WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

CIA và các ông Tướng [4]

Chương 5: Sự bối rối và làm nản lòng
Chương 6: Mỹ áp lực tổng thống Nguyễn Văn Thiệu

Sự bối rối và làm nản lòng:

Vụ quân nhân Mỹ bắn chết thường dân ở Mỹ Lai vừa bị phanh phui thì giữa năm 1969 CIA dính líu vào một vụ tai tiếng vì bị nghi ngờ có nhúng tay vào vụ thủ tiêu một điệp viên cộng sản tại Nha Trang. Một đơn vị Lực Lượng Đặc Biệt Hoa Kỳ nghi một thanh niên Việt Nam làm việc cho Lực Lượng là tay trong của cộng sản, nhưng không muốn giao cho cơ quan an ninh Việt Nam xử lý vì sợ lộ bí mật tình báo nên ngỏ ý nhờ CIA xử lý giúp. CIA không nhận nhưng không trả lời rõ ràng nên Lực lượng Đặc biệt tự xử lý bằng cách đem đương sự bắn bỏ rồi thả trôi ngoài biển Nha Trang.

Shackley báo cáo nội vụ lên đại sứ Bunker và tướng Abrahams, và vụ giết người trái phép bị báo chí phanh phui làm cho phong trào chống chiến tranh tại Hoa Kỳ thêm lửa.

Hai sự việc khác là vụ dân biểu Trần Ngọc Châu và Huỳnh Văn Trọng cũng làm cho quan hệ giữa tổng thống Thiệu với toà đại sứ Hoa Kỳ tại Sài Gòn giữa năm 1969 trở nên căng thẳng lúc chương trình bình định và phát triển nông thôn đang tiến hành khả quan.

Trần Ngọc Châu là một nhân vật từng làm việc với CIA. Châu là người vạch ra chương trình bình định nông thôn sau khi ông Diệm bị lật đổ rất thành công tại tỉnh Kiến Hoà nơi ông làm tỉnh trưởng. Ông Châu lập chương trình cho phép dân khiếu kiện sự sai trái của chính quyền để qua đó tiếp cận lấy tin tức tình báo về nhân sự và cơ sở của Việt Cộng. Châu còn giúp CIA thí nghiệm một chương trình săn lùng các đảng viên lãnh đạo của cộng sản trong tỉnh Kiến Hoà. Cuối năm 1965 CIA xin Châu về chỉ huy một Trung tâm huấn luyện tại Vũng Tàu. Nhưng “cái tôi” của Châu quá lớn làm mất lòng các giới chức cao cấp Việt Nam khác, nên vào năm 1967 Châu bỏ công tác bình định, ra ứng cử dân biểu Hạ nghị viện. Châu đắc cử và giải ngũ.

Tại quốc hội Châu chủ trương tiếp xúc với các thành phần không cộng sản trong Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam (MTGP), và đầu năm 1969 Châu yêu cầu CIA giúp tạo thanh thế để Châu có thể thực hiện kế hoạch của mình. CIA không nhiệt tình đáp ứng yêu cầu của Châu.

Tại quốc hội Châu chứng tỏ với mọi người Châu được Hoa Kỳ ủng hộ. Đến giữa năm 1969 ông Thiệu chịu hết nổi cuộc vận động chính trị của Châu và quyết định truy tố Châu về tội tiếp xúc với cộng sản không có phép. Trước khi ra tay Thiệu kiểm chứng với CIA và Shackley nói CIA thấy không trở ngại gì nếu mọi sự tiến hành trong luật pháp. Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ chỉ hơi ngại vụ truy tố một dân biểu có thể tạo dư luận bất lợi tại Hoa Kỳ nên yêu cầu Bunker khuyên Thiệu thận trọng.

Thiệu vận dụng Hạ Nghị viện áp dụng nội quy bỏ phiếu tước quyền bất khả xâm phạm của Châu và đưa Châu ra toà án quân sự xử 20 năm tù vào đầu năm 1970.

Tội của Châu là tiếp xúc với người anh ruột là Trần Ngọc Hiền, một nhân viên tình báo cao cấp của cộng sản vào cuối năm 1964. Châu thông báo việc tiếp xúc cho CIA nhưng không tiết lộ tung tích của người Châu tiếp xúc và yêu cầu gặp đại sứ Bunker để trình bày chi tiết và cũng không thông báo cho chính phủ Việt Nam biết. Bunker không tiếp Châu. Một năm sau Châu lại úp mở với CIA về vụ tiếp xúc nhưng vẫn không cho CIA biết giá trị của đường giây. Đến đây Jorgensen nghĩ rằng Châu khó chơi và muốn Châu xếp vụ này đừng bao giờ nhắc đến nữa.

Năm 1967, do một nguồn tin khác CIA biết đường giây của Châu và sau khi được chất vấn Châu tiết lộ tin tức về Trần Ngọc Hiền. CIA yêu cầu gặp Hiền nhưng Châu không đồng ý.

Dù Shackley xác nhận Châu không liên hệ gì với CIA nhưng Thiệu vẫn nghi Châu là người của CIA vì sau khi Châu bị truy tố John Paul Vann, một cố vấn cao cấp Hoa Kỳ và chính phủ Hoa Kỳ đã mạnh mẽ can thiệp cho Châu.

Vụ thứ hai là điệp viên cộng sản Huỳnh Văn Trọng được gài vào dinh Độc lập làm việc cạnh Thiệu. Đầu năm 1969 CIA phát giác nội vụ sau khi bắt được một đảng viên cộng sản chỉ đạo Huỳnh Văn Trọng. Tháng 7/1969 CIA yêu cầu tướng Đặng Văn Quang nói với Thiệu ra lệnh bắt Trọng và Thiệu tỏ ý muốn giải quyết nội vụ một cách kín đáo để khỏi gây tai tiếng trong dư luận. Nhưng tổng thống Nixon sắp viếng Sài Gòn và CIA cho biết họ không thể không thông báo vụ Trọng cho Mật Vụ bảo vệ tổng thống Nixon, và Mật Vụ sẽ không thể để Nixon vào dinh Đốc Lập nếu Trọng chưa bị bắt. Thiệu buộc lòng bắt Trọng ngày 24/7/69.

