WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Con đường Việt Nam: Bàn về Nhân quyền, Pháp quyền, Pháp chế

Kính gửi: Ban Điều Hành Đàn Chim Việt

Tôi là Trần Văn Huỳnh. Hôm nay tôi xin được gửi đến quý báo một trích đoạn từ quyển sách còn dang dở: Con đường Việt Nam do con tôi – Trần Huỳnh Duy Thức – viết, cùng với Lê Công Định và Lê Thăng Long. Chính quyển sách này đã bị qui kết là “một kế hoạch tổng thể hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” dẫn đến việc kết án 24,5 năm tù và 11 năm quản chế cho những người tham gia vào quyển sách này.

Tựa đoạn này do tôi đặt, được trích từ chương 3 (Cải cách pháp luật) của phần IV (Các sách lược tập trung). Nội dung của nó đề cập đến những vấn đề rất thiết thực đối với người dân và cũng rất sống còn đối với đất nước hiện nay.

Do vậy tôi rất mong quý báo giúp phổ biến nội dung này.

Xin cảm ơn và kính chào.

Trần Văn Huỳnh

—————————————————

Vì sao việc cải cách tư pháp (CCTP) và cải cách hành chính (CCHC) được chú trọng bằng rất nhiều nghị quyết và chỉ thị trong hàng chục năm qua nhưng lại không đạt được những tiến bộ đáng kể, mà có chỗ còn đi thụt lùi? Do thiếu quyết tâm chính trị thực lòng hay thiếu động lực cho cải cách thực chất?

Không có động lực của con người thì sẽ không có sự thay đổi xã hội. Các cuộc cách mạng bạo lực có thể tạo ra động lực cưỡng bức nhưng không bền vững. Còn cải cách thì luôn cần phải có động lực tự nhiên – những cuộc cải cách thành công đều phải dựa trên những giải pháp hướng được những động lực này đến những mục tiêu lành mạnh. Tạo ra động lực lành mạnh là đòi hỏi thiết yếu của cải cách tốt đẹp. Không chú trọng đến việc này thì mọi cuộc cải cách sẽ rất vất vả và hầu hết là thất bại. Do vậy muốn CCTP và CCHC thành công thì việc đầu tiên phải phân tích hiện trạng của các động lực tự nhiên của con người Việt Nam đang hướng đến các đối tượng và mục tiêu nào trong các hoạt động tư pháp và hành pháp quốc gia.

Sẽ không quá khó, chỉ cần thẳng thắn và dũng cảm thừa nhận, để thấy rằng động lực của người dân hiện nay hầu hết không được tạo ra bởi niềm tin vào công lý để hướng đến một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Môi trường pháp lý và chính trị hiện nay đang làm cho các động lực này hướng tập trung đến các kết cục trái ngược hẳn với các chuẩn mực của một xã hội như vậy: tham nhũng, cường quyền và lạc hậu. Điều này đang diễn ra ngày càng trầm trọng, bất chấp các mong muốn khác đi theo chủ trương của nhà nước và lý tưởng của đảng Cộng sản Việt Nam đang cầm quyền. Nguyên nhân cốt lõi của vấn đề là:

(i) Tính cách luôn mưu cầu lợi ích là một động lực phổ quát và tự nhiên của con người. Dù không phải tất cả mọi người đều như thế nhưng xu thế chung áp đảo sẽ luôn là như vậy – như một thực tế khách quan và không phải là điều xấu. Thiếu loại động lực này thì xã hội loài người đã không thể hình thành và phát triển.

(ii) Những động lực này không cần biết đến các giá trị tốt đẹp trên danh nghĩa được quy định trong các văn bản luật, chỉ thị, nghị quyết hay lý tưởng mà nó chỉ chịu tác động và vận hành theo các giá trị đang tồn tại trong thực tế (theo đúng thực chất của hiện trạng) của các mặt kinh tế, chính trị, xã hội. Đây chính là sự vận động theo các quy luật tự nhiên khách quan: Kết quả được tạo ra dựa trên vấn đề thực chất và giá trị thực tế mà thôi.

(iii) Cuộc sống ở Việt Nam đang tạo ra một thứ niềm tin của người dân vào việc đưa hối lộ như là cách tốt nhất, thực tế nhất để mưu cầu lợi ích cho mình – từ những việc nhỏ nhặt như chứng giấy tờ đến những chuyện to tát như các loại giấy phép béo bở, từ những mục đích chính đáng như kiếm tiền sinh sống hoặc tự khẳng định mình đến những mong muốn làm giàu bất chính hoặc vươn lên bằng cách chà đạp người khác. Hầu hết đều phải dựa vào tham nhũng, tin nó và thậm chí còn bao che cho nó. Niềm tin đi ngược lại nó không chỉ bị xem là ngớ ngẩn, không thức thời mà còn đầy rủi ro. Tin vào công lý ngày càng trở nên phi thực tế và tốn kém mà lại không hiệu quả.

