WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Người Việt và chợ Vòm

Người Việt đã dần dần hình thành một cộng đồng khá đông đúc ở Moscow và các thành phố khác của Cộng hòa Liên bang Nga từ đầu những năm 90, khi Liên Xô tan rã. Cộng đồng người Việt ở Moscow có lúc đã lên tới khoảng 80 ngàn người, cũng có giai đoạn các chợ của người Việt bị vỡ lại giảm xuống chỉ còn chừng 50-60 ngàn, nhưng dù lúc lớn mạnh hay giảm sút thì cộng đồng người Việt vẫn cứ chỉ là một cộng đồng sống tạm bợ ở nước Nga này. Người Việt nào cũng luôn ghi sâu vào tâm trí họ khẩu hiệu “đánh nhanh,  thắng nhanh rồi …rút”, dù cái sự tạm bợ ấy đã kéo dài gần 20 năm…

Không phải người Việt không muốn sống ổn định như ở nhà mình. Không phải người Việt mình không thể hội nhập vào đời sống văn hóa, kinh tế ở nước Nga. Đơn giản là họ không cảm thấy yên ổn ở đây. Đơn giản là họ không cảm thấy chính quyền và dân chúng ở đây có thiện cảm với họ. Và họ quả là có lý do để lo âu như vậy. Những gì xảy ra ở Moscow trong những ngày đầu tháng 7 vừa qua đã cho mỗi người Việt một cảm giác họ thật xa xôi với nước Nga, dù họ đã sống ở đây rất nhiều năm.

Hôm 29 tháng 6 vừa qua chợ Vòm, khu chợ quan trọng nhất trong đời sống của người Việt đã đóng cửa. Người ta đóng cửa nó “tạm thời”  để dọn vệ sinh, nhưng có lẽ khu chợ nằm trên bãi rác này chẳng bao giờ sạch sẽ được, nên cuối cùng nó đã không bao giờ được mở cửa lại nữa.

1-Chợ Vòm: lịch sử hình thành và phát triển

Chợ Vòm – cái tên chung mà người Việt dùng để gọi toàn thể quần thể chợ dàn trải trên một khu đất rộng tới 72 hécta, gần metro Cherkizovsky, một ga metro nằm phía đông bắc Moscow. Chợ Vòm bắt đầu hình thành từ mùa hè năm 1996, rất khiêm tốn, rất nhỏ nhẹ, rất đơn sơ là mấy dãy container hỏng được đặt ngay trên một vùng đất hoang, xung quanh đầy rác và giấy loại. Các chủ hàng Việt Nam mang ra đó bán kho hàng tồn của mình với giá rẻ mạt. Chính khởi nguồn như vậy nên khu chợ đã tạo được cho mình một brend- một thương hiệu không thành văn là nơi bán hàng rẻ tiền, nơi có thể mua được mọi thứ với giá rẻ hơn hẳn tromg của hàng.
Cái tên “chợ Vòm” trong hơn một thập niên qua đã vượt không gian, trở nên một danh từ thân thuộc đối với người Việt ở nhiều quốc gia. Thế nhưng cũng thật ít người biết được tại sao chợ lại có cái tên thật dân giã, thật chợ búa ấy. Những cư dân đầu tiên của chợ kể rằng, lúc đầu chợ còn thưa thớt, lèo tèo như cái chợ cóc, xung quanh chẳng có lấy một kiến trúc nào đáng kể để làm hoa tiêu định hướng, thế là cái cổng sắt bé xíu mở đi qua dẫy hàng rào sắt có những vòm sắt nối đuôi nhau đã thành tên gọi, đã thành hoa tiêu chỉ đường cho người ta tìm về đây hội tụ. Sau này, khi người ta mở rộng chợ, dẫy hàng rào với những vòm cuốn ấy đã bị dỡ bỏ, nên không ai còn biết về nó nữa, nhưng cái tên “chợ Vòm” thì  đã thành tên gọi quen thuộc và nổi tiếng đối với người Việt ở khắp nơi.