Báo chí làm rùm beng và chỉ trích Thiệu dùng người không thận trọng. Thiệu quay lại phiền trách CIA đã thúc bách Thiệu bắt Trọng.

Qua điều tra người chỉ huy của Trọng CIA biết công tác của Trọng là thuyết phục Thiệu nên mở đường giây nói chuyện với MTGP.

Trước khi trở về Hoa Kỳ Ralph Kastrosh đã làm cho quan hệ giữa Hoa Kỳ và tổng thống Thiệu trở nên bình thường. Katrosh để lại lời khen tướng Nguyễn Khắc Bình vừa được bổ nhiệm làm giám đốc Đặc uỷ Trung ương Tình báo và yêu cầu Thiệu cho biệt phái nhân viên xuất sắc giúp Bình. Thiệu không tha thiết với lời yêu cầu này vì Thiệu cho Đặc uỷ Trung ương Tình báo làm việc gần Mỹ hơn gần chính phủ Việt Nam. Cơ sở này do Hoa Kỳ đề nghị thành lập từ năm 1960 và do Hoa Kỳ cung cấp ngân khoản điều hành. Katrosh được tổng thống Thiệu tặng thưởng Đệ ngũ đẳng Bảo quốc Huân chương. Sau này khi nhớ lại Katrosh nói có lẽ ông được tổng thống Thiệu có cảm tình vì cách tiếp cận thẳng thắn của ông. Katrosh thường bắt đầu câu chuyện với Thiệu rằng: “Đây là những gì ông đại sứ (hay chính phủ Hoa Kỳ) muốn” mà không quanh co. Quanh co với Thiệu chỉ tạo thêm căng thẳng và thường không đạt được kết quả như ý.

Ngày 3/11/69 qua một diễn văn Nixon xác định chính sách Hoa Kỳ cam kết bảo vệ miền Nam Việt Nam. Ba tuần sau George Carver đến Sài Gòn và ghi nhận Thiệu lên tinh thần. Tâm lý này tạo ra một kết quả không nằm trong đường lối của Hoa Kỳ là cần vận động thu phục lòng dân qua tổ chức chính trị. Tổng thống Thiệu nghĩ sự yểm trợ của Hoa Kỳ cần hơn là Liên Minh này, Lực Lượng nọ. Vận động quần chúng là ưu tiên thứ tư của Thiệu, sau các ưu tiên quân sự, bình định và kinh tế. Thiệu thường nói: “Người dân Nam Việt Nam không thích nhồi sọ chính trị. Họ thích người lãnh đạo tốt, cơm no áo ấm và sống không nơm nớp lo sợ”.

Ngày 4/12/69 toà đại sứ và CIA đi đến nhận định đã đến lúc bỏ rơi các Lực Lượng và Liên Minh và ủng hộ một khối có người là Liên Đoàn Công Nông của ông Trần Quốc Bửu và khối quần chúng theo Phật giáo Ấn Quang. Vào tháng 3/1970 Washington chi 225.000 mỹ kim giúp Thiệu vận động các đối tượng trên.

Shackley sang thay Katrosh và dùng phương pháp gián tiếp để tiếp cận với Thiệu qua trung gian các nhân vật quanh Thiệu thân thiện với CIA. Áp lực của CIA qua khối nhân sự này (trong đó có Khiêm) đến độ làm Khiêm nghi ngờ thiện chí của Hoa Kỳ. Khiêm nghi có bàn tay của CIA trong các cuộc biểu tình của thương binh và sinh viên chống Thiệu để thành lập một chính phủ liên hiệp tại Sài Gòn giúp Hoa Kỳ có điều kiện kết thúc chiến tranh.

Để mua thời gian cho Hoa Kỳ rút quân, cuối tháng 4/70 Nixon ra lệnh quân đội Hoa Kỳ đánh qua Cam bốt để phá huỷ hậu cần của cộng sản và đuổi bắt các cấp lãnh đạo của Cục R (Trung ương Cục cộng sản miền Nam) và tháng 5/70 tái oanh tạc Bắc Việt. Cuộc tấn công vào Cam Bốt sinh ra nhiều cuộc biểu tình tại Hoa Kỳ và trong một cuộc chạm trán, lực lượng an ninh bang Kansas đã bắn chết 6 sinh viên thuộc đại học Kent State University và Jackson State College làm cho không khí chính trị tại Hoa Kỳ vô cùng căng thẳng. Tháng 6/70 Hoa Kỳ rút quân ra khỏi Cam Bốt và Nixon ra lệnh rút thêm quân tại Nam Việt Nam.

Cuộc tấn công của Hoa Kỳ vào Cam Bốt làm cho tinh thần quân đội VNCH lên cao, và Nixon muốn nhân cơ hội dùng Khiêm thúc bách Thiệu thi hành chương trình chống tham nhũng, giảm bớt sự lạm dụng quyền hành của các giới chức chính quyền và tôn trọng Tối cao pháp viện.

Tình hình biểu tình trên đường phố Sài Gòn trong giai đoạn này trông giống như những cuộc biểu tình trước khi ông Diệm bị lật đổ, và CIA muốn dùng cuộc bầu cử bán phần Thượng nghị viện (năm 1970) để đưa các đảng phái chính trị, Công giáo, Phật giáo vào sinh hoạt chính tri. Một liên danh Phật giáo do luật sư Vũ Văn Mẫu thụ uỷ đắc cử làm cho phong trào chống đối của Phật giáo Ấn Quang lắng xuống.

