WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Di hại của chế độ cộng sản về vật chất và tinh thần

Búa liềm- biểu tượng của chủ nghĩa CS được trưng bày trong bảo tàng tại Warsaw. Ảnh MVH

Ngày hôm nay qua quyển Hắc thư của Chủ nghĩa cộng sản (Le Livre noire du Communisme), qua Tượng đài Kỷ niệm những Nạn nhân của chế độ cộng sản, qua Tòa án Quốc tế xử chế độ diệt chủng Pol Pot, người ta chỉ nghĩ đến những thiệt hại vật chất của chế độ cộng sản, mà người ta ít nghĩ đến những thiệt hại tinh thần.

Thực ra những thiệt hại tinh thần vô cùng lớn lao, không biết đến bao giờ chấm dứt, nhất là những nước còn sống dưới chế độ cộng sản như Trung Cộng, Việt Nam, Bắc Hàn và Cu Ba. Chúng ta hãy sơ lược về di hại cả vật chất, lẫn tinh thần của chế độ cộng sản, và cùng suy nghĩ làm thế nào để chấm dứt những di hại này.

I) Sơ lược di hại về vật chất

Di hại vật chất, đó là đi theo lời huấn dạy vừa sai lầm vừa không tưởng của Marx, nghĩ rằng người ta có thể bãi bõ quyền tư hữu, nhưng thực tế quyền tư hữu chỉ có thể chuyển nhượng, đảng cộng sản, sau khi dùng bạo lực cướp chính quyền, đã phát động phong trào “Đánh tư bản mại sản”, tước hết quyền tư hữu của dân, rồi trao vào tay một thiểu số đảng đoàn cán bộ.

Những cuộc đánh tư bản mại sản này làm cho đại đa số dân trở nên nghèo khổ, rồi chuyển nhượng tài sản của dân vào tay cán bộ, làm cho họ trở nên những ông tư bản đỏ giàu nứt đố đổ vách, như chúng ta chứng kiến ngày hôm nay.

Không những thế, nó còn làm cho cả trăm triệu người chết oan uổng, vì chính sách: “Trí phú hào, đào tận gốc, trốc tận rễ”, giết chết giai tầng sĩ phu trí thức, xương sống của một xã hội, làm cho xã hội trở nên què quặt. Trong khi đó thì ruộng vườn nhà cửa bị sung công, tạo nên cảnh: “Cha chung không ai khóc, nhà chung không người chăm sóc, ruộng chung không ai cày”.

Theo một nhóm sử gia Pháp, các ông Stéphane Courtois, Nicolac Werth, Jean louis Panné, André Paczkowski, Karel Bartosek, Jean louis Margolin, trong quyển “Le Livre noir du Communisme” (Hắc Thư về chủ nghĩa cộng sản – nhà xuất bản Laffont – 1997), thì nạn nhân của chế độ cộng sản được chia ra như sau:

- Liên Xô: 20 triệu người.
- Trung Cộng, 65 triệu.
- Việt Nam, 1 triệu.
- Bắc Hàn, 2 triệu.
- Căm Bốt, 2 triệu.
- Đông Âu, 1 triệu.
- Châu Mỹ La Tinh, 150 000.
- Phi Châu, 1,7 triệu.
- A Phú hãn, 1,5 triệu.
- Phong trào cộng sản quốc tế và những đảng cộng sản không nắm chính quyền, mấy chục ngàn người.

Thực ra con số này là con số quá ít, chúng ta cứ lấy trường hợp Việt Nam, ngoài những người chết vì bị đấu tố trong cải cách ruộng đất, trong cuộc tấn công Tết Mậu thân 1968, còn biết bao nhiêu thế hệ bị chết oan uổng bởi chiến tranh đánh vào miền Nam, do cộng sản chủ mưu, núp dưới danh hiệu “Giải phóng”, nhưng thực tế là muốn nhuộm đỏ miền Nam, theo kế hoạch của cộng sản Nga Tàu.

Con số 20 triệu ở Nga, nhiều nhà sử gia cũng cho là ít, họ ước đoán là khoảng 35 tới 40 triệu.

Đối với Tàu cũng vậy, theo 2 nhà sử gia Jung Chang và Jon Halliday, trong quyển Mao: The Unknown Story (Mao – Câu Chuyện Chưa Được Biết – nhà xuất bản Gaillimard – Paris – 2 006), thì con số phải lên ít nhất là 70 triệu.

Một trong những người ý thức rõ sự tai hại của chế độ cộng sản, ta phải nói đến ông Boris Eltsine, Ủy Viên Bộ Chính trị, Tổng thống nước Nga sau này. Trong bài diễn văn nhậm chức nhiệm kỳ đầu, vào năm 1992, ông có nói:

Vào đầu thế kỷ 20, nước Nga đang ở chung một con tàu cùng với thế giới, nước Nga không phải là đầu tàu, nhưng cũng ở trong những toa tàu hạng nhất. Thế rồi nước Nga nghĩ rằng mình có thể có một đường lối phát triển riêng biệt, đã tách khỏi đoàn tàu. Không dè nước Nga bị dậm chân tại chỗ. Ngày hôm nay về phát triển nước Nga bị tụt hậu hàng nửa thế kỷ, nếu không muốn nói là hàng thế kỷ.”

Ở đây vì lý do chính trị, ông không nói rõ, nhưng ai cũng hiểu ông ám chỉ thủ phạm là Lénine, Đảng cộng sản Liên sô và Đệ Tam quốc tế Cộng sản.

Thực vậy Lénine không hiểu sai lầm của lý thuyết Marx, nghĩ rằng đây là thần dược, không những thực hiện ở nước mình, mà còn tìm cách xuất cảng ra nước ngoài.

Lúc đầu là qua các nước Tây âu, nhưng thất bại như vụ nổi dậy ở Đức qua phong trào Spartakus, một phần do phe cực tả của Đảng Dân chủ Xã hội Đức, tách ra khỏi đảng, nổi lên ở Berlin, vào tháng 1/1919; trước đó ở Hung gia lợi, đảng Xã hội, liên hiệp với đảng Cộng sản, dưới sự lãnh đạo bởi Béla Kun, nổi lên vào tháng 3/1918; nhưng cũng thất bại.

Xuất cảng sang phía tây không thành, Lénine tìm cách xuất cảng sang đông.

Vào năm 1923, tại Đại Hội Đệ Tam quốc tế Cộng sản, với sự có mặt cuối cùng của Lénine, ông đã tuyên bố:

“Chế độ cộng sản đi qua cửa ngõ New Delhi, Bắc Kinh, Moscou, rồi mới tới Paris, Luân Đôn.”

Chính vì vậy mà có Hiệp ước thân thiện Lénine – Tôn Dật Tiên vào cùng năm, rồi ông mở ra trường Đông phương sau này, lúc đầu mang tên trường Tôn Dật Tiên.

Con vi trùng độc hại cộng sản bắt đầu tràn sang Á châu. Giới trí thức tả phương đông, đặc biệt là của 2 nước Tàu và Việt Nam, cũng cho rằng lý thuyết Marx là thần dược, không ngần ngại chấp nhận, chạy theo và áp dụng, trong đó chúng ta phải kể Trần Độc Tú, Lý đại Siêu, 2 người được coi là sáng lập viên của Đảng Cộng sản Tàu, tiếp theo là Lưu Thiếu Kỳ, Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình. Ở Việt Nam phải kể Hồ Chí Minh, Trần Phú, Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai, Lê Duẩn.

Trong những người trí thức và lãnh đạo chính trị sáng suốt ở Việt Nam, người ta thấy có cụ Phan Bội Châu, và ở bên tàu, có tướng Tưởng Giới Thạch.

Cụ Phan Bội Châu, vào những năm đầu của thập niên 20, cụ đã được những người của Đệ Tam Quốc tế Cộng sản tiếp xúc, chiêu dụ cụ vào tổ chức, nhưng cụ từ chối. Cụ có nói: “Tôi chẳng duy tâm, cũng không duy vật, tôi chỉ duy dân.”

