WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Nghĩa cử và trách nhiệm: Vì sao VN cần một xã hội dân sự?

Xã hội dân sự là một hoạt động bình thường của các công dân trong một quốc gia tiên tiến, họ thuộc các tổ chức, quỹ từ thiện, những nhóm người tình nguyện có đầu óc theo đuổi những mục tiêu hướng thượng và chủ trương vô vụ lợi, cáng đáng những công việc an bang tế thế, giúp ích cho xã hội. Từ phạm trù học đường cho đến y tế và kế hoạch nhân sinh, họ đóng góp thì giờ, công sức, tiền của tùy theo khả năng riêng của mình để giúp đỡ cho những người nghèo khó, kém may mắn hơn mình.

Một quốc gia dân chủ và hợp hiến thường được thành lập với các định chế và các bộ phận chăm sóc, chú trọng đến lợi ích của người dân trong xã hội. Hoa kỳ là một trong những thí dụ điển hình. Từ những quỹ và khế ước giúp đỡ cho người dân như chương trình an sinh xã hội (Social Security program, được thiết lập dưới thời tổng thống Franklin D. Roosevelt (1935), nay trở thành một cơ quan trong ngành hành pháp) cho đến quỹ thất nghiệp (Unemployment Insurance trong Bộ Lao Động của Hoa Kỳ) cho đến chương trình Giáo Dục Công lập, miễn phí từ sách vở, bút viết cho đến các buổi ăn sáng và ăn trưa cho các học sinh nghèo, cho đến tiền trợ cấp xã hội (Social Service Department) giúp đỡ cho các gia đình có con em nghèo (Aid to Family with Dependent Children/AFDC) cho các em bé còn bú và trẻ nhỏ (Women, Infants and Children/WIC), cho đến chương trình trợ giúp y tế như (Medicare, Medicaids, Medical) cho đến Đạo luật Ứng xử Tích cực (Affirmative Action) đòi hỏi các đại học phải đắc lực thu nạp, tài trợ sinh viên nghèo, bắt buộc các công ty tư và cơ quan chính phủ phải mướn cho đủ túc số các thành phần da màu và thiểu số trong xã hội, kể cả những giao kèo đấu thầu của các cơ quan nhận tiền trợ cấp của chính phủ liên bang phải thêm điểm ưu tiên cho các thương gia da màu/thiểu số đang đấu thầu cạnh tranh với các công ty giàu mạnh khác, cho đến Chương trình trợ giúp cho Binh sĩ (G.I. Bill of Rights) cho Kế hoạch Nhà Đất của Liên bang (Federal Housing Administration, FHA, VA loan) giúp cho người nghèo, tậu và làm chủ (thật sự) nhà đất, v.v.. đều là những phương cách của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ nhằm san bằng những bất công trong xã hội và quá khứ. Chưa kể đến đạo luật bảo vệ người tật nguyền của Hoa Kỳ (Americans with Disabilities Act/ADA) mà ngay cả Âu châu cũng chưa ban hành.

Đây là những thành quả dân chủ lâu đời. Mặc dù vậy chính quyền không cản trở mà còn đón tiếp các tổ chức tự nguyện và thiện nguyện. Xã hội dân sự nói trên là những phần tử – không phải để thay thế trách nhiệm chính thức và thiết yếu của chính quyền đối với người dân – mà để đóng góp thêm cho xã hội được vận hành hiệu quả và toàn mỹ hơn trong một ý niệm thuần túy nhân bản.

Mặc dầu mang danh một quốc gia cộng hòa xã hội chủ nghĩa, Việt Nam ta không được như thế. Các tệ đoan và sự xuống cấp thê thảm của đạo đức trong xã hội đã cho thấy mức phá sản khủng khiếp của một chế độ Cộng sản hoang tưởng cộng với những tư lợi và tham nhũng xấu xa nhất của tư bản. (Xin không đề cử những thí dụ về học đường, thi cử, tốt nghiệp, và thủ tục đầu tiên khi nhập viện, hay xin việc làm ở các công sở, v.v.. ở Việt Nam). Do vậy, chúng ta thấy Việt Nam thật sự đã tiếm danh danh xưng xã hội chủ nghĩa, mà một nước tư bản như Hoa kỳ không những chăm lo cho con dân mà những khi xuất hiện những xu hướng lợi nhuận thái quá của các nhà tài phiệt làm chao đảo kinh tế và xã hội, họ cũng có những biện pháp và quy chế để điều tiết và chế tài nhằm chỉnh sửa lại hướng đi cho công bằng và nhân ái hơn.

Khoảng hai mươi năm lại đây người ta thấy có những tổ chức thiện nguyện ở hải ngoại đã đóng góp rất nhiều cho Việt-Nam. Không chùn bước với những khó khăn và rào cản của chính quyền các cấp trong việc chuyển giao trực tiếp tặng phẩm và tiền viện trợ đến những nạn nhân nghèo hay thiên tai, họ vẫn một lòng son sắt nỗ lực hoạt động, đóng góp không ngừng, hy vọng chắp vá được những thiếu thốn khổng lồ và toàn diện, hiện hành trên đẳng cấp quốc gia.

