WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Cây Mít Đọt Đỏ -The Jack Tree With The Red Shoots

 

Giới thiệu sách mới 

* Cây Mít Đọt Đỏ -The Jack Tree With The Red Shoots.
Tập Truyện Song Ngữ Đồng Quê Miền Nam
(dài tổng cộng 418 trang)

* Tác giả : Nguyễn Lê – * Chuyển ngữ : Hồng Liên

* Tác giả phát hành năm 2012

Phần lớn loại sách song ngữ Việt – Anh mà tôi có dịp đọc qua trước đây, thì là sách dành cho học sinh học bổ túc thêm về tiếng Anh. Còn cuốn sách “Cây Mít Đọt Đỏ” này, thì là một sáng tác mới gồm tất cả bảy câu truyện chuyên mô tả về người và cảnh đồng quê vùng đồng bằng sông Cửu Long và được viết bằng một thứ ngôn ngữ đặc trưng của miệt vườn, cụ thể là ở vùng hai tỉnh Bến Tre – Vĩnh Long. Đọc xong tập truyện này, tôi nhớ lại cái lối viết của các tác giả quen thuộc là tiêu biểu người miền Nam như Hồ Biểu Chánh, Bình Nguyên Lộc, Lê Xuyên, Sơn Nam…

Mà vì là dân sinh trưởng từ miền Bắc, nên có nhiều chỗ đọc qua tôi không hiểu rõ lắm; nhưng nhờ có phần dịch ra tiếng Anh, thì coi lại tôi mới hiểu rõ hơn. Cụ thể như nơi truyện “Vớt Giềng” từ trang 79, tôi đọc mà không hình dung ra được đó là cái lối câu tôm như thế nào. Nhưng tra lại từ bản dịch ra tiếng Anh của dịch giả Hồng Liên được in ở phần sau cuốn sách, nơi trang 285 thì ghi rõ ràng là “Shrimp Trolling”, thì tôi mới có thể hiểu rõ ràng hơn về cốt chuyện mà tác giả đã viết xong vào cuối năm 2002 tại Mỹ.

Cảm nhận chung của tôi lúc đọc xong tập truyện này, đó là tính chất mới lạ độc đáo của tâm sự những nhân vật tiêu biểu ở vùng đồng quê miền Nam trước những đổi thay của xã hội thời kỳ trước và sau cuộc chiến tranh kéo dài liên tục dòng dã đến 30 năm (1945 – 1975). Dù là chuyện hư cấu, nhưng rõ rệt là tác giả đã xây dựng nội dung cốt chuyện hòan tòan dựa trên các sự kiện thực tế đã xảy ra tại địa phương nơi bản thân mình đã gắn bó sâu đậm ruột rà từ bao nhiêu năm xưa, suốt thời kỳ thơ ấu êm đềm của xóm làng. Tình yêu thương quê hương bản quán và tính cách trung thực của tác giả hiển lộ sắc nét qua các trang sách, vì thế mà tác phẩm lại có độ khả tín rất cao thêm vào với giá trị nghệ thuật trong hình thức dàn dựng cốt chuyện và được chuyển tả bằng thứ “ngôn ngữ miệt vườn điển hình của miền Nam” nữa vậy.
Trước khi phân tích về nội dung tác phẩm, tôi xin ghi mấy dòng ngắn gọn về tiểu sử tác giả Nguyễn Lê và cả của dịch giả Hồng Liên mà cũng là người bạn đời của tác giả nữa.

I – Sơ lược về tiểu sử tác giả và dịch giả.

A – Tác giả Nguyễn Lê tên thật là Nguyễn Cẩn Ngọc sinh trưởng tại Mỏ Cày Bến Tre. Ông đã từng theo học ngành văn chương tại Saigon và tại Aix en Provence nước Pháp và có văn bằng Cử nhân Triết học. Ông từng phục vụ 10 năm trong hàng ngũ Quân lực Việt nam Cộng hòa với tư cách là một Sĩ quan Pháo binh của Sư đòan Dù. Sau năm 1975, ông bị đi ở “ tù cải tạo” mất 8 năm. Rồi vượt biên đến được đất Mỹ vào cuối năm 1984. Hiện cư ngụ tại Houston tiểu bang Texas.

