WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Pierre Journoud: De Gaulle và Việt Nam (1945- 1969)

 

  Phong Uyên lược dịch

 Lời người dịch: Tiến sĩ s học Đại học Paris I Panthéon-Sorbonne, PIERRE JOURNOUD là nghiên cu viên Học viện Nghiên cu Chiến lược trường Đại Học Quân s Pháp, đồng thi cũng là cộng tác viên nghiên cu Trung Tâm Lịch s Châu Á hiện đại. Cuốn sách viết về đường lối và cách đối xử của De Gaulle đối với Mỹ và hai miền Nam Bắc Việt Nam trong những giai đoạn ông nắm quyền từ năm 1945 và nhất là từ sau 1961. Sách dày 543 trang vi 100 trang liệt kê danh sách các chú thích và các tài liệu lưu tr trong văn khố Pháp, Mỹ, Canada… .được ấn hành tháng Tư năm 2011, là công trình luận án tiến sĩ của ông. Luận án được giải thưởng Jean Baptiste Duroselle dành cho những luận án được coi là nổi bật nhất về lịch s bang giao quốc tế. Trong bản dịch này tôi xin bỏ những phần nói về những mâu thuẫn giữa Pháp và Mỹ về vấn đề việt Nam mà chỉ lược dịch nhng phần nói về quan điểm và đường lối của De Gaulle đối vi Việt Nam t 1945 cho đến khi ông từ chức tồng thống đệ Ngũ Cộng hòa Pháp năm 1969.

Có thể nói đường lối này vẫn được nhng người kế tiếp ông theo đuổi cho ti năm 1975. Nhưng cũng phải nói là cách nhìn của De Gaulle về Việt Nam từ khi nắm quyền lần đầu đến sau Hiệp định Geneve 1954 – vì đố kỵ với Mỹ – đã thay đổi rất nhiều: Hồi nước Pháp mi được giải phóng năm 1945, De Gaulle vẫn còn mang nặng đầu óc thc dân và chỉ có mục đích duy nhất là bảo tồn đế quốc Pháp, muốn vậy phải canh tân và đổi mới đế quốc dưới cái vỏ Liên Hiệp Pháp và phải thoả mãn một phần nào khác vọng của các dân tộc bị trị. Phải đi đến năm 1966 trong cuộc viếng thăm Phnom Penh  De Gaulle mi tr thành quán quân của quyền dân tộc t quyết.

Cuốn sách cũng phanh phui nhiều bí ẩn trong những diễn biến ở miền Nam, đặc biệt là về hòa thượng Thích trí Quang, về liên lạc giữa ông Nhu và giải phóng miền Nam và sự nhất trí giữa Pháp và Mỹ trước khi có Hội nghị Paris.

———————————————————-

De Gaulle

Tháng 12 1945 : một hi vọng lớn bị kết liễu?

Ngày 26-12-1945 chiếc máy bay Lockheed Lodestar trên đường bay về đảo Réunion bị rớt ở M’Baiki giữa khu rừng nhiệt đới thuộc nước Cộng Hoà Trung Phi bây giờ. Trong số 6 người tử nạn có một hoàng thân Việt Nam 45 tuổi. Vị hoàng thân này có một quá khứ lừng lẵy và óc thông minh chính trị có thể, với sự hưởng ứng của mọi người Việt, đi đến một thoả hiệp với De Gaulle để đưa nước Việt Nam ra khỏi chế độ thực dân.

Làm hoàng đế Annam từ 1907 đến 1916 dưới vương hiệu Duy Tăn, hoàng tử Vĩnh San bị chính quyền Pháp đầy ra đảo Réunion khi cầm đầu một cuộc nổi loạn đòi độc lập cho đất nước mình. Trong gần 30 năm bị đầy ải, sống một cách khiêm nhường với số tiền trợ cấp ít ỏi và một nguồn đam mê là ngành vô tuyến điện. Khác với vua cha, hoàng đế Thành Thái (1889-1907), cũng bị Pháp truất phế và đưa đi đầy cùng với con, Vĩnh San không vứt bỏ văn hoá Pháp và cũng không chịu thoái vị nên vẫn là vị hoàng đế cuối cùng hợp pháp của Việt Nam. Nhờ giỏi về vô tuyến điện nên Vĩnh San đã bắt được lời kêu gọi của De Gaulle trên đài BBC ngày 18-6-1940, gia nhập nhóm kháng chiến, bị chính quyền thân Đức bắt cầm tù. Khi đảo Réunion trở về với nước Pháp Tự do, thì tình nguyện ký khế ước nhập ngũ hải quân trên tàu phóng ngự lôi Léopard với chức vô tuyến trưởng. Tuy nhiều lần Vĩnh San xin ra tiền tuyến nhưng chính quyền Pháp vẫn nghi ngờ cái quá khứ quốc gia phiến loạn của ông, nên chỉ cho ông gia nhập chính thức quân đội Pháp tháng Một 1944 với chức vị chuẩn úy.

Không những Vĩnh San gặp khó khăn trong quân đội mà ngay ở bộ Thuộc địa, tổng trưởng bộ này cũng chống đối sự có mặt của hoàng thân ở Paris mặc dầu có sự can thiệp của De Gaulle. Tháng 9-45 Vĩnh San kết liễu chiến tranh với chức vị tiểu đoàn trưởng trong đội quân chiếm đóng nước Đức và được trao tặng huân chương Kháng chiến. Cũng thời gian ấy Vĩnh San cho đăng trên báo Combat (Chiến đấu) một chúc thư chính ttrị trong đó ông khởi xướng Việt Nam phải đạt được độc lập và thống nhất. Cũng vì Paris tiếp tục chống đối những đòi hỏi đó, Vĩnh San Vĩnh San đã viết trên báo này những hàng gần như là tiên tri:

“Tôi nghĩ rằng tương lai gần nhất của Đông Dương phải được đặt trên tình bạn và lợi ích chung chứ không phải trên ý tưởng ngự trị. Tôi nghĩ rằng những người mất kiên nhẫn sẽ kêu gọi sự trọng tài có vụ lợi của Trung Quốc và Mỹ. Để khỏi mất kiên nhẫn tôi nghĩ nước Pháp phải chứng tỏ thiện chí của mình… chứng tỏ bằng cách bỏ những hàng rào chia cắt Bắc, Trung, Nam…”

Vĩnh San cũng tỏ ra là có óc thực dụng chính trị khi nói thêm: “tôi thiển nghĩ làm đúng bổn phận người An Nam khi tôi tạo được trong đầu mỗi người dân quê từ Lạng Sơn tới Huế tới Cà Mau ý nghĩa của tình huynh đệ. Không cần biết là mối tương thân đó được thể hiện bất cứ dưới chế độ nào, cộng sản, xã hội, quân chủ, vương quyền. Cái cốt yếu là tránh đắt nước bị phân chia từng mảnh một.

Tác giả Pierre Journoud.

Tác giả Pierre Journoud.

Ngày 14-12-45 thiếu tá Vĩnh San gặp De Gaulle trình bày ý kiến của mình. Tướng De Gaulle bị ông chinh phục có vẻ chấp thuận những điểm đại cương. Không chấp nhận về hình thức sự thống nhất Việt Nam, nhưng De Gaulle cũng tạo cho Vĩnh San ý tưởng là sau 1 thời gian nhất định, Pháp sẽ chấp thuận Việt Nam đi đến thống nhất.

Theo một vài chứng nhân, cái chết bất ngờ của Hoàng thân Vĩnh San đã làm De Gaulle  thất vọng một cách sâu xa, vì cái ý định bí mật của ông muốn dựa  vào Vĩnh San để giải quyết vấn đề Đông Dương mỗi ngày một thêm khó khăn, bỗng nhiên trở thành mồ côi.  Theo hồi ký của tưóng De Boissieu ( con rể De Gaulle ), thì đó cũng là một trong những nguyên nhân làm De Gaulle từ bỏ chức vụ lần đầu ngày 20-1-46?

Chọn lựa chiến tranh

Khi tướng Leclerc đến Sài Gòn tháng 10-45, De Gaulle dặn là phải phô trương sức mạnh trước khi đàm phán, nhưng cũng dặn là phải thận trọng khi tiến quân, tránh những đụng độ với người Việt. Mặc dầu 3 tuần trước khi Leclerc đến, Jean Cédile, ủy viên cộng hoà tại Nam Kỳ, quyền đại diện nước Pháp, đã cảnh báo là ” các lãnh đạo Việt Nam đều rất cứng đầu về từ ngữ độc lập “; người đồng sự với Cédile nhẩy dù xuống Bắc Kỳ bị bắt. Khi được thả tháng 11, Pierre Messmer (Lnd: sau này là thủ tướng Pháp) cũng nói như vậy về sự quyết tâm của những người theo Hồ Chí Minh : “từ các giáo viên, thư ký sinh viên, kế toán viên…, không ai chịu một sự nhượng bộ nào cả. Những người này đều thành thật, phần nhiều là trung trực có khi tỏ ra rất can trường, sẽ không bao giờ chịu đầu hàng cả “. Messmer kết luận là chỉ có thoả hiệp với Việt Minh mới khỏi mất mặt. Cuối tháng 12-45, đến lượt Jean Sainteny cảnh báo chính phủ là sẽ có đụng độ to lớn nếu Pháp muốn tái lập chủ quyền của mình bằng sức mạnh.

