WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Tấm lòng của các bạn tại Sydney (Australia 2)

Sydney

Đây là bài thứ hai trong lọat bài ký sự về cuộc viếng thăm Úc châu của tôi trong một tháng đã diễn ra vào cuối năm 2011. Bài đầu tiên có nhan đề “Một thoáng Úc châu” đã được phổ biến vào cuối tháng 12/2011.

Lúc còn theo học tại trường Chu văn An ở Hanoi hồi trước năm 1954, lớp học sinh chúng tôi được Thầy Lê Ngọc Hùynh dậy môn Sử Địa nói cho biết là thành phố Sydney bên Úc châu có một hải cảng nước sâu rất thuận lợi, được xếp vào lọai bậc nhất trên thế giới. Mà bây giờ gần 60 năm sau, tôi mới được đặt chân lên thành phố danh tiếng này. Trong suốt hai tuần lễ thăm viếng tại đây, tôi đã được các bạn hữu thân thiết chăm lo thật ân cần chu đáo, từ cái ăn cái ở, đi du ngoạn ngắm cảnh, cho đến việc đi viếng thăm một số bằng hữu khác và các nhân vật họat động văn hóa xã hội người Việt cũng như người Úc.

Đầu tiên vào cuối tháng 11, anh chị Nguyễn Văn Hòa & Ngọc Bích đã dẫn tôi về cư ngụ tại nhà chỉ cách xa phi trường Sydney có chừng 15 phút lái xe. Căn nhà xinh xắn nằm trên sườn đồi với khá nhiều cây bonsai xếp dọc các lối đi quanh vườn. Anh chị đã về hưu, mà các cháu đều có gia đình sinh sống tại nhà riêng cũng trong nội ô thành phố, nên tại nhà anh chị lúc nào cũng có sẵn phòng để dành riêng cho khách từ nơi xa đến trú ngụ. Trước khi tôi đến, thì đã có anh chị Đỗ Quý Tòan tức nhà báo Ngô Nhân Dụng đến cư ngụ tại căn nhà này trong ít bữa vào hồi đầu tháng 11/2011.

I – Sinh họat với Nhóm 9 Gia Đình (Cửu Gia)

Ngay bữa đầu tiên, anh chị Hòa Bích đã tổ chức một bữa ăn Họp Mặt với tòan thể Nhóm 9 Gia Đình kết nghĩa tại Sydney. Trong số 9 gia đình này, thì tôi đã quen biết đến 5 gia đình ở Việt nam từ trước. Trước hết, ngòai anh chị Hòa & Bích, thì phải kể đến  anh chị Nguyễn Văn Thuất & Phi Lai là những đòan viên ký cựu của tổ chức Hướng Đạo Việt nam – mà đã tham gia sinh họat trong chương trình Công tác Hè năm 1965, và sau này thì tham gia tích cực với tổ chức Thanh niên Phụng sự Xã hội (TNPSXH). Thuất thua tôi đến 10 tuổi, nhưng lại là niên trưởng của nhóm Cửu Gia này.

Còn lại là ba gia đình khác là Nguyễn Được & Lài, Đặng Trung Chính & Hà, Ngọc Ánh & Dũng, thì Ngọc Ánh là em của Ngọc Bích, rồi Được và Chính đều đã từng sinh họat với Thanh niên Phụng sự Xã hội trước năm 1975. Riêng Lài, bà xã của Được thì lại là em gái của Thầy Thích Thanh Văn, vị Giám đốc TNPSXH đã bị tử thương vì tai nạn xe cộ trong lúc đi công tác năm 1972.

