WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Lữ Phương bảo vệ Marx, chống độc tài toàn trị

Lữ Phương

Trong bài viết “Ông Võ Văn Kiệt và tôi”, Lũ Phương đã kể ông từng nói với Võ Văn Kiệt rằng:

Anh Sáu biết tại sao tôi quan tâm đến chủ nghĩa Mác như vậy không? Đó là do tôi nghe lời ông Đồng và ông Duẩn, hai ông này luôn khuyên nhủ cán bộ phải học tập chủ nghĩa Mác vì không hiểu chủ nghĩa Mác thì không thể xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội. Nghe lời hai ông đó, tôi đã quay mặt vào tường trong suốt 10 năm để tìm hiểu; anh có biết sau đó tôi đã kết luận như thế nào không?”. Ông nhướng mắt lên và hỏi: “Sao?” Tôi nhớ đã trả lời ông một cách tỉnh queo câu sau đây: Tôi nói hai cha nội đó chẳng biết Mác là con mẹ gì hết!. Không tưởng tượng được! Sau khi nghe câu nói báng bổ đó của tôi, ông đã cười phá lên, thoải mái như chưa bao giờ thoải mái đến như vậy! Không biết có đúng hay không, nhưng cái bí mật về chủ nghĩa Mác-Lenin mà ông không khi nào nói đến mỗi khi gặp tôi, dường như đã bộc lộ qua những tiếng cười của ông hôm đó”.

 

Trao đổi với bbcvietnamese.com hôm 26 tháng 02 vừa rồi, trong chuyên đề về trí thức, ông còn “ vơ đũa cả nắm”: “Tôi thấy, Chủ nghĩa Mác chẳng dính dấp gì đến thực tại Việt Nam cả. Thứ nhất, những người nhân danh chủ nghĩa Mác để họ quản lý, lãnh đạo xã hội, họ cho rằng “tiến lên chủ nghĩa xã hội”, nói một cách văn vẻ, thì họ ngộ nhận, họ hiểu lầm, họ không hiểu gì cả … họ lợi dụng, họ bóp méo hoàn toàn chủ nghĩa Mác, không dính dấp gì ở đây, nó là một chủ nghĩa Lenin, Stalin hóa, và nó là của Mao Trạch Đông. Cho nên những người nhân danh cái này để gọi là lãnh đạo Việt Nam, thì hoàn toàn không có cơ sở thực tế”.

Theo Lữ Phương:

Chủ nghĩa Mác là một học thuyết có tham vọng đặt ra và giải quyết được mọi vấn đề của thời đại một cách hiện thực, triệt để, nhưng do bản thân chỉ là một thứ triết học chứa đựng không ít những suy lý tư biện cho nên những giải pháp kết tụ trong cuộc cách mạng gọi là vô sản là hoàn toàn bất khả thi, và tính chất bất khả thi này đã nằm ngay trong bản thân khái niệm giai cấp vô sản của Mác: giai cấp vô sản không phải là giai cấp công nhân thực tế mà chỉ là một khái niệm triết học trong hệ thống triết học của Mác mà thôi. Chính vì cứ nhất quyết coi những kết luận về chủ nghĩa xã hội của Mác là “khoa học”, đặc biệt coi chủ trương “chuyên chính vô sản” của ông là cái cốt tuỷ cần phải nắm vững để đấu tranh xây dựng xã hội mới, cho nên các chế độ gọi là “chủ nghĩa xã hội hiện thực” nhân danh Mác đã đi vào con đường bế tắc: không có phát triển trong dân chủ và nhân đạo mà chỉ có trì trệ, bất lực trong chuyên chế và độc đoán mà thôi. Vấn đề đặt ra về mặt thực hành, theo tôi, do đó không phải là “vận dụng” chủ nghĩa Mác như một khoa học – nhất là cột Mác vào Lênin tạo thành một thứ chủ nghĩa Mác-Lênin – mà là hãy đối xử với chủ nghĩa Mác như một thứ triết học, được đối xử như vậy thì những các mặt tích cực lẫn tiêu cực trong lập luận của Mác cũng đều bổ ích cho đời sống. Trung tâm vấn đề ở đây là sự phân biệt cổ điển giữa triết học và khoa học, giữa tư tưởng suy lý và tư tưởng thực tiễn” (1).

Ông tìm thấy những yếu tố rất đáng trân trọng của Mác:

Hệ thống triết học của Mác, mặc dù tư biện, nhưng chứa đựng nhiều yếu tố tích cực: gợi ra cho những người nghiên cứu những định hướng mang tính phát hiện, nhắc nhở người ta phải chú ý đến những nhân tố hiện thực đã tạo nên lịch sử (như ảnh hưởng của khoa học kỹ thuật, những lợi ích vật chất, những mâu thuẫn giai cấp trong lòng một dân tộc…), những điều mà có lúc giới nghiên cứu đã không quan tâm đúng mức. Riêng khái niệm lao động bị tha hoá của Mác thì đã biến thành nguồn cảm hứng bất tận cho những xu huớng phê phán đến tận nền móng chẳng những đối với các hình thức tồn tại của xã hội hiện đại mà còn có thể đặt cơ sở để hình thành một thứ triết học chống tha hoá đối với cuộc sống nói chung của con người” (2).

Sự đóng góp của Mác vào đời sống tư tưởng của nhân loại là điều không thể phủ nhận được, sự đóng góp ấy bao giờ cũng đứng bên ngoài hình thức chính trị hoá triết học kiểu Lênin, và do đó chủ nghĩa Mác của Mác cần phải tiếp tục được thanh lọc khỏi những “vấy bẩn” của chủ nghĩa Lênin. Chủ nghĩa Lênin đó, thực chất chỉ là một thứ chủ nghĩa Mác bị xét lại theo phương hướng xuyên tạc triệt để nhất trong lịch sử triết học Mác: nhân danh cho một thứ ý thức hệ gọi là “khoa học”, nó đã tạo ra mô hình nhà nước toàn trị ý thức hệ đưa đời sống tinh thần xã hội trở về thời kỳ Trung cổ. Đích thực, không thể có một “phản ánh luận mácxít-lêninnít” nghiêm chỉnh theo tinh thần học thuyết Mác (2).

Triết học của Mác chứa đầy tham vọng giải phóng trần gian. Từ sự mâu thuẫn giữa tư bản và công nhân, giữa chủ và thợ trong phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa vào thế kỷ 19 ở phương Tây, Mác đã khái quát thành những mâu thuẫn xâu xé lịch sử loài người từ khởi thuỷ cho đến ngày nay: mâu thuẫn giữa những người nghèo và người giàu, giữa những người bị áp bức và đi áp bức, giữa dã man lạc hậu và văn minh tiến bộ, giữa ý thức hư huyễn và ý thức chân thực… – từ những mâu thuẫn ấy đưa ra triết lý về lao động và lao động bị tha hoá để giải quyết một lần cho xong tất cả.  Dấu ấn của tinh thần lạc quan của thế kỷ 18, 19 đã biểu hiện trong học thuyết Mác khá rõ rệt: đó là niềm tin mạnh mẽ về sự tất thắng của Lý trí, Khoa học và Tiến bộ trong việc tạo dựng tương lai. Để thể hiện niềm tin đó, và với ý hướng muốn thoát khỏi phương pháp tư biện trong các triết học duy tâm, Mác đã kêu gọi người ta trở về với cái hiện thực thời ông đang sống và dấn thân thay đổi nó” (3).

Song, thật đáng tiếc, không chỉ Lênin, Stalin, Mao Trạch Đông lần lượt bóp méo Mác ngày càng tệ hại cho những mục đích chính trị của họ, mà ngay cả Angghen cũng từng làm xuy xuyển Mác:

Sự lý giải của Angghen về mối quan hệ giữa ý thức xã hội với tồn tại xã hội cũng không tránh khỏi sự thiếu nhất quán đối với triết học Mác. Phân biệt sự khác nhau giữa tự nhiên và xã hội, Angghen cho rằng nếu quy luật của tự nhiên hoàn toàn bị sự vô ý thức và mù quáng chi phối thì trong xã hội ngược lại không có gì xảy ra “lại không có ý định tự giác, không có mục đích mong muốn”. Tuy vậy, theo Angghen thì những ý định tự giác, có ý thức đó vẫn chỉ là những cảm nhận trực tiếp của những cá nhân riêng lẻ thôi; những mong muốn ấy “ít khi nào thực hiện được” khi người ta sống trong xã hội, và chính trong những hoạt động này đã hình thành ra cái mà Angghen gọi là những “hợp lực” biểu hiện cho một thứ “ý chí trung bình chung”, căn cứ vào đó, ông giả định về sự tồn tại của một thứ động lực khách quan, tập thể, độc lập với ý thức của những cá nhân, có nguồn gốc sâu thẳm trong cuộc sống vật chất của xã hội. Như vậy, chấp nhận sự phân biệt ý thức cá nhân với ý thức xã hội như Mác, nhưng Angghen đã biến cái ý thức xã hội mà Mác coi là cái tồn tại được ý thức thành một thực thể không khác gì với cái mà những nhà xã hội học thực chứng thường gọi là tâm lý quần chúng, hoặc tâm lý cộng đồng” (2).

