WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Một kiếp phù du

1.

Thằng bé khóc ngặt nghẽo, khiến người mẹ trẻ cuống quýt ôm chặt đứa nhỏ.

- À ơi, nín đi con, à ơi… Sao mẹ khổ thế này, à ơi. Chúa ơi!

Suốt mấy hôm liền, đêm nào thằng bé cũng khóc. Trâm đem thằng bé đến bác sĩ, nhưng bác sĩ không tìm thấy một triệu chứng gì khác lạ. Thằng bé vẫn khóc, đúng 11 giờ đêm, đang ngủ yên lành, bỗng nó giật mình khóc oà. Trâm vội vàng bế thằng bé, ấp ủ đong đưa, hát to ru nhỏ, nhưng thằng bé vẫn khóc lặng người, tiếng gào xâu xé tim gan. Người đàn bà thuê ở tầng trên cũng lật đật chạy xuống giúp Trâm.

- Chắc nó khóc dzía đó!

- Khóc dzía là cái gì thím? Trâm cũng vừa mếu máo, vừa hỏi.

- Có ai đến thăm thằng nhỏ mấy bữa rầy không? Tao nói “gồi”, mà tụi bay không kiêng cử gì hết “chơn hết chọi”.

- Con đâu có quen ai, mà cũng không có ai đến thăm viếng. Con đưa đi bác sĩ, ổng nói nó khóc “cô lích, cô liếc” gì đó, con cũng không hiểu thím ơi!

Thằng bé vừa im im đôi chút, lại ré lên. Thím Tư bình tĩnh đỡ thằng bé.

- Cô đưa tôi ru nó một chút. Cô ráng nghỉ ngơi, mơi còn đi làm. Thiệt là kỳ, thằng nhỏ chơi cả ngày không một tiếng khóc mà.

Thím vừa vừa lắc võng tay vừa hát, giọng thím ngọt ngào như mía đồng nai của một người đàn bà nhà quê đông con, từng trải.

“Ầu ơ… dzí dầu cầu dzán đóng đinh, cầu treo lấp lửng gập ghềnh khó đi”…

Tiếng hát êm ả, hơi ấm quen thuộc của thím Tư, có lẽ khiến thằng bé yên lòng nên dịu bớt tiếng khóc. Trâm nhìn con nước mắt lưng tròng. Phải chi có Trung bên cạnh, có lẽ Trâm cũng đỡ tủi thân hơn.

Trâm dọn về căn nhà này, thuê một phòng nhỏ dưới basement. Ban ngày đi mayở hãng, gửi thằng Duy vừa tròn hai tuổi cho thím Tư trông giùm. Hai mẹ con hẩm hiu trong căn phòng và gian bếp nhỏ. Trâm không oán hận gì Trung, nàng đã tự chọn lựa và nàng cũng sẽ tự chấp nhận. Trâm thở dài nhè nhẹ, cố chận tiếng nấc ngang ngực. Những đêm mất ngủ kéo mi mắt Trâm sụp xuống. Trên gương mặt trái soan, những sợi tóc mai lấm tấm mồ hôi bết lên má, gian phòng im lặng chìm trong tiếng ù ơ của thím Tư.

2.

Trâm gặp Trung thật tình cờ.

Chiếc xe Honda loạng choạng tránh người hàng rong, đâm xầm vào Trâm. Tà áo dài rách toạc khiến Trung lúng túng, nhìn quanh cầu cứu. Trâm cũng hấp tấp túm vạt áo che ngang.

- Chị có sao không? Tôi xin lỗi, để tôi đưa chị về. Trung ấp úng.

- Lái xe như vầy, ai mà dám ngồi cho anh chở.

Người đàn bà bên đường, chanh chua trả lời chen ngang.

-Rách áo thì đền tiền, chứ xin lỗi xuông thôi sao? Nhằm nhò cái gì chớ.

Trung hơi cau mày, dấu vẻ khó chịu, rồi làm mặt nghiêm, nhìn thẳng vào mắt Trâm.

- Tôi không có ý như vậy. Tôi chỉ muốn biết nhà để gửi chị chút tiền thuốc men.

- Rồi anh quên luôn! Tui biết kiếm anh ở đâu mà đòi?

Lối hỏi ngớ ngẩn của cô gái làm Trung buồn cười. Sài Gòn bây giờ, hình như không còn ai để ý đến chữ tín!

- Tôi không quên, hay là tôi đưa chị về nhà tôi bây giờ. Tại tôi không có tiền trong túi! Thực tình mà chị. Chị cầm cái bóp của tôi làm tin.

Nhìn dáng điệu thành thật của Trung, Trâm cảm thấy tội nghiệp.

- Vậy, anh đưa tui về thay đồ trước, tính chuyện sau.

Ngồi sau lưng Trung, Trâm loay hoay không biết làm sao vừa giữ vạt áo, vừa giữ thăng bằng. Chiếc xe tròng trành, bất giác nàng vòng tay ôm chầm lấy Trung. Cả hai cùng yên lặng theo đuổi những ý nghĩ lạ lùng.

- Đi đường nào chị?

- Anh vòng ra đường Cánh mạng tháng tám.

- Tên cũ là gì hả chị?

- Tui đâu biết, Nhà tui dọn lên Sài Gòn sau này, nên tui đâu biết tên cũ, mới. Anh là dân ở đâu mà không biết đường?

- Tôi ở Sài gòn, nhưng dọn đi lâu rồi.

- Hèn chi!Vậy tui chỉ đâu anh đi đó.

Chiếc xe vòng vèo qua các ngõ ngách, rồi ngừng trước căn nhà tồi tàn. Qua khung cửa sổ chấn song, một người ông già đang ngồi nhìn lơ đãng, điếu thuốc rê trễ lệch bên môi, xị rượu vơi nửa trên mặt bàn gỗ trần trụi cáu bẩn rơi vãi vài hạt đậu phộng rang.

- Sao đi làm về trễ vậy con?

Trâm khẽ thả tay cho vạt áo rách tụt xuống.

- Đụng xe ba ơi! Ông này ủi con rách áo hết trơn, ba tính sao với ổng thì tính.

- Dạ, cháu lỡ thôi bác. Cháu xin bồi thường.

- Không có thương tích gì thì thôi, bắt chẹt người ta làm gì. Thôi ngồi xuống, làm với qua một miếng coi như xong chuyện. Xui xẻo thôi mà. Cái áo cũ mèm còn bắt thường chi chớ.

Tính ông già là như vậy, không biết luồn lọt, tráo trở lợi dụng. Ông theo cách mạng từ thuở chăn trâu vì ông mơ một đất nước hoà bình độc lập. Sau giải phóng, ông hớn hở lao mình vào cuộc xây dựng, ông chấp nhận hy sinh hạnh phúc riêng tư để đem vợ con lên những vùng kinh tế mới xa xôi, không ngoài mục đích làm gương cho dân. Nhưng càng ngày, ông càng thất vọng, càng thấy rõ sự ngu dốt, chỉ có thể giúp ông nhắm mắt lao vào những cuộc chiến tàn bạo, chứ không thể giúp ông chiến thắng được nghèo đói. Ông bất mãn, vì ngoài sự ngu dốt, đám cách mạng bạn hữu của ông, bây giờ chỉ còn lo tư lợi, bóc lột, thâm thủng công quỹ. Ông chống đối, ông kêu gọi sửa đổi, vì vậy người ta lấy cớ ông bệnh hoạn, cho ông về vườn sớm.

Cuối cùng, Việt Nam cũng phải mở cửa. Nhưng ông thừa hiểu, họ mở cửa để tránh cuộc nổi loạn của đám người đang bị dồn đến chân tường, để chính thức hoá những tài khoản khổng lồ mà họ vơ vét được trong những chiêu bài cải cách, để họ có thể công khai hưởng thụ thay vì phải lén lút như dưới thời xã hội chủ nghĩa. Chỉ tội cho vợ ông, cả đời theo chồng không một tiếng than. Đã vậy, chòm xóm còn nói móc nói mỉa, vì chồng làm cách mạng, nhưng gia đình lúc nào cũng hụt đầu hụt đuôi, nghèo sơ nghèo xác. Ông chán nản cùng cực, cả ngày uống rượu. Càng uống ông càng buồn. Tất cả chỉ còn lại trong ông -bản chất ngay thẳng- mà ông thường tự hào đó là phần hồn của người Việt Nam.

- Cám ơn bác đã không làm khó dễ. Cho cháu về nhà một chút, rồi cháu quay lại tiếp rượu với bác.

Trung vội vã cúi chào, dắt xe ra vệ đường. Trời xập tối.

Trung trở lại với chai rượu và vài món nhắm. Một già, một trẻ ngồi uống suốt đêm, mặc đàn muỗi vo ve dưới ánh đèn lù mù của khu lao động cùng khổ. Trên chiếc bàn thờ con, tấm ảnh người đàn bà búi tó như đang mỉm cười với chút hạnh phúc tàn tạ của ông chồng lầm lạc.

Mấy hôm liền, Trung đến nhà ông già chơi, ăn uống nhậu nhẹt. Loáng thoáng qua câu chuyện, Trâm biết anh là Việt kiều. Nhưng sao không giống chuyện Việt kiều đăng các báo, không tiêu xài như nước, cũng không khoe khoang ông này, bà kia? Không hiểu, ba Trâm có biệt tài gì mà chỉ thấy Trung ngồi gật gù, thỉnh thoảng, trả lời vài câu ngập ngừng. Nhà Trâm nghèo rớt, có chi cho Trung lường gạt. Ba Trâm già khú, còn tính toán làm ăn gì được nữa. Còn nói Trung lợi dụng tình cảm thì sao chưa bao giờ thấy Trung rủ Trâm đi đâu hay tán tỉnh chi hết. Nghĩ đến đó, má Trâm đỏ ửng. Nàng bước vào nhà chào lí nhí rồi đi thẳng ra sau bếp.

- Tôi nghe Bác nói, Trâm định làm đơn xin đi lao động nước ngoài phải không?

- Dạ, tui tính đi Nam Hàn kiếm chút để dành lấy vốn làm ăn.

- Em biết cuộc sống bên đó ra sao, mà dám đi?

Trung đột ngột đổi giọng xưng hô, khiến Trâm luống cuống. Cảm giác lâng lâng, dâng nhẹ trong tâm hồn người thiếu nữ nghèo nhiều mặc cảm.

- Không biết anh ơi! Nhưng chắc cũng không được vì em không có đủ tiền đút lót!

Trâm cũng thay đổi cách xưng hô tự nhiên như hai người bạn thân thiết từ lâu lắm.

- Tại sao em không ở lại đây rồi từ từ tính, lập gia đình cho gần gũi với ông già?

- Không được anh! Em phải kiếm cách sống để còn rước mấy đứa em ở miệt dưới lên. Chú em nhắn: ổng lo không nổi nữa, vì bây giờ ổng bịnh hoạn hoài, không còn làm ruộng được. Mà có đủ sức làm cũng không đủ ăn vì thuế má cao quá. Chú em cũng muốn chạy lên thành phố với ba em.

- Tôi không có nhiều! Nhưng tôi xin giúp gia đình Trâm chút đỉnh tạm dùng. Tôi khuyên em nghĩ lại về việc đi lao động.

3.

- Cậu Hai đưa chi đó? Cậu đến chơi là tui vui rồi. Quà cáp chút đỉnh thì được, chứ đưa tiền,, đưa bạc qua không đồng ý đâu.

Trung quay lại, ông già đứng sau dáng còm cõi dù tuổi đời chưa quá sáu mươi. Vẫn giọng nói khàn khàn quê mùa mộc mạc.

- Tui cũng nói, con Trâm đi làm vậy đủ rồi, có gì ăn nấy. Trời sanh voi, sanh cỏ hơi đâu mà lo! Cái tui lo là, chuyện chồng con của nó. Hai mươi ba rồi, mà nó không lo kiếm cho tui thằng cháu cho tui hủ hỉ tuổi già.

- Ba nói chuyện gì đâu không à!

Trâm đỏ mặt, cắm cúi mở nắp nồi cơm một cách vô ý thức. Nàng chỉ biết phải làm một cái gì đó cho đỡ ngượng nghịu.

- Bác cho phép cháu mời cả nhà đi ăn tối hôm nay nha bác.

- Thôi… Hai đứa bây đi thì đi, kéo theo ông già này làm chi chớ. Cậu đưa con Trâm đi chơi, tui có chuyện qua lai rai với người bạn già hôm nay.

- Con nấu cơm đã ba…

- Ối lo gì, để đó tao nấu được mà. Hồi má mày bỏ tao, mày có bảy tám tuổi, tao không nấu cơm thì ai lo.

Nói xong, ông quầy quả bước ra nhà ngoài. Dáng ông lù khù khuất sau cánh cửa. Còn lại Trung và Trâm.

