WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Góp ý về việc bầu cử dân biểu đơn vị 47 của California

Trong thời gian gần đây, trên Internet có một cuộc trao đổi ý kiến về việc dân biểu California Trần Thái Văn dự định ra tranh cử vào Hạ Viện Hoa Kỳ vào tháng 11, 2010. Nói chung, đây là một biểu hiệu tốt đẹp của một chế độ tự do dân chủ trong đó quyền tự do phát biểu được tôn trọng tuyệt đối.  Người dân có quyền phê phán, so sánh, và chọn lựa ứng cử viên trong một cuộc bầu cử tự do.

Thành phần Hạ Viện Hoa Kỳ hiện nay

Hạ Viện Hoa Kỳ hiện nay có 42 dân biểu gốc Phi Châu, 31 dân biểu gốc Do Thái và 27 dân biểu gốc Hispanic, Trong khi đó chỉ có 6 dân biểu gốc Á châu, kể cả Ông Cao Quang Ánh (Cộng Hòa, Louisana) và Bà Judy Chu (Dân Chủ, California) vừa đắc cử vào Hạ Viện vào năm 2008.  Gốc Á châu bao gồm cả Nhật, Trung Hoa, Đại Hàn, Ấn Độ, Nam Dương, Việt Nam, Lào, Campuchia, Phi Luật Tân, Thái Lan v.v chỉ có 6 đại diện là quá ít ỏi.

Do đó, chúng ta cần ủng hộ những người gốc Á châu, dù là Dân Chủ hay Cộng Hòa, ra tranh cử vào Quốc Hội Hoa Kỳ để cộng đồng gốc Á châu có tiếng nói mạnh mẽ hơn và quyền lợi của người Mỹ gốc Á châu được bảo vệ nhiều hơn.

Chúng ta luôn luôn nói rằng chúng ta mong thế hệ trẻ Việt Nam lớn lên tại Hoa Kỳ sẽ đi vào giòng chính để phát triển cộng đồng.  Thì đây là cơ hội để ủng hộ thành phần trẻ. Những người như Dân Biểu Liên Bang Cao Quang Ánh (Cộng Hòa, Louisiana), Dân Biểu Tiểu Bang Trần Thái Văn (Cộng Hòa, California), và Dân Biểu Tiểu Bang Hubert Võ (Dân Chủ, Texas) có trình độ giáo dục đại học, có nghề nghiệp chuyên môn vững chắc, thông thạo cả hai thứ tiếng Anh và Việt, là những người xứng đáng được sự ủng hộ của người Việt và Á châu khắp mọi nơi.

Chúng ta thử nhìn vào sức mạnh chính trị của người Mỹ gốc Do Thái. Họ có rất nhiều cơ sở thương mại, truyền thông lớn. Họ âm thầm đóng góp tiền bạc, vận động hành lang, đưa người vào Quốc Hội, khuyến khích con cháu học luật, khoa học chính trị, bang giao quốc tế, thương mại, tài chánh, ngân hàng… Họ bênh vực và giúp đỡ lẫn nhau để thăng tiến trong xã hội.

Kết quả là người Do Thái chỉ có 2.8 triệu dân, chiếm khoảng 1.2% tổng số dân của Hoa Kỳ, nhưng họ có tới 31 dân biểu và 15 thượng nghị sĩ trong Quốc Hội.  Từ những động lực tích cực  này người  Do Thái sau hơn 2000 năm lưu lạc đã trở về dựng nước, đưa Do Thái trở thành một quốc gia hùng mạnh bằng chính những bàn tay của họ.

Trong khi đó 4.4 triệu người gốc Á châu chỉ có sáu dân biểu liên bang và hơn 1.5 triệu người Việt ở Hoa Kỳ chỉ có duy nhất một Dân Biểu Cao Quang Ánh, mà nhiều người lo lắng không biết ông có giữ nổi chiếc ghế dân biểu  này trong một cộng đồng đa số là người da đen vào  tháng 11 năm nay. Đây là bài học mà chúng ta cần suy nghĩ.

