WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Cấm đái bậy

Có nhiều chuyện xẩy ra trong đời sống một cách tự nhiên; chẳng hạn như đi ngủ và đi… tiểu.  Các chuyện được xem là tự nhiên sẽ không còn gì là tự nhiên nữa nếu chúng ta bắt buộc phải quan tâm đến nó.  Hơn thế, vấn đề bài tiết của cơ thể thật tình không có gì hấp hẫn, thú vị để đề cập đến; nhưng để “tự nhiên” cho đến mức độ mà cả xóm, cả thành phố, cả nước hôi mùi… nước đái thì vấn đề “nặng mùi” này phải là một phần trách nhiệm của từng công dân, của người lãnh đạo, của người vẽ, hoạch định chính sách của nhà nước – một vấn đề to tát của quốc gia chứ không phải chỉ riêng gì chuyện đại hội đảng, bầu cử quốc hội, tổng thống, chủ tịch nhà nước… chuyện chống lạm phát kinh tế… chuyện chống tham nhũng…!!

Từ thuở hoang sơ, dân số còn ít và con người còn sống rải rác thì “tiểu đồng” không bao giờ là vấn đề.  Thực ra, vào thời xưa, vì phương tiện để giải trí còn rất thiếu thốn, thì tiểu đồng là một cái thú thật thuận tiện và không tốn kém của nhân loại.  Còn gì thích thú cho bằng vừa đứng xả bầu tâm sự giữa ánh nắng ban ngày vừa nghe chim hót và tiếng gió thổi rì rào chung quanh.  Có lẽ thời nay chỉ có “ngồi cầu cá dồ” là có thể tạm so sánh được với “tiểu đồng” thôi!  Nhưng mà hôm nay, thế kỷ 21 rồi, con người sống chen chúc nhau trong các thành phố đông người, thiên nhiên không thể nào bao dung rộng lượng với con người như lúc xưa nữa.  Vấn đề đái đường, tường, gốc cây, góc phố, góc kẹt… phải cần xét lại.  Ngoài lý do dơ bẩn, nguồn gốc của nhiều bệnh tật…  nó, một mặt, tè lên danh dự của dân tộc khi du khách ngọai quốc nhìn thấy… mặt khác nó cũng là dấu hiệu gián tiếp bảo họ (du khách) “đừng nên trở lại đây nữa nhé!”

Buồn chưa?Trước hết hãy nói về người đái bậy.  Đã có người tranh luận là “À!  Nếu mót quá mà không có nhà vệ sinh công cộng nào ở gần thì làm sao bây giờ?”  Nhưng phải thành thực công nhận là trong số người hay đái bậy, đại đa số là đàn ông!  Tại sao vậy?  Có phải là các bà nín giỏi hơn các ông? Các “chuyên gia” về “đái đường” không đồng ý như vậy.  Họ nói là các bà không “cẩu thả,” “lười biếng” và “vô trách nhiệm” như các ông(?)  Các bà không hay uống rượu (bia), cà phê, trà…  đại lọai những thứ làm cho bàng quang đầy tràn bình mau hơn.  Ngoài ra, vì lẽ việc thải nước thừa trong người ra ngoài, các bà thường phải cần có nhiều thời giờ hơn, phải cần chỗ kín đáo hơn.  Họ không thể đứng tô hô giữa thiên thanh bạch nhật rồi “hit and run” như đàn ông cho nên họ phải cẩn thận hơn.  Các bà chỉ đi chợ, shopping… những nơi mà họ biết có nhà vệ sinh công cộng có thể dùng được… trong khi các ông lại ít quan tâm đến các yếu tố lặt vặt mà rất cần thiết này.  Vậy đề nghị các bác trai nên bỏ bớt chút ít thời giờ nhậu nhẹt để học cái “bí quyết thần kỳ” này của các bác gái xem sao!

Bây giờ nói rộng hơn về vai trò “dân trí” và “văn minh” của dân tộc (dĩ nhiên là cũng trong vấn đề đái bậy!)  Có rất nhiều người, trong đó có cả nguyên thủ của các quốc gia như Nam Dương, Đài Loan, Đại Hàn… đã từng tuyên bố nhiều lần đại khái là:

“Nếu muốn xét trình độ văn minh của một dân tộc xem nó đến mức độ nào thì chỉ việc nhìn vào nhà vệ sinh công cộng của họ là đủ!”