Sau cuộc bầu cử bán phần Thưọng viện, CIA bắt tay vào chương trình chuẩn bị cuộc bầu cử Hạ nghị viện và cuộc bầu cử tổng thống năm sau. Hoa Kỳ muốn tổng thống Thiệu tái đắc cử nhưng Hoa Kỳ cần có một cuộc tranh cử có hai ba ứng cử viên để bảo đảm uy tín chính trị của Thiệu. Lúc này chưa biết Phó tổng thống Nguyễn Cao Kỳ có ra tranh cử không, do đó Hoa Kỳ vận động tướng Dương Văn Minh ra tranh cử, mặc dù đại sứ Bunker đánh giá khả năng của Minh thấp và cho rằng Minh tính tình bất nhất. Đối với Hạ nghị viện lúc này CIA đã có trong tay 10 dân biểu “thân hữu”, nhưng Hoa Kỳ muốn qua cuộc bầu cử có thêm 10 dân biểu thân hữu nữa để nắm chắc sự thông qua các bộ luật cần thiết sau này. Hoa Kỳ cũng có kế hoạch yểm trợ tài chánh cho các ứng cử viên Hạ viện thân với Thiệu, dự trù tổng cộng chi phí lên đến 252.000 mỹ kim. Chương trình chính của CIA là kiếm thật nhiều phiếu cho Thiệu. Qua tướng Quang, CIA thúc tổng thống Thiệu ve vãn khối Công giáo, người Việt gốc Hoa và khối người Thượng.

Tại Paris cuộc đàm phán nhì nhằng, trong khi tại Việt Nam Hoa Kỳ tiếp tục đẩy mạnh chương trình Việt Nam hoá chiến tranh và giảm quân.

Tháng 2/71 để thử nghiệm hiệu quả của chương trình Việt Nam hoá Hoa Kỳ và Việt Nam đánh qua biên giới Lào với chiến dịch Lam Sơn 719. Cuộc hành quân hoàn toàn do quân đội VNCH đảm trách, Hoa Kỳ chỉ yểm trợ không lực. Quân đội VNCH bị tổn thất nặng trong chiến dịch này, nhưng tinh thần chung của quân đội không đến nỗi nào và tướng Abrahams nhận định rằng sau cuộc tấn công Nam Việt Nam vẫn có khả năng sống còn. Tuy nhiên nhận xét của CIA tại vùng 3 khá bi quan. Don Gregg, phụ trách cơ sở CIA vùng 3 cho biết quân đội VNCH không lấp kịp khoảng trống khi quân đội Hoa Kỳ rút đi. Gregg cho rằng tình trạng này do chính sách của Thiệu không muốn thấy thêm tổn thất (sau tổn thất trong chiến dịch Lam Sơn) trong năm bầu cử.

Đầu tháng 7, 1971 Hoàng Đức Nhã tuỳ viên báo chí của Thiệu yêu cầu Shackley vận động mở một văn phòng để thông tin về cuộc bầu cử tổng thống tại Nam Việt Nam ở Washington, nhưng không thành công. Ngày 24/7, ngày 26/7 và ngày 4/8 tổng thống Thiệu, tướng Minh và Phó tổng thống Kỳ lần lượt nộp đơn ra tranh cử. Tối cao Pháp viện, cơ quan xét đơn tranh cử đã bác đơn của Kỳ vì các chữ ký giới thiệu (theo luật bầu cử do quốc hội thân Thiệu nhắm gạt Kỳ đã thông qua) không có giá trị. Sau khi đơn Kỳ bị bác, Minh doạ sẽ rút đơn. Lo ngại Thiệu độc diễn, Bunker gặp Minh yêu cầu ở lại và có tin Bunker hứa chi 3 triệu mỹ kim cho Minh làm chi phí tranh cử (CIA nói tin này không đúng), nhưng không có kết quả. Ngày 19/8 Minh rút đơn. Ngày 20 Tối cao Pháp viện chấp nhận một số chữ ký giới thiệu Kỳ và hợp thức hoá đơn tranh của của Kỳ. Nhưng ngày 23/8 Kỳ lại rút ra.

Kỳ rút đơn nhưng vẫn chuẩn bị vào lại nếu có điều kiện tranh cử thuận lợi. Kỳ lén gởi phụ tá thân tín Đặng Đức Khôi qua Phnom Penh, từ đó Khôi đi Hoa Kỳ. Tại Washington Khôi móc nối các nhân vật CIA quen biết ngỏ ý muốn cố vấn an ninh quốc gia Henry Kissinger và phụ tá tại Bộ Ngoại giao William Sullivan để yêu cầu Hoa Kỳ hứa bảo đảm một cuộc tranh cử sòng phẳng giữa Thiệu và Kỳ. Hoa Kỳ không đáp ứng lời yêu cầu của Kỳ, và cuộc tranh cử độc diễn trở thành một thực tế.

Trước viễn ảnh này ngày 7/9 Shackley yêu cầu Thiệu cho phép cử tri bỏ phiếu bầu Thiệu hay bác Thiệu để ghi nhận tỉ số đối lập với Thiệu và đề nghị Thiệu tuyên bố trước được bao nhiêu phần trăm bầu cho mình Thiệu mới xem mình được sự uỷ nhiệm của dân. Thiệu bác cả hai đề nghị.

Ngày 3/10 Thiệu đắc cử với 91.5% phiếu bầu, tính ra khoảng 90% cử tri có ghi danh. Ngày 8/10 cộng sản trả tự do cho trung sĩ John Sexton và qua Sexton gởi thư yêu cầu CIA nối lại đường giây trao đổi tù nhân. CIA và Việt Nam đáp lễ thả một trung uý quân đội cộng sản và chỉ dẫn cách liên lạc. Ngày 27/10 một đại diện của Trần Bạch Đằng liên lạc với toà đại sứ Hoa Kỳ hứa thả ông Douglas Ramsey, một nhân viên của toà đại sứ để đổi hai tù nhân cao cấp cộng sản. Được thông báo tổng thống Thiệu đồng ý trên nguyên tắc nhưng yêu cầu chờ sau khi ông tuyên thệ nhậm chức. Hoa Kỳ đề nghị một thể thức trao đổi khác nhưng không đạt được sự đồng thuận của cộng sản, CIA và tổng thống Thiệu. Việc trao đổi tù nhân chìm xuồng.