De Gaulle vẫn nuôi hi vọng là khi chủ quyền Pháp được tái lập lại ở Việt Nam, Pháp sẽ có thể đàm phán trong vị thế mạnh. Để có thể thực hiện ý định chính trị của mình và bảo vệ nó khi rời bỏ chức vụ, De Gaulle biết là có thể trông cậy vào sự trung thành của những người đại diện mình. De Gaulle bênh vực đến tận cùng đô đốc d’Argenlieu, Cao ủy kiêm Chỉ huy trưởng quân đội Pháp tại Đông Dương khi ông này bất đồng với tướng Leclerc mà theo hệ thống, phải ở dưới quyền d’Argenlieu.

Đầu năm 1946, De Gaulle rời bỏ chính quyền với hi vọng sẽ được mời lại. Thật ra lập trường của De Gaulle về Đông Dương cũng không khác gì những đảng phái chính trị Pháp hồi bấy giờ. Ngoại trừ một vài nhóm cực tả, ngay cả ĐCS Pháp cũng không sẵn sàng chịu tách một phần đất nào ra khỏi đế quốc. Trong một cuộc thăm dò ý kiến hồi tháng 9-45, 63% người dân Pháp vẫn muốn Pháp giữ Đông Dương.

Những người thân De Gaulle sau này muốn mọi người tin chỉ có De Gaulle mới có thể có đủ khả năng chơi ” lá bài Hồ Chí Minh ” nếu còn nắm quyền chính. Người ta có quyền nghi ngờ : từ khi từ bỏ chính quyền lần đầu, De Gaulle cứ nhắc đi nhắc lại là chế độ này ( lnd: đệ Tứ Cộng hoà Pháp ) sẽ không cưỡng lại được với một lực lượng cách mạng nào và sẽ không tránh khỏi, nếu phải điều đình với Hồ Chí Minh, sẽ khó mà không phải từ bỏ mọi quyền của Pháp ở Việt Nam và phó mặc những người dân còn tin cậy vào nước Pháp phải nằm dưới  ” chủ nghĩa Mác-Lê và dưới sự chi phối của Moscou “.

Đó cũng là lí do mà De Gaulle viện ra để khuyên Leclerc nên từ khước đề nghị của thủ tướng Paul Ramadier, tháng 11-46, thay thế d’Argenlieu. De Gaulle cho là tương lai của Leclerc không phải nằm trong những cuộc chiến ở đồng ruộng Đông Dương mà là hoạt động chính trị. Leclerc tỏ ra khá sáng suốt về chính trị Đông Dương khi quên cái hung hăngi ban đầu là phải làm yếu Hồ Chí Minh trước khi nghĩ đến đàm phán: Được thủ tướng Léon Blum  phái đi thẩm tra ở Việt Nam cuối tháng 12-46, Leclerc đưa ra ý kiến rất rõ ràng : ” chống cộng sản chỉ là một đòn bẩy không có điểm tựa nếu không giải đáp được vấn đề chủ quyền quốc gia của Việt Nam “.

Ngày 19-12-46, cùng một lúc với các nơi khác trên toàn thể lãnh thổ Việt Nam, 2000-25000 dân quân tự vệ và quân đội Nhân dân tấn công bất ngờ khu người Âu ở Hà Nội. Nhiều người Âu bị giết hay bị bắt làm con tin. Cuộc tiến công chỉ được đẩy lui sau nhiều tuần xáp lá cà giành nhau từng khu phố một. Người ta coi đó là khởi đầu của cuộc chiến tranh Đông Dương. Chiến tranh có thể tránh được, theo sử gia Stein Tonnesson. Nhưng chắc chắn là nhiều người muốn nó xẩy ra, trong số đó có De Gaulle. De Gaulle đích thân tán thành cuộc thử lửa này và nghĩ là quân đội Pháp sẽ mau chóng làm chủ tình thế : Từ nay trở đi d’Argenlieu sẽ là người chủ cuộc, có thể mặc sức hành động và giải quyết vấn đề. De Gaulle còn sợ được tiếp nối lại sự đàm phán giữa Hồ Chí Minh và Marius Moutet, tổng trưởng bộ Hải ngoại trong chính phủ Félix Gouin. Leclerc lại vừa mới gửi thông chi cho chính phủ nói là phải từ bỏ chính sách dùng võ lực và phải thật sự cố gắng dung hoà quyền lợi Pháp và quyền lợi Việt Nam của Hồ Chí Minh mà ông cho lả một nhà quán quân về ý tưởng độc lập và là một người ái quốc “. Ông dặn dò Cao ủy Émile Bollaert lần cuối (lnd: trước khi chết) là phải ” điều đình với bất cứ giá nào “.

Cũng thời gian đó De Gaulle lập ra đảng Tập hợp Nhân dân Pháp tháng Tư năm 1947. Rứt khoát với cái chính sách đồng hoá có từ thời cộng hoà 1848, De Gaulle đưa ra chính sách gọi là ” liên kết tuần tự ” với các xứ trong Liên hiệp Pháp. Tuy vậy De Gaulle vẫn lấy cớ là cần phải bảo vệ Liên hiệp Pháp và chống cộng, ủng hộ đô đốc d’Argenlieu trong việc tách rời Nam Kỳ ra khỏi Việt Nam. D’Argenlieu cho là Nam kỳ đứng về phương diện lịch sử, địa dư và kinh tế không phải là một phần đất Việt Nam và vin vào đó để phá hoại Hội nghị Đà Lạt và Fontainebleau, tạo điều kiện cho một nền quân chủ lập hiến mà De Gaulle đã nghĩ đến từ 1945 còn d’Argenlieu thì nghĩ đến cựu hoàng Bảo Đại từ năm 1946-1947. Khi được Jean Sainteny cho biết dự định đó của d’Argenlieu, lãnh sự Mỹ ở Hà Nội tiên đoán là cái đó chỉ đưa đến sự toạ lập một chính phủ bù nhìn và một cuộc chiến tranh, trái với sự mong đợi của người Pháp. Giải pháp Bảo Đại được thành hình năm 1947. Mặc dầu vẫn nghi ngờ Bảo Đại, rút cục De Gaulle cũng ngả theo lá bài Bảo Đại trong bối cảnh thế giới mỗi ngày một mang dấu ấn chiến tranh lạnh, nhất là khi cộng sản Trung Quốc toàn thắng và khi Pháp thua trận  Cao Bằng.

Mãi đến năm 1953, sau khi Staline chết, tình hình thế giới mới đỡ căng thẳng. Nhưng để chống lại sự quốc tế hoá chiến tranh Đông Dương làm mọi ảnh hưởng Pháp sẽ bị loại trừ, De Gaulle mới nghĩ đến chuyện điều đình với Hồ Chí Minh. Tuy vậy De Gaulle vẫn cho là nên đặt ưu tiên thương lượng thẳng vói Trung Quốc và Mỹ. Tháng 3-54 khi chiến tranh Đông Dương đi vào giai đoạn quyết định cuối cùng với trận Điện Biên Phủ, De Gaulle đã tin chắc là ” áp phe ” Đông Dương coi ” như là đã kết liễu “, chỉ còn ” kiếm cho nó một thủ tục chôn nó cho đúng hình thức “, ” phải hiểu là Pháp không còn giữ được Đông Dương nữa, Đông Dương không còn là của mình nữa “. Nhưng De Gaulle cũng coi như tuyệt đại đa số đại biểu Quốc hội Pháp, là Hiệp định Genève tốt hơn người ta tưởng. Những nguyên tắc về độc lập, chủ quyền và thống nhất đất nước Việt Nam, Cam Bốt và Lào được công nhận một cách long trọng. Qua Hiệp Định Genève, Pháp có khả năng  giữ được ảnh hưởng mình ở miền Nam và có trhể đứng làm trung gian giữa hai miền như hi vọng của những người theo De Gaulle. Ở miền Bắc, De Gaulle cũng tán thành một ” sự hợp tác về kinh tế, văn hoá và, có thể một ngày kia, chính trị “.  Tháng 8-54, De Gaulle khuyến khích Jean Sainteny nên nhận chức vụ Tổng đại diện chính phủ Pháp ở Hà Nội .

Sau khi chiến tranh Cao Ly và chiến tranh Đông Dương kết thúc, De Gaulle đổi hẳn đường lối, muốn bắt cầu với những nước cộng sản Đông Nam Á và nghĩ đến chuyện công nhận Cộng hoà Nhân dân Trung Quốc. De Gaulle muốn nước Pháp có một đường lối chính trị độc lập ở Á châu và đóng một vai trò xây dựng trong sự thống nhất Việt Nam. Thật là ngoạn mục sự thay đổi lập trường của De Gaulle, một người mà từ trước tới nay vẫn được coi là thuộc phái bảo thủ đã biết vượt qua được lòng tự ái của mình ! Khi đọc cuốn ” Lịch sử một cơ hội hoà bình bị bỏ lỡ ” của J. Sainteny, De Gaulle tự công nhận là mình đã sai lầm, đã không hỗ trợ toàn vẹn những cố gắng điều đình với Hồ Chí Minh và đã nói to với Sainteny để mọi người nghe thấy : ” Thật vậy, Sainteny, ông rút cục là người sẽ có lý “.

