WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Giáng Sinh qua những chặng đời

Giang sinh

Giáng Sinh khi xưa thường chỉ dành riêng cho những tín đồ trong Thiên Chúa giáo để kỷ niệm ngày “Ngôi hai nhập thể” gọi là “Emmanuel” có nghĩa là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”. Dần dần theo thời gian người ta cảm nhận được rằng sự xuống trần cứu rỗi, chuộc tội cho nhân lòai là một thông điệp nhắn nhủ con người hãy biết mở lòng vị tha bác ái, hy sinh quên mình, chia sẻ niềm vui cho người khác… Vì thế cho nên ngày nay lễ Giáng Sinh đã mặc nhiên trở thành một ngày lễ quốc tế trọng đại mà hầu như quốc gia nào hay tôn giáo nào mỗi năm cũng chào đón linh đình trọng thể. Ngòai ý nghĩa là một lễ hội thiêng liêng vinh danh Thiên Chúa, Giáng Sinh còn là một dịp tốt để sum họp gia đình, thể hiện tình thân, chung vui quây quần chúc bình an cho nhau.

Mỗi năm vào khỏang cuối tháng mười một, khi nhà nhà, đường xá, phố chợ, siêu thị tưng bừng  tràn ngập những hình ảnh biểu tượng cho mùa Giáng Sinh như  ông già Noel, cây thông, ngọn nến,  hoa đăng  hay những dây kim tuyến đủ màu rực rỡ, và đâu đó từ khắp mọi nơi trong hang cùng ngỏ hẻm vang vang lên những bài thánh ca quen thuộc chào đón ngôi hai Thiên  Chúa xuống thế làm người, có ai mà không nghe lòng ấm áp rộn rã xôn xao nghĩ  tới việc chuẩn bị một lễ Giáng Sinh nồng ấm hạnh phúc cho gia đình mình. Bao nhiêu năm làm người dương thế là bấy nhiêu mùa Giáng Sinh đã đến trong đời. Có những mùa Giáng Sinh đến rồi đi bình thường như cơn gió thỏang, như một cuộc vui qua đêm rồi chìm lắng, như một người lạ mặt qua đường  chẳng mảy may để lại chút ký ức gì trong tâm tưởng nhưng cũng có những cuộc Giáng Sinh đầy ấn tượng đã trở thành kỷ niệm làm hành trang mang theo đời…
1-
Thuở ấy, vào đầu thập niên sáu mươi, Kiều và đứa em bạn dì tên Vân còn rất nhỏ, chỉ mới tám chín tuổi, hai đứa học trường dòng Providence (Chúa quan phòng), một trường dòng Soeur áo trắng.  Mỗi ngày đi học hai buổi sáng sáng chiều chiều đều có xe trường đưa đưa rước rước khỏi sợ mưa gió nắng nôi. Nói tiếng là đi học chớ ở tuổi đó ăn chưa no lo chưa tới, ham chơi hơn ham học, học được chữ nào thì nên chữ đó chớ có biết gì đâu là cố gắng chuyên cần (bây giờ có dịp đưa rước các cháu đi học, cô Kiều cũng nhận thấy bọn nhỏ không khác gì mình ngày xưa, đi học mà đứa nào cũng cầm một hai món đồ chơi trong tay như Yoyo, Superman, Batman, hoặc là những chiếc xe đua hot wheels để chơi trong giờ ra chơi ).

Mỗi năm gần đến lễ Noel, mấy bà Soeur thường cho  học trò thi đua làm hang đá máng cỏ Chúa hài đồng đem vào trường chấm điểm. Có năm thì bảo vẽ hình, làm thiệp Giáng sinh, ông già Noel hay cây thông hoặc ba vua  chẳng hạn. Những chuyện thủ công “rị mọ” mất giờ đó thì hai đứa không có hứng thú và cũng chẳng thèm bận tâm làm gì, coi như “ne pas”. Hai đứa cứ giao đứt cho ba cô Kiều vốn dĩ rất cưng con, nuông chìu đủ mọi thứ, còn dặn dò ba rằng “Ba muốn làm sao đó thì làm, nhưng đừng làm đẹp quá, ma soeur mà  biết người lớn làm sẽ bắt con về làm lại đó”. Còn hai đứa chỉ lo đánh đũa, nhảy dây, chơi nhà chòi với chúng bạn, có khi còn chơi tán u, tán khúc cây văng trúng đầu một ông cảnh sát u một cục. Ông ta cầm khúc cây lại mắng vốn con gái gì mà chơi tán u, thiệt coi không nên nết chút nào. Vậy mà vẫn cứ ham chơi không bỏ sót một trò chơi nào, đợi chừng nào ba làm xong là chỉ việc đem vào góp “trả nợ quỷ thần” khỏe re.