Sau khi Thiệu tuyên thệ nhậm chức, Sài Gòn bắt đầu nghĩ đến hoạt động của cộng sản nhân dịp Tết sắp đến, nhất là thời gian này rơi vào thời gian tổng thống Nixon thăm viếng Bắc Kinh. Một bận tâm khác là Hoa Kỳ được Khiêm báo cáo Thiệu sắp thành lập đảng Dân Chủ theo mô thức đảng Cần Lao của ông Nhu, tổ chức nửa kín nửa hở và đảng viên được tuyển mộ trong khối sĩ quan và công chức với mục đích dùng đảng Dân Chủ để kiểm soát quân đội và bộ máy hành chánh. Các đảng viên đảng Dân Chủ thuộc toàn quyền sử dụng và sai phái của Thiệu.

Tháng 1/72 Thomas Polgar được Langley cử đến thay Shackley. Polgar gốc Hungary, gia nhập CIA từ năm 1947. Richard Helms nói với Polgar nhiệm vụ mới của CIA tại Sài Gòn là thiết lập quan hệ tốt với toà đại sứ, với MACV, với giới truyền thông và với các phái đoàn quốc hội, ý rằng chiến tranh sắp kết thúc và quan hệ với chính phủ Sài Gòn không còn là công tác chính.

Các cuộc tấn công năm trước qua Cam Bốt và Lào làm giảm tiềm năng chiến tranh của Bắc Việt và cho quân đội VNCH một thời gian xả hơi. Đến Sài Gòn Polgar lạc quan nói với Nguyễn Khắc Bình, giám đốc cảnh sát quốc gia rằng “chúng ta sẽ thắng không bằng sức mạnh quân sự mà bằng tình báo và cảnh sát”. Mặt quan hệ với phủ tổng thống, Polgar được Khiêm tường trình cho biết tính tình Thiệu và cách làm việc với Thiệu. Khiêm nhấn mạnh với Polgar tính đa nghi của Thiệu.

Mấy tháng đầu năm 1972, quân đội Hoa Kỳ tại Việt Nam chỉ còn 180.000, và mọi việc trôi qua lặng lẽ. Không có cuộc tấn công nào đáng kể của cộng sản trong dịp Tết và dịp Nixon thăm viếng Bắc Kinh.

Ngày 30/3/72 quân đội chính quy Bắc Việt ồ ạt đánh qua khu phi quân sự, vùng Kontum, Pleiku và Lộc Ninh phía Bắc Sài Gòn. CIA chỉ tiên đoán sẽ có cuộc tấn công vào cao nguyên, nhưng không tiên đoán cộng sản sẽ đánh qua biên giới phân chia Nam Bắc. Qua một tuần lễ quan sát chiến cuộc, Polgar nhận ra rằng chiến tranh chưa chấm dứt và tương lai của miền Nam Việt Nam hoàn toàn lệ thuộc vào sự viện trở của Hoa Kỳ chừng nào Bắc Việt còn được Nga Xô và Trung Quốc viện trợ. Polgar tin tưởng quân đội VNCH sẽ đứng vững trước cuộc tấn công này dù bị tổn thất nặng.

Trong khi cuộc tấn công đang diễn tiến tại vùng giới tuyến, trên cao nguyên và Vùng 3 chiến thuật, CIA được báo cáo viên Tư lệnh Vùng 3 đã để cho cộng sản thu mua lương thực, thuốc men và quân dụng tại địa phương để tiếp tế cho quân đội Bắc Việt. CIA yêu cầu toà đại sứ can thiệp để chận đứng sự việc này, nhưng Polgar không ghi nhận được một đáp ứng nào tích cực. Ngoài vụ “Vùng 3” Polgar còn nhức đầu về việc tướng Nguyễn Khắc Bình, giám đốc Đặc uỷ Trung ương Tình báo kiêm Tổng giám đốc Cảnh sát Quốc gia than phiền bộ tư lệnh cảnh sát có quá nhiều sĩ quan thời Pháp để lại và tổng thống Thiệu không chấp thuận biệt phái sĩ quan giỏi bên quân đội sang tăng cường.

Cũng như trận Mậu Thân, các giới chức Hoa Kỳ nhận định về trận tấn công Xuân 1972 khác nhau. Khi cộng sản còn đang bao vây An Lộc, đại sứ Bunker và tướng Abrahams vẫn lạc quan cho rằng sau cuộc tấn công này Hà Nội đuối sức vì chẳng còn gì nữa. Trong khi Polgar cho rằng nếu Liên bang Nga Xô Xiết và Trung Quốc còn viện trợ và Hà Nội còn dùng được đất Lào và Cam Bốt thì cộng sản vẫn còn khả năng đánh. Phần Việt Nam, Polgar nhận xét khả năng chịu trận của quân đội VNCH vẫn còn cao và có thể cao hơn nửa triệu quân Mỹ mấy năm trước nếu vẫn được không lực Hoa Kỳ yểm trợ. Abrahams đánh giá quân đội Việt Nam thấp hơn và cho rằng các tướng lãnh quanh ông Thiệu không đánh giá đúng mức các sĩ quan cấp tá đang cầm quân và riêng Thiệu có nhiều quyết định sai vì không biết nghe các báo cáo của các sĩ quan ngoài chiến trường.

Tuy nhiên quan điểm của Polgar thay đổi theo tin tức ông thu thập được.Sau hai tháng đánh giá Polgar gởi Bunker một báo cáo phê bình rằng đa số các tướng chỉ huy chiến trường thiếu khả năng và được bổ nhiệm do trung thành với Thiệu.