Yếu tố địa phương

Yếu tố quan trọng nhất trong chính trị Hoa Kỳ là địa phương.  Hawaii và California có dân biểu và Nghị Sĩ gốc Nhật và gốc Trung hoa vì tại hai tiểu bang này có nhiều người gốc Nhật, Trung Hoa và Á châu sinh sống.  Nếu bảo những dân biểu như Doris Matsui (Dân Chủ, California), Mazie Hirono (Dân Chủ, Hawaii) lợi dụng (theo nghĩa xấu xa mà người kết án đã dùng) dân gốc Á châu để ra tranh cử ở những nơi này là vô lý hoàn toàn, nếu không muốn nói là vô trách nhiệm.

Nếu Tổng Thống Barack Obama ra tranh cử dân biểu ở Little Saigon, tôi chắc ông ta thất cử ngay. Sau khi đắc cử dân biểu ở Illinois tại một nơi đa số là gốc Phi châu, ông bước dần lên địa vị Tổng Thống.  Tại sao chị em Bà Loretta Sanchez lai tranh cử ở miền Nam California?  Tại vì hai chi em bà ta sinh sống và lớn lên ở nơi này, quen biết nhiều người gốc Mễ Tây Cơ trong vùng.  Những người gốc Mễ sẽ bỏ phiếu cho hai chị em bà ta.  Bà Loretta Sanchez thường hay mặc áo dài đi diễn hành. Làm như thế để làm gì? Xin thưa rằng bà muốn hòa nhập với người Việt địa phương. Như vậy có thể nói bà ta lợi dụng chiếc áo dài Việt Nam được không?

Lời kết án DB Trần Thái Văn lợi dụng dân Việt ở vùng Quận Cam để ra tranh cử ở đây là một khinh miệt nặng nề đối với cư tri gốc Việt trong vùng.  Điều này còn chứng tỏ rằng người chỉ trích không biết đến yếu tố địa phương trong chính trị là gì cả.

Hiện nay tại địa hạt 47 mà bà Sanchez đang đại diện có hai ứng cử viên dân biểu liên bang gốc Việt: Dân Biểu Tiểu Bang California Trần Thái Văn và thương gia Phạm Xuân Quang. Ông Phạm Xuân Quang, cũng là một ứng cử viên mới ghi danh trở lại đảng Cộng Hòa, dự định tranh cử trong địa hạt này. Tuyệt nhiên  ông Quang không hề bị chỉ trích là lợi dụng người Việt ở quân Cam. Tuyệt nhiên không hề bị những vị thức giả này yêu cầu ông tranh cử ở đơn vị khác.

Đâu là sự vô tư và công bằng của một vài vị học thức nhưng thiếu hiểu biết về chính trị Hoa Kỳ và đang có nhiều nỗ lực cản trở cuộc tranh cử của con em minh là Dân Biểu Trần Thái Văn? Có phải ông Quang không phải là đối thủ đáng lo ngại cho bà Sanchez như Dân biểu Văn nên họ không cần đòi hỏi ông Quang đi tranh cử  ở chỗ khác ?

Tại Hoa Kỳ chỉ có ba vùng có nhiều hi vọng nhất để có người gốc Việt thắng cử vào Hạ Viện là quận Cam, San Jose, và Houston, nơi tập tập trung người Việt đông nhất.  Ba nơi này cần có dân biểu gốc Việt-Nam để bảo vệ quyền lợi của cộng đồng gốc Việt.

Dân Biểu Văn có nên tranh cử ở địa hạt khác?

Có người đề nghị DB Trần Thái Văn đi tranh cử ở địa hạt khác là chưa hiểu biết yếu tố địa phương quan trọng như thế nào trong chính trị như đã trình bầy căn kẽ ở phần trên.

