WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Một thoáng quê nhà [1]: Một Phố dài chạy giữa đất nước

Mũi né. Ảnh mang tính minh họa, nguồn Google

Hồi tôi mới xa nhà, chẳng có đêm nào tôi không mơ thấy được trở về. Mỗi đêm lại “nghĩ” ra một cách vượt khoảng cách theo một cách khác nhau. Mà trí tưởng tượng trong mơ xem ra còn sáng tạo hơn cả khi tỉnh. Hôm thì về bằng máy bay- cách này thì dễ quá rồi, cứ lôi…ký ức cũ đã bay sang thế nào thì lại bay về như thế, có lẽ vì dễ quá không có gì đặc sắc cả, nên tôi chỉ thấy mơ bay về có một lần thôi. Những lần khác thì thú vị hơn, hôm thì chặt cành cây trong rừng làm đò để chống về. Có hôm lại bay trên một quả bóng to như kinh khí cầu vậy. Lần khác thì đi tầu hỏa, đi mãi, đi mãi, gần hết đêm rồi mới về đến nhà, chưa kip thỏa niềm hạnh phúc trở về thì đã..phải dậy mất rồi. Cứ thế những giấc mơ đưa tôi trở về nhà, nhìn lại ngôi nhà xưa, gặp lại bạn bè thủa trước. Nhưng chẳng bao giờ tôi cảm thấy đủ cả, lúc nào cũng cảm thấy thiếu một cái gì đó trong mơ, dường như là thiếu quà cho mọi người, dường như là thiếu thời gian để hàn huyên với bạn bè, hay thiếu một cái gì đó mà tôi không thể định hình được tên gọi. Phải rất lâu sau này tôi mới hiểu được cái cảm giác thiếu trong mơ ấy chính là thiếu…hiện thực. Thiếu cái cảm giác hạnh phúc thật sự khi trở về bằng xương bằng thịt nó như thế nào.

Thời  gian trôi qua, năm tháng trôi qua, tôi không còn đếm từng ngày học xong để trở về nữa, và cả những giấc mơ được trở về ngày nào của tôi cũng đã thành kỷ niệm. Nhưng tôi vẫn khắc khoải tự hỏi mình, không biết niềm hạnh phúc khi trở về hình dáng thế nào nhỉ…

1- Một phố dài chạy giữa…đất nước

Tôi có một người bạn Nga vừa đi du lịch Việt Nam. Anh bay về Sài Gòn, rồi từ Sài Gòn đi ô tô đến Mũi Né nghỉ. Anh cứ thắc mắc mãi là tại sao ở Việt Nam thành phố lại lớn thế. Đi mãi, đi mãi mà không hết. Đi mãi, đi mãi vẫn trên một con phố nhỏ. Con phố nhỏ đó chạy suốt từ sân bay Tân Sơn Nhất nơi anh hạ cánh xuống và đưa thẳng ra đến Mũi Né luôn. Tôi chưa bao giờ về Sài Gòn, cũng chưa bao giờ được ra Mũi Né, nên cũng chỉ biết “thế à” và chia sẻ với anh những cảm xúc mới mẻ sau một chuyến đi đến một vùng đất lạ.

Những kỷ niệm đầu tiên của tôi sau 20 năm xa đất nước tình cờ lại cũng chính là con phố nhỏ và rất dài ấy…

Tôi cũng đi từ Sài Gòn vào Mũi Né, chỉ khác là tôi biết tiếng Việt, nên đã kịp hiểu ngay rằng con phố nhỏ và rất dài ấy không phải chạy giữa thành phố, mà chạy giữa… đất nước tôi, nối liền nhiều tỉnh, và có lẽ nếu cứ đi mãi, đi mãi thì sẽ ra được đến tận thủ đô Hà Nội, chứ không phải chỉ đến được Mũi Né thôi.

Ở bên Nga, nơi tôi sống, mỗi con đường có một cung bậc riêng. Đường đi qua thành phố vô cùng hối hả, nườm nượp xe cộ, những âm thành náo nhiệt của xe cộ không lúc nào dứt chẳng khác nào một đoàn quân nhạc khổng lổ đang cùng cất tiếng. Đường đi đến rìa thành phố sẽ dịu lại dần, xe cũng ít hơn, người cũng thưa hơn, và xung quanh nhà cửa đã thay bằng rừng thưa xen kẽ những khu nhà ở của dân chúng, đường chỉ còn như một bài giao hưởng nhẽ nhàng. Đường đi giữa các thành phố vô cùng thoáng đãng, vì trùng trùng, điệp điệp xung quanh chỉ còn những cánh rừng xen giữa những cánh đồng rộng tít ra chân trời. Đường chỉ còn như một sợi chỉ mảnh nằm vắt qua một tấm lụa xanh mướt nên xe cộ đi trên đó chỉ còn như một tiếng sáo mục đồng đang ngân nga khe khẽ.