Ngòai ra nhà trường còn tổ chức làm văn nghệ gây quỹ, mời phụ huynh mua vé giúp hội cho nhà trường.  Có lần  Kiều và  Vân bị bắt làm tuồng. Kiều thì diễn vai ông vua trong một vở kịch vui ngắn (vì trường bà không có nam học sinh cho nên Kiều phải giả trai làm vua) Nội dung vở kịch là ông vua Dagobert bị phản thần sóan ngôi phải lưu vong bôn đào. Về sau khi dựng lại giang san, muốn lên ngôi vua trở lại, Dagobert phải tự chứng minh mình với thần dân mình chính là vua Dagobert lúc xưa với cái thói quen khác người là chuyên mặc đồ…trái (đừng tưởng vậy là dị hợm, thời trang ngày nay cũng mặc bề trái ra ngòai chớ bộ). Còn nhỏ Vân thì được chọn đóng vai Đức Mẹ quỳ bên máng cỏ nhìn ngắm Chúa hài đồng trong nhạc cảnh “Đêm Giáng Sinh” .

Mỗi chiều sau khi tan học, đứa nào có vai diễn hay ca múa thì phải ở lại tập tuồng. Sợ bọn nhỏ đói nên các bà soeur lo lót… bụng  mỗi đứa một trái chuối và một lát bánh mì  để bọn nhỏ hăng hái tập dợt. Đối diện với trường dòng là một nghĩa địa rộng lớn khá sạch sẽ khang trang cho nên mấy bà soeur thường hay dẫn học trò qua đó tập tuồng (con nít hồi xưa rất ngoan và …ngố. Người lớn bảo sao thì nghe vậy, dẫn đi đâu thì đi đó chớ chẳng dám thắc mắc hỏi han là tại sao lại dẫn vào nghĩa địa múa hát, may là không có đứa nào bị ma nhập). Bọn nhỏ nói sợ ma quá thì ma… soeur nói “có thánh giá ở đây, ma phải sợ  mình chớ sao mình lại  sợ ma”.

Dợt đi dợt lại đến hơn một tháng trời cho…ma coi rồi mới  tới ngày trình diễn chính thức cho người coi . Phần đầu là những màn ca vũ  của mấy chị lớp lớn trung học với những màn vũ múa nón, múa quạt… Màn kịch Dagobert cũng rất thành công làm khán giả cười ngất khi Dagobert khoe ra cái quần trái chứng minh ta đây là ông vua chính hiệu  thuở nào. Và cuối cùng là nhạc cảnh Chúa giáng trần. “Đức Mẹ” Vân mặc áo chòang xanh phủ gót trông rất thánh thiện khiêm nhu nhưng vì chờ tới màn chót buồn ngủ quá cở cho nên khi trình diễn xong xuống sân khấu, Vân bước thấp bước cao, xiên xiên vẹo vẹo vướng vào tùng áo thùng thình té nhào xuống gãy một bên tay.  Vân đau quá khóc thét lên làm Kiều quýnh quáng không biết làm gì hơn là ôm chầm lấy Vân bật khóc theo. Mấy ma soeurs xúm lại đỡ Vân lên xúyt xoa áy náy cho sự rủi ro không lường trước được . Dì Ba, má của Vân đang ngồi dưới hàng ghế khán giả hốt hỏang chạy  vội lên xót xa ôm chặt Vân vào lòng vỗ về nhưng làm sao Vân nín khóc cho được khi cánh tay bị gãy xương lặt lìa. Ngày hôm sau dì Ba đưa Vân đi tìm thầy thuốc băng bột cánh tay, còn dượng Ba thì hầm hừ nói rằng từ rày về sau không cho tụi bay múa hát làm tuồng làm tích gì nữa.

