WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Thương Hạnh lắm

Một cháu như vậy là có hai người kèm theo, tay còng. Hai đứa kia đi thì cũng bình thường mà cái mặt lầm lì, còn riêng bé Hạnh thì nghinh cái mặt lên, cái mặt con Hạnh nó nghinh lên trời, nó coi trời bằng vung, nó trề môi, nó bĩu môi, nó khinh bỉ”

Trên đây là lời kể chân thực của bà Ngọc Minh trên đài phát thanh Á Châu Tự do về phiên tòa ngày 18 tháng 3 năm 2011 tại Trà Vinh.

Lời kể nghe như khúc bi tráng ca hào hùng rung động lòng người, như hiện lên bức tranh uy phong lẫm liệt về một người con gái Việt Nam, tạc vào thế kỷ.

“Hai người kèm theo” là hai công an, “Hai đứa kia” là Nguyễn Hoàng Quốc Hùng và Đoàn Huy Chương, “Bé Hạnh” là Đỗ thị Minh Hạnh. Bà Ngọc Minh là thân mẫu bé Hạnh.

Suốt mấy thập niên cuối của thế kỷ trước, Đài Tiếng nói Việt Nam ngày đêm “tạc” vào không gian bài “Dáng đứng Việt Nam”. Đấy là một ca khúc phổ thơ Lê Anh Xuân.

Tôi vốn yêu và rất thương nhớ Ca Lê Hiến ( tên thật của nhà thơ Lê Anh Xuân ). Những năm cùng học Đại học Tổng hợp Hà Nội, Hiến khoa Sử, tôi khoa Vật lý, chúng tôi cùng trong ban nhạc của trường, thường cùng ôm đàn đi biểu diễn đó đây, thường đọc thơ cho nhau nghe mỗi khi gặp ở ký túc xá. Tuy nhiên, nghe bài “Dáng đứng Việt Nam” tôi khó chịu quá. Khó chịu vì xấu hổ. Bài hát đòi “tạc vào thế kỷ” cái dáng đứng của một người chết cháy trên sân bay Tân Sơn Nhất, dưới chân chỉ có đôi dép cao su. Mà bảo rằng, đó là cái “Dáng đứng Việt Nam”!

Thật không còn sự bôi nhọ dân tộc nào đáng chê trách hơn thế. Không có cái gở miệng nào đáng phàn nàn hơn thế!

Quả nhiên, sau 1975, Việt Nam tiếp tục nghèo khổ, tiếp tục tụt hậu xa hơn so với thế giới và e rằng lại đang có dấu hiệu chẳng lành.

Bức tranh trên kia thì xứng đáng tạc vào thế kỷ 21 cái dáng đi oai phong của một người con gái Việt Nam thông minh, quả cảm, bất khuất cường quyền. Nó tương đồng bức tranh của Nguyễn Công Trứ tạc dáng người trí thức Việt Nam anh hùng đạp lên vương đế:

“Một chiếc cùm lim chân có đế Hai vòng xích sắt bước thì vương”

Cách đây bẩy năm, Hạnh đến nhà tìm gặp tôi. Khi ấy Hạnh 19 tuổi. Một cô gái 19 tuổi mà lặn lội suốt chặng đường ngót hai ngàn cây số tìm đến nhà một người chưa hề quen biết, không được ai giới thiệu. Tôi tặng Hạnh hai tập sách chính luận của tôi: “Khát vọng ngàn đời” và “Suy tư và Ước vọng”. Hai hôm sau, Hạnh quay lại kể: hôm Hạnh từ nhà tôi ra, giữa đêm, công an đập cửa phòng khách sạn khám xét, cầm sách của tôi đập vào mặt Hạnh quát: “Không được đọc sách này. Không được quan hệ với tên phản động, gián điệp này nghe chưa!”.

Thế mà …  Hạnh lại vẫn xin tôi mấy cuốn khác.