Chợ Vòm thực ra không phải là một cái chợ duy nhất, nó là một quần  thể gồm nhiều chợ nhỏ, mỗi chợ lại thuộc về một ông chủ khác nhau: chợ KT, chợ AST bê tông, chợ AST mới, chợ bãi đá, chợ 2000, chợ cháy…Khu chợ có đông người Việt làm ăn buôn bán nhất là chợ KT, chợ tổ chức ngăn nắp, sạch sẽ, ra dáng một cái chợ nhất là AST mới.

Nếu các công ty bán buôn khác của Nga, thường lấy mức lãi suất từ 70 đến 100% cho các mặt hàng của họ, thì người kinh doanh ở chợ Vòm chỉ lấy lãi ở mức 10-30% so giá thành gốc. Mức lãi suất ở  đây tính bằng vài rúp một sản phảm, nghĩa là chỉ từ 0,20 đến 0,60 USD mà thôi. Chính vì mức lãi suất thấp như vậy nên giá mua hàng ở đây rất rẻ, rẻ đến mức mà người buôn bán nhỏ của Nga bất chấp đường xa, bất chấp điều kiện chợ chật chội chen chúc, đều đặn thuê xe buýt lên đây lấy hàng về bán, chứ không đến mua tại các công ty bán buôn của Nga.

Trong năm 2007 khi những ốp bán lẻ quan trọng của người Việt bị đóng cửa, thì chợ Vòm đã trở thành nơi làm ăn, kiếm sống của phần lớn  người Việt ở Moscow. Chính vì tâm lý sinh sống tạm thời ở Nga, nên cộng đồng người Việt ở đây từ xưa đến nay vẫn luôn cụm lại với nhau thành một cộng đồng khép kín, người nọ làm dịch vụ cho người kia để tồn tại và mưu sinh ở nước Nga này. Có thể sự khép kín này không có gì là bất hợp pháp, không phải là một quốc gia trong một quốc gia, như một đế chế của các bố già Ý ở nước Mỹ khi xưa nhưng nó vẫn làm chính quyền sở tại ở đây lo âu, băn khoăn vì sự tồn tại của nó. Đối với nhiều người Việt cái tên “chợ Vòm” còn nổi tiếng và quan trọng hơn cả quảng trường Đỏ hay Điện Cremli nữa, vì rất nhiều người Việt sang Nga đã nhiều năm, nhưng vẫn không thể rời khỏi biên giới của chợ Vòm.

2-Chợ Vòm- những nét đặc trưng riêng

Mặc dù ở Moscow có rất nhiều chợ, tầm vóc không phải là nhỏ, nhưng chợ Vòm vẫn là một khu chợ đặc biệt nhất. Nó đặc biệt vì nó là chợ bán buôn duy nhất, là đầu mối giao hàng cho tòan bộ giới làm ăn nhỏ trên lãnh thổ Nga. Mỗi buổi sáng từ 4-5 giờ, khi cả thành phố còn chìm trong giấc ngủ say, chợ Vòm đã bắt đầu một ngày làm việc của mình. Từng dòng xe búyt từ các tỉnh tấp nập ghé vào bãi đổ xe. Xung quanh chợ là những bãi đổ xe rất rộng, vậy mà cũng không đủ chỗ cho tất cả xa cộ lui tới đây, những xe đến chợ muộn 1 chút là đã không thể tìm được chỗ đỗ, đã phải tràn ra hết cả mọi khỏang trống trong vòng bán kính vài km  xung quanh chợ để đỗ. Thế nên dù chợ tọa lạc trên một diện tích hơn 70 hécta, nhưng trên thực tế thì cả một vùng rộng hơn như thế 2-3 lần xung quanh chợ lúc nào cũng tấp nập, ồn ào, bừa bộn, tắc đường…nghĩa là mọi nét đặc trưng của một cái chợ sầm uất. Chợ càng sầm uất thì các ông chủ chợ càng có cớ để tăng giá cho thuê chỗ trong chợ, những người bán hàng càng bán được nhiều hàng, khách mua càng dễ mặc cả và tìm được người bán với giá rẻ nhất. Nghĩa là ai cũng có lợi, chỉ riêng dân chúng ở đây là không được hưởng lợi lộc gì, ngòai những mặt trái của cái chợ họ phải chịu. Thế nên đã nhiều năm, từ khi chợ hình thành và phát triển, dân ở đây đã luôn than phiền và để nghị thành phố chuyển chợ đi một nơi xa khu dân cư hơn. Nhưng tất nhiên, cũng rất dễ hiểu là chợ càng sầm uất, nó càng đối xử với các quan chức liên quan đến chợ hậu hĩnh, hào phóng và chẳng có vị quan chức nào muốn đóng cửa chợ cả. Cứ mỗi khi trong chợ xảy ra chuyện gì phiền phức, người ta lại kháo nhau là một vali tiền đã ra đi. Tất nhiên tiền ở đây không phải là tiền rúp mà tòan là đô la mệnh giá cao nhất.