Nếu theo lập luận này, thì người cần đi tranh cử ở nơi khác chính lại là Bà Loretta Sanchez. Tiểu sử của Bà Sanchez cho thấy rằng trước đây Bà từng là dân biểu của đơn vị 46 trong những năm 1997-2003.  Đến năm 2002 Bà ra ứng cử ở đơn vị 47 và trở thành dân biểu của đơn vị mới từ 2003 đến nay. Không những thay đổi đơn vị, Bà Sanchez còn thay đổi cả đảng nữa. Người ta không rõ Bà gia nhập đảng Cộng Hòa từ bao giờ, nhưng đến năm 1996, bà rời bỏ Đảng Cộng Hòa và tranh cử chức dân biểu ở California cho Đảng Dân Chủ cho đến bây giờ.

Bà đã là dân biểu liên bang tổng cộng bẩy nhiệm kỳ, đã đến lúc bà nên ra  tranh cử chức Thống Đốc California hay Thượng Nghĩ Sĩ California. Cả hai chức vụ này đều phải bầu lại trong năm 2010.

Đến cuối năm 2010 là hết tối đa ba nhiệm kỳ dân biểu tiểu bang California,  LS Trần Thái Văn ra tranh cử dân biểu liên bang vào năm 2010 là điều hợp lý và đúng lúc.

Nếu bà Sanchez phải đối đầu với DB Văn, một chính trị gia có khả năng và nhiều kinh nghiệm của cộng đồng Việt vào tháng 11 năm nay.  Chúng ta hãy để cho họ tỷ thí xem ai thắng ai thua trong tinh thần võ thượng. Đây là một diễn trình dân chủ cần tôn trọng và đề cao. Thật sự tôi không hiểu tai sao có những người mang tinh thần ỷ lại, trông cậy vào người khác và cản đường con em của chúng ta bước vào giòng chính Hoa Kỳ.

Người Việt dị ứng với người Việt

DB Trần Thái Văn là một người hoàn toàn Việt Nam, ông gìn giữ 2 nền văn hóa song toàn. Vì là người Việt thuần túy như thế, DB Văn đang bị một thiểu số người mắc bệnh dị ứng với người Việt chống đối.  Họ đưa ra những lý luận thiếu căn bản để chỉ trích. Thậm chí, họ còn nói vu vơ rằng “Nếu bà Loretta Sanchez bị loại kỳ này, VC sẽ mừng lớn.”

Sự thực trái ngược lại. CSVN hiện nay rất lo ngại nếu có thêm dân biểu gốc Việt có tinh thần quốc gia trong Quốc Hội Hoa Kỳ. Chính giới CSVN có bệnh dị ứng với người Việt còn nặng hơn một vài người Việt ở hải ngoại nữa. Một số nhà lãnh đạo Hà Nội từng nói rằng hòa giải với kẻ thù chính trong chiến tranh tại Việt-Nam là Hoa Kỳ thật dễ dàng nhưng với người Việt nước ngoài là một vấn đề khó khăn.

CSVN rất lo ngại Hubert Võ, Trần Thái Văn, và Cao Quang Ánh vì những người này hiểu rõ chiến tranh Việt Nam và  hiểu rõ bản chất của CSVN, thế nào chế độ độc đảng toàn trị hiện nay. Họ hiểu rõ thế nào là mất tự do, mất nhân quyền.  Người ngoại cuộc không thể nào hiểu được.

Bà Sanchez rất hăng hái tuyên bố trên hệ thống truyền  thông Việt làm ấm lòng nhiều người.  Nhưng khi nhìn vào chứng tích bỏ phiếu (voting records) tại nghị trường, chúng ta thấy bà chưa hề đưa ra một dự luật nào được thông qua có lợi thật sự cho Cộng đồng Việt Nam, ngoại trừ một số nghị quyết chỉ có tính cách khuyến cáo.

