WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Khái luận về sự nghiệp văn chương của Tolstoi [2]

Tiếp theo phần I

6-Đạo Đức. Chiến Tranh Và Hoà Bình cho thấy Tolstoi là người sùng đạo, tin vào Thượng Đế nhưng lại chống Giáo Hội Chính Thống Nga và những nghi thức tế lễ. Niềm tin Thượng Đế, tình yêu nhân loại bao la được diễn tả trong Chiến Tranh Và Hòa Bình như cứu cánh của đời người, nó rất gần với chữ từ của nhà Phật hay chữ nhân của Khổng giáo. Tác giả nói ta phải thương cả kẻ thù, khi quân Pháp thua chạy, Tư lệnh Kutuzov chỉ đuổi quân xâm lược ra khỏi đất nước mà không căm thù, rửa hận.

Tác phẩm Chiến tranh và Hòa bình của Tolstoi

Vì ghen, Pierre trong cuộc đấu súng với Dolokhov đã bắn bị thương bạn, họ gặp lại nhau tại Borodino khi chàng đi thăm trận địa. Dolokhov tiến lại bắt tay Pierre, xin bạn  tha thứ rồi ôm lấy anh. Sau khi bị Natasha từ hôn vì Anatole dụ dỗ nàng, Andrew khi ra tiểu đoàn đã đi tìm tình địch để thách đấu súng nhưng không gặp, về sau khi chàng bị thương lại gặp hắn trong bệnh xá, Anatole bị cưa chân khóc thảm thiết. Andrew nhận ra hắn, con người đã đã làm cho chàng đau đớn nhưng nay chàng tội nghiệp cho hắn, thương cho người đồng đội, cho lỗi lầm của hắn, tình thương tràn trề trong tấm lòng hạnh phúc của Andrew

“Lòng trắc ẩn, tình yêu thương cho đồng bào, cho cả những kẻ yêu và ghét mình, phải, tình thương yêu mà Thượng Đế đã truyền giảng trên trái đất, Mary cũng đã giảng cho ta nhưng ta không hiểu… Nay thì trễ rồi”

Gia đình Rostov đóng gói đồ đạc để di tản khỏi kinh thành Moscow khi quân Pháp sắp tới, những người thương binh xin được đi theo, bá tước Rostov sai gia nhân bỏ bớt đồ để chở thương binh, phu nhân bá tước tiếc của không cho, bà nói việc chở thương binh là của chính phủ. Natasha khóc ròng cãi với mẹ “ Tại sao lại bỏ thương binh?  Và rồi tình thương đã thắng, phu nhân chiều ý tiểu thư cho bỏ bớt một nửa đồ đạc để chở thương binh.

Quân Pháp tháo chạy về nước cuối năm 1812, tại trận Krasnoe họ đói khát vứt súng đầu hàng bẩy nghìn người, Tư lệnh Kutuzov thị sát mặt trận khuyên các chiến sĩ phải thương bọn tù binh đói rách vì họ cũng là người.. Tù binh Pháp đói rét, bệnh tật chết như rạ, họ vứt súng quì gối xin hàng. Mặc dù Kutuzov bị Nga hoàng, các tướng lãnh, sử gia… chê trách bỏ lỡ cơ hội đánh tan quân Pháp, bắt sống Napoléon  nhưng Tolstoi vẫn ca ngợi lòng bác ái của ông tướng nhân đạo này, ông không muốn binh sĩ  tàn sát kẻ địch  mà phải cứu vớt và thương mến họ như anh em.

Sống nhân ái, yêu thương đồng loại và tin Thượng Đế… Tolstoi thường nhắc lại trong tác phẩm “Một sợi tóc rơi xuống cũng không ngoài ý muốn của Thượng Đế. Natasha sau những ngày bệnh hoạn vì u sầu thất vọng theo gia đình đi lễ, mẹ nàng nghĩ cầu nguyện có thể tốt hơn thuốc, nàng tin tưởng Thương Đế và cầu nguyện ăn năn. Natasha cầu nguyện cho các chiến sĩ, cho anh mình, nàng cũng cầu nguyện cho cả những kẻ ghét hoặc kẻ hại mình.

Nicholas gặp gỡ Mary, cứu nàng thoát khỏi tay bọn nông dân nổi loạn.. chàng cho là Thượng Đế đã đưa mình tới  công nương.

Những suy nghĩ của Pierre trước đây  về mục đích của cuộc đời không còn nữa khi chàng được cứu thoát khỏi tay quân Pháp, chàng thấy tự do hơn và tin vào Thượng Đế vĩnh cửu, tìm một mục đích là tìm Thượng Đế,  Người ở đây, ở khắp mọi nơi .. Một người dương mắt tìm ở xa tìm thấy cái mình tìm ngay ở dưới chân, nay chàng vứt bỏ viễn vọng kính đối với câu hỏi “sống để làm gì”, câu trả lời đơn giản “ Vì có Thượng Đế, nếu không có ý muốn của Người  không một sợi tóc nào rớt xuống”

Tư tưởng đạo đức bàng bạc trong các tiểu thuyết lớn cũng như nhiều đoản thiên của Tolstoi, trong Anna Karenina, ông trích dẫn  mấy câu Kinh thánh  ngay trang mở đầu của truyện.

“Tôi trả thù, tôi sẽ lãnh hậu quả, Chúa đã nói thế”

(“Vegeance is mine; I will repay, saith the Lord” Romans 12:19).

Toàn bộ tác phẩm cho thấy chúng ta phải tin Thượng  Đế, tha thứ và xoa dịu nỗi đau khổ của con người, tinh thần  đạo đức trong Anna Karenina được thể hiện qua nhiều nhân vật, tiêu biểu là Levin, Karenine, Kitty.

-Levin tự  coi là kẻ vô đạo, chàng đã thú nhận với Kitty trước khi làm lễ thành hôn mình không tin vào Thượng Đế. Chàng xấu hổ khi làm lễ tại nhà thờ với những lễ nghi, phép bí tích. Những lễ nghi được mô tả tỉ mỉ mà Tolstoy cho là giả dối.

