WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Sức quyến rũ của nền ngoại giao thuần Việt

Trong nhiều bình luận quốc tế đối với năm Chủ tịch ASEAN của Việt Nam, đánh giá trên tờ The Nation (Thái Lan) ngày 1/11 không khỏi làm ta suy nghĩ. “Việt Nam có thể tự hào nhìn lại với sự hài lòng về tất cả những gì mình đã làm được. Rõ ràng đã có rất nhiều thành tựu mang tính biểu tượng thể hiện qua các bài diễn văn và các vận động ngoại giao nhịp nhàng và tinh tế”.

Tờ báo bình luận tiếp: “Các nhà lãnh đạo Việt Nam đã khẳng định được danh tiếng về kỹ năng ngoại giao trong việc thách thức tuyên bố chủ quyền đối với tranh chấp Biển Đông sau 8 năm bị động, tính từ khi có thỏa thuận về Tuyên bố ứng xử trên biển (DOC)”.

“Việc công khai hóa rộng rãi vấn đề Biển Đông trong những tháng qua chắc chắn đã nâng tầm quốc tế của ASEAN và của vấn đề Biển Đông, đồng thời tạo nên viễn cảnh chiến lược mới, mở ra cơ hội cho quốc tế tham gia vấn đề liên quan đến tự do và an toàn hàng hải”.

Không thể không thừa nhận thực tế

Thái Lan là một thành viên sáng lập ASEAN, cái nôi của nền ngoại giao “cây tre” suốt những năm tháng chiến tranh lạnh. May mắn trở thành vùng trái độn giữa hai phe, nhờ văn hóa chính trị uyển chuyển, “đất nước của nụ cười” đã khai dụng tối đa thời cơ vàng để trở thành những “tiểu long, tiểu hổ” một thời.

Lời khen tặng và cuộc tập trận chung của quân đội Thái Lan – Trung Quốc trước HNCC17 phải chăng là “hai mặt của một đồng tiền”, là sự kéo dài của truyền thống “cây tre trăm đốt”? Có cần phải “nâng cao cảnh giác cách mạng” nếu như đấy là “âm mưu” dùng vấn đề Biển Đông để chia rẽ Việt Nam với Trung Quốc như lời của Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh mới đây? Hay đây đúng là lời tâm sự của một bạn bè “đồng sàng dị mộng”?

Có quá nhiều câu hỏi cho một lời đánh giá. “Được tiếng khen ho hen chẳng còn”. Các cụ ngày xưa dạy thế! Lịch sử hiện đại của Việt Nam đã kiểm chứng khá đầy đủ minh triết ấy! Có điều là dù xuất phát từ bất cứ động cơ nào thì không thể không thừa nhận một thực tế là thuyền trưởng Việt Nam đã bàn giao lại con thuyền ASEAN-2010 cho Indonesia không đến nỗi nào.

Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+), Hội nghị Cấp cao Đông Á mở rộng (EAS-5)… cùng với các diễn đàn bấy đã tồn tại lâu nay, những kênh mở rộng này tạo nên một cấu trúc mới, tuy đang định hình nhưng đúng là “mang nhiều tính biểu tượng” và hứa hẹn nhiều triển vọng tương lai.

Nhưng thách thức của sự mở rộng đã có thể thấy trước. Trong khi Thủ tướng Ôn Gia Bảo muốn khoanh sự hợp tác trong Đông Á trên cơ sở các nguyên tắc đã được xây dựng và đưa ra tại EAS từ trước thì Ngoại trưởng Clinton, với tư cách dại diện của Tổng thống Obama lại đề xuất một chương trình nghị sự mang tính bao trùm, trong đó xử lý tất cả các vấn đề có ảnh hưởng lớn của thời đại, bao gồm cả an ninh biển.

Ở Trung Quốc cũng đã xuất hiện quan ngại cho rằng việc Mỹ và Nga gia nhập EAS sẽ biến tổ chức này thành địa bàn cạnh tranh giữa hai cường quốc. Sự mở rộng này sẽ làm mọi việc thêm phức tạp và có thể gia tăng các yếu tố khó lường cho tiến trình hợp tác mà lẽ ra đã rất tiến triển này (Ý kiến của ông Yang Danzhi, nghiên cứu viên Viện Châu Á-Thái Bình Dương thuộc Viện KHXH Trung Quốc).

