WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Paulo Freire và chủ trương “Giáo Dục Giải phóng Con người”

(Paulo Freire: 1921 – 1997) 

Paulo Freire sinh năm 1921 tại Brazil. Ông học Luật và Triết học, nhưng lại dấn thân vào công cuộc giáo dục đặc biệt cho giới tráng niên, nhằm gây ý thức cho đại chúng phải mạnh dạn tự giải thoát  mình ra khỏi tình trạng áp bức nặng nề, tàn bạo của xã hội đương thời. Vì có tư tưởng và hành động cấp tiến như vậy, nên ông bị giới quân nhân cầm quyền bắt buộc phải sống lưu vong ở nước ngoài, từ năm 1964, mãi cho đến năm 1980, ông mới có thể trở về quê hương mình được.

Paulo Freire. Ảnh: sociologyprofessor.com

Tại nước Chi lê, ông đã làm việc cho tổ chức văn hóa Unesco của Liên Hiệp Quốc, và Viện Cải cách Ruộng đất của chính phủ Chi lê. Ông còn được mời tới làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu về Phát triển và Biến đổi xã hội thuộc đại học Harvard ở Mỹ (Center for Studies in Development and Social Change). Rồi sau này làm giám đốc chương trình giáo dục của Hội đồng Tôn giáo thế giới (World Council of Churches) tại Geneva, Thụy sĩ.

Năm 1970, ấn bản tiếng Anh “The Pedagogy of the Oppressed” (Giáo dục của Người bị Áp bức) của Paulo Freire đã gây một tiếng vang lớn trong giới giáo dục và hoạt động xã hội khắp thế giới. Sau trên 40 năm, thì đã có hàng triệu cuốn được phổ biến rộng rãi qua nhiều lần tái bản, và hàng mấy chục bản dịch ra các thứ tiếng khác nữa. Ông là người đã cổ võ cho ý niệm “Conscientizacao” nguyên văn tiếng Bồ đào nha, mà bây giờ đã trở thành thông dụng khắp thế giới với tiếng Anh là “Conscientisation” (= Consciousness Raising, Critical Conciousness). Ta có thể diễn tả ý niệm này là:  Sự thức tỉnh Ý thức và Suy nghĩ có tính cách phê phán.

Quả thật, chủ trương giáo dục có tính chất cách mạng triệt để của ông đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến các phong trào giáo dục và xã hội cùng khắp thế giới. Và tư tưởng triết học của ông cũng ảnh hưởng đến nhiều ngành học thuật như thần học, xã hội học, nhân chủng học, sư phạm, ngữ học thực hành và nghiên cứu văn hóa (applied linguistics & cultural studies).

Có thể nói: Paulo Freire là một nhà tư tưởng có ảnh hưởng nhất về bộ môn giáo dục vào cuối thế kỷ XX (the most influential thinker about education).

Bài viết này nhằm giới thiệu tư tưởng độc đáo và dứt khoát của ông. Đồng thời cũng lược qua về ảnh hưởng của tư tưởng này trong thế giới hiện đại, đặc biệt là tại các quốc gia vốn xưa kia là thuộc địa của thực dân Tây phương ở Châu Mỹ La tinh, Châu Phi và Châu Á. Để bạn đọc có thể dễ dàng theo dõi quá trình hình thành và phát triển tư tưởng của Paulo Freire, là một nhân vật tiêu biểu của trào lưu thức tỉnh và vận động xã hội tại Châu Mỹ La tinh là quê hương của ông, người viết xin được dàn trải việc trình bày trong 2 bài như sau :

Bài 1 / – Bối cảnh văn hóa xã hội của Châu Mỹ La tinh vào cuối thế kỷ XX.

Bài 2 / – Cốt lõi chủ trương “Giáo dục giải phóng” & Ảnh hưởng trong thế giới hiện đại.

I – Bối cảnh văn hóa xã hội của Châu Mỹ La tinh. 