Tôi mời Tuệ Minh đến cùng ăn cơm với Hạnh. Ít lâu sau Tuệ Minh nói với tôi rằng Tuệ Minh yêu Hạnh. Tuệ Minh ( * ) trắng trẻo, cao ráo, đẹp trai nên tôi cho rằng Hạnh không được xứng đôi lắm. Vậy mà, hình như đây chỉ là tình yêu đơn phương. Mấy hôm nay nhắc lại chuyện cũ tôi mới được nghe nhận xét của vợ tôi: “Hạnh nó xinh chứ. Đôi mắt rất đẹp và trong sáng”.

Bây giờ trong sổ của tôi vẫn còn mấy dòng chữ của Hạnh ghi địa chỉ cư trú và email, nhưng đã lâu, không thấy Hạnh liên hệ với tôi nữa. Nghe đâu Hạnh bị bố mẹ “quản thúc” ở nhà. Cũng có tin cho biết, Hạnh nghi ngại nên đã lánh tôi vì bị một vài người đấu tranh dân chủ tuyên truyền rằng tôi là công an ngầm từng báo cho công an đến khách sạn dùng sách của tôi làm tang chúng để bắt Hạnh!

Mãi gần đây tôi mới được biết tin về Hạnh qua mấy bài viết trên trang mạng “Dân làm báo”:

“Hạnh sinh vào ngày 13 tháng 3 năm 1985 tại Di Linh, Lâm Đồng. Lớn lên ở vùng núi đồi cao nguyên, Hạnh là người con hiếu thảo, một người bạn được mọi người quý mến và một học sinh giỏi.

Trên con đường ấy, cô gái sinh viên 19 tuổi đã tìm đến gặp gỡ những công dân Việt Nam khác không cùng suy nghĩ với cách cai trị và nắm quyền của đảng và nhà nước đương thời.

Một năm sau, vào những ngày lập xuân, khi người người chào đón mùa xuân mới, Hạnh nếm mùi vị “Tết tù” đầu tiên của một công dân nước CHXHCNVN. Công an Hà Nội đã bắt giữ trái phép Hạnh trong nhiều ngày. Không một lý do chính đáng. Không một luật lệ nào cấm hay nêu rõ Hạnh không được phép gặp công dân A hoặc công dân B của nước CHXHCNVN. Chỉ tùy tiện bắt giam, thẩm vấn, tra hỏi và sau đó giam lỏng theo cái gọi là áp giải về địa phương để địa phương quản lý.

Mùa xuân ấy là mùa xuân năm 2005. Hạnh – Đỗ Thị Minh Hạnh vừa tròn 20 tuổi.

Những ngày bị công an của đảng tròng một sợi dây thòng lọng vào cổ, Hạnh chăm sóc gia đình như một người con hiếu thảo. Khi sợi dây thòng lọng được nới rộng một chút, Hạnh về lại Sài Gòn để vừa đi học, vừa đi làm và… vừa giúp dân oan.

Hạnh đã đến, đứng vào hàng ngũ và sánh vai chiến đấu với những người Dân Oan Việt Nam trong lúc sợi dây thòng lọng của đảng quang vinh và vĩ đại vẫn lơ lửng trên đầu. Đây cũng là thời gian Đỗ Thị Minh Hạnh gặp Nguyễn Hoàng Quốc Hùng.

… Tháng 01/2010 Đỗ Thị Minh Hạnh, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng cùng với Đoàn Huy Chương và những người bạn cùng chí hướng về Trà Vinh để hỗ trợ cho các công nhân nhà máy Mỹ Phong. Trong các ngày từ 29/01 đến 01/02/2010, hàng vạn công nhân nhà máy Mỹ Phong – Trà Vinh đã đồng loạt đình công sau khi một số công nhân nữ bị xúc phạm nhân phẩm và bị bóc lột nặng nề. Sau đó, các cuộc đình công khác tiếp tục nổ ra trên khắp các tỉnh thành, kéo dài 7 ngày liên tục.

