WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Obama hay Romney?: Nhược điểm trong thể chế lưỡng đảng của Hoa kỳ

Còn vài ngày nữa là đến thứ Ba, 6 tây tháng 11, 2012 ngày đầu phiếu vào Nhà Trắng của hai ứng cử viên tổng thống Mitt Romney và Back Obama. Ai sẽ thắng cử là một đáp số mà nhiều người háo hức mong đợi.

Năm 2008, cao điểm khủng hoảng kinh tế Hoa Kỳ (phát xuất từ lòng tham không đáy của nhóm Wall Street và tài phiệt ngân hàng quốc tế) liên đới kéo sập hàng loạt các định-chế tài-chính của thế giới. Ở Mỹ, tâm điểm xuất xứ của các sản phẩm lãi nợ nhà đất (mortgages) do các công ty chứng khoán chế biến thành các món đầu tư quái đản – cùng với sự thả lỏng nhiệm vụ kiểm soát và chế tài của chính phủ Hoa kỳ – đã làm vỡ tung bong bóng nhà đất ở cùng khắp các thị trường và xã hội, tạo ra một cơn khủng hoảng kinh tế rộng lớn chi phối toàn diện cuộc sống của hầu hết mọi người dân (có lẽ chỉ thua thời kỳ sụp đổ tài chính trầm trọng của Hoa kỳ vào thập niên 1929-1940 (The Great Depression).

Nói đến đây, tôi không khỏi nhớ đến chuyện của đồng chí X, Bộ chính trị và sự bao che của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng Sản Việt Nam trong sự lũng đoạn kinh tế Việt Nam hiện nay do ông và những lãnh tụ liên đới trách nhiệm gây nên. Đúng vậy, tư bản Hoa kỳ có thao túng thị trường gây tác hại lớn lao, nhưng chúng ta đừng quên ở dưới đáy từng của chế độ tư bản có đám thường dân góp tay trong chuyện lãi nợ nhà đất gây phá sản cho nhiều người và định chế tài chánh — ở Việt Nam thì khác, chỉ có những lãnh tụ quyền hành và tay chân của họ mới gây ra những lũng đoạn kinh tế. Ở Mỹ, nếu không có những dân ngu khu đen ham hố quá mức để bị khuyến dụ mua nhà ngoài sức trả góp của họ, cùng với những người đầu tư địa ốc tham lam mua quá nhiều nhà để kiếm lời đến nỗi không kịp bán trước khi bong bóng giá cả nhà đất bị nổ tung làm họ bị mất mát hay phá sản, lôi theo cả hệ thống tài chính Mỹ.(1)

Trong bối cảnh đó, ông Back Obama đã xuất hiện với khẩu hiệu: “Change We Can Believe In/Thay đổi mà Chúng ta có thể Tin tưởng được” nhằm đánh vào ông Bush và phe Cộng hòa tiền nhiệm của mình và đắc cử tổng thống, mang niềm hy vọng của nhiều dân Mỹ sẽ cải tổ và kiểm soát những thành phần tài phiệt tham nhũng đã làm lũng đoạn hệ thống thị trường, làm giàu trên sự đau khổ của người khác(1) Tuy nhiên khi trở thành tổng thống, ông Obama không những không chế tài giới tài phiệt và Wall Street, những phần tử đã trực tiếp làm suy xụp và hư hại nền kinh tế Hoa kỳ, ông lại tiếp tục đề cử họ vào những chức vụ then chốt như Tim Bernanke, Thống đốc của Ngân hàng Trung Ương (Chairman of The Federal Reserve Bank), Lawrence Summers Cố vấn Hội đồng Kinh tế quốc gia (U.S. National Economic Council), Timothy Geithner Bộ trưởng Bộ Tài chính (Secretary of the Treasury) chưa kể đến sự tham vấn của ông Henry Paulson, cựu Tổng Giám Đốc Goldman Sach – công ty đã góp phần lớn vào sự cố sụp đổ của thị trường nhà đất – ông Paulson chính là Bộ trưởng Bộ Tài chính/Ngân khố Hoa kỳ thời Bush con, tiền nhiệm của ông Obama, khiến cho phe cực hữu và nhiều người cho rằng ông Obama là con cờ, một sản phẩm được các thế lực đại tài phiệt đưa lên.

