WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

“Phải làm sống lại không khí tranh luận hồi Đại hội X”

Xóa điểm mờ trong quản trị tập đoàn

Nhà báo Việt Lâm: Xung quanh câu chuyện tái cấu trúc doanh nghiệp, không có gì phải bàn cãi là chúng ta đang rất cần có mô hình quản trị hiện đại. Cụ thể là lâu nay, nhiều người cứ có cái cảm giác rằng cơ chế bổ nhiệm các TGD và Chủ tịch HĐQT của các Tập đoàn và TCT nhà nước đang có nhiều bất cập và đây được xem là một trong những điểm yếu. Nên chăng chúng ta cần hướng tới cơ chế cạnh tranh lành mạnh trong việc bổ nhiệm các vị trí đó hoàn toàn dựa trên năng lực quản trị của họ mà không để các tiêu chí chính trị hay các tiêu chí khác ảnh hưởng tới?

"Phản biện xã hội là cơ chế rất quan trọng nhằm hoàn thiện chính sách, hoàn thiện lãnh đạo." Ảnh: Lê Anh Dũng.

Ông Trương Đình Tuyển:

Chúng ta hoàn toàn có thể làm được điều đó. Chính phủ còn cho phép thuê Tổng giám đốc thì rõ là không có gì hạn chế, không có lý gì doanh nghiệp tư nhân thuê được mà doanh nghiệp nhà nước không thuê được.

Nhưng tại sao các DNNN chưa cần thuê? Có nhiều lý do.

Thứ nhất, thiếu những quy định chặt chẽ ràng buộc quyền lợi và trách nhiệm của người đại diện chủ sở hữu- những người có quyền quyết định việc thuê giám đốc- theo kết quả kinh doanh của doanh nghiệp đến mức “của đau, con xót”. Những “ông chủ hờ này” lời ăn, lỗ không chịu nên rất thiếu trách nhiệm đến mức như Vinashin bộ máy điều hành báo cáo không trung thực mà không hề biết và rất có thể họ biết nhưng vẫn cứ chấp nhận chuyển các báo cáo không trung thực ấy lên các cơ quan Chính phủ.

Thứ hai, trong thực tế, họ vẫn được ưu ái nhiều thứ, so với doanh nghiệp tư nhân, không bị đặt vào thách thức và những ràng buộc nghiệt ngã trong kinh doanh buộc họ phải tìm giám đốc giỏi. Bởi vì khi đó anh mà làm kém thì tôi phải thay và khi đặt vào thách thức đó thì sẽ khác ngay, bao cấp thì làm ăn thua lỗ bị che lấp đi rất nhiều, lời giả lỗ thật che lấp đi, nhưng khi đặt vào thị trường thì bộc lộ cả, nó tạo ra sức ép.

Ở đây cần nói rõ là các nhà quản trị lớn trên thế giới đều khẳng định không có bằng chứng lý thuyết nào chứng minh DNNN là kém hiệu quả, vấn đề là quản trị như thế nào. Chúng ta hy vọng quản trị là cái có thể khắc phục được những yếu kém hiện nay của chúng ta.

Nhà báo Việt Lâm: Nhưng ông nghĩ sao về việc dùng thách thức của thị trường buộc các DNNN phải đổi mới nhanh, đổi mới mạnh mẽ? Nếu lấy lợi nhuận ra làm tiêu chí thì sợ rằng họ sẽ lập luận chuyện thua lỗ là vì họ phải thực hiện những nhiệm vụ chính trị mà nhà nước giao phó?

Ông Trương Đình Tuyển: Trước hết là họ có thực hiện được không, thực ra mà nói tôi có chút nghi ngờ họ không làm được.

Thủ tướng có yêu cầu và họ có thực hiện. Nhưng việc làm đó có đưa đến hiệu quả nhiều cho thị trường không thì phải xem lại. Vì sao vậy? Chỉ những doanh nghiệp giữ vị trí độc quyền mới có khả năng khống chế giá theo cơ chế thị trường nhưng độc quyền lại là câu chuyện khác, chúng ta sẽ nói sau.

