WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Ở thời chưa đánh mất

(Gửi Đoàn Nhã Văn).

Tạo cùng vợ đi lang thang, ngắm chợ Tết suốt buổi sáng.

Tạo đang nhìn lại không khí chợ búa, những ngày cận Tết ở quê hương. Người bây giờ đông như trong ngày hội của kiến, túa chật cả hai bên lề đường mua bán, trao đổi. Tiếng mời chào, kêu réo của thời thơ ấu, đã đánh mất, nay hiển hiện trước mắt Tạo.

Anh muốn rơi nước mắt, khi thấy lại cảnh cũ và nhất là những nhánh mai vàng khẳng khiu vừa hé nụ, sau bao năm lưu lạc phương xa.

Tạo nhìn quanh.

Cũng vẫn chỉ những khuôn mặt đó, cũng chỗ ngồi cũ kỹ như mọc rêu đó, và bị thu tóm nhỏ lại. Họ già đi nhiều hơn, nhanh hơn. Nhiều chỗ, anh không thấy chủ cũ, thay vào đó, những khuôn mặt trẻ, nét ngờ ngợ quen thuộc. Họ vẫy tay, tự giới thiệu và mời anh ghé vào. Đây là những đứa con nít cùng thời, hoặc nhỏ, hoặc lớn hơn anh sau bao dâu bể ở một thị trấn nhỏ giữa xa lộ. Anh nhớ lại những tấm ảnh cũ thuở thiếu thời, đã nhạt màu nước thuốc, được nhìn lại mấy hôm trước, khi mẹ anh lục trong tủ đem khoe sau nhiều năm giữ kỹ.

Anh gượng chào lại họ.  Rồi kéo tay vợ, đi nhanh vô chợ.

- Dì Hai. Cho hai tô bún cá! Ngồi đi em. – Tạo kéo cái ghế nhỏ, thật thấp, thường thấy ở các chợ Việt Nam, mời vợ ngồi. Anh quen thuộc, như chưa từng đi khỏi thị trấn nhỏ này bấy lâu năm dài.

- Trời ơi. Thằng Tạo đầu cá dồ! Không! Bây giờ kêu bằng cậu mới đúng điệu. Bao nhiêu năm, mà cậu còn nhớ tui hén. Mấy hổm rày, chị cậu nhắc mãi. Bởi vậy, mới thấy cậu, tui nhận ra ngay. Tui nhận cái trán của cậu trước!

Tạo cười cười. Anh vuốt mái tóc rễ tre, kéo gọng kiếng cận như khỏa lấp sự xởi lởi của người đàn bà kẻ chợ. Nhiều người bắt đầu nhìn anh. Cái nhìn soi mói khác lạ, anh từng thấy mấy hôm nay.

- Ấy là thằng cu Tạo, con mụ Chín bán gạo ở xóm dưới đi vượt biên, cách đây hơn hai chục năm.

- Vậy ổng Việt kiều rồi…

- Còn phải nói nữa. Ổng về đã mấy hôm. Đồ ngu. Vậy mà cũng ăn với nói cho được!

- Tui chưa thấy, Việt kiều nào ngồi ăn ở chợ như vợ chồng thằng cha này. Việt kiều nào cũng ăn ở khách sạn sang trọng, có kẻ hầu, người quạt đi sau, ra đường xe đưa rước. Đây là Việt kiều rách. Nhìn cách ăn mặc của hai vợ chồng là biết ngay!

Tạo nghe tiếng xầm xì tự nãy giờ, nhưng anh thản nhiên. Thủy, vợ Tạo, bắt đầu khó chịu. Tạo nháy mắt, ra dấu bảo vợ im.

Đến giờ, Tạo vẫn quen với những lời đàm tiếu như một thói quen dân dã, anh từng biết trước kia.

