WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Lệ Tân Sitek: Cuộc đời qua những trang sách

Tác giả Lệ Tân Sitek trong buổi giới thiệu sách hôm 15/9/2012. Ảnh Đàn Chim Việt

Không biết có nhà văn nào đó, bỗng một ngày đẹp trời trở thành kiến trúc sư hay không, nhưng ngược lại thì có ít nhất một trường hợp. Đó là kiến trúc sư- nhà văn Lệ Tân Sitek.

Sau 40 năm hành nghề kiến trúc ở Oslo- Na Uy, nghỉ hưu năm 2007, bà chuyển sang thử sức ở sự nghiệp văn chương và bất ngờ gặt hái nhiều thành công. Hai mà đúng ra là 4 cuốn tiểu thuyết ra đời liền tù tì trong vòng mấy năm trời.

Sở dĩ có chuyện 2 thành 4 vì bà viết nó bằng 2 thứ ngôn ngữ, tiếng Việt và tiếng Ba Lan. Không tìm được người phiên dịch, hay đúng ra là một người thực sự ưng ý, bà tự mình viết lại bằng ngôn ngữ thứ 2. Cả 2 cuốn sách đều dưới dạng tự truyện có xen chút hư cấu kể về cuộc đời ba chìm bẩy nổi của “cô bé” An, thấp thoáng trong đó là cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ mà gia tộc cô tham gia như những nhân chứng lịch sử.

Một thời gian khó

Quyển sách đầu tiên, “Một mình trên đường”, bà viết bằng tiếng Việt rồi được nhà Đỗ Chu và sau đó là Trung Trung Đỉnh đọc, hiệu đính và giới thiệu giúp tới nhà xuất bản. Đó là năm 2009, cuốn sách chính thức ra đời tại Việt Nam. Theo tác giả, chỉ có một đoạn nhỏ, liên quan tới Đảng bị khâu kiểm duyệt thuyết phục bỏ đi, nhưng sau những diễn giải của tác giả, đoạn viết đã không bị cắt bỏ.

Cuốn "Một mình trên đường", ấn bản tiếng Ba Lan. Ảnh Đàn Chim Việt.

Là người xa Việt Nam từ lúc 16 tuổi (năm 1955) và sống trong một môi trường rất ít giao tiếp với người Việt, bà Lệ Tân đã phải một mình luyện tập để khỏi quên ngôn ngữ mẹ đẻ. Bà kiếm những quyển truyện hay những ấn bản tiếng Việt và đọc đi đọc lại, có khi tới 30 lần, đến mức thuộc lòng. Bà cũng tự hát, tự đọc thơ và làm thơ, thậm chí liên tục bịa ra chuyện này chuyện khác để viết bằng tiếng Việt.

Đó là quãng thời gian dài đôi chục năm, khi cả Ba Lan hay Na Uy- nơi tác giả sinh sống sau này – chỉ có một nhúm người Việt và mỗi người phân tán một nơi. Nên, việc viết 1 cuốn truyện với một người ít thực hành tiếng giao tiếp tiếng Việt như vậy quả không dễ dàng.

An- nhân vật chính xuyên suốt 2 cuốn sách cũng chính là hình bóng của tác giả- sinh năm 1939 trên đất Trung Quốc trong một gia đình cả cha và chú đều là những nhà hoạt động cách mạng. Sau khi mồ côi cha, mới 5 tuổi, “bé” An theo mẹ về lại quê hương Việt Nam trong một chuyến đi gian khổ kéo dài nhiều ngày, lúc cưỡi ngựa, khi đi bộ, đi tầu hỏa, cuối cùng họ mới về tới đích.

An sau đó được nuôi dưỡng bởi gia đình bên nội, “cô bé” lại xa mẹ cho tới khi 16 tuổi và chỉ kịp gặp mẹ ít lâu trước khi qua Ba Lan du học.

Cuộc đời của An trong “Một mình trên đường” sau đó được chính tác giả viết lại bằng tiếng Ba Lan với cái tên “Sama na drodze”. Cuốn sách nhanh chóng được xuất bản và gây được sự chú ý trong dư luận.