Chiếc lưới an toàn không chỉ cho khu vực

Một tờ báo khác, Thời báo Frankfurt (Đức) nhìn nhận: Với EAS-5, “lần đầu tiên Trung Quốc phải chứng kiến những phản ứng trong nội bộ ASEAN. Không ồn ào, nhưng thái độ rõ ràng, các nước láng giềng của Trung Quốc cho thấy họ tìm đồng minh mới để giữ “đồng minh cũ” trong giới hạn cho phép. Ở hầu hết các đề mục của hội nghị đều có nhắc đến xung đột lãnh thổ vừa qua trong khu vực và kêu gọi giải quyết bằng biện pháp hòa bình”.

Giám đốc Chương trình Đông Nam Á, Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược ở Washington (Mỹ) Ernest Bower thì tuyên bố một cách thuần lý rằng: “Có ba lý do khiến Mỹ tham dự vào Hội nghị EAS-5. Thứ nhất là thời gian tới Mỹ sẽ đưa ra một chiến lược mới đối với châu Á, trong đó ASEAN có thể giữ vai trò trọng tâm. Thứ hai là Mỹ hiểu rằng chỉ khi ASEAN được củng cố vững chắc thì chiến lược đó mới có thể đem lại hiệu quả. Thứ ba là các hiệp ước giữa Mỹ và các đồng minh, trong đó có Úc đã được củng cố. Vì vậy, Mỹ muốn thắt chặt quan hệ cũng như gia tăng cam kết mạnh mẽ hơn nữa với ASEAN”.

Đúng là một chủ trương chiến lược lớn! Động thái này của người Mỹ chắc chắn đã được tính toán với hy vọng thúc đẩy tất cả các nước lớn trong khu vực, không có ngoại lệ, quan tâm hơn nữa tới vấn đề tái cấu trúc khu vực trong thập kỷ tới!
Đồng thanh tương ứng, kết thúc EAS-5, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thông báo cảng Cam Ranh sẵn sàng cung cấp dịch vụ cho tàu hải quân của tất cả các nước, kể cả tàu ngầm. Tuyên bố này được dư luận xem như là dấu chấm hết cho mọi lời đồn đoán về hải cảng mang tính chiến lược này. Có ý kiến cho rằng như vậy là chiếc lưới an toàn đã được đan xong, mà không chỉ dành riêng cho khu vực!

Sức quyến rũ của nền ngoại giao thuần Việt còn thể hiện ở chỗ Chủ tịch Hội nghị đã kín đáo giúp giảm bớt thảo luận về khủng hoảng chính trị tại Myanmar bằng cách gia tăng sự quan tâm đối với vấn đề Biển Đông, nhưng vẫn trong giới hạn công tâm của một người cầm chịch đối với nhiều nghị trình phức tạp khác.

Một kết quả khả quan trong “chiến dịch quyến rũ ngoại giao” của Việt Nam là qua Tổng Thư ký ASEAN, để cho báo chí và truyền thông biết là Bắc Kinh đã điều chỉnh thái độ khi chấp nhận tổ chức một cuộc gặp cấp chuyên viên giữa Trung Quốc và ASEAN vào tháng 12 tới để thảo luận phương hướng cho việc soạn thảo Bộ Quy tắc ứng xử tại Biển Đông (COC).

Khác với thái độ của ngoại trưởng Dương Khiết Trì hồi tháng 7 khi đồng nhiệm của ông từ phía Mỹ nêu vấn đề Biển Đông tại ARF-17, cũng như khác với tuyên bố hờ hững của người phát ngôn đoàn quân sự Trung Quốc tại ADMM+, tờ China Daily nhắc lại tuyên bố chính thức của Thủ tướng Ôn Gia Bảo trong cuộc gặp với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bên lề ASEAN 17.

Thủ tướng Ôn Gia Bảo nhấn mạnh ý nghĩa to lớn đối với giải pháp thỏa đáng cho tranh chấp Biển Đông, điều này rất quan trọng đối với sự phát triển lành mạnh và ổn định của quan hệ Trung-Việt. Quan hệ Trung-Việt lành mạnh lại vô cùng quan trọng đối với hai nước và khu vực trong bối cảnh tình hình quốc tế phức tạp và có thay đổi trong cấu trúc quyền lực ở châu Á.