Nhưng đến đoạn cuối truyện, Phần tám, Chương mười hai, trang 848, Levin đã tìm ra lẽ sống của mình.

“Ta chẳng khám phá được gì cả. Ta chỉ tìm ra được điều mình biết. Ta hiểu rằng trong quá khứ động lực đã cho ta cuộc đời và nay cũng cho ta cuộc sống. Nay ta đã thoát khỏi sự giả dối, ta tìm thấy Chúa”.

(I have discovered nothing. I have only found out what I knew. I understand the force that in the past gave me life, and now too gives me life. I have been set free from falsity, I have found the Master – Part eight, Chapter 12)

Chàng tìm ra đức tin.

“Nay ta nói ta đã biết ý nghĩa cuộc đời:  Sống vì Thượng Đế, sống cho tâm hồn của ta.

(Now I say that I know the meaning of my life: “To live for God, for my soul – Part eight, Chapter 12)

Levin liên tưởng đến những hậu quả nếu không có những niềm tin ấy, nếu không sống vì Thượng Đế mà sống vì nhu cầu riêng tư , chàng có thể phạm nhiều tội ác  nói dối, trộm cướp, giết người ….

-Karenine giận dữ với vợ, xỉ vả nàng  và đi gặp luật sư tiến hành li dị, bắt con trai để làm cho nàng đau khổ, trả thù tất cả những đau khổ mà nàng đãgây ra cho mình từ trước đến giờ.

Karenine lên Moscow giải quyết công việc hành chánh, ghé nhà anh vợ Stepan,  Dolly chị dâu Anna năn nỉ xin Karenine đừng li dị vì như thế sẽ đẩy Anna vào bước đường cùng nhưng Karenine quyết không tha thứ .

Lòng thù hận của Karenine lên cao, ông nói tôi thù ghét nàng muôn đời, nó đã làm khổ tôi. Dolly khuyên Karenine

“Hãy yêu thương những kẻ ghét mình…trang 425” ( Love those that hate you…)

Nhưng Karenine một mực nói không thể yêu người mình ghét, con người chịu đựng có giới hạn.

Karenine cương quyết trừng phạt Anna – Vronsky, khi ấy ông nhận được điện tín của Anna, nàng khẩn khoản nói “ Em đang hấp hối, mình về ngay, nếu mình tha thứ cho em, em sẽ dễ chết hơn”, Karenine  mới đầu nghĩ nàng bầy chuyện dối gạt mình nhưng cũng lên xe hoả về Petersburg. Tới nhà được biết Anna đã sinh đẻ đứa con gái hôm qua, con của Vronsky, nàng còn yếu lắm, nói mê sảng luôn luôn. Karenine nghĩ nàng sẽ chết, chính ông cũng mong cho nàng chết khuất đi.

Khi Karenine vào phòng , Anna đau yếu gần chết khóc xin tha thứ

“Xin mình tha thứ cho em”

Khi ấy bao nhiêu thù hận trong lòng người chồng tan biến đi như cơn gió thoảng.

“Karenine trước đây đã không nghĩ rằng Đạo lý Thiên chúa giáo  ông theo học cả đời có thể khiến mình tha thứ và yêu thương kẻ thù; nhưng  nay một niềm vui yêu thương và tha thứ cho những kẻ mình thù ghét tràn đầy trong lòng mình- Phần 4, chương 17.”

(He did not think that the Christian law that he had been all his life trying to follow, enjoined on him to forgive and love his enemies; but a glad feeling of love and forgiveness for his enemies filled his heart- Part four, chapter 17)

Người chồng khóc nức nở.

Anna nói em chỉ cần tha thứ. Karenine thú thực với Vronsky: Ta muốn nói cái cảm giác đã hướng dẫn ta… ta đã tiến hành li dị để trả thù anh và nàng. Khi nhận được điện tín ta tới đây cũng với niềm ác cảm ấy, ta mong nàng chết quách đi, nhưng khi thấy nàng ta tha thứ cho nàng .

“Và hạnh phúc tha thứ đã khiến ta trở về bổn phận.Ta tha thứ tất cả. Ta sẽ đưa má bên kia, kẻ nào lấy trộm áo ta, ta sẽ cho nó thêm  cái áo khác. Ta chỉ cầu xin Thượng Đế đừng lấy đi hạnh phúc tha thứ của ta”

(And the happiness of forgiveness has revealed to me my duty. I forgive completely. I would offer the other check, I would give my cloak if my coat be taken. I pray to God only not to take from me the bliss of forgiveness! – Part four, chapter 17)”

Niềm hạnh phúc mới theo Tolstoy là hạnh phúc của tha thứ theo ý nghĩa tình vị tha bác ái, kẻ nào tát má bên này ta sẽ đưa má bên kia. Trước đây Karenine, con người sùng đạo nhưng trong lòng đầy rẫy hận thù, trong lòng Karenine nay đầy tình thương và tha thứ cho kẻ thù đã làm ông  đau khổ nhục nhã bấy lâu nay.

Nhân vật Kitty, thất tình cay đắng phát bệnh khi Vronsky không màng đến cô để chạy theo Anna. Ba mẹ cô theo lời khuyên bác sĩ đưa cô ra ngoại quốc nghỉ mát để lấy lại bình tĩnh. Trong thời gian tại Đức, cô quen nhiều người tốt, bà Stahl, Varenka, là những người đã xoa dịu nỗi đau của Kitty và ảnh hưởng tới tinh thần cô. Chẳng bao lâu một thế giới mới cao sang mở ra cho Kitty, từ đó cô bình thản nhìn lại quá khứ, nó mở ra cho cô một thế giới tinh thần, một chân trời tín ngưỡng nhưng cái tôn giáo này không liên hệ gì với đạo mà nàng đã biết từ hồi còn nhỏ với những kinh cầu.