Hai thí dụ cụ thể khác là Dự Luật Nhân Quyền cho Việt Nam đang nằm ụ tại Thượng Viên Hoa KỲ và việc đưa CSVN trở lại danh sách những nước đáng quan tâm (CPC). Bà là người có ưu thế về mọi mặt, cùng đảng với Tổng thống Obama, với Ngoại trưởng Clinton và bà nằm trong khối Dân chủ  đa số  tại lưỡng viện Quốc Hội  Hoa Kỳ. Kết quả  của hai vấn đề này ra sao ai cũng đã nhìn thấy.

Những việc làm hiệu quả của các dân biểu gốc Việt này từ địa phương đến  Quốc Hội Liên Bang làm cho chúng ta hãnh diện mà kẻ viết bài này đã được chứng kiến, sẽ làm cho Hà Nội thật sự e ngại.

Trong khi một vài người không hiểu biết về hệ thống chính trị Hoa Kỳ, nên còn phân vân hoặc từ bên Âu Châu kêu gọi người Việt ở Quận Cam không ủng hộ Trần Thái Văn, các nhóm Á châu như Nhật Bản, Đài Loan, và Đại Hàn, đang ủng hộ Ứng Cử Viên Hạ Viện Trần Thái Văn bằng cách đóng góp cụ thể cho chiến dịch vận động tranh cử. Những người bạn Á châu này nghĩ rằng đây không phải là vấn đề Dân Chủ hay Cộng Hòa, và cũng không phải là Việt-Nam hay không Việt-Nam mà là khối Á châu tại Quốc Hội Hoa Kỳ còn quá yếu ớt.

Thành tích hoạt động và kinh nghiệm của DB Trần Thái Văn

DB Trần Thái Văn sinh năm 1964. Ông và gia đình đến định cư tại Hoa Kỳ vào năm 1975, khi mới có 11 tuổi.  DB Văn là người trẻ tuổi nhất trong các vi dân cử tiểu bang và liên bang gốc Việt.

Sau khi tốt nghiệp cử nhân về Chính Trị Học tại Unversity of California, Irvine, DB Văn tiếp tục học lên và đậu hai văn bằng Cao Học về Quản Trị Hành Chánh Công (Public Administration) và Tiến Sĩ Luật tại Hamline University School of Law tại Saint Paul, Minnesota.

Khi bắt đầu sự nghiệp chính trị, DB Văn cùng Liên đoàn cử tri gốc Việt ghi danh thêm  hơn 10,000 lá  phiếu mới. Điều này làm cho giới am tường chính trị giòng  chính Hoa Kỳ ngưỡng mộ và đánh giá tương lai chính trị của DB Văn rất cao.

DB Trần Thái Văn được bầu vào Hội Đồng Thành Phố Garden Grove, California vào năm 2000 với số phiếu hơn 18,000 phiếu, số phiếu này cao nhất trong lịch sử của thành phố.  Tiếp theo, DB Văn trở thành phó Thị Trưởng Garden Grove.  Quan trọng hơn, DB Văn đã mở đường cho giới trẻ bước vào dòng chính tại cả 2 miền Nam và Bắc California. Ngày nay tiếng nói của cộng đồng Việt Nam tại địa phương cũng như nhiều  nơi trên đất Mỹ được giới chính trị dòng chính  đặc biệt quan tâm.

Sau khi phục vụ một nhiệm kỳ 4 năm, DB Trần Thái Văn thắng cử vào Quốc Hội California với 61% số phiếu vào năm 2004. Ông là người gốc Á Châu đầu tiên trở thành dân biểu tiểu bang trong lịch sử của Quận Cam. Khi  ông trở thành dân cử gốc Việt đầu tiên phục vụ trong ngành lập pháp của một tiểu bang tại Hoa Kỳ. DB Văn giữ nhiều chức vụ quan trọng trong Quốc Hội California như Phó Chủ Tịch Ủy Ban Tư Pháp, Chủ tịch Ủy Ban Thương Mại Quốc Tế và Phụ Tá Lãnh Tụ Khối Cộng Hòa trong Quốc Hội California. DB Văn từng làm việc cho DB Robert Dornan và Thượng Nghị Sĩ tiểu bang Ed Royce (bây giờ là dân biểu liên bang) khi còn là sinh viên chính trị học từ giữa thập niên 1980.