Ngô Đình Diệm lên cầm quyền chính, giữa huyền thoại và thực tại

Ngày 16 tháng 6, chưa tới 48 giờ sau khi Mendès France được tấn phong thủ tướng, Ngô Đỉnh Diệm được Bảo Đại ủy thác thay thế hoàng thân Bửu Lộc để thành lập chính phủ. Ngay sau khi ký Hiệp định Genève, Paris đã báo cho tân thủ tướng quốc gia liên kết Việt nam là Pháp chỉ công nhận nội các mới thành lập của Ngô Đình Diệm là chính phủ hợp pháp. Vậy mà sao chỉ chưa đầy một tháng sau khi được tấn phong, chỗ nào Diệm cũng bị coi là bù nhìn của Mỹ ? Hình ảnh sai lầm về Diệm  đã mọc rễ trong ký ức của  nhiều người, nhất là những người theo De Gaulle, khi thấy sự ủng hộ và sự hiện diện của Mỹ đi ngược lại với ý định và quyền lợi chính trị của Pháp.

Diệm không phải chui ra từ cái mũ của một thuật sĩ. Năm 1950, sống lưu vong ở Mỹ, Diệm đã nhân cơ hội tiếp xúc với giới ưu tú Mỹ, đặc biệt là với các thượng nghị sĩ John Kennedy và Mike Mansfield, với giáo sư Wesley Fishel thuộc Đại học Michigan, với cựu giám đốc OSS William Donovan và nhất là với hồng y giáo chủ Francis Spellman. Cuộc đấu tranh của Ngô Đình Diệm để thành lập một ” lực lượng thứ ba ” chống cộng và chống thực dân lấy được cảm tình những người này. Là một người cương quyết đòi cho được độc lập quốc gia không một chút nhân nhượng, hệt như những người cộng sản đã bắt ông và giết anh ông, Ngô Đình Khôi, năm 1945. Ông đã tạo ra được một tiếng vang khi từ chức hượng thư bộ Lại hồi còn trẻ, tháng 9-33, để phản đối sự lộng quyền của viên khâm sứ Pháp đã ngăn cản mọi dự định cải cách Ông cũng từ chối sự mời mọc của Bảo Đại khi còn chiến tranh Đông Dương vì thấy là không đủ tự do với các nhà cầm quyền Pháp. Ông là người không phải dễ để bị thao túng.

Trong tập Hồi ký của mình Bảo Đại cũng không giấu là đã có mời Diệm lãnh đạo chính phủ : ” Chúng tôi không còn trông cậy vào Pháp được nữa. Ở Genève, người Mỹ là đồng minh độc nhất của chúng tôi…”. Nhưng sự lựa chọn Diệm cũng có lí do chính trị đối với trong nước : quá khứ của Diệm và sự hiện diện của em ông là Ngô Đình Nhu đứng đầu Phong trào Thống nhất Quốc gia, cho phép hi vọng lôi kéo được một số người quốc gia có tiếng là triệt để.

Ở Pháp Ngô Đình Nhu được mọi người biết hơn Diệm vì theo học ở trường đại học Pháp điển ( École des Chartes ) và có kết nối bạn bè trong khoảng thập niên 1930 với Jacques Bénet, bạn kháng chiến của François Miterrand và là đảng viên đảng Xã hội Pháp. Qua sự trung gian của ông này, Nhu tiếp xúc với nhiều lãnh tụ đảng Xã hội và hi vọng qua những người này, ông anh lớn của mình, người mà Nhu cho là chính trực nhất, tượng trưng tinh thần quốc gia đích thực nhất, sẽ đạt được quyền hành

Trong chiến tranh, Nhu tiếp tục trao đổi thư từ với Jacques Benet và có đàm phán nhiều lần với những cộng sự viên  của thủ tướng Joseph Laniel và tổng trưởng bộ Ngoại giao Georges Bidault tháng Ba 1954. Hai người này quyết định hội đàm riêng với Ngô Đình Diệm qua sự trung gian của Trần Chánh Thành và cả ba đều thoả thuận những điểm căn bản. Tuy vậy Laniel và Bidault vẫn còn ngần ngừ chưa nói với Bảo Đại. Phải đợi đến tháng 6-54 khi chính phủ của 2 ôg này có lẽ sắp bị lật đổ hai người này mới nói với Bảo Đại là nên tấn phong Diệm làm thủ tướng. Bảo Đại chấp thuận ngay.

Theo hồi ký của Alain Griotteray phụ tá chính trị đối nội Việt Nam thuộc  bộ Quồc gia liên kết, người đã gặp riêng nhiều lần Diệm: “quyền lực thật sự ( ở Việt Nam ) hồi đó nằm trong tay  chính quyền Pháp. Hoàng đế ( sic ) không thể bổ nhiệm Diệm nếu chính phủ Pháp chống đối. Người Pháp cũng có thể dùng áp lực tài chính đối với Bảo Đại ( theo Newsweek mỗi năm Bảo Đại nhận được của Pháp số lương là 500 ngàn đô la ).

Nói tóm lại sự chọn lựa Diệm là cả Pháp lẫn Việt, nhưng đó là một chọn lựa nhằm mục đích thoả mãn Hoa Kỳ. Cái trớ trêu là De Gaulle và những người thuộc phái De Gaulle chỉ giữ ở Diệm hình ảnh một ” con nộm “chống Pháp được Mỹ đặt ra.mà không biết là người tổng thống Nam -Việt Nam  chỉ tăng tốc độ cho một quá trình giải thực ( dân ) không thể tránh được trong khi vẫn dành một chỗ quá là quan trọng cho những quyền lợi kinh tế và văn hoá Pháp ở Nam -Việt Nam.

Luận cứ De Gaulle dưới sự thử thách của các sự kiện

Cần phải trở lại nguồn gốc của sự tranh cãi ngay sau chiến tranh thứ Hai mới chấm dứt để hiểu mối oán giận của tướng De Gaulle và những người theo ông đối với người Mỹ. Trong khi oanh tạc Đông Dương trong khung cảnh của cuộc chiến tranh chống Nhật, Mỹ đã gửi nhiều đội OSS hợp tác với những nhóm kháng chiến chống Nhật để làm những hoạt động hoạt động tình báo và khuynh đảo. Vì vậy mà năm 1945 OSS cung ứng cho những người tranh đấu đòi độc lập Việt Minh khá nhiều vật liệu võ khí. Biết sự quan trọng của tuyên truyền, đồng thời cũng biết là tổng thống Roosevelt có ý muốn tách Đông Dương  ra khỏi chính quyền Pháp để đặt dưới quyền giám hộ quốc tế, Hồ Chí Minh đã khéo biết khai thác sự liên kết bề ngoài này với Hoa Kỳ .Những trưởng nhóm OSS đi công tác cũng tin chắc như tổng thống của họ là chế độ thuộc địa không thể sống sót được sau khi chiến tranh kết liễu và người Pháp không thể cứ khăng khăng giữ thuộc địa trong khi người Anh, người Mỹ đang tính bỏ những thuộc địa ở Á châu. Sau khi Roosevelt chết ngày 12-4-45, Truman mỗi ngày một bận tâm về mối nguy hiểm Liên Xô ở Á châu, nên đổi hướng, quyết định đứng giữa không thiên về bên nào ở Đông Dương.

Quyết định đứng trung lập này của Truman tới quá chậm và quá thời hạn để xoá bỏ được cảm tưởng của những quân nhân và thường dân Pháp phải chịu đựng một mình cuộc tấn công của Nhật 9-3, là đồng minh Mỹ đã phản bội mình, thiên về sự thành công cướp chính quyền ở Hà Nội hơn là số phận của người Pháp. Ký ức của những người Gaullistes hồi ấy là Hoa kỳ không những không làm dễ dàng cho sự người Pháp trở lại Đông Dương, mà còn trực tiếp góp phần tăng cường sức mạnh của kẻ địch mình là Việt Minh. Chiến tranh Đông Dương chỉ làm tăng sự nghi ngờ của người Pháp đối với người Mỹ.

Bắt đầu từ 1947-1948 và nhất là sau chiến thắng của Mao tháng 10-49, một vài hữu trách chính trị và quân sự Pháp mới quyết định phải nhờ Mỹ giúp đỡ về vật liệu và tài chính. Tháng Hai 1950, sau khi công nhận các Quốc gia liên kết Việt Nam, Cam Bốt và Lào, Mỹ mới chính thức quyết định giúp Pháp. Nhưng một khi đã để cho Mỹ vào cuộc, dù có muốn chỉ nhờ Mỹ giúp đỡ về vật chất, người Pháp đã mở chốt cho một quá trình sẽ đưa đến sự phó mặc Đông Dương dưới ảnh hưởng Mỹ.

Sau Hiệp định Genève, Mỹ được thể chui vào lỗ hổng Đông Dương khiến Pháp bực tức đến cùng cực, nhất là những người thân De Gaulle. Để tránh cuộc khủng hoảng bang giao giữa Pháp và Mỹ, Pierre Mendès France chính thức công nhận thế thượng phong của Mỹ ở Đông Nam Á. Thỏa hiệp giữa tướng Ely và Collins ngày 13-12-54 bắt Pháp cam kết là phải thừa nhận sự tự chủ hoàn toàn của quân đội Quốc gia Việt Nam và đặt các cố vấn và huấn luyện viên quân sự Pháp dưới quyền trưởng nhóm MAAG ( Military Assistance Advisory Group ) là tướng O ‘ Daniel. Những huấn luyện viên Pháp được mau chóng thay thế bằng những huấn luyện viên Mỹ.

