WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Nam Bắc Phân Tranh Sau 1975 [3]

Thuyền nhân Việt Nam tại trại tị nạn Hồng Kông (nguồn internet)

(Tiếp theo kỳ trước) Không quen thuộc với pháp luật và luật lệ của trại nhưng người miền bắc quen thuộc với kỷ luật của đầu gấu, của mafia.

Trong các trại cấm (closed camp) ở Hồng Kông, trại Whitehead (Đầu Bạc) là trại lớn nhất chứa gần 30,000 người, trong đó đại đa số là thuyền nhân miền bắc. Dĩ nhiên thuyền nhân hai miền được cho ở riêng có hàng rào và các con đường ngăn cách xa nhau. Trong khu miền nam tôi không nghe nói có đầu gấu hay du đãng, ăn cướp.

Tình hình ở khu vực thuyền nhân miền bắc thì trái lại: các đầu gấu hoàn toàn cai trị. Đây là một nét rất đặc thù của cộng đồng thuyền nhân miền bắc. Chính bởi thế, tôi nghe nói, trong trại miền bắc rất là ngăn nắp, kỷ luật và sạch sẽ, cái ngăn nắp, kỷ luật của một chế độ độc tài. Trong khi trại miền  nam thì rất là vô tổ chức và rác rến vứt bừa, bản chất của chế độ dân chủ. Trại có trả một trợ cấp nhỏ cho một số thuyền nhân làm lao công dọn vệ sinh hàng ngày. Nói về kỷ luật và sạch sẽ thì cảnh sát rất thích trại miền bắc. Tại những trại đó thuyền nhân không nghe lệnh đầu gấu thì nhừ đòn.

Các người miền bắc đi làm việc cho trại như thông dịch, giáo viên, vệ sinh viên v…v. đều phải đóng góp cho ban lãnh đạo thuyền nhân là các đầu gấu. Các thuyền nhân buôn bán trong trại cũng phải nạp “thuế” cho đầu gấu. Tại trại của người miền nam thì tuyệt đối không có tình trạng đầu gấu cai trị và thu thuế như thế. Đối với người miền bắc họ thấy việc điều hành trại như thế là bình thường. Một chú em đầu gấu miền bắc thuật với tôi như vậy và nói rằng, “Em hỏi anh nếu không thu tiền như thế thì làm sao trả lương cho những thằng trật tự trong trại.” Trái lại trại miền nam không cần có “trật tự viên”. Vì là đầu gấu điều hành trại nên mọi sinh hoạt đều phải theo lệnh họ. Một khi họ hô biểu tình là tất cả phải tham gia. Nhưng đã là đầu gấu cai trị thì dĩ nhiên có tình trạng bạo động tranh dành quyền lực. Tình hình đầu gấu và bạo động tràn lan trong khu  vực của thuyền nhân miền bắc được mô tả trong hai bản tin dưới đây:

Trong bản tin Cảnh sát Hông Kông bố ráp trại tị nạn (Hong Kong Police Raid Refugee Camp) đăng trên tờ The Washington Post ngày 30 /12/1989, “phát ngôn viên chính phủ Timithy Li cho hay cảnh sát đã bắn hơi cay sau khi thuyền nhân Việt nam nổi lửa đốt các chăn mền và ném đá để ngăn cản không cho lục soát các vũ khí tự chế. Cảnh sát cho hay 27 thuyền nhân bị bắt cùng với hơn 700 vũ khí bị tịch thu”. Một cộng đồng biết thượng tôn luật pháp sẽ không ngăn cản cảnh sát trong hoạt động ngăn ngừa tội phạm như trong bản tin.

Bản tin ngày 20 /2/1990 cũng của tờ The Washington Post loan tải, “truyền hình chiếu cảnh cảnh sát trang bị mũ bảo hiểm và khiên,  bắn hơi cay và người ta có thể thấy khói bốc lên từ những đám cháy quanh trại. (www.korchinatnc.com/HongKong) Khi đêm xuống, ….Các nhóm băng đảng thuyền nhân người Việt  thù địch nhau, nhiều người  từng trải qua nhiều năm chiến đấu trong quân đội, tập trung tại những khu vực riêng. Quanh trại vang lên tiếng mài bén các thanh kim loại thành các thanh kiếm và xà mâu (spears) dài, kiểu thời trung cổ. Ngày càng có bạo động hàng đêm.” Đọc bản tin thì không thấy nói gì tới người miền bắc hay miền nam mà chỉ đề cập tới người Việt nói chung. Nhưng những ai đã ở trong trại tị nạn Hồng Kông trong thời gian đó khi đọc bản tin này đều biết ngay đây là những trại của người miền bắc.