Độc giả Ba Lan đa số không biết nhiều về Việt Nam, nhất là về một giai đoạn lịch sử đầy biến động và nhiều uẩn khúc trong thế kỉ 20, nhưng lời kể dung dị của An không những giúp bạn đọc hình dung về lịch sử mà còn biết được nhiều phong tục tập quán, văn hóa, đời sống gia đình của người Việt ở nửa đầu thế kỉ trước. Bên cạnh lý do người nước ngoài viết tiếng Ba Lan, cuốn sách hấp dẫn dư luận Ba Lan bởi những điều mới mẻ, chưa từng biết tới như vậy.

Cuộc sống thiếu vắng tình mẫu tử, nghèo khó và những ngày học hành dưới bom đạn (thời Pháp chiếm đóng miền Bắc trước 1954) được An kể lại khá rành rọt trong cuốn sách đầu, kể cả những vần thơ yêu đương của cô gái mới lớn với người thầy dậy cấp 2.

Thời thơ ấu gian khó đã ảnh hưởng đến tác giả tới tận bây giờ. Bà cho biết, nhiều năm sống với chồng Ba Lan (kỹ sư Sitek) và các con, bà chẳng biết nấu món ăn Việt “vì ngày kháng chiến chẳng có gì mà nấu”. Sau này, khi cộng đồng người Việt đông lên và qua giao tiếp với họ bà mới biết làm một số món. Nhà hàng Lyly ở Warsaw đã cho bà vào bếp thực tập cả tuần để về làm vài món Việt Nam cho chồng con.

Nhưng thời thơ ấu sóng gió và gian khổ đã khiến An có một tính cách mạnh mẽ và trở thành một người “không đầu hàng” như chia sẻ của chính tác giả Lệ Tân mới đây. Và đó cũng là chủ đề của cuốn sách thứ 2.

Ngã 3 đường hay ngã 3 tổ quốc?

Có lẽ để công bằng với cả 2 quốc gia -Ba Lan và Việt Nam-, cuốn kế tiếp, “Giữa ngã 3 đường” (Na rozdrożu) Lệ Tân Sitek viết và xuất bản trước bằng tiếng Ba Lan. Cuốn sách ra đời năm 2012, còn thơm mùi mực.

"Giữa ngã 3 đường"- ấn bản tiếng Ba Lan. Ảnh Đàn Chim Việt.

Cuốn sách kể về chặng đường thứ 2 trong cuộc đời cô gái trẻ An. Cô rời xa gia đình và tổ quốc khi 16 tuổi và bắt đầu du học ở một đất nước hoàn toàn xa lạ. Nhưng đó không đơn giản là chuyến du học mà là chuyến đi dài suốt cuộc đời và nó cũng mang đậm dấu ấn của một thời lưu học sinh Việt Nam học tập trong khối XHCN Đông Âu. An hay Lệ Tân chính là một người trong lứa sinh viên đầu tiên đó. Cô lên tầu hỏa qua Trung Quốc, Liên Xô và đặt chân tới Ba Lan năm 1955. Đương nhiên, bên cạnh thành tích học hành, đó là sự ưu tiên dành cho con một gia đình cách mạng.

Đầu tiên là thời tiết băng giá, là những món ăn ‘khủng khiếp’ mà rất lâu An mới có thể quen được. Cô gái vốn đã gầy nhom bị sút cân. Để cô bớt nhớ quê hương, thỉnh thoảng, các bà Tây đầu bếp dành cho An món cơm nấu sền sệt… trộn với sữa đặc. Mọi thứ rồi An cũng quen, trừ kỷ luật sắt của các ‘chú Sứ’ và những người quản lý lưu học sinh.

