WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Phượng ơi! Đừng nở nữa!

Thực ra tôi và Long cũng mới quen nhau, ngày cùng chuyển về trại tị nạn Ingelheim. Tôi từ Tây Berlin sang, anh từ Eisenach đến. Chúng tôi được sắp xếp ở chung phòng, chung giường tầng. Long ở trên, tôi ở dưới. Trong phòng còn Trương văn Quyền người Sài Gòn, thời kỳ này đang làm giấy tờ sang Mỹ do bố bảo lãnh và Phạm văn Phú người Phan Thiết. Bốn chúng tôi trạc tuổi nhau, lại cùng là công nhân lao động, nên thân nhau ngay. Ở trong trại, chúng tôi được ăn uống đầy đủ, nhận tiền mua quần áo, và tiền tiêu vặt.

Bốn đứa chúng tôi đều ở  Đức đã khá lâu, nên có nhiều quần áo còn tốt, không có nhu cầu mua sắm, cộng với tiền Ostmark mang theo đổi ra tiền DM, thằng nào cũng rủng rỉnh trong túi. Chiều nào chúng tôi cũng gầy độ nhậu, đến lúc khật khừ là đàn hát om xòm. Qủa thực Long chơi đàn và hát khá hay, nhất là những bản của Vũ thành An. Đàn hát chán, tiếp theo những câu chuyện không đầu không đuôi được đưa lên bàn nhậu. Bốn thằng tôi đã bước vào tuổi băm, nhưng chỉ có Trương văn Quyền là có vợ con còn ở Việt Nam. Quyền gãi đầu, gãi tai bảo:

– Con vợ tao nó muốn sống ở Mẽo, nên nó lệnh cho tao làm đơn theo ông già, sau đó bảo lãnh nó qua, nhưng tao cứ thích ở lại Đức.

Tôi và Phú đã có bạn gái, nhưng đều còn ở lại bên Đông, thông tin vẫn qua lại, hẹn ngày đoàn tụ sau. Theo như chuyên gia Quyền, sau khi đã nghiên cứu thư từ, phán:

- Tình yêu của hai thằng bay vẫn còn trong thời kỳ nồng “khắm“. Còn ông bạn Long đã tuổi băm, chưa vợ con, không tình yêu, chắc là có vấn đề. Không chịu khai rõ, thằng Phú, thằng Trường đè nó xuống, kiểm tra coi. Quyền nói như ra lệnh.

Ôi! cái ông bạn Long to cao đẹp trai như vậy mà nhát như con gái. Ba thằng chúng tôi chưa kịp hành động gì đã xua tay chịu thua.

- Thôi…thôi được rồi, tôi kể cho các bố nghe …..

- Ơ..cái thằng lầm lì như vậy mà kể hay đáo để. Phú hích tay vào mạng sườn tôi nói như vậy. Qủa thật lời kể của ông bạn Long trong lúc xúc động hồi tưởng, chứ không phải trong tình trạng rượu kể chuyện. Quyền đuột mặt ngồi nghe, thi thoảng chêm vào:

- Sau đó thế nào, tiếp đi mày….

Nghe xong, Quyền vỗ đùi đen đét, quay sang bảo tôi:

– Ông  viết truyện ngắn, truyện dài ở những đâu đâu ấy. Chuyện tình của thằng Long ở thời buổi này mới đáng viết. Ông nghiên cứu, viết đi..

Còn Phú bảo Long:

-  Chuyện của ông, tôi thấy như trong phim ấy.

Có lẽ trong người đã sương sương, ông bạn lành như đất này mới hăng lên, dốc ngược ba lô, đưa ra cả tập thư từ, những kỷ vật làm bằng chứng. ..

Tháng sau được về nơi định cư, tôi và Quyền về Pirmasens. Long và Phú về Ludwigshalfen. Lúc chia tay, tôi bảo Long:

- Về nơi đinh cư  ổn định, tôi sẽ viết và gửi cho ông đọc trước.

Long cười buồn, siết chặt tay chúng tôi……

Không biết có bao thi sĩ, văn sĩ có thi hứng gửi gắm tình cảm của mình vào chiều thu vàng xào xạc, và những mùa xuân thật mong manh với cơn mưa bay  nhè nhẹ.