Điểm đặc biệt thứ hai, chợ Vòm là chợ của người nước ngòai. Không có văn bản nào nói như vậy. Cũng lại càng không ai dám ngăn cản người Nga đến đây làm ăn buôn bán. Nhưng cuối cùng thì thực tế lại là như vậy. Chợ Vòm là chợ làm ăn quan trọng nhất của cộng đồng người Trung Quốc, Việt Nam, Thổ Nhĩ Kỳ, các nước thuộc Liên Xô trước đây như Ajerbaigian, Grudia. Ngay cả các cộng đồng có số lượng rất ít như Ấn Độ, Bangladesh, Afganistan….cũng đều tụ họp ở chợ Vòm này. Giới làm ăn người nước ngòai có mặt ở chợ Vòm là chuyện hiển nhiên. Nhưng tại sao một đầu mối làm ăn quan trọng như vậy mà người Nga lại không chiếm cứ thì có nhiều nguyên nhân.

Điều kiện làm việc của chợ Vòm rất căng thẳng: cả năm chỉ nghỉ chợ có 3-4 ngày. Ngày hè cũng như ngày đông, chợ đều làm việc từ 5 giờ sáng đến 4 giờ chiều. Chỉ những ai đặt mục tiêu kiếm tiền lên cao nhất mới chịu đựng nổi một nhịp làm việc căng thẳng như vậy. Người nước ngòai đến Nga đều sẵn sàng hy sinh một vài năm làm việc vất vả để có được những năm tháng sống sung túc sau đó. Những người nước ngòai đến Nga làm ăn đều là những người năng động nhất, ham làm giầu nhất, cũng không còn sự lựa chọn nào khác ngòai việc bám lấy chợ Vòm để sống, có như vậy họ mới chấp nhận coi chợ là cái nhà của họ, là cuộc sống của họ và nhập vào nhịp điệu tất bật khủng khiếp của nó. Nhưng người Nga thì sao? Họ sống trên mảnh đất của mình, họ sống mọi ngày đều là cuộc sống, chẳng ai nghĩ đến việc phải hy sinh những năm tháng của mình để cho một tương lai không biết khi nào mới bắt  đầu. Đa phần người dân Nga không chịu nổi nhịp sống quá căng thẳng và độ cạnh tranh quá gay gắt của chợ Vòm. Nhưng không có nghĩa là không có người Nga nào chấp nhận vất vả để làm giầu. Nhưng chủ của các chợ lại không muốn người Nga làm việc trong khu vực chợ Vòm. Và họ tìm mọi cách để đuổi khéo các chủ người Nga ra khỏi chợ. Người Nga làm việc trong chợ rất nhiều, nhưng đa phần chỉ là người làm thuê, hay là chủ các quầy bán lẻ. Nghĩa là họ không có một tiếng nói quan trọng trong chợ Vòm. Họ cũng không đủ sức để phản đối các chính sách của chủ chợ. Các chủ chợ không muốn người Nga tạo thành một tiếng nói trong chợ, tạo thành một tầng lớp quan trọng trong chợ, vì họ sợ. Sợ chính quyền đoán biết được mức thu nhập của họ mà đòi lương cao hơn. Sợ người Nga với đầy đủ quyền làm người sẽ chống đối những quyết định vô lý của họ. Với người nước ngoài thì mọi chuyện dễ hơn nhiều. Người nước ngoài ở Nga là một thứ dân hạng hai, chẳng có chút quyền gì, chẳng được ai bảo vệ và luôn nhẫn nhịn miễn là được làm ăn kiếm sống.