Bà Stahl nói tất cả những phiền muộn, đau khổ của con người chỉ có tình  thương và đức tin xoa dịu được, Kitty học được ở Veranka con người có mục đích tự quên mình và yêu thương người khác, nó sẽ khiến ta điềm đạm, hạnh phúc, cao thượng, Kitty bây giờ cho đó là điều quan trọng nhất. Từ Varenka, bà Stahl và những người cô đã học hỏi được cô phác hoạ một chương trình làm việc cho tương lai, cô tìm những người có nhiều trắc trở dù họ ở đâu. Cô sẽ giúp họ tất cả những gì mình có thể như  cho họ Kinh thánh, đọc kinh thánh cho người bệnh, tù nhân, những kẻ hấp hối.

NayKitty đã hoàn toàn thay đổi cuộc sống tinh thần một cách nghiêm chỉnh. Buổi chiều cô đọc Kinh thánh bằng tiếng Pháp của bà Stahl cho, cô tránh giao thiệp với những bạn bè quen biết trong xã hội và giúp đỡ những người bệnh hoạn. Người ta khen cô là một thiên thần xoa dịu những nỗi đau của người khác

Quan niệm tôn giáo của Tolstoi hoàn toàn khác với đạo của Giáo hội mà ông cho  chỉ là hình thức, ông chống lại Giáo hội vì những lời giảng bắt người ta phải tin tưởng

7-Hạnh Phúc. Trong Chiến Tranh Và Hoà Bình Tolstoi ca ngợi cuộc sống, người nghệ sĩ có mục đích làm cho con người yêu đời.  Mặc dù tác phẩm nhuốm màu bi kịch nhưng chính là để ca ngợi nhân sinh, hạnh phúc, chiến tranh và hoà bình chỉ là bối cảnh .

Nhân vật Pierre thể hiện một hành trình đi tìm hạnh phúc của đời người, chàng may mắn được thừa hưởng gia tài lớn, Pierre ăn chơi, cờ bạc phung phí tiền tài, chỉ thấy chán chường không tìm ra hạnh phúc. Pierre kết hôn với một giai nhân tuyệt sắc, nhiều người thèm muốn địa vị của chàng:  giầu sang, thế lực, lấy vợ đẹp… nhưng Pierre không tìm ra hạnh phúc, chàng cho đó là sự tù đầy, giam hãm. Nghi vợ ngoại tình với bạn, chàng ly thân bỏ vợ lên kinh đô Petersburg, sau gia nhập Hội Tam Điểm, một hội tôn giáo bí mật, chàng phải học bẩy đức tính.

Pierre vẫn sống cuộc đời cũ, tiệc tùng, khiêu vũ, hội đoàn…. Khi gặp Andrew, chàng cho bạn biết chương trình cải cách của mình tại các điền sản, Pierre đã sống ích kỷ đã làm hỏng đời mình bây giờ phải sống vị tha mới là hạnh phúc chân thật của cuộc đời. Chàng cũng nói nếu có Thượng Đế và cuộc đời sau thì sẽ có chân lý và điều thiện, hạnh phúc cao nhất của con người là đạt tới tiêu chuẩn ấy.

Andrew đến thăm người yêu Natasha về, chàng nhớ tới lời Pierre cho rằng bạn nói đúng, con người phải tin vào cái hạnh phúc để sống cho hạnh phúc, khi còn sống ta phải sống và hạnh phúc.

Công nương Mary, con người sùng đạo không nhìn hạnh phúc bằng con mắt trần thế, càng sống nàng càng có nhiều nhận định, từng trải về cuộc đời. Nàng nghĩ rằng  người trần đi tìm lạc thú hạnh phúc trên thế gian thật là thiển cận. Họ vật lộn, tranh giành nhau, hãm hại nhau…để có được cái hạnh phúc tội lỗi giả tạo này như  Andrew anh nàng rất yêu thương vợ, nàng đã chết, như thế chưa đủ, anh còn muốn tìm hạnh phúc ở người đàn bà khác Natasha. Người cha Bolkonski không chấp nhận cuộc hôn nhân này vì ông muốn một đám khác giầu và danh giá hơn cho Andrew. Họ chỉ làm khổ nhau để đạt được cái lợi phù du trong giây lát, không phải chỉ có chúng ta mới biết vậy nhưng Chúa, con của Thượng Đế đã xuống trần và bảo chúng ta rằng cuộc đời là phù du ngắn ngủi, thế mà người ta cứ bám chặt vào nó và tưởng rằng tìm thấy hạnh phúc ở trong đó.

Cha già khó tính, chửi mắng nhục mạ Andrew, chàng giận lắm nhưng Mary lại khuyên anh đừng để tâm vì đó là ý của Chúa.

“Anh đừng nghĩ rằng buồn phiền là do con người đem tới cho ta. Con người chỉ là đồ dùng của Người… Phiền muộn là do Người mang lại chứ không phải do con người, con người chỉ là dụng cụ của Người không có gì đáng trách. Nếu có ai làm anh đau khổ, ta hãy quên đi và tha thứ cho kẻ ấy. Ta không có quyền trừng phạt. Và rồi anh sẽ thấy có hạnh phúc trong sự tha thứ”

Andrew bị thương nặng nằm trong xe ngựa tại nhà Rostov ở Mytishchi.. chàng tỉnh  biết mình bị thương, chàng thấy một nguồn hạnh phúc và cần một cuốn kinh thánh. Khi ấy mọi người đã ngủ hết, tâm trí chàng bình thường trở lại, Pierre tìm ra hạnh phúc “ Hạnh phúc nằm bên kia sức mạnh vật chất, bên ngoài ảnh hưởng vật chất, hạnh phúc của tâm hồn mà thôi, hạnh phúc của tình yêu. Ai cũng hiểu được nó nhưng nhận định và điều khiển được nó chỉ có Thượng Đế”.