Nhưng với tôi khi tiếng ve kêu và cây phượng trước sân trường trổ bông là mùa đẹp nhất.  Tôi không nghĩ là mình sẽ mất, mà đời người ai cũng có một lần, đó là tình yêu và thuở học trò. Thế mà từng cánh phượng rơi, tàn tã trong tôi đã mười năm rồi:

- Đề nghị Phượng hát lại đi.

Tiếng vỗ tay, tiếng la hét ầm ĩ của học sinh trung học Chu văn An.

Phượng phải hát đi hát lại đến khan cả cổ, theo tiếng đàn của tôi. Đêm liên hoan văn nghệ từ giã mái trường, từ giã tuổi thơ, nó cứ theo tôi mãi những năm tháng sau này. Phải đến nửa đêm, chúng tôi mới chịu giải tán. Tôi và Phượng dắt xe ra sau cùng. Đêm trời tháng năm thật đẹp, ánh trăng dịu dàng tỏa sáng, thỉnh thoảng những làn mây lững thững trôi tạo nên một màn đêm thật tuyệt hảo. Gío hồ Tây, nhè nhẹ thổi làm cho làn tóc dài thướt tha của Phượng bồng bềnh như những áng mây trôi. Dưới ánh trăng, chiếc áo dài tím bó sát cơ thể đầy đặn, đang tuổi dậy thì càng tăng thêm vẻ đẹp hoàn mỹ của nàng. Đi sát bên nàng, một mùi hương toát ra làm cho tâm hồn tôi rạo rực, ngất ngây. Tôi đưa tay nắm lấy tay Phượng.

- Hôm nay chúng mình đi bộ về nhé, Phượng không muốn đi xe đâu!

Phượng với mắt nhìn xa xăm, và nói tiếp:

-  Hôm nay trăng đẹp quá, Long có thấy như vậy không?

Tôi gật đầu và đi chầm chậm bên nàng:

-   Phượng này! Từ mai chúng ta phải xa mái trường Chu Văn An mãi mãi, Phượng có nhớ không?

-  Nhớ chứ, vì ở đó chúng ta có nhau. Ôi! Phượng cứ mong chúng ta mãi mãi như hôm nay.

Rồi Phượng cất tiếng ke kẽ hát: “Thời gian ơi hãy ngừng trôi…“.

Cả hai chúng tôi cùng cười. Tôi dựng xe bảo Phượng:

-  Phượng có nhìn thấy gì ở mặt hồ không?

-   Thấy gì cơ?

-  Bóng của Long chồng lên  Phượng kìa.

Phượng nhìn theo tay tôi chỉ, và cúi xuống nhặt một viên sỏi ném tõm xuống mặt hồ, làm bóng chúng tôi nhòa theo mặt nước. Bất chợt tôi kéo Phương vào lòng, nàng cứ để nguyên như vậy. Mùi hương của nàng rất gần, rất gần, làm tôi khẽ rùng mình.

- Long ơi! Phượng hơi lạnh.

Tôi ôm nàng chặt hơn. Một cảm giác lạ chưa bao giờ có, chạy dọc cơ thể tôi. Đôi môi tôi đã tìm đến môi nàng một cách vụng về:

- Phượng ơi! Long yêu Phượng nhiều lắm.

Nàng siết chặt cổ tôi, âu yếm:

-  Sao tham thế, hôn lâu đến bỏng cả môi người ta rồi.

Tôi cười:

- Để nhớ.

Nhà Phượng ở phố Nguyễn Cảnh Chân, khu phố villa này dành riêng cho cán bộ trung ương. Cả hai yên lặng đi bên nhau, để tận hưởng hết những hương vị của tình yêu. Không gian như dừng lại, dường chỉ còn những chú ve sầu kêu rời rã, lọt thỏm vào không gian yên lặng ấy.

Nàng nhẹ hôn tôi, thì thầm:

- Tới nhà rồi, ngủ ngon nhé.