Sau đêm diễn kịch đó, Vân đi học với cánh tay bó bột gần hai tháng, bữa nào cũng bị lũ bạn chọc quê là “Đức Mẹ” gãy tay. Còn Kiều thì  dở khóc dở cười với cái biệt danh là ông vua mặc quần trái. Đó là một kỷ niệm mùa Noel tuổi thơ mà Kiều và Vân nhớ mãi cả đời. Hai đứa rất khắn khít nhau nhưng tiếc rằng sau đó vì mỗi đứa một hòan cảnh, một số mệnh riêng không còn cơ hội học chung với nhau nữa, đứa đi Saigon tiếp tục học chương trình Pháp ở trường Thiên Phước, đứa thì chuyển sang chương trình Việt khi lên trung học để học cho biết văn hóa lịch sử đất nước mình cho biết với người ta.

2-
Rồi thơ ấu chắp cánh bay đi giã từ tuổi hồn nhiên vô tư lự cho xôn xao trăn trở tuổi dậy thì, cái tuổi không còn thích chạy long nhong chơi trốn kiếm hoặc nhảy lò cò mà chỉ thích ngồi thầm lặng một mình suy tư vơ vẩn, làm bạn với sách báo thơ văn. Lên trung học đệ nhị cấp, không biết thiên duyên tiền định xui khiến thế nào mà ngẫu nhiên  Kiều nộp đơn xin vào học trường Taberd vốn là một trường dòng nam xưa nay chưa từng thu nhận học sinh nữ. Cũng vì thế cho nên mới ra nông nổi sự tình. Vào học chưa lâu, Kiều đã làm xao xuyến trái tim một chàng tu sĩ đa cảm còn nặng lòng trần để rồi từ đó phát sinh một mối tình lãng mạn trái ngang. Lần đầu gặp gỡ, hai người đã có cảm tưởng thân quen. Cùng với thời gian làm học trò của chàng, người trên bục giảng, kẻ dưới bàn học, có cơ hội tiếp xúc với nhau hằng ngày, cả hai ngày càng thêm quyến luyến. Tình trong như đã nhưng mặt ngòai còn e bởi vì một người trót đã được ơn thiên triệu, đã mang trên mình một sứ mạng thiêng liêng, đâu thể vì tình riêng mà bất chấp tất cả. Một người thì nghe day dứt lương tâm chẳng dám tới gần, sợ mang tôi với  trời đất, hơn nữa lại ngại dư luận dèm pha, miệng đời lên án nên dám đâu mặc tình tự tọai yêu đương. Cả hai chỉ biết ngậm sầu âm thầm cầu nguyện xin  Chúa sáng soi thánh ý, nếu có nợ duyên, xin cho thuyền tình suông sẻ, vượt qua được bao sóng gió thế gian để đến được bến bờ sum họp.

Giáng Sinh năm ấy, để đánh dấu một cuộc tình  vừa kết nụ, chàng đã viết cho cô một lá thư kèm trong tấm thiệp Giáng Sinh dàn trải nỗi lòng với ước mơ  sẽ có một ngày dừng bước độc hành  về bên mái ấm bỏ những ngày giá lạnh  đơn côi… Ước mơ thì ai cũng có quyền mơ ước nhưng có được tọai nguyện hay không thì không phải là do mình mà còn tùy thuộc vào định số, thiên cơ và đương nhiên có cái giá phải trả, hoặc phải đánh đổi bằng một sự chọn lựa giằng co mà sự lưa chọn nào cũng làm chết đi  một khối trong lòng, được cái này thì mất cái kia vậy. Nhưng đó là chuyện tương lai, hãy để thời gian trả lời. Còn bây giờ trước mắt thì cứ xuôi theo tự nhiên.  Sau thánh lễ và  buổi tiệc  Réveillon chung với cả lớp,  chàng đưa cô về. Hai người  sánh bước lặng lẽ đi chầm chậm bên nhau. Con đường sau trước vắng tanh không một bóng người, nhà nhà cửa đóng im lìm, chỉ có tiếng côn trùng nỉ non đâu đây trong lùm cây bụi cỏ và tiếng vạc ăn đêm thỉnh thỏang bay vút qua nghe xạc xào. Giờ này có lẽ mọi người đang thả hồn trong mộng mị chiêm bao, trong giấc ngủ say vùi của nửa đêm về sáng. Trời khuya sương xuống lạnh nhưng cả hai nghe lòng ấm áp, hạnh phúc  ngập tràn. Cũng chẳng ai nói với ai một lời bởi ngôn từ  giờ đây đã quá thừa thãi cho hai tâm hồn đang cùng một nhịp điệu yêu đương. Đến trước cửa nhà cô, cả hai đứng dừng lại nhìn nhau quyến luyến. Trong ánh mắt nồng nàn trao nhau và cái siết tay đầy thương mến, cả hai như ngầm khấn chung một lời nguyện ước rằng đêm nay là đêm thánh nhiệm mầu, cầu xin cho những gì xảy đến trong đêm nay sẽ được nhiệm mầu trong ơn Chúa và huyền diệu vĩnh cửu với thời gian cho dù vật đổi sao dời hay thương hải tang điền biến vi…