Trong khi thấy mình chết từ từ, Andrew thấy tình yêu, yêu cả kẻ thù, chàng thấy rằng cảm giác yêu là bản chất của tâm hồn không cần đối tượng, bây giờ chàng cảm thấy cái hạnh phúc ấy, yêu người hàng xóm, yêu kẻ thù của ta, yêu tất cả, yêu Thượng Đế trong mọi sự thể hiện của Người, ta có thể yêu người thân bằng tình thương con người, nhưng yêu kẻ thù bằng tình yêu cao siêu thần thánh.

Hạnh phúc dưới cái nhìn cao thượng của Mary vượt lên trên thế giời trần tục nhuốm mầu đạo đức, Andrew nhìn hạnh phúc qua lăng kính tình thương, Pierre sau những chặng đường đi tìm hạnh phúc chàng đã mãn nguyện ở chặng cuối cùng trong những ngày gian khổ bị quân Pháp bắt đem theo. Lúc này lần đầu tiên chàng thấy sung sướng lúc ăn khi đói, uống khi khát, ngủ khi buồn ngủ, sưởi ấm khi lạnh, nói khi muốn nói và nghe tiếng nói của con người. Sự thoả mãn những nhu cầu như miếng ăn ngon, cuộc sống tiện nghi, tự do.. những cái mà nay chàng không có nữa  đã khiến chàng hoàn toàn hạnh phúc. Chàng nhận ra rằng cuộc sống ăn uống thừa thãi trước đây khiến chàng không thấy ngon, thèm, sự thừa thãi cho con người không hưởng được cái thú thoả mãn nhu cầu ăn uống.

Giấc mơ của Pierre bây giờ là là mơ ước được tự do, chàng sẽ kể lại cho mọi người nghe về những ngày bị cầm tù giam giữ, về những cảm tưởng hạnh phúc nhất là sự bình thản của tâm hồn. Ngày đầu tiên thức dậy khi chàng nhìn thấy nhà thờ Moscow, khí trời trong lành .. chàng thấy một niềm hạnh phúc chưa bao giờ có, nó hiện diện trong khi chàng bị giam và tăng lên khi gặp gian khổ.

Trong thời gian bị tù đầy, giam cầm Pierre đã học hỏi được nhiều điều mới lạ bằng bản thân chàng rằng con người sinh ra để hưởng hạnh phúc, rằng hạnh phúc ở trong con người trong sự thoả mãn những nhu cầu đơn giản như ăn, ngủ… rằng sự thừa thãi không tạo lên hạnh phúc chứ không phải thiếu thốn. Nay bị bọn Pháp dẫn đi trong ba tuần cuối cùng trước khi được giải cứu, Pierre lại thấy rằng con người có thể hạnh phúc, tự do vô điều kiện và con người có thể thiếu tự do, thiếu hạnh phúc vô điều kiện. Đau khổ và hạnh phúc đều có giới hạn và những giới hạn này rất gần nhau ví như một người nằm trên giường đầy những hoa hồng, người ấy đau khổ vì một cánh hoa bị nhầu nát cũng y như chàng bây giờ nằm trên nền đất lạnh buốt. Xưa kia chàng khiêu vũ, đôi giầy chật làm đau chân cũng như bây giờ chàng bị nhức nhối vì đi chân đất. Pierre  cũng nhận ra sau khi lấy Hélène làm vợ chàng cũng chẳng thấy tự do gì hơn khi bị quân Pháp giam trong chuồng ngựa  ban đêm.

Trong khi đoàn tù ngủ đêm tại một làng Mozhaysk, Pierre nghĩ mung lung và tìm ra lẽ sống. Cuộc đời là tất cả, cuộc đời là Thượng Đế, tất cả chuyển động và đó là do Thượng Đế, và khi có cuộc đời ta sẽ  có hạnh phúc trong nhận thức được những ý nghĩa mầu nhiệm. Yêu cuộc sống là yêu Thượng Đế, cái khó hơn cả và phúc đức  hơn cả là yêu cuộc đời đau khổ trong sự đau khổ oan ức.

Khi quân Nga tấn công giải thoát tù binh, Pierre hoàn toàn tự do, Hélène vợ chàng đã chết, quân Pháp không còn, chàng bảo thần diệu thay, cô công nương cùng cha khác mẹ và hai người gia nhân đến săn sóc chàng. Pierre mãn nguyện vì vợ chết, không còn bận tâm về nàng, chàng được nằm trên giường sạch sẽ, được uống trà nóng, ăn ngon… Trước đây chàng thường tự hỏi : Rồi ta sẽ ra sao? ta sẽ làm gì? nay chàng trả lời ngay: À, ta sẽ sống, cuộc đời thần tiên rực rỡ thay vì nay chàng đã  tìm ra lẽ sống. Câu hỏi đã làm chàng khổ tâm bấy lâu nay “mục đích cuộc đời” nay không còn ám ảnh chàng nữa, chàng  đã được ý nghĩa tuyệt vời của tự do, nó kiến tạo lên hạnh phúc cho chàng lúc này.

Pierre thay đổi nhiều, không còn nghĩ tới tiền bạc. Người quản gia tới cho biết gia tài đã bị thiệt hại vì chiến tranh, hoả hoạn, Mạc Tư Khoa cháy chàng mất hai triệu đồng, Pierre nói: ta không cần nhưng cái đó, mất tiền bạc, của cải nhưng ta còn giầu gấp mấy lần như thế, ta được tự do, tìm ra lẽ sống, tìm ra hạnh phúc.

Hoà bình trở lại, Pierre gặp lại Mary, Natasha chàng nói với hai nàng:  ở đâu có cuộc sống là có hạnh phúc, khi ta bị quăng ra khỏi cuộc sống bình thường, sẽ có những cái hay cái mới bắt đầu chư ùkhông phải là tận số.