Châu Mỹ La tinh (Latin America) là khu vực nằm ở phía nam của nước Mỹ, mà xưa kia hầu hết đều là các lãnh thổ nằm dưới sự cai trị của hai nước Tây ban nha và Bồ đào nha. Hiện nay khu vực này có chừng 30 nước với tổng số dân là trên 560 triệu. Chỉ có Brazil với dân số trên 190 triệu là nói tiếng Bồ đào nha. Còn lại, thì tất cả đều nói tiếng Tây ban nha. Trừ một số rất nhỏ xưa kia là thuộc địa của Pháp, Anh, Hòa lan, thì vẫn còn nói tiếng như tại “mẫu quốc” cũ của họ.

Có tới 70% dân chúng trong khu vực theo đạo Thiên chúa giáo La mã (Roman Catholic). Và chừng 15% theo đạo Tin lành.

A – Tình trạng bất ổn trong thời kỳ chiến tranh lạnh.

Kể từ thập niên 1960 trở đi, khu vực này đã trải qua nhiều biến động về chính trị kinh tế, cũng như về mặt văn hóa xã hội thật sôi động, nhiều khi đưa đến những tranh chấp tàn bạo đẫm máu, do các chế độ độc tài thiên hữu, quân phiệt hay thiên tả gây ra. Nhiều cuộc đảo chính đã liên tục xảy ra, khiến cho xã hội luôn bất ổn định, và chế độ độc tài quân phiệt dễ có cơ hội được củng cố, và người dân bị dồn vào thế bị động, không thể hợp nhau góp phần vào công cuộc xây dựng và phát triển quốc gia được.

Lại nữa, vào giữa thời chiến tranh lạnh, nên phía Liên Xô đã tìm nhiều cách để gây ảnh hưởng của chủ thuyết cộng sản tại đây; điển hình là tại Cuba từ khi Fidel lên nắm chính quyền năm 1959 và đã ngả hẳn về phía Liên Xô. Chúng ta hẳn đều còn nhớ việc Liên Xô cho đem thiết trí lọai hỏa tiễn tại Cuba nhằm hướng vào nước Mỹ, khiến xúyt gây nên cảnh chiến tranh giữa hai siêu cường Nga-Mỹ vào năm 1962, trước sự đối đầu nẩy lửa của hai lãnh tụ Kruschev và Kennedy.

 Mà phía Mỹ, thì cũng tìm mọi cách can thiệp nhiều khi rất nặng tay tàn bạo, để bảo vệ toàn thể khu vực được gọi là “cái sân sau” (backyard) của riêng nước Mỹ; điển hình như có bàn tay của CIA trong việc lật đổ chế độ thiên tả của Tổng thống Salvador Allende tại Chi lê năm 1973. Rồi sau này vào thập niên 1980, thì phe Sandinista khuynh tả đã lên nắm được chính quyền ở Nicaragua, với sự trợ giúp đắc lực của Cuba cộng sản cũng như của Liên Xô. Và chính quyền Mỹ dười thời Tổng thống Reagan đã ra tay can thiệp mạnh bạo, để giúp phe đối lập Contras lập lại thế cờ tại đây. Đại khái đó là vài nét đại cương về ảnh hưởng của chiến tranh lạnh tại khu vực Châu Mỹ La tinh, từ hồi thập niên 1960 cho đến khi khối Liên Xô bị tan rã kể từ 1990.

B –  Sự nhập cuộc của Giáo hội công giáo La mã.

Về phía Thiên chúa giáo, thì do ảnh hưởng của tinh thần đổi mới của Công đồng Vatican 2, trong giới tu sĩ và giáo dân tại khu vực đã có sự chuyển biến rất mạnh mẽ trong sự nhận thức, cũng như trong hành động của Giáo hội công giáo. Điển hình như trường hợp của Tổng giám mục Helder Camara của Brazil; ông là người rất năng động trong việc phục vụ và tranh đấu cho khối đa số nghèo túng, đến nỗi bị chụp mũ là “vị giám mục đỏ” (the red bishop). Ông nói chua chát như sau: “Khi tôi cho người nghèo ăn, thì người ta gọi tôi là một ông thánh. Khi tôi hỏi tại sao người nghèo lại không có thực phẩm, thì người ta gọi tôi là một người cộng sản!” Giám mục Camara và cầu thủ Pele là hai người xứ Brazil được biết đến nhiều nhất trên thế giới.

