WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Hoa lúa mới xứng là biểu tượng Quốc hoa?

Chọn Quốc hoa còn là chọn về một nét văn hóa hoa tiêu biểu. Bởi cái ý nghĩa văn hóa mà loài hoa đó mang lại chính là những giá trị phi vật thể trường tồn và gắn bó chặt chẽ trong đời sống của một dân tộc như dân tộc Việt Nam ta.

Hoa lúa trắng muốt cánh đồng…

Ngành văn hóa đang thăm dò dư luận xã hội lựa chọn Quốc hoa Việt Nam. Việc chọn loài hoa nào làm Quốc hoa tuy không phải cần kíp lắm, nhưng lại có ý nghĩa tìm kiếm sự thể hiện một “bản sắc” Việt, một “cốt cách” Việt, một “tâm hồn” Việt trong thời đại hội nhập, thông qua một hoặc nhiều loài hoa.

Cánh mỏng manh. Màu sữa nhạt. Hương đồng vương. Khắp cả đất trời... Ảnh: tuanvietnam

Gần 100 quốc gia trên thế giới đã công bố Quốc hoa, coi đó là biểu tượng văn hóa của dân tộc mình như: Canada (lá phong), Lào (hoa chămpa), Nhật Bản (hoa anh đào), Hà Lan (hoa tuylíp), Thái (hoa phong lan) …

Ở ta, nhiều người đề xuất, đưa ra lý lẽ của mình, thôi thì trăm hoa đua nở, mà ai cũng có lý riêng. Báo chí cũng vào cuộc sôi nổi.

Sơ qua cũng có đến dăm ba loài hoa được chọn. Có người chọn hoa sen. Mà sen cũng đúng lắm. Sen có cái thanh khiết không giống ai “Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”. Kể đưa ra cái lý ấy cũng cao siêu. Nhưng mà (xin lỗi) nhiều loài hoa gần những thứ…nhưng vẫn ngào ngạt tỏa hương. Thôi thì bắt bẻ nhau, nói lý sự thì khó, vì chủ yếu ta hiểu theo nét văn hóa.

Có học giả còn chọn hoa mào gà? Có người lại đề xuất hoa cúc. Họ lý luận: Hoa cúc tượng trưng cho lòng hiếu thảo của con cái đối với cha mẹ, ông bà, mà đức tính này đã đi sâu vào tiềm thức của người Việt Nam từ rất lâu đời. Hình ảnh hoa cúc nhiều cánh gắn kết với nhau tượng trưng cho tinh thần đoàn kết, đùm bọc của nhân dân Việt Nam. Màu vàng của hoa cúc là màu của sự thịnh vượng, là màu của chiến thắng và may mắn…

Cánh mỏng manh. Màu sữa nhạt. Hương đồng vương. Khắp cả đất trời…

Có người đề cập đến hoa lúa. Cũng đưa ra rất nhiều ý nghĩa: Hoa lúa trắng muốt, sáng rực các cánh đồng Việt Nam, nó thanh cao, nhã nhặn, nhún nhường, khiêm tốn vươn lên từ bùn đất và cả nương đồi khô hạn. Sen không ao hồ, sen không tồn tại. Đào không chịu đẹp cùng sức nóng miền Nam. Còn mai vàng lại chê cái rét miền Bắc… Chỉ có hoa lúa ung dung tươi tắn đầy đủ vẻ đẹp ở mọi môi trường, ứng chịu được khí hậu khắc nghiệt mọi vùng, miền của Tổ quốc.

Cũng có lý, vì hoa lúa là hoa “có tiền có hậu”. Ban đầu tinh khôi trắng trong, e ấp kín đáo dịu dàng như thiếu nữ. Rồi trưởng thành toát bông đồng loạt, từ ra hạt sữa tới hạt chắc có cùi có lõi ngọt bùi để nuôi sống con người. Tuy ta xét về hoa, song phải nói tới quả là cái kết của hoa, hơn hẳn đào ra hoa cũng kết quả nhưng ít, không đều, chua ngọt lẫn lộn, thường là chua.

Hoa sen kết hạt quý, nhân tốt, tâm lại xanh và đắng (tuy là vị thuốc) làm thiếu cái hồ hởi ban đầu, mất đi sự nhất quán cho đời. Mai vàng hay mai trắng ít khi ra quả để có hậu. Hoa ban trên núi rừng Tây Bắc hay hoa hồng nhung địa bàn có rộng hơn, biểu tượng tình yêu nhưng cũng chỉ đầu mùa sau đó cũng đổi màu, tàn phai

Cũng có ý kiến không đồng tình, cho hoa lúa trong truyền thống văn hóa không phải là đối tượng thẩm mỹ như hoa. Hay nói một cách khác, hoa lúa chưa bao giờ được coi như là một thứ hoa thưởng lãm thực sự. Những trong thực tế, như Canada chẳng hạn, lấy biểu tượng lá phong, không vì lá phong không phải là hoa, mà vì lá phong được “coi như là một thứ hoa”v.v…

