WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Toàn văn Hiến chương 77

LTS: Có người gọi là Hiến chương 77, người khác gọi Tuyên Ngôn 77. Người đề xuất của bản Hiến chương này, Vaclav Havel vừa ra đi ở tuổi 75. Ông là nhà văn, nhà biên kịch, nhà đạo diễn phim, nhà hoạt động đối lập, chính trị gia lỗi lạc của Cộng hòa Séc và thế giới. Để giúp bạn đọc hiểu rõ về tuyên ngôn này, chúng tôi xin đăng tải lại nguyên văn.

————————————————

 

Václav Havel (1936- 2011)

Ở Tiệp Khắc, tạp chí Pháp Luật số 120 ra ngày 13 tháng 10 năm 1976 đã cho đăng tải Công ước Quốc tế về Quyền Dân sự và Chính trị và Công ước Quốc tế về Quyền Kinh tế, Xã hội và Văn hóa, tức là những công ước đã được đại diện nước ta ký vào năm 1968, tái cam kết ở Helsinki vào năm 1975 và có hiệu lực ở nước ta vào ngày 23 tháng 3 năm 1976. Từ ngày đó trở đi công dân nước ta được hưởng các quyền, được qui định trong các văn kiện này còn nhà nước thì có trách nhiệm thực thi các công ước đó.

Các quyền con người và quyền tự do được các công ước này ghi nhận là đặc trưng của một đời sống văn minh mà các phong trào tiến bộ đã đấu tranh trong suốt chiều dài của lịch sử và việc biến chúng thành luật có thể đóng góp rất nhiều vào sự phát triển của con người trong xã hội của chúng ta.

Vì vậy, chúng tôi chào mừng sự tham gia của nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Tiệp Khắc vào những công ước này.

Tuy nhiên, việc công bố những công ước đó, cũng là lời nhắc nhở đanh thép rằng các quyền con người căn bản của ở đất nước chúng ta, đáng tiếc là vẫn chỉ mới nằm trên giấy mà thôi.

Thí dụ như quyền tự do phát biểu, được qui định tại điều 19 của Công ước thứ nhất, vẫn hoàn toàn là chuyện viển vông. Hàng chục ngàn người bị cấm hành nghề chuyên môn chỉ vì một lí do duy nhất là họ có quan điểm khác với quan điểm chính thống, họ bị chính quyền và các tổ chức xã hội đối xử bất công và trù dập bằng đủ mọi cách khác nhau. Bị tước đoạt mọi phương tiện tự vệ, họ trở thành nạn nhân của của chế độ phân biệt chủng tộc.

Hàng trăm ngàn công dân khác bị tước quyền “không phải sợ hãi”, được ghi trong lời nói đầu trong Công ước thứ nhất, đấy là những người thường xuyên có nguy cơ mất việc làm hoặc những đòn trừng phạt khác nếu họ nói lên ý kiến của mình.

Trái ngược với điều 13 Công ước thứ hai nói trên, tức là điều khoản bảo đảm quyền học tập, nhiều thanh niên bị đuổi học vì quan điểm của họ hoặc của cha mẹ họ. Biết bao nhiêu công dân không dám nói lên niềm tin của mình vì sợ rằng chính mình hoặc con em mình sẽ bị đuổi học.

Việc thực thi quyền “tìm kiếm, tiếp nhận và chia sẻ thông tin và ý tưởng đủ mọi loại, không phân biệt biên giới, bằng lời nói, chữ viết hay in ấn” hoặc “bằng hình thức nghệ thuật”, được ghi trong khoản 2 điều 19 Công ước thứ nhất, sẽ bị trừng phạt bằng những biện pháp hành chính và thậm chí bị đưa ra toà, mà thường là bị kêt tội hình sự, như phiên toà xử các nhạc sĩ trẻ trong thời gian vừa qua.

Quyền tự do ngôn luận bị tước đoạt bằng cách kiểm soát tập trung tất cả các phương tiện truyền thông đại chúng, các nhà xuất bản và các định chế văn hoá khác. Các quan điểm triết học, chính trị hay khoa học hoặc hoạt động nghệ thuật, dù chỉ lệch một chút xíu khỏi những qui định hẹp hòi của hệ tư tưởng hoặc thẩm mĩ chính thống, đều không được xuất bản; những hiện tượng xã hội lệch lạc đều không bị phê bình công khai; bào chữa công khai chống lại những sai lầm, thậm chí dẫn đến các vụ án, do các cơ quan tuyên truyền chính thức gây ra là việc bất khả thi – sự bảo vệ của pháp luật nhằm chống lại “việc tấn công vào danh dự và uy tín”, được ghi rõ trong điều 17 Công ước thứ nhất, không tồn tại trong thực tế: không bao giờ người ta xem xét lại những bản án oan, đòi toà án bồi thường hoặc sửa sai là việc làm vô ích; trong lĩnh vực tư tưởng và nghệ thuật không bao giờ có chuyện thảo luận công khai.