Trong 3 nhiệm kỳ làm dân biểu tiểu bang California, DB Văn đã thành công về việc thiết lập một số đạo luật cho tiểu bang California như Đạo Luật 199 nhằm phát triển khu vực doanh nghiệp tại California, Đạo luật 38 cắt giảm lương bổng quá mức của một số hội đồng và ủy hội làm việc bán thời gian, và một đạo luật khác liên quan đến giao thông, hạ tầng cơ sở, và ngân sách tiểu bang.

Thành tích của Dân Biểu Trần Thái Văn liên quan đến cộng đồng Việt Nam

Bài này sẽ không trình bầy được hết những việc làm của DB Trần Thái Văn cho cộng đồng Việt Nam, nhưng sẽ liệt kê vắn tắt một số việc tiêu biểu như sau.

(1) Khi còn là luật sư, DB Trần Thái Văn và một số đồng nghiệp gốc Việt khác đã tham gia và cố vấn về mặt luật pháp cho đoàn biểu tình trong suốt 53 ngày đêm tại quận Cam vào năm 1999 để hạ cờ Cộng Sản và hình ông Hồ Chí Minh. Nhờ  có  sự hiện diện và cố vấn pháp luật của DB Văn, cơ quan công lực địa phương đã phải mềm dẻo, hiểu biết, thông cảm nỗ lực chống sự xâm nhập của CSVN đôi lúc sôi sục có thể đưa đến bạo động. Trong giai đoạn khó khăn này, chúng ta không thấy một vị dân cử nào giúp đỡ chúng ta, kể cả Bà Sanchez khi đó đã là dân biểu liên bang của khu vực này.

(2) Khi còn là sinh viên và làm phụ tá lập pháp cho Thượng Nghị Sĩ Tiểu Bang Ed Royce, DB Văn đã đóng góp quan trọng vào việc chính quyền Tiểu bang California cho phép thành lập Little Saigon, một trung tâm thương mại sầm uất của cộng đồng Việt và trở thành thủ đô tinh thần của người Việt tỵ nạn Cộng Sản tại hải ngoại. Ngày nay phần lớn những nỗ lực tranh đấu cho tự do, dân chủ, nhân quyền cho Việt Nam đều phát xuất từ nơi chốn này.

(3) Cờ Vàng và Vùng Phi Cộng Sản – Khi là nghị viên tại Thành Phố Garden Grove, DB Trần Thái Văn có sáng kiến vận động thành công Hội đồng Thành  Phố công nhận Cờ Vàng ba sọc đỏ là biểu tượng chính thức của Cộng đồng Việt Nam và đưa ra nghị quyết “No Communists Zone”  (vùng Cấm Cộng Sản) để giữ an ninh trật tự tại quận Cam, tránh những xáo trộn và tốn kém khi có những cuộc thăm viếng của phái đoàn CSVN.  Đã có 11 tiểu bang trong đó có California, 7 Quận hạt và hơn 100 thành phố Hoa Kỳ theo chân Thành phố Garden Grove vinh danh Cờ Vàng của chúng ta.

(5) Giải cứu Lý Tống:  Vào cuối năm 2005, DB Trần Thái Văn đã đích thân bay sang Thái Lan để vận động trả tự do cho Chiến sĩ Lý Tống. DB Văn đã nhận được sự hợp tác chặt chẽ của Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ tại Bangkok. DB Văn trở lại Thái Lan cùng với Nhà Báo Vi Anh vào năm 2006 để can thiệp lần thứ hai cho chiến sĩ Lý Tống vì lý do pháp lý hết sức phức tạp.