Thú thật tuy là người ủng hộ cho và đóng góp cho các tổ chức xã hội của người Việt hải ngoại, từ giáo dục cho đến cứu trợ bão lụt và tệ nạn buôn người, nhiều lúc tôi không hiểu công sức dã tràng rồi sẽ đi đến đâu? Có phải người ta có quyền nghi ngờ nhà nước Việt Nam cho phép những cố gắng thiện nguyện này nhằm giảm sức ép do những bức xúc vì hành xử bất công của nhà nước đối với nhiều thành phần dân oan trong nước gây nên, giúp họ rảnh tay trừng trị những tiếng nói trung thực mà họ cho là có hành vi chống đối hay tuyên truyền chống đối nhà nước?

Có phải nếu Việt Nam có những thay đổi, cải tổ về đường lối chính trị và hành chánh, giúp cho lợi ích và công bằng chung cho dân tộc thì những đóng góp xã hội sẽ bắt rễ, sinh sôi nảy nở giúp cho chuyện cứu rỗi người dân nghèo và những người thất cơ lỡ vận triệt để và tích cực hơn?

Có phải đạo đức và lương tâm của những người nắm giữ rường cột của đất nước sẽ trợ giúp đắc lực nhất cho việc thăng hoa tiến bộ của Việt Nam trên nhiều bình diện?

Còn không bất kỳ sự trợ giúp đỡ hướng thiện nào cũng chỉ là những vá víu tạm thời không giúp ích gì bao nhiêu cho quá trình thay đổi đạo đức xã hội và bộ mặt của chính quyền?

Sau đây, nhằm rộng đường dư luận xin giới thiệu với bạn đọc lời phê bình và nhận định của Luật sư Đỗ Quý Dân – một người đóng góp qua nhiều phương diện cho sự thành hình khả quan của một xã hội dân sự ở Việt Nam. Lời phản biện của anh đã phát xuất từ ta thán của tôi sau đây trên mạng xã hội Facebook nhân dịp cuộc biểu tình chống Trung quốc của người di dân Tây Tạng ở Hoa Kỳ:

“Sometimes I’m moving to tears watching ‘youthful idealism’ in action. Other times, I wonder what good charity would do if a people you help is not going to be free. Below is the Tibetans protest the DC visit by China’s next leader Xi Jingpin:
http://www.youtube.com/watch?v=vJiejH8Njp0http://www.youtube.com/watch?feature=endscreen&NR=1&v=zZxvGF4bgt0
a) Nhiều lúc tôi cảm động vì tuổi trẻ VN tình nguyện về VN làm việc thiện, nhưng đôi lúc thiển nghĩ sự giúp đỡ về vật chất sẽ đến đâu nếu tự do và công bằng không có ở VN?
b) Tôi buồn vì không thấy người Việt Mỹ biểu tình ở D.C. chống Tập Cận Bình (Xi Jinping) lãnh tụ số 1 tương lai của Trung quốc.” (NKThái Anh)

Phản biện của Luật sư Đỗ Quý Dân:

Không riêng gì Nguyễn Khoa Thái Anh, có rất nhiều người đặt vấn đề về những hoạt động từ thiện tại Việt Nam. Trong những vấn đề đặt ra, có một câu hỏi tương đối khá thực tế: “Sự giúp đỡ về vật chất sẽ đến đâu nếu tự do và công bằng không có ở Việt Nam?” Người đặt câu hỏi trên không hẳn là muốn nghe câu trả lời. Câu hỏi trên thực ra là một câu phê bình và nhận xét mà chúng ta có thể tóm tắt như sau: Thứ nhất, người đặt câu hỏi cho rằng các hoạt động từ thiện, và đặc biệt là những sự giúp đỡ về vật chất, không có giá trị thực sự, nếu không muốn nói là những việc làm vô nghĩa, đối với hiện trạng đất nước hiện nay. Thứ hai, công việc cấp bách hơn của người Việt là tìm cách đem được tự do và công bằng đến cho người Việt và nước Việt Nam. Những phê bình và nhận xét này có đúng không? Vì chúng ta ai cũng có thể chủ quan, có những định kiến, kinh nghiệm và tình cảm riêng biệt, nếu chúng ta không đưa ra được một vài mẫu số chung trước khi tìm hiểu vấn đề, cuộc đối thoại của chúng ta sẽ không bao giờ chấm dứt, và do đó không nên bàn luận ở đây. Tôi tạm đề nghị chúng ta đồng ý về ba điểm sau đây: Điểm thứ nhất, nếu có được sự thay đổi ở Việt Nam, sự thay đổi này phải bắt đầu từ trong nước. Người Việt hải ngoại chỉ có thể đóng vai trò thúc đẩy và hỗ trợ cho những thay đổi đó. Điểm thứ hai, hệ thống kiểm soát người dân của nhà nước cộng sản Việt Nam khá chặt chẽ, do đó người dân Việt Nam khó tạo được hoặc phổ biến những phong trào chống đối nhà nước hoặc đòi tự do và công bằng ở tầm mức lớn rộng để có thể tạo được những thay đổi đáng kể trong tình trạng hiện tại. Điểm thứ ba, từ ngày miền Bắc xâm chiếm miền Nam, chúng ta được chứng kiến một sự suy thoái về đạo đức, và sự suy thoái về đạo đức này đưa đến sự rối loạn trong gia đình và xã hội. Người Việt Nam nói chung là không ai tin ai để có được những sự kết hợp lâu dài ngõ hầu tạo nên một phong trào tranh đấu cho tự do và công bằng ở tầm mức khả quan. Nếu chúng ta có thể chấp nhận được ba điểm nêu trên, thì chúng ta sẽ thấy những hoạt động từ thiện rất có ý nghĩa. Vì người Việt hải ngoại không trực tiếp thay đổi được guồng máy nhà nước cộng sản, chúng ta phải tìm cách đến được với người dân trong nước. Muốn đến được với người dân trong nước, chúng ta phải chứng minh được tư cách của mình, phải nêu ra những tấm gương hy sinh, bất vụ lợi để người dân noi theo và từ đó tìm được niềm tin cần thiết cho một cuộc tranh đấu lâu dài. Không có phương cách nào hay hơn là dấn thân làm việc thiện, giúp đỡ về vật chất mà không đưa ra điều kiện nào. Người dân trong nước đủ sáng suốt để nhận ra những tấm gương đúng dắn. Hoạt động từ thiện không mang lại được tự do và công bằng cho người dân, nhưng có thể mang lại cho họ một niềm tin, một niếm an ủi là họ sẽ không cô đơn khi dấn thân vào những hoạt động có lợi ích chung cho tương lai dân tộc. Trên mặt thực tế, người Việt hải ngoại không đủ điều kiện hoặc khả năng để tạo nên một phong trào đòi hỏi tự do và công bằng trong nước vì chúng ta không có một guồng máy tổ chức quy mô, không đủ sức mạnh để trực diện đương đầu với guồng máy nhà nước cộng sản. Chúng ta lại không đủ đoàn kết để có thể đứng lại với nhau, tạo dựng được một tổ chức như thế. Thế đứng của người Việt trong nước còn quá yếu, mặc dù đã có những dấu hiệu khả quan về sự tiến bộ về tinh thần cũng như về khả năng tranh đấu. Điều người Việt hải ngoại có thể làm được là gieo những hạt giống cho tương lai. Không có hạt giống nào tốt hơn là những tấm gương hy sinh đứng ra tổ chức những hoạt động từ thiện, bất vụ lợi, vô điều kiện. Vì đạo đức trong nước bị suy thoái, người dân đâm ra nghi ngờ cả về đạo đức của người Việt hải ngoại. Họ không tin tưởng vào “Việt kiều” vì rất nhiều người Việt hải ngoại về nước có những thái độ và việc làm không tốt. Hơn nữa, nếu họ lên xem những trang blog của người Việt hải ngoại, họ chỉ thấy rất nhiều những lời chỉ trích nhà nước cộng sản bằng ngôn ngữ cực đoan, nhiều khi lại thô lỗ tục tằn, không đáng để họ nghe theo. Nếu người Việt hải ngoại tự đặt mình vào vai trò đỡ đầu, ít nhất là về tinh thần, cho người trong nước, chúng ta nên tự kiểm lại ngôn ngữ và hành động của mình. Để lấy một ví dụ, nếu con chúng ta bị người ngoài áp bức, chúng ta đem họ ra chửi rủa bằng ngôn ngữ bẩn thỉu, con của chúng ta nếu nghe được cũng sẽ không tin tưởng vào tư cách và tác phong của chúng ta, sau này bảo chúng làm gì cũng sẽ rất khó khăn. Nói tóm lại, tác phong của một số người Việt hải ngoại trong việc chống đối nhà nước cộng sản làm trở ngại nhiều hơn là hỗ trợ cho công cuộc tranh đấu đòi tự do và công bằng cho người dân. Thái độ cực đoan của một số người Việt hải ngoại làm cho người trong nước có cảm tưởng là họ thiếu sáng suốt, thiếu khả năng suy xét, để có thể trông cậy vào được khi có chuyện cần thiết. Ở đâu cũng có người xấu, người tốt, kể cả trong giới chính quyền Việt Nam hiện nay. Khi cực đoan, ta không thể chấp nhận được sự thật hiển nhiên này, và từ đó không thể lôi kéo được những người có phương tiện và khả năng (vì thuộc vào guồng máy chính quyền) để giúp người dân trong việc đòi hỏi tự do và công bằng cho bản thân và xã hội. Làm việc từ thiện ở Việt Nam là phải trực tiếp giao dịch với nhà nước, và do đó bôi xóa được cái hình ảnh cực đoan mà người dân trong nước rất e sợ. Về phương diện đạo đức, làm việc từ thiện là một thông điệp hữu hiệu để giảm bớt lòng nghi kỵ của người dân. Người dân khi được giúp đỡ về vật chất sẽ cảm kích người giúp đỡ họ. Chúng ta không cần phải đòi hỏi gì từ những người chúng ta giúp đỡ, nhưng chúng ta có thể chia sẻ với họ những suy tư của chúng ta về hiện trạng của đất nước, và qua sự chia sẻ đó có thể gieo mầm cho những tư tưởng về tự do và công bằng, và giúp cho đối tượng thấy được nhu cầu phải đòi hỏi những quyền đó cho mình và cho người khác. Từ nhu cầu đó, hỗ trợ bởi niềm tin mới tìm lại được từ những người Việt khác, nhất là từ những người hoạt động từ thiện, người dân sẽ đứng lên, từ từ nhưng vững vàng, để tiến bước trên hành trình xây dựng đất nước. Dưới sự kiểm soát chặt chẽ của nhà nước Việt Nam, cấp bách đòi hỏi tự do và công bằng là một điều vô cùng khó khăn, nếu không muốn nói là không thực hiện được. Sự đòi hỏi cấp bách đó mới thực sự là lý tưởng thiếu chín chắn, là phản ứng nhất thời của một bầu máu nóng bị dồn nén. Đây là sự nổi giận của người quan sát sự bất công từ một nơi xa, không đưa đến một kết quả cụ thể nào ngoại trừ la hét cho vơi đi cơn cuồng nộ. Thế cho nên, làm việc từ thiện là phương pháp thực tế để giúp cho người dân tìm được ý nghĩa và niềm tin trong việc đứng lên đòi hỏi công bằng và tự do cho đất nước. Và hoạt động từ thiện không phải là lý tưởng của tuổi trẻ chỉ đủ làm người khác xúc động. Những hoạt động này là nền móng vững chắc cho mọi công cuộc đấu tranh của người dân trong nước.