Nhiều học giả, nhà văn, nghệ sĩ và những người khác đã bị trừng phạt vì trước đây đã cho xuất bản hoặc phát biểu những ý kiến mà những người cầm quyền hiện nay lên án.

Quyền tự do tín ngưỡng, được điều 18 Công ước thứ nhất bảo đảm, thường xuyên bị những hành động tuỳ tiện của chính quyền ngăn chặn; chính quyền thường xuyên can thiệp vào hoạt động của các tu sĩ, thường xuyên đe doạ không cho họ hành đạo hoặc tước quyền hành đạo; những người thể hiện niềm tin tôn giáo bằng lời hay bằng hành động thì bị phạt tiền hay những hình phạt khác, việc đào tạo trong lĩnh vực tôn giáo bị cấm đoán, v.v…

Nhiều quyền dân sự bị giới hạn một cách ngặt nghèo và trong nhiều trường hợp còn bị xoá bỏ hoàn toàn vì tất cả các tổ chức và định chế của nhà nước trên thực tế đều phải thi hành các chỉ thị xuất phát từ bộ máy của đảng cầm quyền và quyết định của những người có quyền lực.

Hiến pháp Tiệp Khắc, các điều luật và tiêu chuẩn pháp lí không hề qui định hình thức hoặc nội dung, thể thức ban hành hoặc thực thi những quyết định như thế; đấy thường là lệnh miệng, dân chúng hoàn toàn không biết và không thể kiểm soát được; những kẻ ra lệnh chỉ phải chịu trách nhiệm với chính mình và cấp trên của mình mà thôi, nhưng họ lại có ảnh hưởng quyết định đối với các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp, công đoàn, các nhóm lợi ích và tất cả những tổ chức khác, các đảng phái chính trị khác, các xí nghiệp, nhà máy, các cơ quan và văn phòng v.v…, đối với tất cả các cơ quan này những chỉ thị như thế có giá trị cao hơn luật pháp.

Các tổ chức hoặc cá nhân, có mâu thuẫn với các chỉ thị đó về quyền và nghĩa vụ, không thể dựa vào bất kì cơ quan độc lập nào vì đơn giản là không có các cơ quan như thế. Dĩ nhiên là điều đó đã dẫn đến những hạn chế nghiêm trọng các quyền được qui định tại điều 21 và 22 của Công ước thứ nhất, qui định về quyền tự do lập hội và cấm mọi hạn chế liên quan đến việc thực thi quyền này, quyền tham gia công việc chung được qui định tại điều 25 và quyền được pháp luật bảo vệ mà không có bất kì phân biệt đối xử nào được qui định tại điều 26.

Người ta còn ngăn cản công nhân và những người khác thực hiện quyền thành lập tổ chức công đoàn và các tổ chức khác nhằm bảo vệ quyền lợi kinh tế và xã hội của họ và không cho họ thực thi quyền đình công được qui định tại khoản 1 điều 8 Công ước thứ hai nói trên.

Các quyền dân sự khác, trong đó có nghiêm cấm “can thiệp một cách tùy tiện vào đời tư, gia đình, nhà ở và thư tín” (điều 17, Công ước thứ nhất), đã bị vi phạm nặng nề thông qua những hình thức can thiệp khác nhau của Bộ Nội vụ vào đời sống riêng tư của người dân, thí dụ như nghe trộm điện thoại và nhà ở, kiểm soát thư từ, theo dõi việc đi lại của người dân, khám nhà, tuyển mộ hàng xóm vào mạng lưới chỉ điểm (họ thường được tuyển mộ bằng cách đe doạ hoặc hứa hẹn) và những hình thức khác nữa.

Bộ Nội vụ thường xuyên can thiệp vào các quyết định của người sử dụng lao động, khuyến khích những hành động kì thị của chính quyền và các đoàn thể, tạo áp lực đối với các cơ quan tư pháp và thậm chí là chỉ đạo các chiến dịch tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Đây là hành động bí mật, không nằm trong qui định của pháp luật, người dân không thể nào tự vệ được.

Khi truy tố vì động cơ chính trị thì cả cơ quan điều tra lẫn toà án đều vi phạm quyền của bị cáo và luật sư, tức là những quyền được bảo đảm bởi điều 14 Công ước thứ nhất và luật pháp của Tiệp Khắc. Hoàn cảnh tù đày của những người bị kết án vì động cơ chính trị chính là sự lăng mạ nhân phẩm và đe doạ sức khoẻ nhằm mục đích bẻ gãy tinh thần của họ.