Tôi gật đầu và đứng nhìn theo cái dáng mảnh mai của nàng, khuất sau cánh cửa sắt nặng nề khép lại…

Chiến tranh biên giới phía Nam vẫn còn gay go, quyết liệt, biên giới phía Bắc lại bùng nổ. Lũ con trai chúng tôi, hôm trước mừng rỡ nhận được giấy báo vào học đại học, hôm sau nhận được lệnh tổng động viên vào quân đội. Được tin này Phượng buồn lắm. Nàng lo cho tôi phải chịu đựng gian khổ ở chiến trường, sợ buồn khi vắng tôi.

- Hay Phượng nói với ba can thiệp, để Long được nhập trường học nhé.

Nghe Phượng đề nghị như vậy, tôi gạt ngay:

- Không được đâu, ba Phượng là cán bộ cao cấp, gia đình Long như thế này. Ngay quan hệ của chúng ta còn bị cấm nói chi đến chuyện khác. Tốt nhất, hãy im lặng, bằng không gia đình lại ầm ĩ lên đấy.

Phượng biết nói cũng không được, nên nàng thở dài, đặt bàn tay vào lòng bàn tay tôi, nói một cách dứt khoát:

-  Long không được học tiếp, Phượng cũng không học đâu, Phượng sẽ xin đi làm, chờ Long về cùng học.

Tôi cảm động, hôn tới tấp lên môi, và lên cả những giọt nước mắt của nàng đang chảy xuống…..

Sáng hôm sau tôi lên đường, tối nay Phượng đến thật sớm, nàng đã mua cho tôi thật nhiều thứ. Nhưng tấm vỏ chăn nàng thêu cành phượng đỏ rực là tôi thích nhất. Đêm nay chúng tôi dành trọn vẹn cho nhau. Nàng bảo, chúng ta sẽ đàn và hát những bài ca hai đứa cùng thích. Rồi Phượng hát thật nhiều. Chúng tôi quen nhau từ khi còn học tiểu học, nghe Phượng hát đã nhiều, nhưng chưa bao giờ tôi thấy Phượng hát hay như đêm nay. Đêm  thanh vắng càng làm cho lòng tôi khắc khoải, nỗi niềm mênh mang theo từng câu hát.

“…Yêu nhau trong cuộc đời…mơ duyên tình dài, gắn bó đôi lời….Rồi từ mai ngăn cách…Biết rồi là khi đưa đón, có mấy ai không buồn….“

Trăng đã nhạt dần và rọi chếch vào trong khung cửa, mùi hoa phượng theo làn gió về thoang thoảng đâu đây. Tiếng còi tầu rời ga, nghe hun hút, làm cho Phượng khẽ rùng mình, ngừng hát. Hình như tôi nghe được cả tiếng thở, và con tim của Phượng đang đập dồn nơi lồng ngực. Phượng thu người lại, lọt thỏm vào lòng tôi. Những làn mây như như tấm màn nhung dập dờn, bất chợt từ đâu đến, che kín cả bầu trời. Như có ngàn cục than hồng đã được ủ trong người, tôi ghì chặt lấy Phượng. Nàng xoay người, làm chúng tôi đổ xuống giường. Ngọn lửa đã bùng lên, trong cái man dại của tình ái, chúng tôi đã trao cho nhau tất cả. Và cũng trong hơi thở, vồn vã hạnh phúc ấy, nàng bảo:

-  Phượng  linh cảm, có một điều gì không may mắn đến với chúng ta.

Tôi động viên nàng:

-  Mọi điều sẽ tốt đẹp cả thôi. Phượng cố gắng đợi Long về.

Sau khi huấn luyện, chúng tôi hành quân lên chót đầu của biên giới phía bắc. Tôi vẫn thường xuyên nhận được thư của Phượng. Đúng như Phượng nói, nàng đã không học tiếp, xin vào làm ở xí nghiệp may thêu, bất chấp sự phản đối của gia đinh. Phượng quyết tâm đợi tôi về.…

…Thời gian hai năm, trong ba lô của tôi đầy thư của Phượng.. Qủa thực, nếu như không có thư và những lời động viên của Phượng, tôi không thể trụ nổi trên tuyến đầu khắc nghiệt này. Rồi bặt đi một thời gian.. tôi không nhận được thư … Người tôi như ngồi trên đống lửa, bao phen tôi định bỏ về tuyến sau…

