WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Chuyến đi VN gây nhiều tranh luận của Nghị Viên Hoàng Duy Hùng

Cơ quan Houston Airport System mời NV Hùng đi Việt Nam

Tháng Giêng năm 2010, lần đầu tiên trong hội đồng thành phố Houston có một người gốc Việt tuyên thệ nhậm chức nghị viên sau khi đắc cử vào cuối năm trước, đó là luật sư Hoàng Duy Hùng. Đến tháng 3 cùng năm, nhà nước Việt Nam đã chính thức nhưng âm thầm khai trương tòa Tổng Lãnh Sự tại Houston và đã gặp nhiều phản kháng từ cộng đồng người Việt tại đây. Về phương diện kinh tế thì sự phát triển thương mại song phương giữa Houston với Vietnam dường như là một nhu cầu tự nhiên và lưỡng lợi vì Vietnam đang cần những dịch vụ kỹ thuật cao của Houston và Houston cũng có nhu cầu về hàng hóa thực phẩm từ Vietnam. 

Một buổi họp cộng đồng người Việt tại Houston. Ảnh minh họa. RFA

Trong thời gian qua, cộng đồng người Việt tỵ nạn CS tại đây đã có những tranh luận sôi nổi về việc nghị viên Hoàng Duy Hùng cho biết là ông được mời tham dự trong một chuyến đi Việt Nam của cơ quan quản trị phi trường – Houston Airport System – do ông tổng giám đốc Mario Diaz điều hành:

“Cơ quan mời chúng tôi đi là Houston  Airport System (HAS), ông bộ trưởng là Mario Diaz. Ông mời chúng tôi trong một dịp điều trần với thành phố để dự kiến đặt chuyến bay trực tiếp về Việt Nam. Đây là việc làm của một thành phố với một nhà cầm quyền. Và chúng tôi cũng xin khẳng định là không phải nhà cầm quyền CSVN mời chúng tôi mà là do HAS, một bộ phận thành phố, đã mời chúng tôi”. 

Nghị viên Hoàng Duy Hùng cũng chia sẻ phản ứng của ông trước lời mời này như sau:

“Khi nghe lời mời này thì chúng tôi rất vui mừng nhưng mà cũng rất là băn khoăn. Băn khoăn là vì chúng tôi xuất thân từ cộng đồng người Việt.

Phi trường quốc tế George Bush ở Houston là một trong 3 phi trường lớn của HAS. Courtesy HAS website tị nạn Cộng Sản Việt Nam, trong khi mà cộng đồng còn có những tâm tư chống cộng rất mãnh liệt. Nhiều người cho rằng bất cứ cái gì mà dính dáng tới chế độ CSVN thì họ không chấp nhận”.

“Cũng có người cho rằng dầu là chính quyền đi nữa mà cứ đi về gặp mặt CSVN tức là ‘đối thoại’ thì họ cho rằng đó là một sự đầu hàng, đó là một sự ‘hòa hợp hòa giải’ không có điều kiện, cho nên tôi chúng tôi rất là băn khoăn. Nhưng mà cũng có những tâm tư khác, nhiều người cho rằng công vụ của thành phố thì cứ việc làm mà làm hết mình, với cả tâm tư của một người tị nạn CS. Cho nên chúng tôi về thỉnh ý với đồng hương”.

Đi cũng đúng mà không đi cũng đúng?

Vì việc “thỉnh ý” này mà trên các cơ quan truyền thông tiếng Việt đã có những buổi hội thảo rất sôi động và chủ tịch Ủy ban Bảo vệ Chính nghĩa Quốc Gia Trương Như Phùng đã tổ chức một buổi họp mặt, mà một số cư dân Houston gọi là cuộc “trưng cầu dân ý” với khoảng 100 người tham dự.