- Em thay đồ nha…

Trâm dạ lí nhí, nhưng vẫn đứng tần ngần, loay hoay. Trung chợt hiểu ý ra ngoài hút thuốc. Căn nhà nhỏ hai gian nhìn thốc trước sau chỉ đủ chỗ kéo tấm vải làm phòng tắm. Trung nhìn lên những mái tôn hỗn độn, giây điện chằng chịt. Cuối con hẻm, một lũ trẻ chân đất đuổi nhau cười đùa thản nhiên trên cảnh đời nghèo khó. Có lẽ, chúng chẳng hiểu tương lai là gì và có lẽ chúng cũng chẳng biết gì về quá khứ.

Trâm đẹp giản dị trong chiếc áo dài mới, mái tóc buông xuôi, phủ đều trên bờ vai. Chiếc răng khểnh xinh xinh hoà hợp với vóc dáng nhỏ nhắn của Trâm. Nàng cười tủm tỉm.

- Chiếc áo anh đền đó. Đẹp không anh?

- Đẹp. Nhưng anh thích chiếc áo rách hơn.

Trâm xịu mặt.

- Sao vậy? Cái này vải ngoại mà. Cái kia vải hãng em dệt xấu òm.

- Bởi vậy, nên anh thích chiếc áo kia, có vẻ quê hương hơn.

- Hứ, anh không giống ai hết.

Trung tảng lờ hỏi lảng sang chuyện khác.

- Em biết quán ăn nào không?

- Không anh à. Thiệt tình thì em chưa bao giờ đi ăn trong quán. Tiền lương em chỉ dám đi ăn hàng chợ thôi.

- Vậy thì đi ăn hàng chợ. Anh cũng chưa ăn nhà hàng.

- Ý hổng được đâu anh. Mấy chỗ đó toàn là đàn bà con gái ngồi xệp ăn hàng không à.

- Vậy thôi cứ đi đại, thấy đâu ghé đó.

Trâm yên lặng bám tay vào hông xe, gió chiều vẫn còn hừng hực thổi.

- Trâm không dám ôm eo như hôm nọ nữa à?

- Thôi đi, người ta thấy dị chết.

- Sài Gòn đông nghẹt, ai thèm nhìn.

- Kìa kìa, ghé hàng kia đi anh.

Trung biết Trâm tránh né nên cũng chậm xe ngừng lại. Cái quán bình dân khá đông thực khách. Trung chọn một góc khuất nhìn lên bảng thực đơn viết nghuệch ngoạc.

- Em gọi gì thì gọi. Nhớ gọi thêm phần, mang về cho ông già.

- Em đâu biết gọi gì! A, hình như là món nhậu không à.

- Thì cứ gọi đại đi chứ chẳng lẽ đi ra.

- Thôi đi chỗ khác anh, chỗ này người ta nhậu thôi.

- Ừ thì đi.

Trung xin lỗi người bồi bàn, trong khi Trâm bẻn lẻn theo sau. Dáng điệu ngượng ngùng của người con gái giữa quán ăn phức tạp, xô bồ, bên cạnh anh chàng ngớ ngẩn, khiến mọi người im lặng dồn mắt nhìn. Hai đôi chân cuống quýt vội vã rời quán.

- Em nhà quê mà anh còn nhà quê hơn em, chẳng giống Việt kiều tí nào. Ở bên đó anh làm gì nói thiệt em nghe đi.

- Anh làm thợ chứ làm gì đâu.

- Thợ gì? Thợ máy, thợ mộc, thợ nề?

- Đại khái là thợ được rồi, em hỏi chi kỹ vậy.

- Vậy thôi, em hỏi cái này anh đừng ngạo em nha.

- Hỏi đi.

- Anh có gia đình chưa anh Trung?

- Có chứ!

- Trời đất. Anh làm em ớn quá, rủi vợ anh trông thấy, hiểu lầm đánh ghen tạt át xít em rồi sao.

- Chuyện dài dòng. Em đừng hỏi lôi thôi anh khó trả lời. Đại khái là anh có gia đình nhưng không sống chung với nhau nữa vậy thôi.

- Sao anh nhiều cái đại khái quái dị.

Trung yên lặng, vòng xe xuống khu Lăng Ông, dọc hai bên đường những hàng bò bía, bánh cuốn, cơm tấm la liệt. Ghé chỗ này, tạt chỗ kia, chẳng mấy lúc mà no bụng.

- Thôi về đi anh.

Tự nhiên Trâm thấy chán nản vô cớ, nàng ngồi yên lặng nghĩ mông lung đến cuộc sống ở xứ người. Lần nào Trâm cũng định gặp Trung sẽ hỏi thật nhiều về chuyện bên kia đại dương, nhưng lần nào Trâm cũng bị cuốn hút vào những vấn đề vớ vẩn, rồi lại thắc mắc mơ hồ.

- Anh hỏi em, không cần trả lời liền. Em cứ suy nghĩ kỹ rồi nói anh nghe sau.

- Dạ, anh hỏi đi.

- Nếu em còn giữ ý định đi lao động Nam Hàn, em có muốn anh bảo lãnh em qua Canada không? Nhưng anh nói trước, qua đó anh chỉ lo cho em sáu tháng, r
Sau đó, em phải tự túc xoay sở. Sướng hay khổ anh không biết vì tuỳ mỗi người, nếu thấy thích hợp thì ở lại, còn không thì quay về Việt Nam, tuỳ em.

- Thôi đi anh, em không muốn làm phiền anh.

- Em cứ suy nghĩ và bàn với bác cẩn thận, trả lời trước cuối tháng để anh còn làm giấy tờ.

Trâm dạ nhỏ. Hoang mang đủ điều. Câu hỏi của Trung đột ngột quá. Trâm chỉ biết Trung khoảng một tuần, chưa đủ thời gian để Trâm đặt trọn niềm tin nơi Trung. Nàng cắn chặt môi, cả ngàn câu hỏi lẫn lộn trong đầu. Trung là ai? Qua bên đó rồi sống ra sao? Trâm tưởng mình cứng cáp dạn dày với đời, nhưng chính lúc này nàng mới cảm thấy sự nhỏ bé yếu đuối của mình. Trâm vòng tay ôm chặt lấy Trung… những giọt nước mắt chảy dài, nước mắt hạnh phúc hay nước mắt đau khổ. Trâm liếm môi nếm vị mặn. Chắc tình yêu cũng mằn mặn như thế.

4.

Máy bay đáp xuống phi trường, Trâm vừa lo lắng vừa mệt mỏi . May mà trên máy bay còn có vài người Việt du lịch, nếu không chắc Trâm đã bật khóc vì bỡ ngỡ. Nàng lớ ngớ giữa phi trường mênh mông chờ đợi, ngơ ngác nhìn mọi người hối hả bước. Sao mà người ta lạnh nhạt quá. Mắt Trâm đỏ hoe nhìn người đàn bà Á đông diêm dúa cầu cứu.

- Cháu mới qua hả cháu?

- Dạ…

- Người nhà đâu sao không đến đón?

- Dạ, cháu không biết.

- Không sao đâu cháu, chắc kẹt xe đâu đó. Cháu có số phone không cô gọi xem sao.

- Dạ nhờ cô giúp… mà thôi cô, chồng cháu kìa.

- Thằng mắc dịch, đi đón vợ mà cũng trễ. Thôi cô về nghen.

Trung hấp tấp chạy lại từ xa.

- Đường xa mệt lắm phải không em, mình ra đầu kia lấy hành lý. Anh tưởng em xuống cổng đó.

Trâm phụng phịu.

- Anh làm em sợ gần chết, em định đi hỏi nhưng thấy người ta nói tiếng Mỹ nhanh quá nghe không hiểu gì hết. May mà có cái cô người Việt kia, không thì em cũng không biết làm sao kiếm anh.

Trung đưa Trâm về, xe băng qua những free way chằng chịt xe cộ làm Trâm hoa mắt. Đôi lúc Trâm nhích người né chiếc xe đổi lane như đang đâm xầm vào nàng.

- Xe đông quá anh. Sao không thấy xe hai bánh, anh chạy chậm lại đi anh.

- Mùa này ít ai đi mô tô rồi em.

Trung định hỏi thăm về ông già, nhưng sợ Trâm nhớ nhà nên lại thôi.

- Em đói không, mình đi ăn.

- Thôi cho em về nhà đã, em không ăn uống gì nổi đâu.

Gian phòng độc thân nhỏ nhắn, có độc chiếc bàn con và chiếc giường nhỏ. Sát góc một tấm nệm kê dưới sàn. Trâm không ngạc nhiên, vì nàng đã nhìn thấy trong hình Trung đưa xem. Nàng ngước nhìn Trung, con người Trung vẫn không mấy khác lạ. Chiếc áo sơ mi y hệt ngày nào Trung về Việt Nam. Cặp kính hơi trễ và gian phòng ngập mùi thuốc lá.

- Em lên giường nghỉ ngơi, anh pha cho em ly cà phê hay em uống nước ngọt.

- Gì cũng được, hay anh cho em ly cà phê đi.

Trung hí hoáy rót nước vào hai cái tách con, đặt vào chiếc tủ con bấm nút tít tít. Xé gói bột cà phê sữa pha sẵn, tiếng thìa chạm lanh canh. Trung đặt vài cái bánh vuông vuông lên khay, trịnh trong bưng lại giường.

- Anh hy vọng em sẽ tìm được nơi xứ người những điều thú vị của cuộc sống mới.

Trâm trố mắt nhìn, ở Việt Nam hình như chỉ có người đàn bà bưng khay hầu hạ đàn ông, chứ chưa bao giờ Trâm thấy người đàn ông nào hầu hạ phụ nữ hết. Nàng cảm động nhìn Trung thật âu yếm. Trung đáng yêu hơn Trâm tưởng tượng rất nhiều. Nàng hé môi, khẽ cắn chiếc bánh mặn vuông vuông, lặng lẽ ngắm Trung qua làn khói mập mờ toả nhẹ từ tách cà phê thơm thoang thoảng. Qua khung cửa kính rộng, Trung ngồi bình thản hút thuốc ngoài ban công. Tự nhiên, Trâm thấy Trung cũng gày gò khắc khổ như ba nàng. Không biết bây giờ ông làm gì hay cũng đang ngồi hút thuốc như Trung bên chiếc bàn cạnh cửa sổ

5.

Trâm chợt cảm thấy thương cha vô hạn. Trâm biết ông ôm ấp một hoài bảo gì đó, nên nhất định bắt Trâm phải đi, dù ông hiểu cuộc hôn nhân giả tạo của Trung.

- Ba lầm lẫn suốt cuộc đời. Ba hy vọng lần này là lần quyết định sáng suốt của đời ba. Con qua bên đó, rồi từ từ ổn định. Ba tin thằng Trung sẽ giúp đỡ con trong bước đầu. Đừng lo lắng gì cho ba hết.

Trâm khóc nức nở không nỡ rời.

- Hay thôi đi ba, ở đây mình cũng đâu có chết đói đâu.

Ông già nhìn Trâm bằng ánh mắt cương quyết.

- Có những điều mà đàn bà con gái không bao giờ hiểu được. Một xã hội tha hóa đến trầm trọng hết thuốc chữa, sẽ sản sinh một thế hệ sau này, làm tàn mạt đất nước! Cháu nội của ba sẽ không là những đứa trẻ vừa đáng thương, vừa đáng nguyền rủa ấy! Ba dìa đây, con đi đường bình an.

Ông quay lưng bước vội. Chiếc máy bay cất cánh, lặng lẽ trên chiếc ghế êm ái, Trâm nhìn xuống mảnh đất chôn nhau cắt rốn bé dần, bé dần. Trâm thiêm thiếp trong cơn mơ ú ớ gọi.

- Ba ơi ba…

Trung lẳng lặng kéo tấm chăn đắp ngang ngực người vợ hờ.

Quê hương Trung cần có những người ngu đần, thích làm chuyện mơ hồ hơn thứ hạnh phúc vĩ đại. Mặt trời đang lặn, xa hút tầm mắt, những tia sáng đỏ hồng lịm tắt và bên kia đại dương bình minh đang ngoi mình trổi dậy.

Trâm mở choàng mắt, Việt Nam bây giờ đã sáng hẳn. Trâm vẫn quen với giờ giấc bên kia nên dù trải qua mấy hôm không ngủ, Trâm vẫn tỉnh táo theo nhịp đồng hồ cũ.

- Chuẩn bị đi ăn Trâm. Em chưa ăn gì từ chiều đến giờ.

- Dạ.

- Để anh rủ người bạn đi chung cho vui.

Trung nhấc phone, tiếng con gái bên kia đầu giây.

- Anh Trung đây Hương, đi ăn không em?

