WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Ai Cập bên bờ nội chiến

Ai Cập

Các cuộc biểu tình của dân chúng Ai Cập tại quảng trường Tahrir trong những ngày cuối tháng 6 và sự cảnh cáo hôm 22/6 của Hội đồng Tướng Lãnh Ai Cập (The Supreme Council of the Armed Forces – SCAF) sẽ dùng biện pháp mạnh nếu các cuộc biểu tình trở nên bạo động là một dấu hiệu không tốt cho con đường đi đến dân chủ của nhân dân Ai Cập kể từ cuộc nổi dậy đầu năm 2011.

Cuộc cách mạng ôn hòa tại Ai Cập ngày 25/1/2011 đưa đến sự sụp đổ của chế độ Hosni Mubarak đã kinh qua tiến trình dân chủ gay go để dẫn đến cuộc bầu cử quốc hội kết thúc ngày 11/1/2012 và cuộc bầu cử tổng thống ngày 16/6/2012.

Ngày 11/2/2011 khi tổng thống Hosni Mubarak từ chức ông giao quyền cho Hội đồng Tướng lãnh Ai cập. Quần chúng ủng hộ Tổ Chức Hồi giáo Anh Em (Muslim Brotherhood), một tổ chức Hồi giáo ôn hòa đóng vai trò tích cực trong việc lật đổ ông Mubarak đòi quân đội thành lập một Hội đồng Lãnh đạo Chuyển tiếp (Transtional Presidential Council) gồm nhiều nhân sĩ và tướng lãnh giúp thành lập một chính phủ lâm thời tổ chức bầu cử trong vòng 9 tháng. Hội đồng Tướng Lãnh Ai Cập không chịu thành lập Hội đồng Lãnh đạo Chuyển tiếp, cho rằng họ cần tiếp tục cầm quyền để giữ ổn định quốc gia.

Chương trình của Hội đồng Tướng Lãnh là giữ nguyên các cơ cấu của chính quyền của tổng thống Hosni Mubarak, như không giải tán quốc hội (vừa được bầu trước khi có biến cố), giữ nguyên Tòa án Hiến Pháp (một thứ tòa án tối cao như Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ) và hứa sẽ giao quyền lại cho một chính quyền dân sự qua một tiến trình hai giai đoạn. Giai đoạn một, tu chính Hiến Pháp thời Mubarak, bầu quốc hội và tổng thống lâm thời. Giai đọan thứ hai, quốc hội mới thành lập Ủy ban Lập Hiến, viết Hiến Pháp, quy định các định chế quốc gia và bầu cử.

Thấy rỏ ý đồ của Hội đồng Tướng lãnh là mua thời gian nên dân chúng đòi hỏi Hội đồng Tướng lãnh lập Ủy Ban Soạn thảo Hiến pháp mới và đi vào tiến trình thành lập chính quyền dân sự qua bầu cử trong một đợt thôi. Tuy nhiên lực lượng Tổ chức Hồi Giáo Anh Em thuyết phục dân chúng kiên nhẫn và ủng hộ chương trình hai giai đoạn của Hội đồng Tướng lãnh. Con đường của Muslim Brotherhood là hòa giải với Hội đồng Tướng lãnh để dần dần nắm quyền lực chính trị qua các cuộc bầu cử.
Do sự can thiệp của Muslim Brotherhood, cuộc trưng cầu tu chính Hiến pháp ngày 19/3/2011 thành công tốt đẹp. 18 triệu rưỡi trong số 41 triệu cử tri trong danh sách đi bầu, và hơn 77% ủng hộ bản tu chính Hiến pháp.

Bản Tu chính Hiến pháp gồm 9 điểm chính yếu liên quan đến cuộc bầu cử tổng thống thay thế ông Mubarak mà không đụng chạm gì đến quyền hành của Hội đồng Tướng lãnh. Với sự mặc nhiên đồng ý của Muslim Brotherhood Hội đồng Tướng lãnh được xem là cơ quan quyền lực trọng tài ổn định xã hội trong thời gian Ai Cập tiến dần từ độc tài đến dân chủ .
Sau khi tu chính Hiến Phạp trước mắt là hai cuộc bầu cử quốc hội và tổng thống. Và sự kèn cựa ngấm ngầm giữa Hội đồng Tướng lãnh và Muslim Brotherhood là nguyên nhân của các cuộc xuống đường liên tục tại công trường Tahrir ở Cairo và nhiều thành phố của Ai cập trong suốt 1 năm rưỡi qua.

Cuộc bầu cử quốc hội mới bầu trong nhiều đợt khởi đầu ngày 28/11/2011 kết thúc ngày 11/1/2012. Liên minh Dân chủ Ai Cập (Democratic Alliance for Egypt) gồm nhiều đảng phái liên minh với đảng Tự do và Công lý (Freedom and Justice Party) của Tổ chức Hồi Giáo Anh Em đã thắng 235 ghế trong 508 ghế quốc hội (46%), các đảng Hồi giáo chính thống và quá khích khác chiếm 123 ghế (24%). Cuộc bầu cử cho thấy Tổ Chức Hồi Giáo Anh Em có khả năng kiểm soát quốc hội.