Lại có trường hợp vị Giám mục cấp tiến Oscar Romero ở nước El Salvador, ông còn bị chính quyền cho dùng tay chân ám sát, ngay giữa lúc ông  đang cử hành thánh lễ an táng cho bà mẹ của một người bạn vào năm 1980. Và đã có đến 250,000 người đến tham dự lễ an táng của vị mục tử kiên cường này, mà họ coi như là một vị thánh tử đạo (Martyr).

Cũng tại El Salvador, vào cuối năm 1980 đã xảy ra việc sát hại 4 nữ tu người Mỹ, do bàn tay của nhân viên công lực nhà nước. Sự kiện này đã gây sự phẫn nộ tột cùng của báo chí và công luận nước Mỹ, đến độ tạo thành áp lực buộc chính phủ Mỹ phải có biện pháp răn đe mạnh mẽ đối với chính quyền tàn bạo của El Salvador.

Cũng phải kể thêm về trường hợp của vị linh mục Camilo Torres ở nước Colombia, ông là một tu sĩ cấp tiến, được đào tạo tại đại học công giáo nổi tiếng Louvain bên nước Belgium ở Âu châu. Vì áp lực nặng nề từ phía chính quyền Colombia, ông phải thóat ly theo hẳn phe du kích chống chính phủ, và đã bị hạ sát vào năm 1966 trong một cuộc đụng độ với quân đội. Tên tuổi của Camilo Torres, cũng như của Che Guerava bị hạ sát năm 1967 tại Bolivia, thì đã trở thành một huyền thoại lôi cuốn giới trẻ trong toàn thể khu vực Châu Mỹ La tinh từ trên 40 năm nay.

Nhân tiện, cũng cần phải ghi lại cái thủ đọan cực kỳ độc ác là “làm mất tích” (disappearance), bằng cách thủ tiêu những người chống đối, mà cơ quan an ninh tại nhiều nước trong khu vực sử dụng, để đàn áp phong trào tranh đấu cho dân chủ tự do tại các nước này. Điển hình là tổ chức Các Bà Mẹ có con bị mất tích ở Argentina, đã liên tục trong nhiều năm tháng đến tụ hợp với nhau tại một quảng trường Plaza de Mayo trong thành phố thủ đô, để đòi hỏi chánh quyền phải cho công bố về các vụ mất tích này. Các tổ chức tranh đấu bảo vệ nhân quyền quốc tế như Hội Ân xá Quốc tế (Amnesty International) cũng đã thâu thập được khá nhiều chứng từ về các trường hợp “người bị mất tích” (disappeared persons) tại nhiều quốc gia trong vùng, có nơi con số này lên tới nhiều ngàn người. Rõ ràng chế độ độc tài nào dù theo phe tả như cộng sản, hay theo phe hữu như chế độ quân phiệt, thì cũng đều tàn bạo độc ác như thế cả.

C – Nền Thần học Giải phóng.