- Trời, để em xem trời có bão tuyết không đây. Mà thôi, em nuốt big mac không nổi đâu. Anh rủ cô Mỹ nào đó, chứ em không ham đồ Tây.

- Không. Anh mời đi ăn nhà hàng Tàu, nên mới cần sự thông thái của em.

- Má ơi. Hôm nay anh dở quẻ gì đây?

- Anh có cô em gái ở Việt Nam mới qua nên dở chứng được không.

- Em gaiiíii?

Giọng Hương kéo dài đầy vẻ châm chọc.

- Nếu em không lầm, thì anh là con út mà, hay là anh mới nhận thêm cô em nuôi nào nữa đây?

- Sao em lúc nào cũng lôi thôi quá, có đi không thì sửa soạn anh đón.

- Đi chớ, em đâu phải chị Dung đâu mà e lệ! – Cô gái cười như nắc nẻ. Đoạn tiếp: Chị Dung em khờ, chứ gặp em, sức mấy mà anh thoát được.

- Con nhỏ này vớ vẩn lôi thôi quá đi, cô nương trang điểm lẹ lẹ giùm, anh đến ngay bây giờ.

Trâm không hiểu đầu đuôi câu chuyện, nhưng nghe tên Hương và câu “em gái ở Việt Nam”, nàng thấy lùng bùng hai tai lẳng lặng bước vào phòng tắm. Trâm chải sơ mái tóc, soi mặt trên gương, nàng có cảm tưởng những nếp nhăn vừa kéo lằn ngang dọc. Trâm hứng hai tay vào vòi nước nóng rồi ấp lên má. Mới có mấy ngày mà nàng già đi nhiều. Lo lắng, sợ hãi, hồi hộp, nôn nóng. Đủ các loại cảm giác thay phiên hành hạ nàng từ lúc nhận được tin xuất cảnh chính thức.

- Trâm ơi, em có sao không?

- Ồ, không anh.

- Chắc lại mơ mộng nhớ nhà nữa phải không? Từ từ sẽ quen Trâm ạ.

Trâm mở cửa phòng tắm, Trung đứng đó tay cầm chiếc áo khoác cười nhẹ nhàng.

- Em mặc thêm chiếc áo này, bên đây ban đêm lạnh lắm.

Không có Trung, chắc Trâm chẳng dám liều lĩnh như vậy. Ở Trung cái gì cũng nhẹ nhàn, trìu mến không giống những người đàn ông bên Việt Nam. Họ coi đàn bà như cỏ rác, một cành hoa để bày biện trong những ngày xuân, rồi vứt bỏ khi ba ngày vui chấm dứt. Hay còn tệ hại hơn, đàn bà chỉ là cái máy đẻ để bà mẹ chồng truyền thụ giòng giống. Hai chữ “mẹ chồng” khiến Trâm chợt nhớ đến cảnh chửi bới rủa xả nàng dâu, mà nàng thường nghe những sáng sớm trong xóm, chân nàng quýng quáng theo Trung xuống thang lầu.

- Cẩn thận Trâm, mai mốt đừng đi thứ giầy cao này nữa.

Trung quay lại đỡ Trâm vừa hụt hẫng suýt ngã.

- Anh quên bẵng đi mất, ở bên đây người ta đi nhanh nên anh cũng quen như họ.

Trâm cười bẻn lẻn nói giả lả.

- Dạ, em tưởng bên đây họ bị ma đuổi.

Trung mở cửa xe, Trâm vẫn đứng nhìn ngớ ngẩn. Trâm chưa đi xe hơi riêng như thế này bao giờ, và nàng cũng chưa quen nếp sống lịch sự của tây phương. Dưới ánh mắt Trâm, Trung vẫn là một người Việt Nam, chồng chúa vợ tôi nên thái độ của Trung khiến nàng ngây người. Trung khẽ cầm tay Trâm đầy vẻ âu yếm.

- Vào xe đi em.

Trâm muốn lịm người sung sướng. Từ ngày quen nhau, chỉ có hôm hai người đi chụp hình đám cưới làm bằng chứng hôn lễ là lần duy nhất Trung cầm tay. Nàng run lên, trong khi Trung vẫn bình thản bóp mạnh bàn tay nàng. Cả đêm hôm đó, Trâm không thể nào nhắm mắt. Trâm cố tự nhủ với chính mình đây chỉ là một cuộc dàn cảnh, nhưng Trâm vẫn không thể nén được cảm giác sung sướng, ngây ngất như đang chực tràn bên bờ hạnh phúc.

Xe lăn bánh, phố xá thay đổi liền liền, chỗ này tối âm u, khu kia đèn đóm sáng rực rỡ. Tất cả nối đuôi nhau vùn vụt lùi nhanh đến độ hoa cả mắt. Trâm không nhớ Trung đã nói những gì, hình như Trung không nói gì cả thì phải. Lúc này Trâm đang bị ám ảnh bởi chữ Hương. Hương là ai? Sao Trung và Hương có vẻ thân mật quá. Tại sao không bao giờ Trung đề cập đến Hương trong câu chuyện trước đây. Trâm tự hỏi rồi Trâm cũng tự trả lời như để bào chữa cho Trung. Ừ, mà làm sao Trung đề cập đến được. Trâm có bao giờ nói chuyện nhiều với Trung đâu ngoài những lần đi làm giấy tờ và một lần đi ăn tối lâu lắm từ hai năm trước.

Xe ngừng lại bên đường, trước một căn chung cư nhiều tầng, Trung dặn dò Trâm ngồi chờ, rồi đi vào bên trong căn nhà đồ sộ trông không khác những cơ sở làm việc mà nàng đã thấy ở Việt Nam, khi người ngoại quốc đổ về đầu tư. Nàng lơ đãng nhìn sang bên kia đường, căn nhà bên kia không khác nhiều so với những căn chung quanh. Nhà nào cũng cao vòi vọi với những ô vuông hắt ánh sáng vàng, lắt lẻo chơi vơi là những ban công có hàng lan can sắt lạnh lẽo. Trâm tò mò nhìn hai bóng người chụm đầu vào nhau, hình như họ đang hôn nhau thì phải. Trâm quay nhìn sang góc trái, vài người Mỹ đứng ngồi tay cầm chai bia ly rượu gì đó, hoặc kẹp điếu thuốc bu quanh chiếc thùng con bốc khói nghi ngút. Họ cởi trần cười nói dáng điệu thật khả ố. Trâm ghét đàn ông cởi trần, trời Việt Nam những đêm hè nóng như thiêu, nhiều người đàn ông cởi trần mặc xà lỏn nằm trên ghế bố dọc hàng hiên trông thật chướng mắt. Tự nhiên, Trâm có ý nghĩ đàn ông ở đâu cũng giống nhau, một thứ sinh vật tóc ngắn sinh ra để hưởng thụ. Tiếng gõ lạch cạch vào cửa kính làm Trâm giật mình. Cô gái kề mặt sát vào cửa, nhe hàm răng trắng đều cười cởi mở.

- Chào chị Trâm, mở giùm Hương khoá cửa sau. Anh Trung ra liền bây giờ.

Trâm nhoài người loay hoay tìm tay cửa, lúng túng kéo cái chốt này, giật cái móc kia nhưng cửa vẫn không mở được.

- Cái chốt “lock” đó Trâm.

Cô gái thân mật chỉ trỏ, càng làm Trâm thêm cuống.

- Em lại trêu người ta rồi. Trung ký nhẹ vào đầu Hương, đưa chìa khoá cho nàng.

- Em lái cho tiện.

Hương nhanh nhẹn vào xe mở khoá, dáng dấp liến thoắng trẻ trung của Hương tương phản trái ngược với vẻ dịu dàng trầm mặc của Trâm.

- Đây là Trâm, em gái anh và Hương cũng em gái anh. Trung chậm rãi giới thiệu.

- Không phải. Em là Hương, em gái vợ cưới hụt của anh Trung.

Hương vừa cười vang vừa sửa lại lời giới thiệu.

- Em thật là nghịch ngợm. Ngày mai, anh nhờ em qua nhà chỉ dẫn Trâm những điều cần thiết cho người mới đến, được không?

- Vậy chứ anh làm gì không hướng dẫn cho chị Trâm?

- Ơ, anh biết gì, với lại chuyện đàn bà con gái làm sao anh biết mà lo.

Hương lại phá lên cười quay sang Trâm.

- Để Hương nói sơ về anh Trung cho Trâm nghe. Chuyên viên mì gói, ghét nhà hàng vì lười chờ đợi nên là thân chủ của Mac Donal.

- Trâm chưa hiểu Hương nói cái gì “mắc mắc” là sao?

- Ở bên đây, có loại thức ăn tây dành cho con nít và người lười. Để Hương chỉ cho Trâm khi nào chạy ngang. Yên chí đi Trâm, thế nào anh Trung cũng đưa Trâm đi ăn nay mai thôi.

Trung vòng tay nhìn lơ đãng, hai cô gái thản nhiên nói chuyện dường như rất tâm đầu ý hợp. Vậy cũng đỡ. Thật tình Trung đang chưa biết tính sao. Chuyện bếp núc chợ búa đối với Trung phức tạp hơn thứ toán giải tích và rắc rối cầu kỳ hơn chiếc máy xe của Trung.

- Anh xin lỗi cắt ngang một chút. Hay là Hương qua anh ngủ hôm nay với Trâm được không?

- Anh khai thật đi rồi em giúp cho.

- Khai thật cái gì!

Hương nheo mắt nhìn Trâm, cười ranh mãnh

- Trâm là bồ anh hay em gái anh? Em không thọc mạch cho chị Dung đâu mà anh sợ.

- Em lúc nào cũng tò mò vớ vẩn. Thì đại khái là như vậy. Sau này em sẽ hiểu.

- Lại “đại khái”. Anh lúc nào cũng có những cái đại khái thế này, đại khái thế kia. Hèn chi chị Dung gọi anh là anh đại khái. Vậy thôi, để em khai thác Trâm.

Hương liếc mắt nhìn Trâm cười hóm hỉnh. Trâm cúi mặt nói nhỏ.

- Anh Trung là anh nuôi của Trâm. Nhưng làm giả hôn thú để bảo lãnh Trâm qua.

- Ối giời ơi, ông anh đạo đức của em bây giờ làm chuyện động trời vậy sao?

Hương vừa hét vừa quay hẳn đầu lại nhìn Trung dò xét.

- Cô nương làm ơn nhìn đường giùm, muốn ngắm anh thì chờ vào nhà hàng đã.

Cả ba người cùng phá lên cười. Ngọn đèn néon uốn nắn thành hình chữ Tàu chớp tắt. Con đường thu hẹp dần vào khu phố Hoa kiều tấp nập người đi, vào chiều thứ Sáu.

Phố Tàu ở đâu cũng xô bồ hỗn độn, xe đậu bừa bãi và chật như nem cối. Vất vả lắm, Hương mới tìm được một chỗ đậu khá xa. Trung cố gắng bước thật chậm nhưng vẫn phải thỉnh thoảng ngừng lại chờ hai cô gái. Trâm chưa quen với đôi giày cao nên có vẻ khổ sở.

- Trâm thấy người ta vội vã quá Hương?

- Tại bên đây thời tiết lạnh. Phải đi nhanh, không chết cóng. Ở đây còn đỡ, chứ hồi trước em ở phía đông còn thê thảm hơn. lạnh lắm.

- Nghe Hương kể thấy sợ!

- Thiệt đó Trâm, hồi đầu Hương cũng thích lắm, nhưng càng ở càng ớn. Nghĩ đến mùa đông, là sợ đủ thứ nên nhà Hương mới dọn về đây.

- Tới chưa Hương, sao đi hoài vậy?

- Ơ, quên. Cái nhà hàng kia kìa. Em gọi phone hẹn chỗ rồi, không lo xắp hàng đâu.

- Em đúng là dân ăn hàng.

- Chứ sao, em còn gọi món ăn sẵn nữa rồi kìa. Chứ không, anh lại ngồi chưa nóng chỗ đã than lâu, rồi đòi đi Mac Donal.

- Thôi đừng khai nữa được không. Anh vái trời cho em gặp ông chồng làm thợ cook tha hồ nấu cho em ăn.

- Chút nữa Hương kể cho Trâm nghe chuyện ăn nhà hàng của anh Trung, bảo đảm Trâm sẽ hối hận suốt đời khi có một ông chồng như anh ấy.

Trâm cúi đầu tủm tỉm cười nói nhỏ.

- Trâm biết rồi Hương.

Nàng liếc nhìn Trung.

- Nhưng mà ăn để sống thôi mà phải không anh Trung.

- Mỗi người mỗi tính, anh cũng thích ăn ngon mặc đẹp vậy. Nhưng tại anh lười quá nên đành chịu thua.

6.

