Tòa lãnh sự Hoa Kỳ gặp nhóm thân hữu Đà Lạt
Ngày 9-5-2008 (ngày chiến thắng Phát xít), ông Kenneth J.Fairfax, Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ cùng một chuyên viên phòng Kinh tế/Chính trị đã từ Sài gòn lên Đà Lạt thăm các cây bút dân chủ Đà Lạt.
Các ông Bùi Minh Quốc, Tiêu Dao Bảo Cự, Mai Thái Lĩnh đã tiếp khách. Ông Hà Sĩ Phu bị đau, không có mặt, nhưng sau đó có thư riêng gửi ông K.J.Fairfax. Cuộc gặp gỡ được mô tả là “rất hữu ích, đã thể hiện sự thân tình, sự tin cậy và thiện cảm muốn giúp đỡ lẫn nhau trong những ý tưởng chung rất cao cả mà nhân dân cả Hoa Kỳ và Việt nam đều mong muốn hướng tới”.
Trong thư gửi ông Tổng Lãnh sự Kenneth J. Fairfax, ông Hà Sĩ Phu viết:
“Chúng tôi là những người cầm bút, hoạt động trong lĩnh vực khoa học và văn học, có một trang Web chung mang tên Thư Viện Hà Sĩ Phu (http://www.hasiphu.com), để trao đổi những Nhận thức và Tư tưởng, nhằm nâng cao DÂN TRÍ, và phát triển một XÃ HỘI DÂN SỰ: làm cho những quan hệ dân sự, những tổ chức dân sự, những hoạt động dân sự sôi nổi và lành mạnh, từ chỗ đang bị coi là bất bình thường sẽ được quen dần để trở nên bình thường, đó là con đường tốt nhất để xã hội được hoạt hoá, lành mạnh và phát triển bền vững.
Trong ý tưởng như một ‘ think-tank’ nho nhỏ như thế chúng tôi rất mong được sự hỗ trợ của quý ngài và bè bạn khắp nơi”.
Cuộc trò chuyện về một Xã hội Dân sự đã lưu ý nhiều đến các quyền và các sinh hoạt tự do tư tưởng, tự do báo chí, tự do thể hiện quyền làm chủ đất nước của dân chúng, và tấm gương Nhà nước phúc lợi của các nước theo con đường Dân chủ Xã hội.
Ngày 28-5-2008, một ngày trước Cuộc đối thoại nhân quyền thường niên Việt- Mỹ năm nay sẽ diễn ra tại Hà nội, ông Hà Sĩ Phu đã trả lời phóng viên Gia Minh đài RFA. Cuộc phỏng vấn này đã được phát trong chương trình 6h30 sáng ngày 30.5.2008.
Dân trí, xã hội dân sự và Dân chủ
Ông Hà Sĩ Phu: Chúng tôi nghĩ rằng sự nghịêp dân chủ hóa và phát triển đất nước là sự nghiệp dài và lớn, thế thì khởi đầu mình phải đi từng bước căn bản và khiêm tốn thì mới đến đích được. Mình phải phân biệt, chúng tôi luôn phân biệt cái mục đích cuối cùng vớí bước đi ban đầu. Buớc đi ban đầu mà chúng tôi cho là thích hợp là phải phát triển dân trí. Nói về dân trí thì thường có ý kiến hiểu lầm coi là nói tới dân trí thì cù cưa, tức là chờ dân trí bao giờ tốt thì lúc bấy giờ ta mới làm các biến đổi. Nhưng không phải thế, mà ta phải tích cực nâng cao dân trí bằng tất cả mọi sức lực của mình. Và trong cái đó thì cũng phải có sự dũng cảm, thông minh và tranh đấu chứ không phải dân trí là một khái niệm bị động để chờ cho dân trí cao, mà chính chúng ta phải chủ động bằng các sinh hoạt để đưa dân trí lên.
Dân trí đây không phải là bằng cấp, cũng không phải là học thức, mà nó chính là một trình độ hiểu biết, một cái tâm lý, một cái khát vọng, một cái dũng cảm của người dân có trách nhiệm với đất nước, đối với xã hội.
Thứ hai nữa, dân trí để làm gì? Trước hết để xây dựng một XÃ HỘI DÂN SỰ. Nước Việt Nam mình do điều kiện chiến tranh là một, hai là cũng do điều kiện là có một Ý thức hệ ảo tưởng và nó mang sự áp đặt. Do những yếu tố đó nó làm cho xã hội dân sự gần như là bị triệt tiêu. Tôi nghĩ rằng (bây giờ) toàn dân đều phải góp sức vào đấy (xã hội dân sự).
