WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Moby Dick: Một tác phẩm sinh đôi

Nhân lần thứ 121 ngày văn hào Herman Merville lìa trần (28/9/1891-28/9/2012) tôi xin có đôi dòng về con người và tác phẩm bất hủ Moby Dick của ông, cuốn tiểu thuyết nổi tiếng viết năm 1851, đã được coi như một trong những kiệt tác lớn nhất của văn chương Mỹ và như một bảo vật của văn chương thế giới, cũng thường được coi là một trong những tác phẩm văn chương lớn nhất mọi thời đại. Năm 1956 truyện đã được đạo diễn John Huston quay thành cuốn phim bất hủ, một tác phẩm đã hai lần trở thành bất hủ hay tác phẩm sinh đôi của văn hào.

Herman Merville đã được xếp trong số những tác giả lớn của văn chương Mỹ thế kỷ thứ 19. Ông sinh ngày 1/8/1819 tại Nữu Ước, thời còn thanh niên ông đã làm thư ký, ngân hàng, dậy học. Năm 1837 Herman làm cho một tầu buôn đi Liverpool rồi lại về Mỹ năm 1841, ông xin đi làm cho tầu đánh cá Acushet đi Thái bình Dương, từ đó ông có cảm hứng để viết thành truyện Moby Dick. Sau này tầu khởi hành từ Bed Ford, Massachusette, ở trên tầu khoảng một năm rưỡi, đến 1842 Herman cùng người bạn trốn xuống đảo Marquesas của thổ dân Polynesian ăn thịt người nhưng họ đối với ông  tử  tế. Ở đây được một tháng ông trốn lên tầu đánh cá voi Lucy Ann, bị giam vài tuần sau lại tiếp tục đánh cá tại Tahiti.

Năm 1843 Herman đăng vào Hải quân ở Honolulu, mục đích để được về nước tại Boston năm ấy, ông được bạn bè thân nhân khuyến khích viết sách. Năm 1851, Herman viết xong Moby Dick, được xuất bản tại Luân đôn ngày 18/10/1851 lấy tên là The Whale, Con Cá Voi, gồm ba cuốn, mấy tuần sau  ngày 14/11 được  xuất bản tại Nữu Ước, in thành một cuốn lấy tên  Moby Dick.  Truyện một thuyền trưởng trên tầu đánh cá voi đã nuôi hận thù một con cá voi trắng và trận đấu quyết liệt của đoàn thủy thủ với kình ngư dữ tợn ấy khiến mọi người bỏ xác dưới biển chỉ còn một người sống sót. Tác phẩm cho thấy sự nguy hiểm ghê gớm của nghề săn cá voi, nó cũng cho người đọc nhiều hiểu biết về nghề săn gian nan vất vả này.

Hồi mới xuất bản, tác phẩm không được để ý nhưng sau này có nhiều người hâm mộ, ông có sáng tác thơ nhưng không thành công. Mấy chục năm sau khi Herman mất, năm 1920 Moby Dick được nhiều người chú ý, năm 1940 người Mỹ công nhận ông có thiên tài và từ đó trên thế giới người ta cũng biết đến ông. Moby Dick được coi như cuốn tiểu thuyết có những nét đặc sắc khác lạ của văn chương Mỹ. Herman Melville đã đem vào văn học nước ông một đề tài kỳ thú khác thường, nó cũng có giá trị như một tài liệu sử học về nghề đánh cá voi ở thế kỷ thứ 19. Ông mất tại nhà riêng, thành phố New York buổi sáng ngày 28/9/1891 thọ 72 tuổi.

Tôi xem phim trước sau này mới xem truyện, lần đầu xem năm 1958 (quay 1956) tại rạp Cao Đồng Hưng Gia định một cách say mê, năm sau coi lại tại rạp Thanh Bình đường Phạm Ngũ Lão Sài Gòn, sang Mỹ có xem lại trên truyền hình và băng video…

Giữa thập niên 80, tôi đọc bản chính Moby Dick, nói chung văn cổ khó đọc, bố cục phức tạp không được mạch lạc lắm, đề tài lạ mang nhiều mầu sắc  huyền bí và những  ý nghĩa tôn giáo. So với phim, truyện phong phú hơn nhưng rườm rà khó hiểu.