Châu Mỹ La tinh này lại còn là nơi phát sinh một trào lưu tư tưởng đặc biệt sôi nổi sinh động, đó là nền “Thần học giải phóng”          (Liberation Theology). Đó là cả một phong trào của các giáo sĩ và giáo dân phản ứng không khoan nhượng trước thực trạng xã hội đày rẫy bất công áp bức, bóc lột trong xã hội các quốc gia trong khu vực. Họ lục tìm trong Kinh thánh và trong Giáo huấn chân truyền của Giáo hội công giáo từ xưa nay, để xây dựng được một nhận thức đứng đắn, trung thực về vai trò dấn thân nhập cuộc của Giáo hội dưới công trình giải thoát con người và xã hội khỏi các định chế chính trị xã hội hủ lậu, phản động và vô luân tại xã hội đương thời. Trừ một số nhỏ thiên về phía marxit cộng sản quá khích, còn đa số giáo sĩ và giáo dân đều giữ vững lập trường tranh đấu ôn hòa, bất bạo động của tôn giáo. Hệ thống tư tưởng tiến bộ này luôn được sự hưởng ứng của quần chúng giáo dân và giới chức sắc của giáo hội, tiêu biểu sáng ngời nhất là “Hội Đồng Giám mục Châu Mỹ La tinh (CELAM = the Latin American Episcopal Conference). Dưới sự thôi thúc của những vị lãnh đạo năng nổ, nhiệt tình như Helder Camara, Hội Đồng này đã biểu quyết thông qua chủ trương rất tiến bộ là: “Giáo hội phải dứt khoát chọn lựa đứng về phía người nghèo” ( Church’s Option for the Poor).

D – Vai trò của giới trí thức và văn nghệ sĩ.

Trong khi đó, thì giới hàn lâm đại học (Academia), cũng như giới văn nghệ sĩ đều sôi nổi góp phần vào công cuộc dấn thân phục vụ xã hội, điển hình là sự đóng góp thật là vĩ đại của Paulo Freire với chủ trương “Giáo dục Giải phóng Con người” như đã được trình bày rất khúc chiết trong cuốn “Pedagogy of the Oppressed”. Ta sẽ đề cập chi tiết về tư tưởng này trong một bài sau.

Cũng cần phải ghi thêm về ảnh hưởng của phong trào trí thức tả phái phát xuất từ Âu châu, đặc biệt là từ thập niên 1950 đối với tư tưởng và hành động của học giới và văn nghệ sĩ tại Châu Mỹ La tinh. Khuynh hướng “Bài Mỹ” (Anti-Americanism) từ Âu châu đã làm tăng thêm sự hậm hực, ân oán vốn có sẵn từ lâu đời đối với sự thống trị và khuynh lóat của chính sách bá quyền (hegemony) của nước Mỹ đối với tòan thể các quốc gia và lãnh thổ yếu thế, mà lại bị chia rẽ, phân tán ở phía Nam bán cầu (hemisphere). Lâu lâu, người ta vẫn nghe thấy dân chúng tại đây hô thật to cái khẩu hiệu “Yankees, Go Home” (Người Mỹ, Hãy Cút Đi!) mỗi khi có phái đòan cao cấp của Mỹ đi qua một số thành phố lớn. Điển hình là vụ phản đối rầm rộ, đến độ xô xát bạo hành đối với Phó Tổng thống Nixon của Mỹ trong chuyến viếng thăm Nam Mỹ vào năm 1958.

Lại nữa, chính phủ Mỹ vì luôn bênh vực che chở cho giới tài phiệt Mỹ làm ăn buôn bán khai thác tại các nước trong khu vực, nên đã cho thiết lập và ủng hộ các chính quyền cực hữu, độc tài mà được đặt tên một cách mỉa mai là “Banana Republics”, vì chuyên làm tay sai cho các đại gia chuyên môn khai thác trồng chuối để xuất cảng về Mỹ, hoặc khai thác các nguồn lợi thiên nhiên khác, để thu về được một số lợi nhuận khổng lồ cho các tập đòan kinh tế có độc quyền khai thác, điển hình là United Fruit.

Trước tình trạng bất ổn căng thẳng như thế, ta không lạ gì với sự chống đối quyết liệt của những lãnh tụ mới đây như Tổng thống Hugo Chavez của Venezuela đối với nước Mỹ. Và qua đó, chúng ta có thể hiểu rõ thêm về phản ứng dứt khóat và triệt để của giới trí thức như Paulo Freire trong bối cảnh chung của khu vực Châu Mỹ La tinh vậy.

© Đoàn Thanh Liêm

© Đàn Chim Việt

Phản hồi