De Gaulle và nước Việt Nam của Ngô Đình Diệm : một mối liên lạc lập lờ

Bận lo giải quyết những vấn đề tế nhị và khẩn cấp từ chuyện Hiến Pháp đệ Ngũ Cộng hoà đến chiến tranh Algérie, tướng De Gaulle (lnd : tr lại chính quyền mùa Xuân năm 1958 ) ủy thác cho bộ Ngoại giao và cho những tổng trưởng có liên quan trực tiếp quản lí hồ sơ Đông Dương trong việc tái phục lại ảnh hưởng Pháp và làm cân bằng lại sự hiện diện của Mỹ mỗi ngày một lớn. Ông không chống đối lại sự tăng gia những mối liên lạc với Việt Nam Cộng hoà trong khi sự bang giao với Hà Nội vẫn còn ở trong tình trạng căng thẳng mà nguyên nhân chính là các chính phủ đệ Tứ Cộng hoà trước nay vẫn dành ưu tiên cho Sài Gòn và vì chiến tranh Algérie. Tháng 11-59, tổng trưởng bộ Tài chính của De Gaulle, Antoine Pinay ký một loạt thoả ước mới về tài chính, kỹ thuật và văn hoá với chính phủ Diệm. Những tranh cãi về ruộng đất và tài chính được giải quyết trọn vẹn. Trong bức thư cám ơn thủ tướng Michel Debré, Diệm gợi ý là về phần mình, sẵn sàng làm sâu rộng mối bang giao Pháp-Việt. Tình trạng kinh tế và xã hội ở Nam-Việt Nam hồi đó đáng lo ngại, căng thẳng với Mỹ về vấn đề kinh tế mỗi ngày một lớn, viện trợ Mỹ bị các cố vấn của Diệm chỉ trích là không kiến hiệu và sau chót là Diệm thấy quyền hành của mình quá mong manh nên cũng muốn tìm ở Pháp một chỗ dựa. Sau đảo chính hụt 11-11-60 mà ngay toà đại sứ Hoa kỳ cũng không tỏ vẻ mạnh mẽ chống lại như sự mong đợi của anh em Diệm, Nhu khẳng định với đại sứ Pháp Roger Lalouette là ” nếu nước Pháp muốn, giờ của Pháp đã điểm ở Việt Nam “.

Để lời nói đi đôi với viêc làm, chính phủ Diệm làm dễ dàng sự nhập cảng hàng Pháp mặc dầu Mỹ ráng giấu sự không bằng lòng của mình. Trong địa hạt quân sự, Diệm cũng có vẻ chỉ trích phương pháp của các huấn luyện viên Mỹ và cho là phương pháp chống chiến tranh du kích của Pháp thích hợp hơn. Mỗi ngày Diệm một thêm bực tức về sự vụng về và ngược thời của viện trợ Mỹ, cũng như vòng cương tỏa của Mỹ mỗi ngày một quá đỗi sau cuộc viếng thăm của phó tổng thống Johnson tháng 5-61, và của tướng Taylor tháng 10-61, Diệm tâm sự với Roger Lalouette là ông muốn ” cân bằng lại sự chi phối của Mỹ bằng sự hiện diện của một cường quốc thứ ba, ưu tiên là Pháp, hay Pháp cùng Anh “. Quai d’Orsay ( bộ Ngoại giao Pháp ) biết là Diệm bất lực trước sự mất an ninh mỗi ngày một lớn, nên mỗi ngày một trở lên độc đoán, thất nhân tâm, bị cả 2 phía đe doạ :phía những người chống cộng quá khích muốn dựa vào Mỹ nhiều hơn, phía những người theo Pháp muốn dân chủ và trung lập. Nhưng bộ ngoại giao Pháp bị phó mặc, phải tự định đoạt lấy đường lối trong sự giao thiệp với Sài Gòn nên chỉ có cách đứng ở thế trung dung, thoả mãn một vài đòi hỏi của chính phủ Sài Gòn, đồng thời cũng tránh những liên lạc cá nhân quá thân thuộc..

Có lẽ cũng vì vậy mà De Gaulle tiếp tục từ chối không tiếp Diệm hay Nhu ở điện Élysée mặc dầu nhiều nhân vật Pháp có mối liên lạc mật thiết với Diệm từ trước tới nay như Marius Moutet ( Tổng trưởng bộ Hải ngoại năm 1946-47 ), Antoine Pinay, bộ ngoại giao Pháp… Những người này tự cho mình trách nhiệm nhắc lại với De Gaulle là năm 1959 tổng thống trước De Gaulle là René Coty có ngỏ ý mời Diệm qua thăm  Paris. Mùa Xuân 1960, Roger Lalouette, đại sứ Pháp, chuyển lời của phó tổng thống Nguyễn Ngọc Thơ muốn Diệm qua thăm Pháp hay nếu không được thì cho chủ tịch Quốc hội Trương Vĩnh Lễ cũng là chủ tịch hội  Pháp-Việt Nam qua thăm. Một năm sau, tổng thư ký điện Élysée trình bày lí lẽ mong De Gaulle chấp thuận cho Ngô Đình Nhu vào yết kiến trong triển vọng một cuộc thăm viếng Paris. Lí lẽ đưa ra :  Ngô Đình Nhu là một người thấm nhuần văn hoá Pháp và là một người có ảnh hưởng lớn ở Nam-Việt Nam đến nỗi những người thân cận cho là đây mới là đầu não của chế độ, Diệm chỉ là ông … trưởng phòng ! Về phía Nhu, Nhu cũng muốn có sự giúp đỡ của Pháp để giành lại được một chút tự do đối với Mỹ đang hăm dọa đẩy ông xa người anh để gia tăng sự giám hộ của Mỹ trên đất nước.

Nhu chỉ được vào yết kiến thủ tướng Michel Debré chưa đầy một giờ ngày 24-6-61. Khi trở về Nhu tuyên bố rất hài lòng về cuộc thăm viếng… mặc dầu gặp ” chống cự trên đỉnh ” . Cái chống cự này làm Diệm buồn rầu vì Diệm là người thành thực ngưỡng mộ De Gaulle. Diệm đã có một lần tâm sự với Lalouette là ảnh hưởng của De Gaulle ở những nước trong thế giới thừ Ba vừa lớn, vừa sâu rộng, vừa lâu dài là vì De Gaulle từ chối thỏa hiệp với những sức mạnh của hỗn độn và không đứng lại ở những quyền lợi vật chất nhất thời. Nhưng nếu Diệm khen ngợi De Gaulle rất cương quyết với cộng sản ở Âu Châu, rất có óc độc lập và hợp tác với các nước nói tiếng Pháp, thì Diệm cũng rất tiếc là ở Á châu De Gaulle đã nhượng bộ trước tiếng kèn trung lập mà Diệm đồng hoá với một đường lối chính trị yếu ớt và với chủ nghĩa thất bại.

Roger Lalouette người mai mối giữa Bắc- và Nam- Việt Nam

Đầu hè, chính phủ Diệm phải đương đầu với cơn khủng hoảng lớn nhất : cuộc nổi loạn hoà bình của những người Phật giáo. Bị chính trị hoá mau chóng, cuộc xung đột trở thành công khai giữa các nhà sư được sự hỗ trợ của một phần dân chúng và chế độ thân công giáo của Diệm. Chính phủ Nam-Việt Nam đổ tội cho cộng sản thâm nhập mọi chỗ đã tạo ra và nuôi nấng cuộc nổi loạn. Nhiều cựu tổng trưởng trong chính phủ Diệm lại tố cáo ngược lại là chính CIA đã đổ dầu thêm lửa. Sự kiện nhà sư Thích Trí Quang trốn vào nhà một nhân vật ngoại giao Mỹ, rồi trú ẩn ở sứ quán Hoa Kỳ, chứng tỏ có bàn tay Mỹ nhúng vào. Nhiều bằng chứng tình báo Pháp thâu thập được, vạch rõ vai trò của người Mỹ. Hoàng thân Bửu Hội khi đó làm đại sứ Việt Nam Cộng hoà ở Maroc và ở nhiều xứ Phi châu có mẹ là môt sư bà đang sửa soạn tự thiêu, khẳng định là có sự hiện diện của nhân viên CIA trong chùa Xá Lợi và các nhân viên này đang tận tay “làm việc các nhà sư ” Hoàng thân thuyết phục Diệm chấp thuận cho một phái đoàn của Liên Hiệp quốc tới Sài Gòn điều tra. Đến Sài Gòn ngày 10-10-63, phái đoàn này đưa ra kết luận là không có đàn áp Phật giáo.  Cũng theo giáo sư luật Đại học Varsovie Maneli, trưởng đoàn đại diện Ba Lan tại Ủy hội đình chiến năm 1963, thì CIA hỗ trợ những người Phật giáo chống Diệm trái với ý của ngay cả của đại sứ Nolting.

Các cơ quan Mỹ thì lại giải thích hoàn toàn khác : Hành động đàn áp của Diệm đã làm một rắc rối nhỏ ở địa phương thành một khủng hoảng chính trị, có thể làm đổ sập nền tảng của chế độ. Toà Bạch Ốc nhân cơ hội không ” xuống thang ” như đã giao ước với Nhu nữa : Lẽ ra theo đúng kế hoach thì phải bớt lần lần số nhân viên quân sự Mỹ từ 14 ngàn xuống còn 1500 cuối năm 1965. Trước sự từ chối của Diệm không chịu cho Mỹ tăng cường sự hiện diện quân sự của Mỹ, Kennedy đem Cabot Lodge thuộc đảng Cộng Hoà ngày trước là đối thủ tranh cử với mình, thay thế đại sứ Nolting vì bị coi là quá gần Diệm.