Tướng Tư lệnh Vùng 2 Ngô Dzu chẳng hạn. Dzu không chuẩn bị gì để đón cuộc tấn công của cộng sản dù được tình báo cho biết chính xác ngày cộng sản có thể sẽ tấn công. Và khi cộng sản tấn công Ngô Dzu hoảng sợ bỏ bộ tư lệnh tại Pleiku về đóng tại bộ tư lệnh nhẹ ở Nha Trang giao toàn quyền chỉ huy tại chỗ cho cố vấn John Paul Van.

Bản báo cáo bi quan đến nỗi Bunker và Abrahams không muốn gởi cho Thiệu, mặc dù khi tiếp xúc trực tiếp Abrahams đã nói thẳng những điều tương tự như vậy với Thiệu. MACV có thông lệ ít khi phê bình quân đội VNCH trong các báo cáo chính thức.

Thiệu định thay tướng Ngô Dzu bằng tướng Phan Trọng Chinh, một tướng nổi tiếng bất tài khác. Trước tình hình này đại sứ Bunker buộc lòng gởi tổng thống Thiệu một danh sách tướng lãnh khác để Thiệu chọn, trong đó không có Chinh. Tổng thống Thiệu chọn tướng Nguyễn Văn Toàn. Toàn là một tướng cầm quân giỏi, khổ nỗi Toàn vốn là tư lệnh Sư đoàn 2 bị cách chức vì tham nhũng và đang nằm chờ toà án truy tố về tội quan hệ bất chính với trẻ vị thành niên.

Qua tháng 6, tình hình chiến trường khả quan hơn nhờ không quân Hoa Kỳ không kích hậu cần làm giảm khả năng chiến đấu của bộ đội cộng sản. Toàn miền Nam không có cuộc nổi dậy nào kể cả những vùng quân đội cộng sản vừa chiếm được. Thiệu tin tưởng chừng nào Hoa Kỳ còn viện trợ ông còn chiến đấu được.

Cuộc trao đổi giữa William Colby (bây giờ là giám đốc CIA) và Polgar vào tháng 9/72 cho thấy đến lúc đó Hoa Kỳ vẫn chưa có một mục tiêu chính trị chính xác tại Việt Nam. Colby yêu cầu Polgar do có nhiều quan hệ đặc biệt với giới chức lãnh đạo Nam Việt Nam nên giúp Thiệu thành hình các cơ cấu và định chế chính trị lâu dài để chuẩn bị cho Nam Việt Nam đấu tranh chính trị với cộng sản sau khi hoà đàm tại Paris kết thúc. Polgar trái lại nghĩ rằng Hoa Kỳ đã tiêu tốn hằng tỉ mỹ kim vẫn chưa giúp Việt Nam đặt được một căn bản dân chủ kiểu Tây phương, vậy cách tốt nhất là Hoa Kỳ thành thật yểm trợ ông Thiệu về vật chất và tinh thần để ông tự định liệu lấy miễn là con đường của ông không làm thiệt hại quyền lợi của Hoa Kỳ. Polgar nói chính sách này có thể dẫn đến một chính phủ độc tài thiếu dân chủ nhưng có an ninh và có thể được dân ủng hộ. Polgar kết luận con đường dân chủ hoá Nam Việt Nam Hoa Kỳ đang theo đuổi có thể không giúp cho Nam Việt Nam tồn tại. Colby đồng ý với Polgar rằng khi chiến tranh thì không thể có dân chủ, nhưng độc tài cũng không có nghĩa là một chính quyền không đàng hoàng và không lo cho dân.

Cuộc tranh luận giữa Colby và Polgar cho thấy 18 năm sau khi Hoa Kỳ can thiệp vào Việt Nam, Hoa Kỳ vẫn còn lúng túng về chính sách.

Mỹ áp lực tổng thống Nguyễn Văn Thiệu

Hiệp định Paris ký tháng 2/1973. Từ tháng 8/72 đến tháng 6/1973 công tác chính của CIA là thuyết phục, nói đúng hơn là áp lực Thiệu, theo đường hướng của Hoa Kỳ về nội dung bản văn Hiệp định Paris cũng như cung cách thi hành hiệp định. CIA vận dụng nhân sự đã bố trí quanh Thiệu để làm yếu sự phản đối của Thiệu về một điểm chính yếu trong bản Hiệp định là để cho quân đội cộng sản Bắc Việt ở lại miền Nam sau khi ngưng bắn.

Ngày 17/8/1972 lần đầu tiên Kissinger đến Sài Gòn để đích thân thuyết phục Thiệu. Polgar và Kissinger đều gốc Âu Châu (Kissinger gốc Đức) và từng quen biết nhau từ năm 1958 và việc này giúp công tác của hai người bớt tạo nên căng thẳng trong quan hệ cá nhân. Một câu chuyện để ghi nhận sự căng thẳng: Tối ngày 17/8 Polgar được khẩn mời đến toà đại sứ. Polgar thấy Kissinger mặc pyjama. Kissinger than phiền sự cứng rắn của Tổng thống Thiệu và “chỉ thị” Polgar dùng các đường giây quanh Thiệu để áp lực Thiệu thay đổi lập trường. Polgar nói ông không thể áp lực lộ liễu như vậy. Kissinger bảo Polgar đó là “lệnh”, rồi lạnh lùng quay sang đại sứ Bunker hỏi ông xử lý thế nào nếu nhân viên không tuân lệnh cấp trên. Bunker cũng lạnh lùng trả lời ông đồng ý với Polgar!

Dù vậy Kissinger và Polgar vẫn giữ được hoà khí.

Kissinger biết rằng nhờ các đường giây Polgar gài trong giới đầu não tại Hà Nội mà ông có lợi thế khi trao đổi với đại điện của Hà Nội tại cuộc hội đàm [1].

Sau khi Kissinger trở về Hoa Kỳ tổng thống Thiệu không tiếp ai trong gần một tháng. Ngày 15/9 Khiêm báo cáo với Polgar rằng Thiệu lo ngại rằng vì nhu cầu tranh cử có thể Nixon sẽ nhượng bộ những đòi hỏi phi lý của Hà Nội.