Thứ hai, dù họ có vị trí độc quyền, hoặc vị trí thống lĩnh thị trường đi chăng nữa, họ chỉ làm được khi có hệ thống phân phối rộng khắp. Phần lớn các tập đoàn, các tổng công ty của ta chỉ bán buôn, còn bán lẻ phần nhiều qua tư nhân; cái gọi là đại lý chủ yếu là “mua đứt bán đoạn”.

Thứ ba, chúng ta phải tách bạch sòng phẳng. Cái gì thuộc về kinh doanh thì phải lấy tiêu chí lợi nhuận làm thước đo. Cái gì làm nhiệm vụ chính trị thì nhà nước phải bù đắp cho. Lâu nay chúng ta chưa tách bạch hoạt động kinh doanh với hoạt động công ích và chính trị. Đó là điều cần thiết để nâng cao chất lượng quản trị tại các tập đoàn. Nếu không tách bạch rõ ràng như vậy thì có khi họ làm công ích thì ít, làm kinh doanh thua lỗ thì nhiều nhưng lại đổ hết cho nhiệm vụ công ích. Đó là một điểm mờ cần tách bạch trong quản trị doanh nghiệp.

Nhà báo Việt Lâm: Vậy nên chăng chúng ta cần nghĩ tới việc sử dụng các công cụ khác để thực hiện những mục tiêu công ích, mục tiêu chính trị nói trên? Với kinh nghiệm một bộ trưởng Thương mại- phải chịu trách nhiệm khá lớn về thị trường thì ông nghĩ sao?Chúng ta có công cụ khác để thay thế hay không?

Ông Trương Đình Tuyển: Tôi không tin vào hiệu quả mà các doanh nghiệp nhà nước đã giúp bình ổn, nhưng tôi cũng chưa có cơ sở nào để phủ định nó. Vậy cho nên phải có một đánh giá nghiêm túc.

Công cụ khác tốt nhất là gì? Đó là chống đầu cơ, tích giữ hàng hóa, tạo khan hiếm giả tạo để nâng giá kiếm lời; tăng cường dự báo quan hệ cung cầu, đương nhiên đây là việc không dễ dàng, vì thị trường luôn biến động.

Tôi nghe một anh kể lại rằng Trung Quốc họ nói chúng ta đang sống trong một thế giới đại biến động, đại điều chỉnh(!) từ đó thiết lập cân đối cung cầu tốt và luôn duy trì cân đối đó; tăng mức dự trữ lưu thông và dự trữ quốc gia. Và quan trọng là chống độc quyền. Chính cạnh tranh tạo ra cơ chế kìm giữ giá, nhiều khi độc quyền là gia tăng.

Độc quyền ở đây có thể là rất nhiều hình thức, không phải chỉ có một công ty EVN độc quyền, có rất nhiều kiểu độc quyền mà chúng ta phải tạo ra một cơ chế chống độc quyền và cơ chế kiểm soát  độc quyền tự nhiên thì có thể nó tạo ra một cơ chế cạnh tranh để kìm giữ giá.

Nhà báo Việt Lâm: Nói về chuyện chống độc quyền, tôi nhớ hồi còn đương nhiệm đứng đầu bộ thương mại ông đã đóng góp rất lớn trong việc soạn thảo ban hành luật cạnh tranh. Xét về mặt thể chế đó là công cụ tốt để chống độc quyền nhưng tại sao hiệu quả thực thi không cao, chưa được chứng kiến nhiều phán quyết của những người xử lý độc quyền?

Ông Trương Đình Tuyển: Chính sách cạnh tranh là một chính sách lớn và chính sách mới. Những nước đang phát triển thực thi chính sách này còn rất hạn chế chứ không chỉ ở VN.

Nếu chúng ta giở lại lịch sử của vòng đàm phán Doha thấy rất rõ. Lúc đầu, nhiều nền kinh tế phát triển muốn đưa chính sách cạnh tranh, mua sắm chính phủ, đầu tư và thuận lợi hóa thương mại vào nội dung đàm phán nhưng bị các nền kinh tế đang phát triển và chậm phát triển phản đối kịch liệt, chưa đạt được mức cao.