Theo ông Trương Như Phùng thì:

“Luật sư Hùng là một người tranh đấu, một người chống cộng. Nếu tòa thị chính chỉ định ông về ông có quyền từ chối. Khu vực F toàn người Việt Nam bầu cho ông, những người Việt Nam tị nạn Cộng sản, chống cộng, không chấp nhận CS, không bắt tay CS thì ông phải theo đúng đường lối chính nghĩa quốc gia của những lá phiếu đã bầu cho ông. Ông có thể từ chối được vì trong tòa thị chính có tới 15 ông nghị viên lận, chứ không phải một mình ông Hoàng Duy Hùng.Về Việt Nam trong giai đoạn này chưa đúng lúc, chưa đúng thời”.

Trong khi đó, một nữ sinh viên tại Houston lại cho rằng: “Nghị viên Al Hoàng đại diện cho nhiều sắc dân khác trong khu vực F, chứ không chỉ riêng cho người Việt Nam. Cho nên theo em thì nghị viên nên đi về Việt Nam để mà làm công việc của mình, để mà hoàn tất công việc thành phố giao cho ông”.

Và ý kiến của nhà văn Yên Sơn là:

“Ông Hùng không cần phải xin phép ai cả, việc cần làm thì ông phải làm nhưng mà với tư cách nghị viên và là một người con của cộng đồng thì ông làm một cái việc hết sức là tế nhị. Ông làm việc công cộng thì bổn phận và trách nhiệm của ông phải làm thì ông làm nhưng ông có nghĩ tới tình trạng của cộng đồng tị nạn nên ông hỏi ý kiến như vậy thì tôi nghĩ đó là một điều hay”.

Nghị viên Hoàng Duy Hùng cũng cho biết là khi tháp tùng với phái đoàn thương mại của thành phố đi Việt Nam thì nếu có cơ hội, ông sẽ nói với nhà nước Việt Nam về nguyện vọng của người Việt hải ngoại:  “Người dân tại hải ngoại mong muốn nhà cầm quyền Hà Nội hãy mở rộng quốc hội ra cho tất cả mọi thành phần, nhất là cho người dân trong nước, để họ có tiếng nói hầu xây dựng một đất nước vững mạnh”.

Nhưng ông Nguyễn Gia Bảo, một người sinh hoạt trong cộng đồng lâu năm, thì nói:

“Cái chỗ đứng và vai trò của ông Hùng trong chuyến đi này, theo tôi nghĩ, nó quá nhỏ bé hay nói rõ hơn nữa là không có tiếng nói, hoặc là tiếng nói đó không có trọng lượng để có thể yêu cầu điều này, điều kia với cộng sản Việt Nam”.

Còn ý kiến của ông Nguyễn Tấn Trí, phó Chủ Tịch Liên Minh Dân Chủ Việt Nam là: 

 ”Ông Hoàng Duy Hùng đi như vậy là ông ấy thi hành cái nhiệm vụ của một nghị viên thành phố. Đã đến lúc chúng ta cần phải đối diện trưc tiếp với nhà nước Việt Nam, cần phải nói thẳng thắng với họ những quan điểm của mình, để họ biết rõ được quan điểm của người Việt hải ngoại. Không phải đi về Việt Nam là tùng phục chính quyền Việt Nam mà đó là cơ hội để cho nghị viên Hoàng Duy Hùng có thể nói thẳng với chính quyền Việt Nam quan điểm của ông, nếu có thể được” .

Cũng có người cho rằng, tháp tùng phái đoàn thương mại thành phố đi Việt Nam là NV Hoàng Duy Hùng phản bội cử tri gốc Việt, những người đã bỏ phiếu cho ông.

Nhưng một sinh viên Houston thì lại nghĩ rằng:

“Thành phố giao nhiệm vụ cho NV Al Hoàng về Việt Nam để thương thảo việc mở đường bay thẳng từ Houston đến Việt Nam. Trước khi phán xét hay gán cho chữ “phản bội” thì nên nhìn lại việc làm của NV Al Hoàng. Trước khi là Nghị viên ông là người đấu tranh cho người Việt, sau khi trở thành nghị viên, cũng có đấu tranh cho người Việt nữa. Nên nói nghị viên Al Hoàng phản bội thì em thấy không đúng. Người Việt của mình không nên phán xét Al Hoàng như vậy”.