Moby Dick đã được quay thành phim rất nhiều lần như :

Lần đầu tiên 1926 The Sea Beast, phim câm

Năm 1930 họ quay lại lấy tên Moby Dick nhưng sửa đổi truyện, Ahab giết cá voi rồi trở về nhà với người yêu

Năm 1956 Moby Dick hay nhất, sẽ đề cập sau

Năm 1957 WoodyWoodpecker

Năm 1962 Tom & Jerry

Năm 1965 The Bedford incident, đổi truyện thành chiến tranh lạnh với Nga.

1978 Moby Dick

1984 Samson &Sally phim vui nhộn

1986 Dot and The Whale, phim vui nhộn

2004 Capitaine Achab, người Pháp quay.

2010 Moby Dick, sửa đổi truyện thành tầu ngầm đụng trận cá voi.

Chỉ có hai phim quay theo sát truyện là Moby Dick năm 1956 của đạo diễn John Huston và Moby Dick năm 1998 của đạo diễn Roddam, dành cho truyền hình . Những phim còn lại đa số đổi tên, thay đổi nội dung truyện nhiều, phóng tác hoặc có khi biến thành vui nhộn, nói chung không được chú ý.

Từ 1957 tới nay khoảng 15 phim Moby Dick thực hiện cho truyền hình. Ngoài ra tác phẩm bất hủ này đã gợi hứng cho trương trình các đài phát thanh khoảng 6 lần, đưa lên sân khấu 7 lần. Moby Dick cũng gợi hứng cho các nhạc sĩ soạn hợp ca 6 lần, gợi hứng cho các nhà sáng tác văn hóa nghệ  thuật rất nhiều. Chưa thấy tác phẩm nào có nhiều ảnh hưởng sâu rộng như thế.

Năm 1956 đạo diễn John Huston đã đưa Moby Dick lên màn bạc, hãng Warner Bross sản xuất. Tài tử thượng thặng Gregory Peck thủ vai thuyền trưởng Ahab, phim quay sát truyện, bố cục mạch lạc. Nhà đạo diễn đã bỏ bớt nhiều chi tiết rườm ra khó hiểu. So với truyện, họ có làm khác đi một số chi tiết nhỏ nhưng nói chung giống như truyện và diễn tả sống động hơn.

Năm 1998 Mỹ -Úc hợp tác quay lại (remake) phim Moby Dick dành  cho truyền  hình , tài tử Patrick Stewart (thường đóng Startrek), đạo diễn Franc Roddam, Gregory Peck (vai chính Moby Dick 1965) được mời  đóng vai phụ Father Mapple trong phim mới 1998. Thường thường các phim quay lại, tài tử cũ được mời đóng một vai phụ như trong Cape Fear mới quay lại, Robert Michum vai chính phim cũ có được mời đóng một vai phụ. Gregory Peck ở đây được giải thưởng Golden Globe cho vai phụ kể trên. Phim này về hình ảnh mầu sắc rõ ràng lộng lẫy nhưng nghệ thuật dưới trung bình, vẽ rắn thêm chân nhiều quá, nghệ thuật thua kém phim cũ quay 1956 rất nhiều.

Trong bài này tôi đề cập tới phim nhiều hơn truyện vì giới hạn và chỉ đề cập tới phim Moby Dick quay 1956 của đạo diễn John Huston, mặc dù không được giải thưởng nào nhưng vẫn được coi là phim cổ điển giá trị của Mỹ.

Phim dài 116 phút, tốn 5 triệu đô la, đối với thời đó là khá cao, Warner Bros phát hành, các tài tử chính gồm Gregory Peck, Richard Basehart, Leo Genn, Orson Welles.