Những suy tưởng của Ăngghen về lao động tha hoá, ý thức huyễn hoặc … cũng hoàn toàn khác biệt với những khái niệm cực kỳ quan trọng này trong học thuyết của Mác.

Không giống Mác, phản ánh luận trong triết học của Angghen đã đảo ngược lại biện chứng pháp của Hegel. Trong khi Mác đảo ngược cái Tinh thần tuyệt đối của Hegel thành thực tiễn lao động, coi đó là điểm xuất phát của triết học, thì Angghen lại dành cho thực tiễn lao động một ý nghĩa khác mà ông gọi là vật chất.

Càng oan uổng cho Mác hơn khi trong tay Lênin chủ nghĩa Mác đã bị bóp méo thảm hại nhằm huy động cho cuộc Cách mạng Tháng Mười.

Với những nhận xét sau, Lữ Phương cho rằng Cách mạng Tháng Mười là cuộc cách mạng phản mácxít hoàn toàn.

1 – Do không được bất cứ cuộc cách mạng vô sản nào ở những nước phương Tây nổ ra để yểm trợ, cuộc cách mạng Tháng Mười Nga không hề có được tính phổ quát, trái lại nó chỉ là một cuộc cách mạng địa phương, cục bộ, xuất hiện từ cái thế giới ngoại vi của chủ nghĩa tư bản: cái quốc tế do Lênin sáng tạo ra chỉ là sự tập hợp của đa số những quốc gia nghèo khổ, chậm phát triển.

2 –  Khái niệm chuyên chính vô sản trong lý luận của Mác mà Lênin bao giờ cũng nhắc nhở rằng đó chính là hòn đá tảng của chủ nghĩa Mác và cho rằng ai mà rời bỏ khái niệm ấy cũng là xa rời chủ nghĩa Mác trong thực chỉ là sự chuyên chính của những người tự cho mình là nắm được khoa học về sự phát triển của lịch sử, và như vậy là sự chuyên chính của môt lập trường, một thế giới quan do một thiểu số trí thức tạo ra. Thiếu hẳn thực chất mácxít (dù không tưởng), nội dung của khái niệm chuyên chính vô sản đó chỉ đơn thuần là sự chuyên chính của một ý thức hệ tự cho mình là vô sản – sự chuyên chính của một đảng phi mácxít.

3 –  Cái mô hình xã hội được gọi là “chủ nghĩa xã hội” nhân danh Mác để xây dựng cũng đã rơi vào sự suy thoái như thế. Không thể tiến thẳng lên cái không thể tiến lên được, Lênin đã đề xuất những chiếc cầu trung gian mang tính chất lùi bước mà ông gọi là chủ “nghĩa tư bản nhà nước”, qua đó tìm động lực xây dựng cơ sở vật chất để chuyển hoá xã hội lên một hình thái xã hội-kinh tế cao hơn. Nhưng cũng do cái viễn cảnh ấy của hình thái kinh tế-xã hội cao hơn là không tưởng cho nên cái nấc thang mượn đường ấy mãi mãi chỉ là cái nấc thang nằm nguyên một chỗ” (4).

Mô hình XHCN hiện thực do Lênin xác lập cũng rất phản Mác.

Trong mô hình XHCN của Mác chế độ tư hữu bị xoá bỏ, tất cả tư liệu sản xuất được xã hội hóa, trở thành tài sản chung của mọi người. Xã hội tồn tại trong một nền kinh tế không còn thị trường, không còn hàng hoá, với một thể chế chính trị do giai cấp vô sản chiếm đại đa số dân cư làm chủ bằng một nhà nước kiều mới do mình trực tiếp tạo ra. (Tất nhiên, đây là một mô hình không tưởng).

Trong mô hình XHCN hiện thực, chủ nghĩa tư bản vẫn còn tồn tại nhưng là một thứ chủ nghĩa tư bản nhà nước độc quyền phi thị trường, phi hàng hoá mà Lenin đã mượn từ sự suy lý tư biện của Angghen,

Theo Lữ Phương:

Sự tha hóa trong chủ nghĩa tư bản nhà nước kiểu lêninnít, do không còn phải thông qua những định chế trung gian đặt nền trên phương thức sản xuất hàng hóa như trong chủ nghĩa tư bản cổ điển, nên đã trở thành sự tha hóa của con người trực tiếp với những ý tưởng của mình. Nói cách khác, nếu trong chủ nghĩa tư bản cổ điển, con người đánh mất bản thân trong hàng hóa và những cơ chế xã hội xây dựng trên trao đổi hàng hóa thì trong chủ nghĩa tư bản nhà nước lêninnít, con người đã đánh mất bản thân chính trong những ý tưởng giải phóng con người khỏi nền sản xuất hàng hóa. Và đó cũng là tình trạng con người đánh mất bản thân trong những ý tưởng được coi là đi giải phóng con người. Lý thuyết mácxít về giải phóng lao động ở đây đã bị đảo ngược: nó trở thành một thứ ý thức hệ không phải chỉ để những người tổ chức sản xuất huyễn hoặc những người lao động mà cũng còn là cái để chính những người lao động đưa mình vào một “mai sau” mờ mịt. Nó tạo ra cái ảo ảnh đã được lý tưởng hóa về một hiện thực trần trụi, nghèo nàn, làm cho con người tưởng rằng qua đó có thể tìm thấy hạnh phúc thật sự. Sự tha hóa tinh thần ấy không khác gì sự tha hóa mang tính chất tôn giáo mà Mác đã tố cáo. Nhưng đó không phải là thứ tôn giáo siêu việt hứa hẹn cho con người một đời sau tuyệt đối mà chỉ là một tổ chức chính trị trần tục, tầm thường được tôn lên thành cái tuyệt đối đó” (4).

Đối với số phận dân tộc Việt Nam, điều khốn khổ tệ hại là, chủ nghĩa Mác đã thấm vào đầu Nguyễn Ái Quốc – người sau này trở thành lãnh tụ ĐCSVN – lại thông qua thần tượng Lênin:

Đọc những gì ông viết về lý luận mà ông gọi là “chủ nghĩa Mác-Lênin”, chúng ta thấy dường như sự hiểu biết của ông về Mác có phần không được nghiêm chỉnh lắm: tinh thần dân chủ không tưởng của Mác, biểu hiện rõ nhất trong lý luận về sự chế ngự của xã hội công dân đối với nhà nước là chuyện ông hoàn toàn không biết đến. Điều lôi cuốn ông có lẽ chỉ là mấy chữ “thế giới đại đồng” giông giống với cái khái niệm “tứ hải giai huynh đệ” trong Nho giáo vậy thôi. Sự hấp dẫn của Lênin đối với ông, ngoài tính cương nghị, nhạy bén, thực tế của một lĩnh tụ chính trị, có lẽ còn là cái tinh thần “khai sáng” của những bậc hiền nhân đối với đám dân đen thô lậu, ngu dốt, khốn khổ. Cung cách “nôm na” trong cách nói, cách ứng xử của ông, việc ông rất thích chú ý đến những chuyện “tương cà mắm muối” cho nhân dân có lẽ cũng là do kết quả của việc ông đã “Đông phương hoá” cái tinh thần từ trên trông xuống đó của Lênin. Thứ “chủ nghĩa tập thể” mà ông hay nói đến để răn dạy cán bộ, nhân danh Mác, thật ra không phải xuất phát từ cái ý hướng giải phóng con người khỏi chủ nghĩa cá nhân tha hoá trong xã hội tư sản, mà chỉ là một thứ tinh thần kỷ luật cách mạng của Lênin (suốt đời hy sinh vì đảng) cộng với một “cái chúng ta” vô ngã, phi cá tính nào đó tiềm ẩn trong các thứ lý luận phương Đông cổ xuý cho những thứ trật tự bất biến về xã hội và tự nhiên” (5).