Gần 2 tháng sau, tập đoàn “đại diện cho giai cấp công nhân” ra lệnh lực lượng “công an còn đảng còn mình” bắt giam Hạnh và Hùng sau khi đã bắt giam Đoàn Huy Chương. Nguyễn Hoàng Quốc Hùng bị đánh đập gãy sống mũi, tra tấn tại một nhà giam bí mật tại Sài Gòn. Sau 7 ngày bị tra tấn, khi Hùng vẫn kiên cường không khai bất cứ điều gì, công an áp giải anh về trại giam B14 – Nguyễn Văn Cừ. Đỗ Thị Minh Hạnh cũng bị đánh đập, bỏ đói và tra khảo.

Ngày 26 tháng 10 năm 2010 trong một phiên toà vội vã, không luật sư, không nhân chứng, toà án tỉnh Trà Vinh của đảng CSVN chớp nhoáng tuyên án xử tội những thanh niên thiếu nữ đã đứng lên vì quyền lợi của Dân Oan – những người là chủ của đất nước và Công Nhân – giai cấp tiên phong của đảng. Hạnh 7 năm tù. Hùng 9 năm tù. Chương 7 năm tù.

Trước vành móng ngựa của các quan tòa thực dân đỏ cộng với đám công an dày đặc, Đỗ Thị Minh Hạnh, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, Đoàn Huy Chương đã tự làm luật sư bào chữa chính mình, hiên ngang bày tỏ khí phách can trường của những công dân yêu nước và nắm trong tay chính nghĩa dân tộc”.

Luật sư Đặng Thế Luận quả quyết: “Tôi cho rằng họ đã áp dụng pháp luật không chính xác để định tội. Trong bảo vệ của tôi tại phiên tòa, tôi nói là: Nếu hành vi của các bị cáo mà có dấu hiệu của một tội khác thì các bị cáo cần phải được điều tra, xét xử vì điều đó, chứ không thể buộc bị cáo vì một tội danh mà bị cáo không thực hiện.

Tôi đã trình bày rất là rõ ràng mạch lạc. Với trách nhiệm của 1 công dân, với lương tâm nghề nghiệp của 1 luật sư, tôi đã nói trung thực, thẳng thắn những điều mà tôi thấy cần nói tại phiên tòa. Hội đồng xét xử cũng được nghe rất rõ về bài bào chữa của tôi. Thế nhưng bây giờ Hội đồng xét xử vẫn quyết định bản án như vậy thì theo quan điểm của tôi các bị cáo vẫn không phạm tội phá rối an ninh.

Tôi cũng nói rằng nếu các bị cáo có hành vi phạm vào một tội khác – thí dụ như vậy – thì cơ quan pháp luật có quyền khởi tố, điều tra, xét xử họ về tội danh đó, chứ không thể cáo buộc họ về một tội danh mà họ không thực hiện. Quan điểm của tôi trước sau vẫn thế. Về mặt chuyên môn, về mặt luật học là tôi có quan điểm như vậy“.

Thân mẫu Đỗ thị Minh Hạnh phản ứng gay gắt: “Một phiên tòa tôi thấy là bất minh. Và tôi kết luận một câu như thế này: Với tôi là một con người của Cộng sản và tôi tôn trọng chế độ Cộng sản cũng như chấp hành mọi qui định của Cộng sản từ trước đến nay. Hôm nay tôi tuyên bố, tôi không tin vào nhà nước nữa. Tôi không tin vào các cấp lãnh đạo nữa.