Trung mơ màng nghĩ đến thời còn là sinh viên nội trú. Bữa ăn tập thể chỉ có chút cơm, còn toàn là bo bo với bí đỏ. Sáng bí luộc chấm nước mắm pha muối, chiều cũng bí đỏ nấu chấm nước muối pha mắm. Bọn con gái tỉ mỉ đem theo những lọ con con thịt mặn, muối mè chia nhau ăn dần trong tuần, nên dĩ nhiên phải dấu diếm dành dụm cho vừa thời gian. Bàn ăn bốn người, họ bày những thứ mang theo ra bàn, lịch sự mời. Trung biết ý chẳng bao giờ dám thò đũa. Lại còn đề nghị để họ ăn cơm còn Trung ăn bobo, lợi cho hai bên, Trung thì no nhờ được ăn nhiều bobo, còn con gái ăn ít nhưng toàn cơm, không phải nhai thứ đồ ăn gia súc vì sợ mặt nổi mụn. Nhờ vậy, chẳng bao giờ Trung phải xếp hàng vào nhà ăn, lúc nào cũng có ba cô dành sẵn cho Trung một chỗ ngồi khuất nắng.

- Anh cười cái gì vậy? Không lo ăn đi nguội hết. Chẳng lẽ anh chờ em đút nữa sao.

- Hôm nay sao em nghịch quá vậy Hương? Em gắp cho Trâm kìa, cô ấy còn mắc cở chứ không phàm phu tục tử như anh và em.

- Ơ, chồng không gắp cho vợ mà bắt em tiếp.

Hương nheo mắt nhìn Trâm. Nàng đỏ bừng cúi mặt cắm cúi và cơm. Trong lòng Trâm thầm cám ơn cô gái vui tính.

- Em nói vớ vẩn không đâu. Thôi em thầu hết giùm anh.

- Lo gì chớ, không hết đem về mai ăn tiếp. À quên, mai anh phải mua ít xoong chảo, nhà gì chỉ có mỗi cái nồi cơm điện bé xíu.

- Thi đó, nên anh mới phải hối lộ em bữa ăn hôm nay. Nuốt rồi đừng chạy làng nha nhỏ.

- Ủa, chứ không phải anh đãi chị Trâm hả? Vậy là mai mới tới chầu tiếp đón người mới đến, phải không?

- Cứ nói đến ăn thì không ai lanh bằng em. Thôi mau lên rồi còn về.

Ngoài trời xe cộ vẫn náo nhiệt, thành phố lớn không bao giờ ngủ. Trâm kéo cao cổ áo, hơi lạnh thấm dần. Đưa Hương về xong, Trâm ngồi yên lặng suốt con đường. Sau cuộc vui, hình như nỗi cô đơn buồn chán tăng lên gấp bội. Nàng muốn làm một cái gì đó, dọn dẹp hay nấu nướng, nhưng tất cả còn quá mới lạ. Trung cũng ít nói và Trâm không biết gợi chuyện như Hương. Hai người yên lặng chăm chú xem ti vi. Con sư tử phóng nhanh vật ngã chú nai hiền lành, bốn móng giơ lên giãy dụa. Trâm nhắm mắt.

- Mấy hôm đầu em khó ngủ?

- Dạ, tại bây giờ bên Việt Nam là trời sáng mà.

- Anh và Hương thân nhau quá hả?

- Ừ, nhà Hương ngày xưa gần nhà anh. Ba mẹ Hương và ba mẹ anh quen nhau từ trước khi di cư. Chị của Hương hồi đó là bồ anh.

- Rồi sao nữa?

- Rồi Dung đi lấy chồng chứ sao nữa.

- Tại sao?

- Chứ chẳng lẽ người ta chờ anh mãi sao. Anh đã nói anh không lập gia đình mà!

- Anh và ba em đang tính toán gì đó phải không anh Trung?

- Tính toán gì chứ, em chỉ vớ vẩn!

- Chứ tại sao Ba em bằng lòng cho em theo anh qua đây?

- Tại ba em nhận anh làm con nuôi, thì anh trở thành anh của em. Anh lo cho em qua đây, rồi em bảo lãnh cho ba em qua sau, theo diện đoàn tụ gia đình chứ có gì lạ đâu.

- Em không tin. Ba em không bao giờ rời Việt Nam, em biết ba em mà.

- Thứ Hai, Hương sẽ đưa em đi xin học. -Trung lảng sang chuyện khác.

- Không, em không đi học đâu. Con gái học xong tốt nghiệp đủ rồi. Ba em cũng nói qua đây phải ráng tìm cách tự lập. Em sẽ xin đi làm.

- Tuỳ em, nhưng ít nhất em cũng phải học thêm anh văn để có thể hoà nhập với đời sống bên này mau hơn.

- Em xin học tối được không anh?

- Được chứ, nhưng để anh dàn xếp cách đưa đón đã.

- Hương nói em phải lo học lái xe trước nhất, không có là cụt chân đi làm không được.

- Đúng vậy. Em còn trẻ nên sẽ thích ứng với đời sống bên đây rất mau.

- Sao em thấy đời sống bên đây phức tạp và vội vàng quá.

- Chưa được một ngày, em đã thấy gì đâu mà phán đoán như vậy?

Trâm cười nhìn Trung.

- Em dùng linh tính phụ nữ.

- Thôi, khuya rồi, em ngủ nhé. Mai, Hương qua sớm đón em đi chợ.

Trung nằm yên nhắm mắt, vắt tay nằm nghĩ miên man. Vài ý nghĩ lãng mạng thoáng qua trong đầu. Trung cố chặn lại bằng cách nghĩ sang chuyện khác, nghĩ đến thời trai trẻ, lúc Trung còn bồng bột háo thắng…

Ánh trăng lờ mờ, nhập nhoạng trong bóng tối, toán trinh sát đột nhập vào ngôi nhà thờ, có lẽ đó là ngôi nhà thờ duy nhất còn xót lại của thành phố. Trung cũng chỉ đoán đây là ngôi giáo đường dựa vào cây thánh giá đổ xập với tượng Chúa vỡ nát. Sát tường, hàng loạt xương xám vàng mập mờ giữa những bệt máu khô đen tanh tưởi. Trung không phải là người Công giáo, nhưng ngày xưa vào đêm Noel, Trung cũng tuôn theo dòng người đổ về nhà thờ Đức Bà chỉ để ngắm gái vớ vẩn và để hưởng lây niềm vui của những người sùng đạo. Chưa bao giờ Trung đặt chân vào giáo đường hay cầu nguyện đấng cứu thế. Có lẽ vì vậy, mà Ngài muốn dạy Trung một bài học về đức tin trong đêm nay. Không phải, có lẽ Ngài đang trừng phạt đám tội đồ miền Nam.

Tổ tam tam thu người trong một xó tối. Hiển, toán trưởng cặm cụi gõ nhịp đánh điện gửi báo cáo về sư đoàn, thỉnh thoảng lại quay sang thì thầm vài câu thẩm định tình hình với Khánh. Trung lơ đãng nhìn qua lỗ đạn, bên ngoài lác đác dăm toán Polpot hối hả rút nhanh về hướng bắc. Bỗng nhiên Hiển ngừng lại, làm dấu thánh giá. Trung tròn mắt kinh ngạc, vì chưa bao giờ thấy Hiển làm như vậy.

- Mày đạo Chúa à?

- Ừ, đạo gốc.

- Mày không sợ tụi nó báo cáo sao?

- Mày hay thằng Khánh? Mẹ kiếp, tụi mình không sống thoát chuyến này đâu. Vả lại, tao nghe người ta nói đúng nửa đêm Noel, ai cầu nguyện sẽ được…

- Cầu nguyện làm sao? Hay mày cầu luôn cho tao, được không? Nếu thoát chuyến này, tao sẽ đào ngũ sang Thái.

- Đừng dại dột, tụi Thái sẽ nộp mày cho Polpot.

- Hay là ba đứa mình cùng đào ngũ về Sài Gòn rồi tính sau?

- Tính cái mẹ gì chớ! Ai dư cơm nuôi tao, dân Sài Gòn ghét dân Bắc kỳ như chó, nhưng tao thì không nói làm chi, vì sống ngoài đó cũng đáng rồi. Còn tụi bay sao không đào ngũ từ ngày đầu?

- Tao đánh công an nên tụi nó lùng dữ quá.

- Ối giời! Tiên sư mày, công tử bột thế kia mà dám nện bò vàng à?

- Tại tụi nó tát bà già tao.

- Bà già mày làm gì mà bị tát?

- Bán thuốc lá lậu!

- Địt mẹ, chuyến này về, mày chỉ mặt, tao trùm bao bố cho mày trả thù!

Trung định nói gì đó, nhưng sụp mũ yên lặng, cối 62 dội xuống như mưa cắt ngang câu chuyện.

- Sư đoàn bắt đầu vòng vây phải không?

- Không, “Sư” dội pháo để Polpot rút rồi mới đánh, có lẽ cũng phải ba ngày nữa.

- Sao lại để Polpot rút?

- Mày đéo biết gì cả! Trung Quốc đang chuyển quân, đánh chó cũng phải nể mặt chủ chứ.

- Chuyện chính trị rắc rối quá.

- Có gì rắc rối! Mỹ bảo thì Nam đánh. Nga nói thì Bắc nghe. Thằng nghèo thì chỉ có đi đánh mướn, chứ có quyền gì.

- Vậy sao mình không an phận nghèo?

- Mày ngu thật. Con người, thằng nào chẳng muốn ăn trên ngồi chốc. Khổ và nghèo là tao với mày, chứ thằng trên cần đếch gì!

Đợt pháo dứt ngang. Khánh vẫn im lặng, lầm lì trong công tác cảnh giác. Ban đầu, Trung và Hiển tưởng Khánh thuộc loại phấn đấu đoàn đảng nên né tránh. Quen thân hơn, mới biết Khánh cũng thuộc cánh bất mãn nhưng thủ đầu dấu đuôi chứ không huỵch tẹc.

- Sao tao có linh tính, đêm nay tao rửa chân lên bàn thờ quá, tụi bây ạ! -Khánh thở dài.

- Đừng nói gở. -Trung thì thào.

- Địt mẹ, trận nào mày cũng có linh tính như vậy. Mà, địt mẹ, thà lên bàn thờ còn hơn chống nạng!

Hiển quen tật chửi thề, giọng Bắc nhiều lúc nghe thật chói tai. Trung cằn nhằn, nhưng Hiển chỉ cười nhe hàm răng đầy bựa thuốc lào.

- Địt mẹ. Nói không được, ăn không no, mặc không ấm. Cái gì cũng không, chỉ có chửi thề là dư giả, mà mày cũng cằn nhằn!

Bỗng Khánh thụp đầu lẳng lặng khum người bước nhanh. Hiển và Trung cũng nhẹ nhàng đi theo. Ba bóng đen lầm lũi đi sâu vào thành phố chết. Ngôi nhà thờ bây giờ lại là nơi dừng chân của đoàn quân tháo lui. Toán Polpot uể oải gác súng, tiếng vũ khí chạm nhau nghe rợn người. Bức tượng Chúa còn phân nửa nằm úp mặt không thèm đếm xỉa đến những con thú người đang rình rập giết nhau trong đêm sinh nhật của Ngài. Đêm Ngài sinh ra để cứu vớt con người, nhưng cũng là đêm Trung mất cả hai người bạn thân, mất tinh thần, mất tất cả… mà Trung ấp ủ.

…..

Những người tính chuyện thay đổi lần lượt bỏ Trung. Chưa bao giờ Trung cảm thấy chán nản và muốn rời xa mảnh đất thân thương như lúc này. Trung quên bẵng mẹ già, bà đang lần tràng hạt tụng kinh cho thằng con gặp nhiều may mắn. Trung nhắm mắt, Trung cũng đang thầm cầu nguyện cho mẹ ở một nơi xa xăm nào đó. Nước mắt Trung ứa ra. Trung quay mặt kéo chăn trùm kín người lặng lẽ khóc. Nhưng ngay lúc đó Trung lại tự nhủ thầm, can đảm lên, chỉ là những gợn sóng nhỏ. Trung nhìn sang Trâm cuộn mình trong chăn, Trung nhớ đến ngày mới qua định cư…

Chiếc máy bay bốn chỗ ngồi xà xuống thấp, bánh xe nghiến đường băng, tung bụi tuyết trắng xoá. Trung thót ruột bấu chặt vào tay ghế. Đằng trước, Bob oang oang chửi thề.

- Hê! Đ.m, thả khách chứ không phải thả bom đâu cha nội.

- Đ.m, băng mỏng quá, chắc phải ghé dàn số 4, rồi lái xe qua trạm 2.