Có ai ngờ sau khi nhậm chức, những phấn chấn và hứng khởi ban đầu của nhiều người về vị cứu tinh, quán quân của phe thấp cổ bé miệng, một tổng thống sẽ gióng tiếng nói lương tri cho số đông, (sau này được thể hiện qua nhóm 1 phần trăm (Occupy Wall Street) đã bắt đầu tan biến làm nhiều người thất vọng. Nhiều người nghèo, dân da màu và thiểu số cho rằng ông Obama đã phản bội lý tưởng đại diện cho công bằng xã hội. Trong khi đó các phần tử thủ cựu của phe Cộng hòa, vẫn tiếp tục lên án Obama buộc tội ông là một người theo chủ nghĩa xã hội/Cộng sản (theo đúng ý nghĩa của phương Tây về nguyên lý chia sẻ trong một xã hội dân sự, ngoại trừ chuyện cai trị độc tài và chuyên chính của chế độ Cộng sản), thích lấy của nhà giàu san sẻ cho nhà nghèo. Một bằng chứng cụ thể họ trưng ra là ObamaCare, một chương trình bảo hiểm Y tế (mà điều khoản pháp lý dài hơn 3.000 trang) bắt buộc mọi người phải mua bảo hiểm, công ty bảo hiểm phải nhận một số điều kiện để được tài trợ bằng tiền thuế của Liên bang. (2) Lại nữa, nhiều thành phần cử tri đã bỏ phiếu cho ông, đồng thuận rằng ông Obama là một tổng thống nhu nhược ‘không có xương sống’ thích hạ mình và danh dự của Hoa kỳ ở Trung Đông bằng những tuyên bố khi đi công du qua các quốc gia Hồi giáo nuôi dưỡng khủng bố quân này.

Do vậy, sau gần 2 năm tại chức, vào năm 2010 tôi cam đoan như đinh đóng cột cho rằng Obama sẽ trở thành “tổng thống 1-nhiệm-kỳ” tiên đoán ông nhất định sẽ bị hạ bệ trong kỳ bầu cử sắp tới này, tuy lúc đó chưa biết chắc ai sẽ ra tranh cử. Nhưng nay, nói theo kiểu Mỹ có lẽ tôi sẽ ‘ăn thịt quạ’: I will eat crow – 1 thành ngữ Anh Mỹ muốn nói là lời ‘gáy’/tiên đoán của tôi hay ai đó sẽ sai và tôi và người đó sẽ thua, phải nuốt những lời đoán/tin tưởng sai lạc của mình một cách chua cay.

Vì đến giây phút này, tôi vẫn cho rằng ông Obama sẽ thắng cử, tuy rằng trong thâm tâm, tôi vẫn hy vọng mong manh rằng ông Mitt Romney và phe Cộng hòa trong Quốc hội sẽ thắng thế và sẽ đủ can đảm cắt giảm kinh phí lạm chi của quốc gia để kịp thời chuyển hướng đi kinh tế tiệm tiến của ông Obama và đảng Dân chủ. Lý do tôi không tin tưởng mãnh liệt vào phe Cộng hòa hay ông Romney, là do thiển ý: phe Cộng hòa thiếu một ứng cử viên sáng giá hơn ông Mitt Romney trơn trợt, không giữ vững lập trường đứng đắn của mình, hoặc biết nhận lỗi nhằm sửa đổi hướng đi không đủ nhân bản của mình. Nhất là phe Cộng hòa không đủ dũng cảm để chọn những mục tiêu thiết thực và gần gũi với đời sống của thành phần trung lưu Mỹ hơn là lấp liếm chọn cách giảm thuế nửa vời giữa giới trung lưu (trên $50.000 Mỹ kim – $250,000/1 năm) và thượng lưu (các cư dân có lợi tức/thu nhập cao hơn 1 triệu Mỹ Kim/năm).

Luật định về Thuế Lợi tức/Thu nhập/Lương tiền cơ bản của Hoa kỳ nằm ở 2 chữ lũy tiến (Progressive Tax) nghĩa là càng làm nhiều tiền thì đóng thuế càng cao. Điều cơ bản thứ hai: Hoa kỳ có dân số làm lương ở mức $50.000 Mỹ kim – $250,000/năm nhiều hơn là sĩ số dân làm trên 1 triệu Mỹ kim/năm; ngoài những điều khoản khấu trừ hay miễn thuế cho một số lớn dân chúng (đây là con số 47% dân Hoa kỳ không đóng thuế Liên bang mà ông Romney đưa ra) bởi vì lý do nghèo, tật bệnh hay nuôi nấng con cái lệ thuộc (dependents minors) hoặc vì những nguyên do tránh thuế/trốn thuế nào khác – hợp pháp hay bất hợp pháp. Tuy nhiên, Dân chủ hay Cộng hòa, không ai dám, ngu dại đến mức phải giảm chi tiền An Sinh Xã hội hay Medicare cho người già hay người lệ thuộc họ cả! Đề nghị tư hữu hóa Social Security của cựu tổng thống Bush con do đó cũng đã bị bác bỏ.