Có rất nhiều điều các nước họ làm rất bình thường, nhưng ở nước mình thì cứ bị cấm kỵ và coi là bất bình thường. Phái đoàn Mỹ họ còn nói rằng các ông đi sang nước tôi các ông có thể gặp cả các người vẫn phê phán chửi bới chính quyền chúng tôi, chúng tôi đâu có ý kiến gì. Nhưng mà ở Việt Nam thì sự gặp gỡ đó vẫn còn là cấm kỵ đó.
Cái sinh hoạt biểu tình là biểu lộ quyền làm chủ của nhân dân đối với đất nước thì đối với các nước văn minh rất là bình thường, ở Pháp, ở Anh, ở Mỹ quá bình thường, nhưng mà mình thì vẫn còn kiêng lắm, kiêng tới mức độ không dám dùng chữ biểu tình, lại bảo rằng “khiếu kiện đông người”.
Khi đã có xã hội dân sự bình thường rồi thì ta mới có thể tính đến các việc khác được!
Người Mỹ giúp được gì?
Gia Minh: Nhưng thưa ông, nếu như phía Việt Nam vẫn kiêng dè và chưa cho mọi người tự đứng ra để thành lập các tổ chức dân sự, vậy theo ông thì phía bên Hoa Kỳ họ sẽ giúp được như thế nào?
Ông Hà Sỹ Phu: Tôi nghĩ rằng trước hết việc đó thì phía Việt Nam phải cố gắng, vì đó chính là việc của anh (người Việt Nam),đấy cũng là một cuộc đấu tranh, đấu tranh giữa cái đúng và cái không đúng, đấu tranh giữa cái tiên tiến và cái lạc hậu, tức là việc phải đấu tranh chứ đâu phải anh thụ động, anh chờ cho tới bao giờ? Chờ nhà nước cho làm rồi anh mới làm, không cho làm thì anh ngồi chờ đấy, hoàn toàn không phải như vậy.
Thế nhưng mà các nước đều có thể giúp được, trong đó Mỹ là một trong những trung tâm văn minh, một đỉnh cao văn minh, tuy rằng còn có cái này cái khác , nhưng mà rõ ràng cũng là một đỉnh cao văn minh rồi, thì Mỹ hoàn toàn có thể giúp Việt Nam được.
Cho nên lấy ví dụ như thế này, Mỹ có thể giúp bằng cách thứ nhất như là đưa việc dịch thuật, lý luận, hoặc là đưa các phái đoàn về khoa học, về văn hoá để sang hợp tác và khuấy động tình hình (xã hội dân sự) lên. Thứ hai cũng không loại trừ cái khả năng mà ta gọi là “sức ép”.
Tất nhiên nói điều này thì nhà cầm quyền không thích lắm, nhưng tôi nghĩ thực chất nó là “sức ép” thôi. Tôi lấy ví dụ trong khi làm việc về kinh tế hay là những cái hợp tác khác thì phải gắn liền với phát triển xã hội dân sự, tức cũng nói luôn cả quyền công dân (dân quyền), quyền con người (nhân quyền).
Khi mà nói vấn đề này thì trước đây tôi đã bị phía công an căn vặn rất nhiều và họ cho là ý đồ xấu, lại “vận động Hoa Kỳ gây sức ép với ta”. Nhưng tôi nghĩ cái chuyện gây sức ép trên đời này là rất bình thường, gây sức ép để làm những việc tốt thì tôi nghĩ chả có gì là xấu cả.
Lại nếu mà nước Mỹ muốn làm cái trách nhiệm dân chủ, thì không phải chỉ gắn bó với nhà cầm quyền mà phải gắn bó với dân! Hai nhu cầu rất khác nhau của Mỹ là: nhu cầu của nước Mỹ muốn làm ăn buôn bán với các nước thì phải gắn chặt với người cầm quyền, nhưng mà muốn làm vai trò dân chủ thì phải gắn chặt với các tổ chức dân sự, với các tổ chức phi chính phủ và với dân chúng !.
Gia Minh: Cảm ơn ông Hà Sỹ Phu đã dành cho chúng tôi cuộc nói chuyện vừa rồi.
Ông Hà Sỹ Phu: Cảm ơn Gia Minh.
(Nhóm Thân hữu ĐàLạt biên tập, dựa theo ghi âm của đài RFA)