Xin sơ lược

(Hồi xưa rạp chiếu bóng tại Sài Gòn có phiên âm tên các nhân vật ra tiếng Việt, tôi cũng dùng một ít tại đây cho dễ nhớ, dễ gọi)

“Năm 1841, chàng Ích Mã (Ismhael) đến Bedford xin làm cho tầu săn cá voi Bạch Cốt (Pequod), anh ta kết bạn với Queequeg, một thổ dân hoang đảo cùng xin làm trên tầu. Chàng đi lễ tại giáo đường, ông cha giảng truyện Jonah không tin Thượng Đế, trốn lên tầu, ra khơi thì bão tố nổi lên, người  ta vứt Jonah xuống biển, cá voi đớp anh ta và nuốt vào bụng, trong bụng cá Jonah hối hận cầu xin Thượng Đế. Ngài nghe lời cầu xin của Jonah, con cá voi nhả anh ta lên bờ và từ đó Jonah tin vào Thượng Đế.

Ismhael và bạn sắp lên tầu thì một nhà tiên tri ăn mặc rách rưới tên Elijah chạy theo ngăn cản.

-Này ta bảo các người, lên tầu này tức là đã bán linh hồn của mình đấy. Thuyền trưởng A Hạp (Ahab) là tên vô đạo, hắn sẽ bị trừng phạt, các người sẽ chết theo hắn .

Chàng ta không tin, tiếp tục đi, nhà tiên tri chạy theo nói.

-Sẽ có một ngày giữa biển khơi khi ngươi ngửi thấy mùi đất và sẽ không còn đất nữa (ý nói chết), A Hạp sẽ xuống âm phủ nhưng y sẽ ngóc dậy vẫy các người, mọi người sẽ theo hắn (xuống âm phủ) trừ một người (sống sót)

(A day will come at sea when you’ll smell land and there’ll be no land, and on that day, Ahab will go to his grave, but he’ll rise again, and beckon, and all save one shall follow”)

(Đoạn này người ta thêm vào, trong truyện không có)

Họ lên tầu ra khơi, cuộc hành trình kéo dài ba năm, thủy thủ gồm nhiều giống người, chủng tộc. Thuyền trưởng A Hạp là một người kỳ dị, ban ngày  ẩn mình trong khoang tầu, những  đêm sáng trăng ông xuất hiện đi lịch kịch trên boong. Năm ngoái ông bị con cá voi trắng (Moby Dick) cắn đứt một cẳng phải thay chân bằng xương cá vì thế Ahab thù hận con cá voi không đội trời chung. Một hôm ông tập hợp các thủy thủ lại gồm đủ các giống người da đỏ, da đen, da trắng… Ahab đóng đinh một đồng tiền vàng vào cột buồm bảo.

-Kẻ nào thấy cá Trắng Moby Dick đầu tiên sẽ được thưởng đồng tiền vàng này.

Thuyền trưởng sai lấy rượu cho mọi người uống và bắt tuyên thệ phải giết cho được cá Trắng, A Hạp là một dị nhân, hận thù đã khiến ông gần như điên rồ mù quáng.

Một hôm người gác trên chòi cao thấy cá voi, họ thả bốn thuyền nhỏ xuống biển để săn mồi, từng cái chèo lại gần con cá rồi phóng lao, ở đuôi lao có sợi dây chão cột vào thuyền, con cá kéo thuyền tới khi mệt thủy thủ sẽ phóng cho nó một lao ân huệ ké về tầu lóc thịt chiên lấy dầu.

Ít lâu sau, thấy nhiều cá voi xuất hiện, các thủy thủ hân hoan  sung sướng săn đuổi cá, khi ấy một tầu đánh cá Anh Samuel gặp tầu Bạch Cốt, thuyền trưởng Boomer cho biết tháng trước đã gặp cá Moby Dick ở mũi  Hảo Vọng (Bonne-Esperance). A Hạp mừng lắm gọi phó thuyền trưởng Starbuck lại bảo.