“Chủ nghĩa Lênin mà ông mới chỉ nghe qua vào tháng 7 năm 1920, đã bắt đầu cố định thành thứ chủ nghĩa Lênin được giảng giải theo cách của Stalin rồi. Đường lối cách mạng vô sản phương Đông do Lênin hình thành, dần dà sau đó cũng đã được cụ thể hoá thành chính sách của Stalin coi Liên bang xô viết là trung tâm cách mạng thế giới, coi chủ nghĩa xã hội thực hiện ở Liên xô là hình mẫu cho các nước phải theo, khẳng định mạnh mẽ trong thực tế dần dần chiều hướng “gió Đông quyết định gió Tây”, manh nha từ năm 1920 trong Quốc tế III, từ đó hình thành ra “phe” xã hội chủ nghĩa như một thứ chủ nghĩa cộng sản mang tính cục bộ,“địa phương” khác hẳn với Mác, và trong chừng mực nào đó với cả Lênin nữa. Tất cả những chuyển biến trong bản thân cái gọi là cuộc cách mạng vô sản mácxít cũng đã quyết định hoàn toàn con đường phát triển của cách mạng Việt Nam do Hồ Chí Minh lãnh đạo. Một mặt, nếu nó đã đưa Việt Nam tham gia vào những cơn sóng gió không ngừng ngả nghiêng vì những cuộc thanh toán nội bộ một cách ác liệt trong Quốc tế III thì mặt khác cũng lại gắn chặt số phận đất nước ngày càng sâu vào đó như một định mệnh không thể gỡ ra được” (5).

Không hề có chủ nghĩa Mác ở Việt Nam:

“Chủ nghĩa Mác ở Việt Nam khởi đầu là chủ nghĩa Lênin, sau đó đã trở thành chủ nghĩa Mác-Lênin đã được “Đông phương hoá” lần lượt theo kiểu Stalin rồi sau đó là Mao Trạch Đông: đó là một thứ chủ nghĩa Mác đã bị biến dạng, xa lạ hoàn toàn với nguồn gốc xã hội và văn hoá của nó.Chủ nghĩa yêu nước truyền thống mà Đảng cộng sản Việt Nam muốn nương theo để đưa dân tộc Việt Nam vào “chủ nghĩa xã hội”, qua sự thử thách của thời gian, với chính mục tiêu của Mác, như vậy là đã hoàn toàn thất bại” (5).

Du nhập tư tưởng Lenin, Stalin, Mao Trạch Đông vào Việt Nam, không chỉ làm kiệt quệ Miền Bắc mà “Khi được bê nguyên xi vào áp dụng ở miền Nam Việt Nam sau khi thắng lợi hoàn toàn, cái mô hình đó lập tức đã phát huy ngay sức mạnh tàn phá của nó đối với tất cả những thành quả mà miền Nam đã đạt được trong suốt quá trình công nghiệp hóa (dù còn ở bước đầu) và hiện đại hóa. Chỉ còn vài năm, bắt đầu là “tiếp quản” rồi sau đó là “cải tạo” tư sản ở thành phố, “hợp tác hóa” ở nông thôn, đời sống người dân đã bị đẩy lùi lại tình trạng trước đó khoảng vài ba chục năm, khốn khổ như chưa bao giờ đã xảy ra, dưới chế độ phong kiến, thực dân. Nền sản xuất hàng hóa mở rộng đã bị phá vụn thành những khu vực nhỏ bé, chiếm lĩnh bởi những cái gọi là “ngành” hay “lãnh thổ”; bất cứ cơ quan nào hay địa phương nào (kể cả xã, ấp) cũng có thể lập ra các hàng rào, trạm gác để chặn xe cộ lại xét hỏi, tịch thu, đánh thuế; còn nếu có gì gọi được là sản xuất thì cũng chỉ là những phong trào vận động ồ ạt người ta đi “lao động xã hội chủ nghĩa” (đắp mương, làm thủy lợi…) hoặc rủ nhau đi ra khỏi thành phố xin đất để làm rẫy kiểu “tự túc” như thời kháng chiến trong rừng, tốn không biết bao xăng nhớt, thì giờ mà kết quả chẳng đi đến đâu (6).

Sự chiến thắng của Đảng cộng sản là một sự kiện động trời với nước Mỹ và ngoạn mục với thế giới. Nhưng với Việt Nam, sự chiến thắng ấy chỉ đem lại cho tuyệt đại đa số những người dân bình thường điều mà họ đã mòn mỏi mơ ước từ lâu: đất nước được hoà bình. Và hơn nữa, phục hồi lại toàn vẹn chủ quyền trong thống nhất, từ đó tạo điều kiện cho những giấc mơ mới sinh thành. Nhưng chưa kịp định hình thì những giấc mơ này đã tan vỡ ngay lập tức. Đảng cộng sản khai thác được sức mạnh của dân tộc để chống ngoại xâm, nhưng ý thức hệ cộng sản đem vào xây dựng lại hoàn toàn đi ngược những điều đơn giản: chữa lành những vết thương chiến tranh, tạo dựng lại cuộc sống yên ấm cho nhân dân. Tất cả những sai lầm từ miền Bắc mệnh danh “xã hội chủ nghĩa” sau khi thắng Pháp nay đã được lập lại nguyên vẹn ở miền Nam sau khi thắng Mỹ: cũng trả thù những người khác chiến tuyến, khắc nghiệt với những người khác ý kiến, cũng đấu tranh giai cấp bằng cải tạo ở thành thi, hợp tác hoá ở nông thôn, gây ra đói nghèo, khổ sở, khiến bao người bỏ nước ra đi… trong khi đó thì ồn ào phất cờ “tiểu bá” tạo cớ cho người anh em “đại bá” đưa xe tăng và đại pháo tràn sang biên giới nhen lại chiến tranh. “Thắng trong chiến tranh nhưng bại trong hoà bình”, đã có hơn một tác giả phương Tây từng ủng hộ Việt Nam trước đây nhận xét như vậy sau khi Việt Nam thống nhất không lâu” (7).

Vì đâu nên nông nỗi này? Phải chăng mọi việc chỉ bắt đầu từ Đại hội Tours, năm 1920, khi Nguyễn Ái Quốc chuyển hướng từ chủ trương “Ỷ Pháp cầu tiến bộ” và “Ỷ Pháp tự trị” của Phan Châu Trinh sang con đường cách mạng cực đoan của Đệ tam Quốc tế. Hay, từ cái đêm bất hạnh, Nguyễn Ái Quốc bật khóc trước những trang viết của Lênin rồi quyết định từ giã môi trường hoạt động khuynh tả ở nước Pháp dân chủ để sang Nga tiếp nhận mô thức chuyên chế kiểu phương Đông vào năm 1923.

Thực tế, cũng chẳng ra Lênin, dù đu dây, lúc ngả vào lòng Liên Xô, lúc nằm gọn trong vòng tay Trung Quốc, ĐCSVN cuối cùng vẫn thực hiện một thứ “chủ nghĩa Stalin mang đặc điểm Trung quốc” ­- đó là chủ nghĩa Mao – một hệ tư tưởng tệ hại nhất trong những hệ tư tưởng gọi là “xã hội chủ nghĩa” phản Mác nhưng vẫn  nhân danh Mác!.

Vì sai một ly (giữa Nguyễn Ái Quốc với Phan Châu Trinh) nên đã phải đi một dặm. Một dặm quá dài, đầy máu lửa, tan tác quê hương, đầm đìa nước mắt, ĐCSVN không thể không sửa sai (họ gọi là “Đổi mới”). Nhưng:

Những cái gọi là “đổi mới” lý luận về chủ nghĩa xã hội ra đới dưới sự bảo trợ của đảng và nhà nước hiện nay ở Việt Nam, theo tôi, chỉ là sự xoay sở một cách vô cùng hỗn loạn để đối phó với tình thế khó khăn ấy: nó chỉ lay hoay trong sự chắp vá tìm ra cách nói, cách trình bày như thế nào trước công luận để biện minh cho sự từ bỏ trên thực tế những nguyên lý mácxít về chủ nghĩa xã hội nhưng cuối cùng vẫn duy trì được sự độc tài của đảng chứ không phải là cái gì khác. Nhưng vấn đề đặt ra ở đây là tình trạng ấy sẽ kéo dài được bao lâu, và kéo dài bằng cách nào khi mà, ngoài sự trấn áp, hù doạ quen thuộc, đảng đã không còn trong tay sự dự trữ tinh thần nào khác ngoài những thủ đoạn nói dối, mị dân? Sự tan rã về tư tưởng trong hàng ngũ đảng hiện nay là điều đã trở thành hiển nhiên không còn có thể nghi ngờ chút nào. Đảng đang tìm cách “tự diễn biến”, tự thay hình đổi dạng cũng là điều không thể nghi ngờ chút nào. Những băn khoăn của tôi không phải ở chỗ đó mà là xét xem sự biến chất của đảng theo chiều hướng đó có mang lại được ích lợi thật sự cho sự phát triển của dân tộc hay không mà thôi. Tôi cho rằng mọi việc ngày càng chìm sâu vào tình trạng bế tắc, thực dụng hoàn toàn không có lối thoát về lý luận. Có lẽ sự mơ mộng của tôi, nếu có, thì chỉ xuất phát từ tình trạng ấy: mong muốn sự hoá thân của đảng diễn ra một cách “tử tế” hơn, sự đổi mới của đảng diễn ra một cách toàn diện hơn, dân chủ hơn, có ý thức hơn, chứ không ứng biến nửa vời và phản văn hoá như nó đang diễn ra hiện nay” (1).

