WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Nhân quyền và cơ cấu của hạnh phúc

Hạnh phúc là gì? Nói tới hạnh phúc, người ta thường nghĩ tới nhóm chữ: Độc Lập, Tự Do, Hạnh Phúc. Ba thuật ngữ vừa kể là ba mặt của một khối tam giác đều. Thiếu đi một mặt, khối tam giác biến mất.

Độc lập là lời khẳng định: “Xin đừng ai chạm tới tôi”. Để thể hiện độc lập, con người cần tự do, muốn làm gì thì làm. Độc lập và tự do là đôi cánh của hạnh phúc. Tuy nhiên, hạnh phúc là hạnh phúc trong  xã hội và với xã hội. Không có xã hội, không thể có hạnh phúc. Vì vậy hạnh phúc của một người phải “hợp tấu” với hạnh phúc của muôn người. Đó là “mạng lưới” của hạnh phúc.

Thế nào là cơ cấu của hạnh phúc?

Nhằm giúp cho ý niệm “cơ cấu của hạnh phúc” trở nên cụ thể và dễ hiểu, trước tiên, chúng ta hãy nghĩ tới cơ cấu của mạng lưới giao thông trên các xa lộ. Muốn cho mạng lưới này được vận hành ổn định:

1) Đường xá, cầu cống phải kiến tạo vững chắc và an toàn.

2) Luật lệ giao thông cần qui định với những tiên liệu đầy đủ chi tiết, hợp lý và nghiêm minh.

3) Tài xế lái xe đủ sức khoẻ, có bằng lái xe hợp pháp.

4) Các loại xe lăn bánh trên xa lộ cần đạt mức toàn hảo về mặt cơ khí.

Bốn thành tố vừa nêu tạo thành cơ cấu của mạng lưới giao thông.  Bây giờ hãy nói tới cơ cấu của hạnh phúc.

Không thể có loại hạnh phúc của cá nhân sống đơn độc trên núi lạnh, trong rừng sâu. Đời người chỉ ổn định chừng nào hạnh phúc cá nhân và hạnh phúc xã hội thường hằng giao thoa nhưng cũng thường hằng không va chạm, không xâm lấn lẫn nhau. Làm thế nào có được hai cái “thường hằng” kia? Trả lời câu hỏi này, con người đứng trước bức tranh cơ cấu của hạnh phúc. Mạng lưới hạnh phúc là mối liên hệ song phương và xoay chiều giữa hạnh phúc cá nhân và hạnh phúc xã hội nhìn một cách tổng quát. Đó là tranh sơ phác của hạnh phúc. Chi tiết hoá tranh sơ phác để nhận ra những cơ phận tinh vi giúp cho hạnh phúc cá nhân và hạnh phúc xã hội có khả năng hợp tấu. Đó là tranh chân dung của hạnh phúc, còn gọi là cơ cấu của hạnh phúc. Bảo vệ sự ổn định cho cơ cấu của hạnh phúc là đối tượng tối cao mà vận động của xã hội nhằm đạt tới. Muốn vậy, xã hội phải nhờ tới bàn tay của luật pháp: “ở đâu có xã hội, ở đó có luật pháp”.  Luật pháp là công cụ duy nhất hữu hiệu trong việc điều hành dòng sống của xã hội, điều hành cơ cấu của hạnh phúc.

Trước khi có luật pháp, xã hội loài người đã có tâm lý yêu chuộng công bằng và lẽ phải, đã có phong tục, tập quán.  Như vậy, phong tục tập quán là hình chụp cơ cấu của hạnh phúc. Một cách căn bản nhất, luật pháp chính là phong tục tập quán được pháp lý hoá. Nhìn thực trạng xã hội, con người hình dung được luật pháp. Ngược lại, đọc luật pháp, con người thấy được thực trạng xã hội. Năm 1993 tại Vienna, Aó quốc, 170 quốc gia cùng với 1000 tổ chức phi chính phủ (NGO) đã cùng nhau biểu quyết: luật quốc tế nhân quyền bao gồm Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền 1948 và hai Công ước Quốc Tế Nhân Quyền về Dân Sự-Chính Trị và về Kinh Tế-Xã Hội 1966. Bài viết này xin chọn Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền 1948 như một văn kiện nhân quyền căn bản để đặt câu hỏi: Bằng cách nào luật quốc tế nhân quyền tổ chức và điều hành cơ cấu của hạnh phúc cho từng cá nhân và cho toàn xã hội?

