WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Dân Chủ để phát triển kinh tế

Trong cuộc du hành qua các nước Á Châu vừa qua, Tổng Thống Mỹ Barack Obama đã ca ngợi sự tiến bộ tại Ấn Ðộ và Indomesia. Ông nói rằng chính chế độ chính trị dân chủ ở các nước này đã giúp nền kinh tế của họ phát triển tốt đẹp.

Những lời tuyên bố của ông Obama chắc sẽ được người dân những nước kinh tế còn nghèo như Miến Ðiện, Bắc Hàn, Trung Quốc hay Việt Nam lắng nghe và suy nghĩ.

Nhưng đối với các nhà nghiên cứu chính trị và kinh tế thì mối liên hệ giữa chế độ Dân Chủ và sự phát triển kinh tế không có câu trả lời rõ ràng, vì các tác động hỗ tương rất phức tạp. Nhiều người tin rằng kinh tế có ảnh hưởng trên chính trị, cho nên khi kinh tế một nước phát triển cao thì thế nào xã hội cũng tiến tới chế độ dân chủ. Lý do vì một giới trung lưu sẽ thành hình, họ sẽ đòi sống tự do hơn. Theo lối nhìn này thì Phát triển Kinh tế là nhân, Dân chủ Tự do là quả. Tuy nhiên, ai cũng biết có những quốc gia ở vùng Trung Ðông đã đạt tới lợi tức theo đầu người hàng chục ngàn đô la một năm, mà dân vẫn sống trong cảnh độc tài chưa biết bao giờ được thay đổi. Cho nên hai hiện tượng Phát Triển và Dân Chủ không nhất thiết có tương quan nhân quả một chiều như nhiều người mong muốn.

Ý kiến của ông Obama đặt vấn đề theo chiều ngược lại, từ chính trị ảnh hưởng sang kinh tế, ông coi chế độ Dân Chủ làm hạt nhân mà kết quả là kinh tế phát triển. Ðây cũng là một đề tài đã được nhiều người khảo sát.

Từ lâu, các nhà nghiên cứu chính trị vẫn hỏi: “Liệu chế độ dân chủ tự do có giúp cho kinh tế phát triển hay không?” Câu hỏi này được đặt ra rõ rệt hơn khi so sánh: Thể chế Dân Chủ có giúp kinh tế lên nhanh hơn so với các chế độ độc tài hay không? Trả lời câu hỏi này còn phức tạp hơn nhiều so với mối tương quan từ kinh tế sang chính trị. Các nhà nghiên cứu dè dặt không dám kết luận về mối tương quan giữa chính trị và kinh tế như những định luật chắc chắn. Không thể nói ở đâu có hạt nhân dân chủ thì sẽ sinh kết quả là kinh tế phồn thịnh.

Cũng như mọi cuộc nghiên cứu xã hội, chúng ta biết đời sống con người rất phức tạp, cuộc sống xã hội gồm rất nhiều con người càng phức tạp hơn. Chúng ta khó tiên đoán phản ứng và hành động của hàng triệu người, như khi tiên đoán thời tiết – mặc dù việc đoán trước trời nắng hay mưa cũng còn khó khăn!

Vì lý do trên, những ý kiến của ông Obama được nêu lên như những lời ca ngợi và cổ võ cho chế độ dân chủ ở Ấn Ðộ và Indonesia sẽ bị các chế độ độc tài ở Á Châu bài bác. Họ sẽ biện hộ rằng giới nghiên cứu khoa học xã hội vẫn còn luôn luôn dè dặt không quả quyết những tương quan chắc chắn như lời ông Obama nói.

Tuy nhiên, chúng ta không thể coi sự dè dặt của các nhà nghiên cứu trong trường ốc là kim chỉ nam để hành động cho mọi người. Ðối với những người dân sống trong các chế độ độc tài thì câu hỏi thực tế lại khác hẳn với lối đặt vấn đề trừu tượng của các nhà nghiên cứu. Người dân các nước chậm tiến, nghèo và bị áp bức không cần đi tìm những tương quan nhân quả tổng quát, phổ biến, lúc nào cũng đúng như các định luật khoa học, mà những người ngoại cuộc có thể tìm tòi chỉ vì nhu cầu trí thức.

Ðối với một người dân ở Miến Ðiện, Bắc Hàn, hay ở Việt Nam, thì phải đặt những câu hỏi thực tế, cụ thể, chứ không nói chung chung nữa. Sống trong những quốc gia vừa nghèo, vừa mất tự do vì độc tài lại vừa bất bình vì tham nhũng, câu hỏi của người dân các nước đó là: Có cách nào cho tôi thoát khỏi cảnh nghèo khó và bất công này hay không? Ðặt câu hỏi rõ rệt là: “Thể chế Dân Chủ có giúp gì cho kinh tế quốc gia phát triển tốt đẹp hơn so với tình trạng hiện tại hay không?”