(The public toilet is to reflect the civilization index of each country.  It also reveals the country’s civilization level and quality of life).

Ngạn ngữ Nhật bản có câu:“Nhà vệ sinh (buồng tắm) là một phần của đời sống.  Chỉ nhìn vào buồng tắm của một gia đình là biết rõ gia đình đó như thế nào?”

(Họ có sống ngăn nắp không? Có chăm sóc nhà cửa con cái của họ thích đáng không?)

Nếu có lời nói nào đơn giản và dễ hiểu hơn về vấn đề văn minh của dân tộc thì xin các bác làm ơn mách dùm cho cháu biết với? Người Nhật quan niệm đúng theo cái nghĩa “tề gia trị quốc” của dân Á châu chịu ảnh hưởng Khổng Mạnh.   Đúng vậy!  Nhà ở mà giống như đống rác thì ra ngoài đái đường có gì mà phải ngạc nhiên?

Vì vấn đề cắt giảm ngân sách, giảm chi phí cho tiện nghi công cộng, nhiều thành phố hoa lệ nổi tiếng trước kia như Paris, New York…, nay rất nhiều du khách đã phải lớn tiếng than vãn về “mùi nước đái” (New York’s subway systems và các đường hẻm – alleys…) và “phân chó.” (Paris ngoài vấn đề thiếu nhà vệ sinh công cộng còn bị 200 ngàn con chó tự do sản xuất 160 tấn phân mỗi ngày trên đường đi mà chính quyền thành phố không đủ nhân lực, phương tiện để dọn dẹp!).

Dầu có che mắt hay bịt mũi, cũng phải công nhận rằng: Có sẵn phương tiện và khả năng xây dựng lên các nhà vệ sinh công cộng đã là một chuyện đại sự rồi; phải giữ gìn bảo trì chúng cho sạch sẽ ở mức độ chấp nhận được đòi hỏi ngân sách to lớn và sự ý thức, sự tham gia, sự giáo dục, sự thành tâm hợp tác giữa chính phủ và quần chúng…  Kích thước của vấn đề này chỉ nghĩ đến thôi cũng có thể bí đái rồi… nói chi đến chuyện thi hành…

Bây giờ nói về đất nước Việt Nam độc lập tự do hạnh phúc của mình.  Nhà cháu xin nói rõ đây không phải là vấn đề vạch áo cho người xem lưng, hay bôi xấu dân tộc mà là bảo nhỏ với nhau bằng tiếng Việt đàng hoàng!  Đã có nhiều bác quá khích hấp tấp (nếu chưa nói là vô phép) văng tục một cách vô trật tự là “Việt Nam với 4000 văn hiến đâu chẳng thấy mà chỉ thấy 4000 năm đái đường!”  Nhà cháu xin nhờ các bác nóng tính này một tí!  Nhìn qua các chương trình đã và đang thực hiện trong thời buổi “đổi mới,” chúng ta thấy các khách sạn 5 sao, dinh thự “hoành tráng” của các tay nhà giầu mới (mặc dù lương căn bản mỗi tháng của nhiều người chủ của cơ sở này không quá 200 đô la?), tượng đài hùng vĩ (kể cà công trình xây “lăng tẩm” cho người chết ở thế kỷ 21!) mọc lên như nấm… nhưng lại thấy thiếu bóng các xây dựng khiêm nhường, nhỏ bé nhưng cần thiết hơn nhiều.  Đó là: “nhà xí công cộng.”  Cứ tưởng tượng quang cảnh tương tự như là trong việc thi hành đường lối “đổi mới,” Việt Nam đã xây dựng rất nhiều ngôi nhà (bằng tiền thiếu vệ sinh!?) to lớn nhưng không hiểu đầu óc của giới lãnh đạo “định hướng” thế nào mà quên không cho vào “bàn cầu” một cái lỗ!!!  Thiệt là chuyện “văng vãi tùm lum!”  Việt Nam đã có cách mạng (có nghĩa là thay đổi tất cả những cái cũ) vô sản vinh quang “thành công” rồi; nay lại muốn thay đổi toàn diện (“đổi mới”) thì chỉ có cách “đổi thành cũ” mới đúng chứ!  Chữ với nghĩa rõ chán!  “Nói xuôi cũng được, nói ngược cũng hay!”  “Nói đi cũng phải, nói lại cũng dễ nghe!”