Tác giả cộng tác với Nhóm Quê Ngọai và với các báo Quang Phục, Mũ Đỏ, Tiền Phong… và có nhiều tiểu phẩm đăng trên các tuyển tập nhan đề : “Những Cây Viết Miền Nam”, “Truyện Hay Hải Ngọai”.

B – Dịch giả Hồng Liên tên thật là Nguyễn Thị Hồng Liên. Bà là cháu kêu học giả Hồ Hữu Tường là cậu ruột. Bà Hồng Liên từng làm việc nhiều năm trong ngành Ngân hàng của Mỹ tại New York trước khi về nghỉ hưu. Về hoạt động xã hội, liên tiếp trong nhiều năm bà là người họat động rất năng nổ tích cực trong lãnh vực tranh đấu Nhân quyền tại nước Mỹ và cũng đã giữ nhiệm vụ của một vị Phó Trưởng Ban Phối Hợp của tổ chức Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam, sát cánh với các vị nữ lưu khác như bác sĩ Lâm Thu Vân ở Canada, bà Jackie Bông ở Mỹ.

Bản dịch tiếng Anh trong tập truyện này do dịch giả Hồng Liên thực hiện được coi là rất chu đáo công phu qua những từ ngữ dân gian thông dụng trong Anh ngữ thật sát nghĩa với nguyên tác bằng tiếng Việt.

II – Giới thiệu về nội dung tác phẩm.

Tập truyện gồm tất cả 7 truyện được chọn lọc trong số nhiều các truyện ngắn do tác giả lần lượt viết ra kể từ năm 1985 sau khi định cư tại nước Mỹ. Mỗi truyện dài cỡ vài ba chục trang, nên người đọc chỉ cần để ra chừng 15 – 20 phút là có thể thưởng ngọan được cái tinh túy mà hấp dẫn được tác giả khôn khéo gửi gấm trong một đơn vị tiểu phẩm rồi. Chỉ cần đọc qua mấy dòng chữ được trích dẫn từ trong bức thư đánh giá khen ngợi của các nhà văn danh tiếng như Xuân Vũ, Hải Bằng, ta cũng có thể tin tưởng phần nào về giá trị của tác phẩm này.

Xin liệt kê nhan đề các tiểu phẩm (kèm theo tiếng Anh) theo thứ tự được sắp xếp trong tập truyện như sau:

1– Qua Sông (Crossing the River)
2 – Đốt Ong (Hive Burning)
3 – Thiếu Tháng (The Missing Month)
4 – Vớt Giềng (Shrimp Trolling)
5 – Cô Ba Tàu Binh (Miss Ba, The Sporting Lady)
6 – Người Chăn Vịt (The Duck Herder)
7 – Cây Mít Đọt Đỏ (The Jack Tree With The Red Shoots)

Đúng như tác giả ghi ngòai bìa sách, đây là những chuyện đồng quê miền Nam với cảnh trí ruộng vườn sông nước và con người với tâm lý, suy nghĩ và ngôn ngữ đặc sệt tính chất “miệt vườn” của vùng đồng bằng Cửu Long. Phải có sự am hiểu tường tận và tấm lòng yêu thương gắn bó ruột rà với quê hương lắm lắm, thì tác giả mới có thể lột tả trung thực được tâm hồn sâu kín mà chân chất của lớp người đồng hương như trong các câu chuyện nói trên. Nhằm rút ngắn bài viết cho gọn gàng hơn, tôi chỉ xin giới thiệu chi tiết về 3 mẩu truyện điển hình mà mình thấy tâm đắc nhất trong tập truyện này.

A – Trước hết, là truyện “Cây Mít Đọt Đỏ” (trang 163 – 196)

Đây là truyện dài nhất và nhan đề cũng được dùng cho toàn thể tập truyện. Nhà văn Xuân Vũ Bùi Quang Triết tác giả của “Đường Đi Không Đến” đã phải đánh giá là : “… một chuyện đọc rất nhớ xứ dừa. Hay lắm! Chuyện hay lắm!”