(Đỗ Quý Dân)

Phản hồi của NKTA:

Cám ơn anh Dân đã viết lên những lời tâm huyết đích thực, thấu tình đạt lý. Quen nhau đã lâu, hy vọng ít ra anh là người hiểu tâm tư của thằng này. Chẳng lẽ đem những đóng góp thiện nguyện riêng tư của mình ra kể lể? Đó là chưa nói đến những búa rìu dư luận của một số người quá khích trong cộng đồng hải ngoại thích chụp mũ, đánh phủ đầu mình chỉ vì chuyện cổ động và bào chữa cho tuổi trẻ khi chúng nỗ lực tranh đấu cho những kẻ bất hạnh và khốn cùng ở VN! Mình không ngại lời ong tiếng ve, nhưng cũng chẳng hãnh diện làm người đi giữa hai lằn đạn, nhất là khi lằn đạn thứ hai đến từ hậu cần, từ phía bạn mình!

Sometimes I’m moving to tears watching ‘youthful idealism’ in action. Other times, I wonder what good charity would do if a people you help is not going to be free. Below is the Tibetans protest the DC visit by China’s next leader Xi Jingpin:
http://www.youtube.com/watch?v=vJiejH8Njp0http://www.youtube.com/watch?feature=endscreen&NR=1&v=zZxvGF4bgt0

a) Nhiều lúc tôi cảm thấy xúc động vì tuổi trẻ VN tình nguyện về VN làm việc thiên, nhưng đôi lúc thiển nghĩ sự giúp đỡ về vật chất sẽ đến đâu nếu tự do và công bằng không có ở VN?

b) Tôi buồn vì không thấy người Việt Mỹ biểu tình ở D.C. chống Tập Cận Bình (Xi Jinping) lãnh tụ số 1 tương lai của Trung quốc.

Câu nói trên của tôi là một lời nói khích, xuất xứ từ một diễn đàn, một tổ chức xã hội do tuổi trẻ hải ngoại đảm trách. Dụng ý của tôi là khơi mào cho một cuộc tranh luận, nhắc nhở cho tuổi trẻ Việt-Nam — ngoài tay với của chúng với những nghĩa cử đáng quý vá víu nhất thời cho xã hội — còn có những sứ mệnh thiêng liêng hơn đòi hỏi sự tỉnh thức của những người lớn tuổi có trọng trách với dân tộc, với đất nước. Đó là chưa kể những tuổi trẻ khác chỉ vì tiếng nói trung thực của mình mà họ bị những kẻ đương quyền có phận sự và trách nhiệm thiêng liêng với tổ quốc cùm kẹp ở VN.

