WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

63% dân Trung Quốc muốn thể chế dân chủ kiểu Tây phương

Một người dân làng Ô Khảm đang bỏ phiếu bầu người đại diện địa phương, ngày 03/03/2012. Photo Reuters

Bài phân tích của thông tín viên nhật báo cánh tả Libération tại Bắc Kinh, mang tựa đề « Trung Quốc : Dân chủ được đặt lên hàng đầu ».Theo cuộc thăm dò của tờ Hoàn Cầu Thời Báo, thì có đến 63% người dân Trung Quốc bày tỏ mong muốn áp dụng một « thể chế dân chủ theo kiểu phương Tây ».

Libération nhận định, khát vọng dân chủ của người dân Trung Quốc ngày càng lệch pha với chính quyền cộng sản, theo như kết quả một cuộc thăm dò dư luận chưa từng có từ trước đến nay, được công bố hôm qua trên bản tiếng Anh của tờ Hoàn cầu Thời báo, tức Global Times, một nhánh của Nhân dân Nhật báo. Có đến hơn 63% người được hỏi muốn có một « thể chế dân chủ theo kiểu phương Tây », theo cuộc điều tra được thực hiện với 1.010 đại diện cho nhiều tầng lớp trên toàn quốc. Đại đa số nghi ngờ rằng một hệ thống bầu cử tự do và tách biệt tam quyền như thế có thể trở thành hiện thực trong điều kiện hiện nay, nhưng 15,7% cho rằng mục tiêu này có thể áp dụng được ngay từ bây giờ.

Kết quả độc đáo của cuộc thăm dò, cũng như việc nó được công bố, theo Libération, là rất đáng ngạc nhiên, vì số 15,7% trên đây mong muốn chế độ độc tài, độc đảng hiện nay cần phải nhanh chóng biến mất, hoặc biến ngay lập tức. Hơn 49% người được hỏi cho biết đang chờ đợi một « cuộc cách mạng » mới, 15% trong số này nghĩ rằng Trung Quốc « chắc chắn đang ở bên bờ một cuộc cách mạng mới », và 34% cho rằng điều này là « có thể ».

Libération cho biết, cuộc thăm dò mang tính « nổi loạn » này chỉ được công bố bằng tiếng Anh. Bản tiếng Hoa của Global Times không có, và không có tờ báo chính thức nào đề cập đến. Sự táo bạo của các nhà báo Global Times – có thể bị Ban Tuyên huấn trừng phạt – dường như biểu hiện cuộc tranh cãi nội bộ giữa hai phe ủng hộ và chống đối một công cuộc cải cách chính trị thực sự.

Hôm thứ Bảy, ông Ngô Bang Quốc, Chủ tịch Quốc hội hiện đang họp phiên thường niên, đã khẳng định là không có việc Trung Quốc dân chủ hóa theo kiểu phương Tây. Ông cam đoan là hệ thống « chủ nghĩa xã hội kiểu Trung Hoa » sẽ còn tồn tại rất lâu, và kêu gọi các đại biểu Quốc hội « bài trừ các tư tưởng và chủ thuyết sai lạc ». Ngô Bang Quốc nhấn mạnh là đảng Cộng sản duy trì quyền lãnh đạo tuyệt đối với chính phủ, với bộ máy lập pháp và tư pháp. Năm ngoái, nhân vật số hai vô cùng bảo thủ của đảng đã buộc các đại biểu phải long trọng tuyên bố « bác bỏ quan niệm đa đảng ». Ông ta nói : « Nếu chúng ta yếu đi, thì đất nước sẽ chìm vào vực thẳm của sự hỗn loạn ».

Càng sớm dân chủ hóa, Trung Quốc càng có lợi ?

Nhưng theo Tổng biên tập một tạp chí lịch sử ở Bắc Kinh, thì trong nội bộ đảng Cộng sản đang có một « cánh dân chủ ». Ông nhận định : « Nếu đảng Cộng sản tuân theo quy luật bầu cử dân chủ vào lúc này, thì rất có nhiều cơ hội duy trì quyền lực. Còn nếu để lâu hơn, thì sẽ càng phức tạp hơn ».