Luật quốc tế nhân quyền bao gồm 30 (ba mươi) điều khoản đã truyền đi hai loại mệnh lệnh: lệnh cấm làm và lệnh buộc phải làm. Mặt khác, khi tuyên xưng Quyền sống tự do và bình đẳng của con người (điều 1), Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền mặc nhiên đòi hỏi mỗi người có Nghĩa Vụ phải tôn trọng quyền sống tự do và bình đẳng của những người chung quanh. Với “nội dung kép” như vừa trình bày, mặc dầu mang tên gọi là Tuyên Ngôn Nhân Quyền nhưng trong thực chất, văn kiện pháp lý này có hàm ý đồng loạt minh xác nghĩa-vụ-làm-người và quyền-làm-người.

Với văn thức hai loại mệnh lệnh, với nội dung kép, với sự đồng thuận mạnh mẽ của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền 1948 đã nêu bật bốn thành tố sau đây trong bức tranh cơ cấu của hạnh phúc:

1) Nghĩa vụ làm người:

Đã là con người, một cách bẩm sinh, ai cũng muốn thực thi nghĩa vụ làm người, đó là sự thể hiện nhân cách. Vì vậy điều (1) Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền (TNQTNQ) xác định: “Mọi người sinh ra tự do và bình đẳng về phẩm cách và quyền lợi, có lý trí và lương tri và phải đối xử với nhau trong tình bác ái”. Phẩm cách của con người chẳng là gì khác hơn là nỗ lực liên tục và bền bỉ thượng tôn nhân tính của chính mình và của những người chung quanh. Thông qua lý luận của triết học chọn con người làm tiền đề và nhất là thông qua những ghi nhận thực tại đời người lấy ra từ Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền, nhân tính gồm bốn yếu tính:

- Tính thứ nhất là tính  xây dựng và sống với gia đình. Nam nữ trung thành song phương và bình đẳng trên mọi lãnh vực của đời sống. Điều (16) TNQTNQ: “ (a) Đến tuổi thành hôn, thanh niên nam nữ có quyền kết hôn và lập gia đình mà không bị ngăn cấm vì lý do chủng tộc, quốc tịch hay tôn giáo. Họ có quyền bình đẳng khi kết hôn, trong thời gian hôn thú cũng như khi ly hôn. (b) Hôn thú chỉ có giá trị nếu có sự thuận tình hoàn toàn tự do của những người kết hôn. c) Gia đình là đơn vị tự nhiên và căn bản của xã hội và phải được xã hội và quốc gia bảo vệ.”

- Tính thứ hai là tính tự vệ: Khi quyền sống bị xâm phạm, con người không được phép tự ý sử dụng bạo lực để trả đũa. Mọi tranh chấp phải giải quyết bằng thương nghị hoà bình hoặc nhờ sự phân xử của toà án. Điều (8): “ Ai cũng có quyền yêu cầu toà án quốc gia có thẩm quyền can thiệp chống lại những hành động vi phạm những quyền căn bản được hiến pháp và luật pháp thừa nhận”

- Tính thứ ba là tính thoả mãn nhu yếu: Mỗi người phải tôn trọng quyền bình đẳng về cơ hội (không bị chèn ép, không bị đối xử bất công) trong hoạt động kinh tế của mọi người. Điều (22): “ Với tư cách là một thành viên của xã hội, ai cũng có quyền hưởng an sinh xã hội, cũng như có quyền đòi được hưởng những quyền kinh tế, xã hội và văn hoá cần thiết cho nhân phẩm và sự tự do phát huy cá nhân của mình, nhờ những nỗ lực quốc gia, sự hợp tác quốc tế, và theo cách tổ chức cùng tài nguyên của quốc gia.”

- Tính thứ tư là tính xã hội: Cá nhân hưởng những tiện ích do xã hội cung ứng. Đáp lại cá nhân có nghĩa vụ hợp tác với xã hội để xây dựng và phát triển xã hội.      Điều (21):  “ (a) Ai cũng có quyền tham gia chính quyền của quốc gia mình, hoặc trực tiếp hoặc do các đại biểu do mình tự do lựa chọn.(b) Ai cũng có quyền bình đẳng tham gia công vụ trong nước.”

2) Quyền làm người.

Cha mẹ có nghĩa vụ nuôi dạy con cái, đương nhiên cha mẹ có quyền quở phạt con cái. Quyền là công cụ giúp con người thực thi nghĩa vụ. Quyền và nghĩa vụ là hai mặt của một bàn tay. Như đã trình bày ở trên, nghĩa vụ làm người có tính bẩm sinh, ai cũng như ai. Vì vậy, không phân biệt chủng tộc, màu da, tuổi tác, giới tính, tôn giáo, chính kiến… mọi người đều có quyền làm người như nhau. Tuy nhiên, chế độ độc tài các loại do âm mưu toàn trị để dễ bề tham ô đã viện dẫn các lý do khác nhau nhằm thủ tiêu nhân quyền của người dân. Lý do rằng: Mỗi dân tộc có một nền văn hoá riêng, cần được giải thích nhân quyền theo nghĩa riêng và rằng tuyên ngôn quốc tế nhân quyền là sản phẩm tư tưởng của các nước phương Tây, nó có tính đề cao cá nhân chủ nghĩa, điều này không phù hợp với công việc tổ chức và điều hành xã hội phương Đông. Dĩ nhiên các luận điểm vừa nêu hoàn toàn vô căn cứ, không có dẫn chứng cụ thể và khoa học.