Thứ niềm tin như vậy đang tồn tại áp đảo trong thực tế làm cho động lực tự nhiên của người dân hướng đến phục vụ nhu cầu hoặc thỏa mãn yêu cầu của những kẻ xấu nắm quyền tại các bộ máy tư pháp và hành pháp ở mọi cấp, cả bộ máy của đảng cầm quyền. Môi trường pháp lý đã không thể ngăn chặn được những cái xấu mà đạo đức xã hội cũng không còn đủ sức để lên án chúng. Thậm chí có nhiều lúc, nhiều nơi đã hình thành nên các chuẩn mực đạo đức làm cho người tốt dám đấu tranh với cái xấu trở nên “lập dị” và trở thành “kẻ phá bĩnh”. Không thể không xót xa khi phải chứng kiến các hiện tượng như vậy đang ngày càng phổ biến.

Nếu không có một cuộc cải cách xã hội, bao gồm cả CCTP và CCHC để thay đổi hiện trạng này, hướng các động lực tự nhiên của người dân đến các mục tiêu lành mạnh thì tình trạng suy thoái xã hội hiện nay sẽ mau chóng biến thành suy đồi chỉ trong vòng một vài năm nữa. Đến lúc đó mọi nỗ lực chỉnh đốn đều sẽ bất khả thi, và một sự sụp đổ xã hội dẫn đến suy thoái chính trị là không thể tránh khỏi. Điều này sẽ diễn ra trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn diện từ 2010 đến 2011 như đã phân tích ở chương IV.1 nếu không có một cuộc cải cách toàn diện và hiệu quả ngay từ bây giờ. Hậu quả sẽ là những sự khốn khổ đến cùng cực của người dân. Nhưng chính quyền cũng sẽ không thể tránh khỏi những hậu quả tồi tệ. Đây là những nguy cơ mà Con đường Việt Nam, như đã nhiều lần từ đầu quyển sách, muốn cảnh báo cho cả người dân lẫn chính quyền, đồng thời đề ra những sách lược khắc phục. Chương này bàn về sách lược cải cách pháp luật, mà trọng tâm là CCTP và CCHC. Các vấn đề về hiến pháp cũng sẽ được đề cập ở khía cạnh cốt lõi.

NGUYÊN LÝ VÀ HIỆN TRẠNG

Nguyên lý vận hành của một hệ thống pháp luật trong một xã hội dân chủ dựa trên 3 yếu tố cốt lõi: Nhân quyền, Pháp quyền và Pháp chế như đã trình bày ở phần II. Chương này sẽ xem xét các yếu tố này trong thực tế của Việt Nam để nhìn thấy những vấn đề và giải pháp chiến lược.

Nhân Quyền tại Việt Nam

Tuyên ngôn độc lập 1945 đã thừa nhận rằng mọi người sinh ra đều có sẵn các quyền con người căn bản, đều bình đẳng và tự do. Năm 1977, Việt Nam gia nhập Liên Hiệp Quốc cũng có nghĩa là sự công nhận của nhà nước Việt Nam đối với các quyền bất di bất dịch này của con người được qui định và trịnh trọng tuyên bố tại Tuyên ngôn Toàn cầu về Nhân quyền của LHQ vào năm 1948. Đến 1982 thì Việt Nam đã chính thức gia nhập hai Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị; và về các Quyền Kinh tế, Xã hội và Văn hóa. Tại đây, nhà nước Việt Nam đã long trọng cam kết tôn trọng, bảo vệ các quyền này cho công dân Việt Nam, và đồng thời cũng thúc đẩy các quyền này trên toàn thế giới. Trên tinh thần đó, Hiến pháp hiện hành (1992) của Việt Nam cũng đã hiến định tất cả các quyền thiêng liêng này của con người Việt Nam. Với những văn bản pháp lý như vậy thì mọi công dân Việt Nam từ lúc sinh ra đời đều được hưởng bình đẳng tất cả các quyền con người như bất kỳ công dân nào khác trên thế giới mà không phân biệt quốc gia, màu da, chủng tộc, xuất thân, địa vị, quan điểm chính trị, trình độ phát triển, lịch sử hình thành, v.v…, và cũng không phải chờ sự cho phép của bất kỳ luật hoặc văn bản nào dưới hiến pháp.