Thực chất của cái xã hội “đổi mới” ra đời “dưới sự lãnh đạo” của Đảng cộng sản hiện nay ở Trung Quốc và cả Việt Nam chính là cái thực thể mà học thuyết Mác đã phủ định từ nền móng, không có tên gọi nào khác hơn là chủ nghĩa tư bản, kẻ thù của chủ nghĩa xã hội mácxít, nên mới khen cái cái chế độ “XHCN” đã xoay chiều đó là “vì tinh thần nhân đạo, vì lợi ích cách mạng” một cách xun xoe hể hả! …. Một người xa quê hương 30 năm, nay trở về thăm nhà chắc hẳn sẽ có dịp thấy tận mắt điều đó đang diễn ra như thế nào. Rõ ràng là “chủ nghĩa tư bản” đã được phục hồi. Với tất cả những nô nức hứa hẹn thăng tiến cuộc sống xen lẫn với nghèo đói, ma tuý, mại dâm, tội ác, tham nhũng… ồn ào, chụp giật, rừng rú, vui buồn đủ thứ nhưng đó vẫn là “chủ nghĩa tư bản” chứ chẳng phải là cái gì khác ” (8).

Muốn ĐCSVN đổi mới thực sự, đổi mới đúng hướng thì phải “Diễn biến Hòa bình” họ và làm cho họ “tự diễn biến”. “Phong trào Dân chủ” có nhiệm vụ đảm trách sứ mệnh thiêng liêng đó. Tiếc rằng khi được hỏi về phong trào này Lữ Phương đã cho biết:

“ …tìm hiểu hiện tượng hàng loạt những tổ chức ra đời cùng tính chất với “Khối 8406” anh vừa hỏi: Cứ viết bài chửi Mác, chửi Hồ Chí Minh tới bến, càng dữ dằn, bạt mạng thì càng được xưng tụng là “chiến sĩ dân chủ”. Chỉ với một số người cùng với mấy cái PC nặn ra một tuyên ngôn kêu gọi đa nguyên, đa đảng gửi lên mạng toàn cầu là đã có thể khai sinh cho một số tổ chức mệnh danh dân chủ (cũng với bao nhiêu nhân sự đó), nếu có làm gì tiếp thì ngoài việc ra hết tuyên bố này đến tuyên bố khác kết án cộng sản, là chờ dịp viết thư (đăng lên mạng) kêu gọi những ông này bà nọ trong chính giới Mỹ dạy cho những người lãnh đạo cộng sản Việt Nam một số bài học dân chủ và nhân quyền, kể cả những bài học thực thi bằng biện pháp ngoại giao và kinh tế! (9).

Tình hình mới khởi đầu nhưng dường như không hứa hẹn điều gì đáng phấn chấn ngoài sự ồn ào trên các website đấu đá ở hải ngoại. Mọi việc diễn ra cho chúng ta thấy cái thiếu hoàn toàn cho điều đáng mong ước mà anh nói chính là cái gọi là “văn hoá dân chủ”. Dân chủ vì phục hận, trả thù, dân chủ thực hiện bằng chửi bới bạt mạng, cho mình là người duy nhất nắm chân lý, dân chủ vì đô la, kèn cựa nhau để tìm chỗ dựa của bên ngoài… thì như có người đã nói đó chỉ là thứ dân chủ … “chợ búa” thôi. Chưa tìm cách ngồi lại với nhau để thanh toán cho nhau cái thứ “văn hoá dân chủ” ấy như Hà Sĩ Phu đã ám chỉ thì người ta chưa thể bàn gì đến việc tập hợp lực lượng, huống chi là chuyện thống nhất tổ chức” (9).

Theo Lữ Phương, dù đã quá muộn, lẽ ra sau 1975, ít nhất ĐCSVN đã phải thực hiện những điều tiên quyết sau đây:

“- Từ bỏ ý định “phất cờ”, “chính sách đóng cửa, tự lực cánh sinh theo lối cũ”.

- “Từ bỏ những phương pháp cách mạng và bạo lực”.

- “Từ bỏ khái niệm nhà nước giai cấp”.

- “Thể hiện chuyên chính bằng hiến pháp và pháp luật”.

- “Thực hiện tam quyền phân lập”, “xây dựng nhà nước pháp quyền”, “nền móng để giải quyết vấn đề đa nguyên, đa đảng”.

- Ðảng cộng sản “phải giao toàn bộ quyền lực cho nhà nước, trở về xã hội công dân, tự đặt mình trong pháp luật, bình đẳng với mọi tổ chức chính trị xã hội khác, từ đó khẳng định lại năng lực và phẩm chất của mình”” (10)

Rút trong cuốn “ĐÊM DÀY LẤP LÁNH”  

(Tác giả gửi đăng)

————————————-

Ghi chú:

(1)  Lữ Phương – Trả lời báo “Diễn Đàn, Paris, tháng 7- 1995                                                        (2) Lữ Phương – Phản ánh luận Macxit-Leninit                                                                                      (3) Lữ Phương – Vấn đề Lao động trong học thuyết Mác                                                                        (4) Lữ Phương – Chủ nghĩa xã hội mácxít & chủ nghĩa xã hội hiện thực                                                                       (5)  Lữ Phương – Từ Chủ Nghĩa Yêu Nước  đến Chủ Nghĩa Xã Hội                                                             (6) Lữ PhươngViệt Nam “Đổi Mới”: 1979-1986                                                                                   (7)Lữ Phương – Chiến Tranh Việt Nam: Chủ quyền Quốc gia, Xung Đột Ý thức hệ và Hoà giải Dân tộc                                                                                                                                                         (8) Lữ Phương – Những Kẻ Không Được Lên Thiên Đường!                                                              (9) Đoàn GiaoThủy – Vấn Đề Dân Chủ Hoá ở ViệtNam                                                                          (10) Lữ Phương – Chủ nghĩa Xã hội ViệtNam: di sản và đổi mới

 

 

 

 

 

 

 

 

38 Phản hồi cho “Lữ Phương bảo vệ Marx, chống độc tài toàn trị”

  1. kbc3505 says:

    Chẳng biết đây là lần thứ mấy ông Nguyễn Thanh Giang lại đi “mượn” chuyện người khác để gởi gắm tâm trạng mình chửi xéo chế độ và nếu có chuyện gì xảy ra ông có lý do đổ thừa hay chạy tội. Và lần này “nạn nhân” là ông Lữ Phương, làm thiên hạ cứ “đè” ông Lữ Phương ra mà nọc.

    Sao ông Giang không can đảm tự viết ra những gì mình nghĩ?

    kbc3505

  2. maison says:

    Audio clip: Adobe Flash Player (version 9 or above) is required to play this audio clip. Download the latest version here. You also need to have JavaScript enabled in your browser.

  3. Trúc Bạch says:

    Giờ này mà còn muốn bảo vệ Mác thì chỉ có là người Điên, hoặc người …Say mà thôi !

    - “Vì Người Điên Không biết nhớ” là chủ nghĩa Mác chỉ (có thể) đúng với xã hội thế kỷ 18-19; Còn nay thì đã là thế` kỷ 21 rồi !

    - “Và người Say không biết buồn” khi tai đã nghe, mắt đã thấy những kẻ Mộng Du, khát máu như Lê Nin, Xít Ta Lin, Mao Trạch Đông, Hồ Chí Minh, Polpot..v.v….nhân danh học trò của Mác, đưa nhân loại vào một thời kỳ kinh hoàng của chiến tranh và đói kém xuốt gần 100 năm nay mà chưa dứt hẳn

    Diện bích 10 năm, Lữ Phương mới thấy các tên đệ tử của Mác như Lê Nin, Xít Ta Lin, Mao Trạch Đông, Hồ Chí Minh là sai….