Triển vọng quân đội Mỹ tới làm cả hai bên đều sợ : Sài Gòn còn một chút tính hợp pháp và một chút độc lập sẽ mất hết. Hà Nội đã trông thấy sự thành công trong việc khuynh đảo miền Nam, cũng lo sợ là cuộc chiến tranh sẽ kéo dài khiến khó mà ra khỏi được sự chế ngự mỗi ngày một lớn của Bắc Kinh và thoát được một cuộc khủng hoảng kinh tế khá trầm trọng. Người Pháp cũng chia sẻ với cả hai bên mối lo nghĩ đó nên còn tin tưởng vào một giải pháp chính trị và hài lòng khi nghe những lời tuyên bố khá ôn tồn của cả hai bên bờ vĩ tuyến số 17 : Tháng 9-62, Hồ Chí Minh tuyên bố với chủ tịch Ủy hội Quốc tế Ấn độ là muốn bắt tay với Diệm được coi là một người ” yêu nước theo kiểu của mình “. Phạm Văn Đồng thì gợi ý là đai diện Pháp Jean François de la Boissière nên viếng thăm Sài Gòn và trong tương lai  sẽ tiếp đón Roger Lalouette ở Hà Nội. Diệm cũng vậy, khi bàn cãi với đại sứ Pháp cũng không gạt ra ngoài một cách dứt khoát triển vọng một giải pháp hoà bình, nhưng muốn mình là người khởi xướng. Những người cầm quyền Việt Nam muốn Pháp đặt nhịp cầu đầu tiên ? Triển vọng đó khá quyến rũ Paris, nhưng Á đông vụ bộ ngoại giao dư biết là chuyện đó sẽ làm tăng thêm ảnh hưởng của những người trong bộ máy chính quyền Mỹ  muốn thay thế Diệm bằng một chính phủ hoàn toàn được dùng để phục vụ những mục tiêu của Washington.

Roger Lalouette là một nhà ngoại giao lão luyện và rất rành rẽ về những vấn đề Việt Nam. Ông biết một hành động quá lộ liễu sẽ làm Diệm bị thay thế rất mau lẹ để nhường chỗ cho một chính phủ hoàn toàn theo đường lối của Washinton. Ông quyết định trao cho giáo sư Maneli, người mà ông tin cậy, một kế hoạch ba giai đoạn cho Việt Nam : mở cuộc đối thoại giữa Hà Nội và Sài Gòn ; đặt những trao đổi kinh tế và văn hoá ; tổ chức những cuộc hội đàm về chính trị. Maneli quyết định chuyển tin ra Hà Nội nơi mà ông đi đi về về nhiều lần. Phạm Văn Đồng khẳng định là ông lúc nào cũng sẵn sàng mở cuộc hội đàm, công khai hay bí mật, và tất cả đều thương lượng được “trên căn bản độc lập và chủ quyền quốc gia “. Chủ tịch Hồ Chí Minh ra chỉ thị cho Xuân Thủy, tổng trưởng ngoại giao làm một danh sách hàng hóa có thể trao đổi với miền Nam. Maneli tương đối lạc quan, trở lại Sài Gòn nhất quyết gặp Nhu. Phạm Văn Đồng cũng đề nghị Diệm, để chứng tỏ thiện chí của mình, cho lập lại trao đổi kinh tế và văn hoá giữa hai miền. Miền Bắc sẵn sàng cung cấp than đá không đặt điều kiện nào với giá rẻ hơn giá trị trường thế giới để đổi lại gạo, thực phẩm và cao su. Phải đương đầu với một cơn hạn hán trầm trọng, Hà Nội cũng muốn thoát khỏi viện trợ của Trung Quốc, trở thành quá bao trùm từ khi Trung Quốc và Liên Xô tuyệt giao..

Ngày 1-6-63, Roger Lalouette thông báo cho tổng thống Diệm những điều mật mà Maneli thâu thập được. Điện Élysée cũng được thông báo về công việc mai mối của người đại sứ của mình và không tỏ dấu hiệu gì là không muốn Lalouette tiếp tục làm chuyện đó. Trong buổi trao đổi riêng với đại biểu Ba Lan nhân dịp tân tổng trưởng ngoại giao Nam-Việt Nam Trương công Cừu mới nhậm chức, Nhu đề nghị tiếp Maneli ngày 2-9. Sài Gòn lúc đó sống trong bầu không khí quá căng thẳng, bị chìm đắm trong những tiếng đồn là sẽ có đảo chính và đang có những mặc cả thầm kín..

Tướng De Gaulle ” trở lại ” sân khấu Đông Dương

Bằng một bản tuyên bố long trọng, tổng trưởng bộ Thông tin Alain Peyrefitte đọc ngày 29-8-63, vị tổng thống Cộng hoà Pháp quốc mở lại cái hồ sơ Đông Dương nóng bỏng : ” Những biến cố trầm trọng đang diễn ra ở Việt Nam được nước Pháp chú tâm theo dõi với đầy cảm xúc và muốn thật tâm chia xẻ với dân tộc Việt Nam những thử thách mà dân tộc Việt Nam phải chịu đựng. Trong tình trạng hiện tại ở Á châu, dân tộc Việt Nam, một khi có thể khuyếch trương mọi  hoạt động của mình trong hòa bình, thống nhất, độc lập với bên ngoài, và hoà hợp với các nước lân bang, sẽ có thể đóng một vai trò cho sự tiến bộ của riêng mình và cho sự thông cảm quốc tế… Lẽ tất nhiên là sự lựa chọn phương cách đi tới những mục tiêu đó hoàn toàn thuộc thẩm quyền của dân tộc Việt Nam. Nhưng nước Pháp sẵn sàng, trong phạm vi có thể được của mình, tổ chức với đất nước này một cuộc hợp tác hữu nghị. ”

Phủ nhận một cách rõ ràng việc chia đôi Việt Nam, đồng thời cũng gắn liền với nhau hoà bình, thống nhất và trung lập, De Gaulle khuyến khích mọi người Việt Nam tự giải phóng khỏi ảnh hưởng quá mức của các thế lực ngoại bang : ảnh hưởng của ” cộng sản quốc tế ở miền Bắc (nhất là Trung Quốc khi đó chế ngự tất cả ) ; ảnh hưởng của Hoa Kỳ ở miền Nam.

Tuy vậy bản tuyên bố 29-8 không tạo ra được sự phấn khởi cho các đương sự. Hà Nội tỏ ra lãnh đạm và phải một tháng sau Phạm Văn Đồng  mới công khai cám ơn  De Gaulle về sự ông tuyên bố tiếp tục hỗ trợ Hiệp định Genève. Ở Nam- Việt Nam, ngược lại,, bản tuyên bố được đăng trên trang đầu tờ Việt Nam Báo. Báo chí Sài Gòn cho là De Gaulle có ý muốn khích lệ chế độ và muốn cổ võ chế độ độc lập với Mỹ hơn. Để chứng tỏ mình là ngưòi hiểu rõ tinh thần bản tuyên bố, Nhu tuyên bố với báo chí ngày 11-9-63 là những ý định của tướng De Gaulle – người có những ” cái nhìn hoàn vũ “, người ” biết thiết kế những dự án vĩ đại ” – mà sau này, sau một kỳ hạn, chủ tâm của ông sẽ tạo ra được ” một phương thức, cũng phải qua một kỳ hạn lâu dài, cho sự thống nhất xứ sở ”

Lẽ tất nhiên là Washington là nơi tiếp nhận tồi tệ nhất lập trường của De Gaulle. Người Mỹ cũng bối rối về phương hướng chính trị của Pháp về Việt Nam và cũng trách cứ De Gaulle đã không giữ lời cam kết với Kennedy năm 1961 là không bao giờ biểu lộ công khai lập trường của mình.

De Gaulle, Lalouette và buổi chiều tàn của anh em Ngô

Ngày 24-8-63 toà Bạch Ốc gửi điện thư dặn dò đại sứ Lodge tìm một giải pháp để thay thế Diệm khiến CIA thấy như được cho phép, khuyến khích một số hữu trách quân sự Nam-Việt Nam làm đảo chính. Được báo tin là cuộc đảo chính chống anh em Diệm sẽ xẩy ra tức thời, Lalouette khuyên Lodge nên nhẫn nại vì Lalouette luôn luôn cho Diệm là hi vọng cuối cùng của hoà bình, vì là người duy nhất có thể đạt được một thoả hiệp với Giải phóng miền Nam và Hà Nội. Ông tiên đoán hạ bệ Diệm là một sai lầm không cách nào mà sửa được vì bất cứ một chính phủ nào khác cũng sẽ phụ thuộc Mỹ nhiều hơn và sẽ không để một chút hi vọng gì cho một giải pháp hoà bình. Lalouette nằm trong một nhóm nhỏ những người tán thành, đầu tháng 9, những cuộc gặp gỡ giữa Nhu và Maneli, người trung gian của Ủy hội Quốc tế.

Ngày 3-9, sau khi đưa bản tuyên bố ngày 29-8 cho Diệm, Lalouette nói chuyện với Diệm 3 giờ. Diệm hét ầm lên : ” người ta nói, đang có dự định một cú bạo lực ( coup de force ). Người ta nói, tính mệnh tôi bị lâm nguy. Không thể tưởng tượng được là người ta có thể dùng đến những thủ đoạn như vậy đề chống chính phủ một nước bạn…”.