Bởi vì đây là chỗ cầm cán cân nẩy mực, là nơi đại diện cho pháp luật tối cao của nhà nước để mà đem lại sự bình ổn cho đất nước, cho nhân dân, đem lại sự công bằng cho nhân dân. Nhưng đây không có sự công bằng thì không xứng đáng lãnh đạo nhân dân“

Khắp nơi nơi: trong nước, ngoài nước, mọi lứa tuổi: già trẻ gái trai, một mặt lên án phiên tòa, chê trách Đảng; một mặt ca ngợi Đỗ thị Minh Hạnh. Dưới đây chỉ chép lại một số trong rất nhiều rất nhiều ý kiến phát biểu trên các trang web:

“Xin tặng Hùng, Hạnh và Chương một triệu đóa hoa. Tôi khâm phục các bạn. Dân tộc Việt khâm phục các bạn. Các bạn không bao giờ cô đơn. Các bạn đang đi vào lòng dân tộc bằng con đuờng cao quý nhất. Vị trí của các bạn trong lòng dân tộc là vị trí trang trọng nhất”.

“Em gái ơi, có lẽ anh không nên nói những điều này ra trước dư luận trong ngày sinh nhật của em. Anh thật không cầm lòng được em ạ. Người anh này căm phẫn và thật đau lòng khi mà không chỉ là một bản án quá khắc nghiệt mà còn là hành động côn đồ bạo ngược của công an ra tay đánh em gái của anh ngay tại phiên tòa sơ thẩm trong giờ giải lao trước mặt thân nhân gia đình”.

Chị Hạnh ơi. Em muốn tặng chị ngàn đoá hoa mừng sinh nhật chị. Mến chị vô cùng. Hãy yên tâm. Tương lai chị sẽ rạng rỡ chị ơi. Khi chị thoát “tù nhỏ”, em sẽ viết thư nhiều cho chị. Nhé ! yêu chị !!! Bạn ở trường em nhiều anh chị cũng muốn gởi lời thăm và chúc mừng chị đó ạ !” (Hoài Anh)

Thật tâm khâm phục và quý trọng những người như em, Hạnh ạ. Dù thành công hay không, nhưng lịch sử sau này sẽ ghi nhớ những người như em, cũng như những Bà Trưng, Bà Triệu, Cô Giang, Nguyễn Thị Minh Khai,….. Họ đều là những anh thư của dân tộc ta. Cầu mong cho em an ổn ở chốn lao tù của bọn bất nhân. Anh tin rằng, với bản án này, em hoàn toàn có quyền tin rằng mình sẽ ra tù sớm, dù không cần lệnh ân xá”.

“Ông, nay đã ngoài 80 xin gửi đến cháu Hạnh sự cảm phục và kính trọng. Cháu Hạnh đúng là hậu duệ vinh quang của các anh hùng dân tộc Nguyễn Thái Học và Cô Giang – Nguyễn Thị Giang. Chắc chắn sau này những thành phố lớn của nước nhà đều sẽ có con đường mang tên của cháu Hạnh. …”.

Ký giả Trần Trung Đạo làm thơ tôn vinh Hạnh như một anh hùng dân tộc:

“Lịch sử đang chờ em để bước sang trang
Dân tộc vịn vai em để đi cùng nhân loại
Những người chết đang bắt đầu sống lại
Những người đi đang lần lượt quay về ”.

Ông Phil Robertson, Phó Giám đốc phụ trách Châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền phát biểu:

“Việc chính quyền Việt Nam, vốn tự nhận là có hệ tư tưởng gắn bó với công nhân, kết án họ ở phiên sơ thẩm đã là một việc tàn nhẫn. Tòa phúc thẩm cần ngay lập tức hủy bỏ quyết định bất công này”.

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Quốc tế xác nhận:

Tất cả những gì mà Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, Đỗ Thị Minh Hạnh và Đoàn Huy Chương làm chỉ là khẳng định quyền của công nhân Việt Nam được tổ chức, nhóm họp và bãi công một cách ôn hòa để đòi tăng lương và cải thiện điều kiện làm việc”.

