WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Lên voi xuống chó ở “Miệt dưới”

“Khôn ba năm, dại một giờ” – thành ngữ Việt Nam.

Các con số vô nghĩa 50, 60, 77 đang hủy hoại cuộc đời và sự nghiệp của ông Marcus Einfeld, một người trước đây được coi là kho báu sống của nước Úc. Có lẽ phải kể thêm con số cuối cùng nữa, là số 2.

Marcus Einfeld. Ảnh: abc.net.au

Trên một đường phố có tốc độ giới hạn 50 cây số giờ chiếc Lexus màu xám bạc của ông đã bị máy chụp hình tốc độ bắt quả tang đang chạy tới 60 cs/g hồi tháng Giêng năm 2006. Vài ngày sau ông nhận được giấy đòi 77 đô la tiền phạt về tội đã chạy đến 10 cây số quá tốc độ giới hạn. Đồng thời với số tiền nhỏ này ông sẽ bị mất 3 điểm trong tổng giá trị 12 điểm của một bằng lái xe. Nhưng ông khai rằng một người bạn đã lái xe của ông hôm đó, chứ không phải ông, thành ra ông khỏi đóng phạt, và bằng lái xe của ông cũng không bị mất điểm. Tai hoạ do chính ông gây ra bắt đầu từ đây.

Theo lời ông khai trước toà thì người bạn già đó là  bà Giáo sư Teresa Brennan. Nhưng một tờ báo ở Sydney đã moi ra người bạn đó của ông đã qua đời ở Hoa Kỳ 3 năm trước khi chuyện vi phạm tốc độ xảy ra. Cảnh sát buộc phải xét lại các bằng chứng trong lời khai danh dự của ông.

Sở dĩ báo chí bám lấy mọi chi tiết ông kê khai vì lời của ông từng là khuôn vàng thước ngọc của nền công lý nước Úc. Ông là cựu thẩm phán của Toà Án Liên Bang Úc Đại Lợi trong nhiều năm. Ông có một tiểu sử dù vắn tắt vẫn dài, và rất đáng kính nể.

Sinh tại Sydney vào năm 1938, là con một chính trị gia nhưng không tham chính. Ông hành nghề luật sư ở Úc và ở Anh khoảng 25 năm. Ông đã làm thẩm phán Toà Liên Bang Úc trong khoảng 15 năm. Ông là chủ tịch sáng lập của Ủy ban Nhân Quyền và Bình Đẳng, là phó chủ tịch tại Úc của Ủy hội các Luật gia Quốc tế. Ông là thẩm phán của Toà án Tối cao Eastern Caribbean, là Đại sứ về Trẻ Em của UNICEF, là chủ tịch Liên Đoàn Thế Vận Dành Cho Người Khuyết Tật, là Đại sứ về Người Tỵ Nạn của tổ chức từ thiện AustCare của Úc. Ông là một người hoạt động tích cực về nhân quyền và người tỵ nạn, bênh vực cho người bản địa – thổ dân – ở Úc. Ông ủng hộ cho dân chủ ở Burma và Tây Tạng, đòi độc lập cho Đông Timor. Ông là một cố vấn trong việc viết hiến pháp cho Cộng Hoà Dân Chủ Timor-Leste. Ông là diễn giả được mời nói chuyện khắp thế giới về điều hành quốc gia, về nhân quyền, về chống tham nhũng, về việc cải tổ hệ thống pháp lý, về hoà bình thế giới, về tác phong hành xử của các đại công ty (corporate ethics)… Ông còn là niềm hãnh diện của cộng đồng Do Thái ở Sydney. Người ta gọi ông là nhà vô địch trong các hoạt động về nhân quyền. Những đóng góp lớn lao cho cộng đồng quốc gia và quốc tế của ông đã được nước Úc đề cao bằng huy chương “Order of Australia” (OA). Trong nghề Luật ông đã đạt được danh hiệu “Queen’s Counsel” (QC), tức là một luật sư thâm niên đầy kinh nghiệm.

Nhưng tất cả các thành tích này không cứu ông thoát khỏi tội bội thệ (perjury) và cản trở công lý (perverting the course of justice). Ngày 31 tháng 10 năm 2008, trước các bằng chứng quá rõ ràng tại toà rằng ông chính là người lái chiếc xe vi phạm tốc độ, rằng ông đã khai dối nhiều lần trong lời khai danh dự, rằng ông vẫn tiếp tục nói dối sau khi tuyên thệ trước toà là chỉ nói sự thật… ông đã thú nhận mình nói dối, và cố tình cản trở công lý. Tóm lại là ông nhận tội.