Không phải tự nhiên người ta gọi chợ Vòm là một quốc gia trong một quốc gia. Ở đây có những ông chủ của mình, có luật lệ riêng của mình, có các bảo vệ viên như một quân đội riêng của chợ. Mọi thứ ở đây đều không giống với những gì vẫn diễn ra bên ngoài hàng rào của chợ. Xung quanh chợ cảnh sát rất nhiều, không ai có thể lọt qua hàng rào công an kiểm tra giấy tờ trên đường từ các bến metro hay xe buýt đi vào chợ. Thế nhưng rất lạ, vào đến cổng chợ thì công an không bao giờ hỏi giấy tờ nữa. Chẳng phải chợ là thiên đường, vào đây rồi lòng tham của cảnh sát biến mất, mà vì chợ là khu vực đã được bao phủ bằng tiền rồi, tất cả cảnh sát đã được trả rất hậu hĩnh để không gây khó dễ cho dân chúng buôn bán ở đây nữa. Cảnh sát ở trong chợ là những con hổ đã ăn quá no, nên không còn cần thiềt phải đi săn mồi nữa. Trong suốt 15 năm tồn tại của chợ Vòm, người buôn bán ở đây đã có thói quen cất dấu tiền ngay trong container của mình. Container là nơi an toàn nhất, trộm không thể lọt vào đây được vì đã có bảo vệ canh gác 24 giờ mỗi ngày, công an cũng không bao giờ đến kiểm tra container, dù là cảnh sát đặc biệt đầy quyền uy. Chính sự an toàn và ổn định được đảm bảo bằng tiền này đã giúp chợ Vòm biến thành một ốc đảo sầm uất, biến thành một quốc gia trong một quốc gia.

Chợ Vòm là chợ của người nước ngoài, nó có cái hay là giữ được những bí mật của nó bên trong hàng rào chợ để mà hoạt động trong nhiều năm dù sai phạm nhiều thứ luật lệ hiện hành. Nhưng nó cũng là gót chân Asin của cái chợ. Khi cần chính quyền có thể đóng cửa nó mà không phải lo bất cứ hậu quả xã hội nào. Cứ thử tưởng tượng một trăm ngàn người làm ăn ở chợ Vòm đều là người Nga cả, đằng sau một trăm ngàn người ấy là một trăm gia đình với mẹ già, con nhỏ, thử hỏi chính quyền có thể đóng cửa nó trong một ngày được không? Mà không chỉ đóng cửa bất ngờ, còn không trả lại hàng hóa, để cho mỗi người bán hàng muốn lấy hàng hóa của mình ra, phải dùng tiền mua chuộc cảnh sát mới lấy được, nghĩa là họ phải mua lại số hàng của mình một lần nữa để không bị trắng tay hoàn toàn. Nhà máy sản xuất ô tô AvtoVaz với số công nhân và nhân viên quản lý đúng khoảng 100000 người, hơn một năm qua đã đứng trên bờ vực phá sản vì không thể trả được các món nộ khổng lồ của mình đã lên tới 54 tỷ rúp. Mặc dù bộ công nghiệp và thương mại của Nga đã kết luận là đổ tiền vào nhà máy cũng chỉ vô ích thôi, không thể cứu nhà máy sản xuất ô tô khổng lồ này thoát khỏi phá sản, thế nhưng chính phủ vẫn không nỡ để 100 ngàn công nhân thất nghiêp, tạo thành một vấn đề xã hội cho 100 ngàn gia đình, nên nhà nước có thể sẽ bỏ ra một số tiền khổng lồ là 70 tỷ rýp- tương đương với hơn 2 tỷ đô la đề cứu nhá máy.