Nhưng cạnh tranh là nội dung lớn trong chính sách thương mại, cạnh tranh tạo động lực phát triển và hướng hoạt động kinh doanh vào các mục tiêu năng suất, chất lượng, hiệu quả và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Nhận thức được yêu cầu đó, Chính phủ đã trình Quốc hội và được Quốc hội chấp thuận thông qua luật cạnh tranh. Đây là một bước tiến quan trong- dù luật còn phải tiếp tục bổ sung, hoàn thiện. Trước mắt, phải nghiêm chỉnh thực thi những gì luật định.

Liên quan đến thực thi luật, trách nhiệm của doanh nghiệp là quyết định, nhưng vai trò của cơ quan quản lý cạnh tranh, của Bộ Công Thương, nhất là lãnh đạo cũng rất quan trọng. Tôi từng nghe nói khi phát hiện một doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm luật canh tranh, cơ quan quản lý cạnh tranh dự kiến sẽ tiến hành điều tra, liền bị lãnh đạo bộ gọi điện yêu cầu không được làm, nhưng đây cũng chỉ là vấn đề cá nhân.

Cái quan trọng hơn cả là phải tách bạch quản lý nhà nước ra khỏi chủ sở hữu nhà nước, đây cũng là một điểm phải giải quyết trong mô hình quản trị tập đoàn. Chủ sở hữu nhà nước đồng thời là người đặt ra chính sách rất dễ bị thao túng, rất dễ cả nể, rất dễ bênh vực mà Bộ mình là chủ sở hữu, làm méo mó chính sách. Mình bênh vực quyền lợi của doanh nghiệp đang trực thuộc mình, gọi là chủ sở hữu nhưng cứ dùng một từ rất cũ là bộ chủ quản thì rõ ràng là chính sách có thể méo mó và vấn đề đặt ra là phải tách bạch cơ quan quản lý nhà nước ra khỏi chức năng chủ sở hữu doanh nghiệp.

Làm ăn với Trung Quốc thế nào để cùng thắng?

Nhà báo Việt Lâm: Vừa rồi ông có đề cập tái cấu trúc nền kinh tế có liên quan đến tái cấu trúc thị trường, nhưng vừa rồi thống kê cho thấy thâm hụt mậu dịch của VN hiện nay rất lớn, đặc biệt với TQ. Chẳng hạn, nhập siêu với TQ ngày càng tăng nhanh từ 200 triệu đô (2001) thì đến 2007 là 7 tỷ và 2008 là 11 tỷ chiếm tới 60% tổng nhập siêu của VN. Từng là vị tư lệnh ngành thương mại, ông lý giải thế nào về hiện tượng này?

Ông Trương Đình Tuyển: Đó là một thực trạng đáng buồn. Chúng ta có hiệp định mậu dịch tự do ASEAN – TQ nhưng chúng ta khai thác nó rất hạn chế, còn TQ thì người ta tận dụng nó để khai thác, ngay cả thời tôi làm bộ trưởng đã thế, nay cũng chưa có gì sáng sủa hơn

Ở đây, vừa có lý do khách quan vừa có lý do chủ quan, khách quan là hàng TQ giá rẻ, sức cạnh tranh rất lớn. Chúng ta không chỉ nhập  nguyên vật liệu để sản xuất, hàng hóa để tiêu dùng mà trong đó có cả các doanh nghiệp TQ mang vào để thực hiện các dự án TQ đầu tư và trúng thầu xây dựng. Hiện nay, số dự án  TQ trúng thầu xây dựng lại rất nhiều.

 Đấu thầu quốc tế thì chúng ta không thể loại TQ ra khỏi danh sách dự  thầu được, chẳng có lý do gì cả và điều đó là không được. Vì đây là đấu thầu công khai mà các doanh nghiệp chúng ta vốn ít, muốn chi phí đầu tư rẻ nên chọn cái công nghệ không phải là công nghệ “tầm tầm” làm tăng nhập siêu từ Trung Quốc lên, đó là cái lý do chừng nào đó cũng mang tính khách quan.

Nguyên nhân này được hỗ trợ bởi một tư duy và tầm nhìn ngắn hạn (xét trên nhiều khía cạnh) làm người ta dễ dàng chấp nhận cái công nghệ không phải là tốt nhất, không thân thiện với môi trường và không tạo ra sức cạnh tranh dài hạn, đây là cái chủ quan.