Lắng nghe và thấu hiểu

Cảnh báo của Thủ tướng Ôn Gia Bảo về “tình hình quốc tế phức tạp” được tuần san Courrier International (Pháp) phân tích tình trong một bài viết mới đây liên quan đến tranh chấp ở Biển Đông với tựa đề “Bắc Kinh, Washington và vùng biển đầy nguy hiểm”.

Bài báo nhận định, hiếm có nước nào đã phải hứng chịu nhiều chiến tranh để giành lại độc lập và chủ quyền như Việt Nam. Do đó, Việt Nam muốn tránh mọi xung đột, dù chỉ là xung đột nhỏ. Hiện nay điều đáng quan ngại nhất là chỉ một sai lầm nhỏ hay một trục trặc nào đó đều có thể làm cho tình hình mất kiểm soát.

Đất nước này chỉ muốn trang bị đủ phương tiện răn đe để đối tượng nào muốn tấn công mình phải e dè trước khi hành động. Chính vì thế, Việt Nam đã tăng cường mạnh mẽ các hoạt động ngoại giao quốc phòng, tìm kiếm các quan hệ đối tác chiến lược với Mỹ, yêu cầu đưa vấn đề Biển Đông vào chương trình nghị sự của ASEAN.
Trở lại với nhận định của tờ The Nation vốn là nguồn cảm hứng cho phân tích này, không được quên tựa đề chính của bài báo “Vai trò lãnh đạo ASEAN của Việt Nam là bài học cho tất cả mọi người”. Tác giả khách quan khi cho rằng, “Hà Nội đã nỗ lực tổ chức 14 (?) HNCC trong vòng chưa đầy 60 giờ đồng hồ, cố gắng này đã phá vỡ mọi kỷ lục của ASEAN”.

Có lẽ còn quá sớm để có thể rút ra “bài học cho tất cả mọi người”, nhưng riêng đối với Việt Nam, vừa là đối tác, vừa là đối tượng của nhiều nước, nhất là của các cường quốc, của nhiều tổ chức và định chế quốc tế quan trọng, chúng ta phải không ngừng vun đắp cho sức mạnh của nền ngoại giao thuần Việt.

Từ một một nền chính trị đối ngoại “hai phe bốn mâu thuẫn” chuyển sang nền ngoại giao “đạng dạng hóa đa phương hóa”, tác chiến với nhiều kỹ năng chuyên nghiệp qua tiếp xúc, năng động trong tham vấn các mối quan hệ, nền ngoại giao thuần Việt sẽ ngày càng tương tác nhiều nhưng tuyên bố ít, mềm mỏng nhưng giữ vững nguyên tắc, hy vọng đủ trí và lực vượt qua những khó khăn và thách thức không hề nhỏ phía trước!
Nguồn: TS Đinh Hoàng Thắng, tuanvn

1 Phản hồi cho “Sức quyến rũ của nền ngoại giao thuần Việt”

  1. D.Nhật Lệ says:

    Đúng là người Thái Lan từng nổi tiếng khôn khéo,dù họ không thông minh bằng người VN.chúng ta.Họ
    khôn khéo đến nỗi không nước nào xâm chiếm nước họ cả.Qua việc tờ báo Thai khen ngợi ngoại giao
    thuần Việt,chúng ta thấy ngay cách họ làm là “chinh phục” người khác bằng lời khen hơn là sức mạnh
    mà các cường quốc thường làm.
    Lời khen này có thể là chất xúc tác nhằm gắn kết các nước Á châu thành 1 khối có THỰC LỰC trước
    hiểm họa Tàu,chứ không phải là chiếc đũa đang bị Tàu tìm cách bẻ từng chiếc một.Đồng thời,lời khen này cũng nhắc nhở VC.phải thực tế mà thay đổi cho kịp với tình hình thế giới,thay đổi trước tiên là từ
    bỏ ý thức hệ lỗi thời và lạc hậu,tự mình lo cho mình,đừng nhờ vả Tàu.Nếu không thế thì sẽ bị Tàu lợi dụng để khống chế mà chẳng thể nào ngóc đầu lên ngang hàng với các nước trong khu vực,nói chi là
    “đi tắt đón đầu”,một suy nghĩ qúa ấu trĩ không khác gì bọn cướp chận đường đòi tiền mãi lộ” !

Phản hồi