Ngoài ra, tôi cũng trách những kẻ (sĩ/trí thức) đánh võ mồm ở hải ngoại sao không noi gương, chung lưng đấu cật với những tuổi trẻ Tây Tạng, với Pháp Luân Công, chống sự xâm lấn của Trung quốc bằng cách biểu tình, chăng biểu ngữ trên cầu Arlington Memorial ở D.C., gởi thông điệp cho Tập Cận Bình đem về cho Đảng Cộng Sản Trung quốc? Đây là cơ hội ngàn vàng, cho thế giới tự do, cho truyền thông quốc tế chuyển đi toàn cầu mà không sợ nhà nước VN bắt bớ, kiếm chuyện!

© Nguyễn Khoa Thái Anh

© Đàn Chim Việt

 

 

12 Phản hồi cho “Nghĩa cử và trách nhiệm: Vì sao VN cần một xã hội dân sự?”

  1. Thuan Vu says:

    Được đọc bài viết và các ý kiến, tôi xin phép được góp đôi lời: Những điều luật sư Dân viết thật đẹp, nhưng quả thật khó quá, đòi hỏi người làm từ thiện nhiều đức tính, lại có trình độ chính trị, có lý tưởng tự do dân chủ.
    Thực tế người làm từ thiện cũng nhiều thành phần, nhiều tình tự và có thể có những toan tính riêng tư. Tình trạng có thể thêm phức tạp khi có lợi lộc về tiền bạc và danh vọng trong đó. Người VN mình thì bản tính thích được biểu dương. Còn các em trẻ Việt kiều thì ngây thơ, chỉ thấy cảnh nghèo khó mà sinh lòng xót thương, một phần có lẽ cũng ham vui, rồi lại được khen thưởng (positive reinforcement).
    Tự nhiên nó trở thành một cái fashion, có thể một thiểu số người làm từ thiện tự cho mình giá trị hơn kẻ khác, còn người không có điều kiện làm từ thiện đôi khi cảm thấy mặc cảm…
    Về phía chính quyền CS, họ cho phép Việt kiều về làm từ thiện, theo ý tôi, chưa chắc từ lòng thương đồng bào, mà từ sự toan tính chiến lược có lợi nhiều mặt: 1) Đối với đồng bào: giãi tỏa một phần bất công gây nhiều phần uất vì khoảng cách giàu nghèo trong xã hội, 2) Thu hút tiền bạc, vật chất, trí tuệ khoa học và kỹ thuật, 3) Về chính trị: chứng tỏ chính quyền cởi mở với Kiều bào.
    Nhiều lợi diểm như thế thì có lẽ để dân nghèo khổ cũng là một chiến lược.
    Vì vậy chúng ta cũng nên đặt câu hỏi là chính quyền CS: tự trong thâm tâm họ có thật lòng muốn đại đa số nhân dân thoát cảnh nghèo đói không. Ai cũng nghĩ chính quyền nào cũng muốn vậy, nhưng chưa chắc. Trừ phi dân cùng cực quá sẽ nổi loạn, còn không thì thật sự ra, cai trị người nghèo dễ hơn. Một ngày 24 tiếng đồng hồ chỉ lo cơm gạo, những nhu cầu căn bản, thì còn tâm trí đâu mà nghĩ ngợi đến những chuyện ” xa xỉ phẩm” như tự do, dân chủ, bình đẳng… bởi vậy xã hội có hai giai cấp: tuyệt đại đa số nghèo khổ, và một giai cấp giàu có và quyền thế, vậy dễ cai trị hơn. Còn cái giai cấp rường cột của các xã hội dân chủ, giai cấp trung lưu: Giai cấp này rắc rối lắm, đời sống vật chất tương đối đầy đủ, còn có chút ít thì giờ rảnh rỗi, sinh ra tư tưởng này lý thuyết kia, rất khó cai trị.
    Cách đây mấy tháng tôi có viết một bài cũng có liên hệ với việc làm từ thiện cho mấy em y sĩ Việt kiều trẻ ở Mỹ cách đây mấy tháng. Bài viết bằng tiếng Anh (có nhiều em không đọc được tiếng Việt). Cũng có nhiều đồng tình, xin phép mời quí vị nếu có thì giờ đọc cho vui, xin lỗi bài hơi dài: http://www.sacei07.org/fewthoughts.jsp

    • Nguyễn-Khoa Thái Anh says:

      Thưa bác sĩ Thuận Vũ,
      Đúng như ô. nói phần lớn tuổi trẻ hải ngoại ngày nay không mang cùng một tâm tưởng hay tư duy chính trị như cha ông họ, cho nên lý tưởng cho một “VN tươi sáng” thực tiễn nhất đối với họ là thực thi các công tác xã hội. Một việc làm cá biệt hơn ‘lý tưởng’ của người lớn mà ông đã cho là ‘ngây thơ’. Tuy nhiên, đường lối hành động thiện nguyện của họ KHÔNG đòi hỏi phải đi đôi với “trình độ chính trị, có lý tưởng tự do dân chủ”. Mặc dù trong tâm khảm một số người trẻ họ ý thức được cứu cánh của dân tộc, nhưng chuyện này nằm ngoài tầm tay với của họ. Tôi thấy phê bình về đòi hỏi ‘khó quá’ của anh Dân nó lại đi ngược với đòi hỏi trong bài viết của ông.