Tướng Tưởng Giới Thạch cũng vậy. Sau Hiệp ước thân thiện Tôn Dật Tiên – Lénine, ông đã được họ Tôn, vì lúc đó ông là tay em, gửi sang Liên Sô học. Nhưng ông không ở lâu để học, mà ông về nước ngay.

Người ta hỏi: “Tại sao Tướng quân không ở đấy để học?” Ông trả lời: “Ở đấy không có gì để tôi học.” Sau đó ông nói thêm:

“Một con người không có xương sống thì suốt đời chỉ nằm hay bò. Xương sống của một xã hội là giai tầng trung lưu và sĩ phú trí thức. Nay cộng sản chủ trương tiêu diệt 2 giai tầng này, chỉ làm cho xã hội đó trở nên què quặt. Không tiến nổi.”

Về sau này, vào những năm 30 và 40, trong trận chiến với Nhật và tiêu diệt cộng sản, ông đã tuyên bố: “Cộng sản như bệnh trong xương tủy. Nhật bản như bệnh ngoài da. Vì vậy phải chủ trương diệt cộng sản trước. Trước sau Nhật bản sẽ thua vì Đại Chiến.”

Tuy nhiên, câu nói này quả thật là đúng, quả thật là nhìn xa, trông rộng, như chúng ta ý thức ngày hôm nay. Tuy nhiên vào lúc đó có nhiều người hiểu lầm ông. Đây cũng là một trong những nguyên do chính, khiến ông bị thua bởi Mao trạch Đông.

II) Sơ lược di hại về tinh thần

Di hại về tinh thần, đó là cũng theo lời huấn dạy của Marx, để tạo dựng một nền văn hóa, văn minh mới, thì phải phá hủy tất cả những gì thuộc về văn hóa, văn minh cũ, đi đến chỗ phá đền đài, phá chùa, phá nhà thờ. Những giá trị nhân bản cổ truyền, dạy dỗ con người trở nên thực sự là người, bị chà đạp, đổ xuống sông, xuống biển một sớm, một chiều, con người không phải là con người, mà trở về đời sống cầm thú, súc vật, mạnh được, yếu thua. Cộng thêm với quan niệm duy vật hiểu theo nghĩa thấp hèn của nó và quan niệm bạo động lịch sử, con người ngay cả bố con, vợ chồng, bạn bè không còn như xưa nữa, mà sẵn sàng giết nhau, hại nhau vì một vài trăm $, như chúng ta thấy hiện nay ở Việt Nam và Trung Cộng.

Ngày xưa, Tản Đà có câu: “Văn minh Đông Á trời thâu sạch. Này lúc cương thường đảo ngược ru.” Thực ra, với chế độ cộng sản, không những văn minh đông phương, mà cả văn minh tây phương, nước nào bị cai trị bởi cộng sản, đều lâm vào cảnh “Cương thường đảo ngược”, từ vật chất đến tinh thần.

Thực vậy, chế độ cộng sản được dựng lên trên nền tảng lý thuyết không tưởng của Marx và Engels, cho rằng phải phá hủy tất để xây dựng thiên đàng cộng sản.

Từ đó, người cộng sản, khi cướp được chính quyền, có võ lực trong tay, không từ một hành động nào, từ chém giết, dối trá, lừa bịp, khủng bố, dọa nạt, mị dân đến chỗ mị chính bản thân mình, để thực hiện lời dạy của Marx.

Chế độ cộng sản là một chế độ độc tài toàn diện, cực quyền, nắm giữ, kiểm soát tất cả mọi sinh hoạt của đời sống con người, từ triết lý đến chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, công an, quân đội.

Vì vậy, họ đã dùng tất cả những thứ này, cộng thêm với những thủ đoạn ác ôn, côn đồ, hèn hạ, để thay đổi xã hội mà họ cai trị.

Vì vậy,

1- Chế độ cộng sản là một chế độ cai trị dân bằng cái loa, cái còng và cái súng, nên đã làm cho người dân, hoặc trở nên u mê, hoặc trở nên sợ hãi.

2- Từ đó chế độ cộng sản làm cho người dân trở nên hèn nhát, nhu nhược.

3- Và cũng từ đó chế độ cộng sản làm cho đạo đức băng hoại, kỷ cương suy đồi, nhất là với tư tưởng của Marx chủ trương phá hủy mọi nền văn hóa, văn minh cũ, để xây dựng lên một nền văn hóa, văn minh mới, qua quan niệm “Tam Vô” (Vô tôn giáo, vô gia đình, vô tổ quốc), qua hành động “Trí phú hào, đào tận gốc, trốc tận rễ.”

Thánh Gandhi có nói câu:

“Năm tội ác của một xã hội: 1) Làm chính trị không cần nguyên tắc. 2) Thịnh vượng không cần làm việc. 3) An nhàn không cần đạo lý. 4) Khoa học không cần nhân đạo. 5) Tín ngưỡng không cần hi sinh.”

Năm tội ác này áp dụng cho chế độ cộng sản quả thật không sai.

Nguyên do tại đâu?

Có thể nói nó bắt nguồn xa xưa từ Marx cho đến Lénine rồi tiếp theo giới lãnh đạo con cháu.
Marx chủ trương “Làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu”, “Một xã hội an nhàn không cần đạo lý.”

Lénine chủ trương làm chính trị không cần nguyên tắc, miễn sao có lợi cho mình và cho đảng.

Rồi ngày hôm nay ở Việt Nam, phá thai bừa bãi, nhà thương thay vì cứu người lại à nơi tham ô, hối lộ; chùa, nhà thờ mọc lên như nấm với những “ông sư quốc doanh, linh mục quốc doanh”, đó chính là khoa học không cần nhân đạo và tín ngưỡng mà không cần hi sinh, hơn thế nữa lợi dụng tín ngưỡng để kiếm tiền.

Xã hội cộng sản quả thật là một xã hội loài người nhưng mất hết nhân tính, xã hội do loài quỉ đỏ cai trị.

Chính vì vậy mà ông Lê Xuân Tá, Phó Trưởng Ban Khoa học và Kỹ thuật của Trung Ương Đảng Cộng sản Việt Nam trước đây có viết, vào thời điểm những chế độ cộng sản Liên sô và Đông Âu sụp đổ:

Sự ngu dốt và sự thấp hèn tự nó không đáng trách. Nhưng sự ngu dốt và thấp hèn mà được trao quyền lực và cấy vào vi trùng ghen tị, thì nó trở thành quỉ nhập tràng.

“Và con quỉ này, nó ý thức rất rõ rằng cái đe dọa quyền và lợi của nó chính là sự hiểu biết, văn hóa và văn minh; nên nó đã đánh những thứ này một cách tàn bạo, không thương tiếc.

“Nhưng chính vì nó là thấp hèn và ngu dốt, nên những thứ này đã trở thành những sạn thận, sỏi mật, trong lục phủ ngũ tạng của chế độ, làm cho chế độ không ai đánh mà tự chết.”

Tôi không đồng ý với câu kết luận này, vì chúng ta không thể ngồi chờ sung rụng.

Và từ đó, một câu hỏi đến với chúng ta:

Làm thế nào để tiêu trừ những di hại của chế độ cộng sản. Câu hỏi này có thể được đặt ra dưới dạng một câu hỏi khác, đó là:

Tại sao cuộc cách mạng tự do, dân chủ, nhân quyền đã đến với Liên Sô, Đông Âu, rồi tràn sang Tunisie, Ai Cập, Lybie, hiện đang ở Syrie và Miến Điện, thế mà vẫn chưa đến Việt Nam. Làm thế nào để nó xảy ra tại Việt Nam?

Để trả lời câu hỏi này, có rất nhiều nguyên do, vì cách mạng là một biến cố chính trị và lịch sử rất to lớn. Ở đây tôi chỉ xin nêu ra một vài nguyên do chính đứng theo bình diện của người chủ trương cách mạng.