3-Chợ Vòm đóng cửa- người Việt lại đi tìm chợ

Ngày 29 tháng 6, chủ các chợ trong quần thể chợ Vòm tuyên bố cần đóng cửa chợ một ngày để làm vệ sinh. Giữa mùa bán hàng đang tấp nập, tự dưng được một ngày nghỉ ngơi, ai cũng thấy hào hứng lắm. Người lo tổ chức đi rừng nướng thịt, người quyết định ở nhà ngủ một trận cho thật “đã” mắt. Nghĩa là không ai nghi ngờ ngày 29 tháng 6 có thể trở thành một ngày mất mát, đau buồn của họ.

Những người có học và cả nghĩ cũng biết rằng chợ không còn tồn tại lâu nữa, nhưng chắc cũng phải đến cuối năm mới đóng cửa, như lời thị trưởng Ludjkov tuyên bố.

Không ai tin rằng mọi chuyện xảy ra bất ngờ và gọn gàng đến thế.

Chợ đóng cửa một ngày để dọn vệ sinh và rồi không bao giờ mở lại nữa. Nguyên nhân chính thức mà chợ bị xóa sổ là do không đảm bảo điều kiện vệ sinh. Các bác sỹ vệ sinh dịch tễ ở Nga có quyền rất lớn, bất cứ một cơ sở nào mà không đảm bảo các điều kiện vệ sinh đều bị đóng cửa cả, dù đó là khách sạn hay nhà hàng hay chợ. Chỉ có điều mọi người làm việc ở chợ Vòm suốt 15 năm qua vẫn thấy nó y như vậy, nghĩa là chưa bao giờ hợp vệ sinh hơn, thế mà hơn 15 năm rồi các bác sỹ mới biết điều đó thì thật nguy hiểm quá, dịch bệnh đã kịp lan tràn đi mấy vòng thành phố, thậm chí mấy vòng cả nước Nga rồi còn gì.

Dân chúng ở chợ Vòm thì hiểu rằng chợ bị đóng cửa vì ông chủ chợ huyênh hoang quá. Giữa lúc cuộc khủng hoảng đang diễn ra trên khắp thế giới, chính phủ Nga đang phải bỏ bao nhiêu tiền trong quỹ dự trữ ra để giữ giá đồng rúp, trợ giúp người thất nghiệp, lo chèo chống đề các tập đoàn công nghiệp không phá sản, đẩy hàng triệu người ra đường thì ông chủ tập đoàn AST, chợ lớn nhất trong quần thể chọ Vòm lại tổ chức lễ khánh thành khách sạn Mardan Palace ở Thổ Nhĩ Kỳ hết sức đình đám. Người ta ước tính ông Telman Ismailov đã đầu tư vào khách sạn thượng hạng này khoảng 1,3 tỷ đôla. Ngày ra mắt đứa con cưng của mình, ông Telman Ismailov đã cho mời những nhân vật nổi tiếng nhất thể giới đến tham dự như các ngôi sao màn bạc Richard Gere, Monica Bellucci, Sharon Stone, thị trưởng Moscow Yuri Ludjkov…

Ngày 6 tháng 6 kênh NTV cho truyền đi phóng sự về lễ khánh thành hào nhoáng này thì ngày 7 tháng 6 kênh nước Nga đã cho công bố đoạn phim thời sự về sự lạm quyền trên khu vực chợ AST, về những container hàng hóa không có giấy tờ hợp lệ trên khu vực chợ này. Cứ như vậy những tin tức về chợ Vòm thoát ra khỏi cổng chợ và được đưa đến mọi nhà. Như vậy là sau 15 năm tồn tại, người dân Nga mới được biết đến những điều vẫn hàng ngày diễn ra ở chợ Vòm.