Một nhà triết học kiêm sử gia của trường đại học Trung Sơn tại Quảng Đông bình luận : « Trung Quốc không thể kháng cự được lâu dài trước các nguyên tắc của nền văn minh hiện đại. Một ngày nào đó Trung Quốc sẽ phải chấp nhận dân chủ, cac nguyên tắc công lý và tự do. Đây chỉ còn là vấn đề thời gian ». Ông nói : « Về mặt kinh tế, thì Bắc Kinh đã nhượng bộ khi chấp nhận các nguyên tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới. Nhưng trên quan điểm chính trị, thì Trung Quốc đã đề kháng bằng cách khuếch trương một dạng chủ nghĩa dân tộc, tự cho rằng mình là xã hội chủ nghĩa. Trên thực tế, có quá ít nhân tố xã hội tại Trung Quốc, còn ít hơn cả các nước phát triển như Pháp chẳng hạn. Hơn nữa, phần lớn các đảng viên Trung Quốc chẳng còn tin vào chủ nghĩa cộng sản nữa ».

Trấn áp để tiếp tục chính sách độc đảng

Libération nhận xét, dù vậy, đảng Cộng sản vẫn muốn là đảng cầm quyền duy nhất, bằng mọi giá. Ngân sách dành cho việc « duy trì ổn định »năm 2011 đã vượt qua ngân sách quốc phòng, và năm nay lại còn tăng lên 11%. Một phần lớn số tiền này được dùng để bóp chết từ trong trứng nước tất cả các vụ nổi dậy, hoặc để đàn áp khoảng 180.000 vụ xung đột diễn ra mỗi năm, giữa chính quyền và người dân phẫn nộ trước những bất công do các cán bộ đảng tham nhũng gây ra.

Tuy vậy, theo tờ báo cánh tả Pháp, thì cái giá phải trả là rất đắt. Theo báo cáo của China Human Rights (CHRD) được công bố vào tuần rồi, thì « Việc đàn áp chưa bao giờ mạnh mẽ như thế từ ít nhất mười năm qua. Trong năm 2011, gần bốn ngàn nhà hoạt động chính trị đã bị bắt giam », hầu hết trong những nhà tù không chính thức. Tố cáo các biện pháp giam giữ không thông qua xét xử, báo cáo cho biết cụ thể : « Có 159 tù chính trị bị tra tấn, và 20 người đã bị mất tích trong nhiều tuần lễ thậm chí nhiều tháng ».

Hy vọng về một nhà lãnh đạo sáng suốt tiến hành cải cách tại Trung Quốc, trước đây vẫn ăn sâu, nay đã tàn úa, theo như thăm dò trên đây của Global Times : chỉ có 26% người được hỏi là còn tin. Đối với 69% số người được thăm dò, thì Bắc Kinh sẽ cải cách « dưới áp lực của các phương tiện truyền thông », « các điều kiện xã hội » hay « đòi hỏi của công chúng », và 62% cho rằng các trở lực chủ yếu cho cải cách là « những lợi lộc mà các nhóm lợi ích thu được ».

Ngải Vị Vị, nghệ thuật dấn thân

Cũng về Trung Quốc, nhật báo cộng sản L’Humanité quan tâm đến « Ngải Vị Vị, nghệ sĩ và là người bộc lộ những vấn đề của một xã hội Trung Quốc đang tiến triển ». Cuộc triển lãm ảnh của ông đang diễn ra tại Paris cho thấy nhà nghệ sĩ đã trở thành phát ngôn viên cho các đồng bào của mình, và các hành động dấn thân của ông cũng được diễn đạt trong các tác phẩm.

Bị nhà cầm quyền trấn áp, bị bắt giam, blog bị kiểm duyệt, kết tội khiêu dâm, bị cơ quan thuế truy bức, bị quản thúc tại gia, Ngải Vị Vị tất nhiên không có mặt trong cuộc triển lãm khá quy mô các tác phẩm nhiếp ảnh của ông. Nhưng các bức ảnh đã nói lên tất cả. Tấm ảnh người phụ nữ vén váy trước chân dung Mao Trạch Đông tố cáo sự thiếu minh bạch của chế độ, ngón tay trỏ vào quảng trường Thiên An Môn đầy khiêu khích, rồi đến một bình hoa đời Hán bị vỡ nát cho thấy lịch sử đang đè nặng, và tương lai cần được khẩn thiết viết lại.