3-
Năm bảy mươi lăm, sau khi miền Nam Việt Nam bị cộng sản cưỡng chiếm, dưới chế độ độc tài đảng trị, người dân miền Nam cảm thấy như mình bị cướp đi  tất cả, nhà cửa, tài sản, miếng ăn, giấc ngủ… nói cho đúng là bị cướp đi bản thân mình với hai chữ tự do. Sống mà không có tự do, cơm no áo ấm, không có chủ quyền của mình thì chẳng khác nào sống chờ chết, một cái chết dần mòn trong sự khủng bố tinh thần, trong sự  đọa đày lây lất ngày này sang ngày nọ. Từ sau chia đôi đất nước, khi người miền Bắc đã rõ như ban ngày bộ mặt thật của cộng sản muốn vượt tuyến tìm tự do thì lúc đó hãy còn có mái nhà miền Nam an lành trù phú đầy tình người luôn sẵn sàng mở rộng đôi cánh cửa  đón tiếp, đùm bọc, chở  che. Nhưng giờ đây tòan cõi đất nước hai miền Nam- Bắc đều đã thống nhứt một nhà, một đường lối chủ nghĩa xã hội như nhau thì biết chạy đi đâu, chỉ có cách là phải chạy thật xa, chạy ra khỏi nước thì mới mong thóat khỏi màn lưới cộng sản chằng chịt bủa vây. Do đó bằng cách này hay cách khác, đường bộ hay đường tàu, đi chui hay bán chính thức ai ai cũng tìm cách ra đi với hy vọng  làm lại cuộc đời.

Gia đình cô Kiều cũng nằm trong số đó, một chiều đã dắt dìu nhau lên đường vượt biển ly hương. May mắn thay chuyến tàu cô đi được ơn trên phù hộ nên sau bốn ngày bốn đêm lênh đênh trên biển cả, tàu cô đã bình yên tới Mã Lai, trôi giạt vào một trại đóng quân của thủy quân lục chiến. Ở đó, tàu cô được vị chỉ huy trưởng cứu vớt liên lạc với hội  Hồng  nguyệt Mã Lai (Malaysian Red Crescent) đặc trách về tị nạn đưa nhóm người trong tàu cô vào  Pulau Bidong.

Khi nhập đảo là đã tháng Mười Một trong năm. Theo thứ tự kẻ trước người sau, tùy người xin đi định cư ở quốc gia nào thì phải chờ gặp phái đòan của quốc gia đó phỏng vấn quyết định. Gia đình cô Kiều xin đi Canada là first choice, second choice là nước Úc chớ không xin đi Mỹ vì Mỹ đã đắc tội bỏ Việt Nam khiến ông xã cô Kiều phát ghét, “xù” Mỹ, không thèm xin mặc dù ông xã cô làm thông dịch viên cho phái đòan Mỹ hằng ngày. Phái đòan Canda thì mỗi tháng mới tới đảo một lần, vì vậy đến cuối tháng mười một là họ về nước luôn để nghỉ lễ Giáng Sinh  cho tới tháng giêng năm sau mới trở lại.