Tuy nhiên, các giá trị tốt đẹp trên danh nghĩa này còn rất xa so với thực tế trong việc thực thi quyền con người trên đất nước ta. Đại đa số người dân lẫn quan chức hiện nay đều nghĩ rằng chỉ có những quyền nào có luật qui định thì công dân Việt Nam mới được sử dụng. Quan điểm vi hiến như vậy lại tồn tại phổ biến ngay tại Quốc hội trong việc lập pháp. Sự xâm phạm tự do và các quyền cơ bản của người dân lại xảy ra phổ biến tại các cơ quan hành pháp. Còn các cơ quan tư pháp thì lại trừng phạt không thương tiếc những công dân nào dám tự do sử dụng các quyền làm người căn bản của mình đã được hiến định. Cần hiểu rằng các hành động như vậy không chỉ vi hiến mà còn vi phạm luật pháp quốc tế và đi ngược lại với các chuẩn mực văn minh của thế giới.

Dân ta cần hiểu rằng theo luật pháp quốc tế mà Việt Nam cam kết tôn trọng thì các quyền con người là không thể phân chia, phụ thuộc lẫn nhau và liên quan với nhau. Năm 1993, Đại Hội đồng LHQ đã ra Tuyên bố Viên và Chương trình hành động tái khẳng định lại các tính chất này của các quyền con người bao gồm từ quyền được bú, được ngủ lúc mới sinh ra; được ăn, được học khi lớn lên; rồi quyền được có việc làm để sinh sống; quyền hôn nhân và nuôi dạy con cái; quyền đảm bảo sự riêng tư như chỗ ở, bí mật thư tín, điện thoại; quyền tự do ngôn luận, sáng tác, sáng chế, lập hội, biểu tình; quyền bình đẳng trước pháp luật, v.v… Nếu không hề cần có những luật để cho phép được bú được ăn được ngủ được học được làm thì cũng không cần phải có luật để cho phép được nói được bày tỏ quan điểm được sáng tác phê bình được biểu tình, v.v… Đó chính là tính nguyên vẹn không thể phân chia của các quyền con người mà nếu bị xâm phạm thì người sống sẽ không trở thành con người đầy đủ. Sự xâm phạm này nếu rất nghiêm trọng sẽ biến con người trở thành không khác gì con vật như trong các chế độ nô lệ. Chỉ khi nào người dân có thể tự do sử dụng đầy đủ các quyền con người thì mới thực sự làm người.

Những sự xâm phạm như vậy cũng là nguyên nhân của sự chậm tiến của Việt Nam trong một thời gian dài và của sự tăng trưởng bất ổn như hiện nay vì đã vi phạm hoặc không tôn trọng đầy đủ các quy luật tự nhiên khách quan như đã phân tích ở phần II

Pháp quyền tại Việt Nam

Như đã trình bày ở phần II, bản chất hay tính chất bất biến của pháp quyền là sự bảo vệ các quyền con người bằng pháp luật. Đây cũng là nguyên tắc qui định bởi Tuyên ngôn Toàn cầu về Nhân quyền: “Nếu không muốn con người buộc phải sử dụng sự nổi dậy như một biện pháp cuối cùng để chống cường quyền và áp bức thì việc bảo vệ các Quyền con người bằng nhà nước pháp quyền là thiết yếu”. Do vậy, bản chất của một nhà nước pháp quyền là sự uỷ trị hợp pháp để đại diện cho mỗi công dân, không phân biệt bất kỳ yếu tố nào để bảo vệ mọi quyền con người của họ bằng pháp luật. Lưu ý rằng, sự ủy trị chỉ hợp pháp khi nó đại diện cho mọi công dân, từng người một mà không phân biệt thành phần, giai cấp cho dù người đó không bỏ phiếu cho những người được bầu chọn thực hiện sự ủy trị đó, cho dù quan điểm chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, … của người đó có khác biệt với những người được bầu chọn đến thế nào đi nữa. Một nhà nước không đảm bảo được những tính chất này thì không thể là một nhà nước pháp quyền.

Nhà nước pháp quyền lần đầu tiên được Việt Nam hiến định vào năm 2001 khi sửa đổi bổ sung Hiến pháp 1992 tại điều 2: “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân”. Còn điều 50 thì ghi rõ: “Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa và xã hội được tôn trọng, thể hiện ở các quyền công dân được quy định trong Hiến pháp và luật”. Như vậy, theo đúng bản chất của nhà nước pháp quyền ở điều 2 và ý nghĩa rõ ràng của điều 50 này thì công dân Việt Nam không chỉ có đầy đủ các quyền con người đã được Hiến pháp hiện hành qui định theo đúng nguyên tắc của Tuyên ngôn Toàn cầu về Nhân Quyền và hai Công ước Quốc tế kèm theo mà còn có thể được hưởng thêm những quyền khác nếu có luật qui định. Giá trị trên danh nghĩa rõ ràng là như vậy.