Thụy Mi (RFI)

 

2 Phản hồi cho “63% dân Trung Quốc muốn thể chế dân chủ kiểu Tây phương”

  1. NON NGÀN says:

    CÁI SAI VÀ CÁI ĐÚNG TRONG CUỘC ĐỜI

    Con vật sống không cần biết sai đúng vì chúng không có lý trí mà chỉ có bản năng sinh tồn cá nhân hay chủng loài. Con người ngoài bản năng gốc như con vật lại còn có lý trí để phân biệt sự sai đúng ở đời, mà ý nghĩa thể hiện nói chung được gọi là ý thức, lương tâm, tinh thần hay nhận thức. Như thế ý nghĩa hay giá trị cao của con người cũng như xã hội loài người là cái đúng, cái tốt, mà không phải cái sai, cái xấu. Tất nhiên cái gì đúng cũng dẫn đến mọi cái hay, cái tốt, hay cả hai tính cách đúng và tốt luôn luôn đồng nhất hoặc đồng nghĩa nhau. Ngược lại cái sai chỉ có thể dẫn đến cái sai, cái xấu, không thể có điều ngược lại. Ấy là nói theo cách căn cơ, khách quan, bản chất. Trái lại về cái không căn cơ, khách quan, tức mặt bề ngoài, hiện tượng, có khi cái xấu có thể dẫn đến điều tốt chủ quan nào đó do quan niệm nhầm lẫn, cái sai có thể dẫn đến điều hay nào đó cũng y như thế, nhưng thực chất chỉ do sự nhận thức nhầm lẫn mà không khi nào bản chất khách quan lại như thế cả. Đó cũng chính là giá trị hay ý nghĩa khách quan của các nguyên lý, câc quy luật khoa học cụ thể mà loài người đã đạt được và bao giờ cũng dẫn đến các kết quả đúng, các giá trị áp dụng kỹ thuật tốt đẹp không thể chối cãi. Từ sự vận dụng của pháo binh, hàng không, cho đến việc phóng các phi thuyền lên không gian đều xác nhận các nguyên tắc hay thành quả tốt đẹp này. Cũng thế, trong y học, một sự điều chế ra loại thuốc trị bệnh nào đó nếu không chính xác, chỉ có thể giết con bệnh bằng các loại phản ứng phụ, mặc dù về hiện tượng có khi như thấy được tính công hiệu giả tạo hay nhất thời. Đó chính là sự khác nhau giữa hiện tượng và bản chất vấn đề. Người không hiểu về điện, không hiểu về các phương thức sơ cứu trong y học, có thẻ gây ra chết người trong khi chỉ muốn cứu người cũng tương tự như thế. Các Mác đưa ra một học thuyết hoàn toàn sai về mặt khoa học, mặt triết học, mặt xã hội, mặt lịch sử, mặt chính trị, thế nhưng những người không am hiểu hết các chỗ sai đó, lại áp dụng một cách chuyên đoán, cuồng tín theo kiểu áp chế, để áp đặt lên cho toàn xã hội đã gây bao nhiêu thiệt hại, đau khổ cho nhân loại mà ngày nay ai cũng đã biết về mọi phương diện. Đó là vì hậu quả của nó đi ngược lại mọi yêu cầu khách quan, tự nhiên của tự do dân chủ xã hội, của nhân quyền chính đáng. Mỗi con người sinh ra đời đều tự do, bình đẳng, đều có quyền sống theo khả năng, hoàn cảnh và ý muốn. Thế nhưng chủ thuyết Mác lại chủ trương xây dựng xã hội theo kiểu đoàn bầy, như con ong cái kiến, lấy nguyên lý chuyên chính vô sản sai lầm làm sợi dây cột trói lịch sử, cột trói xã hội, thật sự là một lỗi phạm chống lại nhân quyền, chống lại mọi quyền tự do chính đáng của cá nhân. Quan niệm phi khoa học, phi khách quan của lý thuyết Các Mác là một điều thập phần tai hại, nhưng chỉ có thiểu số vì lý do này hay vì lý do khác đã mang lại sự áp đặt trái nguyện vọng của xã hội, của nhiều dân tộc, là điều dễ thấy nhất. Bởi thế ngoài Mao Trạch Đông và đảng của ông ta, chắc chắn toàn thể nhân dân Trung quốc chẳng bao giờ muốn điều ấy. Đó chính là những tỉ lệ thăm dò rất rõ ràng mà người ta đã chứng minh được. Nhưng chứng minh được mà có thay đổi được hay không lại là chuyện khác, ít ra cũng là trong thời gian ngắn hạn trước mắt. Bởi vì phần lớn con người trong xã hội vẫn sống theo quán tính, theo lòng ích kỷ và ý hướng cá nhân, thụ động. Đó chính là ý nghĩa tại sao chủ thuyết Mác lại đã thành công được khi người ta dùng bạo lực để áp đặt nó lên, nhưng sẽ rất khó để thay đổi nó khi trình độ nhận thức của mỗi người cũng như toàn xã hội vẫn chưa phát triển, nền kinh tế một đất nước chưa phát triển, cũng như nền văn hóa nói chung còn chưa phát triển. Với những lý do như thế, người ta vẫn còn cứ nhân danh sự thống nhất hay sự ổn định của xã hội nhằm để bảo vệ mọi sự trì trệ đang có, bảo vệ mọi quán tính đang có, bằng mọi loại ý thức, tinh thần, hay mọi thứ đầu óc thủ cựu, thụ động, thậm chí phản động, tức là phản tiến hóa, phản tiến bộ, phản khoa học, và phản khách quan đang có.