Trong một lần một phái đoàn khoảng hơn một chục cô thầy giáo người miền bắc từ trại tị nạn Whitehead sang thăm (giao lưu) có ở qua đêm tại trại Tai A Châu của người miền nam chúng tôi, các cô thầy miền bắc được đi lại thoải mái trong trại, kể cả ban đêm ra bãi biển mà không sợ hãi điều gì. Các cô thầy ngạc nhiên thích quá buột miệng, “Các anh chị ở trại này thích quá. Ở trại của chúng em không thể an ninh như thế này!”

Trong một lần khác đi cùng với phái đoàn giáo chức miền nam ở trại miền nam Tai A Châu sang thăm trại White Head của người miền bắc. Khi vừa tới trại, đoàn được dự một cuộc thuyết trình ngắn cho biết tình hình an ninh ở trại đó không được bảo đảm. Đoàn được ban quản trị trại dặn dò cẩn thận là không được lang thang vào trong trại dù là có gặp người quen. Lang thang vào trong trại có thể gặp nguy hiểm bởi đầu gấu. Đoàn chỉ được ở quanh quẩn nơi phòng dưỡng bệnh của bệnh xá thôi. Nghe vậy mọi giáo chức trong đoàn đều ớn lạnh. Khi vào phòng ở trong khu  bệnh xá, tôi thấy có một thanh niên duy nhất và được bệnh xá giới thiệu là người trông nom khu vực này.

Tôi chợt nghĩ ngay tay này cũng phải là một đầu gấu có hạng đây. Anh ta sống sung túc. Có đầy đủ máy hát, loa, đài, những cái vào thời đó và nhất là trong trại tị nạn là thứ rất xa xỉ. Như vậy anh ta phải kiếm được khá nhiều bổng lộc với tư cách một trong các đầu gấu có hạng. Buổi tối, ngồi quây quần trên giường anh ta nói chuyện. Tôi vờ hỏi anh ta ở đây một mình không sợ đầu gấu sao thì anh ta liền nhấc tấm nệm ngay dưới chỗ anh ta ngồi để khoe hai thanh kiếm nhọn, lưỡi cong, dài khỏang 1 mét, anh ta nói, “Em phải có cái này đấy chứ!” Sau đó anh ta vừa vấn điếu thuốc vừa hỏi chúng tôi có dùng không. Các cô thầy giáo trong đoàn sợ quá. Tôi vội chồm lên với tay lấy điếu thuốc đưa lên miệng rít một hơi. Ém khói hẳn hoi. Xong rồi từ từ nhả khói ra. Tỏ vẻ đê mê. Thực ra đây là lần đầu tiên tôi thử sì ke nên chẳng thấy hương vị gì cả: Không phê mà cũng không một chút khó chịu. Nhưng tôi giả là một tay chơi, gật gù nói với anh ta, “Đã quá! Lâu lắm mới có cái này đây!” Các cô thầy giáo trong đoàn nhìn cách cư xử giang hồ của tôi phục lắm.

Một hôm tôi và mấy người bạn ngượng muốn độn thổ khi một thiện nguyện viên người Âu châu tới làm việc ở trại thuật với chúng tôi rằng hôm trước cô ta tới làm thiện nguyện  ở trại miền bắc, mấy thuyền nhân cũng quấn quít lấy cô ấy rồi bất chợt có một thuyền nhân giựt sợi giây chuyền vàng của cô ta đeo ở cổ chân. Đứng quanh cô ấy rất đông người mà không một ai can thiệp. Tội phạm ở trại của người miền bắc có tính cách tập thể như vậy.

Trại của người miền bắc hoàn toàn khác trại của người miền nam.
So sánh với trại miền nam, trại miền bắc có sự khác biệt lớn:

-Trại miền bắc hoàn toàn do đầu gấu cai trị và dĩ nhiên bằng luật giang hồ: Đã tường thuật ở trên.