Và ông Trịnh Du, một người trẻ tích cực hoạt động trong cộng đồng cho ý kiến: 

“Hoàng Duy Hùng đi theo phái đoàn của người Mỹ về Việt Nam để cố gắng xây dựng tuyến đường bay, đó là chuyện cần nên làm, không có gì gọi là phản bội quê hương đất tổ hay là phản bội người Việt tị nạn ở đây hết. Hoàng duy Hùng đi vì chính giới, đi vì xã hội Hoa Kỳ và hơn nữa khi chúng ta đã yểm trợ, đã ủng hộ và đã bỏ phiếu cho Hoàng Duy Hùng vào chính giới là chúng ta đã chấp nhận muốn cho con cháu tiến vào chính giới Hoa Kỳ để một ngày nào đó mang lại cho nước Việt Nam Tự do, Dân chủ. Khi mình bỏ phiếu, khi mình ủng hộ là mình đã chấp nhận rồi cho nên hãy để cho Hoàng Duy Hùng đi theo con đường chính trị, đi theo cái cơn gió bão mà Hoa Kỳ đang làm bây giờ đối với chế độ CS Việt Nam.”

Còn ông Nguyễn Gia Bảo thì nói rằng: 

“Nếu LS Hoàng Duy Hùng quyết định đi về Việt Nam, tôi chỉ muốn yêu cầu ông Hùng nên đặt lên bàn cân của lương tâm mình giữa việc phải hoàn tất trách nhiệm của mình với Đô thành cho chuyện đường bay và cân lên với những nỗi đớn đau của cả một dân tộc bị đọa đày, của những người tù cải tạo đã tan nát cả gia đình, mất tất cả tuổi thanh xuân của mình, của những người đã chết thảm trên đường vượt thoát… Cái đó gọi là phản bội ư? Vâng, tùy theo từng hoàn cảnh…”

Bị phản đối vì từng đấu tranh?

Ý nguyện “thỉnh ý” của đồng hương về chuyến công tác đi Việt Nam của nghị viên Hoàng Duy Hùng không chỉ giới hạn trong cộng đồng người Việt tại Houston mà có vài người đã đi xa hơn bằng cách dùng e-mail để gửi thư đến thành phố hỏi cho ra sự việc. Nghị viên Hoàng Duy Hùng cho biết:

“Khi mà câu chuyện xảy ra, lời mời của ông Mario Diaz, thì sau đó ông đi Trung Quốc với bà thị trưởng Annis Parker, cho đến Chủ Nhật vừa rồi mới vừa về. Khi gặp chúng tôi, ông cho biết là có nhận được email của một người Việt Nam, họ đặt vấn đề là tại sao lại đi và ai mời… Ông ấy (Diaz)  nói sẽ trả lời. Bà thị trưởng cũng như các nghị viên khác đều có nhận được.”

Ông Nguyễn Tấn Trí cho rằng có lẽ LS Hoàng Duy Hùng bị phản đối chỉ vì ông từng đấu tranh:

“Đã có biết bao nhiêu người Mỹ đi về Việt Nam, hay là những nghị viên gốc Mễ chẳng hạn họ muốn đi về Việt Nam thì có ai ngăn cản hay có ai chống đối đâu. Ở đây, vấn đề được đặt ra chỉ vì ông Hoàng Duy Hùng là người Việt Nam và ông Hoàng Duy Hùng là một người từng hoạt động chống cộng sản thành ra cái việc ông đi về Việt Nam bị một số người có lẽ là họ không thích ông Hoàng Duy Hùng, họ ghét ông Hùng hay là sao đó thì họ mới nổi lên mà chống đối dữ dội thôi.”

Còn ông Trịnh Du thì nói sở dĩ sự việc đi quá xa như vậy chỉ vì có vài người đã để những bất đồng cá nhân trên việc chung:

“Chẳng qua hiện tại xôn xao trong cộng đồng Houston, thì theo như chúng tôi biết, là có một số người đang ganh tị, đang hận thù cá nhân với Hoàng Duy Hùng, mới lập ra một nhóm nhỏ để kêu gọi bà con gọi là dạy cho Hoàng Duy Hùng một bài học. Mà thật ra trong lòng người ta là chỉ vì hận thù cá nhân mà thôi.”