Mùa Giáng Sinh năm đó đối với những người chưa được định cư là một mùa Giáng  Sinh lạc lỏng tha hương buồn bã nhứt. Không một lời thánh ca vang vọng, không một tiếng chuông giáo đường ngân đổ trong giây phút thiêng liêng báo hiệu ngôi hai Chúa cứu thế ra đời. Người người âm thầm cầu nguyện cách riêng xin được cứu rỗi, xin cho bình an đến với nhân lọai,  cho tương lai tươi sáng thật gần với những ai đang thống khổ lầm than. Để an ủi khích lệ tinh thần đồng bào trên đảo, đêm đó, ông trưởng trại (không biết có phải Nguyễn Ngọc Cung không, lâu quá không nhớ nổi)  kiếm đâu được bộ đồ Santa Claus mặc vào làm ông già Noel dẫn theo một đám anh em cầm đuốc soi đường đi  khắp cùng các khu dân cư từ A tới F chúc bình an cho đồng bào thật cảm động. Hình ảnh đó cho đến nay đã ba mươi mốt năm qua, cô Kiều vẫn còn nhớ in trong trí. Không biết bây giờ ông Cung ở đâu, còn sống hay đã ra người thiên cổ, ông có biết  rằng những người  tị nạn cùng thời vẫn có người  còn nhớ tới ông…

4 –
Trước khi vượt biên, thầy Tâm, ông xã cô Kiều có nhờ một ông thầy tử vi tên Trang Phi Long chấm cho một lá số tử vi. Theo lời giải trong lá số thì thầy Tâm có sao thiên mã (có số xuất ngọai, đi xa) và đặc biệt là thầy phải đi về hướng nam thì mới đúng đường, mới mong có cơ hội cầm lại cây viết và bán chữ nuôi thân. Lúc tới đảo điền đơn xin định cư thì cứ nhắm coi quốc gia nào có tiêu chuẩn nhận người dễ dãi thì xin đi quốc gia đó chớ đâu dám kén chọn theo ý mình mà được. Nghe nói Canada nhận tị nạn rất dễ và khi đóng dấu nhận rồi thì cho rời đảo rất nhanh, hơn nữa nhân viên phái đòan Canada nói rằng dân Canada rất hiền hòa thân thiện, tuy xứ lạnh nhưng con người rất nồng nhiệt chí tình cho nên ông xã cô không ngần ngại xin cho gia đình đi Canada. Có biết đâu số mệnh đã an bày là phải đi hướng nam đúng theo tử vi đã báo trước. Thế nên mặc dù đã được Canada nhận nhưng rốt cuộc tới giờ chót lại  leo lên chiếc phi cơ Qantas có hình con đại thử Kangoroo bay qua châu Úc, một lãnh thổ mênh mông cheo leo một mình một cõi với cái nick name là Down Under rất quê mùa mộc mạc mà lịch sử chỉ mới hai trăm năm lập quốc ở tận  cực nam của nam bán cầu.

Ngày đầu tiên tới Úc, gia đình cô Kiều tình cờ gặp gỡ một ông bác sĩ Úc,  giám đốc y tế vùng phía tây Sydney lúc ông đi thanh tra bệnh viện mà nhóm người tị nạn được đưa đến để khám sức khỏe. Sau lần gặp đầu, trò chuyện với ông xã cô, ông bác sĩ cảm thấy có thiện cảm hay sao mà sau đó đã mời cả gia đình cô về nhà gặp phu nhân của ông. Từ đó, cứ thỉnh thỏang weekend, hai ông bà bác sĩ thường đưa gia đình cô du ngọan đó đây hoặc đi picnic chỗ này chỗ nọ với những bữa ăn chung rất thân tình như bè bạn lâu năm trong sự quý mến chân thành chớ không phải chỉ là lòng thương hại bố thí cho những kẻ sa cơ lạc lòai nơi đất khách.