-Thuyền nhân miền bắc có thể ẩu đả chém giết nhau một cách tập thể chỉ vì một quyền lợi rất nhỏ. Tình trạng bạo động tập thể của những trại miền bắc đã được một số báo tiếng Anh mô tả. Bài báo “Vietnam Refugees Riot in Hong Kong” viết bởi  BARBARA BASLER, đặc biệt cho tờ The New York Times xuất bản ngày mùng 3 tháng 9-1989, viết: “HONG KONG, Sept. 2— Trong cuộc bạo động quan trọng lần thứ nhì trong một tuần lễ, một người Việt nam bị giết ngày hôm nay và 11 người khác bị thương, khởi đầu bởi một cuộc cãi nhau về một món nợ đánh bạc…Cảnh sát tin rằng cuộc bạo loạn ngày hôm nay bắt đầu từ một cuộc cãi vả giữa những người Việt đánh cá kết quả một trận bóng chuyền trong trại. Không ai đứng ra xác nhận danh tánh người bị giết trong cuộc bạo động.” (bài báo này được in trên trang 13 ấn bản ngày mùng 3 tháng 9-1989 của bộ The New York edition)

-Người từng ở trong trại đọc tới câu cuối của bản tin vừa nêu hiểu ngay rằng không ai dám đứng ra xác nhận danh tánh người bị giết vì sợ đầu gấu. Luật của đầu gấu, của mafia mọi nơi là “im lặng tuyệt đối, nếu không thì sẽ bị xử theo luật giang hồ”.

-Trong trại tị nạn của người miền bắc đầy rẫy tội phạm đủ loại.
Trên tờ The Seattle Times xuất bản ngày Chủ Nhật 15 tháng 12-1996, bài “ Hong Kong Camp For Viet Refugees Is Land Of Lives In Limbo” viết bởi Kristin Huckshorn thuộc “Knight-Ridder Newspapers” viết rằng, “HONG KONG

-Một trại tị nạn được điều hành bởi Liên Hiệp Quốc và đông kẻ nghiện hút, tội phạm, kết hôn giả (mail-order brides) và các trẻ em bị bỏ mặc (neglected children) đã trở thành một di sản xấu xa (an ugly legacy) của truyện dài (saga) thuyền nhân người Việt…Đó là trại the Pillar Point. Bài báo viết tiếp: “ Thực ra, những người tị nạn, hầu hết là người miền bắc, đã liên tục bị từ chối cho đi định cư trong 8 năm qua, hầu hết vì án phạt nghiện hút hay tội phạm hình sự từ tội trộm cắp nhỏ cho tới sát nhân. Liên Hiệp Quốc và các quốc gia khác thường ngăn cấm chấp nhận cho đi định cư những thành phần này…Hơn 90 phần trăm những người tị nạn đàn ông nghiện hút, hầu hết là những người dùng heroin. Những người khác là thành viên băng đảng và buôn ma túy. Hầu hết những người này được hưởng qui chế tị nạn trước giữa năm 1988, khi mà tất cả các thuyền nhân Việt Nam khi tới nơi thì tự động được qui chế tị nạn… Thực sự ra trại này (Sek Kong) đầy bạo động và tội phạm. Nhân viên an ninh đi tuần suốt ngày, liên lạc với nhau qua máy bộ đàm cá nhân. Cảnh sát Hồng Kông thỉnh thoảng bố ráp các căn nhà với lệnh toà để tìm ma túy.

-Trại miền nam cũng có du đãng, nhưng du đãng miền nam khác đầu gấu miền bắc rõ ràng nhất ở điểm họ không được gia đình, bà con hay lối xóm hỗ trợ, vì vậy họ ít hơn, yếu hơn, bị tách rời khỏi cộng đồng và không có khả năng cai trị cộng đồng, do đó không gây được tội phạm tập thể như đầu gấu miền bắc. Trong bản tin của tờ The Washington Post ngày 30 /12/1989 trích dẫn ở trên, “…cảnh sát đã bắn hơi cay sau khi thuyền nhân Việt nam nổi lửa đốt các chăn mền và ném đá để ngăn cản không cho lục soát các vũ khí tự chế.” Nội dung này cho thấy gia đình và cộng đồng miền bắc đã hỗ trợ, và bảo vệ các đầu gấu qua
hành động phi pháp là ngăn cản cảnh sát trong công tác truy lùng vũ khí để
phòng ngừa tội phạm. Tình trạng này không thể có được ở cộng đồng thuyền nhân miền nam.

-Điểm khác biệt nữa giữa hai cộng đồng là trong cộng đồng người miền nam có một tập thể tương đối trí thức, so với các thành phần khác, được cộng đồng tương đối kính trọng, chấp nhận vai trò hướng dẫn cộng đồng, đó là tập thể các cựu quân nhân Việt Nam Cộng Hòa. Dưới sự lãnh đạo của thành phần này thì du đãng không thể tự tung tự tác như các đầu gấu trong trại miền bắc.