Tuy nhiên, thực tế của việc thực thi các điều khoản này của Hiến pháp thì lại khác xa. Thuộc tính phụ “xã hội chủ nghĩa” trong “Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa” được tùy tiện vận dụng và áp đặt để diễn giải sai lệch bản chất bất biến của thuộc tính chính “pháp quyền”. Điều này không những tạo ra rất nhiều các phạm trù mơ hồ được gắn với cụm từ “xã hội chủ nghĩa” mà còn dẫn đến sự tước đoạt các quyền con người bất khả xâm phạm của công dân bằng cách cho rằng chữ “luật” trong điều 50 của Hiến pháp có nghĩa là khi nào có luật qui định về những quyền nào (đã được ghi ở Hiến pháp) thì công dân mới được thực hiện những quyền đó. Cách hiểu này trao cho Quốc hội cái quyền ban phát các quyền con người cho người dân chứ không phải là nhận sự ủy nhiệm của nhân dân để bảo vệ cho họ thực hiện đầy đủ các quyền vốn có của họ mà Tạo hóa ban cho, theo đúng thuộc tính “của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân” của Nhà nước pháp quyền được ghi tại điều 2 của Hiến pháp.

Khi nào mà Quốc hội của nước ta chưa làm được bổn phận bảo vệ quyền con người như vậy cho công dân ta thì nó chưa có tính hợp pháp vì đã vi hiến, cho dù nó có được hình thành bằng các hình thức phổ thông đầu phiếu đi nữa. Đây là vấn đề thực chất mà bất kỳ một quốc hội nào trong một nhà nước pháp quyền cũng phải đảm bảo, cho dù đó là pháp quyền xã hội chủ nghĩa, pháp quyền cộng hòa đại nghị, pháp quyền quân chủ lập hiến, v.v… đi nữa. Đó là chưa kể người dân có quyền đòi hỏi thuộc tính bổ sung “xã hội chủ nghĩa” phải làm hay hơn, tốt hơn, ưu việt hơn cho tính chất “pháp quyền xã hội chủ nghĩa” như lý tưởng cao đẹp mà đảng Cộng sản Việt Nam luôn tuyên truyền và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam luôn khẳng định, chứ không phải là làm cho thực tế bảo vệ quyền con người tại Việt Nam ngày càng xấu đi như hiện nay. Thực tế này thuộc về trách nhiệm lãnh đạo của đảng Cộng sản Việt Nam mà Con đường Việt Nam đã đưa ra những đề nghị cần thay đổi trong Phần III về cách thức lãnh đạo của đảng cầm quyền hiện nay nếu không muốn một sự sụp đổ toàn diện, kéo theo những hậu quả nặng nề cho dân chúng.

Pháp chế tại Việt Nam

Do trách nhiệm tối thượng của một nhà nước pháp quyền là phải bảo đảm cho công dân thực hiện đầy đủ các quyền con người của từng người nên nó phải ngăn cản sự xâm phạm các quyền này từ bất kỳ ai, bất kỳ tổ chức nào. Cũng do tính chất pháp quyền của nó, nên nó phải thực hiện việc ngăn cản này bằng luật pháp. Đây chính là nguyên tắc pháp chế – tức là chế tài bằng pháp luật – của một nhà nước pháp quyền. Đây cũng là nguyên tắc được qui định tại Tuyên ngôn Toàn cầu về Nhân Quyền: “Khi thực hiện các quyền và tự do của mình mỗi người chỉ phải chịu những hạn chế nào được luật qui định nhằm một mục đích duy nhất là để đảm bảo sự thừa nhận và bảo vệ đúng đắn các quyền và tự do của người khác và đáp ứng các yêu cầu chính đáng về đạo đức, trật tự công cộng và phúc lợi chung trong một xã hội dân chủ”.

Mọi phạm vi chế tài (bao gồm hạn chế và xử phạt) phải do luật qui định. Không có luật hạn chế điều gì thì làm điều đó là không phạm luật và không phải xin phép nơi nào hết. Hoàn toàn không cần phải có luật cho phép làm điều đó. Chỉ có quan chức mới chỉ được làm những gì mà luật cho phép để hạn chế sự lạm dụng quyền hành của họ mà thôi. Không ai hay tổ chức nào được quyền nhân danh vì bất kỳ lợi ích chung nào để áp đặt các hạn chế đối với các quyền con người của công dân mà không được thông qua bằng luật bởi một quy trình lập pháp hợp hiến. Lý do và mục đích của những sự hạn chế như vậy cũng phải được ghi rõ.

