WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Trao đổi ý kiến về “Ải Nam Quan trong hiện tại”

Mặt khác, xét cái tên Ung Kê Quan, ta thấy trong Cương mục, các nhà sử học đời nhà Nguyễn dựa theo Địa lý chí trong Tiền Hán thư, chú giải như sau về quận Uất Lâm: “Quận Uất Lâm thống trị 12 huyện: Bồ Sơn, An Quảng, A Lâm, Quảng Uất, Trung Lưu, Quế Lâm, Đàm Trung, Lâm Trần, Định Chu, Tăng Thực, Lĩnh Phương, Ung Kê.” Về quận Uất Lâm: “Quận Uất Lâm: đời Tần, thuộc đất quận Quế Lâm nay thuộc đất Quảng Tây.” (Cương mục, Tiền biên, II, 5) . Như vậy, Ung Kê thuộc quận Uất Lâm chứ không thuộc quận Giao Chỉ. Ung Kê Quan (nếu có) phải nằm rất xa Lạng Sơn, ở tận lưu vực của sông Tả giang, trong địa phận của tỉnh Quảng Tây, chứ làm sao có thể nằm ở vị trí của Hữu Nghị Quan ngày nay? Nhìn vào tấm bản đồ in kèm trong cuốn sách nói trên, chúng ta có thể thấy ranh giới của Giao Chỉ nằm ở tận Quảng Tây, ở lưu vực của sông Tả Giang (ảnh 21).

Để có thể kết luận “Ải Nam Quan được xây dựng cách đây vào khoảng 2 ngàn năm”, các nhà sử học và địa lý học Trung Quốc phải bác bỏ được lập luận của học giả Đào Duy Anh mà tôi vừa trình bày tóm tắt. Nói chung, phần lớn các tài liệu về lịch sử của Trung Quốc hiện nay đều lẫn lộn thực hư, nhất là khi chúng được dùng để phục vụ cho mục tiêu chính trị, vì thế chúng ta phải cảnh giác, không thể tin hoàn toàn. Điều tôi muốn nhấn mạnh là: không những ghi nhiều điều bịa đặt trong các tấm bia bằng gỗ, đá, xi-măng ở Hữu Nghị Quan, phía Trung Quốc còn đưa lên mạng để tuyên truyền cho người Việt chúng ta.

Trong phần chú thích, anh Trương Nhân Tuấn viết như sau: “Về trích dẫn từ trang www.sinoviet.com: “Năm Quang Tự đời Thanh, tri phủ Thái Bình Cam Nhữ Lai tái dựng lại lầu ải bằng một kiến trúc lâu đài kiểu Pháp (Pháp Quốc Lầu), dỡ bỏ Miếu Quan Đế và Đền Chiêu Trung. Sau này tuy có tiến hành nhiều lần tu bổ, nhưng vẫn giữ nguyên mạo diện Pháp Quốc Lầu. Trong thời kỳ chiến tranh chống Nhật, thành lầu lại bị phá hủy, nay chỉ còn lại tầng dưới tức là cổng thành hình vòm.” Theo tôi, chúng ta không nên dẫn những nguồn không kiểm chứng được. Nguồn dẫn trên là một nguồn không thể kiểm chứng. Dữ kiện đưa ra có nhiều điểm sai ấu trĩ mà mọi người đều biết như nhân vật Cam Nhữ Lai. Làm thế nào ông Cam Nhữ Lai một đại thần nhà Minh triều Ung Chính, làm án sát tỉnh Quảng Tây, người sửa chữa cổng Nam Quan năm 1725, lại tái sinh vào làm quan lại thời Quang Tự nhà Thanh? Họ đưa những nguồn tin sai lạc này ra để làm chi?