Tại các thành phố lớn, số bảng “Cấm Đái,” nếu các bác rảnh hơi chịu khó đếm ra cho có con số chính xác, còn thấy nhiều hơn cả các bảng, băng “rôn” (biểu ngữ) ca ngợi sự lãnh đạo sáng suốt của Bác và Đảng.  Các bảng loại này nhiều đến mức độ làm cho du khách ngọai quốc phải hiểu lầm như trong trường hợp có thật đã xẩy ra cười ra nước mắt như sau:

Một du khách tây phương hỏi anh hướng dẫn viên du lịch (tour guide) ở Việt Nam:-  “Tôi đã đến Việt Nam nhiều lần. Ở Việt Nam có hai vịnh (“bay”) rất nổi tiếng mà tôi đã đi thăm.  Đó là: “Hạ Long Bay” và “Cam Ranh Bay.” Nhưng còn một vịnh tôi thấy quảng cáo rất nhiều, ở trên tường, cây đại thụ bên đường, trong hẻm.  Mà nó nằm ở đâu vậy?  Anh có thể dẫn chúng tôi đi thăm được không?”

Anh hướng dẫn viên vội hỏi:

- “Xin ông cho biết tên của cái vịnh đó là gì?”

Ông khách chỉ lên bức tường bên đường rồi bập bẹ đánh vần:

- “CAM DAI BAY!”…

Chỉ đọc cho qua nội dung của các bảng “cấm đái” đã đủ hiểu sự phong phú của tiếng Việt mình đến mức nào.  Các bảng “cấm đái” có nhiều lời lẽ dài ngắn với cường độ khác nhau: từ lịch sự năn nỉ sự thông cảm như “Xin đừng đái nơi đây;” cho đến các lời cấm khô khan “Cấm Đái;” “Cấm không được đái;” cho đến lời đe dọa nặng nề có kèm theo cả các biện pháp chế tài (tưởng tượng) như “Cấm tuyệt đối không được đái. Vi phạm sẽ bi phạt nặng.”  Dưới hàng chữ hăm dọa “phạt nặng” này lại ghi rõ tên các cơ sở có đầy đủ thẩm quyển như “Công an Phường…”  Lời hăm dọa chế tài đôi khi còn được cho thêm “ấn tượng” với hình vẽ một con dao mà phần cạnh bén được sơn màu đỏ, có các giọt sơn đỏ (xem như) còn ướt nhỏ xuống giống như dao vừa mới được “làm việc” xong!  Thực tế rất phũ phàng các bác ạ.  Tất cả các bảng “cấm đái” đều hoàn toàn vô dụng bởi vì không hề thấy có bóng dáng công an cảnh sát nào ở gần đó để các làm các bác muốn đái bậy phải sợ.  Công an còn đang bận “làm việc” gì đó mà họ xem là quan trọng hơn chuyện đái bậy.  Phải lấy làm lạ là ở Việt Nam công an có thừa thời giờ “bịt mồm” dân mà lại không có thời giờ “bịt chim” của dân cho bỏ cái tật đái bậy!?  Đây là chưa kể chính ngay công an cũng thường ra đái ở đây mới chết chứ!!!  Oái oăm ở chỗ là các loại bảng “cấm” này hình như có ảnh hưởng ngược lại (“reverse effect!”).  Nó có sức lôi cuốn và nhắc nhở mọi người rằng ở đây “đái được không cấm” (các bác thử đọc ngược từng chữ một của câu “cấm không được đái” từ phải qua trái xem sao?!)