Chế độ cộng sản Việt Nam là một chế độ ác ôn, côn đồ, gian manh quỉ quyệt và đạo đức giả nhất trong những chế độ cộng sản thế giới. Ác ôn côn đồ vì chúng không chừa bất cứ thủ đoạn nào để hăm dọa, trấn áp những người tranh đấu vì tự do dân chủ, vì nhân quyền công lý. Chúng sử dụng những công an không còn tính người, chỉ biết “còn đảng còn mình”; dùng những bọn giá áo túi cơm, mệnh danh “quần chúng tự phát” đả thương, quấy nhiễu những thành phần tranh đấu bất bạo động cho sự vẹn toàn lãnh thổ trước sự ngang ngược, bạo tàn của Bắc phương, tranh đấu cho một xã hội không còn cảnh người đàn áp người, người hành hạ người hơn loài lang sói.

Gian manh quỉ quyệt vì chúng là một chế độ bán nước hại dân, nhưng chúng đã núp dưới chiêu bài quốc gia, dân tộc, “Đuổi Pháp, đánh Mỹ” để lừa bịp dân tộc và cả toàn dư luận quốc tế. Ngay từ đầu khi thành lập đảng cộng sản Hồ chí Minh và bè lũ đã tự nguyện trung thành với Đệ tam Quốc tế Cộng sản, tự đưa dân tộc và đất nước trở thành con chốt hy sinh cho tham vọng bành trướng của Nga Tàu. Lê Duẩn, cựu bí thư của đảng cộng sản Việt Nam đã không ngượng miệng khi tuyên bố “Chúng ta đánh Mỹ là đánh cho Liên sô”. Quỉ quyệt vì chúng đã biết rằng “Đánh rắn là phải đánh dập đầu”, vì vậy từ đầu chúng đã tìm mọi cách ám hại, thủ tiêu những người yêu nước không cùng chính kiến, không chấp nhận chủ nghĩa cộng sản như các cụ Phan Bội Châu, Lý Đông A, Trương Tử Anh. Ngày nay chúng bắt bớ giam cầm hay quản thúc tại gia, cho công an canh giữ, cô lập những lãnh tụ đối lập, từ tôn giáo đến chính trị, như Hòa Thượng Thích Quảng Độ, Linh mục Nguyễn văn Lý, bác sĩ Nguyễn Đan Quế, blogger Điếu Cày Nguyễn Văn Hải và nhiều người khác.

Thêm vào đó chúng biết rằng làm việc gì cũng phải có niềm tin và tổ chức, nên chúng đã tìm cách chia rẽ, xâm nhập vào hàng ngũ chống cộng để xuyên tạc, tung tin thất thiệt, làm lay động niềm tin. Đồng thời chúng tìm cách kiểm soát, cô lập tối đa người này với người kia, vì không có liên lạc thì khó có thể tạo được niềm tin và tổ chức.

Chế độ cộng sản đã được thử nghiệm gần 1 thế kỷ nay, đã hoàn toàn thất bại, mang rất nhiều di hại về cả vật chất lẫn tinh thần cho bất cứ xã hội nào bị cai trị bởi nó. Điều này toàn thế giới đã thấy và dân Việt Nam ý thức rõ hơn ai hết, chỉ có một thiểu số đảng đoàn cán bộ, vì đặt quyền lợi cá nhân lên trên quyền lợi của quốc gia dân tộc nên mới cố bám víu vào quyền hành, cai trị dân bằng cái loa để mị dân, cái còng và cái súng để dọa nạt dân, làm cho dân sợ. Thêm vào đó chúng còn áp dụng chính sách giáo dục nhồi sọ, xuyên tạc sự thật, tôn thờ lãnh tụ, nhằm mục đích ngu dân, ngõ hầu kéo dài ngày sụp đổ của chế độ do chúng dựng lên.

Chính vì lẽ đó mà để làm cuộc cách mạng chống cộng sản ở Liên sô, những nhà trí thức Nga đã lấy câu châm ngôn làm kim chỉ nam: “Sự thật nặng hơn quả địa cầu”, Đức Giáo hoàng Jean Paul II, vừa mới lên ngôi, về thăm Ba Lan, đã khuyên dân Ba lan: “Đừng sợ hãi và hãy hy vọng”. Ngày hôm nay, bạo quyền ở bất cứ nơi nào cũng không thể cấm đoán dân, nhất là giới trẻ tiếp cận với Internet, nên Ghonim, người chính trong cuộc cách mạng ở Ai Cập, đã nói: “Để làm cách mạng ngày hôm nay, chuyện chính là làm cho dân và nhất là giới trẻ tiếp xúc với Internet.”

Nói lên sự thật, dựng lại niềm tin, đó là công việc làm của mỗi người Việt ở quốc nội, cũng như ở hải ngoại, nên ý thức rõ để thực hiện. Nhưng đây là một công việc đòi hỏi sự kiên trì, đi chính từ bản thân, đến những người chung quanh, bắt đầu từ những người trong gia đình, có thể tin tưởng được, tạo cho họ niềm tin, rồi theo vết dầu loang, một truyền 2, rồi 2 truyền 4, cứ như thế kiên trì mà thực hiện.

Tất nhiên sau đó phải có kế hoạch và tổ chức. Bất cứ một tổ chức cách mạng chống bạo quyền, độc tài nào, thường cũng có 2 phần, hoàn toàn biệt lập nhau: phần nổi và phần chìm.

Phần nổi để thức tỉnh dân, để báo động với quốc tế rằng “Chúng tôi vẫn còn đây, vẫn kiên trì đấu tranh cho tự do, dân chủ, nhân quyền”, nhiều khi cũng bị mất mát, hy sinh. Nhưng nhiều khi phải chịu. Phần chìm mới quan trọng, đây là cơ quan sửa soạn hạ tầng, để làm nên những đợi sóng ngầm, đợi đúng thời cơ, thì những đợt sóng này sẽ nổi lên cuốn đi những rác rưởi đã làm ngăn cản giòng lịch sử dân tộc, cuốn đi những tham quan, ô lại, bạo chúa, bạo quyền.

Khi chúng ta đã có tổ chức, có một đường lối tranh đấu, trong hợp với lòng dân, ngoài hợp với trào lưu tiến bộ của nhân loại, đó là tranh đấu nhằm tạo dựng một nước Việt Nam Tự Do Dân Chủ, tôn trọng Nhân Quyền và Tiến Bộ thì chắc chắn chúng ta sẽ có sự hậu thuẫn của dân và sự ủng hộ của nhân dân và các nước yêu chuộng Tự Do và Công Lý trên thế giới.

Tạo dựng niềm tin, lòng cản đảm, tìm hiểu sự thật! Đầu tiên cho chính mình, sau đó cho người thứ nhì, rồi người thứ ba, rồi mỗi người cứ tiếp tục làm như thế!

Đừng nghĩ rằng không đi đến đâu cả, chỉ là công dã tràng. Nên nhớ: Một lâu đài to lớn kia cũng chỉ bắt đầu được xây dựng với những viên đá, viên gạch nhỏ bé lúc ban đầu. Một cuộc hành trình vạn dặm cũng bắt đầu bởi bước khởi hành đầu tiên.

Paris ngày 22/07/2012

13 Phản hồi cho “Di hại của chế độ cộng sản về vật chất và tinh thần”

  1. Phan BA says:

    Tôi có đứa cháu, con người anh đã mất, nó hăm doạ má tôi là người mang nặng, đẻ đau, sinh ra ba nó; không được về nhà của bả (bà đang đi thăm đứa cháu ngoại); để nhà cho nó làm ăn.

    Gia đình tôi cũng là một gia đình có lễ giáo, thuộc loại đàng hoàng.