Trung run bần bật, vừa sợ vừa lạnh. Lần nào ra dàn khoan, anh Phúc cũng bay như vậy, rất cowboy! Anh là một phi công Việt Nam hảo hạng ở chiến trường Việt nam trước 75, được nhiều huy chương và bội tinh anh dũng. Anh qua Canada sau ngày mất nước và lái máy bay loại nhỏ chống bảo tuyết, chuyên chở nhân viên hãng dầu. Những hôm thời tiết xấu như hôm nay, chỉ có anh dám bay. Trung nhớ, lần đầu gặp anh, thấy anh lầm lì ít nói, Trung không mấy thiện cảm. Giữa Trung và anh tuy cùng là lính, nhưng thuộc hai giới tuyến khác nhau. May mắn không phải bắn vào nhau. Trung hơi tưng tức, những người đàn anh bỏ đi năm 75, để lũ em ở lại cho chế độ hành hạ, bắt làm lính thú sang chết xứ Chùa Đồng Tháp. Và Trung cũng ấm ức khi những người anh, nhìn Trung qua xứ này bằng con mắt không mấy thiện cảm, khi là chú bộ đội vượt biên! Phải chăng, ý thức dân tộc và lòng yêu cuồng nhiệt, đã dẫn đến người Việt chúng ta hôm nay trên quê hương lưu đày, làm cản trở sự tiến bộ nòi giống để phá bức tường vô thần, vô quốc gia, vô nòi giống của thứ Đế quốc quốc tế vô sản cuồng vọng, chẳng qua cho chính cá nhân và gia đình họ! Chân ướt, chân ráo qua đất người, Trung xin được việc làm ngoài dàn khoan nhờ chút ít kiến thức địa chất, dù thứ kiến thức đó chẳng giúp được gì trong ngành cu li. Trung trở thành người lang bạt kỳ hồ, đi khai phá vùng bắc Alaska hẻo lánh. Cái lạnh khắc nghiệt làm Trung suýt chết cóng lần đầu ra dàn khoan. Anh Phúc, lắc đầu nhìn Trung lập cập bước xuống máy bay. Thằng nhỏ Việt Nam như con chuột, loắt choắt giữa đám thợ lao động đầu trâu mặt ngựa vai u thịt bắp. Anh lục trong sắc lấy chiếc áo da chạy theo, đưa cho Trung.

- Mày mặc đỡ, mai tao ra đem cho áo quần bắc cực. Chắc mới đi làm phải không?

- Không sao đâu anh, em chịu được mà.

- Mày đã hiểu mẹ gì về bắc cực. Đ.m. nếu tao biết mấy thằng em tao vượt biên để phải đi làm như vầy ở xứ người, tao thà ở lại đánh tới cùng, chết còn hơn. Đ.m, tại mấy thằng chỉ huy chạy trước.

Anh Phúc chửi thề luôn miệng, làm đám công nhân tây bắt chước nhái theo: đu me, đu me. Anh quay lại, rủa xả cả tràng ngôn ngữ ngoại hạng một cách tỉnh bơ, rồi cả đám cùng cười hô hố như thể chửi thề là cách tô điểm cho cuộc sống của đám thợ thuyền vùng bắc cực. Nghề phi công của anh Phúc làm Trung nhớ đến hồi còn ở Việt Nam, Trung có thằng bạn cùng lớp làm thủ phó phi trường Rạch Sỏi. Cái phi trường tí hon với đàn bò nằm ngồi lỏng chỏng trên phi đạo. Cả tuần chỉ có một chuyến bay từ Phú Quốc hạ cánh, rồi cất cánh về Tân sơn Nhất, khách hàng toàn con buôn cách mạng. Hai thằng thường nhậu với nhau, thứ đế quốc lủi say vật người, vì pha quá nhiều cồn làm Thắng quên cả giữ gìn gốc cách mạng.

- Tao hỏi thật, ba mày làm cách mạng là làm cái gì?

- Ba tao chở hàng Vũng Tàu-Sài gòn bị Việt Cộng chận lấy cá ở Long Khánh. Rồi lính quốc gia bao vây, ba tao bị tình nghi là kinh tài tiếp tế, nên tù Côn đảo. Tù chính trị biểu tình tuyệt thực phản đối chánh sách nhà ăn, ba tao đói quá mà không dám ăn sợ tụi nó đóng đũa lỗ tai, kiên cường đến ngất xỉu vì ngu không biết ăn lén như đám cách mạng miền Trung nên được kết nạp trong tù. Sau 75, thành chiến sĩ nhịn đói nên tao được thưởng công làm công nhân viên chức, chứ có cái chó gì đâu.

- Tao cứ tưởng ba mày làm sĩ quan chỉ huy đặc công, trong hàng không Việt Nam, nên mày được móc nối làm thủ phó phi trường!

- Ha ha. Mày nhiều khi cũng nham nhở chẳng thua bọn buôn lậu! Thôi uống đi, mai tao gởi mày theo máy bay về Sài gòn đỡ cực hơn đi xe đò.

- Mẹ kiếp! Mày cho vàng, tao cũng không đi máy bay cách mạng. Kỳ trước, máy bay lết đến cuối phi đạo mà không ngóc đầu nổi vì chở nhiều gạo lậu quá. Lúc bay được thì chỉ vài phút phải quay lại vì không lên nổi cao độ. Con tiếp viên còn õng ẹo nói với thằng phi công.

- Ráng đi anh! Toàn tôm khô với mực Phú quốc của mình không à, anh ơi!

- Mẹ kiếp! Bay kiểu đó giống như đi tàu bay giấy quá mạng.

- Còn hơn vậy nữa mày à, máy bay mục. Mẹ, mày mà thấy mấy thằng thợ máy ăn cắp phụ tùng ốc vít, nhân viên tiếp liệu ăn cắp xăng, thì mày mới biết chiếc máy bay mày đi đụng nhằm con ruồi cũng rớt… Nhằm nhò gì ba cái chuyện chở lậu! Mà nghĩ cho cùng, bây giờ có cái gì là hợp pháp đâu. Điếu thuốc hàng không mình đang hút là do tao cắt xén tiêu chuẩn khách hàng, rượu thì rượu bắt được của con buôn. Chưa biết chừng, sau này con vợ của tao với mày cũng là vợ lậu nhà nước!

Hai thằng phá lên cười sằng sặc, khiến mấy con chim sẻ hoảng hốt bay vụt lên cao…

Nhanh thật. Cả một quãng đời sóng gió, tiếp diễn trong đầu Trung như những đoạn phim góp nhặt. Trung nhìn sang giường Trâm, trong lớp chăn êm ấm kia là cô gái Việt Nam đang sửa soạn bước vào một cuộc sống mới. Không biết, Trâm có đủ sức chịu đựng không?

Đêm nay sao dài dằng dặc? Trung cố gắng đừng nghĩ gì hết, cố ru giấc ngủ, nhưng quá khứ, cứ tràn về như dòng thác đưa Trung từ nơi này sang nơi khác. Trung lại nghĩ đến những ngày đầu định cư, nỗi nhớ nhà dày vò, đẩy Trung vào các sinh hoạt cộng đồng mà Trung cảm thấy khả dĩ giúp Trung khoả lấp nỗi buồn lưu vong, thoả mãn bản tính hiếu động còn pha nặng lòng ái quốc…

Loạt AK nổ vang dòn dã, người lính già đổ gập người, nụ cười còn phảng phất trên môi. Những viên đạn trổ toang lồng ngực chấm dứt một cuộc hành trình vội vã. Trung lật xác người còn nóng hổi nằm ngay ngắn, vuốt mắt, miệng thì thầm.

- Vĩnh biệt thầy!

Trung không còn hốt hoảng kinh sợ, như lần lọt ổ phục kích đầu tiên. Thất bại, hình như đã trở thành một kết quả quen thuộc mà Trung chấp nhận khi chơi ván bài yêu nước. Gọn gàng nhanh nhẹn, Trung lẩn vào bóng đêm của vùng rừng núi biên giới Lào Việt, súng vẫn nổ rời rạc xen lẫn với tiếng hò hét săn đuổi của bọn lính Lào, xa xa vọng lại những tiếng thét của đàn chim sa cơ thất thế…

-Thượng úy NV.Trung, tình báo “hai mang”, nhận bản án chung thân!

Trung cúi đầu, nhận tội! Cái tội yêu nước mù quáng, mà lẽ ra là một quân báo VN, anh không nên tin ai! Nhưng, người Thầy của anh ở Đại Học đã cho anh niềm tin đó. Ông đã chết trước mắt anh…

Vì sao, ông chết?

Bữa cơm trưa vội vàng, nhấp ly cà phê. Trung thả những vòng thuốc chưa kịp thành hình nguyên vẹn đã tan loãng giữa phòng ăn đầy công nhân Việt Nam.

- Hôm nay sao vợ mày chiều thế, lại phở nữa!

- Vợ nào? Phở kháng chiến đó bố, mua ủng hộ cho chúng mau giàu về làm lãnh tụ.

Cả phòng ăn cười vang. Cái tin kháng chiến lúc này, là đề tài sôi nổi trong cộng đồng tỵ nạn. Trung cũng cười, nụ cười chua chát, đau đớn cho thân phận “thua làm giặc”. Trò đời bao giờ cũng thế. Chả trách mà từ xưa đã có câu “bạc là dân, bất nhân là lính”. Trung định chống chế vài câu cho đỡ tủi vong linh những người nằm xuống, như ông thầy ở trường Đại học, đã cùng anh tin vào những điều bá láp chính trị, phục quốc, khánh chiến để thân tàn ma dại; nhưng nghĩ lại, Trung ngồi yên tiếp tục thả những vòng khói lẩn quẩn, bình thản chờ đợi tiếng chuông, tròng vào cổ con trâu tiếp nối kiếp đi cày. Trung ước ao, Trung không có trí nhớ để khỏi bắt Trung thả hồn về quá khứ. Hai mươi năm như một giấc mơ ngắn ngủi…

Sài Gòn trong những năm 76-80 là một bức tranh sống động, linh hoạt đầy giả dối. Trung lúc đó ở lứa tuổi mới trưởng thành, nhiệt huyết thanh niên tràn đầy. Cái nhiệt huyết đó, đã khiến Trung vấp vào sự sai lầm tai hại. Con thiêu thân lao vào ánh đèn, có biết đâu đó là ánh đèn của đoàn xe tù phóng nhanh đến “cổng trời”. Có lẽ những người bạn Trung, cũng đã rủa xả Trung không dứt, trong những trại cải tạo tăm tối như những người tỵ nạn đang đánh mất niềm tin. Trung muốn ngồi tù như mọi người, không phải để làm anh hùng, nhưng ít nhất cũng chứng minh được, Trung không phải là tên phản bội hèn mạt. Chân Trung đạp trên ngọn cỏ gai theo một bản năng sinh tồn, băng mình qua vùng cỏ tranh dầy đặc. Trung thở hồng hộc, dưỡng khí chỉ đủ dồn xuống đôi chân phản xạ. Đầu óc Trung mụ mẫm, vì oxy không còn đủ để nuôi chút chất xám non dại của Trung, trong cuộc trốn chạy với thần chết. Con nai tơ miền Nam, đang vùng vẫy trước nanh vuốt của bầy cáo già công an. Sài gòn vẫn tiếp tục oằn oại âm thầm dưới khí thế cách mạng, chiếc bánh vẽ ngoằn ngoèo những hàng chữ dân tộc nhược tiểu ngu dốt và biển đông tiếp tục nuốt trửng đám thuyền nhân tí hon đang hớn hở bỏ phiếu cho chế độ tự do. Chỉ còn vài thằng ngu dại như Trung, những con ngựa non háu đá mơ mộng chuyện vá trời bằng thứ chân lý mù mờ của tuổi trẻ. Từ một văn phòng nào đó, những nhà “cách mạng” cẩn thận xếp chồng báo cáo, phì phèo điếu thuốc thơm trước khi trà trộn vào đường phố, trường học để rỉ vào tai đám trẻ thơ những lý thuyết kháng chiến rẻ tiền. Bài học vỡ lòng của thế giới chính trị bỉ ổi sẽ làm cho thanh niên miền Nam trưởng thành hơn hoặc gục ngã vì cơn bệnh sốt rét hay cái đói lạnh của một dân tộc bị trị bởi chính bàn tay của cha anh.

- Mày vẫn chưa sáng mắt sao? Vũ hỏi Trung với giọng cay đắng. Tụi nó chỉ lợi dụng tuổi trẻ để làm viên gạch lót đường cho nấc thang danh vọng. May mà tao với mày chưa chết rũ trong tù. Thôi thây kệ cha đời. Sống cho mình trước đã tính sau.

Trung thở dài.