Khoản 2 điều 12 Công ước thứ nhất, bảo đảm quyền của mọi công dân được rời khỏi đất nước, đã thường xuyên bị vi phạm, hoặc là viện cớ “bảo vệ an ninh quốc gia” mà đặt ra những điều kiện phi lí, không cho nhân dân thực hiện quyền này (khoản 3). Việc cấp chiếu khán nhập cảnh cũng được thực hiện một cách tuỳ tiện, nhiều người không được vào Tiệp Khác chỉ vì những quan hệ cá nhân hay nghề nghiệp với những người bị nhà nước cho vào sổ đen.

Một số người – trong chỗ riêng tư cũng như tại nơi làm việc hoặc thông qua diễn đàn công cộng duy nhất là các phương tiện thông tin đại chúng nước ngoài – đã kêu gọi mọi người quan tâm đến những vi phạm nhân quyền, vi phạm quyền tự do dân chủ một cách có hệ thống và đòi phải có biện pháp xử lí trong một số trường hợp cụ thể. Nhưng phần lớn những lời yêu cầu của họ đã bị phớt lờ hoặc được coi là cơ sở để công an tiến hành điều tra.

Trách nhiệm bảo vệ các quyền dân sự ở đất nước chúng ta đương nhiên trước hết là thuộc về các cơ quan nhà nước. Nhưng không chỉ có các cơ quan đó: mọi người đều phải chịu trách nhiệm về tình trạng hiện nay và vì thế, chịu trách nhiệm về việc thực thi những thoả thận đã được long trọng kí kết theo đúng luật lệ, đấy là những thoả thuận ràng buộc tất cả mọi người cũng như tất cả các chính phủ.

Chính tinh thần cộng đồng trách nhiệm này, chính niềm tin của chúng tôi vào tầm quan trọng của sự thừa nhận công khai và tự giác ý thức trách nhiệm đó cũng như cần phải tạo cho nó một cách thể hiện mới và hiệu quả hơn đã dẫn chúng tôi đến ý tưởng thành lập Hiến chương 77 và hôm nay xin được công bố Hiến chương này.

Hiến chương 77 là sự kết hợp mở, phi hình thức và tự do của những người có những quan điểm, niềm tin và nghề nghiệp khác nhau, gắn bó với nhau bằng ý chí đấu tranh, cá nhân cũng như tập thể, vì dân quyền và nhân quyền ở đất nước chúng ta và trên khắp thế giới – tức là những quyền của tất cả mọi người đã được hai Công ước quốc tế nói trên, cũng như Tuyên bố Cuối cùng của Hội nghị Helsinki và rất nhiều văn kiện phản đối chiến tranh, phản đối bạo lực và những hình thức áp bức về tinh thần và xã hội khác, ghi nhận và đã được xác nhận một cách đầy đủ trong Tuyên ngôn nhân quyền phổ quát của Liên hiệp quốc.

Hiến chương 77 xuất phát từ tình đoàn kết và hữu nghị của những người cùng chia sẻ mối quan tâm của chúng tôi về những lí tưởng đã và đang truyền cảm hứng cho cuộc đời và sự nghiệp của chúng tôi.

Hiến Chương 77 không phải là một tổ chức; nó không có điều lệ, không có bộ máy thường trực hay qui chế hội viên. Những ai chia sẻ các ý tưởng này và tham gia vào hoạt động của nó sẽ đều là thành viên.

Hiến chương 77 không phải là cơ sở cho hoạt động đối lập về mặt chính trị. Nó, cũng giống như nhiều sáng kiến của nhân dân trong các nước khác, cả phương Tây lẫn phương Đông, chỉ tìm cách thúc đẩy quyền lợi chung. Vì vậy nó không đặt ra mục tiêu soạn thảo cương lĩnh cải cách hay thay đổi về mặt chính trị hay xã hội, nhưng nó sẽ tiến hành những cuộc đối thoại mang tính xây dựng với các giới chức chính trị và nhà nước, đặc biệt là đánh động dư luận về những trường hợp vi phạm nhân quyền và dân quyền, ghi chép lại những vụ vi phạm và đề xuất hướng giải quyết, đưa ra những đề nghị có tính cách tổng quát nhằm củng cố cũng như thiết lập bộ máy nhằm bảo vệ các quyền này, và đóng vai trò trung gian trong những vụ xung đột có thể dẫn tới việc vi phạm các quyền này v.v…

Bằng tên gọi mang tính biểu tượng, Hiến chương 77 chỉ rõ rằng nó chào đời vào những giây phút đầu tiên của năm được tuyên xưng là năm của các tù nhân chính trị, cũng là năm mà Hội nghị Belgrade sẽ kiểm điểm việc thực thi những giao ước đã ký kết tại Helsinki.