Riêng tôi, tôi chỉ có thể nghiến răng lại cho nước mắt khỏi trào ra khi đọc dòng tin dưới đây:

“Ngày 23/01/2009, Hạnh cùng mẹ và chị gái đến trụ sở công an để làm lại giấy chứng minh nhân dân. Khi vừa bước vào trụ sở, chị bị nhiều công an bắt lên lầu đánh đập. Nghe tiếng hét, chị gái Hạnh chạy lên thì thấy khuôn mặt em mình đầy máu. Khi cơ quan công an áp giải Hạnh về nhà lục soát, dù đã bị còng tay, nhưng chị vẫn tiếp tục bị hành hung với những cú đấm vào đầu và mặt”.

Nén uất hận, tôi dằn lòng thiết tha kêu gọi những người lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam hãy quan tâm xem xét lại những bản án loại này để chấn chỉnh kịp thời, sửa sai tức khắc.

Hãy cùng suy ngẫm nghiêm túc về những trường hợp như của Đỗ thị Minh Hạnh.

Họ sinh sau 1975, chưa được ra nước ngoài, không hề tiếp xúc với tư bản, với đế quốc, được giáo dục khống chế tư tưởng suốt từ tấm bé dưới mái trường XHCN, được “vây bọc chằng chịt” bởi 700 tờ báo nói, báo viết, báo hình …đủ các loại; vậy mà họ vẫn không bị/được chúng ta chinh phục, vẫn không nghĩ như chúng ta, vẫn không nói theo chúng ta, vẫn không làm như chúng ta muốn họ phải làm (nhưng hợp đạo lý, pháp lý) thì lỗi thuộc về chúng ta, người đáng phải tự xét xử là chúng ta, chứ đâu phải họ.

Cho nên, xin quý vị hãy đừng nhân danh chủ nghĩa, nhân danh lý tưởng này nọ … kể cả nhân danh ổn định xã hội để đối xử bất công, tàn bạo với họ. Nếu thật là các vị không lú lẫn mà chỉ vì lo cho mất ổn định xã hội thôi thì cách xử lý cũng chỉ nên là răn đe, ngăn chặn bằng những cách khác chứ không thể tùy tiện đánh đập, giam cầm để hủy hoại không chỉ thân thể, tinh thần mà cả tương lai của họ.

Tôi năm nay đã 75 tuổi, nếu bản án phúc thẩm đối với Hạnh sẽ không được hủy hoặc sửa đổi tích cực thì không biết tôi có còn cơ hội gặp Hạnh nữa không.

Nếu ngày nào Hạnh được trả tự do mà tôi còn sống thì nhờ những ai đã đọc bài viết này nhắn Hạnh đến dự một bữa liên hoan và nhận một món quà cưới bất kỳ tùy ý cháu đề xuất.

Thương Hạnh lắm. Cầu Trời phù hộ cho cháu, cho đất nước này.

Hà Nội 9 tháng 5 năm 2011

© Đỗ Trường

© Đàn Chim Việt

——————————————————-
Ghi chú:

( * ) Tuệ Minh là bút danh của một học sinh chuyên Toán, đỗ vào khoa Toán Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, nhưng rất mê triết học và lý luận chính trị. Anh tìm đến một cơ quan Triết học của Đảng, không hiểu vì sao người tiếp anh lại cho anh đọc cuốn “ Suy tư và Ước vọng” của tôi. Theo địa chỉ ghi trong sách, cuối 2001 anh đến làm quen với tôi. Một số bài của Tuệ Minh xuất hiện sau đó làm nhiều người phỏng đoán Tuệ Minh hẳn là bút danh hoặc của Hà Sỹ Phu, hoặc của Nguyễn Thanh Giang. Anh là một trong mấy biên tập viên chính của “Điện thư Câu lạc bộ Dân chủ” và có tên trong danh sách ban biên tập đầu tiên của tập san Tổ Quốc. Tôi đã tạo điều kiện để Tuệ Minh tiếp súc với Hà Sỹ Phu và một vài nhà dân chủ khác. Có lẽ vì bị cộng hưởng bởi nhịp tim dân chủ nên vừa gặp Đỗ thị Minh Hạnh anh đã bị hút hồn bởi một thứ “tình yêu sét đánh”. Tuy nhiên, vì tôn thờ dân chủ như một lý tưởng, Tuệ Minh đã lý tưởng hóa các nhà dân chủ, cho nên khi thấy mấy nhà dân chủ “bóc mẽ” nhau quyết liệt quá, anh đã thất vọng và chán nản bỏ cuộc. Tôi chép lại bài thơ sau đây của Tuệ Minh:

KHÁT VỌNG

Như có tiếng thở dài trong lòng ngực núi

Như có vết trũng thâm của đôi mắt hoài vọng trong thăm thẳm rừng

Tự bao giờ những cánh chim đại bàng vượt trùng dương tìm mặt trời?

Khát vọng – bão táp – kiệt sức – hy vọng …

Trái tim ai đốt đuốc băng về phía tự do

Mặc đêm tối bủa vây

Hiên ngang dẫm lên tất thẩy hằn học và giả dối                                                                                          *

Rồi đây

Nhân dân sẽ quất roi vào những kẻ níu bánh xe tiến bộ

Lịch sử sẽ chôn vùi những độc tài ngu dốt

Chỉ còn ánh sáng chân lý rực cháy

Và những chiến sỹ của tự do đốt đuốc tim mình

14 tháng 3 năm 2002

Bài thơ này Tuệ Minh đề “Kính tặng bác Nguyễn Thanh Giang”, nay tôi xin được thay mặt Tuệ Minh tặng lại Đỗ thị Minh Hạnh.

23 Phản hồi cho “Thương Hạnh lắm”

  1. Minh Đức says:

    Nếu để cho xã hội được tự do, những người công nhân sẽ cùng với cô Hạnh này, đoàn kết lại, thành lập công đoàn riêng cho công nhân. Họ sẽ ủng hộ đảng nào có đường lối bênh vực cho quyền lợi công nhân. Công nhân sẽ không ủng hộ đảng CSVN là đảng đã đặt ra luật lệ khó khăn để ngăn cản các cuộc đình công xảy ra, Công nhân cũng không ủng hộ đảng CSVN vì đảng CSVN ngăn cản họ thành lập công đoàn cho chính họ. Thật ra, công nhân chưa hề bầu cho đảng CSVN lên cầm quyền. Đảng CSVN dùng bạo lực mà cướp quyền chứ không do dân bầu lên, nên cũng không do giai cấp công nhân bầu lên.

  2. Trung Kiên says:

    Trích bài chủ…”Cách đây bẩy năm, Hạnh đến nhà tìm gặp tôi. Khi ấy Hạnh 19 tuổi. Một cô gái 19 tuổi mà lặn lội suốt chặng đường ngót hai ngàn cây số tìm đến nhà một người chưa hề quen biết, không được ai giới thiệu. Tôi tặng Hạnh hai tập sách chính luận của tôi: “Khát vọng ngàn đời” và “Suy tư và Ước vọng”. Hai hôm sau, Hạnh quay lại kể: hôm Hạnh từ nhà tôi ra, giữa đêm, công an đập cửa phòng khách sạn khám xét, cầm sách của tôi đập vào mặt Hạnh quát: “Không được đọc sách này. Không được quan hệ với tên phản động, gián điệp này nghe chưa!”…Thế mà … Hạnh lại vẫn xin tôi mấy cuốn khác..

    Bọn công an đúng là lũ ngu và phản động! Không chịu bắt người viết, làm ra cuốn “Khát vọng ngàn đời” và “Suy tư và Ước vọng”, mà lại đánh đập, khủng bố những người đọc sách!