Mùa Giáng Sinh năm đầu tiên ở Úc, hai vợ chồng cô Kiều chưa biết tập tục mừng Giáng Sinh của người Âu Mỹ ra sao và hơn nữa vì chưa có việc  làm hẳn hoi nên không có tiền mua quà và tổ chức Giáng Sinh đón Chúa như bao gia đình khác. Ông bà bác sĩ tế nhị biết thế nên đã tốt bụng chia sẻ niềm vui của đêm thiêng liêng tình thánh ấy cho gia đình cô thật chu đáo. Và cũng nhân dịp này ông bác sĩ còn mời mẹ và gia đình  người em gái tới dự buổi ăn khuya để giới thiệu với gia đình cô Kiều. Từ là những  kẻ xa lạ ở hai bờ đại dương cách trở, hai quốc gia xa xôi vạn dặm, kẻ da trắng người da màu chưa một lần gặp gỡ quen biết mà bỗng dưng cơ duyên nào đưa đẩy để ngồi chung với nhau trong một bàn ăn thân mật vui vẻ, không chút kỳ thị tị hiềm, nhứt là lại vào ngay cái đêm Chúa xuống đời đem tình thương ban bố  thế nhân thì nếu không phải là  ân thánh Chúa thì biết phải giải thích như thế nào.

Dưới gốc một cây thông tươi còn thơm mùi nhựa được trang hòang lộng lẫy bằng những  đèn sao nhấp nháy và những trái châu muôn màu là những gói quà sặc sỡ đẹp mắt chất cao thành đống. Mỗi người ai cũng có quà tặng trao đổi cho nhau với những lời chúc an bình tốt đẹp. Duy chỉ có gia đình cô Kiều là rất bỡ ngỡ, chỉ biết ngại ngùng làm kẻ nhận chớ chẳng có gì để đáp lại ngòai sự biết ơn. Dù  xưa nay cô Kiều đã được cha mẹ dạy bảo là không được nhận không của ai một thứ gì, nhưng trong giai đọan đầu mới tới, chưa kịp an cư lạc nghiệp thì lấy đâu ra phú quý  mà sinh lễ nghĩa. Thôi thì tạm thời xin chỉ nhận cho vui lòng những kẻ hảo tâm. Trong đời có ai tránh khỏi những lúc thọ ơn người khác, nhứt là một khi đã mang thân tị nạn ở xứ người, dù muốn dù không vô hình chung đã là kẻ thất thế đi gõ cửa nhà người cầu xin, xin sự sống, xin tình người. Vì vậy nếu được cho thì mình cứ nhận, cứ coi như họ đã nợ mình kiếp trước nên kiếp này phải trả lại thế thôi. Rồi một ngày nào đó biết đâu mình sẽ có cơ hội đáp đền, dù không đền trả trực tiếp những ân nhân của mình thì với những ai lỡ vận thất thời như mình hiện tại, bởi vì chung quanh mình lúc nào cũng  có biết bao kẻ bất hạnh cần được cứu giúp xót thương. Điều đáng cảm kích ở đây là tình người không vụ lợi, thi ân bất cầu báo, cho đi để nhận lại niềm vui cho chính mình theo thông điệp nhắn nhủ của Chúa. Không biết dân Canada tử tế nhiệt tình  ra sao nhưng tình người xứ Úc như thế này là đã quá sức tưởng tượng.

Ngòai gia đình ông bác sĩ tốt bụng này còn có những người khác cũng tận tình nâng đỡ gia đình cô trong những bước đầu chập chững ở quê hương thứ hai này. Có người đến rồi đi nhanh chóng nhưng cũng có người ở lại với gia đình cô một thời gian, giúp cô đi tìm việc, đưa con cô đi học,  đi khám răng định kỳ lúc cô và ông xã bận đi làm. Đó là bà Anne, vợ của ông ca sĩ John Mac Nally, người gốc Ái Nhĩ Lan. Tuy là ca sĩ khá nổi tiếng vào thập niên tám mươi nhưng ông này cũng rất ngoan đạo, đi lễ đều đặn mỗi tuần, vì vậy rất tán thành chuyện bà vợ làm việc tông đồ. Do sự quen biết đó cho nên trong bốn năm đầu ở Úc, mỗi dịp Giáng Sinh, không nhà ông này thì nhà bà nọ, gia đình cô Kiều đều đón Giáng Sinh với những người Úc có tấm lòng nhân ái bao la…