-Ta tính toán đúng rồi, tháng trước nó ở mũi Hảo Vọng, nó sẽ ở Bikini trong con trăng mới!

Nói rồi ông bắt thuỷ thủ lên tầu, bỏ cuộc săn cá này để dong buồn đuổi theo Moby Dick khiến ai nấy đều bất mãn.

Tối ấy, phó thuyền trưởng Starbuck bàn với nhiều thủy thủ, ông nói thuyền trưởng A Hạp đã từ bỏ nhiệm vụ, phản lại chủ tầu, không chịu săn cá để lấy dầu giúp loài người mà chỉ muốn trả thù riêng, hắn trái ý Thượng Đế, nếu theo A Hạp, tất cả sẽ bị Ngài trừng phạt.

Nhưng thủy thủ vẫn trung thành với A Hạp nên ông phó Starbuck thất vọng. Một thời gian sau, tầu Bạch Cốt gặp tầu Rachel, thuyền trưởng tầu này cho biết ông mới săn cá Trắng, nó kéo đi chiếc thuyền có đưa con trai mười hai tuổi của ông. Ông này nhờ A Hạp giúp tìm đứa nhỏ, A Hạp từ chối tiếp tục đi tìm Moby Dick rửa hận.

Tầu Bạch Cốt tiến vào trong vùng mà A Hạp đi tìm cá Trắng. Một hôm anh thủy thủ gốc thổ dân Queequeg lấy những mảnh xương gieo quẻ, biết trước là sắp chết, anh lấy tiền thuê thợ mộc đóng cho cái quan tài đậy nắp và lấy sáp trét kín không cho thấm nước.

Ít ngày sau, thủy thủ trên tháp canh thấy cá Trắng, A hạp tức tốc cho hạ thủy bốn thuyến chèo ra khơi. Moby Dick hiện ra trắng như tuyết, trên lưng lúc nào cũng có chim chóc bay theo hàng đàn, nó vùng vẫy rồi biến mất. A Hạp tay cầm lao giận dữ, đành phải chèo thuyền về tầu.

Thủy thủ nơm nớp sợ, họ nghe nói con cá Trắng này là quỉ quái, có người nói nó là hình ảnh của Thượng đế (no whale, the Great White God). Tự nhiên một trận phong ba bão táp nổi lên dữ dội, nước ùa vào sân boong, gió đập vào thành tầu nghiêng ngả. A Hạp hò hét thủy thủ kéo buồn mới thay buồm đã bị gió đập hư rách.

-Kéo buồm lên! Trời cho ta cơn gió này để đuổi bắt con Bạch kình ngư.

Gió bão, mưa rào… càng dữ tợn hơn, phó thuyền trưởng Starbuck hò hét thủy thủ cưa cột buồm vì tầu sắp bị lật úp, ông ta lấy búa rìu chặt các dây thừng. A Hạp thấy vậy giận dữ lấy cây lao dơ lên bảo Starbuck.

-Bỏ rìu xuống nêu không ta đâm chết.

Ông phó phải nghe theo, bỗng cơn bão tự nhiên dịu lại rồi ngừng hẳn, một ngọn lửa xanh nhạt lung linh nhè nhẹ hiện trên các cột buồm. A Hạp cầm cây lao dựng ngược, ngọn lửa xanh bỗng hiện trên ngọn lao, ông bảo.

-Ta thu ngọn lửa trong tay cho các người coi!

Rồi A Hạp vuốt từ mũi lao xuống, ngọn lửa biến mất, thủy thủ ai nấy trố mắt thán phục cho là ông ta đã dẹp được cơn bão.