Để che giấu sự sửa soạn làm cuộc đảo chính, Lodge nói với Lalouette là ông ta sắp đi gặp tổng thống Kennedy để xin gia hạn cho Diệm Nhu, ông ta thêm : ” Nhu bằng lòng từ chức, bỏ Sài Gòn sống ở Đà Lạt. Nhưng Nhu không chịu rời bỏ Việt Nam vì không muốn mất liên lạc với GPMN (lnd : chuyện ông Ngô Đình Nhu bắt liên lạc với Phạm Hùng là có thật).

Không thừa nhận chế độ mới ở Sài Gòn

Không thể đưa ra đây những chi tiết cuộc đảo chính ngày 1-11-63 chống Diệm và ngày 2-11 anh em Diệm bị giết. Paris được yêu cầu công nhận chính phủ lâm thời đứng đầu là Nguyễn Ngọc Thơ, cựu phó tổng thống của Diệm. Trong số 80 nước có liên lạc noại giao với Việt Nam Cộng Hoà dưới Diệm, 30 nước đã công nhận chế độ mới. Sài Gòn mong muốn sớm nhận được một dắu hiệu  tích cực đến từ Pháp vì Pháp vẫn còn nhiều ảnh hưởng ở Nam-Việt Nam.

Paris chỉ chính thức nhận thư của chính phủ Sài Gòn ngày 16-11, 10 ngày sau khi tiếp được thư. Paris chỉ nói là sẽ tiếp tục những giao thiệp thường xuyên. Vì ngại thiện cảm ban đầu đối với nước Pháp trở thành ác cảm có hại cho quyền lợi nước Pháp, ban giám đốc Á châu sự vụ bộ ngoại giao thỉnh cầu De Gaulle nhiều lần trong tháng 11 là nên công  nhận chế độ mới. De Gaulle vẫn làm thinh.

De Gaulle thật ra nhìn xa hơn và đúng hơn nhiều nhà ngoại giao. Giải pháp trung lập mà ông đưa ra có thể  tránh cho Nam-Việt Nam một cuộc chiến tranh lâu dài và một sự bỏ rơi phũ phàng không còn gì là phẩm giá.

Có lẽ trong thâm tâm, tướng De Gaulle hi vọng trung lập hoá riêng biệt 2 miền, Bắc Việt và Nam Viêt. Nhưng ông cũng như người Mỹ, biết là rất khó khăn Bắc Việt chịu bỏ chế độ cộng sản và sự trung lập của Nam Việt cũng khó mà được Bắc Việt tôn trọng, Đồng thời cũng khó mà hãm được ý định ngự trị đang chớm nở của Trung Quốc.

Tướng De Gaulle chỉ đề ra cái đỡ tệ nhất :  Sau một kỳ hạn, sự thống nhất Việt Nam sẽ do người cộng sản thực hiện dưới cái vỏ trung lập.

Ý đồ trung lập của tướng De Gaulle nằm trong những mưu toan chính trị – quân sự ở Sài Gòn

Ngày 29-1-64, Lodge báo cho bộ ngoại giao Mỹ là tướng Khánh, tư lệnh quân đoàn I Quân đội Quốc gia Việt Nam quả quyết với ông là đã khám phá được trong chính phủ Nam- Việt Nam một âm mưu trung lập do Pháp gợi ý. Những tướng thân Pháp, Trần Văn Đôn, Lê Văn Kim, Mai Hữu Xuân bi coi là có dính líu. Lodge tin Khánh là một trong những tướng có khả năng nhất và khác với tướng Trần Văn Minh, sẽ ngả theo kế hoạch chiến tranh bí mật và thả bom Bắc Việt của lầu Năm góc. Lodge đem Khánh và gia đình vào toà Đại sứ lánh nạn và hứa nếu cần sẽ di tản cả gia đình ra khỏi nước bằng máy bay.

Đảo chính ( của tướng Khánh ) xẩy ra ngày 30-1. Trước ngày đó Washington đã làm áp lực xuống De Gaulle, làm như là nhóm tướng tá Nam Việt bị coi là có ý tưởng trung lập có thể xử sự theo lệnh hay theo ý của De Gaulle.

Theo nhiều bằng chứng mà các nhà ngoại giao và các cơ quan tình báo thâu thập được, thì trong Hội đồng Quân nhân Cách mạng, ngay sau Đảo chính 1-11, đã có 2 phái theo 2 xu hướng khác nhau : xu hướng thiên về giải pháp của Pháp ( Dương văn Minh, Lê văn Kim, Mai Hữu Xuân, Trần Văn Đôn, Nguyễn Văn Vỹ ), xu hướng trung thành với đường lối của Mỹ ( Nguyễn Văn Thiệu, Trần Thiện Khiêm, Nguyễn Hữu Có, Phạm xuân Chiểu, Đỗ Mậu ). Nội bộ quân đội trước đã rất mong manh, nay có thể bị coi là đã tan vỡ. Tham vọng chính trị của các tướng lãnh quân đội được thả giàn và những cuộc đảo chính nối tiếp  nhau để các tướng lãnh thay nhau vơ vét viện trợ Mỹ mỗi ngày một kếch xù.

Để tránh Nam- Việt Nam bị rơi vào tay cộng sản quá mau chóng, Johnson thấy cần phải thuyết phục De Gaulle với bất cứ giá nào để De Gaulle tuyên bố là kế hoạch trung lập hoá Nam Việt không phải là ngay tức khắc. Johnson kiếm được một đồng minh là Gaston Deferre úng cử viên tổng thống đảng xã hội Pháp năm 1965. Được tiếp ở toà Bạch Ốc, Deferre chỉ trích thẳng cánh chính sách trung lập hoá Đông Nam Á của De Gaulle và cho là De Gaulle chỉ có mục đích làm Mỹ lúng túng. Deferre hứa là khi trúng cử sẽ tức khắc đi đến Washington hỏi ý các đồng minh trước khi quyết định đường lối chính trị của mình !

Paris nghĩ là sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Nam-Việt Nam và sự hăm doạ leo thang chiến tranh trong một kỳ hạn ngắn có thể là những quân  bài chủ của Tây phương nếu – và chỉ nếu – đặt mục đích tối hậu là thương lượng. Sự hoà hoãn của Liên Xô có thể giúp ích cho việc đó. Là siêu cường quân sự độc nhất ở Thái Bình Dương, Mỹ phải đối đầu với thế lưỡng nan của một cuộc chiến tranh với Trung Quốc mà Mỹ vẫn coi như là một cường lực thuộc thủa sơ khai, hung bạo, hiếu chiến và nuôi óc bành trướng. Nhưng để tránh một kịch bản chiến tranh, đổi lại với một sự cam kết rõ ràng là Việt Nam Dân chủ Cộng hoà sẽ tôn trọng một thứ trung lập nào đó, Paris tin chắc là Mỹ có thể điều đình thẳng thắng  với cả hai, Việt Nam dân chủ Cộng hoà và Trung Quốc..

Nếu khó mà có thể nghi ngờ thái độ hoà hoãn của Liên Xô cho tới đầu năm 1965, thì cho tới bây giờ vẫn khó mà biết được ý của Trung Quốc về những đề nghị đàm phán của Pháp. Trong số các nhà sử học có người khẳng định là, với mục đích loại trừ những kẻ thù theo ” chủ nghĩa xét lại “, Mao nghĩ đến chiến tranh nhiều hơn là hoà bình, nhất là sau chuyện vịnh Bắc bộ. Nhiều người khác lại nhắc lại là CHNDTQ đã khuyên Hà Nội thận trọng trước những gây hấn của Mỹ vì Trung Quốc thật sự sợ bị lôi cuốn vào một cuộc đối đầu trực tiếp với Mỹ. Ít nhất là tới đầu năm 1965, Trung Quốc khuyên đồng minh của mình nên để ngỏ cửa cho sự điều đình.

Phân tích lập trường của Hà Nội cũng ngần ấy khó khăn :Các nhà lãnh đạo VNDCCH, một mặt muốn mở cửa điều đình với những thủ lãnh mới của Sài Gòn, một mặt, ngay từ tháng 12- 63, đưa ra quyết định tăng cường áp lực quân sự tại miền Nam. Bộ Chính trị đảng Lao Động có vẻ chia rẽ : nhiều nhân vật như Hồ Chí Minh, Phạm Văn Đồng và có lẽ cả tướng Giáp tán thành giải pháp trung lập  miền Nam để tránh một cuộc chiến tranh lâu dài và ác nghiệt. Tuy nhiên với sự vươn lên của Lê Duẩn trong lúc sức khoẻ của Hồ Chí Minh bắt đầu suy đồi, bộ Chính trị đã bị bẻ theo hướng thân Trung Quốc. Tiếp theo là một làn sóng thanh trừng trong nội bộ Đảng, trong giới trí thức và sinh viên. Chỉ mấy tuần sau, bộ Chính trị chuẩn y gửi những đơn vị tác chiến đầu tiên của QĐNDVN vào miền Nam. Bắc Việt cũng bắt đầu phải tập sự ngoại giao làm sao giữ được thăng bằng giữa 2 cường quốc địch thủ cùng trong phe cộng sản. Bắc Việt cũng không muốn trở lại bàn hội nghị nữa vì cảm thấy là nạn nhân của Hội nghị Genève năm 1954. Đại sứ Mai Văn Bộ bộc lộ rõ ràng mối oán giận của các nhà hữu trách VNDCCH đối với Bắc Kinh và sự ngờ vực đối với Paris, khi phê phán : ” Ở Genève chúng tôi đâu có nhờ người Trung Quốc thương lượng. Họ đã chiếm chỗ của chúng tôi “. Lý Văn Sáu, cựu đại biểu phái đoàn Giải phóng miền Nam trong hội đàm Paris cũng nói lại là nhiều người Việt coi Hội nghị Genève là một bức chế.