  2. Một trong những di hại tinh thần trầm trọng nhất là do HCM và đảng CSVN gây ra là từ cải cách ruộng đất tại miền bắc VN !
    Như chúng ta đã biết,Việt Nam là Việt tộc duy nhất còn sót lại,trong khi 99 Việt tộc kia đã bị đồng hóa bỡi người Tàu,sau khi trải qua hàng ngàn năm bắc thuộc.Cái gì đã làm cho cha ông chúng ta đứng vững như thế sau những lũy tre xanh trông rất đơn sơ,mõng manh,yếu ớt? xin thưa đó là nền văn hoá thầm lặng,đậm nét dân tộc,truyền từ đời nầy sang đời khác,âm thầm chảy trong huyết quản từng người dân một sau những rặng tre làng.
    Nền văn hóa của tổ tiên ta,trong đó sự liên quan,đối xử giửa các cá nhân dù không có một quy định thành văn nào,nhưng rất bó buộc và chặc chẻ,nó biết rút tỉa những tinh hoa từ nhửng nền văn hóa khác như Trung hoa,Chiêm thành,Thủy chân Lạp (campuchia bây giờ) để tạo thành một nền văn hóa riêng cho mình,trong đó chỉ bằng nhửng câu ca dao,tục ngữ,tổ tiên đã dạy dổ những thế hệ sau, như con thì phải kính trọng và phục tùng cha mẹ (cá không ăn muối cá ươn,con cải cha mẹ trăm đường con hư );trẻ thì kính trọng người già (kính lão đắc thọ) ,người dân thì phải kính trọng và tuân phục các cấp chức trong làng xả (dân chi phụ mẫu),học trò thì phải biết kính trọng người dạy dỗ,khai sáng tri thức cho mình(không thầy đố mầy làm nên),trong đó thầy đứng trên hàng cha me,chỉ có dưới vua (quân,sư,phụ),hàng xóm thì đùm bọc lẫn nhau (bán anh em xa,mua láng giềng gần),trong đó dạy cho con người sống cho thật thà (đói cho sạch,rách cho thơm),nhân nghĩa(dù xây chín ngọn phù đồ,cũng không bằng phúc cứu cho một người),cùng tránh những thói hư tật xấu(cờ bạc là bác thằng bần,cửa nhà bán hết tra chân vào cùm)(ăn vụng quen tay,ngủ ngày quen mắt)…;trong xã hội ấy,một người con,một người trò mà cố tình đứng ra làm hại cha mẹ,hại thầy là điều không thể có !
    Và như DNA di truyền,nó chảy trong dòng máu từ đời này sang đời khác,thành như một thứ keo đoàn kết,gắn bó làm cho tổ tiên ta trường tồn qua hàng ngàn năm dù đất nước đã có lúc thịnh lúc suy .
    Nhưng như một cơn ác mộng,mà di chứng nó còn di hại đến bây giờ,HCM và CSVN biết rằng một cái cây đã cong bên phải,muốn nó thẳng theo ý mình thì phải uốn nó hẳn về phía bên trái,muốn cải tạo một xã hội theo huớng XHCN, thì phải đánh thẳng vào cái gốc của nó,tức là ngay từ làng xã;bằng cách quy chụp là cường hào,ác bá,phong kiến,địa chủ,CSVN phát động một cuộc “cách mạng làng xã long trời lở đất”trong đó tất cả giá trị gia đình,làng xã,truyền thống,được đánh cho đảo lộn,sụp đổ.Bọn cán bộ cốt cán CS mồi chài,dụ dổ,bắt ép mớm cung cho con đứng ra tố cha,vợ tố chồng,trò tố thầy,người ở tố chủ,nông dân tố chủ điền,chúng đã thành công trong việc phá tung cái luân lý đạo đức ở làng xã,tạo cho lớp nông trước là những con người hiền lành,nay trở thành những con người ích kỷ,hàng xóm lúc trước là những cộng đồng đoàn kết gắn bó,thì nay thành nhửng nơi người soi mói,rình mò,dành dựt và nhất là trong đó mọi ý chí đề kháng đều bị triệt tiêu.
    CS đã thành công qua việc tạo được những con người chỉ còn bản năng là sống,là làm mọi cách để mà có cái ăn,và qua đó,với chính sách cai tri bằng bao tử,chúng đã tạo được môt lớp người thôn quê mới,một lớp người mới xã hội chủ nghĩa chính hiệu,mà trong đó chỉ có biết giết ,giết,bàn tay không ngừng nghĩ , tuyệt đối vâng lời CS,để được sống và ăn !
    Theo tôi đấy là cái tội ác lớn nhất mà HCM và đảng CSVN đã gây ra cho đất nước, đã mấy chục năm qua,cái di hại nầy vẫn còn,không biết tới bao giờ,cái tình hàng xóm thôn dã sau lũy tre làng -nhất là ở miền bắc- mới phục hồi được !

  3. Builan says:

    DI HAI KHUNG KHIEP

    Họ là 2 mẹ con, hòa giải nhưng không hòa hợp được. Huống chi những người ngày xưa cầm súng lăm le đòi giết nhau, ngày nay nói chuyện hòa giải, hòa hợp ! Hơn nữa, bọn VC bản chất lưu manh, lật lọng , làm sao có chuyện hòa giải, hòa hợp được?

    CHÀO MẸ !

    Tôi không khó khăn nhận ra mẹ khi bà vừa bước ra
    khỏi trạm kiểm soát an ninh phi trường. Một tay kéo chiếc va ly nhỏ, một vai
    mang chiếc xách tay, mẹ thong dong như trôi theo dòng người. Dáng mẹ trông mảnh
    mai, thanh nhã, linh hoạt dù rằng đã ở cái tuổi tám mươi. Tóc đã bạc phơ. Chiếc
    áo sơ mi màu trắng như giúp khuôn mặt mẹ tươi tắn hơn ngày tôi gặp mười lăm năm
    trước. Mẹ đưa mắt tìm kiếm. Tôi giơ tay vẫy. Bà mừng rỡ vẫy lại. Tôi cười khi
    mẹ đến gần:

    “Chào mẹ!”
    Mẹ buông rơi chiếc va ly, mở vòng tay ôm ghì lấy tôi. Tôi cũng ôm xiết mẹ mà
    sao không cảm nhận chút nồng ấm nào. Từ khi chưa đầy một tuổi, ba mẹ tôi đã
    đành đoạn bỏ rơi tôi. Thôi nôi, ngoại cúng kiến van vái. Lên ba, ông ngoại mất.
    Lên năm, bà ngoại lìa đời. Cậu mợ tôi thừa hưởng gia sản nên… thừa hưởng luôn
    việc săn sóc dưỡng dục tôi. Vì vậy mà khi khôn lớn, tôi hầu như quên hẳn mình
    còn đủ cha đủ mẹ.
    Tôi lái xe vào trung tâm thủ đô, chạy vòng vòng cho mẹ xem phố xá rồi quẹo sang
    đường Constitution. Tôi chỉ mẹ xem đài tưởng niệm Washington, tòa Bạch ốc và
    hứa một ngày khác sẽ đưa mẹ vào xem tận bên trong. Mẹ nói mẹ muốn ưu tiên gặp
    em của mẹ, còn việc tham quan chừng nào cũng được. Tôi cho mẹ biết cậu mợ đang
    chu du Âu châu, hai tuần nữa mới về. Sợ mẹ hiểu lầm, tôi giãi bày:

    “Cậu mợ ghi tên đi chơi trước ngày mẹ báo tin qua đây nên không hủy bỏ được.
    Con đã xin nghỉ một tháng. Trong tháng đó mình sẽ đi một vòng sơ khởi nước Mỹ.
    Mẹ sẽ gặp em trai mẹ vào tuần lễ thứ ba…”

    Tôi ngưng nói khi thấy mẹ xoay mặt về khung cửa kính. Nhân lúc xe qua cầu, tôi
    cất cao giọng:

    “Đây là sông Potomac. Đi xuôi dòng sẽ trông thấy một phần hình ảnh rất đẹp của
    thủ đô. Nhà của con phía thượng dòng cách đây độ nửa giờ.”