Việc TQ đang nổi lên, một mặt tạo ra sức ép rất lớn đối với VN nhưng mặt khác cũng tạo ra cơ hội phát triển cho chúng ta bởi TQ là một thị trường cực lớn, cái quan trọng là chúng ta tổ chức buôn bán với TQ thế nào.

Hiện tại Mỹ và một số nước đang yêu cầu TQ nâng giá đồng NDT. TQ nói  có thể sẽ điều chỉnh nhưng là sự chủ động thực hiện chính sách tiền tệ của họ chứ không phải từ sức ép của bên ngoài. Dù sao, họ cũng đã điều chỉnh dầu còn rất nhỏ. Động thái này cũng tạo ra một hiệu ứng là giá xuất khẩu của TQ trở nên đắt hơn và khi hàng TQ trở nên đắt hơn các doanh nghiệp nhập khẩu của ta phải tính toán. Đồng NDT tăng giá cũng giúp hàng xuất khẩu của chúng ta vào TQ trở nên cạnh tranh hơn, có thể xuất được nhiều hơn. Đấy là điều chúng ta cần khai thác. Vấn đề là chúng ta tổ chức buôn bán với TQ thế nào để tận dụng được điều đó.

Mặc khác, có thể các doanh nghiệp TQ đầu tư mạnh hơn ra nước ngoài, trước đây để tính một đôla đầu tư ra nước ngoài họ phải mất 6,8 NDT, bây giờ họ không phải là mất 6,8 mà mất ít hơn, như vậy nó cũng khuyến khích người ta đầu tư ra nước ngoài và như vậy cũng có thể chúng ta sẽ không tính toán kỹ và chấp nhận những dự án đầu tư của TQ nhiều hơn nhưng công nghệ lại thấp, cũng có nghĩa làm tăng nhập siêu lên. Đấy là bài toán mà doanh nghiệp chúng ta phải chú ý và nhà nước chúng ta phải cảnh báo cả mặt tích cực và tiêu cực có thể trước động thái đồng NDT nâng giá.

Phân cấp mà không quản sẽ sinh ra các “vương quốc” riêng

Nhà báo Việt Lâm: Đấy không phải chỉ là dự báo của ông nữa mà nó đã trở thành thực tế khi mà mới đây một bài phân tích dựa trên số liệu người ta cho thấy là hầu hết các dự án FDI hiện nay của TQ vào VN là khai thác khoáng sản, tài nguyên thô. Vậy theo ông, mình có thể sử dụng công cụ nào hoàn toàn mang tính thị trường, rào cản mang tính kỹ thuật để định hướng được xu hướng đầu tư này, và giải quyết rốt ráo những tiêu cực đang tồn tại?

Ông Trương Đình Tuyển: Điều này không ai cấm cả, chúng ta hoàn toàn có thể xây dựng một quy hoạch thu hút đầu tư, tức là không đầu tư vào lĩnh vực này mà đầu tư vào lĩnh vực khác, ưu tiên lĩnh vực khác, tức là chúng ta hướng cái quy hoạch đó vào những lĩnh vực ngành nghề, sản phẩm mà chúng ta cần ưu tiên phát triển. Chúng ta có thể làm điều đó.

Trong cam kết về dịch vụ chúng ta cũng hạn chế cam kết về dịch vụ khai khoáng. Cho nên không có việc gì chúng ta không có khả năng làm trong lĩnh vực này, chúng ta có thể hạn chế các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư khai thác tài nguyên của chúng ta, thậm chí chúng ta có thể cấm khai thác tài nguyên, cái này không phải là cái ngoài khả năng của chính phủ, không có gì trái với luật lệ quốc tế, hoàn toàn có thể làm được, quan trọng là chúng ta có làm hay không.

Ở đây có một vấn đề rất lớn không chỉ tôi mà cũng rất nhiều người có quan điểm giống tôi là, hiện nay chúng ta phải xét lại cơ chế phân cấp của chúng ta, đây là vấn đề rất lớn. Trong hội thảo mới đây tại Viện Khoa học xã hội nhiều người nói rất mạnh về cái này.