    Đại Ngàn Võ Hưng Thanh
    (17/3/12)

  2. LẠI MẠNH CƯỜNG says:

    Thưa bà con,

    1/
    Được biết trong nội bộ đảng CSTQ đang có sự tranh giành quyết liệt giữa hai phe: Đoàn Phái và Thái Tử Phái. Sang năm sẽ có đại hội đảng CS Tàu; còn vừa qua là đại hội Quốc hội (quốc vụ viện), nhằm khởi sự cho việc sắp xếp các nhân sự vào chức vụ chủ chốt tương lai. Từ đó lộ ra những cạnh tranh, kèn cựa giữa các phe nhóm chính yếu trong Cộng đảng Tàu. Và khi phát pháo lệnh mở màn cho cuộc đua, người ta được biết rõ thêm những đấu đá trong cung đình Tử Cấm Thành ra sao ?

    Đoàn Phái là những đảng viên gốc gác từ các đoàn thể ngoại vi của đảng CS, như các tổ chức đoàn thể dân sự qui tụ các thành phần xã hội nam phụ lão ấu, thanh niên, tri thức, công đoàn, các mặt trận. Những người ngày tự mình xây dựng sự nghiệp chính trị, không dựa dẫm vào ai cả.

    Thái Tử Phái (Communist Princelings), là cụm từ do đám báo chí phương Tây đặt cho đám con ông cháu cha / COCC (trong nước gọi là đám “con cháu các cụ cả”, đám 5C). Chẳng hạn như ở VN có con trai con gái của thủ Dzũng, trung tướng thứ trưởng quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh, con trai cố đại tướng Nguyễn Chí Thanh, bộ trưởng ngoại giao đương nhiệm … là những thí dụ điển hình.

    2/
    Tín hiện đầu tiên nhận được rõ rĩ ra ngoài là, khoảng một tháng trước đây Vương Lập Quân, cựu giám đốc công an một thành phố lớn là Trùng Khánh, đến xin tị nạn ở lãnh sự quán Mỹ ở Thành Đô, thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên ! Nhưng rồi Vương lại sách cặp đi ra sau khi ở trong đó rất lâu. Hiện nay ông Vương đang bị nhà chức trách Tàu cầm giữ để điều tra.