Ngày 20 tháng 03 năm 2009 ông bị tuyên án 3 năm tù ở, và phải ở tù tối thiểu 2 năm trước khi được cứu xét việc giảm án. Quan toà đã phán rằng ông Einfeld đã “cố ý và có tính toán trong việc bội thệ” chỉ để tránh khỏi bị mất điểm trong bằng lái xe – lúc ấy bằng lái xe của ông chỉ còn 4 điểm. Trường hợp phạm tội của ông được toà coi là “tồi tệ nhất”, vì ông đã phạm vào ngay tận cốt lõi của công lý.

Sau khi giao nộp ví và điện thoại bỏ túi ông đi giữa 2 nhân viên bộ cải huấn lên xe chở tù để vào tù. Khi bước ra, trong sự nhốn nháo của kẻ thương người ghét và hàng trăm phóng viên ông nói rằng ông đã chuẩn bị túi xách sẳn sàng rồi.

Trong một cuộc phỏng vấn trên chương trình “Four Corners” ông nhìn nhận “không thể nói cách nào đơn giản hơn là tôi đã nói dối. Đây là một việc vô cùng xấu hổ, và tôi đang phải trả giá cho việc này.” Ông cũng tỏ ra hối tiếc: “Tôi tha thiết xin lỗi mọi người về việc tôi đã làm. Tôi xin lỗi gia đình, mẹ già và các con tôi. Tôi xin lỗi công chúng, là những thính giả của tôi.” Cuộc phỏng vấn này được ghi hình trước khi ông lãnh án, và được đài truyền hình ABC chiếu 3 ngày sau khi ông đã vào tù. Trong suốt cuộc phỏng vấn dù nhìn nhận đã nói dối, ông vẫn không chịu nhận ông là người không thành thật. Ông cho rằng đó chỉ là một lỗi lầm!

Hỏi về cuộc đời tù tội trước mắt thì sao? Ông biết là sẽ rất khó khăn, đặc biệt đối với ông, vì tù nhân rất ghét quan toà, và họ cũng không ưa gì người Do Thái. Có thể ông phải xin được che chở để khỏi bị các tù nhân khác hãm hại.

Tóm lại, tại sao ông làm thế? “Chính tôi cũng không biết!”, ông trả lời như vậy. Rồi ông nói thêm “tôi đã đào cho tôi một cái hố, và không biết cách nào leo ra khỏi cái hố đó.” Ý nói tới mấy phiên toà liên tiếp, từ năm 2006 tới 2008 ông vẫn tiếp tục khăng khăng nói dối, mãi đến cuối năm 2008 ông mới chịu nhận tội.

Chính ông còn không biết tại sao thì công chúng chỉ có cách phân tích và đoán già đoán non mà thôi. Nhưng chắc chắn không phải vì món tiền phạt, vì ai cũng biết nó quá nhỏ bé với mức lương hưu hàng năm của ông lên tới gần 200 ngàn đô la. Kết luận chung có thể là vì tính kiêu căng ngạo mạn của một người quá thành công, xem mình đứng trên luật pháp. Một đồng nghiệp cũ cho biết làm việc chung với ông rất khó, cái gì ông cũng cho là ông đúng. Nếu có ai đặt vấn đề với ông thì ông hay vặn lại “có biết tôi là ai không?

Chắc chắn bây giờ nhiều người biết ông là ai hơn trước kia, rất nhiều. Người ta biết ông là quan toà đầu tiên bị đi tù trong suốt lịch sử nước Úc. Họ còn biết ông đang ở tù được hơn 4 tuần rồi, còn cả trăm tuần nữa. Người thương thì thấy ông chỉ đáng bị án treo. Người ghét ông thì hả dạ. Người vô can dù có tiếc cho ông vẫn thấy được điểm son của công lý. Sau khi ông vào tù thì quan Khâm Sai Đại Thần, đại diện của nữ hoàng Anh tại Úc, đã quyết định rút lại huy chương OA. Luật sư đoàn cũng đã hủy bỏ danh hiệu QC của ông. Chủ tịch cộng đồng người Do Thái đã phàn nàn về việc đài truyền hình ABC đã quay hình ông tập hát với ca đoàn ở một đền thờ Do Thái giáo khi không được phép. Dường như cả cộng đồng Do Thái cũng không muốn liên hệ tới ông. Dù sao ông vẫn còn được hưởng mức lương hưu rất hậu suốt đời dành cho một thẩm phán Toà Án Liên Bang. Mai kia khi ra tù ông đã 72 tuổi, thân già danh liệt. Không biết lúc ấy các danh hiệu, nếu còn, và tiền tài có bù đắp được gì cho ông hay không. Chắc là không.

© Trà Bồng

Phản hồi