Nếu mang những cung bậc quen thuộc đó của các con đường Nga mà áp dụng ở Việt Nam, thì  đúng là một con phố nhỏ chạy dài, dài mãi thật. Suốt cả chặng đường gần 200 km từ Sài Gòn về Mũi Né lúc nào tôi cũng thấy nó nhộn nhịp, hối hả như nhau. Nhà cửa kề vai thích cánh bên cạnh nhau. Chợ, cửa hàng, trường học, nhà thờ san sát nhau. Xe cộ hối hả bên nhau không lúc nào dứt.

Nhưng dẫu sao tôi cũng là người Việt. Tôi không cần có khoảng cách mới biết là đã đi qua một thành phố. Cứ nhìn những hàng quán hai bên đường, ở mỗi vùng đều có một đặc sản riêng nên sẽ biết ngay mình đang đi qua vùng đất nào. Đi qua Đồng Nai thấy từng hàng cao su nối tiếp nhau, vào đến Bình Thuận thấy từng sạp thanh long bày bán, vào đến Mũi Né thì hàng nào cũng chào mời món mực một nắng và nước mắm nhĩ.

Những con đường như những mạch máu trong một cơ thể, nếu mang ra “xét nghiệm” sẽ biết được tình trạng sức khỏe của cả cơ thể. Nếu trên đường quốc lộ ta thấy xe chở container nối nhau chạy hối hả, đó là nền kinh tế xuất nhập khẩu đang phát triền. Nếu ngược xuôi nhiều xe tải chở hàng hóa vật liệu, đấy là nền sản xuất nội địa đang thăng hoa. Nếu những chiếc xe du lịch đầy khách đang xuôi ngược thì đó là lúc ngành du lịch đang vào mùa. Những con đường thẳng  tắp, mịn màng với những hàng xe bon bon nối đuôi nhau đều đặn, không tắc nghẽn đó là một mạch máu trẻ đang căng đầy nhựa sống và còn lâu mới phải lo đến bệnh cao huyết áp hay xơ vữa động mạch.

Ở Âu châu người ta đi đường luôn phải nhìn. Nhìn đèn đường, nhìn đèn xe xung quanh, nhìn người đi bộ, nhìn biển chỉ đường. Nhìn và nhường nhịn. Dù đèn đã xanh nhưng những chiếc xe chạy cố đèn vàng vẫn chưa đi hết thì vẫn phải đợi. Dù đèn xanh nhưng người đi bộ đã bước chân xuống lòng đường thì lại phải dừng lại nhường.

Những con đường ở Việt Nam rất vội. Dường như ai cũng đang chạy cắm cúi, nên ít ai nhìn ai. Vừa chạy các xe vừa kêu rối rít: “Tránh đường nhé, tránh đường nhé, đang vội đây”. “Đây cũng vội lắm, không nhường được”. “Tránh đường đi, đừng có ngoan cố”. Ngay cả những con đường cũng hiểu người và xe rất vội nên nó không trưng biển chỉ đường. Chốc chốc trên đường người ta lại thấy một tấm biển sừng sững nhắc nhở xe cộ đừng có vội vã mà quên cả luật giao thông. “Vượt đèn đỏ gây tai nạn sẽ bị tước bằng lái vĩnh viễn”, “Nghiêm chỉnh chấp hành quy định về tốc độ”…Nhưng có lẽ những chiếc xe mải kêu xin đường, và nhanh chóng chiếm khoảng chống để xe khác không vượt lên nên ít khi đọc lời nhắc nhở. Chỉ các hành khách háo hức ngắm cảnh mới miệt mài nghiên cứu luật giao thông trên đường và thỉnh thoảng thót tim lo hai chiếc xe ngược chiều đang phóng hết tốc lực lao vào nhau không kịp né sang bên. Dù vẫn biết các lái xe trên đường Việt Nam nổi tiếng phản ứng nhanh, tay lái lụa, nhưng các hành khách yếu bóng vía vẫn chốc chốc lại ríu rít thốt lên: “ấy kìa…, ái chà…”.

Còn tiếp

© Bùi Lan Hương

 

Phản hồi