    Vương Lập Quân là ai ? Tại sao lại xin tị nạn ?

    Có nhiền nguồn tin đưa ra qua mạng internet, nhưng tôi xin chọn lọc phần tiêu biểu nhất lúc này :

    [trích]
    Theo báo Mỹ, tờ New York Times trích nguồn từ Trung Quốc thì ông Vương “tìm cách trốn khỏi” bàn tay của người từng bảo trợ ông, Bí thư Trùng Khánh, ông Bạc Hy Lai. Các chi tiết chỉ xác định ông Vương, cựu giám đốc công an Trùng Khánh đã tự lái xe hơn 200 dặm tới lãnh sự quán Hoa Kỳ ở Thành Đô “xin tỵ nạn”, nhưng vì cơ quan ngoại giao này đã bị bao vây, người Mỹ phải cho ông Vương đi ra và nay ông đã bị bắt đưa về Bắc Kinh.
    Dấu hiệu báo động cho ông Vương xảy đến khi người lái xe riêng của ông bị bắt trước đó. Vẫn theo báo Mỹ, ông Vương qua vụ trốn vào lãnh sự Mỹ, muốn cho ông Bạc thấy rằng ông có trong tay các hồ sơ có thể chống lại ông Bạc.
    New York Times cũng nói, sau khi vụ Vương Lập Quân xảy ra, ông Bạc Hy Lai đã gửi thư riêng lên Bắc Kinh, nhận toàn bộ trách nhiệm về vụ việc, và còn thậm chí xin từ chức.

    Nhưng để một bí thư đô thị lớn, trực thuộc trung ương như ông Bạc Hy Lai từ chức là chuyện không thể được, nhất là khi vụ việc có ảnh hưởng đến hình ảnh của Trung Quốc trong lúc Phó Chủ tịch nước Tập Cận Bình thăm Hoa Kỳ.
    Mặt khác, theo giải thích của một nhà phân tích Trung Quốc, ông Cao Văn Khiêm (Gao Wenqian) thì ông Bạc Hy Lai, một nhân vật thuộc ‘Thái tử đảng’ tức nhóm Con ông cháu cha, được cựu Chủ tịch nước kiêm Chủ tịch Đảng Giang Trạch Dân hỗ trợ nên vị trí của ông còn mạnh. Cao Văn Khiêm viết trên trang của Hội Nhân quyền Trung Quốc, một tổ chức bị cấm trong nước, rằng cha ông Bạc Hy Lai là Bạc Nhất Ba, một công thần của chế độ, từng giúp ông Giang trong những chuyện giành vị trí quan trọng ngày trước. Nay, món nợ đó khiến ông Giang Trạch Dân bảo vệ ông Bạc Hy Lai và dù Bí thư Trùng Khánh bị tấn công từ mọi hướng, cựu Chủ tịch Giang vẫn không muốn ông ta bị hy sinh.
    Vụ Vương Lập Quân tuy thế, như ông Cao nhận xét, đã đẩy mâu thuẫn giữa Đoàn phái của ông Hồ Cẩm Đào, và Thái tử Đảng lên cao và bộc lộ ra bên ngoài. Vẫn theo đánh giá này, phe của ông Hồ Cẩm Đào đang nhân vụ Vương Lập Quân để ra tay hạ uy tín của phái Con ông cháu cha.
    Đoàn phái, tức phe tập trung những người lên từ con đường Đoàn Thanh niên và các tổ chức của Đảng, vốn có xu hướng dân tuý.