Những nguyên do chuyển hóa một người thuộc phe Cộng hòa như cá nhân tôi, xuất phát từ chuyện chọn lẽ phải và lý lẽ làm chuẩn mực cho tiêu chí và lá phiếu của mình, thay vì chỉ đi theo một cách mù quáng mọi lập trường của phe đảng mình. Do đó, trong khi nói về chính sách ngoại giao và quân sự của ông Obama, tôi thấy rằng hai năm gần đây, tuy muộn màng, ông đã làm tôi và một số người ngạc nhiên, tức là ông đã sửa sai về nhược điểm của ông trong chính sách ngoại giao, biết nghe lời ngoại trưởng Hillary Clinton, ví dụ như trong chuyện trở lại Biển Đông, đóng quân ở Úc châu, cố tái lập lại vị trí của Hoa Kỳ trong vùng nóng gay go này. Trong cuộc tranh luận vừa rồi (kỳ 3) về chính sách ngoại giao ở Florida, ông Obama định nói về Hoa kỳ quay lại Biển Đông thì bị Romney nhanh nhẩu đoảng lái qua chuyện suy xụp kinh tế Mỹ!

Rất tiếc, ngoài chuyện ‘không giữ vững lập trường’, ông Mitt Romney đã bỏ lỡ nhiều cơ hội trong tranh luận giúp cho Obama thoát hiểm, từ chuyện chi trả hàng tỉ bạc cho các công trình chưa chín chắn thuộc phe phái mình, tìm kiếm năng lượng xanh, như 500 triệu Mỹ kim cho công ty Solyndra, không đáp ứng đề nghị của tình báo Mỹ tăng cường an ninh cho Đại sứ quán ở Benghazi, Libya, gây nên cái chết thảm khốc của ông Đại sứ Chris Stevens và 3 thuộc hạ, đổ thừa chuyện tấn công vào tòa đại sứ vào cuốn vidéo (dở hơi) dè bỉu Hồi giáo, bỏ qua trách nhiệm của tổng thống để đi qây quỹ ở Las Vegas, v.v…

Trên lý thuyết và trong thực tế trong những cuộc bầu cử của Hoa Kỳ, sự tương phản giữa hai Đảng Cộng hoà và Dân chủ biểu hiện sự đối lập dân chủ của một nền cộng hoà bền vững. Hai phe Cộng hòa và Dân chủ đối chọi, tranh đua dữ dội nhưng sau khi có một phe đắc cử tổng thống thì phe khác nhượng bộ, chúc mừng và sẵn sàng dốc sức ủng hộ người lãnh đạo mới và nhiệm sở mới một cách ôn hòa. Nhưng ngược lại, thể chế chính trị của Hoa kỳ đã gây nhiều chia rẽ đáng tiếc, thay vì đề cao những mẫu số chung của hai đảng Cộng hòa và Dân chủ, họ lại đào sâu sự khác biệt để hạ bệ phía địch thủ nhằm nâng cao lập trường của đảng mình.

Tuy rằng Hiến Pháp Hoa Kỳ chẳng bao giờ cấm đoán sự thành hình của các đảng thứ ba (Third Party System, mà từ 1850 Đảng Cộng hòa đã khởi xướng) các đảng này không bao giờ có đủ trọng lượng để giành cho mình một chỗ đứng khả dĩ có thể đối trọng với hai đảng Cộng hòa và Dân chủ, vốn đã lột xác phôi thai qua bao nhiêu biến chuyển thăng trầm của lịch sử.

Có bao người biết tiền thân của Đảng Cộng hòa là đảng đã chính thức đứng ra tranh đấu cho người da đen, chống nô lệ từ thuở khai sinh của Đảng này từ 1854, với những khẩu hiệu: Free soil, Free Labor, Free men? Tuy ra đời sau Đảng Dân chủ (Democrats), Đảng Cộng hòa thật ra đã manh nha kết hợp với Whigs và Northern Democrats để chống lại nô lệ từ những năm nhen nhúm chia rẽ  Bắc-Nam của Hoa Kỳ từ giữa thế kỷ 18 cho đến thế kỷ 19 (1837-1861) với những Thương nhượng lịch sử như Missouri Compromise 1820, The Compromise of 1850, The Kansas-Nebraska Act 1854.v.v.. nguyên do tranh giành ảnh hưởng và đất đai giữa phe Tự do và Nô lệ đã dẫn đến Nội chiến Bắc-Nam/Civil War (1861-1865).