Trước thắng lợi đó, Tổ Chức Hồi Giáo Anh Em chuẩn bị cuộc bầu cử tổng thống. Cuộc bầu cử khởi đầu ngày 23/5/2012 gồm 12 ứng cử viên có đủ mặt các đảng phái. Hai ông Mohamed Morsi và Ahmed Shafig về đầu và sẽ vào vòng chung kết ngày 16/6/2012 . Ông Mohamed Morsi đại diện cho đảng Tự Do và Công lý của Tổ Chức Hồi Giáo Anh Em. Ông Ahmed Shafig, tướng Không quân hồi hưu và là thủ tướng cuối cùng của chính phủ Mubarak tranh cử với tư cách độc lập nhưng thực chất ông là ứng cử viên của Hội đồng Tướng lãnh.

Trước vòng chung kết quốc hội (do Muslim Brotherhood kiểm soát) đã làm một quyết định sai lầm là quyết nghị bác bỏ tư cách ứng cử của cựu tướng Shafig không cho ông vào vòng chung kết để bảo đảm sự thắng lợi của ông Morsi. Hành động này của Quốc hội làm cho Hội đồng Tướng lãnh cảm thấy quyền lực bị de dọa. Hội đồng Tướng lãnh phản ứng áp lực Tòa án Hiến Pháp Ai cập hôm 14/6 ra lệnh giải tán quốc hội và phán quyết ông Shafiq có quyền ứng cử và vào vòng hai.
Mục đích của Hội đồng Tướng lãnh là dẹp quốc hội sang một bên trước khi ban hành một số biện pháp vô hiệu hóa chức vụ Tổng thống. Hội đồng Tướng lãnh đoán trước rằng ông Mohamed Morsi, ứng cử viên của Muslim Brotherhood sẽ đắc cử tổng thống.

Trong khi chờ đợi kết quả bầu cử tổng thống, ngày 17/6 Hội đồng tướng lãnh lấy cớ quốc hội đã bị gỉải tán ban hành một sắc luật ấn định Hội đồng Tướng lãnh sẽ nắm quyền lập pháp và quyền thông qua ngân sách. Tổng thống chỉ còn quyền thành lập nội các nhưng không có quyền về các vấn đề an ninh trong nước và chỉ có quyền tuyên chiến với sự chấp thuận của Hội đồng Tướng lãnh (TBN: điều khoản này để làm yên lòng Do thái).

Trong khi đó, trước ngày bầu cử, chuẩn bị đối đầu với các cuộc biểu tình, Bộ trưởng Tư Pháp Ai cập (người của Hội đồng Tướng lãnh) ban hành sắc luật cho phép quân đội bắt giữ thường dân như trong thời kỳ ban hành quân luật. Hội đồng Tướng lãnh còn đi xa hơn cho mình quyền thành lập Ủy ban Soạn thảo Hiến pháp cho giai đoạn 2 để viết một bản Hiến pháp duy trì quyền của Hội đồng Tướng lãnh và giới hạn quyền của quốc hội và tổng thống tương lai. Trong khi chờ đợi tiến hành cuộc “cải cách dân chủ” đợt 2, Hội đồng Tướng lãnh cho thành lập Hội đồng An Ninh Quốc gia phụ trách các vấn đề quân sự và an ninh do Tổng thống làm chủ tịch. Hội đồng này gồm 1/3 nhân sĩ và 2/3 tướng lãnh và các quyết định sẽ được thông qua bằng đa số quá bán. Nguyên tắc lấy quyết định này mặc nhiên vô hiệu hóa chức vụ chủ tịch của tổng thống.

Hôm 24/6, như các quan sát viên theo dõi cuộc bầu cử đã tiên đoán, Ủy ban bầu cử Ai Cập tuyên bố ông Mohamed Morsi đắc cử tổng thống với 52% số phiếu bầu, thắng ông Shafig gần 1 triệu phiếu. Sau khi kết quả được công bố, dân chúng tụ tập tại công trường Tahrir chờ đợi kết quả đã tưng bừng đón nhận tin vui. Nhưng cuộc vui bất đắc dĩ này rồi sẽ chóng qua! Vì sự thật, cuộc cách mạng dân chủ của nhân dân Ai Cập đã bị Hội đồng Tướng lãnh lật ngược qua một cuộc đảo chánh không tiếng súng.

Với các biện pháp và sắc lệnh đã ban hành, tiếng nói của nhân dân Ai Cập qua bầu cử đã bị Hội đồng Tướng lãnh cướp mất. Thực chất của dân chủ không còn.