Một giả thuyết được đặt ra là nếu nghị viên đơn vị F của Houston là một người sắc dân khác thì liệu phản ứng của cộng đồng người Việt có mạnh mẽ như vậy không, Nhà văn Yên Sơn cho ý kiến:

 ”Nếu ông là một sắc dân khác thì tôi nghĩ cộng đồng người Việt không có lý do gì, không có cách gì, không có điều gì để mà nói. Cái vấn đề là vì ông Hoàng Duy Hùng là người Việt Nam cho nên người ta mới có thành kiến không tốt nên mới tạo ra những xào xáo như vậy.”  

Còn ông Nguyễn Gia Bảo thì nói:

“Nếu là người ngoại quốc thì chúng tôi đâu có cái gì, trừ những người làm lợi cho cộng sản thì chúng tôi viết thư, cũng có khi đi biểu tình. Còn nếu là người Việt, đã đưa tay thề bồi, xác định rằng chúng ta là người tị nạn cộng sản, cùng một ý thức quốc gia, đối kháng với ý thức hệ cộng sản. Nếu nói đến tập thở ngay đây thôi thì nó quá nhỏ nhưng nếu mình đem nhân lên với tất cả người tị nạn, đều nhìn về đây, đều nhìn về những bước đi mà mọi người vẫn mong mỏi rằng cái thế hệ trẻ sẽ tiếp nối với mình thì thú thật là tôi thất vọng.”     

Quan tâm mọi sắc dân

Trong khi đó cô sinh viên Houston thì cho rằng những sắc dân khác đã bỏ phiếu cho nghị viên Hoàng Duy Hùng sẽ nghĩ gì nếu LS Hoàng Duy Hùng chỉ lo cho quyền lợi của người gốc Việt:

“Những người sắc dân khác thì họ không có phản ứng mạnh mẽ như người Việt của mình nhưng họ cũng sẽ phản đối nếu ông nghị viên người Việt chỉ tranh đấu cho người Việt chứ không muốn tranh đấu cho người dân của đơn vị F thì họ cũng sẽ phản đối lại…”

Trước ý kiến của một số người cho rằng nếu nghị viên Hoàng Duy Hùng tháp tùng chuyến đi là làm lợi cho nhà cầm quyền Việt Nam, nhà văn Yên Sơn nói:

“Ông Hùng còn trẻ, có thể ông có những nông nổi, có những cái nóng, cái thẳng thắng của ông nhưng thật ra thì ông Hoàng duy Hùng chưa có làm việc gì đáng trách, không có làm việc gì gọi là có lợi cho cộng sản. Chính ra nếu chúng ta chống cộng một cách hời hợt, cố chấp như vậy thì không có tốt đẹp gì cả cho công việc đấu tranh chung của người tị nạn.”

Nhưng ông Nguyễn Gia Bảo thì cho rằng:

“Ông nghị viên có bổn phận và trách nhiệm với đơn vị đã bầu cử cho ông ấy và trong đó có những việc cần phải làm nhưng đồng thời ông cũng có trách nhiệm với những người đã tín nhiệm ông ấy và đồng thời cái danh dự của tập thể. Cái danh dự của người tị nạn thì hãy giữ gìn cái thể diện của người tị nạn. Biết bao nhiêu người được bên ngoài trầm trồ khen ngợi về cuộc vượt thoát vì họ đánh giá cái giá trị của Tự Do cao to hơn nhiều và phải sống hiên ngang để hãnh diện những danh xưng như vậy.” 