Vào một buổi chiều, sau một ngày đêm quần nhau tả tơi với những người lính  “anh em“ phương bắc, quần áo tôi còn dính đầy máu và mồ hôi. Chưa kịp trấn tĩnh trở lại, ông bạn quân bưu ấn vào túi áo tôi lá thư của người bạn học. Bạn tôi đã báo tin về Phượng, cái tin như một nhát dao đâm vào trái tim tôi. Gia đình ép nàng lấy một kỹ sư mới ở nước ngoài về, con ông bộ trưởng gần nhà. Nàng đã cự tuyệt. Nhưng vì củng cố địa vị, và danh lợi gia đình đã ép Phượng đến cùng. Cha Phượng là cán bộ cấp trung ương, ông lấy mệnh lệnh bảo thủ, những gì ông đang làm ngoài xã hội áp dụng vào chính con gái ông. Nhiều lần Phượng đã phải bỏ đến gia đình bạn bè ở nhờ. Nhưng không được lâu, Phượng lại phải quay về nhà. Ba mẹ Phượng cho rằng, nàng làm vậy chỉ dọa dẫm gia đình, nên lại càng thúc ép…

Dường như Phượng đã chuẩn bị sẵn cho cuộc ra đi mãi mãi này. Cũng vào một đêm muà hè sau hai năm tôi đi, nàng đã viết cho tôi một bức thư cuối cùng. Không gửi. Phượng đã ra đi, trong cơn đau đớn tột cùng bằng một liều thuốc ngủ  mạnh…

Được tin Phượng không còn, tôi cảm thấy không còn là chính mình.Tôi như một cái bóng không hồn. Nhưng chiến sự ngày càng tàn khốc, là người lính trên tuyến đầu, ngày đêm đương đầu với súng đạn gian khổ, người tôi gầy rộc đi. Nhiều lần tôi ngất ngay trên nóc hầm. Đến năm sau, biết tôi không còn sức chiến đấu, đơn vị buộc phải cho tôi xuất ngũ.

Bước chân về đến Hà nội, tôi cảm thấy cô đơn đến lạ lùng. Tất cả là một sự thiếu vắng, chết chóc dưới con mắt của tôi, từ những con đường, hàng cây cũng trở nên xa lạ. Mặt hồ cũng lặng phắt sóng, không gian như dừng lại. Tôi đã đến nhà nàng.

Từ ngày Phượng ra đi, mẹ nàng ân hận trở thành điên khùng. Cha nàng nhìn tôi không nói. Ông lạnh lùng đưa cho tôi bức thư của Phượng, những hàng chữ thân quen đã nhòe đi vì nước mắt. Đọc xong, tôi gấp lá thư vào ngực mình. Và tôi khóc, lần đầu tiên trong cuộc đời tôi đã khóc. Tôi đi  như chạy ra khỏi nhà nàng. Đến cửa Nam, tôi mua một vòng hoa trắng, vòng về đường Lý Thường Kiệt bẻ một cành phượng vĩ, sau đó tôi đạp xe xuống nơi nàng yên nghỉ. Tôi ngồi bên mộ Phượng không biết là bao lâu:

- Phượng ơi! Long đã về đây….

Tôi đã sống trong tâm trạng dằn vặt khổ sở. Tôi đã mất Phượng vĩnh viễn…Phượng ơi! Làm sao Long tiếp tuc học đại học khi không còn Phượng nữa.

Tôi muốn chạy trốn tất cả, xung quanh đây đâu cũng là nàng. Tôi đã quyết định đi thật xa, để đừng bao giờ nhìn thấy mùa phượng nở và tiếng ve gọi hè. Tôi đã sang lao động ở  Đức. Những ngày tháng lao động cực nhọc trên xứ người, cũng không làm tôi quên được hình ảnh của nàng. Ai đã cướp đi mùa hè của tôi? Ai đã cướp đi những con đường quen thuộc mà chúng tôi đã đi?