Một buổi sáng trời yên bể lặng, A Hạp và ông phó Starbuck đứng ở mũi tầu nhìn ra biển, thuyền trưởng đang tâm sự chuyện đời mình, Starbuck rút súng lục nhắm A Hạp, ông ta biết nhưng vẫn bình tĩnh nói lan man, ông phó run rẩy không dám bắn vì thấy A Hạp anh hùng quá bèn hạ súng xuống thú thật.

-Tôi không đủ can đảm giết ông để cứu cả tầu.

Ít ngày sau Moby Dick xuất hiện, A Hạp hối thủy thủ hạ thuyền ra trận, Ích Mã ngửi thấy mùi đất, chàng nhớ lời nhà tiên tri Elijah ở bến tầu, lúc này sẽ không còn đất tức là con tầu sẽ chìm sâu đáy biển.

Con cá trắng như tuyết nổi lên, chim chóc kêu ríu rít  bay đầy trên mình nó, lưng đầy những lao và dây thừng chằng chịt. A Hạp nghiến răng phóng lao, các thủy thủ cũng phóng lao tới tấp trên lưng Moby Dick. Con cá rẽ sóng chạy phăng phăng kéo một chiếc thuyền lật úp rồi quay lại nhai một thuyền khác đưa lên cao, thủy thủ rớt xuống biển như sung rụng. A Hạp bám vào sợi dây leo lên lưng cá Trắng, ông rút cây lao trên mình nó đâm nhiều nhát và chửi rủa luôn miệng.

-Con cá khớn nạn, tao đâm cho mày chết.

(Đạo diễn thêm vào chi tiết này)

Chỉ còn lại hai thuyền, thủy thủ dớn dác nhìn theo con cá đang vẫy vùng trên mặt biển. Một lúc sau A Hạp đã chết nhưng cánh tay ông ta lắc qua lắc lại như kêu gọi mọi người tiếp tục cuộc săn, phó thuyền trưởng Starbuck như bị thôi miên bèn ra lệnh cho thủy thủ.

-Nó chỉ là con cá voi, không phải quỉ thần gì cả, chúng ta là thợ săn cá voi phải giết nó.

Rồi ai nấy chèo thuyền tiến lại gần Moby Dick tiếp tục trận chiến, con kình ngư khổng lồ giận dữ quay lại đội hai thuyền lên trời cho thủy thủ rớt xuống  biển rồi lấy đuôi đập ầm ầm như sấm cho tan nát hết. Sau đó nó hung hãn quay về tầu Bạch Cốt húc, kéo cho chìm xuống biển mới hả giận.

Thủy thủ chơi vơi giữa biển, bỗng chiếc quan tài của anh thổ dân nổi lên, Ích Mã bám vào nó như cái phao, chàng lênh đênh trên biển một ngày được tầu Rachel tới cứu. Nhờ quan tài của bạn, Ích Mã là người duy nhất còn sống sót kể lại chuyện này…..”

 

So với những phim quay theo Moby Dick, cuốn phim 1956 kể trên được coi là theo sát truyện và giá trị nhất, nhà viết truyện phim chỉ thêm hoặc sửa một vài chi tiết nhỏ cho thêm sống động, thường thì nhà làm phim phải thuê người viết lại truyện phim vì không thể quay theo y như tác phẩm. Nó cũng được coi là một trong những phim cổ điển giá trị nhất của điện ảnh Mỹ, hiện vẫn được chiếu lại trên truyền hình và lưu hành ngoài thị trường, trong các thư viện.

Nhờ tài dàn cảnh vô cùng khéo léo của John Huston, những cảnh quyết chiến dữ dội giữa người và cá được thể hiện thật hào hùng, ghê rợn và lôi cuốn một cách kỳ diệu. Cảnh bão tố giữa biển khơi được diễn tả thật hãi hùng, kinh dị  khiến ta có cảm tưởngn như đang trên một con tầu lâm nạn. Mặc dù đã xem nhiều lần, nhưng mỗi lần xem lại tôi vẫn không khỏi bồi  hồi xúc động trước những con người can đảm coi nhẹ gian nguy chinh phục biển khơi để sống còn và mang nhiều lợi ích cho xã hội. Nhờ diễn xuất tuyệt vời của Gregory Peck, một tài tử trứ danh của điện ảnh Mỹ mà vai thuyền trưởng A Hạp đã được thể hiện sống động như một vị anh hùng, người đã dẹp được cơn bão, đây một trong những phim thành công nhất của chàng tài tử gạo cội này, khó có thể tìm một người thứ hai đóng vai A Hạp ngoài Gregory Peck.