    Mẹ vẫn nhìn quang cảnh thành phố, chỉ có tiếng “thế à” hờ hững vang lên. Tôi
    nhìn đồng hồ và mừng là đã tới giờ cơm chiều. Tôi nói nhỏ nhẹ:

    “Suốt ngày đêm trên máy bay, chắc mẹ thèm cơm. Khu thương mại Eden của người
    Việt vùng này có một nhà hàng nấu món canh chua cá bông lau, cá kho tộ ngon lắm!”

    Bà nói giọng mệt mỏi:
    “Nói chung thì mẹ thèm một tô phở.”

    Một cái gì nghẹn ngào đột ngột trào dâng trong tôi. Hai mươi năm tập kết ra Bắc
    mẹ đã bị đồng hóa. Không chỉ thay đổi cả giọng nói, ngôn từ mà lơ là luôn cả
    món ăn ưa thích của miền Nam. Tôi ngờ rằng bà không phải là người sinh ra tôi…

    Tôi đưa mẹ vào tiệm Phở Xe Lửa và gọi tô đặc biệt. Mẹ khen ngon hơn phở ở Sài
    Gòn. “Nhưng vẫn thua phở Hà Nội”, tôi nhanh nhẩu tiếp lời. Mắt mẹ thoáng chút
    ngạc nhiên rồi lặng lẽ quan sát xung quanh… Tôi cũng quan sát bà. Tôi giống mẹ
    lạ lùng. Chắc chắn nhìn chúng tôi, không ai nghĩ khác hơn là mẹ và con. Mà
    giống mẹ để làm gì khi tâm hồn chúng tôi không có chút gì hòa điệu…

    Tôi nhấn một chiếc nút trên trần khi xe sắp quẹo vào driveway và lái thẳng vào
    garage. Trong khi tôi mở cóp nhấc xuống các hành lý, mẹ đi ra phía trước đường.
    Tôi bước đến bên mẹ khi bà ngắm nghía ngôi nhà, trầm trồ:
    “Nhà của con đây hả? To và đẹp quá, ngoài tưởng tượng của mẹ. Quang cảnh cũng
    thật sáng sủa tươi mát.”
    Tôi cười buồn:
    “Chúng con mới mua năm ngoái và chắc cũng sắp bán…”
    Giọng mẹ thảng thốt:
    “Tại sao thế?”

    Tôi nắm cánh tay mẹ dìu đi:
    “Mẹ vào nhà nghỉ ngơi. Từ từ rồi mẹ sẽ biết…”

    Tôi bấm số liên hợp và mở toang cánh cửa. Mẹ bước vào, đứng sững người trên tấm
    thảm nhỏ mang chữ welcome.
    Dường như mẹ không tin những gì mẹ đang thấy. Mẹ ngập ngừng bước đi, mắt dừng
    lại từng vật trang trí ở phòng khách, phòng gia đình, miệng lẩm bẩm lời tán
    thưởng. Khi mẹ hướng về khu bếp, tôi biết mẹ sẽ ở đây lâu hơn nên lặng lẽ trở
    ra ngoài mang hành lý vào nhà. Khóa cửa xong, tôi đảo mắt tìm mẹ. Bà đang ở
    trong phòng đọc sách, đứng lặng yên trước bàn thờ. Mẹ không nhìn các tượng Phật
    rất đẹp tôi thỉnh tận Thái Lan. Mắt mẹ đang đăm đăm nhìn di ảnh của Huy. Anh
    mặc áo tiểu lễ hải quân với dây biểu chương, trên một nắp túi là chiếc huy hiệu
    hạm trưởng và bảng tên Lê Quang Huy. Bên kia là hai hàng huy chương nhiều sắc
    màu khác biệt. Và Huy đang tươi cười…

    Mẹ nói bằng giọng ngạc nhiên mà bình thản:
    “Sao con không nói gì với mẹ?”
    Tôi lắc đầu:
    “Để làm gì? Mẹ có biết gì về ảnh đâu và chắc cũng không ưa ảnh!”
    Mười lăm năm trước, khi về chịu tang ba tôi, tôi đã từ chối trả lời mọi câu hỏi
    của mẹ. Tôi muốn cho thấy khi bà đã có can đảm bỏ rơi tôi thì tôi cũng có can
    đảm coi như đời tôi không dính dáng gì tới bà. Mãi gần đây, khi mẹ ngỏ ý muốn
    qua thăm chúng tôi, Huy khuyên tôi nhận lời, dù gì bà cũng là người sinh thành
    ra mình. Tôi nghe lời khuyên nhưng chỉ một mình tiếp đón mẹ. Huy chết bất thần
    vì cơn đột quỵ.

    Mẹ nhìn khắp bàn thờ rồi quay phắt sang tôi:
    “Sao không thấy con thờ ba con?”
    “Thờ ba? Tại sao con phải thờ ba?”

    Mặc dù đã tự nhủ, tôi vẫn không dằn được cơn bực tức bùng vỡ. Mẹ quay đi, lặng
    lẽ thắp nén nhang cắm vào lư hương, nhìn Phật Bà, nhìn Huy rồi thở dài lặng lẽ
    bước lên thang lầu. Tôi đã từng nghe nhiều tiếng thở dài tương tự của mẹ trong
    suốt thời gian mười ngày về dự đám táng ba tôi. Tôi đã cho bà thấy tôi không
    chỉ dửng dưng với người chết mà còn lạnh lùng với cả người còn sống. Liệu có ai
    cư xử khác tôi khi suốt quãng đời dài gần bốn mươi năm mà chỉ vài lần được nghe
    nhắc đến mẹ cha mình bằng lối bông đùa.

    Năm tôi lên mười bốn, sau trận Mậu Thân khói lửa khắp Chợ Lớn Sài Gòn, một bữa,
    lần đầu tôi nghe cậu nhắc tới ba mẹ. Trong bộ đồ trận rằn ri mang lon trung tá,
    cậu ra vẻ trịnh trọng: “Nè, Phượng! Con có biết là suýt nữa con đã có dịp trùng
    phùng ba mẹ con không?” Trong khi tôi tò mò lắng nghe, cậu tỉnh bơ tiếp: “
    Nhưng vì cậu thấy họ không xứng đáng làm bậc cha mẹ, cậu đã đuổi họ về mật khu
    rồi!” Tôi thường cười với mỗi cợt đùa của cậu nhưng lần đó tôi mím môi muốn
    khóc.

    Năm hai mươi mốt tuổi, khi tôi đưa Huy về nhà giới thiệu nhân buổi tiệc mừng
    cậu thăng cấp tướng, cậu nói nhỏ vào tai tôi: “ Chà chà! Như vầy là kẹt cậu
    rồi! Con mà chọn tên hải quân đó làm chồng thì cậu khốn khổ với chị cậu. Tuy
    nhiên, nếu con… năn nỉ cậu, cậu cũng liều cho con làm… bà thiếu tá.” Tôi vẫn
    cười thầm về chuyện này vì bốn tháng sau, sự thể đảo ngược. Chính cậu lại là
    người phải “năn nỉ” tôi để cả gia đình được lên tàu của Huy rời khỏi Việt Nam.

    Chúng tôi thành hôn ở Mỹ. Huy trở lại đại học, tôi đi làm ngày đêm. Rồi lần
    lượt hai đứa con ra đời. Huy ra trường đi làm. Tôi vào đại học. Vất vả mà hạnh
    phúc. Tôi quá bận rộn để nhớ về quê cha đất tổ, cho tới mười năm sau tôi mới lại
    nghe tin tức ba mẹ. Lại vẫn do cậu đưa tin. Cậu tôi cho biết đã liên lạc được
    với chị của mình. Không lâu sau đó tôi liên tiếp nhận được thư ba mẹ tôi bày tỏ
    lòng khao khát mong nhận được thơ tôi và hình ảnh gia đình. Và tiếp đến là
    những lá thư mong mỏi tôi về Việt Nam. Tôi nhận thư, tôi đọc, lòng ngơ ngẩn,
    bâng khuâng nhưng không có chút hứng thú trả lời. Thậm chí nhiều năm sau, cái
    tin ba tôi đau nặng cũng chỉ được đón nhận với lòng dửng dưng.