Xin chớ quên rằng: thủ tiêu quyền làm người đồng nghĩa với hành động ngăn cản con người thực thi nghĩa vụ làm người, nghĩa vụ thượng tôn nhân tính. Sự thể này sẽ nhanh chóng biến quan hệ giữa con người với con người trở thành quan hệ giữa động vật này với động vật kia, quan hệ mạnh được yếu thua, quan hệ “mắt đổi mắt, răng đổi răng”. Lúc bấy giờ nhà cầm quyền độc tài sẽ viện lý do dân trí thấp, lý do “an ninh trật tự công cộng là nhu cầu sống còn của xã hội” để biến xã hội loài người thành một chuồng động vật đặt dưới quyền khống chế cực kỳ hà khắc của guồng máy công an trị.

3) Văn hoá nhân văn.

Trong trường hợp nhân quyền được tôn trọng toàn phần, nhân tính được thượng tôn: gia đình hạnh phúc, kinh tế vận hành trên nguyên tắc bình đẳng cơ hội, mọi va chạm đều được giải quyết trong thương nghị hoà bình, cá nhân hợp tác hoà hài với xã hội. Do nhân tính được thượng tôn, do lòng thương yêu và tôn kính lẫn nhau, người dân tự giác tôn trọng luật pháp của quốc gia. An ninh trật tự xã hội được vận hành trên tinh thần tự giác của người dân là chân ý nghĩa của thiên hạ thái bình. Xã hội thái bình là môi trường cần yếu giúp văn hoá nhân văn thăng hoa.

4) Dân chủ nhân quyền.

Nghĩa vụ làm người là nghĩa vụ bẩm sinh của người dân. Nhân quyền vừa là quyền bẩm sinh của người dân vừa là công cụ giúp người dân thực thi nghĩa vụ làm người. Văn hoá nhân văn thăng hoa là công trình được vươn lên từ tim óc của người dân. Do ba sự kiện “của người dân” vừa nêu, chế độ chính trị điều hành đời sống của quốc gia hiển nhiên phải là chế độ do dân làm chủ. Dân chủ  ở đây chắc chắn không là “dân chủ tập trung” kiểu Cộng Sản, dân chủ “đảng cử, dân bầu”. Dân chủ ở đây là dân chủ tam quyền phân lập, trong đó mọi thao tác dân chủ đều được giải thích minh bạch thông qua sự viện dẫn nghiêm chỉnh từng điều khoản của bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền ngày 10/12/1948. Điều (21) khoản (c) TNQTNQ minh xác: “Ý nguyện của quốc dân phải được coi là căn bản của mọi quyền lực quốc gia, ý nguyện này phải được biểu lộ qua những cuộc tuyển cử có định kỳ và trung thực, theo phương pháp phổ thông đầu phiếu kín, hay theo các thủ tục tuyển cử tự do tương tự”.

Điều 21, khoản (c) vừa trích dẫn: dân chủ đích thực là phương pháp luận của nhân quyền. Dân chủ biến tư tưởng nhân quyền thành hành động sống cụ thể. Không có dân chủ, không thể có nhân quyền.

Kết luận.

Nhân quyền không hề là một tài liệu đề cao cá nhân chủ nghĩa. Nhân quyền là sản phẩm tư tưởng được hợp soạn và/hoặc được nhìn nhận bởi toàn bộ xã hội quốc tế văn minh. Nhân quyền không mảy may gây tác hại cho an ninh trật tự xã hội như các chế độ độc tài xuyên tạc. Ngược lại chính nhân quyền đã sản sinh ra môi trường an ninh trật tự tự giác bằng cách cung cấp cho xã hội một lớp người thượng tôn nhân tính, lớp người tự giác. Kỷ luật hoàn toàn dựa vào sự canh chừng của cảnh sát là loại kỷ luật của những xã hội chưa trưởng thành. Xã hội vận hành trong trật tự không vì tâm lý khiếp sợ công an và toà án mà vì tính tự giác của con người, đó là xã hội văn minh thượng đẳng.