Như nhiều người biết, các tiêu chí và mục tiêu của hai Đảng Dân chủ và Cộng hòa nhiều lúc là 2 thái cực không trọn vẹn để đại diện và bao gồm mọi thành phần cử tri ở Hoa kỳ, trong khi các đảng khác như Independents (không hẳn là 1 Đảng phái lớn, nhưng chán ngán với lập trường đối chọi của hai đảng Cộng hòa và Dân chủ nên họ đã chọn đứng biệt lập) Green Party, Libertarians,… lại không đủ sức để đương đầu với 2 guồng máy đã bắt rễ và (nắm) bắt tiền từ các PAC (Political Action Committees) nhất là từ 2010, khi Tối cao Pháp viện đã thông qua Nhóm Citizens United cho phép chuyện đóng góp tiền thả cửa cho các ứng cử viên và nếu đi qua các tổ chức phi-lợi-nhuận thì sẽ không cần khai báo nguồn gốc. Chính vì sự đối lập của chế độ lưỡng đảng, nhiều lúc họ quên đi trọng trách của quốc gia mà chỉ biết mối lợi trước mắt của đảng mình, chỉ chực chờ để đả phá bất kỳ một đề nghị gì do bên kia đưa ra gây ra thế kẹt (gridlock) cho cả nước.

Tại sao lại cho lập trường (platform) của phe/người Cộng hòa là chống lại dân nghèo, hay người da đen hay dân tộc thiểu số? Tại sao đảng Cộng hòa lại phải háo chiến, ủng hộ quân binh (military industrial complex, có phải vì lý do này mà nhiều người cho rằng đảng Cộng hòa lại chống Cộng nhiều hơn phe Dân chủ?) Tại sao Cộng hòa phải thiên vị cho nhà giàu, giảm thuế cho phe tài phiệt, đại công ty? Hay lý do từ nguyên thủy Đảng Cộng hòa do chống chế độ nô lệ, đề cao thị trường tự do cho rằng lương tiền người lao động phải được trả theo nhu cầu và khả năng của họ (The Republicans vigorously argued that free-market labor was superior to slavery and the very foundation of civic virtue and true republicanism - this is the “Free Soil, Free Labor, Free Men” ideology. (Eric Foner, Free soil, free labor, free men: the ideology of the Republican Party before the Civil War (1970))

Do đó, tôi, một thành viên Đảng Cộng hòa, trong nhiều năm nay chưa bầu cho ứng cử viên tổng thống Dân chủ nào, nhưng phải thú nhận, tôi không ưa ông Romney và một số lời tuyên bố của ông, đào sâu hố chia rẽ giữa người nghèo và người giàu (trong một buổi tiệc gây quỹ riêng ở FLorida, Romney tuyên bố với nhóm đóng góp cho ông, 47% dân Mỹ không đóng thuế liên bang làm gánh nặng cho Hoa kỳ) và đến bây giờ lá phiếu tôi không nghiêng về ông Romney. Điều này không có nghĩa là tôi sẽ bán đứng nguyên lý và lý tưởng (tiêu chí) chính của người Cộng hòa, như ‘tự lực cánh sinh’, không thích một nhà nước có quá nhiều quyền hành để chi phối vào cuộc sống của người dân (less government), không thích sưu thuế cao, giữ gìn biên cương, yêu nước, đề cao đặc tính công bằng, bác ái, dân chủ và tự do của Hoa kỳ.

Chuyện hút cần sa vì lý do y tế (medecinal marijuana) chống phá thai (anti abortion), chuyện đồng tính luyến ái hay đồng phái hôn nhân (same-sex marriage), quyền giữ súng ống (right to bear arms) là những chuyện thiết nghĩ không đáng để tôi mất thì giờ chống đối.

Vấn đề tranh luận ở đây không phải Hoa kỳ là một quốc gia quán quân, đáng để cho mọi quốc gia trên thế giới khác noi gương (nhất là so với Trung quốc, một cường quốc đang trỗi dậy). Điều này thiển nghĩ là một đồng thuận của nhiều người. Ở đây, quan ngại của tôi về chế độ lưỡng đảng:

1) ta thán về chế độ lưỡng đảng của Hoa kỳ không đáp ứng, không đại diện được cho tất cả nguyện vọng của mọi thành phần cử tri, trong đó có tôi.