DB Văn đã tuyên bố tại Thái Lan rằng “Chúng tôi nhìn vấn đề của ông Lý Tống dưới nhãn quan nhân đạo. Ông Tống đã bị tù gần 6 năm vì vi phạm luật lệ Thái Lan và sắp mãn án.  Với tư cách là vị dân cử chúng tôi sẽ không để cho bất cứ công dân Hoa Kỳ nào bị trục xuất về đệ tam quốc gia vì lý do chính trị, nhất là Việt nam, một nước không có hệ thống pháp lý độc lập và thường thiếu công bằng với những người khác biệt chính kiến trong nước.” Kết quả là Ông Lý Tống đã được trả tự do và về đến Hoa Kỳ vào ngày 7-4-2007.

(6) Thực phẩm truyền thống Á Châu (Bánh chưng): DB Văn đã soạn thảo luật AB 2214 để nghiên cứu các giải pháp thích đáng gia hạn thời gian được bầy bán các loại thực phẩm truyền thống  của người Á Châu như bánh trưng, bánh trung thu…v.v…vào năm 2006. Sau đó được Quốc Hội California thông qua để cho phép bầy bán bánh chưng không cần phải để trong tủ lạnh như những loại thức ăn khác trong vòng 4 giờ.  Dự luật này đã mở đường cho những nghiên cứu khoa học để chứng tỏ các món thức ăn thuần tuý dân tộc vẫn có thể được bày bán trong điều kiện tự nhiên mà không vi phạm các tiêu chuẩn vệ sinh tại Hoa Kỳ.

(7) Tranh đấu cho tự do, dân chủ và tự do tín ngưỡng: Trong hơn 2 thập niên qua, từ khi còn là  sinh viên, luật sư, nghị viên và dân biểu, Ông Văn đã  nhiều lần đến Thủ đô Hoa Thịnh Đốn vận động với Quốc Hội Liên Bang và Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ để ủng hộ những nỗ lực tranh đấu cho dân chủ, tự do và nhân quyền cho Việt Nam. Ông đã vận động tự do tôn giáo với “US Commission for International Religious Freedom” và Tòa Đại Sứ Vatican. Lần mới nhất vào năm 2008 (xem hình).  DB Văn cũng là người ủng hộ và hợp tác với Mạng Lưới Nhân Quyền Việt-Nam, một tổ chức bất vụ lợi có trụ sở tại thành phố Westminster, California.

DB Trần Thái Văn cũng đã đích thân can thiệp cho Mục Sư Nguyễn Công Chính ở Pleiku được ra khỏi lao tù. Hiện nay DB Văn tài trợ cho chương trình  phát thanh Vận Hội Mới để  đưa tiếng nói  và tin tức, tình hình ở trong nước bằng tiếng Việt của  một số vị lãnh đạo tình thần và tranh đấu cho nhân quyền khác tại Việt-Nam đến cộng đồng Việt ở hải ngoại.

(9) Tổ Chức Thương Mại Quốc Tế (WTO): Nhờ sự vận động đắc lực và hiệu quả của DB Biểu Văn, một buổi điều trần đặc biệt về vấn đề mua bán sách báo giữa Việt-Nam và Hoa Kỳ đã được tổ chức vào 2006 tại văn phòng Hạ Viện do DB Ed Royce chủ tọa với sự hiện diện của phái đoàn thuộc Văn Phòng Đại Diện Thương Mại Hoa Kỳ (Office of the U.S. Trade Representative trực thuộc Tòa Bạch Ốc) và phái đoàn của cộng đồng Việt-Nam (Xem hình).

Theo Thỏa Hiệp Thương Mại Song Phương Việt Mỹ được đôi bên ký kết.  Nhà cầm quyền Hà Nội ngăn cấm mọi sự nhập cảng ấn phẩm, văn hóa phẩm, v.v. vào Việt Nam.  Trong khi đó họ tự do xuất cảng cùng những thứ đó vào Hoa Kỳ.  Đó một sự kiện hoàn toàn sai trái đối với luật WTO.