An chống lại những thứ đó. Hình như mọi thứ kỷ luật đều không thích hợp với cô. An trốn học ngành mình được phân công, vì “đóng tầu là nghề của đàn ông” và thậm thụt theo đuổi khoa kiến trúc. An và một bạn gái nữa nhận được sự trợ giúp của thầy chủ nhiệm khoa Kiến Trúc. Thầy giáo là bà đỡ cho ước mơ của cô gái trẻ và che chở cho cô khi cái án kỉ luật treo lơ lửng trên đầu. Nhưng rồi, cái kim bọc mãi cũng tới ngày lộ ra, An trượt tất cả các môn học mà nhà nước Việt Nam đã ‘định hướng nghề nghiệp’ cho cô, ngược lại cô là sinh viên ưu tú trong ngành kiến trúc. Cô bị kỉ luật nhưng được theo học tiếp ngành mình yêu thích.

Song, đó chưa phải điều tệ hại nhất mà cô sinh viên ‘vô kỷ luật’ này gây ra. Chuyện yêu đương của An mới là vấn đề lớn và làm cuốn tự truyện hấp dẫn như một tiểu thuyết.

Thời kỳ chiến tranh, các du sinh Việt Nam ở nước ngoài có kỉ luật hết sức khắc nghiệt. Họ bị cấm hoàn toàn chuyện yêu đương. Yêu người cùng nước đã bị cấm, yêu người nước ngoài là một trọng tội. Trong đội ngũ sinh viên luôn có những kẻ theo dõi bạn bè rồi mách lẻo với đơn vị quản lý học sinh và đại sứ quán. Xem phim tư bản cũng bị kỉ luật. An đã phạm phải tất cả những điều cấm kỵ.

Chuyện cô hay xem phim và yêu một người Ba Lan nhanh chóng tới tai đại sứ quán. Trưởng đoàn lưu học sinh có buổi nói chuyện với cô rồi thu hộ chiếu với lý do đổi hộ chiếu mới. An lờ mờ biết nguyên do và chờ đợi kết cục đến với mình, nhưng cô không ngờ lại bị chính đại sứ quán nước mình trục xuất về nước khi chỉ còn hơn năm nữa là cô tốt nghiệp.

Chắc chắn có kẻ nào đó nhìn thấy An tay trong tay với người yêu rồi báo cáo với bộ phận quản lý lưu học sinh, cũng có thể nhất cử nhất động của cô đã bị theo dõi từ lâu.

An bị gọi lên đại sứ quán để nói chuyện. Trong lúc đó, nhân viên sứ quán cùng người của họ đã tới ký túc xá của cô ở thành phố Gdansk và gói ghém toàn bộ đồ đạc. Họ đã tính toán rất kỹ, để vụ trục xuất diễn ra đúng kỳ nghỉ dài của lễ Phục Sinh, để An không thể cầu cứu hay đơn giản là thông báo được cho bất kỳ ai.

An bị ấn lên tầu hỏa sang Liên Xô để về Việt Nam, hộ chiếu giấy tờ bị người áp giải giữ và chỉ giao lại khi tầu qua biên giới. Cô đã chạy trốn, một cuộc đào thoát đầy kịch tính giống như trong phim Hollywood vậy. An nhẩy xuống tầu ở một thành phố gần biên giới phía Đông. Để dứt được “cái đuôi”, cô đã la lớn là mình bị bắt cóc. Nhưng cuối cùng tất cả phải vào đồn. An tuyệt vọng khi người áp giải xuất trình đầy đủ giấy tờ của đại sứ quán. Nhưng đúng vào lúc bế tắc đó, cô đã thoát được bằng một xe cứu thương tới bệnh viện do anh công an trẻ gọi giúp.

Những người Ba Lan tốt bụng đã cứu giúp cô, từ chối giao nộp cô vì lý do sức khỏe.

An thoát được sự bủa vây của đại sứ quán và tay chân của họ, nhưng phải sau nhiều gian khó, cô mới đến được với tình yêu của mình, với người bạn đời thủy chung.