Truyện thuật lại về anh Tư Cận, một nông dân chất phác nghe theo lời quảng cáo khôn khéo của một người Miên xa lạ có tên là Danh Phương để mà bỏ ra tới 5 giạ lúa Nàng Hương để mua lấy cây giống Mít Đọt Đỏ “xưa nay chỉ có ở miệt Bát – tam – băng” đem về trồng tại vườn nhà. Anh Tư rất chu đáo chăm sóc vun trồng cho cây giống quý lạ này, sau nhiều năm cây mít lớn mạnh và trổ cành lá xum xuê. Nhưng chẳng bao lâu sau, cây mít lại nảy sinh ra rặt một thứ sâu rất độc khiến cho anh lây bệnh ngặt nghèo sau nhiều bữa tìm các diệt trừ đám sâu lúc nhúc bám đầy trên thân cây này. Cuối cùng anh Tư đã phải tìm cách đốt hết cành lá để diệt trừ cái nạn sâu rầy độc hại đó đi.

Trước nỗi chán chường bị thất bại này, nhờ có ông cậu là Mười Luông là người hiểu biết tường tận về cái trò dối gạt nguy hại này đến thăm và giải thích rành rẽ cho mà anh Tư Cận mới dứt khóat đốn hạ cái cây mít gây tai họa này. Chuyện nếu chỉ gỏn gọn là một vụ bị mắc lừa tai hại như thế đối với một người nông dân thực thà chất phác như anh Tư Cận, thì đó cũng là điều thông thường dễ hiểu thôi. Nhưng tác giả đã thật tinh tế khôn ngoan thuật lại cái lối ví von tế nhị của ông cậu Mười Luông nói với người cháu là anh Tư mà được ghi lại trong có mấy dòng thật ngắn gọn mà thâm thúy nơi trang 195 ở cuối bài viết – xin được trưng dẫn nguyên văn như sau : “… cái lầm của bây …thiệt sự hãy còn quá nhỏ nhoi khi đem so sánh với cái lầm khác sờ sờ trước mắt tao ví bây đó … nó lớn lao hơn nhiều … độc địa hơn nhiều … kinh khiếp hơn nhiều … nó di hại tới hàng triệu gia đình và còn kéo dài cho tới bao nhiêu đời nữa cà …! “

Tác giả đã không hề dài dòng biện bạch chi tiết gì thêm, mà chỉ ghi lại duy nhất có một câu nói thật ngắn gọn mà chắc nịch của ông cậu Mười về cái lầm “nó độc địa kinh khiếp, di hại tới hàng triệu gia đình…” – tức là cái họa cộng sản đang hòanh hành trên khắp cả nước đó ! Vì đây là một tác phẩm nghệ thuật, chứ không phải là một thứ tài liệu tuyên truyền chính trị, nên tác giả có dụng ý diễn tả phớt qua như vậy thôi – nhưng người đọc nào tinh ý thì cũng vẫn có thể nhận ra cái lối nói “ ẩn dụ” (metaphor) được gói ghém một cách thật là tài tình khôn khéo – trong có mấy dòng chữ ngắn ngủi đơn sơ vào phần cuối của câu truyện được viết ra với nhiều chi tiết hấp dẫn lôi cuốn đan quyện với nhau mà được dàn trải đến trên 30 trang sách này vậy.

B – Tiếp theo là truyện “ Vớt Giềng” (trang 79 – 110)

Phải đọc bản dịch ra tiếng Anh bắt đầu từ trang 285 với nhan đề “Shrimp Trolling”, thì tôi mới có thể hiểu rõ ràng hơn về nội dung của câu truyện thật lý thú và đặc sệt “ tính chất miệt đồng quê sông nước Cửu Long” này – như nhà văn Hải Bằng tác giả “Gia Đình Bác Tám” đã nêu ra trong Lời Bạt ở cuối tập truyện : “… luôn bàng bạc những từ ngữ đồng quê không thấy có trong từ điển điển Việt nhưng lại dẫy đầy và đậm nét trong lòng người Miền Nam, miệt ruộng vườn …”

Câu chuyện thật hấp dẫn này bắt đầu từ thời xa xưa với một ông Cố mù lòa mà có tài năng đánh bắt tôm rất thiện nghệ mà được một tay khác cũng rành nghề đứng ra thách đố thi đua xem ai là người câu vớt được nhiều tôm nhất tại một địa điểm được chọn lựa trên một khúc sông địa phương. Các tình tiết trong việc thi đua thách đố này được tác giả tường thuật rất khéo léo hấp dẫn đến độ ngộp thở luôn. Phải đọc đi đọc lại đến mấy lần, thì tôi mới vỡ lẽ ra được cái lối cư xử thật là “anh hùng mã thượng” của người miệt đồng quê thời xưa.