Còn 3 gia đình khác mà tôi mới gặp lần đầu tiên tại Sydney, đó là Lê Minh Tâm & Tâm, Nguyễn Văn Sơn & Kim Anh và Hòang Minh Khánh & Hảo. Anh chị Khánh là chỗ suôi gia với anh chị Thuất. Anh Sơn khi viết báo thì có bút danh là Lưu Dân – lại đi chung tàu vượt biên với anh Nguyễn Bá Tùng và Phan Tấn Hải hiện ở Little Saigon bên California. Nhà báo Lưu Dân có biệt tài kể chuyện tiếu lâm, nên trong chỗ thân mật bà con lại gọi trệch tên của anh ra thành “Lựu Đạn”. Anh chị Tâm, thì cả hai người đều có tên là Tâm cả. Còn một gia đình thành viên thứ 9 nữa, thì vì lý do đang về thăm Việt Nam, nên đã không có mặt trong buổi gặp gỡ này.

Nhóm Cửu Gia này sinh họat gắn bó rất thân thương với nhau như anh chị em ruột thịt trong cùng một gia đình vậy. Những ngày Tết, họ thường tổ chức đến thăm viếng chúc tuổi nhau tại nhà mỗi gia đình thành viên, với đày đủ con, cháu thuộc thế hệ thứ hai, thứ ba. Gần như tháng nào họ cũng đều có những sinh họat định kỳ để gặp gỡ vui chơi và tìm cách tương trợ lẫn nhau, yểm trợ những công tác do bất cứ thành viên nào đứng ra phụ trách mà cần đến sự cộng tác của các gia đình trong Nhóm. Điển hình như mỗi khi anh Thuất yêu cầu Nhóm giúp đỡ cho việc tổ chức của “Lễ Hội Thiếu Nhi” hàng năm vào mùa Thu – (Children’s Festival = Lễ Hội này dành cho thiếu nhi của mọi sắc dân, chứ không phải là Tết Trung Thu vốn chỉ dành riêng cho trẻ em Việt Nam như tại các nơi khác. Tôi sẽ viết chi tiết về Children’s Festival này trong một bài riêng biệt sau) – thì gia đình các thanh viên đều ra sức góp phần vào công việc này. Nhất là còn giúp đỡ rất tận tình cho tổ chức Hướng Đạo VN trong tiểu bang New South Wales nữa.

Rồi đến lượt thế hệ thứ hai con cái của các gia đình này, thì các cháu cũng theo gương cha mẹ mà tìm đến sinh họat chung với nhau, cụ thể như cháu Thiên Hương là con của anh chị Hòa & Bích, thì dù đang ở London cháu cũng tổ chức cho mấy bạn thuộc gia đình Nhóm Cửu Gia này quy tụ lại với nhau tại xứ Anh quốc này nữa.

Vì nhận thấy sinh họat của Nhóm thật là thân mật gắn bó, nên đã có một số gia đình khác cũng tỏ ý muốn xin gia nhập Nhóm Cửu Gia này, nhưng các thành viên cho rằng vì mỗi nhà của các thành viên hiện tại không còn đủ rộng chỗ – để có thể tiếp đón cho quá nhiều người đến tham dự cùng một lúc được. Do đó mà Nhóm tạm thời hạn chế với con số hiện tại là 9 Gia đình mà thôi.

Quả thật, tôi đã đi thăm viếng rất nhiều nơi trên đất Mỹ, nhưng đây là lần đầu tiên tôi được chứng kiến một Nhóm các gia đình kết nghĩa mà có sự liên đới gắn bó thân thương bền chặt lâu ngày với nhau như Nhóm Cửu Gia này ở Sydney.

Tính ra tôi đã có ít nhất là 4 buổi sinh họat chung với Nhóm Cửu Gia này : lần đầu tiên là tại nhà Hòa & Bích lúc vừa mới đến Sydney như đã ghi ở trên, lần thứ hai là tại nhà nghỉ mát bên bờ biển “The Entrance” của Chính & Hà, lần thứ ba là tại nhà của Được & Lài và lần sau cùng là tại nhà của Ngọc Ánh & Dũng. Trong các lần gặp gỡ này, các bạn thường nêu câu hỏi để cho tôi có dịp trình bày về những công chuyện tôi tham gia cộng tác với nhiều bà con ở bên Mỹ, kể cả các bạn người Việt lẫn các bạn người Mỹ. Và cụ thể là Nhóm đã cùng nhau đóng góp cho Mạng Lưới Nhân Quyền tổng cộng là 2,400 dollar Úc mà Nhóm nhờ tôi trao lại cho tổ chức này.