Mấy hôm nay, dân trong xóm rỉ tai bình phẩm, chê bai vợ chồng Tạo. Vợ Tạo đi đâu, nếu không cuốc bộ, cũng nhờ mấy đứa em chồng chở bằng chiếc honda cà xạch, cà tàng. Riêng Tạo, với chiếc xe đạp cổ lỗ sĩ thuở đời nảo đời nao, không vè không thắng, anh cứ đạp rong quanh thị trấn thăm bạn bè, chòm xóm…

Tạo vừa ăn bún, vừa nhìn bâng quơ, tránh chuyện. Anh nhìn mái đình bên kia đường, thấy một khẩu hiệu làm anh sửng sốt. Anh chợt nhớ, hơn 23 năm trước, dưới mái đình này là tấm khẩu hiệu: “Đả đảo giặc Cộng, giết hại dân lành, Tết Mậu Thân!”.  Và bây giờ, cũng nơi mái đình xiêu dột ấy thay vào đó: “Nhiệt liệt Kỷ niệm 30 năm, ngày Tổng nổi dậy toàn dân, dịp Tết Mậu Thân!”, cùng bên dưới là cái loa vẫn ỏng a, ỏng ẻo như suốt 20 năm trường không mệt mỏi. Tạo nghĩ, đây là thói quen hay dân tộc tính của người Việt Nam về lòng căm thù? Hay đây là một chính sách của một chính quyền luôn lừa bịp nhân dân trong mấy chục thập niên cả hai miền Nam Bắc?

- Nè. Có nhớ tui hông?

Anh mang tính minh họa.

Tạo thoáng giật mình, ngước nhìn người đàn bà lam lũ, đứng bên anh tự bao giờ. Anh ngờ ngợ và nhớ ra là một mụ điên trong thị trấn. Anh càng bỡ ngỡ hơn. Mụ Nuôi vẫn như ngày nào. Mụ không già đi một nhĩnh! Đôi vú vẫn dềnh dàng, vẫn vung cứng khiêu khích, không bao giờ mặc nịt ngực, đã từng hại mụ bao lần trong nhà lồng chợ khi ngủ qua đêm. Cái may trời dành, mụ chẳng bao giờ chửa đẻ sau nhiều trận bị hiếp qua nhiều năm. Gọi là mụ, nhưng Nuôi chỉ lớn hơn Tạo năm sáu tuổi. Tạo còn nhớ, hồi nhỏ mấy ông anh của Tạo kể, Nuôi tên thật là Lệ Hằng, đang học thi tú tài 2 thì nghe tin anh Thọ – người yêu chị – vừa mới ra trường Võ Bị Đà Lạt chưa đầy hai tháng, đã tử trận trong một trận công đồn của Việt cộng ở Cần Thơ. Chị trở nên điên từ đó, bỏ nhà đi lang thang. Người ta bắt đầu gọi chị là mụ Nuôi. “Nuôi” ở đây có nghĩa là, ở thị trấn nhỏ này, ai ai cũng nuôi chị được bằng những bữa ăn thừa. Hồi đó, Tạo còn ham chơi, ít để ý đến mụ Nuôi.

- Cha! Chắc hổng còn nhớ tui chứ gì? Tui biết mà. Mấy ông bà Việt kiều ở bển về, làm gì nhớ tới mụ Nuôi này. Gặp tui là làm ngơ, là lánh mặt ngay, sợ tui xin tiền. Người ta bây giờ học đòi làm sang cho ra vẻ Việt kiều.

- Sao lại nói thế chị Hằng… – Tạo kéo cái ghế mời mụ Nuôi ngồi. Mụ vẫn đứng.

- Chị biết tui là ai, mà chị nói vậy?

- Không biết lại tới hỏi thăm à? Không quen, bắt quàng làm họ sao được hả cậu? Tui còn biết cả tên tuổi cậu, biệt hiệu cậu nữa kìa. Nói trúng, cậu thưởng gì nào?

- Chị nói trúng, tui cho chị tiền xài… cho đã trong mấy ngày Tết!

- Thiệt hén… Cậu là thằng Tạo, còn có biệt hiệu: Tạo đầu cá trê, cá dồ phải hông? – Mụ Nuôi cười hè hè, tiếp – Ở thị trấn này, có bao nhiêu người đi vượt biên trước kia, cậu còn nhớ? Này nhé: con Hồng ở nhà sách Trí Đức, thằng Tư con nhà tiệm hình Ánh Sáng, con Tú, bà Ba Cao bán trầu… – Mụ Nuôi lượt kê một danh sách thật dài mà chính Tạo cũng không nhớ nổi, dù hồi đó anh đi cùng một chuyến, dịp nhà nước bán bãi cho người Hoa đi tự do, để kiếm vàng.