- Không kệ cha đời thì cũng có làm gì được đâu. Nhưng tao không muốn thấy mày như mọi người. Tao đồng ý họ bất tài, thiếu thủ đoạn hay ngay cả ngu ngốc, nhưng họ không phải là bọn lường gạt. Cho dù thật sự như vậy chăng nữa, mày cũng không nên chua chát như bọn đàn bà…

Những người như Vũ bây giờ đã có gia đình, có công ăn việc làm ổn định và địa vị tương đối. Dưới mắt họ, cái thiểu số ngu đần cố chấp như Trung là hạng người gàn dở, bất tài không thức thời. Họ tự cho mình cái quyền an hưởng những xa hoa vật chất mà họ tự tạo bằng mồ hôi nước mắt. Không ai nghĩ đến công lao xương máu, của những bước chân khai phá, đã đổ xuống để tạo dựng nên xã hội tự do; họ, đang vui sống trong phần đời tạm bợ và họ quên cả hàng triệu người bên kia bờ đại dương, đang chờ mong một món quà hạnh phúc của những kẻ đồng máu mủ may mắn. Vui thì họ nhảy dựng lên gào thét đả đảo, buồn thì họ về lại quê hương sống vương giả bằng mãnh lực đồng tiền. Họ là đám người từng hãnh diện vì bản án phản quốc kỳ diệu, nay lại được được kẻ tuyên án dung túng để nuôi dưỡng một chế độ mà chính họ từng trốn chạy. Trung muốn được như họ, phủ nhận, chối bỏ dòng máu Lạc Việt để khoác chiếc áo kim tuyến lấp lánh ánh đèn sân khấu. Để có cô vợ trẻ đẹp như Trâm và đàn con ngọng nghịu hồn nhiên bịt mũi vì mùi nước mắm, của thứ dân tộc lạc hậu. Nhưng Trung không thể quên, không được quyền quên và cũng không muốn nhận bầu không khí đầm ấm, mà người ta khuấy động suốt bao năm dài, để nằng nặc đòi cho được thứ chủ nghĩa xã hội đầy những lý thuyết không tưởng, người ta cưỡng chiếm bằng thủ đoạn và bạo lực rồi người ta lại ban phát từng mảnh bánh vụn vỡ cho nạn nhân, như một thứ ân huệ thương sót. Trung mệt mỏi với luồng tư tưởng bi quan dằn vặt hằng đêm, nhất là những lúc Trung phải đối diện với sự chọn lựa giữa cái hạnh phúc đầy cám dỗ của một đời người đã đến lúc mòn mỏi và thứ lý tưởng mơ hồ không bao giờ ngay hàng thẳng lối. để có thể thấy một điểm sáng nhỏ nhoi cuối con đường hầm tăm tối. Trung cũng chỉ là một con người tràn ngập tình cảm và đầy ắp sự ích kỷ chất chứa trong cái túi tham không đáy. Chưa bao giờ, Trung hoang mang giao động thực sự như lúc này, dưới ánh sáng dịu dàng từ chiếc đèn bàn đầu giường, nét đẹp ngây thơ của Trâm chờn vờn gieo dần vào trí óc Trung những sợi tơ ràng buộc mong manh. Trái tim của Trung như có ai đang bóp nghẽn, châm chích. Không, không thể được… Trung đưa tay vắt ngang trán thở dài thật nhẹ, vài tia nắng yếu ớt ngoi lên ở cuối chân trời.

7.

Hôm nay Trâm theo Hương và Trung đi chợ, khu chợ Việt Nam tấp nập người mua kẻ bán, hàng hoá la liệt đủ loại đủ giá. Trâm tần ngần nhẩm tính qua tiền Việt. Trời ơi, thật là kinh khủng. Số tiền Trung đưa là cả một gia tài kếch sù đối với Trâm.

- Hương à, cho Trâm hỏi cái này.

- Cứ hỏi đi Trâm.

- Số tiền anh Trung đưa là để tiêu dùng bao lâu hở Hương? Làm bao lâu thì có số tiền đó!

-Tuỳ Trâm. Nhưng Hương đâu biết anh Trung đưa Trâm bao nhiêu.

- Cả trăm triệu, với cái thẻ gì đó Trâm không biết. Anh Trung chỉ nói cầm lấy tiêu dùng, chừng nào giấy tờ xong xuôi thì nhờ Hương mở sổ ngân hàng.

- Cha mẹ ơi, Trâm nói kiểu tiền Việt Nam, làm sao mà Hương tính nổi. Trâm đừng đổi sang nữa và cũng đừng lo lắng quá, từ từ rồi Trâm sẽ quen với vật giá bên đây. Còn cái thẻ tín dụng nhớ cất kỹ và nhớ đừng quên cái số mật mã anh Trung nói, chút nữa Hương chỉ dẫn cho Trâm cách trả tiền bằng thẻ.

- Hay là Hương cầm giúp Trâm mua sắm đi Hương, hôm qua muốn hỏi anh Trung mà thấy anh ấy yên lặng quá nên không dám.

- Trâm có hỏi anh Trung cũng bằng thừa thôi, Trâm ơi! Anh Trung không biết gì đâu. Trâm thấy không, ảnh đưa tới đây rồi đứng ngoài kia hút thuốc, chứ không đi theo đẩy xe xách đồ như người khác.

- Ảnh đàn ông mà Hương.

- Đàn ông thì đàn ông chớ, bên này đàn ông cũng phải đi chợ, rửa chén, hút bụi; chứ không phải như bên Việt Nam, bắt vợ làm hết rồi còn say sưa, đánh đập phụ nữ nữa.

- Anh Trung chắc không vậy đâu, phải không Hương?

- Không, ảnh không vậy, nhưng có cái khác tệ hơn nữa kìa!

- Cái gì nghe ghê vậy Hương?

- Hương dặn Trâm trước, tiền bạc phải để dành, chứ anh Trung hay bỏ ngang đi đâu cả mấy tháng lận đó, có khi cả năm.

Hai người lang thang vừa chuyện trò, vừa nhặt nhạnh món này, vật kia chuẩn bị cho cả tuần. Trâm chưa quen chỉ biết lắng nghe Hương dặn dò.

- Ở đây, ngày thường ai cũng đi làm, chỉ có cuối tuần để chợ búa dọn dẹp, thành ra phải tính toán cho nhanh gọn, để còn thời gian đi chơi, học hành.

- Không đâu Hương, bây giờ cũng mua sắm cho nhiều ngày, nhưng tại tiền bạc eo hẹp nên không đủ sức thôi.

-À, Trâm muốn xin đi làm, Hương giúp Trâm được không?

- Sao mà gấp vậy, để từ từ đã Trâm. Làm việc chuyên môn thì phải đi học, hơi mệt ban đầu nhưng đỡ về sau. Còn xin việc thường thường thì không khó nhưng cực lắm mà lương thấp nữa Trâm.

- Trâm học dốt lắm Hương à, định xin đi làm một thời gian đã rồi tính. Trâm tính xin học thêm anh văn ban đêm cho kha hơn chút chứ bây giờ nghe người ta chẳng hiểu gì hết.

- Nếu vậy để Hương giới thiệu Trâm chỗ này, làm may, cũng nhiều người Việt trong đó.

- Cám ơn Hương, chừng nào Trâm đi làm được?

- Để Hương hỏi anh Trung đã, còn phải chờ giấy tờ đã chứ.

- Chắc nha Hương, sợ lâu quá người ta mướn người khác.

- Cái gì mà Trâm quýnh lên vậy, chỉ sợ cực quá Trâm than thôi, chứ nghề may hay nhà hàng ở đây người ta chỉ làm trong thời gian chờ kiếm việc tốt hơn thôi Trâm à.

Ra quầy trả tiền, thấy mấy triệu bay hơi, Trâm xót đứt ruột, nhưng cố mỉm cười. Trung ở đâu tiến lại thản nhiên đẩy chiếc xe.

- Xong chưa hai cô nương, còn ghé đâu nữa?

- Còn chớ, em muốn ghé vào shopping một chút

- Chứ đây không phải là shopping sao?

- Thôi đi, ở đây không có thứ nào hợp với Trâm hết.

- Em lại vẽ vời cái gì nữa đây.

- Chuyện phấn son con gái, anh hỏi làm chi, sợ chị Trâm đẹp quá hay sao.

Trung nhìn Trâm hiền hoà. giản dị trong bộ quần áo mang theo từ Việt nam.

- Ừ, em cũng phải giúp anh mua cho Trâm ít quần áo bên đây cho gọn gàng. Quần áo Việt Nam cầu kỳ lôi thôi, đẹp thì có đẹp thật nhưng gặp hôm lạnh chắc ốm quá.

Trâm đỏ mặt, nhìn xuống ống quần sa tanh. Nàng chợt để ý ở đây không ai mặc áo dài như nàng. Trước khi đi, nàng định mua vài bộ quần áo kiểu tây phương, nhưng thấy giá đắt quá nên lại thôi. Nàng cẩn thận gói trọn số tiền tiền Trung gởi để may sắm, để lại cho cha.

Quay sang Trung, Hương gắt khẽ.

- Anh thấy không, mai mốt em trang điểm cho Trâm, anh sẽ chạy theo cả ngày để giữ Trâm, cho anh biết thân.

Trung cười xòa.

- Anh xin lỗi, tại trời không cho anh khéo ăn khéo nói. Để anh đưa hai cô công chúa đi shopping!

8.

Thời gian không trôi êm đềm ở những đô thị lớn, không có ban đêm, không có sự tĩnh lặng ngơi nghỉ, để con người có thể ngồi yên nhìn lại chính mình. Trăm công ngàn việc dập dồn, nào giấy tờ, khám bệnh, ghi danh, xin việc. Quay qua một tuần, quay lại một tháng, rồi một năm. Ngày nào, Trâm còn bỡ ngỡ từ cách sử dụng chiếc lò không lửa, nhưng có thể làm cả ly nước sôi lên sùng sục, đến cái TV linh động với hàng chục đài cười khóc thay đổi chỉ bằng một nút bấm. Mới hôm qua, đường phố còn chằng chịt mà hôm nay Trâm đã có thể tự mình lái xe đến những nơi xa xôi cả chục cây số, băng ngang những xa lộ ngoằn ngoèo phức tạp. Trâm đã trở thành một bộ phận trong cái động cơ khổng lồ, nhịp nhàng chuyển động theo một bản thảo chương được vạch sẵn bằng động lực vô hình của đồng tiền, của nhu cầu vật chất, của sự hào nhoáng bên ngoài. Nàng đón nhận mọi thứ vào khối óc cỏn con, để thoát thân từ cô gái Việt Nam ngây thơ chất phác, thành một phụ nữ ngập ngừng pha trộn giữa hai thái cực, hai nền văn hoá vào chút son phấn, vào chiếc quần jean bó sát và chiếc áo pull quyến rũ. Nhưng khi ánh sáng tan biến, màn đêm kéo về cộng thêm sự mỏi mệt của một ngày gò lưng cặm cụi trên chiếc máy may công nghiệp, Trâm như cái xác không hồn. Nàng nhớ nhà, nhớ con hẻm lầy lội, nhớ cơn mưa dai dẳng và những người hàng xóm nghèo khổ dựa vào nhau sống qua từng ngày, từng mùa. Những cuộc vui cuối tuần, với Hương, không đủ sức làm cho Trâm nguôi ngoai. Mọi người đến với Trâm bằng sự thán phục giả tạo, bằng lời khen tặng hời hợt trống rỗng. Nàng cần một điểm tựa để dựa vào. Điểm tựa đó ngay trước mắt nhưng sao thật xa vời. Nhiều lúc Trâm muốn ôm chầm lấy Trung, muốn được Trung âu yếm, muốn khóc oà để Trung ôm nàng vỗ về. Nhưng, khi nhìn Trung ngồi ăn lặng lẽ, không một lời khen, không một câu chê, Trâm lại kềm hãm chính mình để khỏi mềm nhũn, khỏi quấy rầy Trung. Nàng như con cừu non trên ngọn đồi trọc và Trung là anh chàng chăn cừu lúc nào cũng mơ màng theo những cụm mây lơ lửng.

- Anh muốn nói với em một điều từ mấy tháng trước, nhưng anh cứ ngần ngại mãi Trâm ạ.

- Anh cứ nói em xin nghe.

- Anh muốn em dọn qua ở chung với Hương.

Trâm chết điếng, nàng lắp bắp.

- Em làm gì anh giận? -Và Trâm bưng mặt khóc ngon lành như đứa bé.

- Không, em không làm gì anh giận hết. Trái lại, từ ngày em đến đây, anh được ăn ngon ngủ kỹ hơn. Em không thấy, anh lên cân sao?

- Vậy tại sao, anh đuổi em qua ở với Hương?