Chúng tôi, những người ký tên, cử Giáo sư – Tiến sĩ Jan Patocka, Tiến sĩ Václav Havel và Giáo sư – Tiến sĩ Jiri Hajek làm những người phát ngôn cho Hiến chương. Những người phát ngôn này được giao toàn quyền đại diện trong quan hệ với nhà nước và các cơ quan khác, với xã hội ở trong cũng như ngoài nước, chữ ký của họ bảo đảm tính xác thực của các văn kiện do Hiến chương đưa ra. Họ sẽ hướng dẫn chúng tôi và những người sẽ tham gia sau này, tức là những người cộng sự với họ, tham gia vào việc thương lượng, gánh vác những nhiệm vụ cụ thế và chia sẻ trách nhiệm khi cần.

Chúng tôi tin rằng Hiến chương 77 sẽ giúp tạo điều kiện cho tất cả công dân Tiệp Khắc được sống và làm việc như những con người tự do.

Bản tiếng Việt: Phạm Minh Ngọc- Talawas Blog

Nguồn Anh ngữ: http://lcweb2.loc.gov/frd/cs/czechoslovakia/cs_appnd.html

Xem bản Anh ngữ  PDF tại đây

2 Phản hồi cho “Toàn văn Hiến chương 77”

  1. mi nhon says:

    Bản hiến chương viết từ năm 1977 nhưng giá trị còn nguyên cho tới nay. Vn nếu cần vẫn dùng tốt.

  2. D.Nhật Lệ says:

    Nhà văn,kịch tác gia,đạo diễn và nhà hoạt động chính trị Václav Havel.xứng đáng được không những dân TK.mà còn bao gồm mọi người khắp thế giới ca tụng.Ông được xem là nguồn cổ vũ khởi động cuộc cách mạng nhung ở Đông Âu qua hiến chương 77.Thời điểm 1977 nghĩa là sau khi VC.xâm chiếm được miền Nam và đã lột mặt nạ để phơi bộ mặt trâng tráo bọn cộng sản chiến thắng (chứ chẳng phải “giải phóng” gì cả nhưng miền Nam… ‘phỏng dái’ thì rõ rồi) khiến giới trí thức TK.phải xét lại đường đi của mình !
    Từ việc xét lại bằng Hiến Chương 77 đến hành động đứng lên của dân chúng đã phải trải qua một bước dài đầy gian khổ chứ không phải dễ dàng gì ! Thế nhưng,điều quan trọng cốt lõi trong bất cứ cuộc cách
    mạng nào là phải có người tạo ra cảm hứng và nhân vật đó chính là người trí thức Havel.
    Nhìn người mà ngẫm lại nước mình thì thấy tiếc bởi vì VN.cũng có trí thức ngày đêm quan tâm đến dân tộc
    và vận nước,cũng có rất nhiều người tài năng lẫn đạo đức không thua Havel mà vẫn thất bại ! Tại sao lại thế ? Không khó trả lời cho lắm.Nguyên nhân quy về 2 gốc này :
    -nhà nước csVN.quá lưu manh đến mức qủy quyệt,bảo hoàng hơn vua nghĩa là bảo thủ cực đoan,nhất là lòng tham vô độ đến mức coi quyền lực đảng trên cả quyền lợi tổ quốc nên ra sức bảo vệ ghế với bất cứ
    giá nào,bất chấp mọi thủ đoạn từ tàn ác đến tiểu nhân đi nữa.
    -dân ta có nhược điểm là dễ bị tình cảm lung lạc,coi nhẹ lý trí v.v.mà tệ hại nhất là bị VC.ĐIỀU KIỆN Hóa
    qua chính sách ngu dân xảo quyệt là nhồi sọ,tẩy não trường kỳ nên vẫn còn tin những lời tuyên truyền định
    hướng dư luận của nhà cần quyền.Sở dĩ dễ tin thế là vì sợ hãi sự khủng bố của chúng mà ra !
    Nhược điểm lớn nhất nữa là tính ĐỐ KỴ nên VC.cũng đã lợi dụng để khai thác đến cùng.Không ai phục
    ai mà chỉ tìm cách chê bai,”dìm hàng”,ngay cả a dua với nhà nước để chưởi bới những người ủng hộ
    hay đấu tranh dân chủ hóa.Còn hiểm độc hơn,VC.còn chia rẽ trí thức trong và ngoài nước bằng cách tạo
    ra một thành phần phò cộng ở nước ngoài nhằm tranh thủ sự ủng hộ của trí thức thiên tả phương tây vốn có đầu óc thiên cộng vì ngây thơ hoặc chưa có kinh nghiệm với VC.
    Nói cho cùng,chừng nào người dân trong nước ý thức được vận mệnh đất nước (đang lâm nguy) càng đông đảo thì sự thay đổi mới đến với nước ta mà thôi ! Hy vọng không lâu nữa đâu ! VC.rơi mặt nạ rồi !

Phản hồi