Trong nhóm anh chị em này, có mấy người còn hay theo dõi các bài của tôi đăng trên mạng lưới Diễn Đàn Thế Kỷ và cho tác giả biết rằng các bài này rất dễ đọc vì vừa sáng sủa, ngắn gọn, chứ không kéo dài lê thê như một số bài viết của tác giả khác. Rồi lại còn có người gợi ý cho tôi là nên gom các bài báo đã viết để in vào một số tuyển tập theo từng chủ đề, cụ thể như chủ đề về Xã hội Dân sự chẳng hạn – và bà con sẵn sàng tìm cách để hỗ trợ về tài chánh cho việc in ấn xuất bản nữa. Tôi thật sự phấn khởi và cảm động, đồng thời cũng tỏ bày sự biết ơn về sự phản hồi thuận lợi như thế của người đọc và nhất là cái nhã ý của các bạn ở Sydney muốn góp phần phổ biến các bài viết này của mình.

II– Viếng thăm gia đình một số bằng hữu khác.

Tôi cũng đã được các bạn chở đến thăm một số bạn hữu cao tuổi hiện sinh sống quanh vùng Sydney và cả tại thành phố Canberra là thủ đô của Liên bang Úc châu nữa. Đến đâu, tôi cũng được chứng kiến những chuyện thật cảm động trong sinh họat của các cặp vợ chồng lớn tuổi này. Tôi xin lần lượt ghi lại vắn tắt như sau đây.

1 – Gia đình ký giả Lô Răng Phan Lạc Phúc tại thị trấn Bonnyrigg.

Dù đã quá tuổi 80, ký giả Lô Răng  -  người khá nổi danh với mục Tạp Ghi trên báo Tiền Tuyến ở Saigon hồi trước năm 1975 – nay vẫn còn phong độ vững vàng. Anh chị sống trong một căn nhà riêng biệt trong khu vườn phía sau của ngôi nhà của gia đình người con, nên thật yên tĩnh thỏai mái. Vì chị bị yếu chân phải ngồi xe lăn, nên anh thường ngày ở nhà để chăm sóc cho người bạn đời đã chung sống trên 50 năm với mình. Chỉ khi nào các cháu được nghỉ để có thể chăm sóc cho mẹ, thì anh mới có thể đi ra ngòai tham gia sinh họat cộng đồng hay thăm viếng bạn bè mà thôi. Rõ ràng là cái  “Nghĩa Phu Thê” đã ràng buộc gắn bó rất ư là chặt chẽ giữa hai người bạn đời cao tuổi này vậy.

Chị vẫn sáng suốt tinh tường và hay nhắc chừng anh không nên quá say mê với chuyện viết lách khiến ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe. Vì thế mà anh cũng hạn chế bớt công chuyện chữ nghĩa vốn là việc anh từng theo đuổi dễ đến trên 60 năm qua. Biết vậy mà tôi vẫn phải thưa với anh là các bài Tạp Ghi của ký giả Lô Răng vẫn được bà con đánh giá cao, vì thế mà anh cũng nên sắp xếp thời gian để lai rai cống hiến cho bạn đọc quen thuộc những suy nghĩ, nhận định sâu sắc mà lại đày tính cách nhân bản và nhân ái của anh. Anh gật gù, nhưng không có hứa hẹn gì cụ thể với tôi, nhưng tôi đóan là anh Phan Lạc Phúc cũng không thể nào mà dễ dàng “rửa tay gác kiếm” để thóat được cái nghiệp “con tằm nhả tơ” của một nhà báo đã có đến trên 50 năm họat động sôi nổi trên văn đàn ở trong cũng như ở ngòai nước.