- Ai bảo nó khùng! Nó khùng, mà nhớ vanh vách, không sót một tên ai trong làng. Nó khùng khôn! – Một ông khách đang ăn, nói.

Tạo kéo tay mụ Nuôi, bắt mụ ngồi xuống cái ghế nhỏ. Anh móc ví đưa tiền. Mụ Nuôi đếm từng tờ, trả lại Tạo:

- Cậu cho tui nhiều quá. Hồi nãy, cậu hứa cho chừng đó, tui chỉ lấy chừng đó. Không thừa, không thiếu một xu. Trả lại cậu!

Tạo đẩy tay mụ Nuôi. Anh kêu thêm tô bún cá. Mụ Nuôi ngần ngừ, lấy tiền, rồi mới chịu ăn.

- Khùng, còn bày đặt sĩ! – Ông khách đứng dậy trả tiền, nói thêm.

- Ông nói ai? Hả… hả…

Mụ Nuôi đang ăn xì xụp, dằn mạnh cái tô xuống bàn, đứng lên. Mặt mụ đỏ gay, tay chống nạnh, tay xỉa xói.

- Tui khùng, tui điên, rồi tui không còn biết sĩ diện con người chắc? Tui khùng, tôi điên, rồi tôi thấy tiền mà tối mắt sao? Mấy người mới là những kẻ hám tiền, những kẻ điên. Có điên, mới cúi gằm cái mặt mốc xuống mấy chục năm trời, nghe cái loa ong ỏng ngoài đình kia, sống qua ngày!

Nha Trang, năm 2000 thật sầm uất. Ngày Tết, xe cộ ngược xuôi chật các ngả đường. Tạo đứng trên ban-công, căn cao ốc, nhà người bạn, nhìn ngắm khu Phước Hải – Mã Vòng. Trước, chỗ này là một khu phố chật chội và dơ dáy nhất thành phố Nha Trang. Nó gần bến xe lam và xe lửa. Nay mở rộng và sạch sẽ hơn. Người dân sống thoải mái hơn, nếu biết chạy mánh mung, buôn bán. Còn những vùng nông thôn xa Nha Trang, như thị trấn nhỏ nơi gia đình Tạo ở, đa số vẫn nghèo nàn.

Hiếu đứng chỉ tay, bảo kẻ ở khiêng mấy thùng bia “cao cấp” nhập cảng, đem ra ban-công – nơi Tạo và mấy thằng bạn đang nhậu lai rai ngày mồng Hai Tết, sau nhiều năm gặp lại. Hôm trước Tết, biết gia đình Tạo về, mấy thằng bạn gọi nhau ơi ới trên điện thoại, bỏ việc hẹn kéo về Diên Khánh, họp mặt lớp 12 C1, sau các năm tản mát khi vừa xong bậc trung học. Đứa ở Sài Gòn, đứa Ban Mê Thuột, đứa Cần Thơ hoặc tận ngoài Hà Nội xa xôi, và đất Mỹ, đều kéo về thị trấn giữa đường, mừng gặp Tạo.

- Mày làm một tháng bao nhiêu, mà tiêu xài lớn vậy? Tao biết, hai thùng bia là hơn một tháng lương của nhân công. – Tạo hỏi bạn.

- Thật ra, lương tháng bao nhiêu, giờ này tao cũng không nhớ nữa! Hồi trước, thời bao cấp, mỗi cuối tháng lương cứ ngóng dài cái cổ cò chờ đợi, có khi còn thiếu lên hụt xuống. Bây giờ, thời mở cửa, tao chỉ cần trúng một “vố” thầu đường xá, là sống huy hoàng cả chục năm. Muốn kiếm tiền không khó. Chỉ khó là mình có biết nịnh nọt, chạy đúng chỗ hay không. – Hiếu khui chai bia đưa Tạo, nói.