- Đừng nói như vậy Trâm! Anh nghĩ cách sống của anh không hợp với tuổi trẻ. Em cần có bạn, cần cuộc sống tự do. Em đã trưởng thành và anh biết tính em. Anh sợ ở đây, em sẽ buồn chán và anh cũng sợ…

Trung cắt ngang bỏ ra ngoài ban công. Nét mặt Trung đanh lại, kềm giữ một cảm xúc thầm kín. Châm điếu thuốc, Trung nhìn bầu trời, vài ngôi sao lấp lánh đổi màu tím xanh thật đẹp. Cơn gió lạnh thổi mạnh, Trung rít một hơi dài rồi nhả khói. Làn khói trắng đục cuốn giạt đem theo tiếng thở dài của Trung.
Trâm vẫn ôm mặt khóc nức nở. Nàng nhớ ngày xưa, Trung đã nói, chỉ lo cho Trâm sáu tháng, rồi Trâm phải tự lập. Nàng không sợ phải sống tự lập, nhưng nàng sợ mất Trung. Tình yêu nàng dành cho Trung đã không hề suy giảm suốt thời gian quen biết Trung. Nàng biết Trung có ý nghĩa về cuộc sống, khác mọi người, như đã thấy điều đó ở cha nàng.

- Anh cho em sống với anh ở đây đến cuối năm, em sẽ về lại Việt Nam không làm phiền anh nữa! Trâm vẫn khóc thút thít, Trung quay lại ôm chặt đôi vai nhỏ nhắn.

- Đi vào em, ở ngoài lạnh rồi.

- Anh vẫn chưa trả lời em?

- Đừng làm anh khó xử!

- Em không để anh khó xử đâu Trung, em chấp nhận từ trước rồi mà. Tại sao anh không nhìn sự việc một cách giản dị hơn?

- Em không thấy, ba em đã khổ tâm rất nhiều khi để mẹ em cô đơn một mình sao?

- Hồi đó, em chưa sanh ra làm sao em biết. Khi em đủ trí khôn một chút thì mẹ em mất lâu rồi.

Trung thở dài, những người làm cách mạng thành công cần phải tàn nhẫn. Trung cúi nhìn sát mặt Trâm, ánh mắt nàng long lanh như van nài khiến Trung mềm lòng. Trung không có những đức tính cần thiết của một người làm đại sự. Trung cũng biết và chỉ mong mỏi tìm được một vị minh quân, một người lãnh đạo anh minh xứng đáng để Trung đi theo.

- Anh không biết, có thể đem lại hạnh phúc cho em hay lại như ba em, chỉ đem lại cho vợ con toàn sự đau khổ?

- Nếu số phận như vậy, em cũng vui mà chấp nhận.

Trâm lại khóc nấc lên. Nước mắt đàn bà từng làm ngã đổ ngai vàng, cả danh tướng còn chưa chống trả nổi huống hồ Trung, chỉ là một người tầm thường trải qua quá nhiều thất bại. Trung khẽ hôn lên mắt Trâm, nước mắt mằn mặn và hơi thở nồng ấm của Trâm khơi lên những cơn sóng rộn ràng. Trung chống trả cơn đòi hỏi thể xác một cách yếu ớt, nghị lực của Trung dường như đã mòn mỏi theo số tuổi chồng chất. Trung dìu Trâm ngồi xuống, trong một khoảnh khắc thời gian bất ngờ nhất, Trung buông xuôi tất cả, thế giới chỉ còn Trâm, đôi mắt long lanh, mái tóc lơi lả và nụ hôn nồng cháy…

Người đàn bà Việt Nam, không phải sinh ra chỉ để chịu đựng. Họ đã chịu đựng quá lâu, quá nhiều rồi. Khi trong tay người đàn bà chỉ có những lằn chỉ ngang dọc, họ chấp nhận dễ dàng. Nhưng khi bàn tay đó, đã nắm được bất cứ một thứ gì, họ sẽ khéo léo sử dụng để thoát khỏi số mệnh của người phụ nữ á đông. Ngoài kia, những người đàn bà Việt Nam như vừa được cởi bỏ tấm khăn phủ kín đầu, thứ khăn quàng nho giáo cổ điển của hàng ngàn năm gieo rắc bởi những kẻ thống trị phương Bắc đã ăn sâu vào tiềm thức cha ông họ, thành thứ văn hoá tập tục cổ truyền để bắt họ cúi đầu, cung phụng đàn ông như di ngôn Khổng Tử “xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử”. Tấm khăn mỏng đó đã sờn rách, ánh sáng dân chủ đã cho họ thấy bình quyền, so sánh và chống đối. Trung suy nghĩ, về cảnh đời dàn dựng hàng ngày trên mặt báo để thấy sự mâu thuẫn của chính mình. Có phải chính Trung, đang khao khát tranh đấu cho sự tự do, dân chủ văn minh tiến bộ. Nhưng cũng chính Trung đang bám víu vào thứ văn hoá thiếu toàn hảo để đòi hỏi Trâm phải tiếp tục chịu đựng, im lặng hay khuyến khích Trung lao đầu vào thứ việc làm, mà Trung đã được nhồi thành ấn tượng của kẻ “làm trai cho đáng nên trai” từ thuở ấu thơ, hằn sâu thêm từ khi miền Nam sụp đổ.
Trung biết trước, đoán trước và Trung cũng chẳng tránh được như đa số những người đàn ông. Trâm cũng nhìn thấy, tự nhủ sẽ chấp nhận. Nhưng thời gian có khả năng bào mòn tất cả mọi chướng ngại, thay đổi bất cứ sự bất biến nào trên thế gian. Từng chút và từng chút, thứ hạnh phúc chắp vá tan loãng theo những đêm Trung vắng nhà. Dù sao Trâm cũng vẫn chỉ là một người đàn bà yếu đuối như bao nhiêu người đàn bà khác.

9.

- Thôi cô đừng buồn nữa, trẻ đẹp như cô đàn ông con trai thiếu gì người đeo. Thằng chồng cô tui biết quá mà. Nó không học hành làm ăn chi hết, năm nào cũng dzìa Việt nam. Chắc nó lại dzìa theo con nhỏ bia ôm nào đó ‘gồi’. Mấy thằng đàn ông chó chết, bây giờ lên nước lắm!

Thím Tư hằn học nguyền rủa Trung không tiếc lời. Thím gặp ai về Việt Nam là tỏ thái độ chống báng, không phải vì chuyện chính trị, mà chỉ vì chồng thím vướng chuyện mèo chuột bên đó. Hồi đầu nhiều người chống đối chuyện du lịch. Thím thường nói.

- Chống cái gì mà chống! Cha mẹ, anh em ở bển không dzìa tiếp tế, bỏ họ chết đói sao đành!

Rồi thím về vài lần, tiền bạc dành dụm, ban phát cho thân nhân nghèo khổ. Lúc thím không còn hậu hỹ như trước, họ có thái độ lạnh nhạt. Thêm vào ông chồng la cà nhậu nhẹt cô này, cô kia. Thím là mẫu người chất phác, quê mùa. Đối với thím, tổ quốc là gì? Nó chẳng mang một hàm ý gì trong đầu óc mụ mị của kẻ nhà quê. Nhưng thấy xứ sở càng ngày càng tiêu điều, con người biến chất, thím lại nhảy dựng lên chửi bới.

- Tổ cha nó! Xưa tao nuôi du kích, chỉ vì tụi nó nói: giải phóng “gồi” xây dựng bằng năm, bằng mười”. Ai ngờ tụi nó làm đâu sụm đó. Mở cửa đổi mới tưởng khá hơn nhưng toàn thấy cán bộ chơi bời đĩ điếm, tham nhũng hối lộ; còn bà con tao vẫn nghèo trờ, nghèo trụi đến nỗi bỏ ruộng bỏ đất mà đi tha hương cầu thực, bán trôn nuôi miệng.

- Thôi thím ăn cơm chiều đi, con ngồi chơi đây một lát, rồi cũng lo cơm nước.

Trâm nói khéo, để được ngồi yên một mình. Thằng Duy lẫm chẫm chạy lại mẹ chỉ tay ra đầu đường:

- Bố, bố, mẹ ơi bố kìa!

Dáng người đàn ông xa xa, cao gầy như Trung, nhưng chỉ là những người đi đường, dửng dưng với nỗi hân hoan của thằng bé. Trâm lặng thinh nhìn Duy, thằng bé lầm lẫn từ hình thức đến nội dung. Có lẽ suốt đời, nó sẽ không bao giờ nhìn thấy người cha ruột là bố Trung. Những ngày cuối tuần như hôm nay, làm cho Trâm thêm tiều tuỵ. Hai mẹ con thẩn thơ trên khoảnh sân nhỏ dưới tàng cây sồi. Trâm dọn về đây, để xa lánh tiếng chuông điện thoại reo, để khỏi phải nói dối quanh quẩn về chuyện gia đình, và nhất là để bắt đầu lại. Bắt đầu một cuộc sống cô quạnh như cha nàng với đứa con thơ trước kia.

Phải chăng cuộc đời chỉ là một sự lập đi, lập lại nhàm chán đến thừa mứa của cuộc sống cộng sinh?

10.

Ông già, nhặt nắm đất ném xuống, vài người làm theo. Cái đám ma buồn tênh khác thường, không có một người phụ nữ, không có cả tiếng khóc lóc quen thuộc hay ít nhất cũng là tiếng sụt xịt thương cảm, chỉ lèo tèo vài ông già với đám nhà đòn rẻ tiền. Đám ma của Trung chỉ có vậy. Đó là còn may, là nhờ thằng lơ xe quen biết về báo, nếu không, chắc xác Trung sẽ được ném chung với các xác chết vô thừa nhận, đầy dẫy ở cái xứ giá trị con người không khác đồng tiền thiếu bảo chứng.

- Lũ khốn nạn!

Ông già lẩm bẩm. Ông biết chúng thủ tiêu con rể ông, nhưng ông không làm gì được. Trong cái xã hội mà luật pháp chỉ là thứ trò chơi khó hiểu và Trung là thứ công dân lai căng, con hoang của một nước đệ tam, nên không ai quan tâm hay để ý. Huống hồ, ông lại chẳng có tiền để kiện cáo. Mà kiện ai còn dùng đồng tiền để thắng, chứ kiện nhà nước của ông chẳng khác gì đem muối bỏ biển. Ông hối hận. đến độ mắt ông ráo hoảnh khi ông đến nhìn, nhận ra cái xác của Trung, một thứ tai nạn xe cộ bỏ chạy, như hàng ngàn tai nạn mà chính ông ngày xưa cũng đã từng dàn dựng, trong thời chống Pháp, đối với những người bị bắt và bị Việt Minh đánh chết. Ông nhắm mắt hình dung đến cuộc hỏi cung giữa Trung và bọn nội vụ. Hèn hạ, bỉ ổi! Ông nguyền rủa chính ông, người gián tiếp đẩy Trung và hàng triệu kẻ khác vào cuộc sống hôm nay. -Người trực tiếp dẫn dắt Trung vào cái chết thảm não. Hôm Trung bàn với ông về việc xin giấy phép tổ chức hội cứu trợ thương binh, ông đã khuyên Trung rất nhiều:

- Ba nghĩ là con nên tính lại.

- Con không tính gì hết đâu Ba. Con chỉ muốn làm cái gì đó cho những người lính tàn phế bớt khổ dù chỉ là chút tinh thần!

- Tụi nó sẽ không cấp giấy phép đâu. Họa là con xin thành lập riêng cho lính bộ đội thì còn may ra.

- Làm vậy, chỉ khơi sâu thêm lòng thù hận Nam Bắc. Con thấy vì yếu tố đó mà mình thiếu yếu tố đoàn kết.

- Ba cũng thấy thiệt là khó cho hai miền thực sự ngồi xuống xoá bỏ hận thù.

- Vì vậy mà con muốn chọn thương binh, những người đã mất mát, bộ đội bị bỏ quên, lính cộng hoà vẫn bị bạc đãi. Con muốn mọi người thấy đó, để nghĩ lại chiến tranh đã tàn phá Việt Nam quá nhiều, đã đến lúc để xây dựng lại. Tự do dân chủ không thể đạt được, nếu không bắt đầu bằng những chương trình dân sinh. Vả lại, con chỉ có thể làm một phần nhỏ, còn nhiều người với những khả năng khác nhau để tiếp tục tranh đấu theo kế hoạch của họ. Miễn sao đừng đạp đổ lẫn nhau, thì trước sau gì mình cũng tiến lên như các nước giàu mạnh khác.

Trung say xưa với niềm tin, đúng hơn là ước mơ nhỏ nhoi của Trung. Trung vẫn chỉ là một thanh niên khờ khạo, chân thật. Nhưng thất bại, vẫn chưa bao giờ khiến Trung thấy được mặt trái bên kia của đồng tiền. Vẫn không tập được cho Trung những thủ đoạn của người tranh đấu. Vẫn không làm cho Trung hận thù.

- Anh tổ chức quần chúng như vậy với mục đích gì?

- Tôi chỉ kêu gọi, quyên góp giúp đỡ thương binh.

- Anh còn ngoan cố! Rõ ràng, anh đang tìm cách cấu kết với bọn nguỵ quyền và bọn phản động.