Trái với ý kiến của anh Trương Nhân Tuấn, nguồn tin trên là một nguồn tin hoàn toàn có thể kiểm chứng, vì nó nằm ngay trên trang mạng SINOVIET (gồm ba ngôn ngữ: Hoa, Anh và Việt). Đoạn dẫn chứng của tôi nằm trong bản tiếng Việt, ở mục Mậu dịch biên giới, bài giới thiệu về “Cửa khẩu Hữu Nghị Quan

Theo lời tự giới thiệu của trang mạng Sinoviet (bản tiếng Việt) thì Mạng Khoa học Công nghệ và Thương mại Trung-Việt là một trong những mạng thứ cấp (sub-network) của Mạng Thông tin Khoa học Công nghệ Quảng Tây; phiên bản Trung văn của trang mạng này vận hành từ tháng 7 năm 2002 “đã gây ảnh hưởng rộng lớn trong đất nước Trung Quốc”.Trong số các đối tác Việt Nam được giới thiệu, chúng ta thấy có: Trung tâm Thông tin Bộ KH&CN Việt Nam, Trường Đại học Nông nghiệp I Việt Nam và Trung tâm Xúc tiến Thương mại Nông nghiệp và Nông thôn Việt Nam.  Trang mạng Sinoviet là một trang mạng “hợp tác”, được xây dựng và bảo trì bởi hai cơ quan GXSTI (Trung Quốc) và VISTA (Việt Nam)

GXSTI là chữ viết tắt của Guangxi Science and Technology Information Network Center (Trung tâm mạng thông tin khoa học và công nghệ Quảng Tây). Địa chỉ của Trung tâm này là số 55 đường Tân Dân, Thành phố Nam Ninh, Quảng Tây, Trung Quốc; trang mạng tiếng Việt của Trung tâm có địa chỉ:  http://vn.gxsti.net. VISTA là chữ viết tắt của Mạng Thông tin Khoa học và Công nghệ Việt Nam (Vietnam Information for Science and Technology Advance); mạng này do Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia (NACESTI) thiết kế, xây dựng, quản lý và phát triển. Địa chỉ: số 24, Lý Thường Kiệt, Q. Hoàn Kiếm, Hà Nội, ĐT: 04-9349126. Fax: 04-9349127.

Anh Trương Nhân Tuấn viết: “Dữ kiện đưa ra có nhiều điểm sai ấu trĩ mà mọi người đều biết như nhân vật Cam Nhữ Lai. Làm thế nào ông Cam Nhữ Lai một đại thần nhà Minh triều Ung Chính, làm án sát tỉnh Quảng Tây, người sửa chữa cổng Nam Quan năm 1725, lại tái sinh vào làm quan lại thời Quang Tự nhà Thanh? Họ đưa những nguồn tin sai lạc này ra để làm chi?” Về điểm này, tôi cũng xin đính chính: Cam Nhữ Lai nguyên là án sát của tỉnh Quảng Tây dưới thời vua Ung Chính nhà Thanh (chứ không phải nhà Minh như anh Trương Nhân Tuấn đã viết). Năm 1725, ông này đã tham gia vào việc trùng tu lại Trấn Nam Quan. Nếu ông ta sống được đến năm 1896 để xây dựng Pháp Quốc Lầu thì ít nhất ông ta cũng phải được 200 tuổi. Đây quả là một chi tiết bịa đặt có tính khôi hài.

Cũng nên nói thêm là gần đây, GXSTI và VISTA còn “hợp tác” để làm nên một trang mạng khác có tên là ChinAsean. Ngày 13.6.2009 vừa qua, bài giới thiệu cửa khẩu Hữu Nghị Quan nói trên của Sinoviet đã được chép nguyên văn (kể cả lỗi chính tả) để đăng trên trang mạng này . Như vậy, “dữ kiện… có nhiều điểm sai ấu trĩ” mà anh Trương Nhân Tuấn phản ứng gay gắt bây giờ lại có điều kiện nhân đôi để phổ biến rộng rãi trong những người đọc tiếng Việt.
Sau cùng, câu hỏi mà anh Trương Nhân Tuấn đặt ra: “Họ đưa những nguồn tin sai lạc này ra để làm chi?” là một câu hỏi khá thú vị. Theo tôi, nên gửi câu hỏi này đến cho các cấp có thẩm quyền của Việt Nam – nhất là Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia (NACESTI), cơ quan đang hợp tác với Trung tâm mạng Thông tin Khoa học và Công nghệ Quảng Tây (GXSTI) để xây dựng và bảo trì trang mạng này.