Điều 12 Hiến pháp 1992 ghi “Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật, không ngừng tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa”. Điều này rõ ràng là tuân theo nguyên tắc pháp chế đúng đắn của một nhà nước pháp quyền như trên, phù hợp với chuẩn mực của luật pháp quốc tế. Tuy nhiên, thực tế thì khác hẳn. Không hiểu dựa trên cơ sở nào mà rất nhiều vị đại biểu Quốc hội – những người được gọi là những nhà lập pháp đại diện của dân – lại hồn nhiên phát biểu trước công chúng đại ý là phải cố gắng nhanh chóng xây dựng luật để người dân có thể thực hiện các quyền của mình. Còn các cơ quan hành pháp thì ban hành đầy rẫy các nghị định, quyết định hạn chế, cấm đoán các quyền con người của công dân một cách vi hiến. Còn các cơ quan tư pháp thì chưa bao giờ ra bất kỳ phán quyết nào liên quan đến sự vi hiến, đơn giản vì chúng không có được quyền hạn đó trên danh nghĩa và cũng không có đủ quyền lực tư pháp độc lập trên thực tế.

Thuộc tính xã hội chủ nghĩa đúng ra phải thể hiện được sự ưu việt hơn cho nguyên tắc pháp chế của một nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, thì thực tế lại trở thành cái để lợi dụng nhằm tước đoạt rất nhiều quyền con người của công dân bằng cách đặt sự bảo vệ chế độ lên trên hết – vi phạm nguyên tắc “Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân” của Hiến pháp (điều 2). Thực tế này lại tiếp tục bị lợi dụng để bảo vệ đặc quyền cho các nhóm lợi ích nhỏ, tạo ra một thực tế càng tệ hại hơn nữa.

Trách nhiệm của công dân

Cách biệt giữa danh nghĩa và thực tế của môi trường pháp lý Việt Nam đang rất nghiêm trọng và ngày càng xấu đi nên gây ra bất ổn nặng nề. Trách nhiệm này đương nhiên là thuộc về chính quyền, nhưng nếu người dân không ý thức được các quyền con người và vai trò làm chủ đất nước của mình thì cách biệt này không bao giờ được thu hẹp theo hướng tốt đẹp. Dân ta cần hiểu cốt lõi bản chất của các khái niệm Nhân quyền, Pháp quyền, Pháp chế. Thực ra chúng rất đơn giản: Nhân quyền là các Quyền con người của mỗi người chúng ta vốn có từ lúc sinh ra mà không ai có quyền ban phát cả và chúng ta cần tự tin sử dụng ngay các quyền này mà không phải đợi ai cho phép. Pháp quyền là trách nhiệm trên hết của nhà nước phải bảo vệ cho công dân thực hiện đầy đủ các quyền bất khả xâm phạm này của mình, và Nhà nước Việt Nam hiện nay là một nhà nước pháp quyền được khẳng định tại Hiến pháp. Pháp chế nghĩa là chúng ta chỉ bị hạn chế làm những gì có luật qui định rõ, không có luật hạn chế tức là không có hạn chế, chứ không phải là chưa được phép. Mối liên hệ của bản chất và nguyên tắc của 3 khái niệm này tạo nên một nguyên lý cốt lõi của dân chủ: công dân có quyền làm bất cứ điều gì mà luật không hạn chế và không cần phải xin phép để làm điều đó.

Ở các nước dân chủ và thịnh vượng, thay vì làm ra nhiều luật để hạn chế thì nhà nước ở đó xây dựng rất nhiều luật khuyến khích và tạo động lực cho công dân của mình làm nhiều việc tốt để hướng xã hội phát triển theo những lý tưởng tốt đẹp. Chúng ta hoàn toàn đủ quyền và đủ lý do chính đáng để đòi hỏi có được một nhà nước pháp quyền với các nguyên tắc pháp chế như trên. Đó cũng là những tiêu chuẩn mà công việc CCTP và CCHC phải đạt đến. Không có những áp lực từ dưới lên thì sẽ khó có thể có được những thay đổi từ trên xuống. Đó là trách nhiệm của công dân đối với việc cải cách.

Trách nhiệm của chính quyền

Tuy nhiên, trách nhiệm trên hết vẫn thuộc về chính quyền. Nếu nhà nước và đảng Cộng sản Việt Nam không nhận rõ được hiện trạng như trên và nhanh chóng thực hiện các giải pháp cải cách thành công thì sự thất bại của chúng sẽ dẫn đến các cuộc cách mạng. Liên Xô sụp đổ sau khi đã tiến hành cải cách muộn màng và thất bại.

Với tinh thần như vậy, Con đường Việt Nam đã nghiên cứu để đề nghị với Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam các sách lược CCTP và CCHC được trình bày cụ thể dưới đây.

(Đang viết vào tháng 4/2009)

 

8 Phản hồi cho “Con đường Việt Nam: Bàn về Nhân quyền, Pháp quyền, Pháp chế”

  1. Trung Kiên says:

    Kính chào bác Trần Văn Huỳnh

    Cho dù nhà nước csvn cố tình bóp méo và vu cáo “Con Đường Việt Nam” của các anh Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Công Định và Lê Thăng Long (cùng viết)… là “một kế hoạch tổng thể hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” (?) để rồi kết án 24,5 năm tù và 11 năm quản chế cho các anh Thức, Long, Định một cách hết sức phi lý và tùy tiện…

    Nhưng cháu tin rằng, tấm lòng của các anh ấy (Thức Định, Long, Trung) rồi đây sẽ được các vị lãnh đạo có tâm huyết và lòng yêu nước, các nhân sĩ, trí thức, cùng nhân dân trân trọng và yêu mến!