5-
Vài năm sau, khi hai vợ chồng mua được nửa căn nhà thì cô Kiều thường tự tổ chức lễ Giáng  Sinh cho gia đình và mời một số bạn bè thân sơ xa gần đến chung vui. Ngòai chuyện barbecue ăn uống, cô Kiều còn bày ra một màn phát quà thật thú vị cho ai nấy đều được vui mà không tốn kém bao nhiêu. Cô giao cho con gái cô gói mấy chục gói quà rồi đánh số lên mỗi gói. Ai bắt thăm được số nào thì lãnh gói quà mang số đó bất kể là món gì, từ món hai ba đồng cho tới mười, mười lăm đồng. Nhờ vậy, khi tàn  cuộc ra về ai cũng thích chí vui cười hả hê, còn dặn cô năm sau xin đừng bỏ sót họ sau khi nói Bye bye, see you next year, merry Christmas và happy new year.

Sau đó thì cô dọn dẹp “đã đời” cho tới khuya, nhưng có hề gì, thấy người ta vui, mình cũng vui lây, nhứt là ông xã cô, lương công chức ba đồng ba cọc nhưng lại thích làm Mạnh Thường Quân. Từ khi làm việc ở những trung tâm tiếp cư người tị nạn, thầy Tâm đã gặp gỡ biết bao là đồng hương đồng bào. Vốn tánh hay thương người, ai nhờ cậy việc gì thầy cũng sẵn lòng giúp đỡ, ai than ai thở thầy cũng chở về cho uống cho ăn khiến cô Kiều cuối tuần nào cũng phải nấu nướng ê hề mệt ngất ngư.  Âu đó cũng là cái nghiệp vay trả của hai vợ chồng cô, có lẽ.

Rồi một ngày kia con gái cô đi lấy chồng. Thằng rể của cô là người gốc Tây Ban Nha di dân theo cha mẹ từ lúc  năm sáu tuổi. Gia đình bên sui gia chỉ có hai thằng con, ngòai ra không có thân nhân nào ở Úc  cho nên từ khi làm thông gia với vợ chồng cô, mỗi năm cứ đến lễ  Giáng Sinh, sui gia Tây mời sui gia Việt đón Giáng sinh chung vào đêm Chritmas Eve. Theo tập tục người Âu Mỹ, ăn Noel là phải có gà tây đút lò cho nên năm nào bà sui Tây cũng đút lò một con turkey  tám chín ký, phải bốn tới năm tiếng đồng hồ mới well cooked. Quà cáp thì thôi chật cả một góc phòng, nhứt là từ khi  có thêm bốn đứa  cháu nội, con của hai thằng con trai, từ một cho tới bảy tuổi, đồ chơi thùng nào thùng nấy cỡ bằng nửa mặt bàn.

Về chuyện mua quà, lúc đầu cô Kiều còn tự đi mua sắm, lựa chọn  món này món nọ sao cho có ý nghĩa, nhưng về sau cô hết biết mua thứ  gì khi mà nhà có bao nhiêu người thì phải mua bao nhiêu thứ đồ tặng, nào cho cha mẹ cô, ông xã cô, nào cho vợ chồng con cái người em gái, em trai, nào cho con cho cháu  cho rể, cho sui gia và cả gia đình thằng em của thằng rể nữa. Thiệt là phát điên được. Vì thế bây giờ cứ gần tới Noel, cô giao khóan cho con gái cô vốn là shop alcoholic, đưa tiền cho nó, bảo nó rằng con nghĩ coi mua món gì được thì mua hết giùm cho má đi, rồi gói luôn, chớ tao mà lôi ba mày đi vòng vòng là mặt ổng sẽ  đen thui đen sì  như Bao Công chưa phá được án, ổng làm tao stress phải uống thuốc an thần mấy bữa cũng  chưa hết.

Cũng vì chuyện nhờ con gái mua quà mà tới lúc mở quà nhiều khi xảy ra những chuyện ngớ ngẩn cười ra nước mắt. Chẳng hạn như khi bà sui mở gói quà, bà chợt sáng mắt kêu lên mừng rỡ rồi chạy lại ôm cô hun một cái nói một hơi là  thank you very  much, I’m so happy with your present, you know what I want (cám ơn chị lắm, tôi rất thích quà của chị , chị biết ý tôi quá).  Cô ngẩn người không biết mình cho bà ta cái gì  mà bả vui dữ vậy. Cô cũng nói trả lễ you’re wellcome, as long as you like it (không có chi, miễn chị thích là được rồi) . Rồi cô liếc qua nhỏ con gái như thầm hỏi con mua cho bả cái gì vậy.