Và Phượng ơi! Phượng cũng không nở trong trái tim Long trên mảnh đất Tây Đức này. Mặc dù ngoài kia nắng đã tỏa, cây đã đâm chồi và nảy lộc. Long chỉ có một mùa Phượng nở và mãi mãi không bao giờ nở nữa:

“…Hãy cứ để mùa đông thành vĩnh cửu
Cây thông buồn trơ trọi giữa đồi hoang.
Đừng thức tỉnh những chồi non, chim hót.
Và xin người đừng nói những lời yêu
Vì tình ta đã chết tự bao giờ..“

(Nói Với Xuân-  Đỗ Trường)

 

 Viết trong những ngày bức tường Berlin sụp đổ.

——————————————
(TB- May mắn, nếu như bạn Trương Văn Quyền đọc lại truyện này hãy liên lạc với Đỗ Trường. Tiện báo cho Quyền rõ, Long đã chuyển về München vẫn độc thân, thỉnh thoảng về Leipzig thăm tôi. Phú vẫn ở Lugwigshalfen.

Trương Văn Quyền, quê Sài Gòn, sinh năm 1957 sang Đức năm 1986, được bố bảo lãnh sang Mỹ năm 1992, ở CaLi hay Houston? Vì Quyền bảo, nơi Quyền ở toàn người Việt, học lái xe cũng bằng tiếng Việt. Bác nào biết bạn Quyền, xin nhắn giúp mấy chữ vào địa chỉ. dotruong07@yahoo.de- Cảm ơn rất nhiều.)

3 Phản hồi cho “Phượng ơi! Đừng nở nữa!”

  1. kbc3505 says:

    Chọn cái chết là một hành động tiêu cực để kết thúc sự đau khổ chứ không phải là cách giải quyết vấn đề mà ngược lại, nó thể hiện tính cách trả thù vì không đạt được ý nguyện.

    Tình yêu giữa hai người không phải là tuyệt vọng vì Long vẫn yêu nàng nhưng thực ra là không đủ mãnh liệt để nàng dám từ bỏ tất cả, kể cả từ bỏ gia đình để chạy theo tình yêu. Đau khổ nhưng không biết cách giải quyết, nàng chạy trốn cuộc đời mà không nghĩ tới sự đau khổ của người yêu và gia đình. Nàng trả thù người yêu và bố mẹ vì họ đã không đem lại hạnh phúc cho nàng. Không phủ nhận nàng yêu Long, chính vì vậy, nếu biết suy nghĩ, Phượng đã không làm khổ Long như vậy.

    kbc3505

  2. Thaophuong says:

    Phượng ơi ! đừng tham lam nữa
    Tuổi đời đã cao ,hơn 1/2 thế kỷ .. Ngày xa Việt Nam nghe lòng đau nhói .. Không biết bao giờ trở lại .. Hàng cây Phượng đỏ rực & tiếng ve reo buồn như tiễn đưa người giáo viên” quèn” ra đi … Phượng , tên của 1 loại hoa , cũng như có nhiều cô gái mang tên loại Hoa ấy , ví dụ như Phượng cúa Long trên đây chẳng hạn ..
    Thế nhưng , có một Phượng khác rất ĐỎ dù chưa vào mùa hè và lúc nào cũng rực rở .Đó là 1 bà sinh ra từ hạt giống RED và rất là may mắn từ quá khứ , hiện tại .. Hổng biết tương lai thì sẽ ra sao?
    Phượng của Long sao mà dịu dàng dễ thương quá dù không quen biết ( Nhưng tôi tin vậy ) còn Phượng ” chú tịt ” 4 công ty này sao mà độc chiêu thế , làm đau đớn dân chúng vì Ecopark .. Than ôi ! Không biết độc giả xem bài viết này nghĩ sao???
    Tôi muốn viết cho Phượng”Đỏ” và “Múp” này mấy chữ :PHƯỢNG ƠI !ĐỪNG THAM LAM nữa

  3. tracy says:

    Tình yêu thật sự lúc nào cũng cao đẹp, cũng tinh khiết. Không chỉ riêng cho tình yêu trai gái , gia đình mà ngay cả tình yêu nước non. Không thể có một thế lực nào có thể chia cắt, mua bán được tình yêu nếu chúng ta yêu với tất cả tấm lòng. Vật chất , tiền bạc, và ngay cả danh vọng không tồn tại với thời gian nhưng tình yêu thì bất diệt.
    Hãy thương yêu nhau với tất cả chân tình.

Phản hồi