Điều kỳ lạ là những “điểm sai ấu trĩ” hay những sự xuyên tạc lịch sử, bóp méo thực tế như thế không phải là hiếm trên các trang mạng hoặc sách báo của Trung Quốc. Kể từ khi trang mạng Bauxite Việt Nam ra đời (tháng 4 năm 2009) đến nay, nhiều độc giả hay cộng tác viên đã phát hiện nhiều chuyện động trời tương tự. Nhưng trong khi nhân dân – nhất là giới trí thức và các sinh viên, học sinh yêu nước đã và đang ra sức cảnh báo về những điểm sai trái động trời đó thì một số nhà lãnh đạo từ địa phương cho đến trung ương vẫn bình chân như vại, vẫn tiếp tục “ôm hôn thắm thiết” hay bình thản “siết chặt tay hữu nghị” với các nhà lãnh đạo của đất nước Trung Quốc hay của tỉnh Quảng Tây.

Thái độ coi thường dư luận, khinh rẻ nhân dân đó mới thật sự là điều khó hiểu. Người dân ngày càng thắc mắc: phải chăng việc các nhà lý luận và tuyên truyền của Đảng ra sức hô hoán về cái-gọi-là “nguy cơ diễn biến hòa bình” đến từ phương Tây chính là chiến thuật tung hỏa mù nhằm che giấu một quá trình “diễn biến không – hòa bình” đến từ một hướng khác?

Chính quá trình “diễn biến không – hòa bình” này mới thật sự là nguy cơ lớn nhất của đất nước, bởi vì nó đã gặm nhấm đường biên giới trên bộ, nuốt mất quần đảo Hoàng Sa và đang lăm le nuốt trọn quần đảo Trường Sa, khống chế vùng tài nguyên ở Biển Đông, đồng thời từng bước tìm cách hủy hoại những giá trị tinh thần của dân tộc ta, nhằm đẩy nhân dân ta trở lại với thân phận nô lệ của thời kỳ “nghìn năm Bắc thuộc” – với những hình thức mới và trong hoàn cảnh mới.

Đà Lạt, 7.4.2010
© Mai Thái Lĩnh
© Đàn Chim Việt Online

________________________

[1]Trương Nhân Tuấn, “Vài dòng xin thưa cùng anh Mai Thái Lĩnh về bài viết “Ải Nam Quan trong hiện tại””, talawas 22.3.2010; phần I : http://www.talawas.org/?p=17718, phần II: http://www.talawas.org/?p=17735
[1]Do bản sao hơi mờ nên không rõ là placé hay placée. Nếu đi với chữ borne (f.) thì phải là placée.
[1] Choang: Zhuang (âm Hán-Việt là Tráng) là nhóm sắc tộc thiểu số đông dân nhất ở Trung Quốc (khoảng 16 triệu), chỉ sau người Hán. Người Tráng ở Trung Quốc có cùng nguồn gốc chủng tộc với người Tày ở Việt Nam.
[1] Theo bác sĩ Paul Néis, Đồng Đăng cách ải Nam Quan 3 km. Theo Hà Mai Phương và Lưu Chu Thanh Tao, một cuốn sách địa lý xuất bản tại Hà Nội năm 1926 cho biết từ Đồng Đăng (cây số 162) đến cửa Nam Quan (cây số 167) là 5 km, một cuốn sách khác của Hoàng Đạo Thúy xuất bản năm 1976 lại ghi là 4 km.
[1] Colonel André ROTTIER, “La première attaque japonaise contre l’Indochine en septembre 1940”, France/Indochine – Histoire et mémoire, A.N.A.I., 2007:
http://www.anai-asso.org/NET/document/le_temps_de_la_guerre/index.htm

Mục: La seconde guerre mondiale -La seconde guerre mondiale en Indochine
[1] Đào Duy Anh , Đất nước Việt Nam qua các đời, Nxb Thuận Hóa, Huế, 1995, tr. 28, 37
[1] Đào Duy Anh, sđd, tr. 49-50
[1] Quốc sử quán triều Nguyễn, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, tập I, Nxb Giáo dục, 2007, tr. 103 (Lời chua về 9 quận của bộ Giao Chỉ).
[1] http://www.vn.sinoviet.com/bordertrade/cvport/youyi-gate/youyigate-1.asp
[1] Sino-Vietnam Trade Network:
http://www.vn.sinoviet.com/others/aboutus/aboutus.asp
[1] http://www.cn-asean.cn/asean/donet/Vietnam/ShowArticle.aspx?id=ee1d3123-2930-4c9d-94e2-0636ea43a8f1

 

Pages: 1 2 3

Phản hồi