    Nếu ông Lữ Phương chịu khó “diện bích” thêm mười năm nữa thì cũng sẽ ngộ ra rằng : Chính Mác mới là người sai trước tiên, và học thuyết sai lầm của Mác chính là nguyên nhân gây ra thảm họa cho nhân loại trong xuốt thế kỷ qua .

    Tóm lại : Không phải Lê Nin, Xít Ta Lin , Mao Trạch Đông và đệ tử trung thành của họ là Hồ Chí Minh sai, mà chính Mác đã sai ngay từ đầu vì Mác không hiểu rằng quy luật của xã hội là chuyển biến và chuyển hóa chứ không bất biến để những nhận định của Mác “sống đời” và “đúng” ở khắp mọi nơi .

  4. Lão Ngoan Đồng says:

    Thưa bà con,

    1/
    Tôi chỉ là một anh mù sờ voi, khi đọc đoạn đầu bài văn nghị luận trên của ông Nguyễn Thanh Giang, tôi đã ngộ ra và phá lên cười, rồi không thể nào nghiêm chỉnh đọc tiếp thêm nữa.

    [trích]

    Trong bài viết “Ông Võ Văn Kiệt và tôi”, Lũ Phương đã kể ông từng nói với Võ Văn Kiệt rằng:

    “Anh Sáu biết tại sao tôi quan tâm đến chủ nghĩa Mác như vậy không? Đó là do tôi nghe lời ông Đồng và ông Duẩn, hai ông này luôn khuyên nhủ cán bộ phải học tập chủ nghĩa Mác vì không hiểu chủ nghĩa Mác thì không thể xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội. Nghe lời hai ông đó, tôi đã quay mặt vào tường trong suốt 10 năm để tìm hiểu; anh có biết sau đó tôi đã kết luận như thế nào không?”. Ông nhướng mắt lên và hỏi: “Sao?” Tôi nhớ đã trả lời ông một cách tỉnh queo câu sau đây: Tôi nói hai cha nội đó chẳng biết Mác là con mẹ gì hết!. Không tưởng tượng được! Sau khi nghe câu nói báng bổ đó của tôi, ông đã cười phá lên, thoải mái như chưa bao giờ thoải mái đến như vậy! Không biết có đúng hay không, nhưng cái bí mật về chủ nghĩa Mác-Lenin mà ông không khi nào nói đến mỗi khi gặp tôi, dường như đã bộc lộ qua những tiếng cười của ông hôm đó”.
    [hết trích]

    2/
    Tôi cho rằng, ông Giang đã lại chơi trò “gậy ông đập lưng ông”, hay “lấy mỡ nó rán chính nó” !
    CS không cho ông nói thẳng, thì ông nói vòng nói kháy, chả khác gì các văn nghệ sĩ thời CS xưa nay.

    Mấy hôm trước BBT Đàn Chim Việt cho đăng bài của ông Giang, đã dùng tác phẩm Tổ Quốc Ăn … Nằm của Nguyễn Gia Kiểng đế mắng xéo Đảng CS.
    Nay ông lại dùng nhà mác-xít học Lữ Phương chửi CS. Cũng chả khác nào Lữ Phương hư cấu (?), tạo ra một giai thoại giữa Lữ Phương với Võ Văn Kiệt ở trên, nhằm chửi các lãnh đạo CS, điển hình là Lễ Duẫn và Phạm Văn Đồng.

    Theo góp ý của bạn đọc bên dưới, lại có thêm giai thoại (?) Đỗ Nam Hải công kích ông Giang qua bài viết trên !
    Chả hiểu đó là sự thật, hay chỉ là thêm trò mới giữa các nhà hoạt động dân chủ trong nước với nhau !?
    Ông “Biển Nam” muốn cho thiên hạ chú ý kỹ hơn nữa bài nghị luận của ông “Sông Xanh” phe mình chăng ???

    3/
    Tại sao tôi lại đặt dấu hỏi to tướng ấy ở đây ?

    Thưa hồi tưởng lại chuyện cũ, có anh chàng tên Đức, bị công an Hà Nội bắt rồi hành hùng bằng sự đạp vào mặt vào người, khi đi biểu tình chống Tàu xâm lăng Việt Nam. Nhưng ít ngày sau anh Đức đã bị Người Buôn Gió tố khổ hay gọi là “lật mặt nạ” cũng đúng, là anh Đức tuy có cùng hành động chống Tàu, nhưng đó là hiện tượng chứ không phải bản chất của con người dân chủ. Trước sau anh ta vẫn là một kẻ trung thành với lý thuyết CS và đảng CS, nhưng khi thấy lãnh đạo đảng CS sai, quá mềm trước sự lộng hành của đám “Tàu lạ”, nên đứng lên phản kháng thế thôi !
    Bất đồ qua những bức ảnh họp mặt các người biểu tình sau khi tạm nghĩ một cuối tuần không biểu tình, tôi thấy anh Đức này lại có mặt giữa những nhà dân chủ tay tổ ở thủ đô, như Nguyễn Xuân Diện chẳng hạn !
    Tôi lấy làm lạ và gọi điện hỏi ông Vũ Thư Hiên. Ông Hiên cũng trả lời chả biết mô tê mù tịt gì cả. Tôi hỏi ông Hiên vì thấy blogger Người Buôn Gió kính nể “đại ca” Vũ Thư Hiên lắm. Khi anh ta qua Paris chơi đã được đại ca Hiên bao bọc mọi điều, nên khi hồi hương đã viết bài cám ơn kèm theo hình ảnh đàng hoàng.

    Tóm lại, ôi càng lúc tôi càng thấy mình mù thật bà con ạ !
    Hoà mù giăng mắc muôn nơi, thoạt thế này thoạt thế khác !

    Lão Ngoan Đồng

    TB
    Tôi xin kể thêm chuyện khác, là khi tôi đọc trong Chân Dung và Đối Thoại của Trần Đăng Khoa, có bài phỏng vấn Tố Hữu, khiến tôi “lạnh mình”, không tin đó là thật, mặc dù Xuân Sách đã cực tả về Tố Hữu bằng các câu thơ trác tuyệt : NHÀ CÀNG LỘNG GIÓ THƠ CÀNG NHẠT / MÁU Ở CHIẾN TRƯƠNG HOA Ở ĐÂY !

    Chẳng hạn khi ông ta bộc lộ rất thật về chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử lẫy lừng thực sự ra sao ? Cũng như thân phận cô đầu văn nghệ của ông dưới mặt các lãnh tụ Cộng Sản, như cụ Hồ và ông Trường Chinh.

    Ông Hồ ra lệnh thẳng, chỉ làm thơ tuyên truyền thôi nhé, nghĩa là “NAY Ở TRONG THƠ NÊN CÓ THÉP / NHÀ THƠ CŨNG PHẢI BIẾT XUNG PHONG!

    (Nguyễn Duy thời sau đại thắng 75, khổ quá phải cải thiện đời sống bằng cách làm theo mọi người nuôi heo ở một căn hộ cao tầng tại trung tâm thành Hồ, đã cải biên thơ cụ Hồ và dán nơi chuồng heo: nay ở trong thơ nên có …. cám/ nhà thơ cũng phải biết …. chăn heo !
    Nguyễn Duy còn tếu táo, dơ một tay cao lên ngang trán mà bảo rằng: Tôi là một trong những kẻ tiên phong thời đó đã đưa con lợn lên … ngang tầm thời đại !)

    Chính miệng Tố Hữu thú nhận là, cụ Hồ chưa từng khen thơ mình bao giờ cả.
    Còn Trường Chinh chỉ ầm ừ, khen “tào lao cho vui” (sic) tài làm thơ của Tố Hữu !