-Và một điểm khác biệt quan trọng là người miền nam tương đối quen sống với tinh thần thượng tôn luật pháp hơn. Luật pháp xã hội chủ nghĩa hòan toàn khác với luật pháp phương tây đã được áp dụng tại  miền nam cho nên người miền bắc không có tinh thần thượng tôn luật pháp. Người miền bắc hành động theo cảm tính nhiều hơn, điều gì thấy có lợi cho bản thân là họ làm, bất kể cái hại cho cộng đồng.

Tình trạng tội phạm ở trại của người miền nam.

Bạo động, tội phạm v…v. là một hiện tượng xã hội ở mọi nơi, mọi thời, mọi sắc tộc. Nhưng tuỳ từng nền văn hoá mà hiện tượng đó có hình thái và mức độ khác nhau. Trại miền nam cũng có du đãng (miền bắc gọi là đầu gấu), nhưng hoạt động của du đãng miền nam có mức độ hạn hẹp hơn đầu gấu miền bắc rất nhiều.

Vụ hành hung người lớn nhất ở trại miền nam mà tôi biết là vụ xảy ra ở trại Tai A Châu một cựu đại úy hiệu trưởng trường trung  học của trại bị du đãng đánh trọng thương và sau đó được đưa đi trại khác để bảo vệ an ninh.

Cũng có vụ xung đột giữa thanh niên người Việt gốc Hoa và thanh niên miền nam, và một vụ xung đột với cảnh sát bị cảnh sát bắn lựu đạn cay khoảng 15 phút. Tất cả tình trạng bạo động trong trại miền nam chỉ ở mức độ như vậy chứ không lan rộng sang bạo động tập thể, kéo dài hay không có trấn lột, cướp bóc, hãm hiếp và nhất là không có giết người.

Tham gia giải quyết những bạo động nhỏ và có tính cách cá nhân như thế để ngăn ngừa các bạo động tập thể trầm trọng có sự đóng góp của những người thuộc thành phần thuyền nhân lãnh đạo trại, trong đó cũng có khi có sự đóng góp của tác giả bài viết này.

Xin kể sơ hai ví dụ. Trước khi gia đình tôi được chuyển trở lại trại Tai A Châu sau khi trại này được xây cất xong, một số thanh niên miền nam và thanh niên Việt gốc Hoa ra ở trước đã xung đột với nhau khiến một tu sĩ trẻ phật giáo người miền nam bị gẫy tay. Khi gia đình tôi được chuyển ra đó, thì ngay buổi tối, một nhóm thanh niên miền trung (miền nam) khoảng 20 người, người lớn nhất khoảng trên 30 tuổi (nay tôi quên tên rồi), mời tôi sang khu họ ở là Khu D, trên tầng 3 của một trong các dẫy nhà ghép bằng sắt. Họ trình bày tình hình trong thời gian trước khi tôi tới và nói rằng “Chúng em có nghe anh sẽ qua nên chúng em chờ anh đây!” Người thanh niên ngoài 30 tuổi trưởng toán nói thêm, vũ khí chúng em đã chuẩn bị sẵn rồi. Họ muốn tôi đồng ý và lãnh đạo (?) một trận “quyết đấu” với thanh niên Việt gốc Hoa.

Tôi hơi ngạc nhiên tại sao họ lại trông chờ tôi để quyết định một chuyện thế này. Tôi chưa bao giờ chỉ huy bạo động trong trại. Tôi cũng chưa bao giờ xúi ai  hay nhóm nào bạo động. Nhưng lực lượng của nhóm thanh niên miền trung này tôi biết hết nên không có gì phải lo ngại. Tôi phải giải thích với nhóm thanh niên là “chúng mình là người miền nam đi tị nạn chính trị. Nếu chúng mình đâm chém nhau thì đều mang hình ảnh xấu hết và sẽ không ai cho mình đi tị nạn chính trị nữa. Mọi chuyện đối với thanh niên Việt gốc Hoa anh em hãy để tôi xử trí. Chuyện xích mích giữa hai bên phải chấm dứt.” Sau đó tôi gặp mấy thanh niên có uy tín của người Việt gốc Hoa bảo họ ngăn chặn không cho thanh niên Việt gốc Hoa chặn đường đánh thanh niên miền nam là xong. Trường hợp tương tự nếu xảy ra trong trại miền bắc thì chắc chắn sẽ có quyết đấu một mất một còn ngay.