      Thú thật với ông, bài diễn thuyết tràng giang đại hải của ông đã được một diễn đàn điện tử mổ xẻ và tranh luận sôi nổi. Sau nhiều năm dạy học và gần gũi với tuổi trẻ Việt Mỹ từ trung học đến đại học và ngoài đời, tôi cảm thấy nó không thiết thực hay có tính chất thuyết phục cao. Ngay cả ý nghĩa ‘răn dạy’ và giảng giải về lịch sử Cộng sản đẩm máu của ông đã bị phản tác dụng. Ông không thể nào cố tình nhét vào một bài diễn thuyết cũng như vào tai người nghe những dữ kiện mà người ta cần ít ra một khóa học để thấu triệt, dù họ là y sĩ hay sinh viên cao học. Người ta cần đưa ra những thí dụ cụ thể cho thấy chuyện khó dễ hay cản ngăn của chính quyền khi họ thi hành công tác từ thiện (mà bài diến thuyết của ông không hề dẫn chứng, bắt tội tôi phải đọc cho hết.) Thay vì vậy, ông có thể cho chiếu vidéo “A Necessary Journey” (Một Hành trình Thiết thực) do hội từ thiện COPI (Children of Peace, International) của cô Bình Rybacki (Nguyễn thị Thanh Bình) thực hiện. COPI là một trong những tổ chức thiện nguyện làm việc lâu năm ở VN (duy nhất) dám nói lên sự thật về những rào cản của các chính quyền địa phương trong việc thực hiện nghĩa vụ của họ. Thiết nghĩ cuốn phim tài liệu này không dài hơn bài diễn thuyết của ông bao nhiêu, nhưng ít ra nói lên được nỗi khổ của người làm việc thiện ở VN.
      http://www.childrenofpeace.org/

      • Thuan Vu says:

        Cảm ơn anh Thái Anh chịu khó đọc hết bài và góp ý.
        Đúng là bài dài và nặng nề qua, nhưng thú thật là khi viết rồi tự nhiên dừng lại không được, ráng viết cho hết ý.
        Như trong bài của anh viết, mấy năm nay chương trình về VN làm từ thiện rất nhiều, càng ngày càng nhiều người trẻ tuổi, đầy nhiệt thành, một số đông về ngành y tế. Chính quyền CS thì khôn khéo và thủ đoạn, thành ra tôi cũng muốn góp ý cho các em phải cẩn thận khi về VN, chúng ta đã thấy trong quá khứ lý tưởng tuổi trẻ đã bị CS khai thác; thành ra phải dài dòng kể luôn những biến cố từ năm 75 của cộng đồng tỵ nạn, cho mấy em hiểu. Cha mẹ VN tỵ nạn nhiều khi ” đi cày” quá, không có thì giờ kể lại những chuyện xưa cho con cháu, còn tin tức về Việt Nam thì phần đông là tiếng việt.
        Về việc ” phản tác dụng” mà anh đề cập thì cũng khó nói, có lẽ tùy theo “tác dụng” nào, và cá nhân người đọc. Giống như tôi đã viết trong phần đầu, tôi cũng có những chủ quan do hoàn cảnh sống của mình, và khuyên các em tự tìm tòi suy ngẩm riêng cho mình. Mỗi một người chúng ta chỉ có thể đúng từ một góc cạnh nhỏ nhoi nào đó, nhất là đối với một vấn đề lớn như Việt Nam. Tại cộng đồng VN nơi tôi ở, nhiều em trẻ, kể cả sinh viên đại học và y khoa, đã phản hồi tích cực, nhất là mấy em cảm thấy thông cảm với bố mẹ hơn, cái đó làm tôi cảm thấy được an ủi.
        Còn về những ngăn cản của chính quyền và nỗi khổ của người làm từ thiện, thì theo chổ tôi biết, cũng không đến nỗi nào, chính quyền dường như cũng thấy rằng phần đông các đoàn từ thiện không đến nổi nguy hiểm cho chế độ lắm, mà những người làm từ thiện phần đông cũng ” have a good time” chứ không đến nổi khổ tâm như anh lo.
        Tôi ngạc nhiên không biết tại sao bài của tôi lại có một diễn đàn nào tranh luận mổ xẻ. Làm tôi tò mò, nhờ anh Thái Anh cho biết diễn đàn nào. Cảm ơn anh.