Chúng ta phân cấp nhằm giảm thủ tục hành chính, tạo quyền chủ động cho cơ sở, điều này có cái lý của nó nhưng không đủ. Và, thực tế là rất bất cập, gây ra nhiều lỗ hổng quản lý, tạo ra những “vương quốc” phát triển riêng biệt theo địa giờ hành chính, các tỉnh cạnh tranh nhau thu hút đầu tư, gây ra tình trạng đầu tư trùng lặp, không có tính liên kết vùng, không tận dụng được lợi thế do quy mô dẫn đến kém hiệu quả.

Điều đó giải thích tại sao chúng ta có rất nhiều cảng biển nhưng không có cái cảng nào đạt đẳng cấp quốc tế, trong khi chúng ta nằm trên tuyến hàng hải quan trọng nhất từ Bắc xuống Nam, từ Đông sang Tây và nằm trong chuỗi cung toàn cầu. Chỉ cần với những lượng vốn đầu tư vào rất nhiều cảng, thậm chí ít hơn nhiều, chúng ta tạo ra 3- 4 cảng hiện đại, công rất lớn, dành tiền còn lại nâng cấp các tuyến đường kết nối các vùng với cảng thì hiệu quả sẽ cao hơn nhiều.

Những ví dụ khác: các địa phương lấy đất trồng lúa để cấp nhiều dự án đầu tư vào sân golf, cho nước ngoài thuê đất ngay trên những địa bàn chiến lược mà chính phủ, trung ương không biết, mà cũng không bắt bẻ người ta được vì anh phân cấp cho tôi rồi.

Thiếu một quy hoạch tổng thể ở tầm nhìn dài hạn dựa trên lợi thế so sánh và tư duy liên vùng cùng với một cơ chế kiểm tra giám sát chặt chẽ. Chúng ta đã không làm tốt việc này. Ấy là chưa kể đến tình hình, nếu dự án không nằm trong quy hoạch thì các địa phương chạy lên xin xỏ, lobby để được bổ sung quy hoạch rồi triển khai đầu tư…

Nhà báo Việt Lâm: Rõ ràng giải quyết việc đó rất khó khăn. Theo ông làm thế nào VN cải thiện được chuyện này, có phải VN quá dễ dãi trong việc chấp nhận thầu giá rẻ của các DN Trung Quốc hay không?

Ông Trương Đình Tuyển: Thứ nhất, chúng ta không thể hạn chế các doanh nghiệp TQ tham gia đấu thầu, cái quan trọng là nếu chúng ta cần  thiết bị công nghệ và công nghệ TQ là tốt thì cũng là chuyện bình thường vì nếu chúng ta không nhập siêu TQ thì cũng phải nhập từ nơi khác.

Trước tiên là trên cái chuẩn mực này đã. Cái quan trọng nhất đối với công nghệ là đừng có vì ham rẻ mà nhập công nghệ thấp, công nghệ không thân thiện với môi trường, đấy là cái chuẩn thứ nhất chúng ta có thể làm được. Còn nếu như công nghệ TQ là công nghệ đạt chuẩn cao, là công nghệ thân thiện với môi trường thì chúng ta không nhập của TQ thì cũng phải nhập nơi khác và cái nhập siêu tổng thể cũng tăng lên thôi. Cho nên chúng ta đừng có vì ham rẻ mà chấp nhận công nghệ hạng 2, chấp nhận công nghệ không thân thiện với môi trường. Đấy là con đường thứ nhất.

Thứ hai, đối với những dự án dùng ngân sách nhà nước chúng ta có thể chỉ định thầu, nếu đấu thầu, có thể quy định buộc nhà thầu phải mua các vật liệu, chi tiết nước ta đã sản xuất được để hạn chế nhập siêu. Điều quan trọng tích cực nhất là chúng ta phải phát triển mạnh công nghiệp hỗ trợ. Không phát triển mạnh Công nghiệp hỗ trợ thì chúng ra vẫn nhập siêu vì giá trị nội địa trong sản phẩm xuất khẩu của VN hiện ở mức rất thấp, trung bình chỉ từ 20 – 30%.