2 -  Gia đình Anh Đinh Văn Cương tại thị trấn Strathfield.

Anh Cương là bạn cùng quê, cùng lứa tuổi với tôi. Anh lại có thời làm Lục sự tại Tòa án, nên chúng tôi hay gặp gỡ với nhau ở Saigon thời kỳ trước năm 1975. Anh Cương bị đi tù cải tạo mất mấy năm, và mặc dầu có ông anh bà xã

là Vũ Đình Liệu đã có thời làm Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Saigon, thì gia đình anh chị vẫn vượt biên rất sớm vào năm 1979 để qua định cư tại Úc châu.

Anh chị và ba cháu đều rất thành công về nghề nghiệp cũng như về tài chánh. Cái nhà anh chị xây cất lấy trông thật là bề thế quy mô đẹp đẽ, lại nằm trong khu vực đắt tiền nhất xung quanh thành phố Sydney, có thể hiện nay giá trị đến 3 – 4 triệu dollar. Nhưng từ mấy năm gần đây, chị bị bệnh mất trí nhớ khá nặng (Alzheimer), đến nỗi không còn nhận ra cả anh nữa. Anh hết sức lo lắng săn sóc cho chị, đến nỗi mà cháu Phương Khanh là con gái đã phải thốt ra : “Bố cháu đúng là một ông thánh, nên mới có thể tận tình chăm sóc cho mẹ cháu trong bao nhiêu năm tháng như vậy…” Nhưng cuối cùng, thì anh cũng phải gửi chị vào nhà săn sóc đặc biệt dành cho người bị bệnh quá nặng như thế. Rõ rệt đây là một chứng tích minh họa cho cái tình nghĩa sắt son bền vững của hai vợ chồng, ngay cả lúc một người bị chứng bệnh nan y ngặt nghèo đến như thế.

3 – Gia đình Anh Luật sư Bùi Chánh Thời ở thủ đô Canberra.

Anh Thời là bạn đồng khóa cùng tốt nghiệp ban Cử nhân tại Trường Luật Saigon năm 1958 với tôi. Hồi còn là sinh viên, anh đã lập gia đình với chị Thân Thị Tố Tâm là giáo sư dậy môn Việt văn tại trường Gia Long, nên anh ít có thời giờ sinh họat chung với mấy sinh viên học tòan thời gian như tôi (full time student). Trước 1975, anh Thời là một vị Luật sư khá nổi tiếng ở miền Nam, vì ngòai chuyện hành nghề, anh còn tham gia nhiều với các sinh họat văn hóa chính trị nữa.

Nhưng sau 1975, anh chị gửi hai người con đi vượt biên chung với gia đình Luật sư Nguyễn Hữu Lành đã từng là Khoa trưởng Đại học Luật khoa Cần Thơ. Không may, tất cả đều biệt tông tích ngòai biển khơi, nên anh chị Thời bị sốc rất nặng nề đau đớn trong một thời gian lâu dài. Dù đã qua được nước Úc tự do, nhưng anh chị vẫn chưa thể nào phục hồi tòan vẹn được tinh thần phấn chấn như xưa. Năm nay đã ngòai 80 tuổi, xem ra trí nhớ của anh Thời đã có phần bị suy giảm đi nhiều. Trong gần 2 giờ chuyện trò với anh chị tại tư gia ở gần thủ đô Camberra, tôi đã trao đổi tin tức của các bạn đồng nghiệp trong Luật sư đòan Saigon hồi trước, đặc biệt về mấy vị luật sư niên trưởng và các nữ luật sư như chị Nguyễn Phước Đại, Nguyễn thị Vui, Trần Thị Ánh Tuyết v.v… Xem ra anh vẫn còn nhớ nhiều về các bạn xưa kia, về các sự việc ngày trước, hơn là những chuyện vừa mới xảy ra gần đây.