2) Tiền vận động bầu cử (của cả 2 bên) đã tăng quá mức đến hàng tỷ Mỹ kim, chưa kể tiền đóng góp của PAC vào quỹ ứng cử của họ:

http://www.npr.org/blogs/itsallpolitics/2012/10/22/163329835/both-obama-romney-on-track-to-spend-1-billion-by-election-day?ft=1&f=10

3) Đảng Cộng hòa (chưa nói đến Dân chủ) không đáp ứng được những điều nhân ái, đại diện cho các thành phần yếu kém trong xã hội, tiêu biểu là người nghèo, những lý tưởng/tiêu chí nguyên lý khởi đầu mà có thể họ đã rời xa khiến tôi và nhiều thành viên mong đợi. Do đó nên phải cần có chí ít một chính đảng khác tạo đủ thế lực và hậu thuẫn đáng kể của nhiều người dân hầu có thể đối đầu ngang hàng với hai đảng hiện hành.

Những lý tưởng bênh vực kẻ yếu thế cô, người da đen (ngày nay phải kể cả những người da màu) chính ra là những tôn chỉ cao cả mà Đảng Cộng hòa đã nêu cao khi mới khai phóng, họ còn được gọi là Radical Republicans vì đã mãnh liệt đả phá những kỳ thị sắc tộc và vi phạm nhân quyền của đảng Dân chủ đối với người da đen. Ngoài ra, vì mục tiêu thượng tôn của đảng mình mà chế độ lưỡng đảng đã tìm mọi cách để phá bĩnh đường lối, nhiều lúc đứng đắn và tử tế của đảng đối nghịch thay vì đứng cùng hàng ngũ với họ mà đưa nước Mỹ đi lên. Người Mỹ gọi là partisan politics, ít khi người ta thấy được chuyện hòa hiệp giữa hai đảng (bipartisan) để tìm một lối ra, ví dụ như tìm cách gia giảm mức lạm chi/national deficit (khủng) hiện nay là 16 trillions. Không một phe nào đủ can đảm để cắt bớt chi tiêu (Cộng hòa khá hơn, dũng cảm hơn trong chuyện này, nhưng ngược lại họ không chịu tăng thuế lợi tức cho các đại công ty).

Người Việt hải ngoại – vì đối trọng với chế độ hiện hành giữa Việt Nam và Trung quốc – không thể bình chân như vại mà ngồi trên vòng hoa chiến thắng cũ mèm của Hoa Kỳ mà rao giảng, lý giải mãi về ý chí hướng thượng của Hoa kỳ, ca ngợi và thượng tôn các bậc tiền bối, cha đẻ (forefathers) của Hiến chương và nền cộng hòa (3) Hoa Kỳ, để mà ung dung tự tại tán thưởng lý tưởng dân chủ tự do, bỏ qua những khiếm khuyết của chế độ lưỡng đảng của Hoa kỳ, bảo rằng ta cứ ngồi đây chờ xem anh nào/đảng mới nào đủ tư cách để đánh bật vòng kim cô của hai đảng ngự tại mà chen chân vào.

Chúng ta phải bắt đầu từ bây giờ (hơi muộn rồi!) tạo cơ hội cho những bàn luận/tranh luận sôi nổi nhằm gây một tiếng vang đáng kể để – nếu chưa có thể lâp được một đảng đủ sức thu hút cử tri trong quần chúng lúc này – thì ít ra cũng làm cho hai Đảng Cộng hòa và Dân chủ nao núng mang lại cải tổ trong đường lối của họ.

Thế nên cho dù biết được lá phiếu của mình ở California sẽ không ảnh hưởng nhiều (nhất là nếu bầu cho đảng Cộng hòa) vì sĩ số thành viên đảng Dân chủ ở tiểu bang California cao và luật bầu cử Electoral College sẽ cho phép ứng cử viên nào được quá bán số phiếu bầu cho mình ở tiểu bang đó sẽ thắng/hốt trọn vẹn cả tiểu bang, tôi vì nhiệm vụ công dân sẽ đi đầu phiếu vào thứ Ba tuần tới.

© Nguyễn Khoa Thái Anh

© Đàn Chim Việt

_____________________________________________

(1) Tức là các nhóm tài phiệt và giới nhân viên địa ốc lợi dụng lòng nhẹ dạ cả tin của a) những người (nói trắng ra là không hội đủ điều kiện tài chánh/tín dụng đề mua nhà) để bán cho họ nhà đi đôi với các món nợ mà họ không kham nổi (những món nợ này mà xác xuất trả nợ của người vay không tốt, người ta gọi à subprime) b) những phần tử đầu tư địa ốc tham lam mua nhà để bán lại kiếm lời (động từ Anh ngữ gọi là “flip”)

Rốt cuộc thì những món nợ nhà đất subprime này bị vỡ nợ (tuy những món nợ không hội đủ điều kiện tín dụng này nhưng vì quy chế lỏng lẻo nên nhân viên địa ốc cũng làm (man khai giấy tờ và lương tiền) cho khách hàng họ mua được)

(2) Sau 2012, (sau cuộc bầu cử tổng thống), những ai bán nhà sẽ bị đóng thuế 3.8% cho trị giá nhà bán của mình để trả nợ cho chương trình y tế của Obama (Obama Care)

http://www.gop.gov/blog/10/04/08/obamacare-flatlines-obamacare-taxes-home

(3) Một thể chế đại diện bằng một chính quyền do dân, bởi dân, vì dân, bầu lên và thực thi cho tiếng nói của họ.