    Cám ơn ông Nguyễn Thanh Giang về bài viết này! Chúng ta phải gào thét to hơn nữa, buộc đòi nhà cầm quyền csvn phải mở mắt banh tai để nhìn, để nghe những tiếng nói yêu nước thiết tha của em Đỗ thị Minh Hạnh, của Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, Đoàn Huy Chương, TS Cù Huy Hà Vũ, Phạm Thanh Nghiên, Nguyễn Xuân Nghĩa, và hàng ngàn người khác đang bị giam cầm tù tội!

    Chúng ta phải viết nhiều, nhắc nhở thường xuyên hơn nữa, đừng để những người có tấm lòng yêu nước chân chính phải bị quên lãng trong nhà tù csvn!

    Chúng ta phải tranh đấu mãnh liệt, lên tiếng đòi hỏi nhà cầm quyền csvn phải tôn trọng Nhân phẩm, Nhân quyền và trả tự do tức khắc cho tất cả những người bất đồng chính kiến đang bị giam tù!

  3. xuanhuong says:

    Truyện thần tiên .
    về Đỗ thị Minh Hạnh
    Thơ viết sau khi đọc bài viết
    “thương Hạnh lắm” của bác
    Nguyễn Thanh Giang,DCV.
    Xh.
    …đôi mắt Em rất đẹp
    Tâm hồn em sáng trong
    Vì bất công tranh đấu
    Vì cơm áo công nhân.

    Em đứng lên !
    Em đứng lên ! vượt lên nhà tù
    từng cửa ô-từng cửa ô !
    hàng song sắt lô nhô

    Em đứng lên !
    truyện thần tiên mong chờ
    cùngViệt Nam
    vang khúc hát tự do

    Em đứng lên !
    Vào mùa thu hạ cờ
    cờ vàng sao
    cờ khát máu vong nô

    Em đứng lên !
    Cùng toàn dân dựng cờ
    cờ Tự Do
    Cờ Hạnh Phúc- Ấm No

    Em đứng lên !
    thề đập tan nhà tù
    Cùng Dân Oan
    diệt hết lũ tham ô

    Em đứng lên !
    Thề đập tan độc tài
    Cùng Công Nhân
    Ta xây đắp tương lai

    Em đứng lên !
    về Mỹ Phong luận bàn
    lập công đoàn
    chống bóc lột công nhân !

    Em đứng lên
    Vì Khát Vọng Ngàn Đời
    Đốt Tim Mình
    Làm Ngọn Đuốc sáng soi

    Em đứng lên !
    Ôi ! khí phách lạ thường
    Xứng danh là
    Con cháu Triệu Trưng Vương !

    Xuân Hương
    May,2011

  4. mythanh says:

    Việt Nam vẫn có những người con
    Đẹp lắm, còn đang tuổi mộng tròn
    Chẳng màng trau chuốt đời riêng họ
    Mà trải đời tô điểm nước non

  5. Phan Nguyen says:

    Thưa BBT của Đàn chim việt,
    Dám mong quý vị sẽ có một phương cách nào khả dĩ để các đồng bào VN còn lưu tâm đến nòi giống, tương lai của quốc gia Việt Nam có thể đóng góp ít nhiều tài chánh cho các anh chị em, các bạn, các cháu đang tranh đấu với bọn cộng sản bên ấy và đang bị cầm tù hoặc bị cách ly với gia đình, xã hội để họ có thể cầm cự vượt qua thử thách gian truân. Với uy tín của quý vị, tôi tự nghĩ mọi người sẽ không có vấn đề gì khúc mắc. Tâm ta sạch, lòng ta sáng, dám mong quý vị sẽ có giải pháp vẹn toàn trong tương lai gần.
    Hạnh ơi, giửa vòng vây của đám vô liêm, man trá , bức hại đồng bào, con đã làm cho chúng tôi xúc động vì tấm lòng thiết tha với dân nghèo, dân oan. Cầu mong ơn trên, hồn thiêng của mọi sĩ tử đã đổ máu từ ngàn xưa để mang lại chén cơm manh áo cho dân Việt sẽ phù hộ cho con thoát khỏi tai nàn, tiếp tay gầy dựng cơ đồ ngày sau.
    Thân Kính

    (BBT: Thưa ông bà, đề nghị của ông bà rất hợp lý nhưng tiếc là vì nhiều lý do tế nhị, ĐCV không thể thực hiện được. Kính).