Sau nhiều tuần lễ thương thuyết gay go giữa Hoa Kỳ và Việt Nam, Chính Phủ Hà Nội đã nhượng bộ và đồng ý cho nhập cảng vào Việt Nam một số sách báo vào những ngày cuối cùng trong cuộc thương lượng để Việt-Nam được gia nhập WTO. Việc này có tầm ảnh hưởng rất lớn về mặt thương mại cũng như về mặt văn hóa. DB Văn đang tiếp tục theo rõi vụ này và sẽ có hành động trong năm 2010 về việc thi hành luật mua bán sách báo.  Đây là quyền lợi của cộng đồng Việt.

(10) Quy Chế Ưu Đãi Thuế Quan Phổ Cập Hoa Kỳ  (GSP): DB Trần Thái Văn đã hợp tác với Ủy Ban Hoa Kỳ Bảo Vệ Người Lao Động Việt-Nam để vận động Ủy Ban Quy Chế Ưu Đãi Thuế Quan Phổ Cập Hoa Kỳ  (Generalized System of Preferences) cứu xét công bằng và nghiêm chỉnh đơn xin gia nhập vào chương trình GSP của Việt-Nam vào tháng 10, 2008

Muốn được xuất cảng vào Mỹ khoảng 5,000 sản phẩm mà không phải trả thuế nhập cảng, Việt Nam phải tôn trọng luật Lao Động. Trên thực tế, Việt-Nam đã không thỏa mãn được điều kiện này nên Ủy Ban GSP Hoa Kỳ đã phải tạm thời đình hoãn sự chấp thuận làm thiệt hại  đến quyền lợi của nông dân và công nhân Việt-Nam.

Việt Nam cần phải sửa đổi luật Lao Động cho phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế như quyền lập nghiệp đoàn độc lập, quyền được đình công, và quyền được thương lượng tập thể (collective bargaining).  Không những chỉ có luật trên giấy tờ, Việt Nam còn cần phải thi hành những luật mới. DB Văn đang tiếp tục theo rõi vụ này và sẽ có hành động cụ thể trong năm 2010 khi Hoa Kỳ tái xét đơn của Việt Nam.

Kết luận

DB Trần Thái Văn sức dài vai rộng, có tiềm năng rất lớn, có thể đóng góp nhiều cho quê hương thứ hai của chúng ta và cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ ít nhất trong 20 năm tới.

Nếu đắc cử, tôi thiết nghĩ DB Trần Thái Văn sẽ là một thành viên năng động để thúc đẩy mạnh hoạt động của nhóm dân cử gốc Á châu và Thái Bình Dương trong Quốc Hội Hoa Kỳ (Congressional Asian Pacific American Caucus) hầu bênh vực quyền lợi của người gốc Á châu nói chung và cộng đồng người Mỹ gốc Việt nói riêng.

Không ai phủ nhận sự đóng góp đối với chính nghĩa tự do của Bà Loretta Sanchez, một dân biểu khả ái, cởi mở và thân thiện, mà kẻ viết bài này đã ủng hộ nhiều năm qua. Chúng ta không quên cảm tạ Bà Sanchez cũng như hầu hết 435 vị dân biểu khác đã thông qua nhiều lần Dự Luật Nhân Quyền Cho Việt-Nam. Nhưng tre già măng mọc. Bà Sanchez đã từng đánh bại DB Bob Dorman ở đơn vị 46. Ứng cử viên Trần Thái Văn có lợi cho cộng đồng Việt Nam hơn thì tôi ủng hộ ông. Đó là lẽ tự nhiên.

Cuộc tranh cử nào cũng cam go. Nếu có sự yểm trợ về tinh thần cũng như vật chất của toàn thể người Việt khắp nơi, cuối năm nay chúng ta sẽ có thêm một người đại diện gốc Việt trong Quốc Hội Hoa Kỳ.  Đó thật sự là điều phần lớn chúng ta mong đợi.

2008 là năm chiến thắng của DB Cao Quang Ánh. 2010 sẽ là năm chiến thắng của DB Trần Thái Văn, và 2012 sẽ năm đăng quang của DB Hubert Võ.

Bài do tác giả gửi tới

Phản hồi