Trong cuộc hội thảo trên đài truyền hình tiếng Việt VAN-TV tại Houston vào tối thứ Ba, ngày 10 tháng 8 thì tất cả trên dưới 20 người gọi vào chia sẻ ý kiến, đều ủng hộ việc nghị viên Hoàng Duy Hùng tháp tùng phái đoàn thành phố đi Việt Nam nhưng không quên căn dặn NV Hoàng Duy Hùng phải lợi dụng chuyến đi này để yêu cầu nhà nước Việt Nam phải thực sự tôn trọng Tự do và Nhân Quyền của người dân Việt trong nước. Cũng trong dịp này NV Hoàng Duy Hùng cho đồng hương biết là vừa nhận lời mời của phái đoàn thương mại thành phố Houston trong chuyến đi Việt Nam vào tháng 9 năm nay. Và ông cũng khẳng định điều này với đài Á Châu Tự Do:

“Chúng tôi quyết định đi vì đây là công vụ, đây là trách nhiệm của chúng tôi đối với thành phố, chúng tôi phải làm để cho mọi sắc dân nhìn thấy rằng chúng tôi lúc nào cũng quan tâm đến quyền lợi của mọi người chứ không phải chỉ riêng cộng đồng Việt Nam. Và chúng tôi sẽ đi như những vị đã góp ý là làm thế nào để cho chính nghĩa quốc gia được sáng ngời trong chuyến đi này. Đồng hương sẽ đánh giá những điều chúng tôi làm, sau khi chúng tôi đi về.”   

Với tinh thần tự do dân chủ tại Hoa Kỳ, chuyến đi của NV Hoàng Duy Hùng đã được cộng đồng người Việt chia sẻ cũng như bàn cãi. Tuy nhiên mọi việc vẫn còn phải chờ xem nhà nước Việt Nam có thỏa thuận cấp VISA nhập cảnh cho NV Hoàng Duy Hùng mà không đòi hỏi điều kiện tiên quyết nào không.

Hiền Vy, RFA  

(Bài này được chia làm hai phần trên RFA. Chúng tôi gom lại làm một đ độc giả tiện theo dõi. ĐCV chân thành cảm tạ thông tín viên Hiền Vy và RFA)

4 Phản hồi cho “Chuyến đi VN gây nhiều tranh luận của Nghị Viên Hoàng Duy Hùng”

  1. Vân Nam says:

    Chuyện xảy ra từ tháng 8/2010, lôì ra đây làm gì? Hết chuyện quan trọng rồi hay sao? Hay là DCV muốn dùng những bài báo như thế này để “câu khách”? Cứ vào đây “chửi” nhau, khích bác nhau… Ai được lợi, DCV hay nhà cầm quyền trong nước?

  2. Chí says:

    Chống cộng bao năm tay Vẫn không
    Ôm hận đứng trông thứ viễn vông
    Mau về quê mẹ khi còn sống
    Để lóng không thẹn với non sông!

  3. HVL says:

    Tôi nghĩ nên rút kinh nghiệm từ chuyến về VN của ông DB Cao Ánh, để thấy kết quả cho quyết định của mình

  4. Thằng Mõ says:

    Theo ý kiến của riêng tôi. Đi về Việt Nam không có gì là sai trái hết. Mà đi về để làm gì ??? Công việc
    đó có lợi cho ai mới là chuyện đáng phải quan tâm, bàn cãi. Nếu chúng ta cứ sống ở nước ngoài,
    không biết người trong nưóc sống như thế nào ? Họ bị csVN đàn áp, hành hạ như thế nào ? Suy
    nghĩ của họ đối với chúng ta như thế nào ? Có những điều gì đang xảy ra ở VN có lợi cho công việc
    chống cộng của chúng ta ? Có đoàn thể hay nhóm người nào đang âm thầm chống lại csVN ở trong
    nước không ? Rất nhiều việc mà tôi nghĩ rằng chúng ta cần phải biết một cách rõ ràng, chính xác chứ không chỉ nghe nói … Hơn nữa, có những công việc mà yếu tố thời gian rất quan trọng, chúng
    ta cần phải biết rõ và hành động ngay để hổ trợ thì làm sao ? Đừng chống cộng một cách mù quáng
    hay qúa khích sẽ không có lợi cho đại cuộc.

Leave a Reply to Thằng Mõ