- Hừm! Dĩ nhiên. Giống thời trước 75. Người ta phải giật lại những gì đã đánh mất trước kia, sống trong thời bị kềm hãm quá lâu. Thằng kỹ sư này bây giờ nó… ác lắm. Đường xá, nhà cửa, nó muốn cắt chỗ nào cứ cắt, miễn thiên hạ chung tiền đủ! Dân có than trời, than đất nó… mặc mẹ người ta. Tiền! – Thằng bác sĩ, tên Hảo, tọp ngụm bia, khà thật to và cười hô hố.

- Khéo nói. Mày cũng chả hơn gì tao. Một ca mổ, mày chặt bao nhiêu tiền hở con? Giầu, mày chặt đẹp tao không nói. Nghèo, mày cũng chặt cho chết chí thôi. Mày thua đéo gì tao, bày đặt lên mặt, giữa đường thấy bất bình xông mũi can thiệp! – Kỹ sư Hiếu đốp lại.

- Bởi vậy, thằng Hiếu lúc nào cũng sát cánh bên tao! Chính trị, ở thời buổi kinh tế này, chẳng mang lợi lộc gì. – Trung tá Hiệp, công an Bộ Nội Vụ, gắp miếng thịt lẫn mỡ heo to tướng hầm với măng khô, nhai ngồm ngoàm, xía vào.

- Tao biết, hai thằng mày, đâu dám để… môi hở răng lạnh thì đúng hơn. Mày biết thế chó nào về chính trị mà bình phẩm, dù mang hàm trung tá công an. Tụi mày chỉ biết tiền như dân chạy mánh bọn tao. Như bây giờ, đi đâu cũng nghe thiên hạ thường diễu: Việt kiều thua Việt cộng là thế! Chẳng hạn, như thằng Hiếu, đang ngồi trước mặt mày đây này, Tạo à. Nó bây giờ khối tiền, khối tình, khối đào nhí, linh tinh vi vút. Mặc con vợ nó – bà Thùy “nhỏ” lớp C2, mày nhớ không? Bà này ghen đến gầy đét cả người. – Tốn, tay chạy mánh chuyên nghiệp góp chuyện.

Tạo, há mồm, nghe.

“Xầm, xầm…!”

- Gì vậy…?

- Nó làm cái trò gì vậy??? Thằng “Mặt sắt” điên chắc!?

- Tụi mày, là những thằng chó dái, trong một xã hội đang là dái chó, hôi hám, bẩn thỉu không ai dám lại gần! – Thằng “Mặt sắt” xô ghế đứng dậy, nhìn Tạo.

- Mày, không chịu nghe tao, cứ đòi đến đây. Bây giờ, mày thấy rõ những lời tao nói về tụi nó, rồi chứ? Xã hội này, giờ đầy rặt, những thằng như thế, mọi nơi, mọi chốn trên đất nước này. Tụi nó ăn Tết, tụi nó nhảy múa trên xương máu đồng loại, cơ cực.

Thằng “Mặt sắt” vừa nói, vừa đá thùng bia “cao cấp” mấy cái, ngoái đầu nhìn Hiếu, như thách thức, trước khi hầm hầm đi xuống lầu.

- Cứ bắt tao, nhé, Trung tá Hiệp, nếu mày muốn. Tao chờ!

Tạo chạy theo thằng “Mặt sắt”, mặc sự ngơ ngác của lũ bạn.

&

Tạo ngồi chòm hỏm, hai chân thu gọn trên chiếc ghế đẩu – kiểu ngồi “cóc nhảy” – mà anh thấy nhan nhản khắp nẻo đường Việt Nam, từ lúc bước xuống phi trường Tân Sơn Nhất về tới Nha Trang. Hai mươi năm, con người thay đổi theo chiều hướng nghịch? Kiểu ngồi “cóc nhảy” này, Tạo chưa hề thấy nhiều trước kia, ít nhất ở thị trấn này. Có chăng, là từ những người dân tộc thiểu số, lâu lâu, xuống núi, ghé thị trấn ăn uống, sau những trao đổi mua bán với người Kinh. Hồi ấy, mẹ Tạo thường nói: “Kiểu ngồi mọi rợ, rừng rú! Tụi con, không nên ngồi lối này!” Tạo về mới hai tuần, đã thấy quen quen, đôi lúc sơ ý, anh cũng ngồi như “cóc nhảy”, khi thấy kẻ đối diện ngồi. Anh bỏ đôi chân xuống, xỏ dép, nhìn Tánh.