May mắn là sức khỏe của chị Thời có vẻ khả quan hơn và tâm lý của chị thì vững vàng quân bình hơn là so sánh với anh. Đại để chị tâm sự là : “ Bây giờ thì nỗi đau đớn vì bị mất con ngòai biển cả cũng đã nguôi ngoai phần nào đi rồi, và chúng tôi đã biết chấp nhận cái phần số, cái thân phận của con người trên cõi đời này, thì nó thật mỏng manh, ngòai sự chủ động kiểm sóat của mình. Để rồi chúng tôi cùng với nhau đi cho trọn cái con đường mà Trời Đất đã vạch ra cho mình, không còn phải dằn vặt trăn trở với những chuyện bất như ý thường ngày trong cuộc sống tại thế này nữa…” Rõ ràng chị là chỗ dựa tinh thần rất vững chắc cho anh Thời đang ở vào cái tuổi cuối đời ở một nơi xa cách quê hương bản quán của anh chị vậy.

4 – Gia đình Chị Nguyễn Thành Vinh ở ngọai ô Sydney.

Anh Nguyễn Thành Vinh là một giáo sư mà lại tham gia họat động chính trị sát cánh với các bậc tiền bối như Cụ Phan Khắc Sửu, Nhà văn Nhất Linh Nguyễn Tường Tam, Luật sư Trần Văn Tuyên … Hồi năm 2002, anh Vinh có qua đất Mỹ thăm bà con bạn hữu và chúng tôi đã có dịp gặp gỡ trao đổi nhiều với anh về công chuyện của đất nước, của dân tộc. Nhưng không may, anh Vinh đã qua đời tại Úc châu từ mấy năm nay.

Vì thế mà nhân chuyến viếng thăm Sydney lần này, tôi đã tìm cách đến thăm viếng gia đình chị Vinh và xin đốt nén hương trước bàn thờ của anh Vinh vốn là người tôi có duyên được quen biết gần gũi từ những năm 1965 – 66 ở Saigon. Anh Vinh lớn hơn tôi đến 5 – 6 tuổi, nhưng anh rất ủng hộ khuyến khích lọai công tác xã hội nhóm anh em chúng tôi làm ở các Quận 6,7 & 8 Saigon thời đó. Chị Vinh lại là một Phật tử thuận thành, rất mộ đạo, nên cuộc sống thật là thanh thóat an nhiên, mặc dù phải tất bật vất vả chăm lo cho gia đình từ  lúc mới di cư tỵ nạn ở xứ người. Trong lần thăm viếng này, chúng tôi đã gợi lại nhiều kỷ niệm tốt đẹp giữa anh Vinh với các bạn hữu năm xưa ở Saigon.

Bài viết đã dài rồi, tôi chỉ xin ghi thật ngắn gọn rằng: Những bạn hữu mà tôi gặp ở Sydney hồi đầu tháng 12/2011 vừa qua, tất cả đều làm cho tôi thêm tin tưởng và phấn khởi vì tấm lòng của các bạn thật là đôn hậu, nhân ái. Các bạn không những đã tận tình tiếp đón tôi là người khách từ phương xa đến, mà các bạn đều lo lắng chăm sóc thật chu đáo cho mỗi gia đình riêng của mình, các bạn cũng hết sức chan hòa tình yêu thương và liên đới gắn bó giúp đỡ lẫn nhau, và nhất là còn góp phần quan trọng vào việc giúp đỡ nhân quần xã hội nơi địa phương mình định cư sinh sống.

Rõ ràng tấm lòng của các bạn là điều thật quý báu, nó biểu hiện thật rõ nét cái đức tính truyền thống của người sĩ phu quân tử trong xã hội Việt nam chúng ta từ ngàn xưa. Và đối với bản thân tôi, thì tất cả người bạn này ở Sydney đã hành động và đã chứng minh thật đúng cái điều mà người Mỹ thường nói : “Friends are Blessings”  (Bạn bè là Phúc Lộc Trời cho) vậy./

California, đầu năm 2012

© Đoàn Thanh Liêm

© Đàn Chim Việt

 

 

Phản hồi