Tiền lệ trên thế giới cho thấy dập tắt tiếng nói của nhân dân qua bầu cử tự do dù với lý do gì cũng đưa đến những hệ lụy là rối loạn, chiến tranh và bất ổn. Tại Miến Điện năm 1990 đảng của bà Aung San Suu Kyi thắng trong một cuộc bầu cử quốc hội không được Hội đồng Quân nhân Miến Điện công nhận đã đưa Miến Điện vào đói khổ và khó khăn trong 20 năm liền cho đến năm 2011 mới hòa giải được. Năm 1992, tại Algeria khi quân nhân thấy một mặt trận Hồi giáo (Islamic Salvation Front – FIS) sắp thắng trong một cuộc bầu cử quốc hội đã làm đảo chánh đưa đến một cuộc nội chiến kéo dài 10 năm làm thiệt mạng hơn 150.000 người.

Và mới đây, năm 2006 cuộc bầu cử quốc hội cho một chính quyền tạm thời của người Palestine, Tổ chức Hồi giáo Hamas chiếm đa số, nhưng không được công nhận. Hamas phản kháng, chiếm vùng Gaza và chính quyền Palestine bị bể làm hai làm cho cuộc vận động của người Palestine cho một nước Palestine trở nên phức tạp hơn tạo ra không ít bất ổn tại Trung đông vốn đã có quá nhiều bất ổn.

Sự tiếm quyền của Hội đồng Tướng lãnh tại Ai Cập có thể sẽ dẫn tới những rối loạn và bất an cho vùng Trung đông , nếu không nói cho thế giới.

Chính sách của Muslim Brotherhood là dựa vào ý dân qua bầu cử tự do để tiến dần tới quyền lực. Cho nên Muslim Boretherhood sẽ kiên nhẫn dung hòa quyền lợi với phe quân nhân, và thông cảm nổi lo của Hoa Kỳ, và cộng đồng Âu châu và nhất là nổi lo an ninh của Do thái.

Nhưng Tổ chức Hồi giáo Anh em và nhân dân Ai Cập sẽ chịu sự chèn ép của quân nhân và áp lực quốc tế đến mức độ nào. Viễn ảnh của những rối loạn và bất ổn trong những ngày tới nếu đưa đến một cuộc nội chiến tại Ai Cập cũng khôngphải là điều không thể xẩy ra.

June 24, 2012

© Trần Bình Nam

© Đàn Chim Việt

2 Phản hồi cho “Ai Cập bên bờ nội chiến”

  1. XYZ says:

    Cũng lại là Ai Cập và cũng lại là Trần Bình Nam,lần trước ông qua đó du lịch và đã không tiếc lời bình luận ,ca tụng đất nước này nào là phồn thịnh,hài hoà và không giống như những quốc gia hồi giáo cực đoan khác v.v.Rồi đùng một cái họ đem AK bắn nhau chí choé,bên Syria đang om sòm,ông TBN xem chừng ở lại bên Hoa Kỳ đặng lãnh hàng tháng số tiền dưỡng già tuy ít ỏi nhưng chắc ăn như bắp,đừng đi loạng quạng mà đạn AK nó phanh ruột.

  2. Minh Đức says:

    Trích: “Vì sự thật, cuộc cách mạng dân chủ của nhân dân Ai Cập đã bị Hội đồng Tướng lãnh lật ngược qua một cuộc đảo chánh không tiếng súng.”

    Thật ra việc Hội Đồng Tướng Lãnh làm chỉ gọi là bám vào quyền lực chứ chưa đáng gọi là đảo chánh vì giới quân nhân chưa hề mất quyền và phe cách mạng chưa hề nắm được quyền. Đây là tình trạng tại nhiều nước đang trong quá trình chuyển sang dân chủ. Trước khi có chế độ dân chủ thì có một nhóm người nắm quyền hành bằng vũ lực. Tại Ai Cập thì là giới quân nhân, tại Liên Xô, Trung Quốc, Việt Nam đó là đảng Cộng Sản. Nguồn gốc quyền lực của họ là vũ lực. Khi chuyển sang dân chủ thì ai sẽ cầm quyền được quyết định bằng lá phiếu mà không bằng cách đánh đập, bỏ tù và giết những người không theo phe mình.

    Ảnh hưởng của nhóm dùng vũ lực vẫn còn ngay cả trong chế độ dân chủ. Tại Thái Lan, Indonesia, Phillipines, Thổ Nhĩ Kỳ, Pakistan giới quân nhân vẫn rất mạnh và chi phối đến chính trị mặc dù trên danh nghĩa các nước đó có chế độ dân chủ đa đảng. Tại Nga thì đám mật vụ KGB cũ quay trở lại chính quyền và dùng vũ lực để nắm chính trị và cả kinh tế. Tại Ai Cập tình trạng này cũng đang xảy ra. Các chế độ dân chủ thành công thực sự là các chế độ hạn chế được quyền hạn của quân đội, cơ quan an ninh, để cho các cơ quan này chỉ hoạt động trong phạm vi giữ an ninh mà không để cho xen vào chính trị, kinh tế.

Leave a Reply to XYZ