Pierre kết hôn với Natasha năm 1813 cuộc hôn nhân mà chàng hằng mơ ước nay đã thành sự thật, mùa đông năm ấy Nicholas Rostov (anh Natasha) lấy Mary (em Andrew), bẩy năm sau 1820, hai cặp vợ chồng đã có  ba, con họ xum họp với nhau tại Bald Hills thật êm đềm hạnh phúc. Khu trang trại được xây cất lại to rộng hơn, cuộc sống đông vui hơn trước. Tolstoi mô tả chi tiết sinh hoạt gia đình mà ông cho đó là nền tảng của hạnh phúc.

“Mục đích của hôn nhân là gia đình, người muốn có nhiều vợ hay nhiều chồng có thể có nhiều lạc thú nhưng trong trường hợp này người ấy sẽ không có một gia đình.

Nếu thực phẩm có mục đích nuôi dưỡng thì mục đích của hôn nhân là gia đình, vấn đề là ta không ăn nhiều hơn sự tiêu hóa và không có nhiều vợ chồng nhiều hơn ta cần có cho gia đình nghĩa là một vợ, một chồng. Natasha cần một người chồng nàng có một người chồng và hắn cho nàng một gia đình”

Sau bao nhiêu năm hưởng thụ, phiêu bạt gian truân Pierre tìm thấy hạnh phúc bên nàng Natasha. Hạnh phúc theo Tolstoi luôn ở tầm tay, trong mái gia đình ấm cúng.

Quan niệm hạnh phúc gia đình đã được Tolstoi diễn tả trong phần kết luận, ông  cho ta thấy Pierre sau nhiều chặng đường đi tìm lẽ sống, hạnh phúc, chàng thường tự hỏi mục đích cuộc đời là gì? Ta sống để làm gì và cuối cùng chàng đã tìm thấy  hạnh phúc bên nàng Natasha trong một mái ấm gia đình. Sống với Natasha Pierre cho là cho hạnh phúc mà mình đã tìm ra bởi vì chàng yêu thương Natasha từ hồi nàng còn bé, chàng đã mơ ước được kết hôn với nàng và đã được tọai nguyện, nay chàng đã có một mái gia đình hạnh phúc một vợ ba con vì tình yêu với Natasha.

Trong cuốn tiểu thuyết lớn thứ hai Anna Karenina Tolstoy cũng  thể hiện quan niệm riêng về hạnh phúc gia đình, ngay như câu đầu tiên của cuốn sách

“Những gia đình hạnh phúc thường giống nhau, mỗi gia đình bất hạnh lại có bộ mặt đau khổ riêng”

Ta đã thấy ông nhấn mạnh về điểm này.

Thời kỳ cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy đã đi vào quá khứ, Kitty đã tự lựa chọn người bạn đời của nàng, họ tìm được hạnh phúc gia đình trong một cuộc hôn nhân có tình yêu. Anna sai lầm đã kết hôn với một người hơn nàng hai mươi tuổi vì địa vị danh vọng, cuộc hôn nhân không tình yêu đưa tới đổ vỡ.

Vronsky và Anna đi tìm hạnh phúc trong tình yêu, họ hy sinh tất cả cho tình yêu  trong khi Anna từ bỏ đứa con trai yêu quí, mất hết danh dự  để hy sinh cho tình yêu, Vronsky bỏ cả sự nghiệp, công danh trái lời mẹ vì tiếng gọi của con tim để rồi chuốc lấy cay đắng chán chường thất vọng, chỉ thấy ảo ảnh cuộc đời, ảo tưởng hạnh phúc.

Anna đã từ bỏ cuộc hôn nhân không tình yêu để tìm đến một tình yêu không hôn nhân nhưng nàng chỉ đi tìm ảo ảnh của hạnh phúc, cuối cùng không phải là hình bóng hạnh phúc mà nàng đã tìm kiếm một cách sai lầm. Cũng như trong Chiến Tranh Và Hoà Bình Tolstoy cho thấy gia đình là một nguồn hạnh phúc cao quí dưới mái nhà ấm cúng. Anna phá hoại gia đình và rồi chết thảm trên đường rầy xe lửa, Levin tạo dựng một mái gia đình hạnh phúc và chàng đã đạt tới mục đích cuối cùng của cuộc  đời. Tolstoy kết luận, đức tin, hạnh phúc, đời sống gia đình kết hợp với nhau thành lý tưởng và mục đích cuối cùng.

Tác giả diễn  tả hai cuộc tình xen kẽ nhau cho ta thấy hai bộ mặt của hạnh phúc: ảo tưởng và chân thực. Anna – Vronsky đi tìm hạnh phúc trong cơn sóng gió, tưởng như lạc vào cõi thiên đường mơ mộng nhưng cạm bẫy đã giăng ra phía trước, hố sâu tội lỗi và trừng phạt đang chờ đón họ, mở  đầu bằng tình yêu  và kết thúc trong hận thù.  Họ tìm hạnh phúc trong tội lỗi, đó chỉ là ảo tưởng và kết thúc bằng hậu quả thảm khốc: Anna mất hết gia đình, danh dự, cuộc đời, Vronsky tiêu tan sự nghiệp, lương tâm bị dầy vò đau khổ.

Trong khi ấy cặp Levin – Kitty êm đềm hạnh phúc dưới mái gia đình ấm cúng, hạnh phúc ở trong tầm tay của họ.

Theo Tolstoi, tha thứ cho kẻ khác cũng là một niềm hạnh phúc.

“Và hạnh phúc tha thứ đã khiến ta trở về bổn phận.Ta tha thứ tất cả. Ta sẽ đưa má bên kia, kẻ nào lấy trộm áo ta, ta sẽ cho nó thêm cái áo khác. Ta chỉ cầu xin Thượng Đế đừng lấy đi hạnh phúc tha thứ của ta”

Phần bốn, chương 17.