      • Nguyễn-Khoa Thái Anh says:

        Thưa bác sĩ Thuận Vũ,
        Anh có thể e-mail riêng cho BBT Đàn Chim Việt để có e-mail riêng của tôi để trao đổi.

        Cám ơn anh đã phản hồi một cách thẳng thắn và cởi mở (open-minded).

  2. Lữ Út says:

    Ông NKTA đề cập tới TRÁCH NHIỆM ( người VN phải có trách nhiệm với đất nước ? ) khiến tôi nhớ lại phim tài liệu ” đứa con gái từ Đà Nẵng, daughter from danang,”. Giọt máu rơi , qua việc trao đổi thân xác lấy dollar, tìm về cội nguồn để rồi được giao nhiệm vụ thiêng liêng nuôi người mẹ nhẫn tâm từ bỏ mình.What a irony!!!.

    • Nguyễn-Khoa Thái Anh says:

      Cám ơn phản hồi của ông Lữ Út,
      NGHĨA CỬ của người tình nguyện làm việc thiện (trong và ngoài nước) TRÁCH NHIỆM trước tiên “xoá đói giảm nghèo, no cơm ấm áo, ” và sau đó “dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh,…” là CỦA nhà nước. Than ôi khi nào nhà nước VN sẽ thực sự thi hành khẩu hiệu này? Lúc đó sẽ còn chống đối không? Hay VN sẽ bắt đầu ra biển lớn, và người dân sẽ giúp lèo lái con thuyền VN: “Quyết ra tay lèo lái với cuồng phong…”?

  3. NGÀN KHƠI says:

    THỰC CHẤT CỦA XÃ HỘI DÂN SỰ

    Xã hội dân sự là bản thân thiết yếu nhất của xã hội loài người. Đó cũng là nguyên lý chung nhất của mọi xã hội sinh học mà trong đó loài người chỉ là một thành phần. Tuy nhiên, xã hội loài người khác xã hội loài vật ở chỗ có ý thức, có tinh thần, tức có nền văn minh, văn hóa. Nói đến xã hội dân sự là nói đến mọi sinh hoạt dân sự trong xã hội ngoại trừ pháp luật và chính trị. Bởi bản thân của xã hội dân sự là sự giao dịch bình đẳng, tự nhiên, khách quan và tự do, vượt ra ngoài mọi gò bó về chính trị hay pháp luật về bản chất. Nói cụ thể xã hội dân sự là xã hội tạo ra nhu cầu, thỏa mãn nhu cầu khách quan, mang tính lao động và sáng tạo tự nhiên của cộng đồng mà pháp luật và chính trị không thể có được. Nói khác đi, pháp luật và chính trị chỉ là phương tiện phục vụ cho xã hội dân sự mà không phải nền tảng hay mục đích của xã hội dân sự. Chính sự sai lầm hay lệch lạc của Mác là coi pháp luật hay chính trị như là quy luật chi phối và quyết định cho xã hội dân sự. Thật ra mục đích của xã hội dân sự là con người, là xã hội, cỏn chính trị hay pháp luật chỉ là công cụ trung gian nhằm xử lý những tình huống đặc thù, riêng biệt mà không tham dự toàn phần, đầy đủ, hay toàn diện vào xã hội dân sự. Xã hội dân sự chính là bản thân, là hạnh phúc, là điều kiện tự nhiên của xã hội, nó sáng tạo ra nền văn minh, đáp ứng mọi yêu cầu tinh thần và vật chất cao nhất của con người và xã hội mà không phải pháp lý hay chính trị. Bởi pháp luật và chính trị không tạo ra sản phẩm xã hội hoặc chỉ có vai trò trung gian hay gián tiếp. Thế nhưng Mác lại nghĩ dùng phương tiện chính trị luật pháp để thay hẵn cho xã hội dân sự nhằm biến đổi và giải phóng con người, giải phóng xã hội. Sự ngây thơ hay bé cái lầm hoặc ý tưởng cuồng ngông của Mác thực chất không hề giải phóng con người, giải phóng xã hội mà thực tế chỉ làm nô lệ hóa con người, nô lệ hóa xã hội. Bởi Mác quá nông nỗi hay ngây thơ mả dại dột quên mất yếu tố tâm lý tự nhiên, khách quan của cá nhân con người và của xã hội. Chính sự nhầm lẫn giữa xã hội dân sự khách quan và xã hội chính trị, luật pháp theo kiểu chủ quan đã khiến cho xã hội nhân loại đã từng trải qua bao điêu đứng, tệ hai bởi các chính sách, các nhà nước độc tài kiểu ý thức hệ mà suốt cả thế kỷ qua cả loài người đã chứng kiến. Chính bởi vậy, ý nghĩa đích thực nhất của mỗi đất nước, mỗi dân tộc ngày nay là cần phải đề cao xã hội dân sự, củng cố phát huy xã hội dân sự. Bởi chỉ xã hội dân sự mới thực sự là bản chất quyết định và quan trọng một cách khách quan và tự nhiên của xã hội mà không phải chính trị hay luật pháp. Chính trị chỉ là những cái nhất thời. Luật pháp luôn luôn chỉ lả công cụ của chính trị. Nhưng chính xã hội dân sự mới thiết yếu là nền tảng, mục đích vĩnh cửu, bền lâu hay thường xuyên nhất của tồn tại cá thể con người cũng như mọi cộng đồng xã hội và toàn bộ xã hội loài người. Chỉ có xã hội dân sự mới bảo đảm được nguyên lý nhân ái, dân chủ, tự do thực chất của con người và xã hội con người mà không thể bất kỳ điều gì khác cả. Chỉ có những loại trí thức gà mờ hoặc xu thời, vô ý thức, kém trách nhiệm mới không thể thấy ra điều đó bởi chỉ biết có tâng bốc học thuyết một cách kém cõi như là đỉnh cao của trí tuệ nhân loại, là lương tâm của xã hội loài người. Bởi ý nghĩa của nguyên lý hay nguyên tắc chân lý luôn luôn phải là sự thật khách quan, cùng kỹ thuật xã hội hợp lý, mà không phải chỉ là ý chí hay ý thức chủ quan, thiên lệch, hoặc ngạo mạn, ngông cuồng của bất kỳ những cá nhân hay tập thể con người nào đó.