Mãi cho tới đầu thế kỷ 21 nhân quyền vẫn chỉ là ước mơ chưa thành của loài người. Tuy nhiên, nhân quyền không thể đơn phương vận động và phát triển. Nhân quyền phải gắn bó chặt chẽ với một hạch tâm gồm bốn “điện tử”: nghĩa vụ làm người + quyền làm người + văn hoá nhân văn + dân chủ nhân quyền. Nhân của hạch tâm là hạnh phúc của con người. Bốn điện tử kia không điện tử nào được xem là lãnh đạo. Không điện tử nào có khả năng tồn tại bên ngoài hạch tâm. Cả bốn điện tử đều phải hỗ tương tác động để cùng nhau vận động và phát triển, cùng nhau lấy hạnh phúc của đời người làm đối tượng để phục vụ. Hạch tâm vừa mô tả được gọi là cơ cấu của hạnh phúc. Có thấy được và hiểu được cơ cấu của hạnh phúc, con người mới có cơ hội và khả năng để cùng nhau thực hiện giấc mơ  hạnh phúc: hạnh phúc cho xã hội và cho chính mình. Ý chí biến giấc mơ hạnh phúc trở thành hiện tượng sống cụ thể của đời người chính là lời chúc hạnh phúc mà bài viết này xin trân trọng kính gửi tới mỗi Quý Độc Giả nhân dịp kỷ niệm ngày Quốc Tế Nhân Quyền 10/12/2012.

© Đỗ Thái Nhiên

© Đàn Chim Việt

2 Phản hồi cho “Nhân quyền và cơ cấu của hạnh phúc”

  1. surfingonline says:

    Tôi rất khao khát nhân quyền và cơ cấu của hạnh phúc cho đời sống gia đình và cộng đồng tôi.

    Cám ơn nhiều.

  2. ĐẠI NGÀN says:

    ĐỘC LẬP, TỰ DO, HẠNH PHÚC

    Bởi độc lập chứa tự do trong đó
    Có tự do mới độc lập riêng mình
    Đó là điều hạnh phúc muôn năm
    Của mọi người vẫn còn lý trí

    Thật khốn nạn khi tự do biến mất
    Thủ tiêu luôn độc lập còn gì
    Chỉ nhắm mắt nghe theo dẫn dắt
    Hỏi con người hay là cái chi chi

    Nhân quyền ấy, quyền con người muôn thuở
    Quyền tự do, độc lập của mình
    Không nhân quyền còn lấy gì hạnh phúc
    Không nhân quyền con người chỉ đơn côi

    Người và người sinh ra đều bình đẳng
    Giúp lẫn nhau nếu hơn một cái đầu
    Đâu có thể tự xưng mình lãnh đạo
    Muốn làm vua thiên hạ kiểu mưu lanh

    Quả xạo xự nhân danh là giai cấp
    Nhân danh ta nắm sứ mạng trong đời
    Chỉ vô sản mới là người lãnh đạo
    Ông Mác ơi ngông đến thế mà thôi

    Ông khoa học hay ông đồ tạp nhạp
    Ông dị đoan hay mê tín trên đời
    Ông sáng suốt hay mê lầm cuồng tín
    Ông lạc loài hay mê tín Hegel

    Nhưng mà thôi nói đơn sơ để hiểu
    Quyền tự do là quyền của con người
    Ai tướt đoạt đúng là loài ma quỷ
    Quyền tự do luôn mãi cứ thiêng liêng

    Bởi tự do là nền cho độc lập
    Độc lập thôi mới thành được con người
    Không độc lập khác gì khác gì con chó nhỏ
    Đi theo dây chủ vẫn giắt mà thôi

    Sống trên đời phải luôn cần hạnh phúc
    Vật chất thôi không đủ phải tinh thần
    Tinh thần phải có tự do, độc lập
    Nhận thức riêng là độc lập tự do

    Quả những kẻ ngu si và ngốc nghếch
    Đám nịnh thần đi ngược lại quyền dân
    Trí thức dỏm vẫn tỏ mòi điếu đóm
    Cái gì mà toàn diện lãnh đạo người

    Khiến xã hội trở thành như bầy rối
    Chỏ ngo ngoe dưới lãnh đạo mà thôi
    Thử hỏi có tự do hay độc lập
    Kiểu quỷ ma toàn diện lãnh đạo người

    Nên trong đời quả nhiên không gì quý
    Nếu không là độc lập lẫn tự do
    Cả đất nước cả cá nhân đều vậy
    Đó là quyền nhân bản của con người

    Quyền làm người thật tình không xạo xự
    Là đỉnh cao của nguyên lý nhân văn
    Nếu xạo xự thảy đều điều lừa gạt
    Hỏi còn đâu nhân cách của con người

    Con người quý trước tiên là nhân cách
    Quyền làm người đó cũng gọi nhân quyền
    Chỉ độc lập, tự do thì mới đạt
    Hạnh phúc nào nếu nô lệ toàn dân

    Lịch sử tiến vốn hoàn toàn tự phát
    Không có ai ngồi điều khiển trên đầu
    Mỗi dân tộc hay toàn cầu đều vậy
    Đó mới là độc lập lẫn tự do

    THƯỢNG NGÀN
    (18/11/12)

Leave a Reply to ĐẠI NGÀN