Nhưng phải đến mấy trang cuối, tác giả mới cho người đọc biết đến cái tệ trạng của thời thế hiện nay do một phần tử bậm trợn vô liêm sỉ – bị nêu đích danh là “Thằng Ba Cà Nhỗng – tìm cách o ép quấy phá chị Tím là một góa phụ mà kiên trì tiếp tục cái nghề “vớt giềng” truyền thống nổi danh từ thời ông cố xưa. Bị quấy phá o ép dữ dội quá, chị Tím đã phải nghĩ đến cách “giải nghệ” để còn có thể giữ được sự trong trắng tiết hạnh của mình. Cái nạn cường hào mất nết của lớp viên chức ở địa phương ngày nay cậy thần cậy thế của đảng cộng sản mà hống hách sỗ sàng áp bức chà đạp đối với người dân thấp cổ bé họng – như trường hợp của chị Tím ở đây – đã được tác giả tường thuật rất tài tình sinh động qua những mẩu đối thọai giữa người mẹ chồng là bà Út Đậu với người con dâu góa bụa mà trung trinh là chị Tím, bên cạnh đứa con là thằng Cu Đỏ mà cũng là đứa cháu nội cục cưng của bà Út. Câu chuyện được ghi lại làm nổi bật lên tính chất gắn bó kiên trì lành mạnh trong nội bộ của một gia đình miền quê Việt nam đối nghịch với sự lộng hành đểu cáng của viên chức chính quyền địa phương lúc này. Đây quả thật là một biểu hiện sắc nét của một nền văn học thấm đượm tinh thần nhân bản hiện thực nơi người cầm bút ở hải ngọai vậy.

3 – Sau cùng là Truyện “Người Chăn Vịt” (trang 137 – 162)

Truyện này bắt đầu với cái tai nạn xảy đến cho anh Đạt bị cơn bão lốc làm đắm ghe lúc cố gắng chèo trên sóng nước miền Hậu giang. Giữa cơn nguy biến làm anh Đạt ngất xỉu, thì anh mơ hồ nghe thỏang được câu nói quen thuộc bằng tiếng La tinh : “Te … baptizo …in …no…mi…ne… et… et… amen…” thường được đọc trong nghi thức Lễ Rửa Tội của Đạo Công Giáo mà anh là một con chiên ngoan đạo. Rồi sau lúc anh tỉnh lại được, thì nhận ra được mình mới được một cụ già cứu sống và đem về chăm sóc nơi cái chòi nuôi vịt trong vùng quê hẻo lánh sát cạnh khu vực có đông số người tín đồ theo Đạo Hòa Hảo sinh sống. Vị cứu tinh đó tên là Ông Bảy cỡ tuổi ngòai năm mươi với bộ áo nâu cũ mèm tiệp với sắc phục của dân địa phương vùng đất Hậu giang.
Sau ít lâu, Đạt phục hồi được sức khỏe và được ông Bảy chỉ dẫn cho cách kiếm kế sinh hai bằng lối làm công việc khuân vác chuyên chở lúa mới gặt của các nông dân trong vùng. Rồi sau một thời gian tạm mưu sinh ở đây, thì Đạt cũng tìm cách trở về lại với gia đình. Nhờ có dịp chuyện trò khi gặp lại với vị linh mục coi sóc xứ đạo của gia đình, mà Đạt khám phá ra được tông tích của vị cứu tinh vừa mới đây của mình nơi xứ sở của các tín đồ Hòa Hảo. Và không bao lâu sau, anh đã lặn lội đến thăm viếng để tỏ lòng biết ơn đối với ông Bảy là vị ân nhân của mình. Nhưng anh lại không thể nào gặp lại ông Bảy nơi cái chòi vịt năm trước, vì chỉ thấy cái chòi trống vắng mà chủ nhân thì đã biến dạng từ lúc nào mất rồi.