Ý chí muốn xích lại gần Hà Nội

Ngày 1-7-65, Mai Văn Bộ khẳng định với Nanac’h, giám đốc Á châu sự vụ bộ Ngoại giao là chính phủ của ông muốn bình thường hoá quan hệ ngoại giao với nước Pháp. Ngày 24- 1-66, Hồ Chí Minh gửi một lá thư cho tướng De Gaulle yêu cầu De Gaulle dùng ” uy thế của mình  để làm ngưng lại cho kịp thời những âm mưu nham hiểm mới của Mỹ ở Việt Nam và ở Đông Dương “. De Gaulle viết thư trả lời ” chủ tịch Hồ Chí Minh ” ngày 8-2. Ngày 15, bức thư trả lời được chính thức đăng trên báo chí với những lời lẽ rất hoà giải và lễ độ làm  ngạc nhiên và bực mình những giới có liên hệ với Nam-Việt Nam.

Không chỗ nào mà những lời chỉ trích sự can thiệp của Mỹ ở Việt Nam được giới truyền thông nói tới nhiều bằng trong bài diễn văn Phnom Pênh. Nếu 73% dân Pháp đồng ý với nội dung bài diễn văn đó thì cũng có nhiều chính khách, nhà báo, nhà ngoại giao tiếc là De Gaulle chỉ cáo giác một bên là Mỹ và như vậy khó có thể đứng làm trung gian giữa 2 bên được. Mendès France cho bài diễn văn vô ích, không thực tế. Tuy Mendès France cùng quan điểm với De Gaulle về cách hay nhất để làm mất sự sợ hãi giữa Mỹ và Trung Quốc là trung lập hóa toàn thể Đông Nam Á, Mendes France khác De Gaulle về phương cách : cho cách hay nhất là De Gaulle nên đi thẳng đến Hà Nội, Washington hay  Bắc Kinh để trình bày những đề nghị của mình ngõ hầu làm giảm bớt những nghi ngờ và những đối kháng.

Báo chí Trung Quốc im hơi lặng tiếng về cuộc viếng thăm Cam Bốt của De Gaulle vì các nhà lãnh đạo CHNDTQ coi Hiệp định Genève là đã lỗi thời trong khi De Gaulle vẫn muốn dựa vào nó.

Sainteny móc nối một đường dây cho tương lai

Sainteny, tổng trưởng bộ Cựu chiến binh trong nội các Pompidou từ 1962 đến 1966 được De Gaulle tin cậy vì là người đã tham dự nhiều về công chuyện Việt Nam và thỉnh thoảng vẫn có liên lạc  với những nhà ngoại giao người Việt và người Mỹ công cán ở Paris. Ông nói với người Mỹ là Việt Nam thống nhất có lợi cho Tây phương : ” biên thùy ” Nam Bắc được mở, những thành phần không cộng sản trong nước sẽ được lợi thế vô kể vì, theo kinh nghiệm của ông khi còn ở Hà Nội, đa số người dân miền Bắc không thích hệ thống cộng sản.

Cũng vì De Gaulle biết Sainteny được các lãnh tụ cao cấp Bắc Việt như Hồ Chí Minh, Phạm Văn Đồng mến chuộng nên ngày 24-2 ông được De Gaulle trao cho một bức thư cầm tay cho chủ tịch nước VNDCCH, nói là De Gaulle muốn có những tiếp xúc mới và chỉ giữa 2 người với nhau.

Sainteny được Nguyễn Duy Trinh, bộ trưởng ngoại giao, phó thủ tướng tiếp ngày 4-7, và sau đó được chính thủ tướng Phạm Văn Đồng tiếp. Ngày hôm sau 5-7, Sainteny được tiếp chuyện riêng chỉ giữa 2 người với Hồ Chí Minh ở Chủ tịch phủ. Cảm tưởng của Sainteny là chủ tịch VNDCCH không còn giữ quyền chính nữa mà giao phó cho Phạm Văn Đồng. Hồ Chí Minh có vẻ thất vọng về bức thư của De Gaulle. Tuy không có ảo tưởng gì về những lời khuyên của mình, Sainteny cũng cảnh giác những người đối thoại về hậu quả của một cuộc tranh đấu đến tận cùng, có thể làm lụn bại Việt Nam hay làm Việt Nam rơi hoàn toàn vào quĩ đạo Trung Quốc.  Rút cục những cuộc hội đàm với Hồ Chí Minh, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Duy Trinh, có vẻ hữu ích cho mối bang giao Việt – Pháp nhiều hơn là tìm được một giải pháp ngoại giao ..

Ảnh hưởng của Bắc Kinh bao trùm Hà Nội lúc đó. Bắc Kinh thúc đẩy tiếp tục chiến tranh để hưởng lợi : Mỹ bị thua một nước nhỏ, sẽ mất hết uy tín ở phương Đông, bang giao giữa Washington và Moscou sẽ bị lục đục, sự tùy thuộc Bắc Kinh về viện trợ sẽ mỗi ngày một lớn. Nhưng cái khốc liệt nhất là các nhà lãnh đạo Trung Quốc đang mở những cuộc thanh trừng các tầng lớp tư sản, trí thức, sẽ tiếp tục đem chiến tranh Việt Nam ra để biện bạch.

Tuy nhiên khi Sainteny gặp Phạm Văn Đồng lần thứ hai, lần đầu tiên Phạm Văn Đồng nói sẽ ngưng xâm nhập nếu Mỹ ngừng thả bom. Bộ Ngoại giao Mỹ không giấu nổi sự ngạc nhiên và bằng lòng. Dean Rusk ra huấn thị cho đại sứ Mỹ gặp Sainteny để làm sáng tỏ những câu nói của Phạm Văn Đồng. Một ủy ban đàm phán do Averell Harriman cầm đầu ủy nhiệm Giáo sư Henry Kissinger, ngôi sao đang lên của Washington và cũng là chỗ quen biết của vợ Sainteny, Claude Dulong, lo việc này. Kissinger gặp Sainteny ngày 13-6-1966 trước khi ông trở lại Á Đông.

Nói tóm lại Sainteny đã không trở về với 2 bàn tay trống. Cuộc viếng thăm Hà Nội của ông đã cho toà Bạch ốc thấy ông là người trung gian có tiềm năng. Toà Bạch Ốc tưởng đã gạt bỏ được mãi mãi vai trò trung gian của chính phủ Pháp sau bài diễn văn Phnom Penh.

Một đường dây đầy hứa hẹn : Pennsylvania

 Pennsylvania là mật mã của một đuờng dây bí mật trong đó có tên của 2 người Pháp không thuộc ngành  ngoại giao bên cạnh tên của giáo sư Kissinger : Hebert Markovich và Raymond Aubrac. Marcovich là một nhà vi sinh vật học thuộc viện Pasteur Paris, Aubrac là nhân viên cao cấp của FAO ( Tổ chức Liên Hiệp Quốc về thực phẩm và canh nông ). Aubrac được mời vào đường giây này vì là cựu kháng chiến và là chỗ thân tình của Hồ Chí Minh. Hai sứ giả Pháp được Henri Kissinger nhờ nhắn tin với Hà Nội là chính phủ Mỹ sẵn sàng ngừng ném bom Bắc Việt với điều kiện là VNDCCH không tăng cường thâm nhập Nam Việt. Kissinger nhấn mạnh chữ ” ngưng tăng cường thâm nhập ” thay vì ” ngưng thâm nhập “.

Tới Hà Nội ngày 21-7 hai trung gian Pháp được bác sĩ Phạm Ngọc Thạch đón tiếp, lấy cớ để tái lập sự liên lạc giữa viện Pasteur Paris và viện Pasteur Hà Nội. Ngày 24, 2 người được gặp Phạm Văn Đồng. Marcovich đưa tin của Kissinger cho thủ tướng VNDCCH. Aubrac nói thêm vào là vấn đề kiểm soát sự thâm nhập phải được giải quyết và Mỹ hoan nghênh những đề nghị của Hà Nội. Thủ tướng hỏi ” Làm sao họ biết được chúng tôi ngừng thâm nhập ?” Marcovich trả lời là với máy bay trinh thám có thể kiểm soát được một phần.

Buổi chiều Aubrac được Hồ Chí Minh tiếp. Sau 15 phút hàn huyên về gia đình Aubrac mà Chủ tịch biết rất rõ từ khi còn ở nhà Aubrac năm 1946, Hồ Chí Minh bắt đầu bằng một bài thuyết trình về lịch sử, địa dư và địa lí chính của cuộc chiến tranh, rồi Hồ Chí Minh trở lại những câu chuyện thường và có ý nói là những chi tiết về thuơng lượng đều do thủ tướng Phạm Văn Đồng nắm giữ.