Để nắm vững chính quyền chuẩn bị đấu tranh chính trị với cộng sản, tổng thống Thiệu huỷ bỏ lệ bầu các hội đồng hành chánh cấp xã và bổ nhiệm trực tiếp tỉnh thị trưởng và quận trưởng. Polgar yêu cầu Thiệu hoãn ban hành các biện pháp đó cho đến sau cuộc bầu cử tổng thống tại Hoa Kỳ, nhưng tổng thống Thiệu bác bỏ, nói rằng tình hình đòi hỏi sự cứng rắn. Bunker nói với Polgar Thiệu cứng rắn vậy vì Kissinger đã nói thẳng với Thiệu rằng nếu Hà Nội đề nghị ngưng bắn và trả tù binh Mỹ thì Hoa Kỳ sẽ chấp thuận, dù tình hình quân sự tại Nam Việt Nam như thế nào.

Ngày 12/10 Kissinger và Lê Đức Thọ kết thúc bản dự thảo Hiệp định Paris, và ngày 18/10 Kissinger đi Sài Gòn áp lực Thiệu. Chuyến đi này Kissinger gặp Thiệu và các phụ tá 6 lần. Lần gặp thứ hai Thiệu yêu cầu Kissinger cho xem bản văn Việt ngữ của Hiệp định dự thảo, Kissinger nói không có. Và Thiệu cho Kissinger xem bản Hiệp định tóm tắt tình báo Việt Nam lấy được. Sau khi CIA dịch ngược lại ra Anh ngữ cho Kissinger xem Kissinger bình luận: “Thật là một sự thật khó nuốt”. Việc này làm cho Kissinger nhức đầu thêm đối với Thiệu vì chẳng những Thiệu không chấp nhận điều khoản để quân đội cộng sản Bắc Việt ở lại miền Nam Thiệu còn không đồng ý nhiều điểm khác trong bản văn, đặc biệt khoản miêu tả chính quyền sẽ được thiết lập tại Sài Gòn sau khi ký hiệp định.

Tổng thống Thiệu hoãn cuộc gặp gỡ Kissinger dự trù ngày 21/10. Bunker gọi phàn nàn, Nhã cúp điện thoại. Bunker giận dữ gọi Thiệu. Kết quả 8:00 sáng ngày 22/10 Thiệu gặp Kissinger. Thiệu bình tĩnh hơn thường lệ và dùng tiếng Anh để trao đổi. Nhưng vào buổi họp chiều Thiệu không dằn được cơn giận. Thiệu khóc và nói ông bác bỏ toàn bộ bản văn. Kissinger lập luận rằng nội dung Hoa Kỳ thoả thuận với Hà Nội như vậy là điều không thể tránh được. Kissinger nói với Thiệu Nixon đang gặp khó khăn với quốc hội vì ông đã dùng ngân khoản nhiều tỉ mỹ kim quốc hội chưa chuẩn chi để bỏ bom Bắc Việt và chuyển quân dụng dự trữ cho Việt Nam.

Sáng ngày 23/10 Bunker tháp tùng Kissinger đến chào Thiệu trở về Hoa Kỳ. Kissinger không nói nhiều chỉ nói khéo rằng nếu Thiệu không ký thì không tránh được tai hoạ. Kissinger không nói tai hoạ cho ai hay cho quốc gia nào. Kissinger nói với Bunker ông đã ngán Thiệu và không bao giờ ông trở lại Sài Gòn nữa.

Sự giận dữ của tổng thống Thiệu đối với Kissinger là do Thiệu đã quá tin vào Nixon là một vị tổng thống “thẳng tính, lương thiện và không bao giờ có thể phản bội chính phủ và nhân dân Nam Việt Nam”, và cho Kissinger phản bội nhân dân Mỹ vì tham vọng và thành kiến. Polgar đồng ý phần nào với Thiệu, cho rằng thái độ của Kissinger đối với Thiệu quá kênh kiệu và kẻ cả.

Chỉ còn chưa đầy một tháng nhân dân Mỹ sẽ đi bầu tổng thống. Thiệu tính rằng cách tốt nhất là giúp Nixon tái đắc cử. Thiệu ra lệnh cho giới chức chính phủ và quốc hội không được công khai chỉ trích chính phủ Mỹ.

Ngày 26/10 Hà Nội tuyên bố đã đạt được thoả thuận với Hoa Kỳ, và tiết lộ rằng quân đội Bắc Việt có quyền ở lại miền Nam và Mỹ hứa cung cấp 7 tỉ mỹ kim tái thiết Bắc Việt. Đồng thời tại Washington Kissinger họp báo cho biết “hoà bình đã ở trong tầm tay” (peace is at hand).

Nhưng tại Sài Gòn CIA báo cáo Thiệu vẫn chống bản văn của Hiệp định. Kissinger phong toả tin này tại Washington. Nhờ phong toả tin tức và lời tuyên bố “peace at hand” tổng thống Nixon đã đánh bại ứng cử viên đảng Dân Chủ George McGovern và đắc cử tổng thống Hoa Kỳ nhiệm kỳ hai ngày 7/11/1972.

Bước qua Tháng 12 Thiệu vẫn chống điều khoản liên quan đến quân đội Bắc Việt và Bunker doạ Thiệu rằng Hoa Kỳ có thể cắt viện trợ nếu Hiệp định Paris cứ nhì nhằng vì thái độ của Thiệu. Mặt khác Polgar áp lực Thiệu qua Nhã. Tin riêng của CIA tại Sài Gòn tiết lộ rằng theo Thiệu Hoa Kỳ cần cách chức Kissinger mới giải quyết được bế tắc. Nhưng Polgar không báo cáo tin này, nghĩ nó làm tổn thương uy tín của Nixon. Thiệu còn tính doạ từ chức, ngầm ý cho Hoa Kỳ thấy nếu Phó tổng thống Trần Văn Hương lên thay ông Hương còn cứng rắn hơn. Và kịch bản là Thiệu sẽ trở lại chức vụ tổng thống do yêu cầu của quân đội và nhân dân.