    Sự thật có đúng như Trần Đăng Khoa kể, hay là khi thấy Tố Hữu đã hết thời nên … dzỡn nhột cho dzui ! Tôi phân vân bởi tác phẩm trên là một trong những tác phẩm ăn khách nhất chẳng phải riêng của Khoa mà cả trong nền văn học thời CS đấy nhé. Nó được tái bản rất nhiều lần trong thòi gian ngắn và là đề tài tranh luận sôi nổi rất lâu ở trong và ngoài nước (do nhóm Cánh Én ở Nam Đức chủ đạo, qua tài vận động tuyên truyền của Đỗ Ngọc, cựu tổng biên tập Cánh Én, lúc đó đang cư trú ở gần Vancover, Canada)
    Anyway, xin đọc một chút bài phỏng vấn của Khoa xem sao nhé. Xin ban biên tập vui lòng cho tôi dẫn chứng mộ đoạn dài nơi đây nhé. Thanks a lot

    [trích]
    Tố Hữu cười:
    - Bài thơ Hoan hô chiến sĩ Điện Biên thì cũng chẳng có gì phải nói thêm nữa. Mình đã viết cả ra rồi. Có gì cũng nói tuột ra hết. Thơ mình là thế, là cứ nói thẳng tuồn tuột, chẳng có gì khuất khúc cả.
    - Vâng, bài thơ nói được nhiều điều lắm. Đầy ắp tư liệu thông tin. Nhưng có thông tin mà bạn đọc bây giờ tò mò muốn biết thì bài thơ lại không nói đến. ấy là thông tin về tác giả. Khi viết bài thơ này, anh đang ở đâu?
    Tố Hữu ngồi im lặng. ánh mắt bỗng xa vợi. Hình như ông đang lục trong trí nhớ, cố tìm một hình ảnh nào đó, một bóng dáng nào đó của kỷ niệm xa mờ.
    - Chịu, không thể nhớ được. – Tố Hữu quay về phía tôi. – Mình già rồi, u mê rồi. Có lẽ các anh ở cục tác chiến, quân bưu, các anh ấy nhớ, chứ mình thì quên mất rồi. Cái bản ấy, nó có cái tên là khau khau gì đấy. Hồi đó, mình là trưởng ban tuyên truyền. Suốt ngày chỉ hong hóng chờ tin tức từ chỗ anh Trường Chinh, hoặc lại chạy sang bên Bộ Tổng, Quân uỷ trung ương, chỗ anh Văn, hỏi xem có đánh nhau ở đâu thì viết bài tuyên truyền. Mà viết xong cũng chẳng biết đưa cho ai nữa. Hồi ấy, phương tiện tuyên truyền của ta còn nghèo lắm, sơ sài lắm, đâu có được phong phú như hồi chống Mỹ. Công cụ tuyên truyền chỉ có mỗi tờ báo Nhân Dân với cái đài 500 oát. Còn thì phần lớn là tuyên truyền mồm quan cánh dân công. Mỗi trận đánh thắng, tự thân nó đã có sức tuyên truyền rồi. Nó lan xa lắm, lan nhanh lắm. Còn chuyện Điện Biên thì sau này mới rầm rộ. Hò kéo pháo. Điện Biên bấy giờ im ắng lắm. Ta âm thầm chuẩn bị lực lượng. Không ai có thể nghĩ được rằng, ta lại có thể đưa được quân, đưa được pháo vào Điện Biên. Thực tế khách quan thì không thể làm được. Đường sá hiểm trở lắm, toàn những đèo dốc, vực thẳm. Gay go nhất là việc vận chuyển lương thực, thực phẩm. Cái này, phải nói là dân mình ghê gớm thật. Chỉ có đôi vai, đôi bồ, khá hơn cái xe đạp tồng tộc, mà rồi từ Thanh Hoá, từ đồng bằng Bắc Bộ mò mò đưa gạo lên. Hạt gạo nặng bằng hạt máu. Phải nói ý chí của dân mình rất ghê gớm. Họ nhịn đói, nhịn khát, ăn lá lảu dọc đường. Dừng nghỉ thì nói chuyện thịt bò, nói chuyện nướng chả, làm thịt cầy, cứ như mình đang liên hoan, đang ăn thịt, mà toàn ăn thịt… mồm.
    - Vậy tin toàn thắng đến với anh lúc nào?
    - Lúc ấy khoảng 5h30 hay 6h chiều ngày 7-5. Rừng đã nhá nhem tối mới có điện từ chỗ anh Trường Chinh xuống. Mình mừng quá. Cái chuyện Hoả tốc, hoả tốc – Ngựa bay lên dốc ấy là có thật. Đấy là con ngựa của chú liên lạc ở chỗ anh Trường Chinh. Và cũng chỉ có mỗi con ngựa với chú liên lạc, chứ làm gì có Đuốc cháy sáng rừng, với Làng bản đỏ đèn đỏ lửa. Khi viết thì mình viết thế. Viết thế mới tạo được không khí, chứ làm gì có lửa mà đỏ rừng đỏ bản. Thực tế lúc ấy, nhìn ra xung quanh, rừng núi tối mù mù. Chỉ có vài ngôi nhà ở triền núi xa xa có ánh lửa le lói, chắc họ đang nấu cơm hay nướng sắn gì đó. Thế mà mình viết: Đuốc chạy sáng rừng – Loa kêu từng cửa. Cũng chẳng có loa đâu. Mà loa với ai. Dân ở xa. ở gần dân e bị lộ. Nguyên tắc là bí mật tuyệt đối. Cơ quan trung ương ở trong rừng, ở giữa lau tre. Mình ở nhà đất. Anh Trường Chinh cũng ở nhà đất. Chỉ có Bác ở nhà sàn. Ông cụ có đặc tính là thích ở nhà sàn, và ở bên suối. Ông cụ vốn là người yêu sơn thuỷ hữu tình. Cơ quan trung ương cũng đóng dọc bên suối, lán chìm trong cây lá. Rừng che bộ đội, rừng vây quân thù mà. Bí mật là một nguyên tắc. Vậy thì loa với ai. Thế mà vẫn loa kêu từng cửa. Làng bản đỏ đèn đỏ lửa. Hầy, nghe vui hỉ, nghe cũng rậm rật đấy chứ hỉ – Rồi Tố Hữu quay lại mấy anh em, nheo nheo một bên mắt, vẻ trẻ trung, tinh nghịch – Này xem ra không thể tin cánh văn nghệ được đâu hỉ. Phịa, toàn là phịa. Chỉ có điều là mình phịa như thật, nên người ta cũng tha cho.
    Rồi Tố Hữu lại cười. Nụ cười thật hiền hậu. Trông ông lúc này có vẻ của một ông Phật, Hồng Diệu hỏi:
    - Thế từ lúc mở màn đến khi kết thúc chiến dịch anh có lên Điện Biên bao giờ không?
    - Không! Nào mình có biết Điện Biên ở đâu mà đi. Đi sao được. Mà ai cho đi cơ chứ.
    - Tưởng anh là trưởng ban tuyên truyền, anh có thể đi khắp nơi chứ.
    - Đâu có. Ông nói thế là nói cái anh tuyên truyền sau này, tuyên truyền bây giờ. Chứ lúc ấy, đi sao được. Mình cứ ngồi im chờ lệnh cụ Trường Chinh.

    (…)

    Ngừng một lát, Tố Hữu tiếp:
    - Bài thơ Điện Biên được viết nhanh lắm. Sau chiến thắng, tôi lên Bác ngay. Lên xin ý kiến Bác xem cần tuyên truyền thế nào. Có điều lạ là Bác rất bình thản. Bác bảo: Đây chỉ là chiến thắng bước đầu thôi. Sao các chú cứ rối lên thế. Ta đánh thì tất nhiên là sẽ thắng. Quân đội ta là quân đội quyết chiến, quyết thắng cơ mà. Bác khen các chú đánh giỏi. Nhưng đừng rối lên. Phải cảnh giác. Hết sức cảnh giác. Chiến tranh chưa kết thúc đâu. Kẻ thù ta bây giờ không phải là Pháp nữa, mà là Mỹ. Không khéo chuyến này, ta phải đánh nhau với Mỹ, còn lâu dài đấy, gian khổ đấy, đừng có tếu. Điều đáng kinh ngạc là Ông Cụ lại nói chuyện ấy ngay trong ngày chiến thắng Điện Biên. Tôi đã đọc một loạt những hồi ký viết về Ông Cụ ở thời điểm này, nhưng không thấy ai nói đến chuyện đó. Cũng trong cuộc gặp ấy, Ông Cụ bảo tôi làm tuyên truyền. Ông Cụ có bảo tôi làm thơ đâu, làm tuyên truyền động viên bộ đội đấy chứ. Tuyên truyền làm sao cho dân vui là được rồi. Tôi về, suốt đêm không ngủ được, cứ vẩn vơ mãi. Tôi nghĩ: tuyên truyền bằng thơ là tốt nhất. Thơ dễ phổ biến, dễ nhớ, dễ thuộc. Mình không nhận ra trận, nhưng cũng nghe lỏm được khối chuyện. Chỉ tội, chẳng biết Điện Biên ra sao. Rồi thì đèo Pha Đin, đèo Lũng Lô cũng chẳng thể hình dung được. Tôi bèn đến hỏi Bác, Bác ngửa cái mũ lá ra: Điện Biên nó như thế này này. Nó là một lòng chảo. Đấy, cũng chỉ mang máng thế thôi. Thế rồi thì tôi viết, viết nhanh lắm, viết không đến hai ngày. Những gì mình nghe được về Điện Biên, mình cho vào thơ hết, cho nó có vần có điệu, vì nhịp thơ nó đi như thế. Lục bát thì còn phải cò cưa ký cưa, chứ ở đây, mình cho nó nổ lung tung lên, chẳng việc gì phải giữ đúng khuôn khổ. Có lẽ đây là bài thơ tự do nhất, viết sảng khoái nhất. Hồi Cách mạng tháng Tám, mình cũng có bài thơ sảng khoái như vậy. Bài thơ nói về cái con chim gì ấy nó hót hót ấy…
    - à, đấy là bài Huế tháng 8 – Hồng Diệu chợt như bừng tỉnh – Có con chim nào trong tóc, nhảy nhót hót chơi. Ha! Nó hót cái gì vui vui nghe thiệt ngộ.
    - ờ, đại khái là như vậy.
    Tố Hữu cười. Mấy anh em cùng cười. Không khí trong căn phòng thật ấm cúng vui vẻ.