Quang cảnh “đái đường” mới thật là một bản bi hài kịch dài không bao giờ hạ màn.  Lần về thăm lại Sài gòn gần đây, nhà cháu chứng kiến cảnh  một thanh niên ăn mặc khá bảnh bao, áo bỏ trong quần hẳn hoi, cầm tay đào đi dung dăng dung dẻ trên hè phố rất mùi mẫn.   Bổng nhiên anh ta quay qua nói với cô bồ câu gì đó (nhà cháu đóan non đoán già là “Anh mắc… quá! Chờ chút xíu để anh…”).  Thế là anh ta để cô đào đứng tuỗn ra ở bên lề đường; anh ta quay buớc vào bức tường gần đó rồi thong thả xả bình tự nhiên như con “kiki” của nhà cháu lúc nó buồn tình đi vòng vòng “marking territory” chơi chung quanh xóm vậy.  Sau khi đóng nút quần xong xuôi, anh chàng ta đi trở ra cầm tay đào (yuck!) và dung dăng dung dẻ tiếp như không có chuyện gì xẩy ra!  Hãi thật!  Sao có thể như vậy được!  Phải có người nào ở chung quanh đó nói lên một tiếng chứ!  Hay ít nhất cô đào thơ mộng của anh ta dù không tiện nói cái gì nhưng cũng nên tạm thời không cho anh kép đẹp giai này cầm tay chứ!  Trong một dịp khác được bạn bè chở ra Bình Triệu (ở ngọai ô Sàigòn) để ăn nhậu, nhà cháu thấy có một ông vào tuổi sồn sồn có vẻ bệ vệ của một đại gia (?) mặc “vét tông” lái xe ô tô rất “xịn,” đột ngột dừng xe lại bên lề đường, một tay vạch quần đái vào tường tỉnh bơ con sáo sậu; trong khi tay kia vẫn đang cầm điện thọai di động và miệng thì vẫn đang bi bô ra chỉ thị (qua điện thoại) cứ như đang “làm việc” ở văn phòng riêng!!!  Việt Nam vào thời kỳ “đổi mới” có khác!  Cũng còn may là các thành phố ở Việt Nam không có mùi phân chó; bởi vì chó không đủ cung cấp cho các tiệm nhậu.  Dân nhậu nhìn thấy chó còn sống đi ngang qua mặt là đã thấy chẩy nước miếng rồi.  Lấy đâu ra chó sút chuồng đi rong đái bậy, “marking territories?”   Nếu có đi nữa thì đây là loại chó chán sống; chỉ tổ bị hàng xóm lén đập đầu bắt cóc nấu rượu mận “chui” ngay tức thì!  Thiệt tình, vào thời buổi “đổi mới,” “kinh tế thị trường,” “định hướng xã hội chủ nghĩa” chỉ thấy có cán bộ và đảng viên CS là sống phè phỡn.  Còn lại, đến chó cũng phải hồi hộp khó sống, nói chi đến thường dân khố rách áo ôm!

Dân số Việt Nam càng lúc càng tăng nhanh, vấn đề đái bậy mỗi ngày sẽ càng trầm trọng hơn.  Xin các bác các thím có thẩm quyền, có quyền cao chức rộng ở Việt Nam hãy ra lệnh cho tạm giảm bớt các chương trình hoa mỹ tuyển lựa “ca sĩ,” “hoa hậu…,”  “kỷ niệm chiến thắng…” giảm xây cất (hay đập bỏ bớt đi!) các tượng đài kỷ niệm vô tích sự hao tổn công quỹ và bắt đầu quan tâm hơn đến các vấn đề thực tế sát với đời sống hàng ngày của dân ngu khu đen như đái đường, xả rác, cống rãnh, giao thông “ùn tắc…”  Nếu không bắt đầu từ bây giờ thì đợi đến lúc nào?  Không lẽ các bác lãnh đạo đợi dịp để bán cái cho Việt kiều yêu nước hay con cháu của các bác học tốt nghiệp xong từ các đại học ở Mỹ, Úc, Pháp…

Tóm lại, “nhà xí công cộng” thực sự là cái thuớc để đo sự trưởng thành của một dân tộc.  Dân chúng không cần các tượng đài hùng vĩ mà cần các nhà vệ sinh công cộng sạch sẽ chẳng riêng cho người bình thường mà cả trẻ em, người già và ngưới tàn tật cũng có thể xử dụng được.  Ở đó nhân viên của nhà vệ sinh được dùng không phải là để ngồi trước cửa thâu tiền; mà lo dọn dẹp cho sạch sẽ bên trong.  Hay là nhà cháu mạo muội đề nghị là nhà nước ta nên xúc tiến ngay một chương trình xây cất hàng loạt các nhà xí công cộng miễn phí trong nước đồng thời người dân nào đến sử dụng (thay vì phải đi đái đường) còn được phát một món quà nhỏ tượng trưng – chẳng hạn như được tặng miễn phí một ổ bánh mì thịt sau mỗi lần thăm viếng!  Nếu đất nước đạt được cái “chỉ tiêu” đó thì thiên đường chắc cũng chỉ đến thế thôi!

© Trần Văn Giang

Phản hồi