Khi đặt câu hỏi cụ thể như vậy, mọi người đỡ mất thời giờ tranh luận về những vấn đề trừu tượng, có thể trở thành viển vông. Ðiều người dân ở những nước độc tài lo lắng không phải chỉ là so sánh khả năng và hiệu quả phát triển kinh tế của các chế độ độc tài và dân chủ nói chung, ở khắp nơi. Hãy để công việc tìm tòi các quy luật có giá trị lâu dài và tổng quát cho các giáo sư đại học, phần lớn họ đang sống ở các nước đã giầu sẵn rồi. Người dân các nước đang nghèo nàn, chậm tiến chỉ quan tâm đến những câu hỏi về chính thân phận mình. Có những câu hỏi cụ thể bắt nguồn từ hoàn cảnh trước mắt:

Chế độ độc tài có tạo ra những chướng ngại ngăn cản sự phát triển kinh tế ở nước ta hay không?

Một chế độ tự do và dân chủ hơn liệu có khả năng giúp chúng ta vượt qua được các chướng ngại đó mà thoát khỏi tình trạng kinh tế trì trệ hiện nay hay không?

Ðể trả lời 2 câu hỏi này, phải phân tích quá trình phát triển kinh tế. Mọi nhà kinh tế đã đồng ý rằng có những yếu tố giúp cho kinh tế phát triển mạnh hơn, không phân biệt thể chế chính trị như thế nào. Một yếu tố quan trọng là một xã hội tôn trọng luật pháp, trong đó phải tôn trọng quyền sở hữu do luật pháp bảo đảm. Người ta chỉ làm việc hết sức khi tin rằng kết quả công việc mình làm mình sẽ được giữ và hưởng thụ. Do đó, một yếu tố quan trọng thứ nhì là trong xã hội không có những thế lực không cần làm việc cũng được hưởng, tức là tham nhũng. Khi có một khối người có quyền hành và sử dụng quyền để đòi hỏi và được hưởng những quyền lợi do công lao của người khác, thì sự phân bố tài người và sử dụng tài nguyên trong xã hội sẽ không đạt được hiệu quả tốt nhất. Yếu tố thứ ba là chính sách của những người cầm quyền có thích hợp với hoàn cảnh kinh tế của quốc gia, thúc đẩy mọi người gia tăng lợi tức hay không. Một yếu tố khác không thể thiếu được là nhân sự. Phải tạo khung cảnh xã hội và kinh tế làm sao để kích thích óc sáng tạo, trí mạo hiểm trong giới kinh doanh, và xây dựng một đội ngũ lao động có học vấn đủ để tiến vào nền kinh tế dựa trên khoa học và kỹ thuật. Không ai phủ nhận được tầm quan trọng của bốn yếu tố trên đây. Nếu không hội đủ ít nhất hai, ba trong số bốn điều kiện đó thì kinh tế rất khó phát triển bền vững.

Ðối với người dân những nước kinh tế còn nghèo nàn thì câu hỏi thiết thực là: Thể chế tự do dân chủ có giúp cho xã hội tăng cường và củng cố các yếu tố cần thiết đó hay không?

Giữa chế độ độc tài và tự do dân chủ thì thể chế nào giúp cho luật pháp được tôn trọng hơn, do đó tài sản người dân tạo ra được bảo vệ chắc chắn hơn? Không cần phải bàn luận về lý thuyết, chúng ta đều biết rằng trong chế độ độc tài mà người dân Việt Nam, Miến Ðiện, Bắc Hàn đang sống, luật pháp nằm trong tay những người nắm quyền, từ các ông bà cầm đầu Ðảng và chính phủ cho tới những người công an, cảnh sát đứng ở góc chợ hay đầu đường. Không cần phải suy nghĩ đắn đo, người ta có thể kết luận ngay được là bất cứ một hình thức tự do dân chủ nào cũng sẽ tạo ra những giới hạn trên người cầm quyền, và pháp luật sẽ được tôn trọng hơn.

Chế độ Dân Chủ đặt mọi người làm chính trị trong một cuộc chạy đua, phải cạnh tranh giành lá phiếu của dân. Khi đó, sẽ không có một nhóm người nào có thể khuynh loát tất cả mọi lực lượng khác trong xã hội để đặt họ bên trên luật pháp. Trong nhiều nước độc tài người ta cũng có thể đạt tới tình trạng luật pháp được tôn trọng, tuy nhiên điều đó không có gì bảo đảm. Dù độc tài hay dân chủ, chỉ khi nào người cầm quyền bị kiềm chế bởi những định chế hoặc thế lực xã hội và chính trị khác, thì họ mới nhất thiết tôn trọng luật pháp. Chắc chắn chế độ dân chủ tự do có khả năng hạn chế quyền hạn của những người cầm quyền hơn chế độ độc tài.