    Huy bảo tôi nên về. Cậu mợ gọi điện bảo tôi phải về. Tôi thưa với cậu mợ rằng
    tôi không có cha mẹ nào khác ngoài cậu mợ nhưng cậu mợ tiếp tục thúc bách và
    giảng đạo lý. Tôi rủ cậu mợ cùng về. Cậu bảo cậu không muốn giỡn mặt với chính
    quyền cộng sản. Cuối cùng tôi khăn gói một mình lên đường. Thời điểm này chúng
    tôi còn nghèo nên Huy đành ở lại với hai con.

    Nhưng đoạn đường quá xa để ba tôi không thể chờ. Ông vĩnh viễn ra đi vài giờ
    trước lúc tôi bước vào ngôi nhà xưa. Dù vậy tôi vẫn còn kịp nhìn mặt ba tôi.
    Nhìn chỉ một lần mà vẫn đủ để khuôn mặt già nua, khắc khổ, hoàn toàn xa lạ đó
    theo tôi về tận xứ Mỹ. Thỉnh thoảng nhân một liên tưởng về dòng họ ai còn ai
    mất, khuôn mặt của ông lại hiện ra cùng với những tiếng thở dài của mẹ. Thế mà
    tuyệt nhiên, tôi không hề nghĩ đến việc thờ phượng ông…

    Mẹ nằm trong buồng riêng suốt đêm ngày, mãi đến tối hôm sau mẹ mới tươi tỉnh
    hẳn. Tôi rủ mẹ đi ăn đồ biển. Mẹ ăn tự nhiên, ngon lành. Nếm đủ tôm cua nghêu
    sò ốc hến. Luôn cả hào tươi. Lâu lắm mới có dịp ăn ngoài, tôi cũng tận lực
    nuốt. Trên đường về nhà, mẹ hỏi:
    “Cậu bảo con có hai thằng con trai. Chúng nó đâu mà mẹ chưa gặp?”
    “Tụi nó đều đã lập gia đình. Mỗi đứa ở mỗi tiểu bang khác nhau, khá xa. Đứa lớn
    ở Georgia, có hai con, đứa nhỏ ở Texas, đang chờ con đầu lòng. Con đã sắp xếp
    để mẹ đến chơi với chúng nó, mỗi đứa vài ngày, sau khi mẹ gặp cậu mợ.”

    Mẹ nhìn tôi, dò hỏi:
    “Con ở đây một mình sao?”
    Tôi gật đầu:
    “Vì vậy mà con có ý muốn bán nhà này về sống với mấy đứa nhỏ, luân phiên mỗi
    đứa một thời gian. Tụi nó đang năn nỉ con về ở chung.”
    Giọng mẹ ngập ngừng:
    “Phải thú nhận rằng mẹ vừa trông thấy căn nhà này là mê ngay. Nếu con bán thì
    bán cho mẹ. Mẹ con ta sẽ ở đây, mãi mãi tới ngày mẹ chết…”

    Tôi đăm đăm nhìn mẹ. Tôi đã biết từ lâu là mẹ rất giàu, chỉ ngạc nhiên về ý
    cuối. Nó đến quá bất ngờ như là một nhánh gai quẹt vào người. Tôi nghe xót đau,
    khó chịu. Tôi không chuẩn bị việc này, cũng không muốn nó xảy ra. Đầu óc tôi
    đông cứng. Chợt hình ảnh Huy hiện ra, miệng cười cười. Ba tháng nay, từ ngày
    anh mất, khi tôi gặp điều gì khó xử là anh lại hiện về. Nụ cười của anh luôn
    luôn giúp tôi tìm giải pháp. Tôi thấy bao nhiêu phiền phức nếu cho mẹ ở chung.
    Tôi đã quen với cuộc sống không có mẹ. Chỉ mới hai mươi bốn tiếng đồng hồ “có
    mẹ” mà tôi đã chịu đựng biết bao gượng ép.

    Mẹ nhìn tôi dò hỏi. Tôi nói:
    “Con mới mất anh Huy. Con cần một thời gian yên tĩnh.”
    “Mẹ cũng cần có thời gian sắp xếp mọi việc ở Việt Nam. Năm tới mẹ trở qua sống
    hẳn với con. Con đồng ý chứ?”
    Tôi không biết nói gì hơn. Tôi như nghe tiếng Huy văng vẳng: “Đừng làm mẹ
    buồn!” Tôi cố nhìn vào bóng đêm loang loáng tìm hình bóng Huy nhưng chỉ thấy
    ánh đèn đỏ vừa bật ở ngã tư…

    Sau năm ngày dạo chơi phố xá và ngắm cảnh Nữu Ước, chúng tôi dành hai đêm thử
    thời vận ở sòng bạc Atlantic City. Thánh nhân đãi kẻ khù khờ, cả hai mẹ con
    thắng lớn. Chúng tôi về đến nhà, tẩy rửa xong lớp bụi đường thì trời tối hẳn.
    Tôi thấy mệt mỏi nhưng mẹ tỉnh bơ đề nghị để mẹ nấu ăn ở nhà. Tôi nói sẽ ăn ở
    nhà nhưng mẹ khỏi nấu. Mẹ không tỏ gì ngạc nhiên khi tôi gọi thức ăn bằng điện
    thoại. Bà ngồi thoải mái trong bộ ghế êm ái, xem truyền hình đưa tin thế vận
    hội. Tôi sắp đặt chén đũa, khăn ăn và nước ngọt rồi ngồi xuống cạnh mẹ. Chợt mẹ
    quay sang tôi, giọng ngập ngừng thiếu tự nhiên:
    “Mẹ phải nói với con chuyện này. Em trai con muốn nhờ mẹ hỏi con giúp nó một
    việc.”
    Em trai tôi? Tôi từ từ hình dung đứa em trai của mình. Tôi đã nhớ ra một hình
    dáng hiền hòa thường quanh quẩn gần tôi. Cũng như cậu và mẹ, em tôi nhỏ thua
    tôi năm tuổi. Nhưng nó khác với tất cả chúng tôi là đã không chào đời ở miền
    Nam. Tôi nhìn mẹ chờ đợi. Giọng mẹ đều đều:
    “Đứa con gái út của nó học rất giỏi. Năm tới lên đại học. Nó muốn nhờ con giúp
    cháu qua học bên này. Nó không muốn cho cháu ở nội trú. Nó xin cho cháu ở với
    con. Cơ bản là con không phải tốn kém gì hết. Mẹ sẽ lo đi chợ, nấu ăn cho cả
    nhà…”

    Cơn giận chợt ứ lên ngực làm tôi khó thở. Tôi hít vào một hơi thật sâu. Tôi
    biết là mở miệng lúc này tôi sẽ nói ra lời cay độc. Tôi nhìn ra ngoài trời đang
    đổ mưa với những ánh chớp liên hồi. Tôi nhớ tới những cơn mưa đầy sấm sét trong
    căn nhà thênh thang thuở lên mười. Thuở đó cậu tôi đổi đi đơn vị xa và mợ theo
    cậu. Người giúp việc thì ngủ gần bếp, xa căn buồng riêng biệt của tôi. Tôi đã
    vô cùng sợ hãi và từng ước ao có được một đứa em. Bây giờ tôi đâu còn cần. Tôi
    nói chầm chậm:
    “Thì ra mẹ qua đây không phải vì con mà vì tương lai cháu nội của mẹ!”
    Bà nhìn tôi tỏ vẻ ngạc nhiên:
    Con nói gì lạ vậy. Tất nhiên mẹ qua đây là vì con, bởi vì mẹ muốn bù lại thời
    gian ba mẹ bỏ bê con. Mẹ không hề vì cháu nội. Nó chỉ ngỏ lời sau khi biết ý
    định của mẹ.”
    Mẹ đưa tôi lá thư cầm sẵn:
    “Đây là thư nó gửi cho vợ chồng con.”
    Tôi hững hờ nhận. Mẹ tiếp:
    “Thật ra nó cũng đã hỏi các thủ tục xin ở nội trú. Không có con ở đây, con của
    nó vẫn qua đây học. Mẹ thấy điều quan trọng là có người ruột thịt cận kề, coi
    sóc, nhắc nhở.”
    Tôi cười chua xót, không còn ngăn được lời mai mỉa:
    “Ruột thịt? Có là ruột dư với thịt thừa! Và mẹ đã từng cắt bỏ không thương
    tiếc!”