    Tố Hữu tiếp tục câu chuỵện và Hồng Diệu lại làm bà Trần Thị Tuyết minh hoạ thơ cho ông. Phải nói trí nhớ của nhà tầm chương trích cú này cũng đáng hãi thật. Hầu như anh thuộc hết thơ Tố Hữu, kể cả những câu thơ trong quá trình sửa chữa, ông đã vứt rồi, mà Hồng Diệu vẫn còn thuộc. Anh đọc cho Tố Hữu nghe bằng một giọng von vót nửa kim, nửa thổ.Tiếng reo núi vọng sông rền…
    - à , cái đó mình cũng phịa đấy. – Tố Hữu cắt ngang giọng đọc đầy hào hứng của Hồng Diệu. – Hồi đó, đang phải bí mật, có ai dám reo hò đâu. Nhưng phải viết thế, phải tạo không khí như thế mới có cớ mà hoan hô chứ. Mình hoan hô chiến sĩ Điện Biên, hoan hô ông Giáp. Lúc ấy, đại tướng võ Nguyên Giáp oanh liệt lắm. Người ra trận cơ mà. Một ông Tổng tư lệnh ra trận…
    - Thế sao sau này, trong những tập tái bản gần đây, anh lại cắt câu ấy đi?
    - Đâu, mình có cắt đâu – Tố Hữu ngạc nhiên. Mình chẳng biết gì đến chuyện ấy cả. Mình vẫn giữ đấy chứ, mà mình thấy cũng không có gì phải cải chính.
    - Bài thơ này khi anh viết xong rồi, Bác Hồ có đọc không?
    - Có chứ – Tố Hữu cười – Khi in ra, chắc Ông Cụ có đọc.
    - Thế Ông Cụ nói sao?
    - Ông Cụ chẳng nói sao cả. Chưa bao giờ Ông Cụ khen thơ tôi. Chỉ có anh Trường Chinh thì có khen, ví tôi với ông này, ông khác, nhưng anh ấy cũng nói tào lao cho vui thế thôi, còn Bác thì chưa bao giờ khen thơ tôi cả. Sau Hoan hô chiến sĩ Điện Biên, tôi viết tiếp Ta đi tới và Việt Bắc…
    Đây là thời kỳ sáng tác sung sức nhất của Tố Hữu. Trong ba bài thơ viết cùng một giai đoạn ấy, Việt Bắc là một kiệt tác, dù còn lẫn mấy câu vè. Hai bài thơ còn lại cũng như phần lớn thơ Tố Hữu, sẽ bất tử nhờ lịch sử. Bởi nó đề cập đến những cái mốc lịch sử. Mỗi bài là một trang biên niên sử. Mà đề cập đến lịch sử, viết về lịch sử thì không ai bằng được ông. Chiến thắng Điện Biên đã qua 40 năm rồi, đã có hàng trăm bài thơ viết về sự kiện này, nhưng cho đến nay, quả thật vẫn chưa có bài thơ nào viết về Điện Biên vượt bài thơ ông. Cái hay của bài thơ không nằm trong câu chữ cụ thể mà nằm trong cái hơi chung của toàn bài.

    [hết trích]

    Bình loạn: thật đúng như Xuân Sách đã lột tả hết được cái thật qua câu MÁU Ở CHIẾN TRƯỜNG HOA Ở ĐÂY !
    Thiên hạ lao đầu vào chỗ chết bởi những vần thơ giết người không gươm dao của cai thấu văn nghệ Tố Hữu

  5. D.Nhật Lệ says:

    Chủ nghĩa Marxisme bây gìờ chỉ còn là vấn đề học thuật,chứ không phải là việc áp dụng hay thực hành gì
    được nữa vì THỰC TẾ tệ hại là bằng chứng đã phủ nhận giá trị thực hành của nó.Do đó,đại học Mỹ năm
    1993 đã tổ chức thảo luận về “Chủ nghĩa Mác đi về đâu” và mới đây năm 2011,báo Le monde của Pháp cũng thảo luận về chủ nghĩa này.Những giáo sư,học giả tham dự đã nói gì ?
    Kết qủa các cuộc thảo luận đã phơi bày ra hết về người sáng lập là Karl Marx và sự bế tắc của chủ nghĩa
    Mác.Họ cho là chủ nghĩa này chỉ có giá trị ở thời điểm mà giới Tư Bản còn phôi thai chỉ biết cách bóc lột,
    chứ không cải thiện đời sống kinh tế của người dân.,cho nên không thể áp dụng cho thế kỷ này đã thay
    đổi tận gốc rễ vì không có những vấn đề khó khăn như trước kia.Họ cũng cho là chính Mác từng khẳng
    định “tôi không phải là người Marxist”.Điều này qủa là vô lý nhưng thú vị ! Tại sao thế ? Thử lý giải là Mác
    biết trước chủ nghĩa mà ông nghĩ ra sẽ mang lại nhiều hệ lụy trong tương lai vì mỗi người hiểu sai ý ông,
    do đó ông phủ nhận mình trước với hàm ý rằng thế hệ sau ông lầm lẫn là lỗi của họ,chứ không phải ông ?
    Thế nhưng ông LP.lại vỗ ngực thì cũng là…chuyện trứng đòi khôn hơn vịt ! Phải công nhận ông LP.hiểu
    chủ nghĩa hơn mấy ngài lãnh tụ chóp bu rất xa nhưng điều đó không có nghĩa là ông có quyền mơ tưởng
    áp dụng chủ nghĩa Mác theo cách hiểu chưa lấy gì thuyết phục của ông.
    Tóm lại,hai cuộc hội thảo trên đi tới kết luận qua bài tham luận của Jacques Derrida “Những bóng ma
    của Marx”,trong đó giải thích rằng chủ nghĩa Mac đã hết thời,đã chết mà chỉ còn bóng ma của tư tưởng
    duy vật của Mác.Theo họ,chủ nghĩa Mác chỉ là những MƠ TƯỞNG LÃNG MẠN của K.Mác mà thôi.Như
    vậy,ông LP.không có lý do gì lại bahoa “bảo vệ Mác,chống chủ nghĩa toàn trị” như hô khẩu hiệu thế này !
    Than ôi ! Chỉ một kẻ mơ mộng lãng mạn mà thiên hạ chịu không biết bao nhiêu thảm họa ! Có thể nói
    đó là tội ác mà Mác phải gánh một phần,nếu không muốn nói toàn phần !
    tự cao tự đại như
    thế được.