Suốt cả tháng 7, tháng 8, tháng 9 người Việt, người Trung Quốc, thay nhau chầu chực ở xung quanh chợ. Họ ngồi xung quanh chợ, họ ngủ xung quanh chợ, họ lảng vảng xung quanh chợ  để canh chừng không cho ai mang hàng hóa của mình đi. Dù điều đó thật nguy hiểm, bởi vì ngoài chợ Vòm cảnh sát, nhân viên sở di trú nhiều vô kể, chỉ một cái lỗi nhỏ tí ti là họ sẽ bị đóng dấu trục xuất về nườc ngay, mà cũng không cần có lỗi gì cả, vì chính quyền thành phố đã có chính sách không để người Việt Nam và Trung Quốc bán hàng ở Moscow nữa, nên gặp ai cảnh sát cũng có quyền đóng dầu trục xuất về nước. Sau khi mấy trăm người có giấy tờ hợp lệ bị đóng dấu trục xuất về nước thì dân chúng đã hiểu được rằng không nên tin vào giấy tờ nữa, chỉ có  thể tin vào việc mặc cả trực tiếp tại chỗ. Có lúc họ phải trả 2000 rúp cho mỗi lần kiểm tra, có lúc họ phải trả 5000 rúp, tất cả tùy thuộc vào tâm trạng của các nhân viên cảnh sát lúc đó, nhưng sau khi đã có giá rồi thì người Việt đỡ bị đóng dấu trục xuất hơn. Tìm được cách ở lại khu vực chợ mới là bước thứ nhất, bước thứ hai dân chúng lại phải tìm cách mặc cả để lấy hàng hóa ra khỏi kho nữa. Giá lấy hàng thì đúng là không có mức độ nào cả. Gặp ca trông dễ thì chỉ cần cho 20 ngàn rúp là lấy được cả container hàng, còn gặp ca khó thì có khi phải trả đến 200 ngàn rúp mới lấy được một xe hàng. Nếu chuyện chỉ đơn giản là cho tiền để cảnh sát nhắm mắt làm ngơ cho lấy hàng ra khỏi container thì dân chúng đã không phải chầu chực ăn ngủ ngoài chợ như vậy, vì nhà nước đã coi hàng hóa trên khu vực chợ Vòm đều là hàng lậu cả, nên để có thể mang hàng đi an toàn ra khỏi khu vực chợ Vòm, dân chúng đã phải thuê chính cảnh sát áp tải hàng đến khu vực kho khác cất giữ. Cảnh sát ở khu vực chợ Vòm không còn được trả lương như trước đây nữa, họ phải tự kiếm sống bằng mọi cách có thể và họ cũng biết cơ hội kiếm tiền không còn tồn tại lâu. Nên cảnh sát rất biết cách kiếm tiền bằng mọi cách. Có những khu vực kho mà người chủ trông coi không cẩn thận, chỉ vài giờ sau kho đã trống rỗng rồi. Cảnh sát đã bán chúng cho những người khác muốn mua.

Đối với rất nhiều người  toàn bộ cơ nghiệp của họ nằm trong chợ,  toàn bộ tiền bạc, vốn liếng, thậm chí nhà cửa cũng nằm trong chợ, bởi vì nhiều người đã bán nhà ở Việt Nam để làm vốn sang đây làm ăn, nên dù thế nào họ cũng vẫn phải bám lấy chợ và xoay vần theo nó.
Những người bán hàng ở chợ Vòm không bao giờ quan tâm đến tình hình chính trị, chẳng quan tâm ai là Tổng thống Nga hay Việt Nam, vậy mà khi tuyệt vọng họ có thể tụ tập được đến hơn 100 người cả Việt Nam và Trung Quốc, biểu tình chặn đường xa lộ để đòi được lấy hàng hóa của mình ra khỏi chợ. Nhưng những hình thức chính trị ấy chẳng giúp gì được cho dân chúng của chợ Vòm.