 

Tags:

7 Phản hồi cho “Obama hay Romney?: Nhược điểm trong thể chế lưỡng đảng của Hoa kỳ”

  1. Tong Vo says:

    Trích nguyên văn “Thế nên cho dù biết được lá phiếu của mình ở California sẽ không ảnh hưởng nhiều (nhất là nếu bầu cho đảng Cộng hòa) vì sĩ số thành viên đảng Dân chủ ở tiểu bang California cao và luật bầu cử Electoral College sẽ cho phép ứng cử viên nào được quá bán số phiếu bầu cho mình ở tiểu bang đó sẽ thắng/hốt trọn vẹn cả tiểu bang, tôi vì nhiệm vụ công dân sẽ đi đầu phiếu vào thứ Ba tuần tới.” —->> chưa bao giờ đọc câu văn viết nào dài hơn câu này, không chấm phết, NO punctuation. Làm mình khong hiểu người viết muốn nói gì cho nguyên bài văn dài lê thê và không có logical trong các lý lẻ ! Thiệt là cái tình !
    Còn nữa :Thống đốc của Ngân hàng Trung Ương (Chairman of The Federal Reserve Bank) nào tên là Tim Bernanke ? 1 chức vụ tối quan trọng và có sức ảnh hưởng toàn cầu mà cái tên cũng viết SAI.

    Lawrence Summers Cố vấn Hội đồng Kinh tế quốc gia (U.S. National Economic Council) nào là giới tài phiệt ? ông này là hiệu trưởng của đại hoc Harvard và bộ trưởng tài chánh thời TT Bill Clinton. Timothy Geithner Bộ trưởng Bộ Tài chính (Secretary of the Treasury) cũng đâu có dính dáng gi với tài phiệt Mỹ ? ông này làm quan từ lúc ra học ra trường !

    • Trương Thúy Sơn says:

      Tong Vo nói đúng, tên của ông ta phải là Ben Bernanke. Tong Vo cũng chứng mình là 1 “keen observer/reader” khi đưa ra cái câu dài lê thê của Thái Anh ma ko có chấm, phết gì cả.
      Riêng về Lawrence Summers và Timothy Geithner, tôi nghĩ tác giả Thái Anh muốn nói đến những họat động của 2 ông này trong lảnh vực tài chánh, mà tài chánh thì có thể nói họ là những người liên quan trực tiếp/gián tiếp đến giới tài phiệt Hoa Kỳ. Ông Geithner đã từng làm Chủ tịch Federal Reserve Bank of New York, một ngân hàng tư nhân và là mẹ của tất cả các bà mẹ (mother of all mothers) trong giới tài phiệt của Hoa Kỳ và có thể nói của cả thế giới.
      Tóm lại, bài viết có nhiều khuyết điểm nhỏ nhặt nhưng nói lên đuợc trọng tâm của vấn đề là sự bất tòan của nền dân chủ của Hoa Kỳ.

      Truơng Thúy Sơn [approved this message :) Nói theo kiểu các chính trị gia thời bầu cử]

  2. David says:

    Nghĩ đến một xã hội như NKTA là điều hoang tưởng. Xã hội luôn luôn tồn tại sự đấu tranh giữa giai cấp thống trị và bị trị. Điều khác nhau giữa tư bản và XHCN cho đến bây giờ là, TB đã trao cho bên bị trị quyền và vũ khí để đấu tranh, còn XHCN thì tước bỏ hoàn toàn quyền và vũ khí của bên bị trị.

  3. Thiến Heo says:

    Thể chế lưỡng đảng của Hoa kỳ ?

    Ông này có lộn không? Hoa Kỳ không có cái gọi là thể chế đảng trị ông ơi. Chẳng có điều khoản Hiến Pháp nào ghi là theo thể chế lưỡng đảng cả.

    Ông NKTA cũng tương đối có học thức sao lại lầm lẫn điều sơ đẳng như vậy?

    The Constitution requires that a candidate for the presidency must be a “natural-born” citizen of the United States, at least 35 years of age, and a resident of the United States for at least 14 years.

    http://library.thinkquest.org/11492/convention/requirements.html
    …………………..