Tôi yêu hoa lúa cũng không phải xuất phát từ những bài thơ về hoa lúa. Cho dù tôi đã đọc Hữu Loan, thi sỹ của Màu tím hoa sim và rất thích bài thơ của ông viết về hoa lúa rất hay, gắn với người con gái của thôn quê dịu dàng và trinh trắng: Em là con gái đồng xanh/ Tóc dài vương hoa lúa/ Đôi mắt em mang chân trời quê cũ…

Còn nhà thơ Ngô Văn Phú lại viết về hoa lúa rất gợi cảm: Cánh mỏng manh/ Màu sữa nhạt/ Hương đồng vương/ Khắp cả đất trời/ Tháng năm/ Tháng mười/ Đem niềm vui đến từng hơi thở/ Đem no ấm tới từng ngõ nhỏ/ Trong nắng/ Trong mưa/ Trong đạn bom bão lũ/ Vụt chốc mênh mông một biển vàng…

… Hay là giá trị phi vật thể trường tồn

Theo tôi chọn hoa lúa làm quốc hoa cũng có cái lý lẽ riêng. Hoa lúa đẹp trong thơ ca nhưng cũng đẹp trong hiện thực. Bạn đã bao giờ được đằm mình trong hương lúa chưa? Nhất là đi trong hương lúa, câu “hương đồng gió nội” không hẳn chỉ nói về cái sự “trở về” mà nói đúng cái bản chất mộc mạc với hương thơm rất riêng mà không có loài hoa nào có được của hoa lúa.

Một chiều gió nồm Nam bạn đi trong bạt ngàn hương lúa, lòng người bỗng thấy nhẹ nhàng, bỗng thấy khoan khoái. Và cái màu xanh ngút ngắt ấy thân thương biết nhường nào.

Hương lúa không thể lẫn với hương một loài hoa nào khác. Hương lúa như là sự trải mình tất cả chứ không chỉ của riêng hoa. Một mùi hương như của cả thân cả lá, như một sự hết mình, sự hòa điệu với đất trời và với nhân sinh.

Nhiều người có lý khi nói rằng Việt Nam ta là một trong những trung tâm của lúa nước. Cố Giáo sư Trần Quốc Vượng từng nói về cây lúa nước và về chim Lạc, loài chim được tổ tiên ta tạc trên trống đồng. Giáo sư cho rằng thực chất chim Lạc là con cò. Trong tiếng Việt cổ, ruộng lúa nước được gọi là ruộng Nác (bây giờ nhiều địa phương ở nước ta nước vẫn gọi nước là Nác). Chim gắn với ruộng Nác, ăn trên ruộng Nác là con chim Lạc. Lạc là đọc chệch của từ Nác mà ra.

Người Việt làm ruộng trồng lúa. Người Việt gắn với nghề nông, đi từ nông mà lên. Ngàn năm bán mặt cho đất bán lưng cho trời. Cây lúa gắn bó với người đời đời kiếp kiếp. Cây lúa vui với cái vui của cuộc đời, buồn với nỗi buồn của thế sự khi phải “nhổ lúa trồng đay” trong cuộc khai hóa văn minh của phương Tây.

Hoa lúa gắn với nét đẹp của người con gái nông thôn, thùy mị dịu dàng. Cái đẹp đó từ môi trường tạo nên, đằm thắm như hương cau, hương bưởi, hương lúa quê hương. Và cũng thật dễ hiểu, hầu như các thi sỹ viết về hoa lúa lại nghĩ đến vẻ đẹp của các cô gái nông thôn.

Hương lúa như là sự trải mình tất cả chứ không chỉ của riêng hoa.

Hữu Loan viết hoa lúa thực chất là viết về em gái đồng xanh tóc dài vương hoa lúa. Còn Ngô Văn Phú, sau ca ngợi hoa lúa với những vẻ đẹp không trộn lẫn, là nói về tình của nhà thơ với cái đẹp hoa lúa- dậy thì: “Có một người con gái tôi thương/ Trong lòng tôi em là hoa lúa”.

Chọn Quốc hoa chưa hẳn đã là để có một bó hoa tặng bè bạn. Có ý kiến cho rằng hoa lúa có thành bông đâu mà tặng bạn bè khi đón tiếp. Khách quốc tế đến Canada có ai đã được tặng bó lá phong chưa? Hay như một nhà nghiên cứu tên tuổi đề xuất là hoa mào gà, vậy có ai đem hoa mào gà ra tặng bạn từ xưa đến nay chưa?

Chọn Quốc hoa còn là chọn về một nét văn hóa hoa tiêu biểu. Bởi cái ý nghĩa văn hóa mà loài hoa đó mang lại chính là những giá trị phi vật thể trường tồn và gắn bó chặt chẽ trong đời sống của một dân tộc như dân tộc Việt Nam ta.

Nguồn: Nguyễn Đăng Tấn, tuanvietnam

Phản hồi