    Cũng nhờ những bài viết này mà cháu đã cố gắng lục lọi, tìm kiếm để đọc và xin được giới thiệu với bạn đọc;

    PHONG TRÀO CON ĐƯỜNG VIỆT NAM
    “Khai dân trí, Chấn dân khí, Hậu dân sinh” hay: “Hiểu biết để Tự tin để Làm giàu cuộc sống”

    Anh Lê Thăng Long đã được trả tự do. Cầu mong các anh Thức, Định và Trung luôn khoẻ mạnh, sẽ được giải oan, và sớm thoát vòng tù tội!

    Chân thành cám ơn Bác và DCV.Info

    Kính chúc Bác và gia đình sức khoẻ, kiên cường và nhiều nghị lực.

  2. vô vọng says:

    Để có một nhà nước pháp quyền thì ai cũng hiểu phải có sự độc lập giữa ba ngành hành pháp, lập pháp và tư pháp. Ở VN chỉ có 1 đảng lãnh đạo được quy định trong hiến pháp thì làm sao thực hiện đươc”pháp quyền”? Hoạt động của lập pháp và tư pháp bị đảng khống chế nên hành pháp tha hồ tác oai tác quái làm dân chúng khổ sở, nhà nước kiệt quệ. Như vậy hiến pháp nói VN là một nước pháp quyền là không đúng sự thật, mà là một nước “đảng quyền”.

    Pháp quyền ngoài việc bảo vệ quyền công dân còn có nghĩa quan trọng nữa là buộc “hành pháp”, tức chính phủ, các cơ quan công quyền và nhân viên của nó phải làm việc theo pháp luật (chứ không phải theo chỉ thị của đảng) và cũng phải bị pháp luật trừng trị nếu vi phạm pháp luật y như với một công dân.

    Nói chung cái gốc là không có dân chủ thì không thể nói đến pháp quyền được. Đảng đứng trên pháp luật thì đó là nhà nước đảng quyền. Nếu cứ thế mãi thì đảng sẽ biến thành đảng cướp, đảng không cướp nhưng sẽ bị “kẻ xấu” lợi dụng để cướp của nhà nước, cướp của nhân dân.

  3. Lê Thiện Ý says:

    Luật pháp “tranh-tối-tranh-sáng” như thế để cán bộ cuả đảng dễ bóc lột, ăn cướp, bắt nạt nhân dân !
    Đảng không có ý định, ý chí cải cách tư pháp nhằm “mập mờ đánh lận dân đen”, muốn suy diễn, bắt ai bỏ tù cũng được. Đó là chính thể PHI NHÂN, MỊ DÂN, ĐỘC TÀI – ĐẢNG TRỊ !

  4. Dao Cong Khai says:

    Người VN thì khôn ngoan và thông minh, nhưng xã hội VN thì kinh khủng quá. Không phải bây giờ nó mới kinh khủng, nhưng nó kinh khủng không biết từ bao giờ, từ nhiều thế kỷ trước. Không biết là do mộng vương bá của các giòng họ Trịnh, Nguyễn, Tây Sơn… tạo nên hay chính cái luân lý Tống Nho, và ngay cả Khổng Mạnh, do 1000 năm nô lệ giặc Tàu còn để lại trong tâm hồn người VN tạo nên. Tôi nghĩ do tất cả những thứ đó. Xã hội bên Tàu cũng tương tự như vậy, nhưng cứ so sánh cách sống của dân Ba Tàu ở VN sẽ thấy người Tàu họ còn đoàn kết và thương nhau hơn dân Việt mình.

    Tôi cũng mới về VN và thấy con người ở đó quá quan trọng đồng tiền. Họ sẵn sàng chà đạp nhân bản, hoặc bất cứ điều gì thiêng liêng nhất của mình để bảo vệ túi tiền; cho nên nạn tham nhũng ở VN hiện nay là bất trị. Có nhiều lúc những kẻ nắm quyền thế công khai đòi hỏi kẻ kém thế lực phải đưa tiền, và ra giá là bao nhiêu nữa. Có những trường hợp không cần phải đưa tiền đút lót nhưng kẻ không chức quyền vẫn cứ đưa tiền để có thể được quen thân với giai cấp thống trị hơn để làm những chuyện bất công trong tương lai. Hiện nay có nhiều dịch vụ, bọn cai trị tham nhũng không cần đòi hỏi, tự động những người nhờ đến họ mang tiền tới đưa cho họ. Những người dân kia họ tự động bày ra những chuyện bất công hoặc không hề bất công nhưng cần có sự chấp thuận của những kẻ cai trị và họ chỉ cần đút lót cho những kẻ cai trị ở VN là xong.