    Đại Ngàn Ts. Võ Hưng Thanh
    (23/02/12)

  4. Trần Hữu Cách says:

    Cám ơn Luật sư Đỗ Quý Dân đưa ra những ý kiến xác thực, chân tình, và hữu ích.

    Tôi đọc bài này vì đây là đề tài tôi rất quan tâm, nhưng đáng tiếc là tác giả dường như không nắm vững ngay những từ ngữ căn bản — “Một quốc gia dân chủ và *hợp hiến” (sic). Tôi đang chán nản và buồn ngủ thì đột nhiên được đọc phần “Phản biện” rất có ý nghĩa, tỉnh ngủ luôn!

    Chúc cả hai vị thành công trong nỗ lực thúc đẩy xã hội dân sự cho Việt Nam.

  5. Nguyễn-Khoa Thái Anh says:

    Chẳng lẽ bạn Trần Ấu lần đầu vào ĐCV? Theo quan điểm của nhiều đọc giả chống Cộng xóc nổi, hăng tiết vịt (máu) nhất, hay thích góp ý, chụp mũ trên ĐCV, thì tôi là người thân Cộng, hay bưng bô cho CS. Làm cách nào lại có thể thay mặt các người lãnh đạo cộng đồng, cầm đầu chuyện biểu tình chống Cộng Sản được hè? Làm cách nào thằng ‘hèn’ này dám qua mặt các người tự cho mình là chính nghĩa cờ vàng, lãnh đạo cộng đồng?

    Nói đúng ra, chuyện biểu tình chống đại diện (lãnh tụ sắp tới) của Trung cộng, treo biểu ngữ ở thủ đô (Washington D.C.), đòi hỏi TQ ra khỏi hải phận VN (và các nước ĐNÁ) ở Biển Đông, trả lại đất đai lãnh hải của VN cần sự phối hợp, chuẩn bị chặt chẽ và quy mô của nhiều cộng đoàn VN các nơi và nhất là các hội đoàn người Việt ở D.C. phải đứng mũi chịu sào. Các người thích vỗ ngực xưng tên, xưng hùng xưng bá một cõi, chửi rủa thì nhiều nhưng ít khi chịu làm việc chung hay dưới sự phối hợp của ai. Có phải chuyện họ làm như Lsư Dân nói chia xé cộng đồng nhiều hơn làm một điều gì tích cực, hữu hiệu hay có ảnh hưởng sâu rộng.

    • Vu Trung says:

      Ủa, giờ mới biết mình là thằng bưng bô sao? Hơi chậm tiêu à nha.

  6. Trần Ấu says:

    Xin vắn tắt góp ý với t/g về đoạn tóm lược cuối bài:
    b) Tác giả không phải là Mỹ gốc Việt à? Có thể người khác không biễu tình chống TCB ở DC vì họ không có đủ trí tuệ nghĩ đến điều đó nhưng t/g đã có ý nghỉ ấy sao t/g lại không làm trước cho họ học theo?

    Tương tự như vấn đề Tây Tạng , PLC t/g đã nêu trên, t/g đã có biểu tình, chăng biểu ngữ gì ở trên cầu gì đó không mà trách những người mà t/g gọi là đánh võ mồm ở hải ngoại. Tác giả không nhận ra là mình cũng đang làm như vậy sao?

    • observer says:

      Good comment. Please,put your money where your mouth is. Don’t ask people : do what I say ,not what I do.

Phản hồi