Thằng “Mặt sắt” điềm nhiên ngồi thu lu, vứt tàn thuốc giữa nhà, lẫn lộn những hạt dưa vỡ vụn màu đỏ thắm, chiêu ngụm trà, xúc sùng sục trong miệng, rồì phun ra lề đường. Thằng này từng có, những hoài bão cao vun tới trời. Rồi, đất nước thay đổi, vượt biên hụt nhiều lần và tù tội. Sống lây lất một thời gian, ở nhiều nơi, bằng giấy tờ giả. Giờ, hắn thản nhiên an phận, làm ông chủ tiệm bán vật liệu xây dựng nhà cửa do cha để lại, sau nhiều năm gián đoạn, ngày ngày bán từng con bù-lon, cây sắt, sống qua ngày. Hắn nói:

- Mày cũng thấy đó. Thằng bác sĩ Hảo, thằng kỹ sư Hiếu và cả thằng Trung tá Hiệp, tụi nó bây giờ là một lớp thượng lưu, trong nhiều tầng lớp thượng lưu khác ở xã hội này. Sống phởn phơ, cứ như, tụi nó, chưa từng sống qua, một thời đau khổ mà cả một đất nước gánh chịu. Hôm nghe tụi nó bô bô cái miệng về sự làm giàu bằng cung cách ấy, tao đếch chịu được. Mày tưởng tụi nó tốt, đến nỗi, bỏ cả việc về thăm mày à? Mày lầm! Tụi nó về đây, chẳng qua là muốn khoe cái danh, cái phận của tụi nó với mày – một thằng Việt kiều – Thế thôi! Tao ở đây, có bao giờ tụi nó ghé thăm, dù có gặp mặt. Không một cái chào! Gặp tụi nó, tao nhìn chằm chằm vào mặt, xem có thằng nào, dám nhìn thẳng vào tao. Tụi nó ghét, kêu tao là… thằng “Mặt sắt”! Ở trong nước, bọn nhà giàu này, chẳng khác gì bọn con ông cháu cha, ăn ở đạp trên đầu thiên hạ. Còn ở ngoài nước, một số Việt kiều trơ tráo, lâu lâu về, đem tiền bạc vung khắp nơi, xây khách sạn cất nhà lầu đầy đường phố, dù mới đi vài năm. Đàn bà 50-60 chục tuổi bơm ngực, bơm đít, cắt mũi và ăn diện đỏm đáng, giống lũ choai choai mới lớn, như để khoe về tính dục hơn là sắc đẹp thẩm mỹ. Đôi bên, cứ học đòi, đua nhau hơn thua…

- Mày sao cay đắng quá! Cuộc đời này có gì hoàn mỹ? Việt kiều cũng có kẻ tốt người xấu. Có kẻ về nước, sống phởn phơ, vung tiền qua cửa sổ không nương tay, chẳng qua là mặc cảm thua thiệt về đời sống tinh thần và vật chất ở bên đó. Ở bên đó trên 20 năm, về đây, tao cũng xài như vậy được! Mà để làm gì? Khi quyết định ra đi, tao có cái lý tưởng, để ruồng bỏ quê hương này. Tao về, chẳng qua là, tao đi tìm lại những cái gì, ở thời chưa đánh mất, trước kia. – Tạo cố phân trần.

- Vậy, mày đã tìm được chưa? Hay, mày chỉ nhìn thấy khó chịu vì cái mác Việt kiều? Cả cái thị trấn giữa đường nhỏ xíu này, xì xào về vợ chồng mày nửa tháng nay…

- Tao thấy và tao bất cần. Điều muốn kiếm, tao đã tìm được. Nó không hiện ở trước mắt bằng sự việc, mà nó được tao nhìn, qua, bằng những con phố, những góc chợ, những dòng sông, những mái đình xiêu vẹo; bằng trí tưởng tượng phong phú của tao. Hoặc, những sự việc có thật, như những thằng bạn là mày, và ngay cả mụ Nuôi.