Cãi nhau về danh mục và cơ chế khuyến khích cũng mất hết thời gian rồi

Nhà báo Việt Lâm: Công nghiệp hỗ trợ thì không phải bây giờ chúng ta mới nói  tới. Tôi nhớ là ông và các chuyên gia khác cũng đã nói rất nhiều và chiến lược này chúng ta đề ra đến 10 năm rồi. Đến nay nó đã lạc hậu mất rồi và các nhà soạn thảo đang phải viết lại. Vậy thì tại sao ngay cả chiến lược mình đã làm 10 năm trước hầu như rất ít tiến triển trên thực tế?

Ông Trương Đình Tuyển: Bởi vì chúng ta nhận thức công nghiệp hỗ trợ không hợp lý, không định vị nó đúng. Hàn Quốc người ta gọi là ngành công nghiệp sản xuất vật liệu và chi tiết, phụ tùng, làm ra những gì để sản xuất chi tiết, phụ tùng để lắp ráp ra sản phẩm cuối cùng. Đây là một cách gọi chính xác nhưng rất rộng

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, hàng rào bảo hộ bị giảm mạnh và việc hình thành mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu, anh chỉ có thể chọn phát triển những sản phẩm anh có lợi thế bảo đảm khả năng cạnh tranh. Ngay cả Boeing là sản phẩm độc nhất vô nhị ở Mỹ thì họ cũng sản xuất tại 80 nước khác nhau chứ không phải Mỹ làm tất.

Còn chúng ta, thứ nhất là không thống nhất được danh mục; thứ hai không thống nhất được nội dung, mức độ và cơ chế khuyến khích. (Các nước Nhật Bản, Hàn Quốc và lãnh thổ Đài Loan phát triển công nghiệp hỗ trợ trước ta nhiều chục năm, khi hàng rào bảo hộ còn cao nhưng họ hỗ trợ rất mạnh).

Ta cãi nhau về danh mục và cơ chế khuyến khích cũng hết thời gian rồi. Nhưng đã có ánh sáng cuối đường hầm, Bộ công thương cũng đang ráo riết hoàn thiện cái Nghị định để trình chính phủ và tôi tin rằng lần này sẽ có một bước tiến mới chứ không phải như các lần trước.

Dựa vào doanh nghiệp tư nhân gia cường công nghiệp hỗ trợ

Nhà báo Việt Lâm: Ông nói sao về đánh giá của Viện nghiên cứu chiến lược của Bộ công thương nói là để phát triển các doanh nghiệp hỗ trợ công nghiệp VN thì chỉ có thể dựa vào doanh nghiệp tư nhân tuy vẫn còn nhỏ yếu và manh mún chứ không hy vọng gì nhiều vào các tập đoàn nhà nước giữ vai trò này.

Ông Trương Đình Tuyển: Tôi đồng ý một nửa thôi,. Một nửa tức là vai trò của các DN tư nhân là rất quan trọng trong phát triển công nghiệp hỗ trợ. Nhưng nói rằng không hy vọng gì vào DN nhà nước thì chỉ đúng với điều kiện cơ chế cũ.

Với cơ chế cũ thì rõ ràng không hy vọng nhiều vào DNNN. DNNN chẳng cần gì phải đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ vì phát triển CN hỗ trợ cũng rủi ro lắm, tốn kém lắm, tốt nhất là khai thác những ưu ái sẵn có. Nhưng cơ chế mới, cơ chế cạnh tranh theo tinh thần của dự thảo chiến lược thì tôi nghĩ DNNN có vai trò. Hơn nữa DNNN đang có lợi thế hơn về nguồn lực tài chính và công nghệ, nếu không tận dụng và không buộc họ đầu tư phát triển thì cũng là sai lầm.

Chúng ta phải tạo ra nhiều tầng, nhiều cấp, từ những sản phẩm đơn giản đến những sản phẩm phức tạp hơn tùy theo năng lực của từng doanh nghiệp cả DNNN và DNTN, liên kết chặt chẽ theo cụm nhóm với một danh mục hợp lý và một cơ chế khuyến khích đủ mạnh lại có sự hợp tác với các nền kinh tế như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan- những nền kinh tế có kinh nghiệm phát triển công nghiệp hỗ trợ lại có những nhà đầu tư sản xuất và lắp ráp sản phẩm cuối cùng ở nước ta thì nhất định chúng ta sẽ phát triển được công nghiệp hỗ trợ. Nhưng thôi, đây là một đề tài lớn, xin hẹn bàn trong một dịp khác.