    Dĩ nhiên những kẻ cai trị ở VN, chức quyền càng cao thì điều đó càng nói lên phe đảng và khả năng tham nhũng, nịnh bợ, luồn lọt và quỷ quyệt của họ càng mạnh. Không mạnh sao leo lên, và giữ vững được cái địa vị đó. Những bí thư tỉnh uỷ ở VN nó có giá rõ ràng; tỉnh lớn thì giá cao và tỉnh nhỏ thì nhẹ hơn. Trước hết phải là đảng viên VC, rồi sau đó phải chút “uy tín” trong đó, nghĩa là quen biết những tên CS gộc, và phải trả giá bằng tiền quy định rõ ràng. Không phải toàn bộ guồng máy VC đang hoạt động bằng tiền như thế, nhưng tôi xác định là đa số. Bà con tôi bên đó có những người đã “tiến thân” bằng con đường đó, và có người đã bị giết vì muốn cản trở con đường đó. Cho nên những kẻ cai trị ở VN thì đừng hòng mà thuyết phục được họ thương dân và cai trị theo lẽ phải.

    Nhưng xã hội VN bi đát hơn là vì cái lý mạnh của đồng tiền đã được chính dân nghèo bên đó cũng tôn thờ nữa. Nếu dân bên VN không mang tiền ra đút lót cho những kẻ cai trị thì làm sao bọn kia có thể tham nhũng được. Nếu bị kết tội oan thì khiếu nại, chống lại… chống không nổi thì thôi, tại sao cứ phải đưa tiền cho bọn cai trị để nó “cứu xét” và trả lại công lý cho mình. Công lý đâu phải dùng tiền mà mua được, tại sao dân bên VN lại dùng tiền để mua công lý? Những người dân đáng trách hơn ở VN là họ dùng tiền để mua lấy sự bất công, sự thiên vị và ưu đãi mà những kẻ cai trị ở VN dành cho họ nhiều hơn những kẻ khác khi họ đút lót cho bọn cai trị.

    Tại sao nhà nước cho phép họ đi du học, nhưng khi làm thủ tục họ lại phải đút lót cho những kẻ cai trị cứu xét hồ sơ du học của họ? Tại sao khi mở một cửa tiệm nhỏ ở VN, người dân cứ phải đút lót cho cán bộ ở phường xã hay quận huyện? Là vì bây giờ ai muốn đăng ký xin mở những dịch vụ đó đều đã đút lót cho cán bộ VC cả rồi, you muốn làm ăn thì cũng phải đút lót như họ. Quy luật “đầu tiên” là “tiền đâu”! đó là khẩu hiệu mà dân làm ăn bên VN phải ghi nhớ. Nếu không chịu đút lót thì bọn cai trị VC nó không giải quyết cho bạn.

    Tại sao bạn phải cố gắng để VC nó giải quyết cho bạn? Nếu nó không giải quyết cho bạn thì bạn tìm cách khác mà sống, cần gì phải đút lót cho tụi nó? Nếu không sống nổi trong xã hội đó thì phải tính con đường khác, tại sao cứ vui vẻ, cưới nhau, sanh con đẻ cái để cho con cháu bạn nó phải sống nhục như chính bạn? Cha mẹ bạn cứ vui vẻ phục tùng chế độ, yêu nhau, rồi sanh ra bạn để bắt bạn phải phục tùng những bất công trong xã hội. Tại sao mỗi người không tự trọng được chính mình để ít là tách biệt với cái xã hội bất công và bóc lột đó. Chính những người dân đen ở VN cứ vui vẻ, chấp nhận phục tùng những bất công đó cho nên nạn tham nhũng ở VN trở nên bất trị. Nhiều người dân đen ở VN còn hài lòng với cái khoản tham nhũng bất công như vậy. Lâu lâu họ cần gì thì chỉ cần đưa cho cán bộ VC một số tiền là chuyện gì cũng có thể làm được! Ai cũng nghĩ như vậy nên xã hội đó không bao giờ khá hơn được.

    Tại sao người ta phải quyết tâm lìa bỏ VN, mặc dù ngày nay đâu còn Cải Cách Ruộng Đất đâu còn chủ nghĩa CS nữa? Nhưng những người có ý thức họ muốn lìa bỏ VN bằng mọi giá vì xã hội VN nó không còn tương lai gì tốt cho họ và con cháu họ nữa. Chính những cán bộ VC (còn chút liêm sỉ) họ lại có cơ hội ý thức được điều đó trước tiên.