    Họ từng bực bội vì ông Bạc Hy Lai, người thuộc Thái tử Đảng, đã giành mất lá cờ mỵ dân của họ khi dùng lại các khẩu hiệu thiên tả thời Mao và tung ra phong trào “Ca Hồng, đả Hắc” để đánh vào các quan hệ làm ăn mờ ám của quan chức Tứ Xuyên. Chính Giám đốc Công an Vương Lập Quân là người được ông Bạc Hy Lại dùng để tung ra đợt bắt chừng 2000 nhân vật, gồm cả quan chức Đảng và công an bị cho là dính vào xã hội đen.
    Nhưng điều làm ông Hồ Cẩm Đào khó chịu với ông Bạc Hy Lai chính là vì Bí thư Trùng Khánh đã không nghe lệnh từ trung ương trong nhiều kế hoạch kinh tế, xã hội, theo nhận định của Cao Văn Khiêm.
    Ngược lại, phái Thái tử đảng mà ông Bạc là một nhân vật nổi trội từng phê Chủ tịch Hồ Cẩm Đào là không làm gì ngoài chuyện lo để lại di sản đẹp và chuyền quả bóng kinh tế bùng nhùng xuống thế hệ sau. Cũng vì thế, điều dễ hiểu là khi nổ ra vụ Vương Lập Quân, báo chí trung ương được rộng tay đăng tải nhiều tin tức về vụ ở Trùng Khánh. Các trang mạng ngoài luồng ở Trung Quốc cũng được “thả phanh” mô tả cả chuyện làm ăn của phu nhân Bí thứ Trùng Khánh, bà Cổ Khai Lai.
    Nhưng còn một người nữa là Phó Chủ tịch Tập Cận Bình cũng được lợi từ vụ Vương Lập Quân và vị thế ít nhiều suy yếu của ông Bạc Hy Lai, theo Giáo sư Khấu Kiện Văn (Kou Chien-wen), Giám đốc Viện Nghiên cứu Đông Á tại Đại học Chengchi, Đài Loan. Dù cũng là một người con ông cháu cha và cũng muốn tỏ ra có thành tích “vì dân”, Phó Chủ tịch Tập không hề muốn để Bạc Hy Lai thu hút quá nhiều sự ủng hộ của phe thiên tả trong Đảng. Theo GS Khấu, sau các chiến dịch trừng phạt tội ác ̉ Trùng Khánh, và các kế hoạch xây nhà cho nông dân chuyển hộ khẩu về đô thị, ông Bạc từng được phe tả Trung Quốc ca ngợi là “lãnh tụ”.
    [hết trích]

    3/
    Tin mới nhận được, cho biết kết quả cuộc đầu đá hồi một trên ra sao như sau:

    [trích]
    Sau bao nhiêu đồn đoán, cuối cùng việc đấu đá để tranh giành quyền lực trong nội bộ Đảng CS TQ vào những giờ phút chót trước khi đại hội cũng đã nổ ra. Nhân vật đầy triển vọng từng là một trong các ứng viên hàng đầu dự kiến sẽ được cất nhắc vào các vị trí cao nhất trong kỳ Đại hội Đảng vào cuối năm nay đã bị đánh văng. Đó là Bí thư tỉnh Trùng Khánh Bạc Hy Lai.
    (…)
    Tân Hoa xã ngày 15.3 đưa tin Trung Quốc đã cách thức Bí thư thành ủy Trùng Khánh Bạc Hy Lai trong một diễn biến chính trị kịch tính nhất nước này trong nhiều năm qua. Chính trị gia 62 tuổi vốn là ứng cử viên nặng ký cho một vị trí trong Ban thường vụ Bộ chính trị, cơ quan lãnh đạo cao cấp nhất của Trung Quốc, khi quá trình chuyển tiếp quyền lực diễn ra vào cuối năm nay.
    [hết trích]

    Tóm lại, chuyện đâu đá trong cung đình Tử Cấm Thành càng ngày càng gây cấn. Hãy bình thản mà theo dõi, bởi chuyện này chẳng có gì lạ cả. Tất cả chỉ là sự chuyển giao quyền lực từ phe nhóm, cá nhân này sang phe nhóm, cá nhân khác. Dân chỉ việc đứng ngoài theo dõi bằng cặp mắt thờ ơ, bởi họ bị gạt ra ngoài sân chơi chính trị từ khi Cộng đảng lên nắm quyền sinh sát cả nước, ngoại trừ đảo Đài Loan với các đảo nhỏ quanh đó.

    Lại Mạnh Cường

Phản hồi