- Họ là thương binh què quặt, tại sao các anh cứ nhìn mọi người bằng con mắt thù nghịch?

Tên công an nội vụ lạnh lùng đổi thái độ.

- Mày tưởng mày là Việt kiều, rồi Canada, Mỹ và các tổ chức nhân quyền ấm ớ sẽ bảo vệ mày à?

- Tôi là người Việt Nam. Đừng gán ép tôi vào các tội danh vô lý.

Gã công an chợt đổi giọng, vẻ hiền hoà nham hiểm:

- Anh nên thành thật khai báo, rồi nhà nước, thả anh ra ngay lập tức để anh trở về Canada tha hồ hưởng thụ.

- Các anh bắt người trái hiến pháp, cứ việc đưa tôi ra toà án, nếu xét tôi có tội.

- Anh tưởng, anh sẽ được đưa ra toà án, để anh gân cổ cãi nhăng cãi cuội sao? -Gã cười gằn nhạt nhẽo, tiếp: Tôi sẽ cho anh chết! Chết, như một thằng vô danh tiểu tốt ở một khu đĩ điếm, như những thằng Việt kiều ăn chơi. Để xem bọn nhân quyền có điều tra ra được mà lo phản đối…

Trung im lặng, lý lẽ với họ bằng thừa. Những người cộng sản, sẵn sàng giết lầm không có gì đáng ngạc nhiên. Trong tâm trí Trung, bản nhạc người chiến sĩ vô danh trổi lên. Trung nở nụ cười thoả mãn. Một kiếp người trong thời loạn như vậy cũng là quá dài.

&

11 giờ đêm, Trâm lo lắng nhìn thằng Duy ngủ hiền hoà như con chó con mũm mĩm. Ánh đèn ngủ mờ mờ hắt bóng nàng trên bức vách trắng nhạt. Như một cái máy, thằng bé him híp mở mắt, xoay nhìn ra cửa sổ và bắt đầu khóc. Trâm xốc thằng bé ôm choàng vào lòng.

Nhất định phải có “cái gì đó”, mà nàng không hiểu! Trâm lầm nhẩm nói một mình, nhìn qua khung kính mờ đục. Dưới tàng cây sồi tối đen, một bóng người lờ mờ. Trâm lạnh toát người ú ớ hét lên.

- Thím Tư ơi!

Tiếng chân chạy rầm rập xuống cầu thang. Cả hai vợ chồng thím Tư ùa vào bật đèn sáng choang.

- Cái gì mà la hoảng vậy cô?

Trâm lắp bắp.

- Ma, ma cô chú ơi!

Chú Tư liếc nhìn thím.

- Hổng có gì đâu, cô mất ngủ rồi mệt mỏi, chớ ma quỷ ở đâu bên xứ này!

- Ông hổng để cô Hai nói đã, người ta nói nhà này có ma mà ông hổng tin tui.

- Bà lấy mùng mền xuống ngủ chung với cô Hai, cuối tháng tui kiếm chỗ khác dọn đi.

Tuy chú mạnh miệng, nhưng trong lòng chú cũng ớn lạnh. Cả dãy phố, có căn nhà này khang trang mà tiền thuê rẻ mạt. Nhưng không mấy ai ở lâu, vì tin đồn căn nhà có ma. Trước kia, chủ nhà cũng là người Trung Hoa di dân, cô con gái yêu người da trắng rồi có thai, cha mẹ nhất định không chịu cho lấy nhau. Cô ta hận, thắt cổ trên cây sồi sau sân. Hai ông bà buồn chán bán nhà mãi không được, nên cho thuê chỉ cần đủ tiền điện nước thuế má. Chú Tư có biết chuyện nhưng tham rẻ không dám kể cho vợ nghe. Ba người chụm đầu nhìn qua cửa sổ, ngoài sân vắng ngắt ngoại trừ con chó già hàng xóm thỉnh thoảng chồm người cào hai chân lên gốc cây.

- Chắc con suy nghĩ lung quá rồi nhìn tầm bậy, làm rộn chú thím.

- Thôi bà ở đây với cô Hai, tui lên xách tấm đệm xuống.

Chú Tư lẳng lặng bỏ lên lầu, trong đầu chú miên man nghĩ đến những cái chết chú đã gặp. Bên đó người ta uống thuốc chuột, thuốc rầy chết như cơm bữa. Nhà nghèo quá, chồng tuyệt vọng bài bạc rượu chè bê tha, vợ buồn chán đi làm những nghề bậy bạ nên càng bị chồng hành hạ. Đường cùng nhảy cầu, thắt cổ cho thoát thân đoạ đày. Chú nhớ con vợ lẽ, con đàn bà bám chú như đỉa vì chú có chút tiền. Không phải chú muốn bênh vực cho cái tật năm thê bảy thiếp, nhưng thấy cô ta bán máu nuôi con nên chú tội nghiệp giúp đỡ. Rồi từ tội nghiệp đến những thứ thòng lọng của cảnh lửa gần rơm. Cũng tại cái xứ gì mà nghèo thê nghèo thảm. Nghèo đến độ, thằng nào có cơ hội là ăn chặn, đút lót, tham ô. Dạo này chú không còn dư giả nên không thể lén lút gửi về, chắc cô ả lại đi bán máu tiếp chứ vóc dáng như vậy còn làm cái chi khác. Chừng hết máu thì lê đứa nhỏ ra khỏi nhà, ăn bờ ngủ bụi hay lại tìm cách bám vào một lão Việt kiều như chú. Nhiều lúc chú có ý nghĩ tàn nhẫn…

- Giá mà tụi Việt Cộng cứ bế quan toả cảng như trước, chắc người dân chỉ còn một lối chọn duy nhất là vùng lên, máu sẽ tràn ngập vì những vụ tranh thù chuốc oán rồi sau đó có lẽ ổn thoả hơn chứ còn như điệu này, sống dở chết dở như đám gà què ăn quẩn cối xay, biết đến bao giờ mới khá. Hồi chú về, chú thấy nhà cửa đường xá mua bán nhộn nhịp hơn cảnh xếp hàng chờ mua dăm ba ký gạo, chú cũng mừng. Chú hớn hở nói với mọi người.

- Con rồng vàng đã bay lên tranh hùng xưng bá với thiên hạ!

Ông thầy giáo già, cười cười nói với chú:

- Từ Thăng Long đến Hạ Long có mấy chục cây số, rồng chưa bay cao đã hạ cánh thì…

Lão bỏ ngang câu cười ha hả vẻ mỉa móc.

- Chừng nào mà tui thấy trường học nhiều hơn vũ trường, với nhà tù thì tui mới tin con rồng đang nhú cánh.

Những lần sau chú về, thấy cái cổng đón tiếp khách nước ngoài với lối đi riêng dành cho thứ nước ngoài thật và thứ nước ngoài loại ruột dư ngàn dậm, chú nhủ thầm:

- Kiểu này là bỏ mẹ miền Nam, lại vào tròng như cái khuôn mặt trận giải phóng.

Nhìn mặt thằng công an hải quan cười tít mắt, lật quyển sổ thông hành cho tờ giấy xanh xanh rơi xuống, chú thở dài quên luôn ý định hồi hương lập nghiệp…

Anh yêu.

Lâu rồi không nhận được thư anh, chắc anh bận bịu nhiều. Em định sẽ về thăm Ba, tiện thể, cho thằng Duy về thăm ông ngoại. Biết anh ghét chuyện thư từ, nhưng em chẳng có cách nào khác, để nhắn tin cho anh hết. Vài chữ để anh vui và để em bớt nỗi nhớ. Em cũng vừa được tăng lương, không nhiều nhưng mỗi tháng vẫn còn dư giả, anh yên tâm. Em đã dọn sang nhà khác ở chung với chú Thím Tư…

Trâm cắn bút, nhưng chẳng nghĩ thêm được chữ nào, nàng gấp lá thư lại. Kỳ này, nhất định sẽ thuyết phục cha nàng gắn điện thoại để dễ liên lạc.

Trâm vẫn không hay biết chút gì ở bên kia, ông già “Ba Tri” đang ngồi bó gối, trước thềm toà án nhân dân thành phố, không có biểu ngữ, không có loa hô hào kêu gọi. Sau lưng ông, chỉ là hàng dài xe cộ tấp nập, trôi nhanh như giòng thác lũ cách mạng. Giòng thác lũ, mà ngày xưa, ông kiên cường buông mình theo, vì tin tưởng: có cả một vùng nông thôn miền Nam hậu thuẫn. Còn bây giờ, là cả một khối người tỵ nạn hải ngoại, nhưng họ không hậu thuẫn ông, họ đang đâm vào lưng ông, những nhát dao chí tử, thứ dao xếp gọn gàng bằng những tấm đô la xanh. Ông húng hắng ho, khạc bãi đờm lợn cợn chút màu cách mạng. Sài gòn, bây giờ, đổ cơn mưa chiều thường lệ, âm âm nóng đến tối lại tan và chợt nóng trên những vĩa hè! Vài hạt “nước” hắt lên trũng mắt sâu làm thành giọt long lanh. Ông nhớ con Trâm, nhớ thằng Trung. Ông cố mường tượng thằng Duy, thằng cháu mà ông chỉ nghe Trung nói…

- Mày không chụp hình cho tao xem, cháu tao?

Trung cười.

- Hồi đó, ba có dám giữ hình hay thư từ của má không?

Ông cũng cười… móm mém.

-Tao với mày, có khi phải nhờ tay thằng Duy mới xong!?

Kết:

Tôi viết câu chuyện này, cách đây gần 10 năm về trước. Nhưng vì bị “tai nạn giao thông nghề nghiệp” trên các báo hải ngoại chụp bủa, một thứ chụp bủa mà tôi gọi là “theo hùa”! Nghĩa là dù có cầm bút hay không cầm bút, họ chỉ cần nghe phong phanh cái tin như thế, như thế là có cả một màn bủa chụp với đủ mọi loại Từ khủng khiếp, của những người tự cho mình là kẻ Sĩ!

Vì thế, tôi nghỉ viết từ đó, để lại một số bản thảo dỡ dang, đang thời sung sức sáng tác ở tuổi thanh niên. Tôi chỉ buồn cho dân tộc tôi, một dân tộc mà mọi người đều sống trong sự nghi kỵ và gỉả dối sau cuộc chiến tranh tương tàn và tàn khốc khi khái niệm tư tưởng khác nhau! Ở đó không còn niềm tin!

Nhưng không vì vậy, mà tôi mất lòng tin! Vì thế, tôi đã gượng lại được, vì ở đó có Trung, có ông già “Ba Tri” (dĩ nhiên tôi đổi tên nhân vật).

Trung là nhân vật có thực! Anh là bạn thân tôi. Nhưng tôi không mấy biết về tính cách sinh hoạt đời sống riêng tư của anh, vì anh sống thầm lặng và hay chợt mất biến đâu đó một thời gian khá lâu -chỉ anh biết- rồi xuất hiện đột ngột bên tôi như phù phép.

Đoản chuyện trên, anh đã kể cho tôi nghe lần cuối cùng tại nhà anh -căn chúng cư-, trước khi anh đi vào khoảng không vô tận, được băng ghi âm. Anh nhờ tôi viết lại thật đầy đủ, như một dữ liệu cần có, để thằng bé con anh đọc sau này. Có những đối thoại dài lê thê, nhưng tôi vẫn cố giữ, dù đã xóa rất nhiều chi tiết. Tuy nhiên, có những chi tiết nhỏ, lẽ ra không đáng giữ, nhưng tôi vẫn giữ vì thời gian nó sẽ là dữ liệu cho những sinh hoạt dân sự ở hải ngoại.

Tôi gặp Trâm và ông già “Ba Tri” ở sài Gòn năm 2008, ông kể lại vài điều về Trung, tôi cố gắng phác thảo, thêm thắt về Trung, nhưng thấy mình bất lực chưa hiểu lắm về Trung, -một con người mang nhiều bí ẩn! Tôi không nghĩ anh chết, chỉ vì một lý do đó, mà có thể có sự bất nhất nào đó mà ông già “BaTri” chưa biết hết, hoặc chưa thổ lộ hết. Dù sao mọi cố vẫn còn hơn không!

Ông già “Ba Tri” cũng là một nhân vật khó hiểu, nên tôi không thể viết về ông nhiều! Ông cũng như Trung, bạn thân tôi mấy chục năm, nhưng tôi không hề hiểu anh mấy. Họ sống về nội tâm quá nhiều! Một kẻ thất học như ông già “Ba Tri” và một kẻ có học như Trung, tôi thấy tri thức của họ gắn bó với quê hương xứ sở của họ ngang tầm nhau, nghĩa là cao bằng nhau!

Vancouver 2000/ 15/12/2009

Phản hồi