô vùng đen trước mặt. Bởi vì, qua đó là quê nhà.

Quê nhà xa lắc xa lơ đó,
Ngoảnh lại tha hồ mây trắng bay4

Bạc ngó đăm đăm vào vũng đen, nhưng trong trí  hiển hiện dòng sông Clearwater. Đàn cá phải trở  về đúng vào mùa Thu. Bạc nhớ mặt sông, trời chiều nắng rải lấp lánh, hai bên bờ lá phong chín vàng. Nhớ mùa Thu, mặt sông phẳng lặng, đồi núi in bóng im lìm, Bạc thích ngắm những chòm mây trắng chầm chậm trôi bóng dưới đáy sông. Chao ơi, tim Bạc nhói  đau. Nó quay quắt nhớ những lúc nghe gió xào xạc khua hai bờ lau sậy. Đó là bản trường ca tưởng không bao giờ dứt.

“Phải về thôi,” Bạc tự nhủ. “Về  bằng mọi giá.”

Nhưng đường về không dễ, bên phía trái, ba con cá  Đuối bất chợt xuất hiện. Chúng nhào tới như ba cánh diều, đớp gọn ba con Hồi. Mặc kệ, đàn vẫn bơi. Không con nào có thời giờ chậm lại. Mấy ngày sau, lại gặp một cặp cá Heo nhào lộn như đang biểu diễn. Đàn vẫn cứ bơi, không ai để mắt tới đám xiếc. Cũng may, cặp đó không nhìn thấy chúng. Gần ra phía Bắc, đàn gặp một con cá Voi khổng lồ đang di chuyển xuống miền Nam, lưng nó phun thành từng cột nước trắng xóa. Đàn Hồi lủi vào một rặng san hô, nhưng cuộc hành trình vẫn cứ tiếp tục. Chúng len lỏi trong những cành san hô, tìm con đường ngắn nhất. Trước khi chuẩn bị vào cửa biển Astoria để nhập sông Columbia, đàn còn thấy một đám cá Chuồn xanh đậm đang bay la đà trên mặt biển. “Thôi nhé đại dương,” cả đàn ngoái đầu nhìn, “Chào vĩnh biệt.” Bạc xúc động nhìn màu xanh của đại dương, dù gì nó cũng sống ba năm ngoài biển cả.

Hành trình trở về bến sông xưa ví như  cuộc hành hương trở về đất thánh. Bạc nhận ra nó đang lần theo dấu vết của tổ tiên mười mấy ngàn năm trước.

Khi nhập vào sông Comlumbia, để tránh lưới, đàn của chúng lặn sâu dưới đáy. Chúng bảo nhau phải tránh lờ, vó, câu đặt lẻ tẻ dọc hai bên sông. Chết ở đây, với bất cứ lý do nào, cũng thật oan.

Bơi dưới đáy, sông im như tờ. Cả đàn không ai bảo ai, miệng ngậm tăm và mải miết bơi. Bạc đếm từng nhánh sông một, Cowlitz, Lewis, Rock, Willow, Umarilla5 A! Sắp tới Snake. Đàn phóng như bay. Tim Bạc đánh trống trận. Bơi ngược dòng không phải dễ. Hơn nữa, sông Snake như một dòng lũ tràn xuống, tuôn qua ghềnh thác. Hai bên bờ nhiều Chồn, Cáo, chó Sói, Gấu rình rập. Loại Gấu nâu, nhiều con đói, lội sông ra đứng giữa ghềnh chờ.

Nước từ trên ghềnh bắn tung xối xả. Bạc lấy trớn, nhảy. Qua con sóng thứ nhất. Lội ngược dòng rất chậm, đến chừng mươi thước gặp con sóng thứ hai, nhảy. Lại chật vật lội tiếp, con sóng thứ ba, lại nhảy. Bạc nhớ lúc xuôi dòng ra khơi, thật dễ  dàng. Có lúc, nó không cần bơi, cứ tự  buông mình theo dòng nước.Vậy mà bây giờ, nó  phải vận hết sức. Máu trong thân rần rật chảy, đến nỗi da nó đã ửng hồng. Nhìn quanh nhiều con trong đàn còn tệ hơn, da thịt đỏ au, giống như  màu son máu.

Khi qua Cửa Địa Ngục trên dòng Snake, đàn thấm mệt. Cũng ngay lúc sắp nhập vào con sông quê hương Clearwater, Bạc chính mắt thấy khi cá Đầu Sắt tung mình nhảy, nó rơi tòm vào miệng một con gấu. Bạc kinh hãi, nó chết khiếp khi chứng kiến cái chết của Đầu Sắt. Bạc rúng động, tội cho Đầu sắt không được nhìn thấy quê hương một lần cuối. Chết ở đây là chết trước cổng thiên đường. Mà không phải chỉ có Đầu Sắt, nhiều con cũng chôn mình trong miệng thú.

Cả đàn Hồi xúc động khi được bơi trên dòng sông xưa. Một chiếc lá khô rơi trước mũi Bạc.

“Ngô đồng nhất diệp lạc. (Một lá ngô đồng rụng)
Thiên hạ cộng tri thu.”    (Thiên hạ biết Thu về)6

Thu đến rồi ư? Nó ngoi đầu nhìn hai bờ sông. “Bạc ơi”. Có tiếng ai đó gọi nó phía trước.“Phải gấp lên thôi.” Bạc nhảy qua một con sóng cao ngất. Một con và một con nữa, Bạc phóng mình đi, hướng về thượng nguồn. Những con cá  quẳng mình từng nấc lên tới khúc sông xưa. Bạc mệt  đứ, nó đã ngất ngư mấy chục lần như muốn chết đi sống lại.