    • ĐẠI HẢI says:

      DÂN TA

      Xin đừng có trách dân ta
      Thông minh thừa đấy lại ra ngu đần
      Ấy vì hoàn cảnh không cân
      Thông minh là thế ngu đần là kia
      Một người mới giỏi giang chưa
      Ba người chụm lại thành chưa bằng người
      Thông minh thuộc loại tuyệt vời
      Mà dân dốt nát vậy thời do đâu
      Nghĩ hoài từ trước tới sau
      Hóa ra con tạo cơ cầu mà chi
      Thực dân phong kiến một thì
      Rồi còn ý hệ những gì ngoại lai
      Cho nên gột được mới tài
      Mới thành dân tộc lâu dài ngàn năm
      Lạc Hồng mới rõ tiếng tăm
      Chớ đâu Hồng Lạc chỉ như lạc loài !

      ĐẠI NGÀN
      (01/02/12)

    • NAM KỲ says:

      Bạn nghĩ vậy là không sai, nhưng không đủ. Không phải ai ai cũng nghĩ đến cái hậu quả của hành động “hối lộ” của mình, và nếu không hối lộ thì bạn hầu như không thể làm một chuyện gì “khá” một chút, vì khi nghiêm túc gần như chỉ có thể đi làm công nhân. Đúng, có khi không cần thiết phải hối lộ, nhưng đó chỉ là những “công việc nhỏ”, Không ai ngu gì tự nhiên móc túi đưa tiền cho kẽ khác. Sang một vấn đề khác, gửi tiền vào ngân hàng, ai cũng biết tiền lãi còn thấp hơn lạm phát, lãi suất âm, nhưng mọi người vẫn đem tiền “quăng sọt rác” vì: nếu mua vàng thì giá cao hơn thế giới, nếu đem kinh doanh thì phải “biết điều” và trúng kế VC rồi, nếu tự giữ thì mất còn nhiều hơn. Cho nên người VN hiện tại phải thuận theo chiều gió để tồn tại nhưng về hoài bảo chắc cũng không mai một đâu. Thân ái.

  5. Nguyen V N says:

    Chế độ CSVN đã tới mức độ tận cùng của bế tắc.
    Cải cách Tư Pháp (CCTP) làm sao thực hiện đưọc vớ iKhủng bố đàn áp bắt bớ mọi công dân dám nói tới như THDThức hay CHH Vũ.
    Cải cách Hành Chính (CCHC) làm sao thực hiện được với một chế độ sống bằng tham những và bao thơ , thủ tục hành chính phải qua bao nhiêu bao thơ từ trong ra ngoài , từ dưới lên trên… Bao thơ nhỏ trong bao thơ lớn và lớn hơn nữa. Đó là đạo luật hành chính thực tế của chế độ hiện nay.

    Tắt cả chỉ còn là một bế tắc toàn diện vô phương cứu chữả có nói cũng không cùng, chỉ còn một ĐỘNG LỰC cuối cùng có thể cứu vãn được đất nước đang hồi sụp đỗ khó thở là một cuộc cách mạng tự phát Bát bạo động là hay nhất. Vì Bạo động sẽ cho bọn cầm quyền lấy cớ đàn áp và diệt từ trong trứng.

    Các cuộc biểu tình tự phát ngày chủ nhật phải được thực hiện dù nhỏ dù lớn.
    Cuộc cách mạng không tên không đảng phải chỉ cần một khẩu hiệu.
    Đoàn kết cho Tự Do và Dân Chủ NHân quyền là đủ.
    Động lực tự phát của nhân dân không còn chấp nhậ chế độ dơ dáy này là Điều kiện thành công cho Cách Mạng Dân Chủ VN.

    THân kính
    Nguyen V N

  6. ĐẠI NGÀN says:

    TRẦN HUỲNH DUY THỨC

    Thức khuya trăn trở làm gì
    Bóng huỳnh le lói nhiều khi lại buồn
    Tư duy chữ nghĩa càng tuôn
    Thức thời đơn độc chẳng buồn lắm sao
    Nhân quyền chi có lạ nào
    Ai mà chẳng biết tào lao làm gì
    Pháp quyền, pháp chế nhiều khi
    Dân còn dốt nát dễ gì hiểu sao
    Tám mươi lăm triệu đồng bào
    Từ từ nâng cấp lẽ nào nôn chi
    Cha già vất vả thường khi
    Chạy đôn chạy đáo con thì tìm đâu
    Công linh phụ tử nhiệm mầu
    Biết ai thông cảm ngỏ hầu nguôi ngoa
    Trần Văn nhiều nỗi xót xa
    Huỳnh hoàng mong được lối ra sớm chiều
    Đời suông chẳng đẹp bao nhiêu
    Nên Huỳnh Duy Thức đã liều một phen !

    NON NGÀN
    (31/01/12)

Leave a Reply to Lê Thiện Ý