Moby Dick trong phim chỉ là con cá giả dài gần ba chục thước, đắp bằng hơn mười tấn cao su nhưng nó linh động, vùng vẫy dữ tợn chẳng khác gì  con kình ngư có thật.

Có những bài thơ nhờ phổ nhạc mà được nhiều người hâm mộ biết tới, có những tác phẩm văn chương được nghệ thuật thứ bẩy diễn tả lại đã làm tăng giá trị và được phổ biến sâu rộng hơn lên. Moby Dick 1956 quay thành phim đã khiến cho nhiều người biết đến tác phẩm hơn, trên thực tế số người xem phim có phần nhiều hơn đọc truyện mặc dù mỗi nghệ thuật có một sở trường riêng.  So về ý tưởng, truyện thâm trầm hơn nhưng sự diễn tả phức tạp nhất là văn cổ thiếu phần linh hoạt. Mặc dù sự diễn tả bằng hình ảnh bị giới hạn nhưng phim cũng đã thể hiện được những nét chính của nội dung tác phẩm, nó cho thấy quyết tâm sắt đá, ý chí của một con người theo đuổi mục đích đến cùng y như lão ngư ông trong Ông Già Và Biển Cả của Ernest Hemingway.

Thủy thủ đã cảm phục lòng dũng cảm và ý chí kiên cường của A Hạp nên đã theo ông đến cùng trong trận quyết đấu giữa con người nhỏ bé và con kình ngư khổng lồ để rồi tất cả chìm sâu đáy biển.

Con cá voi dữ tợn tượng trưng cho sức mạnh huyền bí của thiên nhiên, cho quyền lực tối cao của Thượng Đế, A hạp không tin Thượng Đế, trái ý Ngài nên  đã  bị trừng phạt cùng những kẻ đi theo, chỉ trừ một thủy thủ  còn sống sót để kể lại cho mọi người được biết. Ích Mã trước khi theo tầu đánh cá đi lễ tại giáo đường nghe giảng truyện “Jonah không tin Thượng Đế”, Jonah trốn lên tầu ra khơi, bão tố nổi lên dữ dội, ai nấy sợ hãi cho rằng vì có Jonah tên vô đạo mà tầu gặp bão, họ hè nhau quẳng y xuống biển. Một con cá voi đớp Jonah nuốt vào bụng, bụng cá tối tăm như địa ngục, Jonah hối hận cầu xin Thượng Đế, Ngài nghe Jonah và hiểu được tâm tư anh. Rồi tự nhiên cá voi đem anh lên bờ nhả ra, Jonah mình mẩy sây sát hết, anh tin Thượng Đế. Từ đấy chàng đi thuyết giảng cho mọi người nghe về sự hiện hữu của Ngài. Cảnh này là một trong những pha hay nhất của Moby Dick qua tài diễn xuất tuyệt vời của tài tử nổi danh Orson Wells trong vai ông cha giảng đạo.