Theo Tolstoy niềm hạnh phúc của tha thứ chính là ý nghĩa tình vị tha bác ái, kẻ nào tát má bên này ta sẽ đưa má bên kia. Trước đây Karenine con người sùng đạo nhưng trong lòng đầy rẫy hận thù, cái biên giới giữa tình yêu và hận thù cũng rất mong manh, chỉ trong khoảnh khắc hận thù tan biến, trong lòng Karenine nay đầy tình thương và tha thứ cho bọn kẻ thù đã làm ông đau khổ nhục nhã bấy lâu nay.

8-Ý Nghĩa Của Cái Chết. Tolstoi bị ám ảnh rất nhiều về cái chết, trong các trường thiên cũng như  đoản thiên của ông nhiều đoạn đề cập tới ý nghĩa của cái chết.

Trong Chiến Tranh Và Hoà Bình  đoạn nói về cái chết của ông hoàng Andrew thể hiện quan điểm của tác giả về ý nghĩa của đề tài. Em gái Mary vào phòng của anh Andrew, nàng biết có dấu hiện chàng sắp đi, Andrew nằm trên phản, người gầy xanh, chàng hỏi thăm Mary mấy câu. Mary thôi khóc, nàng cầu nguyện hướng tâm hồn về Đấng Bất Diệt đang hiện diện  trước người hấp hối .

Andrew biết mình sắp chết, chàng cũng biết mình đang chết, chết một nửa rồi… chàng ý thức được sự cao cả vượt lên trên trần thế, xưa kia chàng sợ cái chết nhưng nay không còn hiểu cái sợ ấy nữa, chàng không sợ chết và không còn nghĩ tới nó nữa.

Andrew mơ thấy mình ngủ trong một phòng, chàng khỏe mạnh , nhiều người hiện ra, chàng đóng cửa rồi tự nhiên sợ chết. Thần chết phá cửa vào, chàng cố sức cản lại nhưng nó mở toang, Thần chết tiến vào, chàng chết thật, Andrew cố gắng thức dậy: “Phải ! ta chết và tỉnh dậy! Những giờ phút cuối cùng của chàng trôi qua một cách đơn giản. Mary và Natasha không rời chàng. Họ thấy chàng chìm xuống từ từ yên lặng, mỗi lúc một chìm sâu hơn.

Andrew xưng tội và được ban lễ, mọi người tới từ giã chàng, Mary và Natasha có mặt khi chàng cựa mình lần chót, lúc ấy hồn lìa khỏi xác. Mary nói “nguội rồi” khi người chàng vừa nằm yên bất động, lạnh ngắt. Natasha vuốt mắt cho chàng. Chàng ở đâu? đi đâu?  Người ta lau xác Andrew, mặc quần áo, nhập quan… mọi người tới vĩnh biệt và khóc, công nương Mary, Natasha khóc vì nhận thức được sự đơn giản và huyền bí của cái chết diễn ra trước mắt hai nàng.

Cái chết của đại tá Andrew gợi lại Cái Chết Của Ivan Ilyich, một truyện ngắn nổi tiếng của Tolstoi, giây phút lâm chung của người thương bệnh  binh đã được diễn tả bi thảm và sống động, Andrew khi tới gần cái chết đã nghĩ tới bông hoa của tình yêu bất diệt đang nở ra trong tâm hồn như  giải thoát mình khỏi nô lệ của cuộc đời trần thế. Chàng không còn sợ chết nhưng trước mắt những người ở lại đứng vây quanh thì đó là một bi kịch não nùng.

Ivan Ilyich trong truyện Cái Chết Của Ivan Ilyich cũng  như Andrew trong Chiến Tranh Và Hòa Bình, khi thấy cái chết đã hiện ra thì không còn sợ hãi vì  nó là sự giải  thoát ta khỏi sự nô lệ của cuộc đời trần thế.  Cái Chêùt Ivan Ilyich đã diễn tả môt cách toàn diện tâm lý con người trước cái biên giới sinh tử . Từ lo âu khi bệnh mới phát sinh cho tới khi hấp hối, Ivan chán chường bực bội, khắc khoải khi cơn đau kéo dài rồi tới giai đọan sợ chết. Cơn đau dai dẳng, khiến chàng chán nản, bệnh tình ngày càng xấu bây giờ là vấn đề sinh tử, chàng thấy đời mình đang tàn dần, đang chết dần, không còn hy vọng gì. Ivan ghen ghét với người đời. Cơn đau tinh thần còn nặng nề hơn thể xác , chàng nhớ quá khứ, tiếc tuổi trẻ.

Khi cái chết từ từ xuất hiện thì tâm lý con người biến dạng hoàn toàn từ sợ hãi tới thư thái, chấp nhận kết thúc như một sự giải thoát khỏi cuộc đời trần thế. Nay Ivan thấy rõ cơn đau đã dầy vò chàng dai dẳng biến đi đâu mất. Chàng tự hỏi đau đớn đi đâu rồi, mày ở đâu? Còn cái chết, mày ở đâu? chàng tìm lại cái tâm trạng sợ chết của mình trước đây nay không thấy nó đâu cả, sự sợ hãi, mày ở đâu? không còn sợ hãi vì cái chết cũng không còn hiện hữu.

Chàng lại thấy ánh sáng và la lên.

“Nó đây rồi, sung sướng thay!”

Chàng thấy tất cả trôi qua trong một khoảnh khắc. Có người nói “nguội rồi”, chàng  tự nhủ.

“Cái chết đã qua, không còn chết nữa”

Cái Chết Của Ivan Ilyich, một bi kịch, ta thấy nghệ thuật của Tolstoy ở đây gần với tinh thần yếm thế của Đức Thích Ca Mâu Ni.

“Cuộc đời là một chuỗi dài những khổ đau … những sự khổ đau ghê gớm nhất       Life, a series of increasing sufferings….the most fearful sufferings -  page 126”

Tolstoy đã dành nửa tác phẩm ngắn này để mô tả tỉ mỉ cơn đau cũng như tâm tư dằn vặt của một bệnh nhân trong những ngày cuối cùng của cuộc đời.