“Phản biện xã hội là cơ chế rất quan trọng nhằm hoàn thiện chính sách, hoàn thiện lãnh đạo”

Nhà báo Việt Lâm: Có những độc giả phản hồi hoan nghênh Chính phủ đã có những chính sách tích cực tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân phát triển. Nhưng họ lo ngại là liệu những hỗ trợ đấy có đến được với những doanh nghiệp tư nhân thực thụ hay không, hay là lại đến với những doanh nghiệp sân sau, cánh hẩu của các ông doanh nghiệp nhà nước- tức là cái vỏ tư nhân đấy nhưng không phải là tư nhân thật sự?

Ông Trương Đình Tuyển: Hiện nay chưa đến thời điểm thảo luận  chiến lược phát triển kinh tế xã hội rộng rãi trong toàn dân. Hai tháng nữa sẽ thảo luận, nên giờ chúng ta tạm lấy bài viết mới đây của thủ tướng ra bàn, mặc dù bài viết này mới chỉ giải quyết một quan điểm phát triển nhưng nó đề cập đến nhiều nội dung rất quan trọng được nêu trong dự thảo chiến lược, như phát triển mạnh kinh tế tư nhân…

Tôi hi vọng thế này, tư tưởng của chiến lược được thể hiện trong bài viết của thủ tướng cùng với không khí thảo luận sôi nổi đóng góp của nhân dân và những yêu cầu của nhân dân về việc thực hiện kiên quyết những vấn đề đặt ra trong dự thảo sẽ là bệ đỡ cho việc triển khai những tư tưởng đúng đắn đó.

Chúng ta phải làm sống lại không khí tranh luận như đã từng có trước đại hội X, cái quan trọng là nuôi dưỡng không khí đó suốt nhiệm kỳ Đại hội chứ không chỉ bùng phát trước đại hội sau đó cứ lụi dần. Cơ chế phản biện xã hội là cơ chế rất quan trọng nhằm hoàn thiện chính sách, hoàn thiện lãnh đạo.

Trong nhiều văn kiện và ngay trong dự thảo các văn kiện trình đại hội cũng nhấn mạnh dân chủ, hơn nữa còn đặt cho nó một vị thế “vừa là mục tiêu, vừa là động lực”; Thủ tướng cũng nói dân chủ là một trong 3 trụ cột chính của tiến trình phát triển của đất nước ta dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Như vậy là nhận thức, ý chí của lãnh đạo gặp đòi hỏi của thực tiễn, của cuộc sống, của nhân dân sẽ là một động lực cho thực thi, cho phát triển. Tôi nghĩ rằng chúng ta cần có niềm tin, và có cơ sở để tin.

Nhà báo Việt Lâm: Vâng, chỉ còn hai tháng nữa sẽ tới cuộc thảo luận rộng rãi trong toàn dân về những vấn đề được nêu ra trong dự thảo chiến lược phát triển, hy vọng rằng cuộc trao đổi rất thẳng thắn của ông Trương Đình Tuyển hôm nay sẽ là bước mở đầu tạo ra một không khí sôi động hơn để ngõ hầu có những góp ý có chất lượng cho công việc hoạch định chính sách hiệu quả hơn. Xin cảm ơn ông Trương Đình Tuyển về cuộc trò chuyện thẳng thắn vừa rồi.

Nguồn: vietnamnet

2 Phản hồi cho ““Phải làm sống lại không khí tranh luận hồi Đại hội X””

  1. DO NGHE says:

    CO CHE
    Co CHE gam ra cung HAY HAY
    Den luc THUC THI lam TRAT TRAY
    TRAP TRAY “DANG” lai CU NHAY
    CU NHAY “DAN CHET’ mac BAY” DANG CUOI”

  2. Phỏng vấn oongTr.đình Tuyển thi khác gì phỏng vấn đầu gối của bạn.

Phản hồi