Khi Ích Mã và anh bạn thổ dân sắp lên tầu Bạch Cốt, một nhà tiên tri áo quần rách rưới tên Elijah chạy theo ngăn cản hai người. Ông ta nói thuyền trưởng A Hạp là kẻ vô đạo, không tin Thượng Đế, khinh bỉ giáo đường, mù quáng theo đuổi mối hận thù với con quái vật Moby Dick, y chống lại Thượng Đế. Nếu theo A Hạp tức là bán linh hồn cho quỉ sứ. Ích Mã không nghe lời Elijah và tiếp tục hướng về tầu đánh cá, nhà tiên tri bảo anh khi nào các người ngửi thấy mùi đất tức là sẽ còn đất nữa, tầu sẽ bị chìm và cuối cùng chỉ còn một người sống sót. Lời tiên tri này đạo diễn thêm vào cho thêm tính chất huyền bí. Đây cũng là một trong những cảnh hay nhất đã làm tăng giá trị phim và ý nghĩa của truyện rất nhiều, nó cũng tăng phần huyền bí để thu hút và rung cảm người thưởng thức.

Lúc A hạp ra lệnh cho thủy thủ bỏ dở cuộc săn cá để dong buồm đuổi theo Moby Dick, phó thuyền trưởng Starbuck bất mãn, âm mưu chống thuyền trưởng, y đã bội ước với chủ tầu và trái ý Thượng Đế. A Hạp không chịu săn cá voi để lấy dầu mỡ giúp ích cho nhân loại mà chỉ mù quáng vì hận thù cá nhân, hắn chống lại Thượng Đế, sẽ bị Ngài trừng phạt, các thủy thủ lại không theo ông phó, họ tuân lệnh A Hạp và cuối cùng tất cả bị chìm sâu dưới biển chỉ có một người sống sót.

Con cá Trắng tượng trưng cho sức mạnh của Thượng Đế (No whale! The great white God), kẻ nào chống lại sức mạnh của Ngài sẽ thảm bại. Sở dĩ  Ích Mã được sống còn vì Thượng Đế muốn anh ta là nhân chứng để kể lại cho mọi người nghe sự hiện hữu và sức mạnh của Ngài mà trước đó anh không tin tưởng.

Ngoài những ý nghĩa về tôn giáo, người ta cũng hiểu tác phẩm theo ý nghĩa trần thế. Thuyền trưởng A Hạp thể hiện một sự quyết tâm, một ý chí kiên cường để đạt tới mục tiêu sau cùng, thủy thủ cảm phục lòng cương quyết của ông và đã theo tới cùng trong trận đấu quyết liệt với Moby Dick. Cảnh cuối phim, thuyền trưởng A Hạp đâm hàng chục nhát lao vào lưng cá Trắng, ông bị vướng mắc trong đám dây nhợ trên mình cá, chết rồi mà tay vẫn vẫy qua vẫy lại. Thủy thủ, ông phó Starbuck nghĩ rằng A Hạp đã chết mà còn vẫy mọi người, nỡ nào bỏ ông ta, chi tiết này không có trong truyện, đạo diễn thêm vào cho tăng vẻ hào hùng sống động. Starbuck thu thập tàn quân tấn công đợt cuối cùng hoàn toàn thất bại. A Hạp như một vị  anh hùng chống chọi với phong ba bão táp để đạt mục tiêu, tinh thần kiên cường của tác phẩm đã ảnh hưởng đến cuốn Ngư Ông Và Biển Cả sau này.

Từ nửa thế kỷ qua, Moby Dick quay năm 1956 vẫn được coi là một siêu phẩm giá trị, vẫn được lưu hành trên thị trường, cuốn phim phiêu lưu mạo hiểm đã diễn tả  những cảnh tượng hiểm và hãi hùng của nghề săn cá voi thế kỷ 19. Nhà đạo diễn John Huston đã diễn tả lại một lần nữa tác phẩm bất hủ của Herman Melville bằng những hình ảnh sống động, hào hùng. Ông cũng đã  mang lại cho nền điện ảnh Mỹ cũng như nghệ thuật thứ bẩy một đề tài kỳ diệu, đặc sắc mang nhiều ý nghĩa về hận thù, lòng dũng cảm, tình đoàn kết trong chiến đấu cũng như sức mạnh của quyền lực tối cao.

© Trọng Đạt

© Đàn Chim Việt

 

 

Phản hồi