Sau hai tuần chờ đợi, thấy chợ Vòm không còn cơ hội tái sinh nữa, người Việt rất nhanh chóng tỏa đi tìm đường mưu sinh mới. Có là người làm ở chợ mới hiểu được hai chữ thời vụ. Với mức lãi suất rất thấp, nều hàng để tồn trong kho từ muà này sang mùa sau thì chẳng còn đồng tiền lãi nào nữa, chưa kể hàng quần áo có mốt của mỗi năm, muộn hai tuần là coi như lỗi thời, bao nhiêu tiền vồn chỉ còn là mớ giẻ vô dụng. Các chủ hàng từ chợ Vòm mỗi người tùy nghi di tản, mạnh ai nấy tìm nơi thuê chỗ mới để bán hàng. Người chạy ra chợ Vườn “Sadovod”, người chạy về Ludjniki, người đi Emiral, và muôn vàn chợ nhỏ bé không tên tuổi khác xung quanh thành phố. Tất cả các chợ lúc trước bỏ biết bao nhiêu tiền ra quảng cáo cũng không sao cho thuê kín được các phòng bán hàng như chợ Vườn “Sadavod”, Ludjniki, Moskva, Emiral thì nay chỉ trong vòng 3 ngày đã không còn một chỗ trống nào nữa. Tiền cho thuê chỗ lúc trước chỉ 100 ngàn rúp một tháng, nghĩa là tương đương với ba ngàn đô la Mỹ thì nay đã tăng giá vùn vụt, không phải hàng tháng, mà là hàng ngày. Chỉ trong vòng 2 tháng, giá thuê một chỗ bán hàng ở chợ Moskva đã tăng từ 100 ngàn rúp lên 750 ngàn rúp. Chủ chợ Sadovod vui mừng vì nghĩ đây là cơ hội vươn lên thành chợ bán buôn ngàn năm mới có, nếu họ thu được các chủ hàng lớn thì chỉ trong vòng 1-2 tháng, chợ sẽ vô cùng sầm uất, đông đúc. Nhưng dân chúng bán hàng lâu năm ở đây đã biểu tình phản đối ban quản lý chợ thu hồi chỗ của họ cho các chủ hàng từ chợ Vòm ra thuê nên chủ chợ ở đây cũng không dám mở rộng chỗ bán hàng như đã hứa, ai cũng sợ thu hút sự chú ý của chính quyền thì chẳng còn cơ hội tồn tại nữa. Chợ Ludjniki thì không cho phép người nước ngoài bán hàng, Thế nên sau một thời gian ngắn những chủ hàng lớn nhất đã tụ họp nhau về chợ Moskva. Điều đó có nghĩa là dòng hàng chảy về đây, dòng tiền cũng chẩy về đây, những mối đau đầu cũng đổ về đây. Chỉ trong vòng một tuần lễ, chợ Moskva rất hiện đại, rất thoáng mát, rất rộng rãi trước đây đã không còn nữa, thay vào đó lại là tình cảnh tấp nập của một đàn ong đang nhộn nhịp mùa làm mật, người đi xuôi, người đi ngược chen vai sát cánh với những xe hàng đầy ắp. Chợ này lo dân chúng lại phản đối như đối với chợ Vòm đã không dám thu hút nhiều xe mua buôn về đây, họ phải giảm bớt xe buýt lên lấy hàng, những ngày nghỉ cuối tuần thì cấm hoàn toàn xe tải, xe buýt để lấy chỗ cho dân chúng đến mua lẻ như trước đây.

Chợ Vòm – một trung tâm phân phối hàng hóa khổng lồ cho toàn Liên Bang Nga đã không còn thay vào đó là nhiều chợ tầm trung khác. Tất cả vẫn đang chờ đợi một điều gì mới mẻ đang diễn ra: hoặc là một mô hình kinh doanh mới, hoặc là một cái chợ với kiểu tổ chức mới. Nhưng cho đến tận tháng 11 này vẫn chưa thấy cái mặt trời mới ấy xuất hiện từ phương trời nào. Một mùa làm ăn mới đã lại bắt đầu, và người Việt cũng không bỏ lỡ ngày làm việc nào, vẫn miệt mài, mua, bán, cắt, may, giao dịch như không hề có một phen tơi tả vừa diễn ra. Ai về Việt Nam thì đã về, ai ở lại vẫn tiếp tục làm việc, và cộng đồng người Việt chắc chắn vẫn còn  tồn tại dù luôn luôn nói rằng họ sắp về hẳn rồi  đây…

© Đàn Chim Việt Online

Phản hồi