Với áp lực dồn dập kịch bản từ chức không được thực hiện. Và ngày 10/12 Thiệu cho biết có thể đồng ý với bản văn để Hiệp định có hiệu lực nhưng không ký vì ký vào bản văn chứng tỏ Thiệu chỉ là hình nộm của Hoa Kỳ.

Sau một buổi họp gồm các thân tín thu hẹp tại dinh Độc Lập tướng hồi hưu Phạm Văn Đổng, bộ trưởng bộ Cựu Chiến binh báo cáo với CIA Thiệu nói rằng “ký hiệp định chấp nhận quân đội Bắc Việt ở lại Nam Việt Nam giống như uống một chén thuốc độc, nhưng nếu không ký thì Nam Việt Nam cũng từ từ sụp đổ vì Hoa Kỳ cắt viện trợ”. Theo Đổng, Tổng thống Thiệu quả quyết bản Hiệp định bảo đảm sự toàn thắng của cộng sản, và do đó ông sẽ không ký.

Hà Nội nghi sự dùng dằng là mưu kế của Hoa Kỳ và Thiệu nên tại Paris Lê Đức Thọ tuyên bố Hà Nội cũng muốn thay đổi vài điều khoản đã thoả thuận và ông ta phải về Hà Nội tham khảo. Nhân dịp này Hoàng Đức Nhã nói với Rodney Landreth (một nhân viên CIA tại Sài Gòn) rằng đúng ra Hoa Kỳ nên áp lực Hà Nội hơn là áp lực Nam Việt Nam. Nhã nói Nhã biết Nam Việt Nam sẽ lâm vào thế bí nếu Hoa Kỳ cắt viện trợ, nhưng ông không hiểu tại sao “Hoa Kỳ đã hy sinh bao nhiêu tiền của và sinh mạng trong bao nhiêu năm bỗng nhiên từ bỏ mục tiêu nguyên thuỷ của cuộc chiến đấu. Lính Mỹ đến Việt Nam để chết chứ đâu phải đi nghỉ phép!” Nhã nói thêm rằng nếu Hoa Kỳ bỏ rơi Nam Việt Nam uy tín Hoa Kỳ đối với thế giới tự do sẽ bị tổn thất nặng nề.

Ngày 19/12 Alexander Haig, phụ tá Kissinger đến Sài Gòn. Thiệu tiếp Haig một cách thoải mái hơn (với Kissinger). Haig chuyển cho Thiệu một thư tay của Nixon và Thiệu cũng đưa cho Haig một thư cầm về cho Nixon mà không nói gì nhiều với Haig. Bunker nói với Haig ông tin rằng nội dung lá thư của Thiệu sẽ không làm tổng thống Nixon hài lòng. Và Haig nói thẳng với Thiệu rằng ký Hiệp định Paris là một nhu cầu chính trị của Hoa Kỳ nên ngôn từ trong đó không phải là chuyện quan trọng. Hơn nữa dù là ngôn từ gì cũng không ai tin người cộng sản. Bunker nghĩ Thiệu hiểu tình hình, nhưng tâm lý bực bội Kissinger làm ông không thay đổi thái độ một cách dễ dàng được.

Ngày 21/12 Khiêm nói với Polgar ông hiểu sự thúc bách của dư luận và quốc hội Mỹ (muốn chấm dứt chiến tranh và thấy tù binh Mỹ trở về) và tốt hơn hết Thiệu nên ký Hiệp định để bảo đảm nguồn viện trợ. Khiêm nói Thiệu có thể được thuyết phục bằng cung cách mềm dẻo hơn là bằng áp lực và đe doạ như Kissinger và Haig đã làm. Hơn nữa Thiệu chỉ còn chống khoản liên quan đến quân đội Bắc Việt ở lại miền Nam, và Khiêm nghĩ Tổng thống Nixon có đủ uy tín để giải thích với quốc hội Hoa Kỳ về sự nhượng bộ phi lý đó. Tuy nhiên Khiêm hứa sẽ thuyết phục Thiệu và yêu cầu Bunker tiếp tục thúc bách Thiệu.

Sau khi Thọ trở về Hà Nội, Nixon ra lênh oanh tạc vùng Hà Nội, Hải phòng bằng B52 trong suốt một tuần lễ vào dịp lễ Giáng sinh. Hà Nội hoảng hốt ra lệnh Thọ trở lại Paris tiếp tục đàm phán. Hoa Kỳ ngưng dội bom.

Ngày 12/1/1973 sau khi Hoa Kỳ ngưng dội bom, tình báo CIA tại Hà Nội cho biết Hà Nội sẵn sàng ký Hiệp định vào ngày 20/1/1973.

Ngày 16/1 Haig đến Sài Gòn với một thư tay khác của Nixon gởi cho tổng thống Thiệu rằng nếu vẫn không ký ông sẽ công khai tố cáo trước dư luận thế giới Thiệu ngăn cản hoà bình. Thiệu vẫn hoãn binh và cho biết sẽ trả lời Nixon vào ngày hôm sau.

Hôm sau, 15 phút sau khi máy bay Haig rời Tân Sơn Nhất, Thiệu triệu tập Hội đồng An Ninh thu hẹp, đọc tối hậu thư của Nixon cho Hội đồng nghe. Sau đó Hội đồng bàn về cung cách thi hành hiệp định. Việc ký kết đến đây xem như đương nhiên. CIA báo cáo rằng “trong thâm tâm Thiệu biết trước sau cũng phải ký theo ý Hoa Kỳ, nhưng ông đã làm những gì cần thiết có lợi cho sự tồn tại của Nam Việt Nam”.

Sáng ngày 20/1 Thiệu triệu tập Hội đồng An ninh quốc gia thông báo quyết định ký. Phó tổng thống Trần Văn Hương khóc nói rằng Nam Việt Nam đang ở trên một chiếc cầu gãy, chạy hướng nào cũng không tránh được tai hoạ, và ký Hiệp định thì tai hoạ nhỏ hơn. Sau khi Hương dứt lời Thiệu nói Thiệu đồng ý với sự miêu tả của Hương.