Khi hoạt động cộng đồng, có những lúc vì cộng đồng mình phải kìm hãm tự ái cá nhân để nhịn nhục, tạo dĩ  hoà vi quí. Trong trại có chương trình giáo dục phổ thông và cơ sở trường học khang trang từ lớp 1 tới lớp 12 do thuyền nhân điều hành, Liên Hiệp Quốc tài trợ. Liên Hiệp Quốc cũng tài trợ một chương trình dậy tiếng Anh cho người lớn.

Tôi và anh bạn trung úy Nguyễn Cửu Hùng, hiện ở Nam Cali là hai người xây dựng nên chương trình với sự yểm trợ và chỉ đạo của một ủy viên giáo dục người Mỹ tên là Paul thuộc cơ quan tị nạn Liên Hiệp Quốc . Chương trình có tới 700 học viên và gần 15 giáo viên thuyền nhân do hai chúng tôi tuyển chọn. Lúc lập chương trình thì không ai biết cách lập, nhưng khi chương trình chạy xuông sẻ thì lập tức có kẻ tới tranh dành. Chuyện thường tình ở mọi nơi, mọi thời. Một hôm tôi, anh Hùng và ông Paul đang họp thì một người tị nạn Việt gốc Hoa, nghe nói trước kia là cựu thông dịch viên của lực lượng đặc biệt Mỹ tự động tới ngồi cùng bàn. Lại nghe nói anh ta giỏi võ nữa chứ.

Trong trại thì ai cũng biết nhau nên chuyện đó không có gì là lạ. Trong lúc chúng tôi vừa dừng bàn thảo thì anh bạn thông dịch viên gốc Hoa này xin phát biểu ý kiến. Anh ta nói rằng, “Chúng tôi là người Việt gốc Hoa, ở trong trại cũng đông, chúng tôi không muốn chịu sự chỉ huy của người Việt trong chương trình này.” Nghe vậy, ba người chúng tôi chưng hửng. Ông “xếp” Paul của chúng tôi mặt hơi xanh nhìn anh thông dịch viên như không hiểu anh ta nói gì. Anh trung uý Hùng bạn tôi, nhị đẳng thái cực đạo, cũng ngạc nhiên nhìn anh bạn người Hoa sững sờ luôn. Riêng tôi, sau khoảng 15 giây ngạc nhiên, tôi ôm chầm lấy vai anh người Hoa và bảo với “xếp” Paul, “Anh này là bạn thân của tôi. Anh ta giỏi lắm. Tôi nghĩ ông nên trao chương trình này cho anh ta.” Đến lượt Paul lại không hiểu tôi muốn nói gì. Nhưng 5 giây sau có lẽ Paul hiểu nên bảo anh ta là ông ấy sẽ mời anh ta gặp ông ấy tại văn phòng vào tuần tới. Mọi chuyện vui vẻ. Anh người Hoa ra về.
Cuộc họp kết thúc. Hơn tuần sau gặp lại anh người Hoa, tôi  hỏi anh ấy đã gặp ông Paul chưa thì anh ấy cho biết không hiểu sao chưa thấy ông Paul gọi. Tôi nghĩ thầm, “Paul là tôi đây này chứ Paul nào! Chẳng bao giờ anh được gọi đâu!” Hôm họp, sau khi anh người Hoa đi, Paul hỏi tôi sẽ đối xử với anh ta ra sao thì tôi nói gọn, “Ông hãy quên anh ta đi! Anh ta sẽ chẳng bao giờ dám lên văn phòng đòi gặp ông để yêu sách nữa đâu.” Nếu tình huống này xảy ra tại trại miền bắc thì diễn biến và kết thúc sẽ hoàn toàn khác, không êm thắm như thế này.
(Kỳ tới: Thuyền nhân miền nam phục thù thuyền nhân miền bắc: 18 người thiệt mạng)

© Đàn Chim Việt Online 2010
____________________________
Ghi chú: danh từ “Người miền bắc” trong loạt bài này chỉ những người bắc còn ở lại Hà nội sau năm 1954 và những người vào miền nam sau ngày 30-4-1975, kể cả con cháu họ, cho dù sinh trưởng tại miền nam sau đó.

Phần trước:

Nam Bắc phân tranh sau 1975 [1]
Nam Bắc phân tranh sau 1975 [2]

Phần sau:

Nam Bắc phân tranh sau 1975 [4]
Nam Bắc phân tranh sau 1975 [5]
Nam Bắc phân tranh sau 1975 [6]

Phản hồi