Bây giờ ai cũng phải công nhận nạn tham nhũng là một chướng ngại cho việc phát triển kinh tế. Các quan chức nhũng lạm không những ăn cướp tài sản của những người bị họ sách nhiễu, họ còn làm cho tất cả xã hội bị thiệt hại vì gây trở ngại những nhà kinh doanh có khả năng và lương thiện. Khi guồng máy nhà nước thiên vị một nhóm người này vì chịu hối lộ, chèn ép nhóm người khác, thì tài nguyên kinh tế quốc gia sẽ không được đặt vào tay những người có khả năng tạo ra nhiều của cải, nhiều công việc làm nhất. Xã hội tự do dân chủ có giúp giảm bớt nạn tham nhũng gây trở ngại cho nền kinh tế hay không? Chúng ta có thể tin chắc rằng khi các người làm chính trị bị bắt buộc phải cạnh tranh mới được đóng vai trò quyết định việc nước, thì chắc chắn xã hội sẽ bớt lạm quyền, bớt tham nhũng. Khi mới được phóng thích trong tuần trước, bà Aung San Suu Kyi đã tuyên bố rằng: “Quan trọng nhất là quyền tự do ngôn luận.” Một xã hội tôn trọng quyền tự do phát biểu là vũ khí tốt nhất để đặt ra những giới hạn trên quyền hành và giúp bài trừ tham nhũng.

Chính sách kinh tế của các chính quyền rất quan trọng trong việc phát triển kinh tế. Khi so sánh chế độ độc tài và dân chủ, có thể nói chế độ nào cũng có khả năng đưa ra những chính sách hoặc tốt, hoặc xấu, ngang nhau. Nhưng chế độ dân chủ tự do có một ưu điểm, là nếu một chính quyền đưa ra những chính sách sai lầm, chính người dân sẽ sửa đổi bằng cách thay thế họ, qua các cuộc bầu cử. Ngược lại, một chế độ độc tài có thể duy trì những chính sách kinh tế tai hại suốt đời này sang đời khác, chỉ vì chính đồng đảng của họ được lợi với các chính sách đó,trong khi người dân không có phương tiện nào để thay đổi. Một thí dụ hiển nhiên là các nước độc tài thường duy trì các doanh nghiệp nhà nuớc rất lớn và chiếm độc quyền trong nhiều lãnh vực, mặc dù ai cũng biết các xí nghiệp này hiệu năng rất kém so với tư nhân.

Cuối cùng, đến yếu tố nhân sự. Nhiều nước độc tài cũng có thể xây dựng một nền giáo dục có hiệu quả, và cũng có thể tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho những người có óc sáng tạo và mạo hiểm. Nhưng điều này không có gì bảo đảm. Ngược lại, khi chế độ là tự do dân chủ thì người cầm quyền chịu áp lực của dân sẽ phải chú trọng tới việc giáo dục hơn, nhất là ở những nước có truyền thống trọng học vấn như ở Việt Nam. Mặt khác, tự do là một điều kiện thiết yếu của óc sáng tạo, trí mạo hiểm. Trong chế độ độc tài, người dân thiếu tự do cho nên óc sáng tạo khó phát triển, nhất là óc mạo hiểm, chấp nhận rủi ro của các nhà kinh doanh càng bị chính trị hạn chế.

Cuối cùng, phải nói thể chế chính trị không quan trọng bằng tình trạng xã hội có tôn trọng các quyền tự do hay không. Nếu theo thể chế dân chủ mà tự do vẫn bị hạn chế thì chưa đủ. Nhà kinh tế Ấn Ðộ Amartya Sen (giải Nobel Kinh Tế 1998) đã phân tích tương quan giữa chính trị và kinh tế, cho rằng chúng ta không nên đặt vấn đề như là mối tương quan giữa thể chế dân chủ và phát triển kinh tế; mà nên nhìn vào ảnh hưởng của tự do trên sự phát triển. Khi đặt vấn đề như vậy thì, Amartya Sen quả quyết: Càng tự do thì kinh tế càng dễ phát triển; và ngược lại, khi kinh tế tăng trưởng thì các quyền tự do trong xã hội cũng được tăng theo.

Lời phát biểu của Tổng Thống Obama tại Indonesia và Ấn Ðộ tạo cơ hội cho chúng ta suy nghĩ thêm về mối tương quan giữa dân chủ và phát triển. Chúng ta có thể kết luận là chế độ dân chủ tự do có khả năng giảm bớt tham nhũng, lãng phí, bất công xã hội. Ðó là những căn bệnh chắc chắn gây trở ngại khiến việc phát triển bị trì trệ. Ðối với người dân những nước như Việt Nam, Miến Ðiện, Bắc Hàn, thì vấn đề không phải là giữa dân chủ và phát triển phải lựa chọn lấy một, và chỉ một mà thôi. Ðó là một vấn đề giả mà các chế độ độc tài dùng làm hỏa mù gây hoang mang và che mắt dân chúng.

Hai mục tiêu đó, chúng ta phải đạt được cả hai. Phải thay đổi chính trị và kinh tế song hành và toàn diện. Không có cách lựa chọn nào khác.

Nguồn: Nguoi-Viet.com

Phản hồi