    Mẹ nhìn tôi đăm đăm:
    “Con vẫn còn giận mẹ đến thế sao? Lần con về, mẹ đã hết lời giải thích…”
    “Con vẫn nhớ các lời giải thích đó: Ba mẹ đâu có muốn xa con, chẳng qua chỉ vì
    muốn góp phần giành độc lập, thống nhất đất nước. Thì đất nước đã độc lập thống
    nhất, sao mẹ và cháu nội không ở Việt Nam mà hưởng.”
    Mẹ buông tiếng thở dài. Tôi cũng chợt nhận ra mình vừa buông lời xỉa xói hỗn
    hào.
    Tôi trầm giọng:
    “Con xin lỗi. Hễ nhớ đến những ngày con bị bỏ rơi là cứ muốn nổi xung thiên…”
    “Mẹ phải làm gì để được con tha thứ, quên đi chuyện cũ. Con nghĩ lại đi. Ba mẹ
    đâu có gửi con cho ai xa lạ. Người đó chính là ba mẹ ruột của mẹ. Con lúc nào
    cũng nhận được trọn vẹn tình thương và chăm sóc…”
    Tôi cố giữ giọng bình thường:
    “Ba mẹ ruột của mẹ chớ đâu phải ba mẹ ruột của con! Suốt tuổi thơ của con, con
    bị bạn bè cười nhạo là đứa trẻ mồ côi, là con không cha không mẹ!”
    Nước mắt tôi tự dưng ứa ra, rơi dài xuống. Mẹ đứng lên, bước lại ôm choàng lấy
    tôi.
    Tôi khóc nức nở trên vai mẹ. Khi muộn phiền đã dịu xuống, tôi nhìn thẳng vào
    mắt mẹ:
    “Mẹ không thấy là mẹ không công bằng sao? Lúc con ở cái tuổi rất cần sự săn sóc
    của ba mẹ thì ba mẹ bỏ đi biền biệt. Còn bây giờ, khi mẹ muốn ở gần con thì mẹ
    đã bước vào cái tuổi gần đất xa trời, cái tuổi mẹ cần con chớ con không cần mẹ.
    Thật lòng mà nói, cho tới giờ phút này, con không một mảy may cảm thấy chút gì
    thương yêu mẹ, thì nói chi thương yêu cháu.”
    Mẹ ôm mặt, thân hình thả rơi lên ghế. Tôi nghe tiếng nấc của mẹ và nghe lòng
    chùng xuống. Tôi nói nhanh như sợ không còn nói được:
    “Nhưng có điều chắc chắn là con cũng không thể chối bỏ mẹ không phải là mẹ của
    con. Chừng nào mẹ muốn ở với con, mẹ cứ ở. Chừng nào mẹ muốn đi, mẹ cứ đi.”
    Điều em con muốn, cháu con muốn, con khó mà nói được lời từ chối!
    Mẹ vẫn ngồi yên, thút thít khóc. Đúng lúc tôi muốn ngồi xuống ôm lấy mẹ thì
    tiếng chuông reo. Tôi thở hắt ra, bước về phía cửa nhận thức ăn mang tới…

    Rời San Francisco trên chiếc xe chở khách chúng tôi ôn lại những địa điểm đã
    viếng thăm qua ba ngày ở vùng vịnh. Mẹ tỏ vẻ hài lòng đã được chính mắt chiêm
    ngưỡng chiếc cầu nổi danh Golden Gate. Mẹ cũng yêu thích cái công viên cùng tên
    với khung cảnh nên thơ thanh bình mà mẹ gọi là hồ Tịnh Tâm. Hai ngày ở San
    Jose, ấn tượng nhất đối với mẹ là những hình ảnh sinh động, huy hoàng và lạ mắt
    của vô số loài sống dưới nước hiển hiện ngay trước mắt trong Monterey Bay Aquarium.
    Khi chúng tôi về tới quận Cam. Cậu và các con cháu đón chúng tôi ở bến xe, chỉ
    thiếu có mợ. Khi tôi thông báo mẹ sẽ sang thăm gia đình cậu, cậu nói sẵn sàng
    gặp mẹ nhưng từ chối cho chúng tôi tạm trú. Nhà cậu mợ rất rộng, nhiều buồng
    ngủ. Vợ chồng con cái tôi mỗi khi qua Cali là ở nhà cậu mợ hà rầm. Cậu mợ hẳn
    phải đau lòng khi lần này để tôi ở khách sạn chỉ vì… có mẹ!. Mợ không muốn chứa
    mẹ trong nhà. Hai đứa em trai của mợ đều bị tập trung, một bỏ xác trong rừng
    Yên Bái.

    Mỗi ngày trong suốt một tuần, cậu lái xe đến khách sạn đón chúng tôi đi viếng
    thăm hết nơi này đến nơi khác. Ngày đầu, cậu dành cho khu Little Saigon. Mẹ thú
    nhận là rất ngạc nhiên về mức phát triển quy mô và sự phồn vinh sang giàu của
    người Việt tỵ nạn. Những ngày kế dành cho danh lam thắng cảnh. Có ngày chúng
    tôi bay khỏi thành phố đỏ đen Las Vegas về phía Bắc để chiêm ngưỡng Grand
    Canyon vô cùng kỳ vĩ ngoạn mục.
    Cậu thường dùng khoảng thời gian di chuyển để hỏi mẹ về gia đình và dòng họ ở
    quê nhà. Cậu cũng kể về cuộc đời của cậu trong suốt nửa thế kỷ không gặp chị.
    Tôi vô cùng thú vị được nghe hai chị em nhắc lại những kỷ niệm thời họ sống bên
    nhau. Thỉnh thoảng cậu và mẹ “đụng” nhau về đề tài chính trị thường là do cậu
    khởi xướng.
    Một lần đang lái xe, cậu bỗng nhái cái giọng bắc của mẹ: “Thật đáng tiếc! Nếu
    chị cả đừng… vớ phải cái ông trí ngủ nằm vùng thì giờ chị em gặp lại dung dăng
    dung dẻ biết bao!”. Mẹ nở ngay nụ cười đáp trả: “Thì cũng lỗi ở em. Phải chi em
    không làm tay sai cho Mỹ Ngụy”. Cậu gật gù ra vẻ tán thưởng rồi bắt sang chuyện
    khác.
    Hôm đứng trước trường đại học danh tiếng Standford, cậu cười nói: “Tham quan
    trường này chị có nhớ đến những năm chị dạy ở trường Đảng không? Phải công nhận
    duy vật biện chứng pháp hay tuyệt. Đảng Cộng sản chủ trương “không có người bóc
    lột người”. Thế mà ngày nay bản thân Đảng hóa thành “đảng bóc lột người”. Y
    chang… hủy thể của hủy thể!” Mẹ bật cười giòn tan: “Đúng ra là… phủ định của
    phủ định!”.

    Một buổi tối về khách sạn còn sớm, cậu lân la ở lại. Không biết dẫn dắt từ đề tài
    gì, hai chị em bắt đầu bàn về Hoàng Sa, Trường Sa và sự hiếp đáp của Trung
    cộng.
    Bỗng cậu đặt câu hỏi: “Ông Bush hứa với ông Dũng là sẽ ủng hộ sự toàn vẹn lãnh
    thổ của Việt Nam. Vậy giả sử Trung cộng tấn công Việt Nam và Mỹ đem quân qua
    giúp đánh lại Trung cộng, thì đối với hai quân đội ngoại nhập đó, theo chị thì
    phải gọi là gì? Tàu là quân xăm lăng, Mỹ là bọn xâm lược?” Mẹ cười duyên dáng:
    “Gọi thế là…đúng sách vở đấy”.