Số phận của An tiêu biểu cho một giai đoạn lịch sử của du học sinh Đông Âu nói chung và Ba Lan nói riêng. Rất nhiều người đã bị kỉ luật trục xuất về nước, bị án tù và mất hết cơ đồ, sự nghiệp, nhiều người thực sự cày ruộng. Những người ở lại phải trốn chui lủi, nhiều năm không có giấy tờ, gia đình ở Việt Nam bị tai tiếng và em út bị một vết nhơ trong lý lịch. Bi kịch này chỉ kết thúc vào đầu những năm 80s khi chiến tranh đã qua đi, nhận thức của con người dần thay đổi và đặc biệt khi con gái của đương kim Tổng bí thư Lê Duẩn trở thành người ‘tuột xích’ ở Liên Xô.

Trở lại chuyện của An, cánh cửa quay về khép lại trước mắt cô. An đứng giữa ngã 3 đường, đúng ra cô đứng giữa ngã 3 tổ quốc. An lấy người đàn ông của đời mình rồi sang Na Uy sinh sống. Người phụ nữ nhỏ bé ấy bị dòng đời xô đẩy và kẹt giữa 3 đất nước. Bao nhiêu năm ở nước ngoài là chừng ấy năm An mong về lại được Việt Nam. Năm nào cô cũng hỏi đại sứ quán, nhưng mãi tới năm 1979, An mới nhận được giấy phép. Cái án “phản bội tổ quốc” của cô mới chấm dứt.

Nhưng An hay Lệ Tân Sitek chỉ thực sự thở phào khi sau chuyến về ngắn ngủi đó, cô quay lại được Na Uy, nơi chồng và các con đang chờ.

Quyển truyện thứ 2 của Lệ Tân Sitek cũng chấm dứt ở cuộc hội ngộ sau nhiều thập niên mong mỏi này. Cũng từ đó, tác giả đi lại Việt Nam nhiều lần, nhưng liệu có phần viết thứ 3 hay không, là bí mật mà bà chưa muốn chia sẻ.

Chỉ biết, cuốn “Na rozdrożu” đã được một nhà xuất bản tại Việt Nam ký hợp đồng cho ấn bản tiếng Việt cùng bản quyền in ấn, chuyển ngữ trong 5 năm.

Ở tuổi “xưa nay hiếm” nhưng Lệ Tân Sitek vẫn rất nhanh nhẹn và có một trí nhớ hoàn hảo. “Gia đình tôi, bà tôi, mẹ tôi đều sống rất lâu, tới 90 tuổi, nên tôi sẽ sống tới 100 tuổi cơ.”- bà chia sẻ.

Vâng. Có thể như thế, và mong rằng, sẽ có thêm những cuốn sách nữa cho đời.

© Đàn Chim Việt

—————————————-

- Cuốn “Một mình trên đường” dày trên 300 trang, có ấn bản tiếng Việt.

- “Giữa ngã ba đường” xấp xỉ 500 trang, sẽ có ấn bản tiếng Việt vào cuối năm 2012.

 

Tags:

4 Phản hồi cho “Lệ Tân Sitek: Cuộc đời qua những trang sách”

  1. Tan says:

    Sách có thể mua ở các hiệu sách tại Ba Lan. Ở Việt Nam ở các hiệu sách của nhà xuất bản Phương Nam, Trung tân Văn hóa Ngôn ngữ Đông- Tây hoặc qua Amazon Online và những hãng khác. Vào mạng Le Tan Sitek sẽ tìm ra nhiều nguồn.

  2. Ngân nga says:

    Một thế hệ sinh viên đi đầu mở đường cho cộng đồng sau này nhưng họ hồi đó bị coi là phản động, là phản bội tổ quốc gia đình cũng bị khốn đốn đủ đường. nhiều người bị vậy lắm…

  3. Bep xep says:

    một trong những chó săn hãm hại bạn bè thời đó là Lê thiết H và Đào công N bây giồ vẫn sống nhởn nhơ và tiếp tục là tay xai cho dsq vn và ting tướng ăn nói lăng nhăng những thằng mà thới sinh viên đã láu cá mách lẻo thế thì bản chất vẫn không đổi.

  4. hoangmai says:

    Xin cho biết có thể mua những sách này ở đâu ? Có bán tại VN hay Amazone online không ?

    Cam on

Phản hồi