  6. Tự hào có em says:

    Cám ơn ông NGUYỄN THANH GIANG, một bài viết rất hay đã làm tội thật sự xúc động.
    Nhìn tấm ảnh cháu MINH HẠNH, đôi mắt tươi sáng, nụ cười quyết tâm, như thách đố với bạo quyền, tôi hết sức cảm phục.
    Thương chúc cháu Minh Hạnh và hai bạn Huy Chương và Quốc Hùng, chân cứng đá mềm.
    Tương lai đất nước Việt mến yêu thuôc về các cháu. Lịch sử VN đang ghi công các cháu.
    Thương mến.

  7. Lê Quang says:

    “Một chiếc cùm lim chân có Đế/ Hai vòng xích sắt bước thì Vương” – hình như của Cao Bá Quát thì phải?

    • Tự hào có em says:

      Đúng vậy bạn Lê Quang ạ.
      Đó là hai câu thơ của Chu Thần Cao bá Quát, trong khi ra pháp trường

  8. Builan says:

    :Xin trich
    ” ….Riêng tôi, tôi chỉ có thể nghiến răng lại cho nước mắt khỏi trào ra khi đọc dòng tin dưới đây:

    “Ngày 23/01/2009, Hạnh cùng mẹ và chị gái đến trụ sở công an để làm lại giấy chứng minh nhân dân. Khi vừa bước vào trụ sở, chị bị nhiều công an bắt lên lầu đánh đập. Nghe tiếng hét, chị gái Hạnh chạy lên thì thấy khuôn mặt em mình đầy máu. Khi cơ quan công an áp giải Hạnh về nhà lục soát, dù đã bị còng tay, nhưng chị vẫn tiếp tục bị hành hung với những cú đấm vào đầu và mặt”.

    Nén uất hận, tôi dằn lòng thiết tha kêu gọi những người lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam hãy quan tâm xem xét lại những bản án loại này để chấn chỉnh kịp thời, sửa sai tức khắc.

    Hãy cùng suy ngẫm nghiêm túc về những trường hợp như của Đỗ thị Minh Hạnh” (Thôi trich)

    *Xin để qua một bên mọi bất đồng, thành kiến, lợi ich riêng tư, phân biệt Quốc nội Hải ngoaị,
    Mọi chủ nghiã thành phần : : Cộng Sản, Quốc Gia ; VG bán nước, TD yêu nước …..!

    *Xin sống bằng lương tri, con tim khối óc NGƯỜI….!

    Công bằng mà hỏi : ” Cổ, Kim có chế dộ xã hôị nào mà ngươì vơí người, Nhà nước với công dân laị có thể HÀNH XỬ như đoạn trich dẩn ở trên !?

    **Tôi cũng “chỉ có thể nghiến răng lại cho nước mắt khỏi trào !”
    Ôi có phải là HOẠ TRỜI !!! Thời cuả loài ác qủy

  9. Dan Den says:

    Bác Giang K/mến,
    Bài Bac viết rất hay,nhưng câu thơ Bác trích hình như của Cao Bá Quát chứ không phải của Ng.công trứ!
    Mong Bác xem lại,xin cảm ơn .Em lâu ngày xa quê ít sách Việt nên không chắ lắm,trong nước Bác dễ tra cứu hơn.Chào Bác . Dân Đen

  10. Cu Tý says:

    ÐỖ bạo quyền rung chuông trổi dậy,
    THỊ thành nơi giành lấy lẽ công.
    MINH oan trợ giúp công nông,
    HẠNH dung Hồng Lạc Tiên Rồng hằng lưu.

    Khí thiêng Trưng Triệu vô ưu !!!

Leave a Reply to Tự hào có em