    Vào ngày thăm viếng Getty Center, một công trình chi phí hàng tỷ đô la, vừa đồ sộ
    về kiến trúc tân kỳ, vừa là viện bảo tàng nghệ thuật cổ vật hàng thế kỷ, lại
    vừa quy mô về tổ chức, tất cả chi phí do nhà tỷ phú Paul Getty đài thọ, cậu tôi
    bất ngờ hỏi mẹ: “Nghe đâu chị đang là tỷ phú đỏ. Ngày xưa chị chống Mỹ cứu
    nước, ngày nay nhà tỷ phú Việt Nam đổi mới đã đóng góp được gì để dựng nước?”
    Mẹ cười: “Chị đang cho xây Đại Nam Quốc Tự thứ nhì. Hôm nào khánh thành chị sẽ
    mời em về dự”. Cậu cười ra vẻ đắc ý: “Xin hỏi lần này chị đặt ông Hồ ngồi ở
    đâu?” Tôi nhớ vừa đọc tin tức gần đây nói về ngôi chùa vĩ đại mới xây xong có
    đặt ba bức tượng từ thấp lên cao: Hồ Chí Minh, Khổng Tử, Phật Thích Ca. Tôi lo
    âu chờ câu trả lời. Mẹ nhởn nhơ: “Em về thì biết”.

    Đêm chót trước khi rời Quận Cam trở lại Maryland chúng tôi được cậu mời một bữa
    tiệc cá 7 món, đặc sản Cali. Khi chúng tôi đến nhà hàng, tôi thật sự ngạc nhiên
    và vui mừng khi thấy có cả mợ hiện diện. Mợ đứng lên vui vẻ chào hỏi và mời mẹ
    ngồi bên cạnh. Mợ vốn hoạt bát, nên mẹ lúc nào cũng cười tươi. Tôi cảm thấy vô
    cùng hạnh phúc. Lúc chờ tính tiền cậu hỏi mẹ bao giờ về Việt Nam. Mẹ bảo còn
    lâu, khoảng sáu tháng nữa. Và năm tới có thể là qua ở luôn. Cậu gật gù nhìn mẹ
    rồi nhìn tôi. Tôi tưởng cậu tán thành quyết định của mẹ nhưng cậu chậm rãi nói:
    “ Phải nói là rất ngạc nhiên khi nghe chị tính qua Mỹ ở luôn. Chị biết không
    ông Hồ Chí Minh có làm một câu thơ rất nổi tiếng: đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào! Ba mươi ba năm qua, Ngụy đã
    nhào Mỹ đã cút. Thế mà giờ đây có người đánh đuổi Mỹ lại muốn… cút theo Mỹ!”
    Tôi bật cười nhưng kịp hãm khi thấy mặt mẹ sa sầm…

    Về Maryland, theo dự trù chúng tôi nghỉ ngơi ba ngày trước khi bay xuống
    Georgia và Texas. Nhưng chỉ mới qua đêm, buổi sáng mẹ buồn rầu đổi ý. Mẹ muốn
    về ngay Việt Nam. Tôi ngỡ ngàng. Nhưng tôi chợt hiểu ra. Câu trêu chọc của cậu
    đã chạm tự ái mẹ. Xa nhau quá lâu, mẹ không quen tính tình em mình. Cợt đùa,
    đốp chát vô tội vạ là thói quen của cậu. Hiểu cậu thì không ai giận cậu. Không
    hiểu cậu, giận cậu thì ráng chịu. Cậu nói đó rồi quên đó.
    Tuy nhiên tôi vẫn không muốn thay cậu ngỏ lời xin lỗi mẹ. Tôi cũng không có ý
    định van xin mẹ khoan vội về Việt Nam. Tôi biết chắc nếu tôi năn nỉ, mẹ sẽ ở
    lại. Gần tháng qua tôi đã cảm thấy chút gì gần gũi mẹ nhưng xem ra vẫn còn một
    bức vách vô hình ngăn cản sự thoải mái, tự nhiên, thân mật. Thậm chí còn có cái
    gì khác nữa khiến tôi có lúc bứt rứt, bực mình. Không có mẹ, tôi ngủ nghê, ăn
    uống thế nào lúc nào tùy thích. Có mẹ, tôi phải hầu hạ, e dè, trông trước ngó
    sau. Mẹ ở lại lần này, lần tới sẽ ở lại mãi mãi. Mà xem ra thời gian để xây đắp
    tình mẫu tử chẳng còn bao nhiêu. Luật đời vốn trói buộc tôi vào kiếp nạn mồ côi
    từ đầu đời. Có gặp lại cha thì chỉ khi cha mất. Gặp lại mẹ thì mẹ lại bỏ đi.
    Thôi thì hãy coi mươi ngày bên mẹ đã là một hồng ân.

    Phải mất một tuần tôi mới đổi được vé máy bay. Trong tuần cuối đó, mẹ chỉ thích
    đi mua sắm. Mỗi ngày tôi đưa mẹ vào một trung tâm thương mại khác nhau. Ăn thì
    mỗi bữa một nhà hàng khác xứ. Mẹ đã thưởng thức các món ăn Mỹ, Nhật, Thái, Đại
    Hàn, Mã Lai, Nam Dương. Đêm cuối cùng, tôi hỏi mẹ có muốn ăn phở lần chót ở Mỹ
    không, mẹ cười bảo muốn ăn canh chua cá kho tộ. Tôi thấy chút ấm lòng…

    Hôm đưa mẹ ra phi trường, chúng tôi im lặng suốt đoạn đường. Gửi xong hành lý,
    tôi kéo chiếc va ly, tay kia nắm bàn tay mẹ bước chầm chậm về trạm kiểm soát an
    ninh cá nhân. Khi gần đến dòng người ngoằn ngoèo chờ qua trạm, mẹ dừng lại. Tôi
    nhìn mẹ dò hỏi. Ánh mắt mẹ ngập tràn âu yếm mà giọng cất lên trầm buồn:
    “Chắc mẹ sẽ không qua đây thăm con nữa.”
    Tôi nghe xao xuyến nhưng vẫn lặng thinh. Lời mẹ êm như tiếng thở dài:
    “Và khi mẹ chết, con cũng không cần phải về…”

    Tôi đứng chết lặng. Tôi có cảm tưởng như tôi đã cư xử quá tệ hại với chính mẹ
    mình. Ý nghĩ trở thành đứa con bất hiếu khiến tôi buột miệng:
    “Mẹ! Con sẽ về. Thế nào con cũng về. Cậu đã dạy con nghĩa tử là nghĩa tận.”
    Bà vòng tay ôm lấy tôi thật chặt, giọng êm đềm:
    “Còn đây là lời mẹ dạy, lần đầu mà cũng là lời cuối. Con hãy luôn luôn ghi nhớ:
    “Chú như cha, cậu như mẹ”. Con gắng giữ sức khỏe. Thôi mẹ đi.”

    Mẹ nắm chiếc cần va ly từ tay tôi. Tôi vụng về ôm lấy mẹ. Mẹ áp má vào má tôi.
    Tôi nghe chừng thân mình bay bổng. Khi tôi mở vòng tay, mẹ quay mặt bước đi.
    Tôi thấy mình quá bất nhẫn, khẽ gọi:
    “Mẹ!”
    Bà quay lui, chân vẫn bước, đôi mắt hiền từ. Tôi lúng túng vẫy tay, cố nở nụ
    cười:

    “Chào mẹ!”

    (Từ trên E-mail _ Mong TG thông cảm )

Leave a Reply to Phan BA