Đến phiên cô em dâu (cô này vốn là bạn thân học high school với con gái cô) của thằng rể mở quà của con nó ra coi, nó cầm lên ướm ướm lên người con nó rồi cười toe tóet nói it’s perfect right, thank  you K. You’re so kind, every year you give us a lot, we are so lucky (thiệt là vừa, cám ơn cô nghe. Cô tử tế quá, năm nào cũng cho tụi con nhiều quà, tụi con thật có phước). Cô cũng không biết mình cho con nó cái quần cái áo gì mà nó nói vừa khít thành ra cô tương kế tựu kế nói theo. So you don’t need to change. If you want a bigger size, Agnes (tên con gái cô) still keeps  the receipt (vậy là cháu không cần đổi gì hết phải không, nếu muốn đổi size lớn hơn thì Agnes còn giữ receipt kìa). Sực nhớ ra mình nói hớ cô vội khỏa lấp that’s nothing Michelle, we are family (không có bao nhiêu đâu Michelle,, mình là người nhà cả mà ).

Đến lượt cô mở quà của bọn họ, cô cũng giả bộ tấm tắc khen Wow!, What a wonderful! mà trong đầu thì đang tính coi về  kiếm ai cho lại chớ nhà đã hết chỗ chứa. Đời đúng  là một trường thiên bi hài kịch mà tất cả mọi người đều là diễn viên điệu nghệ  không cần phải học tuồng và  tập dượt trước.

Những mùa Giáng Sinh đáng nhớ trong đời cô Kiều chỉ có bấy nhiêu và tới đây có lẽ đã là chặng áp cuối. Từ đây cứ như thế mà lập đi lập lại cho đến mãn đời. Tới tuổi đời này cô đã  vỡ lẽ, đã ngộ ra nhiều thứ mà lúc trẻ cô không lý giải được duy chỉ có một điều cô rất thắc mắc là tại sao tội lỗi lòai người đã được Chúa xuống trần cứu chuộc  mà con người vẫn cứ mãi trầm luân trong biển khổ triền miên. Chúa vác thập tự giá chỉ một lần và chỉ một chặng đường đến đồi Golgotha trong khi lòai người phải vác thập giá suốt cả một kiếp từ lúc sơ sinh cho đến lúc lìa trần. Chắc chắn không có ai muốn sinh ra làm người nhưng vì sao lại phải hiện hữu ở cõi thế gian này để hứng chịu trăm cay ngàn đắng. “Sinh, Lão, Tử” thì cũng được đi. Từ “Sinh” cho tới “Lão” là đã trải qua biết bao nhiêu gian nan thử thách, đã đủ bầm dập tả tơi. Vậy mà còn thêm chữ “Bệnh” trước chữ “Tử” khiến thân xác con người  phải chịu thêm lắm nỗi  đọa đày thống khổ trước khi lết được tới bên nấm mồ để yên giấc ngàn thu. Như thế thì nhân lọai có được cứu rỗi gi đâu? Và nếu thế thì chân lý của Đấng tòan năng là thế nào? Chẳng lẽ Thượng Đế sinh ra con người chỉ để hành tội coi chơi?!… Có ai thấu đạt huyền cơ, ngộ đạo đất trời  thì xin giùm giải đáp?  Rất mong…

11/11/10
Mùa Giáng Sinh 2010

© Kim Nguyên- Người Phương Nam

© Đàn Chim Việt

 

1 Phản hồi cho “Giáng Sinh qua những chặng đời”

  1. Berlin says:

    Tôi cũng cùng một ý nghỉ như TG, Chúa Giesu chỉ vác cây thập tự giá chỉ một lần và một chặn đường đến đồi Golgotha ,còn loài người chúng ta đả và phãi vát cái thập tự giá “Đời ” xuốt quảng đường đời dài thăm thẳm .Đã thế , bao nhiêu đắng cay trầm luân trong cuộc sống và bao nhiêu nghị lực cho kiếp sống này

Leave a Reply to Berlin