Tác giả đã diễn tả trung thực  tâm lý tham sinh uý tử của con người, họ  đã bám víu vào những hy vọng mong manh như Ivan Ilyich.

Tolstoy cho thấy Ivan chết vì sống không mục đích, một cuộc sống không ý nghĩa, một cuộc đời trống rỗng.

Nhân vật chính trong cuốn tiểu thuyết lớn thứ hai Anna Karenina cũng đã thể hiện nỗi ám ảnh của Tolstoi về cái chết. Anna đến Mạc Tư Khoa để giảng hòa vợ chồng người anh Stepan khi ấy sẩy ra tai nạn chết người của một nhân viên hỏa xa say rượu bị xe lửa cán chết trên đường rầy khiến  nàng cho  là điềm gở để rồi sau này cuối truyện nàng đã đi tìm cái chết thê thảm tại nhà ga để trừng phạt Vronsky. Anna gặp Vronsky lần đầu tại nhà ga khi tai nạn tại đây của đã gợi cho nàng một điềm gở. Khi khiêu vũ với Vronsky nàng mặc áo mầu đen, nàng nói nếu sinh đẻ sẽ chết.. những điềm xấu đã ám ảnh Anna đưa tới cái chết thảm khốc kết thúc cuộc đời người đàn bà bất hạnh .

Trong mấy chục trang đoạn chót tác giả mô tả tâm lý người đàn bà khủng hoảng tinh thần, ruột gan rối bời đưa tới cái chết, từ những nghi ngờ người yêu Vronsky phản bội, ghen tuông bóng gió, ngọn nến tắt khiến nàng sợ hãi, tâm trạng rối bời, Anna lên  xe đi thăm chị dâu Dolly trong lòng nghĩ tới cái chết , cơn ghen nổi lên dữ  dội,  Anna từ khi ghen bóng gió nghi ngờ đến hận thù, trả thù tình yêu phai nhạt của chàng. Nàng nghĩ đến cách trả thù bằng cái chết của mình, đoạn tả cảnh tự vẫn của Anna hãi hùng ghê rợn như một âm thanh lạnh lùng cao vút trong một bản nhạc êm dịu.

Trong Ba Cái Chết, Three Deaths viết 1859, Tolstoi mô tả ba cái chết : một thiếu phụ quí tộc giầu có, một anh xà ích nghèo khổ, một cái cây trong rừng. Hai chiếc xe ngựa chở một bà quí phái mắc bệnh lao thời kỳ cuối cùng và đoàn tùy tùng, bà ta  người xanh xao gầy gò đi Âu châu dưỡng bệnh, trên hai xe có các gia nhân, bác sĩ, người chồng. Bác sĩ bàn với người chồng nên để nàng ở nhà vì thời tiết xấu, nàng không thể đi xa được, chẳng thà chết ở nhà. Chồng nghe theo bác sĩ bàn với vợ nên hoãn lại chuyến đi. Người thiếu phụ tin tưởng đi nghỉ mát ở ngọai quốc sẽ khỏi bệnh, nàng sợ chết quá và cáu kỉnh với chồng, nàng chỉ muốn tiếp tục hành trình. Cuối cùng phải ở lại, bệnh nhân hấp hối trước sự thương xót của gia đình, nàng vẫn hy vọng và thúc dục chồng đi tìm thầy lang, thầy thuốc khác sẽ chữa khỏi bệnh. Hy vọng tiêu tan, nàng chỉ còn là cái xác không hồn. Một tháng sau người ta xây một nhà nguyện bằng đá trên nấm mộ người đàn bà, đây là cái chết của một người quí tộc, được chồng,  mẹ, chị chăm sóc an ủi lúc lâm chung , có bác sĩ săn sóc, có linh mục làm lễ.

Cái chết thứ của Feodor rất thảm thiết, một người xá ích nghèo khổ bị bệnh lao, tứ cô vô thân, ông ta ở xứ khác tới, sống lây lất những ngày tàn tại trạm xe ngựa, cơn bệnh hành hạ ngày đêm chẳng có ai săn sóc. Một hôm anh xà ích trẻ Seryoha biết Feodor sắp chết bèn lại xin ông đôi giầy bốt còn mới, người bệnh nhân đồng ý bảo “anh cứ lấy đi, khi nào ta chết nhớ mua cho ta cái mộ chí bằng đá”. Hôm sau Feodor chết cô đơn, nghèo nàn khốn khổ. Một tháng sau, trên nấm mồ của Feodor chưa có mộ chí, chỉ một đám cỏ xanh nhạt là dấu tích của nơi an nghỉ cuối cùng.

Cái chết của cái cây. Chị đầu bếp ở trạm xe sau này gặp Seryoha bèn bảo anh đi mua mộ chí để giữ lời hứa với người quá cố hoặc vào rừng chặt cây về làm thánh giá cắm trước mộ Feodor. Seryoha nghe lời, hôm sau vác búa vào rừng chặt một cây cao cho ngả xuống, thân cây rung động, kêu răng rắc, đổ xuống đất, đè bẹp những cây con, chim chóc bay lên kêu ríu rít, cái chết của  vật vô tri vô giác.

Cái chết của một người giầu có và một kẻ khốn cùng cho thấy sự cách biệt quá xa, người đàn bà quí tộc được gia đình, người chồng, người mẹ, chị an ủi chăm lo, có bác sĩ chữa bệnh, săn sóc, có gia nhân đầy tớ hầu hạ, có linh mục làm phép khi nhắm mắt lìa trần, trên mộ có xây nhà nguyện .. trong khi anh nhà nghèo tứ cô vô thân Feodor chết cô đơn khốn khổ, không một ai an ủi chăm sóc , trên mộ chẳng có một dấu tích gì ngoài đám cỏ xanh nhạt mới mọc. Trong khi người thiếu phụ qúi tộc tham sinh úy tử, vẫn hy vọng, bám víu vào cuộc sống cho tới giây phút cuối cùng người xà ích nghèo mạt chỉ mong chết quách cho xong cuộc đời khốn khổ.