Khi về tới khúc sông cũ. Cả đàn Hồi đều đuối. Không có ai còn sức để mừng. Và Bạc lịm mình đi như một con cá chết

Khi Bạc tỉnh lại, nó vẫn chưa thể nhúc nhích, chỉ có hai cái mang hấp háy. Nó thở nhè  nhẹ và đưa mắt nhìn quanh. Những con cá Hồi thân đã đổi sang màu đỏ, từng cặp một, vợ và chồng đang lui cui kiếm chỗ. Một cái hốc  đá, một cái khe hay một lỗ cát cũng làm thành ổ. Bấy giờ là lúc cá cái chúi xuống, rặn hết sức. Những cái trứng đỏ hồng như ngọc rơi  ra. Con đực lập tức phóng tinh phủ lên trứng. Màu đỏ hồng biến mất, bây giờ trứng được bao bọc bằng một lớp vỏ trắng phau, nằm lẫn với những viên đá cuội bình thường. Khi sinh sản xong, vợ chồng cá chìm lỉm. Bạc gọi chúng, “Ơ, này….” Nhưng chúng không nghe, thân của chúng mềm nhũn,  dập dềnh trôi theo nước.Từng cặp, từng cặp một.

Không biết thời gian trôi qua bao nhiêu lâu, khi Bạc hồi sức, chung quanh nó không còn ai. Nó bơi lung tung, hớt hãi như một kẻ điên. “Đàn ơi. Hồi  ơi… Ớ ơ… Hồi.”. Không có tiếng vọng về. Không có dấu hiệu sống sót nào quanh đây. Nó kinh hãi quá đỗi. Đàn chết hết rồi ư?

Khi Bạc xông xáo bơi xuống phía dưới, gần bên bãi đá, một cảnh tượng kinh hoàng hiện ra. Bãi đá đỏ ối. Cả đàn đang phơi xác tại đây. Lũ chó sói, chim chóc đang róc rỉa gần hết. Dưới ánh nắng, xương xóc, gan ruột đã bắt đầu khô. Không thấy bác Rêu đâu, tim Bạc thắt lại, lòng quặn đau. “Ôi, trời ơi.” Nó muốn khóc thật lớn, nhưng nước mắt loài cá đã khô lâu lắm rồi.

Chợt một tiếng động làm lay mặt nước. Bạc quay lại, sau lưng nó khoảng mươi con Hồi còn sống. Tụi nó  cũng đang xúc động. Cả bọn rúc vào nhau, tìm hơi ấm. Chúng là những con sống sót.

Đêm Hai Mươi Tháng Chín, trời trở gió. Qua hôm sau, thời tiết thay đổi trong nội một ngày. Buổi sáng lá còn xanh mơn,…

Bạc ngoi đầu khỏi mặt nước, nó nghiêng mắt ngắm mùa Thu bay.

Rồi Đông đến.

Và Xuân sang.

Bạc ngơ ngác, đây là bến sông xưa, là quê  nhà, sao thấy nhiều đổi khác. Hoa đã nở, nhưng màu không thắm như xưa. Những lau sậy hai bên bờ cũng eo xèo, không có gió. Trời cao tít, mây và trăng đều nhạt.Và những tiếng ễnh ương, cóc nhái của ngày xưa cũng im bặt từ lâu.

Bạc bắt chước ông Đầu Sắt, khởi đầu bài học vỡ lòng. “Theo truyền thuyết, cuộc đời chúng ta là một chuỗi luân hồi. Có nghĩa là chúng ta sinh ra nơi nào thì sẽ trở về nơi đó. Mười mấy ngàn năm, quy luật đó không bao giờ thay đổi.”

“Ai nói vậy?” Một con cá nhỏ xíu, ngóc mỏ khinh khỉnh.

“Mốc xì, ai muốn đi thì đi. Tụi này không đi  đâu hết.” Một con lòng tong hỗn láo cướp lời.

“Ai bảo ông đi, ông đục bỏ mạng.” Tiếng của một tên nhóc, không biết trời cao đất rộng là  gì.

Bạc lẳng lặng quay đầu vô vách khe. Nó lạ  lẫm trên chính quê nhà của nó. Lần đầu tiên, nó có cảm giác lạc lõng giữa đàn. Bạc chợt ước, phải chi nó chết ở một nơi nào đó trên đường trở về. Để cái quê hương dấu yêu kia mãi mãi vẫn còn trong tim của nó.

© Nguyễn Thị Thảo An

damau.org

————————————————————-

1 Sông Salmon ( River of No Return), Clearwater, Snake là những con sông chính, đầy cá Hồi của tiểu bang Idaho, USA. River of No Return là biệt danh cho sông Salmon vì có nhiều ghềnh thác hiểm trở.

2 Sockeyes tên một loại cá Hồi vùng Bắc Mỹ.

3 Kelp là một loại rong biển, lá lớn, mọc dưới đáy biển. Ngành công nghiệp hóa học Mỹ dùng Kelp chế biến thành hàng trăm loại sản phẩm từ lá Kelp.

4 Thơ Nguyễn Bính

5 Cowlitz, Lewis, Rock, Willow, Umarilla là tên những nhánh sông nhỏ đở ra dòng sông Columbia của bang Oregon, US. 6 Thơ Lý Bạch

Phản hồi