WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Không cấp phép săn tê giác cho VN

Tê giác đang bị giết hại.

Giới chức Nam Phi cho biết nước này đã từ chối tất cả hồ sơ xin cấp phép săn tê giác của Việt Nam năm nay, sau khi 159 con tê giác bị giết bất hợp pháp tại Nam Phi tính từ đầu năm 2012.

Bộ Môi trường Nam Phi cho biết sẽ không chấp nhận đơn xin nào của Việt Nam cho đến khi đã có đủ giải pháp nhằm bảo đảm sừng tê không bị mua bán.

Trước đây một số thợ săn người Việt đã được cấp phép săn tê giác hợp pháp ở Nam Phi, và sau đó xuất về Việt Nam dưới dạng chiến lợi phẩm thể thao.
Trong khi đó, các chuyên gia quốc tế nói nhu cầu về sừng tê đang gia tăng ở Việt Nam, phần lớn dùng để chữa bệnh, đặc biệt là bệnh ung thư.

Quản lý kém

Tuy nhiên, một quan chức Việt Nam khẳng ̣định với BBC rằng “không có căn cứ” để nói nhu cầu sử dụng sừng tê giác cho mục đích chữa bệnh ở Việt Nam đang gia tăng.
Ông Đỗ Quang Tùng, Phó Giám đốc Cơ quan quản lý động vật hoang dã Cites Việt Nam, nói: “Không có căn cứ nào cho rằng Việt Nam có nhu cầu lớn trong việc sử dụng sừng tê giác.”

Cites (Cơ quan quản lý việc thực hiện Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp) là đơn vị trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, với người đứng đầu là Cục trưởng Cục Kiểm lâm.

Ông Đỗ Quang Tùng nói: “Nam Phi trước hết nên thắt chặt quản lý ngay từ chính nước này”.
“Chúng tôi đã thực hiện rất nhiều biện pháp để quản lý các loài động thực vật hoang dã nguy cấp nói chung chứ không phải chỉ riêng tê giác, nhưng việc quản lý ở Nam Phi thì chúng tôi không thể can thiệp vào được,” ông cho hay.

Theo thông tin chính thức, mỗi năm chỉ có tối đa 60 chiếc sừng tê được nhập khẩu hợp pháp vào Việt Nam, là các vật chiến lợi phẩm mang về từ các giải thi đấu từ các trang trại của Nam Phi.

Tuy nhiên, các chuyên gia quốc tế ước tính con số thực tế mà những người mang quốc tịch Việt Nam lấy được ở Nam Phi hàng năm có thể lên tới 100 chiếc.
Bộ Môi trường Nam Phi được hã̉ng thông tấn Reuters dẫn lời cho biết, cho đến thời điểm này vào năm 2012 đã có 43 hồ sơ xin cấp phép săn tê giác ở quốc gia châu Phi này, trong đó 23 bộ là của Việt Nam.

Toàn bộ đơn năm nay của Việt Nam bị Nam Phi từ chối, sau cáo buộc săn trộm tê giác ở Nam Phi gia tăng chủ yếu vì nhu cầu ở Trung Quốc và Việt Nam.

Chính phủ Nam Phi từng gửi người sang Việt Nam thảo luận vấn nạn sừng tê, nhất là sau khi có viên chức sứ quán Việt Nam bị phát giác vi phạm.

Năm 2006 và 2008, ba nhân viên ngoại giao Việt Nam tại Pretoria, Nam Phi bị cáo buộc dính líu đến bê bối buôn lậu sừng tê giác, trong đó một người đã bị ghi hình, mặc dù Việt Nam sau đó không công khai mức độ kỷ luật những người này.
Hồi tháng Hai, các nhân viên mật vụ Mỹ đã triệt phá một tổ chức tội phạm buôn lậu sừng tê giác xuyên quốc gia do một người Mỹ gốc Việt cầm đầu.

Hàng xa xỉ

Gần đây có tin cho rằng do tầng lớp giàu có phát triển nhanh chóng ở các nước như Việt Nam và Thái Lan, nhiều người có nhu cầu mua sừng tê, được cho là loại nguyên liệu y dược đắt giá, cho dù chưa ai chứng minh được ích lợi nào của nó.

Tuần này, phóng viên Mike Ives của hãng tin AP tại Hà Nội có bài trích ý kiến của các chuyên gia nói nhu cầu đang gia tăng của Việt Nam có thể xóa sổ những con tê giác còn sót lại trên thế giới.

Bài viết có đoạn: “Những nhà bảo tồn thiên nhiên hoang dã cho biết, trong thập niên vừa qua, sừng tê giác đã trở thành một thứ đồ xa xỉ phải có, giống như túi xách Gucci hay xe hơi Maybach của giới nhà giàu mới nổi ở Việt Nam”.

Nhà báo của AP còn gặp một cô gái 24 tuổi ở thủ đô Việt Nam, một người “mê tiệc tùng nhưng sợ say rượu”, vì thế uống rượu xong thì chiêu một ít nước bột sừng tê cho đỡ say.

Bài viết trích lời nhân vật nói “không biết giá bao nhiêu, tôi chỉ biết nó rất đắt” và khoe chiếc sừng tê màu nâu dài 10 cm tại gia.

Cha của cô đã tặng cô món quà này, nói rằng nó chữa được mọi chứng từ đau đầu đến ung thư.

Lâu nay, người Trung Quốc luôn đánh giá cao thành phần dược liệu – tuy không được phương Tây công nhận – có trong sừng tê giác.

Tuy nhiên các quan chức Hoa Kỳ cũng như các chuyên gia quốc tế lại nhận định rằng “sự thèm khát bột phát” ở Việt Nam, phần lớn do tin đồn sừng tê có thể giúp điều trị ung thư, đang tạo áp lực chưa từng có lên 28.000 con tê giác còn sót lại.

“Tình hình thậ́t là nghiêm trọng,” Giám đốc cơ quan Bảo tồn Thiên nhiên của Mỹ, ông Dan Ashe, được hãng AP trích lời.

Trong khi đó, ông Chris R. Shepherd, phó giám đốc khu vực của tổ chức chống buôn bán động vật quý hiếm Traffic, nhận định: “Sừng tê giác vẫn được đưa vào Trung Quốc, nhưng Việt Nam đang có xu hướng gia tăng trong việc săn bắt trộm sừng tê.”
Nam Phi cũng đã kêu gọi tăng cường hợp tác với Việt Nam sau khi con số tê giác bị giết hại ở Nam Phi đang ở mức báo động trong ba tháng đầu năm nay.

Hiện tại Việt Nam đang xem xét thoả thuận với Nam Phi ở cấp chính phủ, theo lời ông Đỗ Quang Tùng trong cuộc phỏng vẫn với BBC.

Bộ Môi trường Nam Phi cho hay, riêng năm 2012, tính đến thời điểm này đã có 159 con tê giác bị giết hại do săn trộm. Năm 2011, các tay săn trộm đã hạ sát 448 con.
Theo Reuters, trên thị trường chợ đen, giá sừng tê giác đã tăng lên đến 65.000 đôla một cân, còn cao hơn giá vàng ở một số nước Đông Nam Á.

Tin BBC

 

Phản hồi