Ba Cái Chết là một đoản thiên buồn mênh mang thấm thía về thân phận con người, ai trong chúng ta cũng đều phải đối diện vơi cái chết. Tolstoi đã manh nha nhận định về  bất công xã hội tại Nga mà ông khai triển rộng rãi sau này trong cuốn tiểu thuyết thứ ba Resurection viết xong 1899, tác giả đã phủ nhận giai cấp quí tộc ăn trên ngồi chốc của mình.

Truyện Chủ Và Tớ là một kết hợp hài hòa, giữa văn chương và đạo đức, nội dung sẩy ra chỉ trong một ngày và một đêm. Người chủ Vasilii cùng anh làm công Nikita lên xe ngựa băng qua một cánh đồng ngập tuyết lạnh buốt sang làng bên để mua một mảnh rừng cây, Vasilli hy vọng mua được bất động sản này với giá hời. Họ lạc đường hôm trời nổi cơn bão tuyết mù mịt, lạnh thấu xương phải tạt vào một làng, ghé nhà người quen để nghỉ ngơi, uống ly trà nóng rồi lại lên đường. Cả hai lại lạc giữa cánh đồng tuyết mênh mông , trời nổi cơn bão tuyết, Vasilli ham tiền, ham lời vội vã ra đi trong đêm tối khiến cả hai thầy trò cùng ngộ nạn, lần này họ không tìm ra lối đi phải ngủ ngoài trời.

Trời về khuya, Vasilli đang đêm nghe vẳng như có tiếng chó sói hú xa xăm rồi  hoảng sợ lên ngựa chạy bỏ anh người làm trung thành ở lại. Vasilli lạc đường, càng đi càng lạc, cuối cùng lại quay trở về chiếc xe ngựa. Thấy Nikita lạnh cóng sắp chết, Vasilli hối hận cởi áo ấm đắp cho hắn rồi lấy thân của mình nằm trên người hắn để sưởi ấm và cứu sống người đầy tớ trung thành để rồi chính Vasilli chết vì lạnh cóng .

Vasilli lo âu sợ hãi trong đêm trăng sáng trên cánh đồng tuyết mênh mông giá buốt, anh  sợ chết nhưng cuối cùng đã chết để hy sinh cứu sống người khác, anh đã chọn cái chết có ý nghĩa. Vasilli được diễn tả lúc đầu như một người tham lam, làm giầu bằng mồ hôi nước mắt kẻ khác nhưng cuối cùng, lương tâm anh đã sống lại, chấp nhận cái chế để cứu mạng người đầy tớ trung thành, một kết thúc buồn với cái chết của Vasilli và con ngựa thân yêu trong đống băng tuyết lạnh thấu xương.

Cái chết trong các trường thiên tiểu thuyết cũng như các đoản thiên của Tolstoi đều đượm vẻ buồn mênh mang, mặc dù tác giả thể hiện nó như sự giải thoát sau cùng nhưng ta thấy trong hầu hết các tác phẩm cái chết đã được diễn tả bằng một hành văn bi thiết chứng tỏ chính tác giả cũng đã đề cao sự sống và sợ sệt cái chết.

© Trọng Đạt

© Đàn Chim Việt

————————————————-

Tham khảo.

Leo Tostoy: War And Peace, The Maude translation, W.W Norton & Company, New York-London, 1966.

Anna Karenina: Translated by Constance Garnett, SpellBinders 2004.

Anna Karenina: Translated by Joel Carmichael, introduction by Malcolm Cowley, Bantam Books 1981

L.Tolstoy: Resurection, translated from the Russian by Louise Maude. Edited by L.Kolesnikov, Raduga Publishers, Moscow.

The Death of Ivan Ilyich, Wordsworth Editions, 2004.

The Kreutzer Sonata, Wordsworth Editions, 2004

Master And Man, translated and with an introduction by Paul Foote, Penguin books 1977.

Three Deaths, E.R DuMont, Publisher, 1899

Edward Crankshaw: Tolstoy, The Making of a Novelist, The Viking Press -New York, 1974

Dmitry Svyatopolk Mirsky: A history Of Russian Litterature, New York, Alfred A.Knoff, 1969.

Ernest J.Simmons: Introduction To Tolstoy’s Writings, The University of Chicago Press, Chicago & London 1968.

Morris Philipson: The Count who Wished He Were A Peasant-A Life Of Leo. Tolstoy, Panthe on Books 1967.

William W.Rose: Leo. Tolstoy, T Wayne Publishers, Boston, 1986.

Tolstoy: A Collection Of Critical Essays, Prentice-Hall, inc, Englewood Cliff, N.J 1967.

William L.Shirer: Love And Hatred, The Stormy Marriage Of Leo And Sonya Tolstoy, Simmon & Schuster 1994

Ernest J.Simmons: Introduction to Russian Realisme, Indiana university press 1965.

Henry Gifford: The Novel In Russia, Hutchinson & Co. (Publishers) LTD – 1964.

A.B. Goldenweir ( Alek sandr-Borisovich) Talk With Tolstoy- Horizon press 1969.

(Translated by SS. Koteliansky and Virginia Woolf)

Wikipedia: Anna Karenina.

Gary Adelman: Anna Karenina- The bitterness Of Ecstasy, Twayne Publishers – Boston 1990.

Léon Tolstoi: La Guerre et la Paix, Traduction nouvelle par Elisabeth Guertik, Préface de Brice Parain, Livre de poche, Paris 1963.

Léon Tolstoi: Résurection, premìere edition intégrale, traduit par Édouard Beaux, Gallimard 1946.

Léon Tolstoi, Écrivain et penseur Russe (littérature classic) Google France.

Léon Tolstoi, par Semione Filippovitch Egorov, docteur en sciences de l’éducation, le texte est tiré de Perspectives, Revue trimestrielle d’éducation comparée.

Google France.

Phản hồi