Ngày 23/1 vào lúc tại Paris Hiệp định được ký kết, tổng thống Thiệu nói với Nôi các rằng bản Hiệp định Paris được bảo đảm của Hoa Kỳ, Liên bang Xô Viết và Trung Quốc và rằng thái độ cứng rắn của ông đã đưa đến vụ bỏ bom trong dịp lễ Giáng sinh và sẽ làm cho kế hoạch chiến tranh của Hà Nội bị chậm lại ít nhất 3 tháng. Haig nói với Bunker rằng vụ bỏ bom Hà Nội và Hải Phòng đã là yếu tố cần thiết để Thiệu ký Hiệp định Paris.

Đầu tháng 4/73 Nixon mời Thiệu công du Hoa Kỳ và tiếp Thiệu tại San Clemente nơi làm việc và nghỉ ngơi của Nixon ở California. Bunker tháp tùng phái đoàn với Thiệu và Bunker mời Polgar cùng đi. Qua cuộc thăm viếng Nixon hứa viện trợ quân sự 1 tỉ mỹ kim (trên căn bản một đổi một) và 1 tỉ viện trợ kinh tế cho Nam Việt Nam. Thiệu rất hài lòng.

Tại Việt Nam sự thi hành Hiệp định không êm ả. Tổng thống Thiệu không chấp nhận Nghị định thư ấn định bản đồ da beo phân định ranh giới kiểm soát hai bên do Hà Nội và Hoa Kỳ đồng ý với nhau dự tính ký và phổ biến ngày 7/6/73 và Thiệu đề nghị thay đổi một số điểm nói về thể thức bầu cử. Hoa Kỳ lại áp lực Thiệu và cuối cùng Thiệu đồng ý. Theo đánh giá của CIA sau 6 tháng thi hành hiệp định Thiệu củng cố vị trí vững chắc trên diện địa nhưng cộng sản chuẩn bị dùng vũ trang yểm trợ cuộc đấu tranh chính trị bằng cách ồ ạt chuyển vũ khí vào miền Nam.

Thời gian từ 4/73 đến 11/74 là một thời gian kèn cựa báo trước một trận bão.

Tháng 6/73 bầu cử bán phần Thượng viện tại Sài Gòn gồm 3 liên danh và 30 Thượng nghị sĩ. Nhân dịp này Hoa Kỳ muốn tạo một sinh hoạt đa đảng hài hoà, nhưng Polgar cho biết không phải đơn giản vì chính quyền và chính khách Nam Việt Nam không còn tin Hoa Kỳ nữa.

Ngày 18/6 sau khi gặp các nhân vật thân cận như Trần Quốc Bửu, tướng hồi hưu Huỳnh Văn Cao, Phạm Văn Đổng và Nguyễn Bá Cẩn chủ tịch Hạ nghị viện, Polgar thuyết phục Trần Quốc Bửu làm thụ uỷ liên danh Xã hội Dân chủ đối lập, nhưng Bửu từ chối. Những người dự họp không ai tin một liên danh đối lập có thể đắc cử, một phần vì không có căn bản trong quần chúng, một phần cho rằng trước sau chính quyền cũng gian lận phiếu.

Cuối tháng 6/73 Bunker về Mỹ. Đầu tháng 7 toà đại sứ nghe phong thanh Thiệu và Khiêm bất hoà. Ông Whitehouse, đại sứ tạm thời (trong khi chờ Graham Martin đến thay) yêu cầu Polgar hỏi Khiêm. Khiêm xác nhận có và nguyên nhân là Khiêm rút ra khỏi thụ uỷ liên danh thân chính do Thiệu chủ trương. Thêm nữa, Khiêm không đồng ý với các cố vấn thân cận của Thiệu như Hoàng Đức Nhã và Nguyễn Văn Ngân. Hai nhân vật này cố vấn Thiệu thiết lập một chế độ tập trung quyền hành như chế độ của cựu tổng thống Ngô Đình Diệm. Khiêm nói Việt Nam có thể chưa sẵn sàng cho một chế độ dân chủ đa đảng, nhưng dù độc đảng cũng cần có tiếng nói đối lập.

Tháng 7/73 đại sứ Martin đến Sài Gòn. Martin từng là đại sứ tại Ý và Thái Lan và có một người con trai tử trận tại Việt Nam. Theo Polgar, Martin từ tốn, hiền, và là một “gentleman” kiểu mẫu, nhưng cung cách làm việc cũng cứng rắn không kém Bunker.

Cũng như Bunker, Martin dùng sự tiếp cận của CIA đối với các tướng lãnh Việt Nam để kín đáo vận dụng chính sách của Hoa Kỳ. Qua trung gian của Khiêm, Quang và thỉnh thoảng Bình, và với các nhân vật trong quốc hội toà đại sứ dò biết được suy nghĩ và tính toán của Thiệu. Các nhân vật này sẵn sàng khuyến cáo Thiệu theo chính sách Hoa Kỳ, dù đó là chính sách có thực chất hay có tính hào nhoáng.

Tháng 8 năm 1973 Nixon từ chức vì dính vào vụ Watergate. Lúc này Hoa Kỳ đã hoàn tất áp lực Thiệu ký Hiệp định Paris (2/73) và Nghị định thư (6/73) thi hành Hiệp định. Cả hai văn kiện đều bất lợi cho VNCH.

11/09/2009
[1] Ghi chú của TBN: muốn biết rõ hơn điều này xin đọc cuốn Decent Interval của Frank Snepp, nhân viên phân tích chiến lược của CIA tại Sài Gòn.

Kỳ tới:
Chương 7: Nỗ lực duy trì hiện trạng
Chương 8: Thời điểm sinh tử

Đọc các phần trước: I, II, III

© Trần Bình Nam

© Đàn Chim Việt Online

Phản hồi