  6. Nguyen says:

    Ông Lữ Phương 10 năm “diện bích” tìm hiểu chủ nghĩa Mac. Ông cho rằng từ Lê nin, stalin, Mao….đều bóp méo chủ ngĩa Mac.Bây giờ chỉ có LP là hiểu đúng Mac. Hóa ra ông Mac dở thật, viết ra một chủ thuyết mà mãi gần 200 năm sau mới có một người hiểu là ông LP, và LP đã bảo vệ Mac. Tôi cho đó là một sự hợm hĩnh mang tính “láu cá”; thậm chí LP phương đã mang xác chết của ông Kiệt ra bảo vệ cái luận diểm của ông ta.
    Chuyện ông LP hiểu đúng hay sai Mac chỉ có cách đụng ông Mac dậy và hỏi ý kiến ông ta.Tôi chỉ biết hầu hết những người dân trong các nước CS đều kinh sợ và ghê tởm chủ nghĩa Mac.Đạc biệt là dân tộc chúng ta, vì nhân danh chủ nghĩa Mac mà những người CS đã đưa dân tộc VN đến khốn cùng, tàn lụi trong suốt 60 năm qua.
    Tôi không cần biết ông LP có ý đồ gì khi muốn bảo vệ Mac, tôi thành thật khuyên ông hãy dẹp bỏ cái ý đồ ấy đi. Đã muộn lắm rồi và lỗi thời lắm rồi.
    Tôi có cùng nhận xét với anh Đỗ Nam Hải về những bài viết của Nguyễn Thanh Gian !
    Dù chỉ hô khẩu hiệu “Đả đảo độc tài toàn trị” hay “đả đảo bọn bành trướng BK ” còn hơn gấp vạn lần những trí thức lộn sòng “thọc gậy bánh xe”.

  7. iBi says:

    Lâu lâu bọn CS lại tung ra hoả mù, ma đồ phân tán trận cho bà con xúm nhau cãi nhau… cho vui cả làng, và hạ hỏa nữa. Mấy chuyện khác thì đã có đảng ta… no.

  8. Minh Đức says:

    Ông Lữ Phương cho rằng chủ nghĩa Mác đã bị Lê Nin bóp méo. Còn những người Cộng Sản Đệ Tứ thì lại cho rằng Lê Nin mới thật là theo chủ nghĩa Mác, trong khi Stalin đã bóp méo tư tưởng của Lê Nin. Mao Trạch Đông thì lại cho rằng chính mình mới là chủ nghĩa Cộng Sản chính thống, còn Krushchev không chủ trương dùng bạo lực tiêu diệt tư bản thì chỉ là bọn xét lại.

    Hiện tượng phe dân chủ nhiều ý kiến nào phải chỉ có ở phía dân chủ mà những người theo cộng sản cũng lắm ý kiến. Các lãnh tụ cộng sản cũng chẳng ai chịu ai. Ông Lữ Phương cũng cho mình mới là người hiểu biết Mác một cách chân chính nên mới viết bài bàn luận, phê phán. Hiện tượng nhiều ý kiến chẳng qua là hiện tượng xã hội của loài người. Thời xưa sau khi Đức Phật qua đời thì những người theo Phật Giáo cũng có nhiều ý kiến, ai cũng cho mình mới là hiểu lời Phật một cách chân chính nhất và cho những kẻ khác là sai, là tà đạo. Vì thế Phật Giáo sinh ra nhiều hệ phái.

    Nước Nga chỉ có một đảng Cộng Sản mà không phân ra nhiều hệ phái là vì đảng Cộng Sản Nga dùng bạo lực tiêu diệt bất cứ ai có ý kiến khác về chủ nghĩa Mác. Nhưng chỉ có một đảng duy nhất và dùng bạo lực tiêu diệt những người khác ý kiến có bảo đảm là đảng Cộng Sản Nga là người duy nhất đúng và đưa đất nước đi đúng đường hay không? Thực tế cho thấy bây giờ ông Lữ Phương lại phê phán tư tưởng Lê Nin có chỗ sai tức là đảng Cộng Sản Nga đi sai đường. Ấy thế mà bao nhiêu người bị giết vì dám có ý kiến khác với Lê Nin.

    • NGÀN KHƠI says:

      CHỈ CÓ BỌN TRẺ CON

      Chỉ có bọn trẻ con mới tranh nhau chuyện hơn thua. Cho rằng mình hơn người khác, chính mình mới hiểu Mác hơn người khác. Thật ra đó là tính ấu trĩ và tầm thường. Vấn đề quan trọng nhất không phải tôi và anh, ai là người hiểu Mác hơn, mà đó chính là vấn đề Mác là đúng hay sai về mặt khoa học, triết học, kinh tế xã hội nói chung, khi ông đưa ra học thuyết của mình. Có nghĩa chỉ có bọn trẻ con mới nhìn nhau mà cãi nhau, mà hơn thua nhau. Người hiểu biết chỉ nhìn cùng về một hướng chung, một ích lợi chung. Học thuyết Mác phi lô-gic về mặt lý luận, phi thực tiển khách quan về mặt thực tế, phi khoa học về mặt nhận thức. Đó là điều mà ít người thấy ra hay nghĩ tới. Chí ít đó cũng là hiện tượng thường thấy tại nước ta từ trước tới nay. Xu thế con người là sợ bạo lực và ham cái lợi cá nhân trước mắt, đó là lý do bạo lực thắng thế và lợi ích khoa học ít được theo đuổi. Nhiều người học Mác, dạy về Mác, nghiên cứu Mác kiểu con vẹt là như thế. Kiểu cá mè một lứa thì làm gì còn khoa học và triết học chân chính. Mác là người hợm mình nên những người tâng bốc Mác cũng là những thứ hợm mình thế thôi. Đó cũng là hiện tượng những kẻ nhân danh Mác hay theo Mác phần lớn cũng chỉ vì bản thân, vì trào lưu, khong hẳn đã vì tinh thần, mục đích xã hội hay khoa học đúng nghĩa. Bởi không thấy ra được những nghịch lý trong học thuyết Mác thì còn gì là ý nghĩa khách quan của tinh thần khoa học và tinh thần xã hội đúng đắn nữa.

      NON NGÀN
      (15/5/12)

      • LẠI MẠNH CƯỜNG says:

        1/
        Tôi HOÀN TOÀN ĐỒNG Ý, chỉ những kẻ hợm mình,
        mới cho là mình HIỂU ĐÚNG NHÂT VỀ MÁC, HAY AI ĐÓ !

        Bá nhân bá tánh, nên mỗi người có cái nhìn RIÊNG.
        Tốt nhất, nên TÔN TRỌNG SỰ KHÁC BIỆT trong tinh thần đa nguyên !

        Ta thấy Phật giáo, Kitô giáo, Hồi Giáo … đã đẻ ra nhiều giáo phái. Bởi mỗi người nhìn và hiểu một cách khác nhau. Nhưng lại tranh nhau cho rằng chính mình là đúng nhất. Cho nên đã xảy ra loạn đả lôi đài, trong nội bộ và với các tôn giáo khác.

        Theo tôi nguyên nhân chính yếu là CÁI TÔI to quá !
        Nguyễn Du từng khuyên: CHỮ TÀI LIỀN VỚI CHỮ TAI MỘT VẦN !
        Khi cái tôi to quá sức, sẽ sinh loạn và tai hoạ cho chính mình và kẻ khác !

        2/
        Chính vì thế mà ngày xưa tôi xem phim Rashomon (Đoàn cải lương Kim Chung ở Sài Gòn diễn lại phim này lấy tên là Sầu Lên Ngọn Cỏ, với Huỳnh Thái, Ngọc Toàn, Kim Chung hồi đầu thập niên 60 tại rạp Aristote đường Lê Lai) và tôi thấy rất độc đáo, nên thích vô cùng.

        Cùng một sự việc mà mỗi người khai một cách khác nhau, từ tên tướng cướp đến vợ anh hiệp sĩ (samurai) là nạn nhân của tên cướp, cũng như oan hồn anh samurai, bị tên cướp đánh bại và sát hại, được gọi hồn để lấy lời khai, lẫn cả người tiều phu tình cờ quan sát thấy thảm cảnh cũng khai trước toà khác hẳn !

        Wikipedia:
        Rashomon (羅生門 Rashōmon?) is a 1950 Japanese crime drama film directed by Akira Kurosawa, working in close collaboration with cinematographer Kazuo Miyagawa. It stars Toshirō Mifune, Masayuki Mori, Machiko Kyō and Takashi Shimura. The film is based on two stories by Ryūnosuke Akutagawa — (“Rashomon” provides the setting, while “In a Grove” provides the characters and plot).

        Rashomon introduced Kurosawa and the cinema of Japan to Western audiences, albeit to a small number of theatres, and is considered one of his masterpieces. The film won the Golden Lion at the Venice Film Festival and also received an Academy Honorary Award at the 24th Academy Awards.

        Riêng tôi nghĩ lại và thấy, quả thực chúng ta chả khác gì đám người mù sờ voi. Anh sờ được chân, anh sờ được đuôi, anh sờ được vòi, được tai … rồi tả lại con voi ra sao cho người khác nghe.

        NÊN KHIÊM NHƯỢNG,
        bởi bể học mênh mông,
        càng học càng thấy ngu !

        Lại Mạnh Cường

Leave a Reply to Nguyen