- Mày, đúng là thằng mọt sách như thời ấu thơ! Cái gì, gọi là nhìn sự việc qua sự tưởng tượng, phong phú?- Hắn lấy thuốc, mồi, tiếp. – Mày, đừng có nhìn tao như thế! Bây giờ, ai cũng ngồi thu lu như cái kiểu ngồi “cóc nhảy” này. Kiểu ngồi này, nó tiện vô cùng! Nếu mày đang ngồi, bị một thằng nào đó: lưu manh, chó đẻ hoặc đang bị hỏi cung, chúng nó sẽ đánh mày, nếu chúng muốn tuỳ thích, dưới chế độ này; và; mày, không được quyền phản kháng! Do đó, mọi con người, nên luôn luôn thủ thế, cho khỏi bị đau đòn. Lâu dần, rồi thành thói quen khó bỏ. Lối ngồi mọi rợ này, nó mọi rợ… như đất nước này!!  “Cóc nhảy, cóc nhảy…”, chó đẻ và muôn năm!!!

- Thôi, cho qua chuyện dĩ vãng. Nói thêm buồn mấy ngày Tết… Này, Thằng Hảo, làm bữa tiệc chiều nay, mời vợ chồng con cái tao, gọi là “tiễn đưa về Mỹ”. Mày có đi với tao lần cuối không?

- Thôi, cho tao xin. Tao không đi. Xuống đó, chỉ thấy những điều chướng tai gai mắt của bọn chó dái. Nhưng, mày cần gì phải đi chứ? Mày, đã chứng kiến những gì đã xẩy ra tuần trước!

- Tao phải đi! Tao còn muốn có những cái nhìn xác thực hơn, để trải lên trang giấy. Bực bội hay không là do cái Tâm của mình. – Tạo ngẫm nghĩ, đoạn nói – Hồi nãy, trước khi lại đây, tao đến nhà ông bác, rủ thằng Biên cùng đi. Mày cũng biết, ở thị trấn này, ai chả biết ổng là tu sĩ.

Khi tao đến, ổng bảo: “Sao cháu ăn mặc xuề xòa thế? Thằng Hảo, dù sao cũng là bác sĩ’”.

Vừa khi ấy, một chiếc Toyota mới toang, đỗ xịch, cách nhà ổng ba căn, một bà Việt kiều sang trọng bước xuống xe. Ông nói: “Đó mới là Việt kiều!”. Tao nhìn qua mới biết là mụ Tú, sống cùng thành phố. Mụ quậy cả thành phố ở bên đó tung hê, ai ai cũng biết. Mụ sống nhiều nhân ngãi, non vợ chồng, bằng cách mở nhà hàng. Sau này, nhà hàng mụ ế nhê, để câu khách, ông nào vô uống bia muốn rờ mó mụ sao chẳng được. Bởi thế, mụ đi bơm vú thường xuyên cho khỏi xệ nhanh. Tao cũng chẳng muốn kể dài dòng chuyện của mụ cho ông bác nghe; tao biết ông ấy không tin. Tao chỉ nhỏ nhẹ thưa:

“Bác ạ. Thằng Hảo là bác sĩ, bác là tu sĩ, còn con may mắn được bạn bè gọi là văn sĩ, dù nghề tay trái. Mỗi người, chúng ta, được trời ưu đãi dành cho mỗi chữ Sĩ! Và phải biết hành xử chữ Sĩ đúng chỗ. Con người ta hơn nhau là ở chỗ đó…”

Thằng “Mặt sắt” gật gù, kết thúc câu chuyện.

- Ừ. Vậy, mày nên đi, để trải nghiệm đời sống bên này. Khi về bên ấy, viết xong đoản truyện, nhớ gửi tao.

Vancouver, 01/11/1999

© Vũ Đình Kh.

© Đàn Chim Việt

Phản hồi