Câu chuyện tưởng như bị bỏ lửng ở đây, nhưng từ trang 165 tác giả lại bật mí cho người đọc nhận ra danh tính của một vị linh mục Lê Vĩnh Đường vào những năm chiến tranh xưa – đã tận lực giúp đỡ các giáo dân trong việc phòng thủ tự vệ nơi xứ đạo của mình. Rồi sau ngày miền Nam bị sụp đổ năm 1975, thì vị Linh mục này đã phải lẩn tránh sự trả thủ của kẻ chiến thắng bằng cách tự mình biến dạng mất tung tích luôn. Mặc dầu tác giả không hề ghi rõ thêm chi tiết nào khác, thì người đọc vẫn có thể mường tượng ra nhân vật ông Bảy cứu tinh của anh Đạt có thể đích thật là linh mục Lê Vĩnh Đường này chăng?

III – Ít dòng về giá trị của tác phẩm song ngữ này.

Bài viết đến đây đã khá dài rồi, tôi chỉ xin ghi nhận thật ngắn gọn cái cảm nhận của mình sau khi được đọc tập truyện “Cây Mít Đọt Đỏ” của tác giả Nguyễn Lê như sau:
1 – Về phần dịch thuật sang Anh ngữ, dịch giả Hồng Liên đã hết sức công phu tìm ra được những từ ngữ, lối nói thông dụng và cả cách phát âm của giới dân dả miền quê ở Mỹ để mà có thể lột tả thật chính xác đúng với bút pháp đặc trưng “miệt vườn” của tác giả Nguyễn Lê mà cũng là người bạn đời của bà nữa. Vốn là một người không thành thạo tiếng Anh bao nhiêu, tôi chỉ có ý kiến chủ quan hạn chế vậy thôi, và xin xác nhận rằng : “Việc đánh giá cho chính xác về bản dịch này, xin nhường lại cho những vị thức giả người Việt cũng như người Mỹ vốn có thẩm quyên hơn đứng ra thực hiện vậy…”

2 – Nói chung, thì đây là một tác phẩm đặc sắc với giá trị rất cao – cả về mặt nội dung và lối kết cấu cũng như về mặt hình thức nghệ thuật và ngôn ngữ phô diễn hết sức độc đáo của “lớp người dân dả miền quê sông nước xứ dừa Cửu Long” vậy.

Thành phố Knoxville Tennessee ngày cuối tháng Tư 2012

© Đoàn Thanh Liêm

© Đàn Chim Việt

 

 

2 Phản hồi cho “Cây Mít Đọt Đỏ -The Jack Tree With The Red Shoots”

  1. Lão Nông (Fr) says:

    - Shoot là đọt: Đọt bầu (Râu tôm nấu với đọt bầu….), đọt lang (rau lang) hoặc đọt xoài (chấm với mắm kho và ngồi ăn khi bên ngoài trời chiều mưa lất phất lạnh thì tuyệt) v.v…. Từ nầy được dùng phổ biến để chỉ phần trên cùng của cây gồm một đoạn ngắn thân còn non, lá non, và cả hoa hoặc nụ nếu có. Nó cũng có nghĩa như “chồi” nhưng ít được dùng hơn.
    - Sucker: Chính là chồi, phần mà khi trưởng thành sẽ là nhánh của cây.

  2. Thiến Heo says:

    Shoots : chồi cây
    Chồi cây là phần cây non mọc ra từ nhánh cây hay nách thân cây.
    Bamboo shoots : măng tre, măng trúc

    Đọt : phần lá non của các loại cây nhỏ.
    Đọt chuối, đọt ớt, đọt rau, đọt nhãn lồng.
    Ngọn cau, ngọn dừa, ngọn me, ngọn mít

    Cây Mít Đọt Đỏ -The Jack Tree With The Red Shoots

    Ông bà nào đặt cái tựa nầy có hai điều dở :
    1- Shoots là chồi chứ không phải đọt.
    2- Người miền Nam hay có thói quen “nói lái”. Mít đọt là gì? là Mót đ.t !

Leave a Reply to Thiến Heo