    There were 2,765 state senate candidates who ran in the state senate elections in 2010.

    1,229 Democrats
    1,325 Republicans
    122 Independents
    87 third parties

    State houseSee also: State house elections, Political parties with candidates in state house elections in 2010
    There were 11,099 total candidates who ran in the state house elections in 2010.

    5,004 Democrats
    5,276 Republicans
    246 Independents
    573 third parties
    …………………………

    Mỹ là xứ tự do chính trị. Có 2 đảng lớn gọi là 2 Major Parties , Cộng Hòa và Dân Chủ, còn lại là các đảng nhỏ hơn gọi là the Third Parties

    http://ballotpedia.org/wiki/index.php/List_of_political_parties_in_the_United_States

    Dĩ nhiên, khi hoạt động chính trị thì cần sự hậu thuẩn của đảng phái và nhiều người vân động, chứ một cá nhân thì làm sao có thể trang trải hết được mọi việc trên toàn nước Mỹ. Do đó thường thường là chỉ còn lại 2 đảng lớn trong các cuộc bầu Tổng Thống.

    Cái đó không thể gọi là thể chế 2 đảng như nhiều người lầm lẫn không chính xác

    • Vân Nam says:

      Bác Thiến Heo thì cứ lo thiến heo, “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”, bác “thiến” cái chính trị làm gì cho rách việc!( đùa một tí, bác đừng giận!) Tuy nước Mỹ có nhiều Đảng chính trị thật, “nghe nói” có tới 40 đảng lận. Nhưng khi nói ‘two-parties system” là nó về hai Đảng chính, CH, DC thay nhau cầm quyền, và chỉ có hai đảng đó thôi. Nhớ năm nào (1992 thì phải) Đảng Cải Cách cuả Ross Perot, chiếm được 19% phiếu phổ thông mà không được lấy một phiếu nào cuả “electoral college”. Như thế, đối với kiểu bầu Cử Tri Đoàn thì kết quả mà Reform Party thu được không ích gì. Nó còn chia phiếu làm Đảng CH thua DC.
      Trên bình diện chính trị thế giới hiện nay, người ta chia ra 3 hệ thống:
      Hệ Thống Đa Đảng mà hầu hết là các nước theo Nghị Viện Chế
      Hệ Thống Lưỡng Đảng như Hoa Kỳ
      Hệ thống Đảng Duy nhất là mấy nước có chế độ CS còn rớt lại, hay những nước có chế độ độc tài, không CS.

      Hiến Pháp Mỹ không đề cập gì đến các đảng chính trị, đơn giản là khi HP thành hình thì chưa có đảng nào có đủ tiêu chuẩn là những đảng chính trị như hiện nay. Thật ra thì có hai “khuynh hướng”, một là những người muốn có một chính quyền Trung Ương mạnh, gọi là Federalists mà Alexander Hamilton là tiêu biểu. “Phái” kia, Democratic-Republicans do Thomas Jefferson dẫn đầu thì chống lại vì họ cho rằng một chính quyền TU mạnh là một đường lối ít(không) chắc chắn trong việc bảo vệ quyền cá nhân. Hai khuynh hướng này được coi là “cha đẻ” cuả hệ thống lưỡng đảng tại Hoa Kỳ những năm sau đó và còn tồn tại đến bây giờ.

  4. vn says:

    “…ông [Obama]lại tiếp tục đề cử họ vào những chức vụ then chốt như Tim Bernanke, Thống đốc của Ngân hàng Trung Ương (Chairman of The Federal Reserve Bank), Lawrence Summers Cố vấn Hội đồng Kinh tế quốc gia (U.S. National Economic Council), Timothy Geithner Bộ trưởng Bộ Tài chính (Secretary of the Treasury) chưa kể đến sự tham vấn của ông Henry Paulson, cựu Tổng Giám Đốc Goldman Sach – công ty đã góp phần lớn vào sự cố sụp đổ của thị trường nhà đất – ông Paulson chính là Bộ trưởng Bộ Tài chính/Ngân khố Hoa kỳ thời Bush con, tiền nhiệm của ông Obama, khiến cho phe cực hữu và nhiều người cho rằng ông Obama là con cờ, một sản phẩm được các thế lực đại tài phiệt đưa lên.”
    Tác giả bài viết có lẽ đã nhầm lẫn cho rằng các nhân vật như Laurence Summers và Tim Geithner là người của giới tài phiệt. Thực ra lúc đó ông Summers chỉ là giáo sư đại học và Geithner là thống đốc ngân hàng trung ương ở New York. Hai người này có hai quan điểm khác nhau. Ông Summers yêu cầu Obama nhân cơ này trừng phạt nặng các tay taì phiệt ngân hàng, còn Geithner thì chủ trương cứu sự sụp đổ tài chính. Obama nghe theo Geithner. Obama đã ngheo theo Geithner bởi vì không cứu hệ thống ngân hàng thì khó mà cứu được suy thoái điạ ốc, nó cũng giống như phải cứu sự sụp ̣đổ các hãng xe hơi, nếu không cứu thì công nhân xe hơi mất việc. Do sự bất đồng ý kiến nên ông Summers đã rút lui . Hai vấn đề lớn khi Obama lên nắm quyền kinh tế và y tế. Nhà tỉ phú Buffett đã khuyến cáo Obama nên giải quyết vấn đề kinh tế trước , nhưng Obama lại làm ngược mất thời gian rất nhiểu vào y tế. Đó là khuyết điểm của Obama. Nhưng dẫu cho ông ta có chú tâm giải quyết vấn đề kinh tế thì vẫn mất thời gian vì cả thế giới đang rơi vào khủng hoảng tài chính. Bởi vì phải cứu các đại công ty nên phải mượn nợ nhiều hơn gây thâm thủng ngân sách vốn đã bị thâm thủng nặng từ thời Bush gây ra. Chính Bush đã gây ra nhiều vấn đề: hoang phí trong chiến tranh , nới lỏng luật tài chính và điạ ốc để cho giới tài phiệt thao túng.
    Vì vậy chớ vội đổ lỗi cho Obama

    • Nguyen nhầm Lẫn says:

      Hai tác gỉa bài viết và ý kiến vn, hẳn nhiên qúy ngài cư dân Cali, nói như vậy ngụ ý các ngài chẳng những giỏi triết lý chính trị lại còn sâu sắc hơn vê đảng DC, Xin mạn phép nới rộng tuyển cử bình diện quốc gia thì CH chưa bao giờ thắng hai tiểu bang Cali + NY ngoại trừ cố TT Reagan. Vì thế nếu coi số tiểu bang thi CH chiếm nhiều nhưng lá phiếu luôn it vì hai tiểu bang trên chiếm 1/5 dân số toàn quốc, Tác gỉa bài viết nói theo xu hướng CH nhưng kết luận một sai lầm ông Romney về 47%, điều đó hoàn toàn đúng, tuy nhiên động chạm tới người không đóng thuế. Thống kê mới nhất số người không đóng thuế là 46%. Nói 47% có vè nhiều, nhưng làm con tính nhỏ. 47%/ 120 triệu người đi bầu = 52 triệu (gần), 52 triệu / 310 triệu (dân số) –> 1/6. Như vậy nếu không khai thác theo hướng khác nhau thì chuyện là bình thường. Thực ra thì chính đảng CH lúc đầu cũng không sốt sắng gì với ưv sơ khởi Romney nhưng kết thúc thì chuyện phải chấp nhận đa số. Ông vn ý kiến có vẻ trách cựu TT W. Bush về ba điểm, bong bóng nhà đất, xin thưa do luât thông qua bởi ông nghị sĩ Dod Frank Ct (DC) và cựu TT Clinton ban hành luật. Chiến tranh chắc người viết không đồng ý đánh Iraq nhưng Afghanistan thi do khủng bố và cả hai viện chấp thuận. Nợ thì 8 năm W. Bush có 5.6 trillions nhưng TT Obama chưa tới 4 năm đã mang nợ thêm hơn 6 trillions. Phải nói không hẳn là CH nhưng Tea party dám đương đầu REDISTRIBUTE gọi thẳng là chủ nghĩa xã hội, cũng từ thời gian đó xuắt hiện cach nói ngay nói thẳng , CH bớt sợ sệt. Chuyện chính trị nước Mỹ khá phức tạp nhưng không chính trị gia nào gíam bước qua quyền lợi nước Mỹ. Vì thế phân tích theo xu hướng nào cũng chỉ là nhận định cá nhân. Thí dụ dễ dàng nhất là kinh tế hiện nay ai cũng đổ cho ông W. Bush nhưng thất nghiệp từ 7% vượt tới gần 8%, số thất nghiệp từ 17 triệu người lên tới 23 triệu người. Khi ông W. Bush chưa có thành phố nào khai phá sản dù nhỏ nay hình như đã có vài ba. Đã qua 4 năm chuyện ông Bush nên để vào qúa khứ vì chưa từng có tiền lệ nào không làm được cứ lôi người cũ, như vậy lá phiếu bầu là gì? Người cầm lá phiếu hẳn nhiên không qúa tệ về kiến thức nhất là quyền riêng tư. Xin đừng làm chệch hướng.

Phản hồi