Ngày hôm sau 2 người gặp lại Phạm Văn Đồng. Ông lập lại với 2 người là ngưng chiến đòi hỏi phải ngưng thả bom vô điều kiện, vô thời hạn và Mỹ phải rút quân khỏi Việt Nam. Marcovich ngắt lời và có ý cho là thiếu thực tế. Phạm Văn Đồng đành phải nói rõ ràng : Quân đội Mỹ có thể ở lại cho tới khi đạt được một thoả hiệp chính trị ở Nam Việt. Nếu cần phải bàn bí mật thì bàn tuy không thích hội đàm bí mật ( chỉ giữa Mỹ và Bắc Việt ). Không cần phải có sự tham dự của GPMN khi những vấn đề được đem ra bàn không dính dáng gì tới Nam-Việt Nam.

Khi trở về Paris, Aubrac và Marcovich vội vã tường thuật cho Kissinger nghe. Những lời nói của Phạm Văn Đồng được Washington cho là thực tế và khích lệ : đàm phán bí mật, không có sự hiện diện của GPMN,  quân đội Mỹ vẫn có thể ở lại miền Nam cho đến khi những vấn đề chính trị được giải quyết, thành lập một chính phủ liên hiệp trong đó có.những nhân vật của chính phủ Sài Gòn.

Một lần nữa toà Bạch Ốc đã không cho là cần thiết phải giảm bớt nhịp độ thả bom miền Bắc song song với sự tiến bộ đạt được của đường giây Paris. Rội bom  ác liệt nhất trong chiến dịch Rolling Thunder là từ ngày 20 đến 23-8. Chính phủ VNDCCH từ chối tiếp thư của các sứ giả Pháp gửi cho Mai Văn Bộ. Đường giây bị tắt ngấm.

Sự trỗi lên của đường dây Manac’ h

Tháng 10-1967, Manac’h nhận lời Mỹ đóng vai trò trung gian không chính thức giữa sứ quán Mỹ ở Paris và tổng đại diện VNDCCH để chuyển vận thư tín và thúc gấp cuộc đối thoại. Manac’ h nhận được khẳng định của Bộ ngày 8-12 : ” Nếu Mỹ ngưng thả bom, sẽ có thể có những cuộc hội đàm “. Manac’ h nói với Bộ là vì vấn đề tâm lí đối với dân Mỹ, cần phải nói rõ ràng hơn, khẳng định hơn, như ( “những cuộc hội đàm sẽ  diễn ra… ). Ngày 29-12 một bản tuyên bố của Nguyễn Duy Trinh bằng tiếng Pháp được phổ biến với những động từ được chia ở Thì tương lai, không chia ở điều kiện thức ( lnd : conditionnel trong văn phạm Pháp) nữa : Sau khi ngưng thả bom vô điều kiện (…) VNDCCH sẽ bắt đầu những cuộc nói chuyện với Hoa Kỳ về những vấn đề có liên quan…” Mai Văn Bộ khẳng định với Manac’ h là bản tuyên bố hoàn toàn có tính cách chính thức và từ ngữ ” ngưng thả bom vô kỳ hạn “đã được bỏ đi. Về thời gian từ khi ngưng thả bom đến khi mở cuộc hội đàm, Bộ nói rõ : ” VNDCCH mở cuộc đàm phán ngay khi sự ngưng thả bom được thực hiện ”

Hai địch thủ có vẻ đi gần nhau về những điều kiện được đòi hỏi để mở cuộc hội đàm.

Chọn Paris làm chỗ hội đàm hoà bình

Ngày 20-1 1968, giáo sư Roussel chủ tịch hội Y giới Việt-Pháp, 3 ngày trước khi đi công tác y tế ở Hà Nội, được mời tới điện Élysée để De Gaulle trao cho một nhiệm vụ bí mật là thăm dò phản ứng cúa thủ tướng VNDCCH, không những về sự tăng cường quan hệ Việt-Pháp sau bài diễn văn Phnom Pênh, mà còn về sáng kiến của De Gaulle là mở những cuộc hội đàm sơ bộ về hoà bình ở Paris. Khi được Phạm Văn Đồng tiếp kiến, Phạm Văn Đồng phát biểu ” Ông nói với tướng De Gaulle là tôi đón nhận mọi ý kiến. Trái banh ở bên tướng De Gaulle “. Qua câu trả lời, Điện Élysée coi là đã nhận được sự ưng thuận mặc nhiên của chính phủ Bắc Việt về ý tưởng một hội nghị tương lai ở Paris bàn về hoà bình Việt Nam.

Theo CIA, điện Élysée muốn chắc chắn có được sự hỗ trợ của cả hai chính phủ Việt Nam về sự chọn lựa Paris, nên đã nhờ một người trung gian kín đáo trao cho chính phủ Nam Việt một bức thư về sự lựa chọn này. Tuy không biết danh tính của người trung gian này, nhưng chắc cũng phải là một nhân vật quan trọng mới tiếp xúc được với những nhân vật cao cấp của chế độ như Nguyễn Văn Hiếu, cố vấn chính trị, anh của tổng thống Thiệu, nhiều tổng trưởng trong đó có tổng trưởng ngoại giao Trần Văn Đỗ và đại sứ Sài Gòn ở Mỹ. Người trung gian cũng nói riêng với một nhân viên CIA là cuộc thăm viếng nhằm mục đích muốn soi sáng tổng thống Thiệu và những cố vấn của ông về thái độ của De Gaulle và của những nhà hữu trách chính trị Pháp đối với chính phủ Nam Việt và về những diễn tiến chính trị trong sự quyết định của Bắc Việt khi chấp thuận những cuộc thương lượng. Người trung gian cũng biện bạch cho sự xích lại gần Hà Nội của Paris là muốn cân đối ảnh hưởng của Trung Quốc cộng sản và chính phủ Pháp vẫn quyết tâm giúp chính phủ Nam Việt bằng mọi phương tiện có thể được, vì có trách nhiệm tinh thần với những người Việt Nam chống cộng đã chiến đấu cho và với người Pháp. Người trung gian cũng nói hi vọng cuộc hội đàm diễn ra khi Hồ Chí Minh còn sống chứ không với Lê Duẩn hay với Trường Chinh. Chính phủ Pháp cũng cho quyết định hội đàm của Hà Nội là một hành động can đảm trước những áp lực của Bắc Kinh chống cuộc hội đàm.

Hoàn toàn là tình cờ hay là kết quả của đường giây bí mật này? Trong một cuộc phỏng vấn dành cho báo Evening Star ngày 23-4, Trần Văn Đỗ khẳng định là Nam-Việt Nam không bác bẻ sự chọn lựa Paris làm nơi hội đàm sơ bộ giữa các nhà ngoại giao Mỹ vả Bắc Việt, và ngay cả cho những cuộc hội đàm sau này nếu mang lại kết quả. Bắc Việt và Nam Việt đều có quan hệ ngoại giao với nước Phàp và các nhà ngoại giao Nam Việt có thể đóng vai trò quan sát viên của mình một cách tự do.

Kết luận

 Ngày 24-4-69, tướng De Gaulle lấy cớ không được tín nhiệm trong một cuộc trưng cầu dân ý, từ chức. Từ sau biến cố tháng 5-68 ông đã nhất quyết sửa soạn ra đi để bảo toàn phẩm giá cho mình. Ông chỉ chờ cơ hội..

Khi ông đưa ra một giải pháp để thay thế sự can thiệp quân sự của một cường quốc có quân lực mạnh nhất thế giới, khi ông cố gắng đẩy xa chiến tranh lạnh ở những nước Đông Nam Á bị tù túng trong những liên minh, rồi thúc gấp mở ra những cuộc đàm phán, phải chăng De Gaulle đã góp phần cho sự thăng bằng thế giới ?

Đường lối chính trị của De Gaulle đã đưa tới sự hòa giải biểu tượng với Việt Nam mà không chối bỏ tình hữu nghị với Hoa Kỳ. Những giá trị chung giữa các nền văn minh được công nhận và được đặt lên trên những tách biệt về lí tưởng và những khủng hoảng từ đó mà ra. Sự thừa nhận những giá trị đó đến từ một người đã biết tự nhận những lỗi lầm của mình để từ đó đã rút tỉa được những bài học tích cực. Một người biết chấp nhận tầm vóc bi kịch của Lịch sử.

© Phong Uyên

© Đàn Chim Việt

27 Phản hồi cho “Pierre Journoud: De Gaulle và Việt Nam (1945- 1969)”

  1. NON NGÀN says:

    NGƯỜI VIỆT NAM NÊN NHÌN ĐÚNG VỀ LỊCH SỬ VIỆT NAM TRONG THỜI KỲ CẬN VÀ HIỆN ĐẠI

    Rõ ràng nếu không có sự hiện diện của Pháp ở VN ngay từ đầu khi họ biến VN thành thuộc địa của Pháp, chắc chắn cũng không có cuộc cách mạng mùa thu năm 1945. Mà không có sự hiện diện đó của Pháp, sau này làm sao có sự hiện diện của Mỹ. Mà nếu không có học thuyết Mác xít, cũng chưa chắc có cuộc cách mạng cs năm 1945. Nhưng nếu không có mặt của Liên Xô và Trung Quốc trong lịch sử, cũng chưa chắc có mặt của nước VNDCCH trong lịch sử. Mà nếu các xâu chuỗi như trên đều không có, cũng làm gì có VNCH hay Ngô Đình Diệm. Tuy nhiên trước đó thì việc vua Duy Tân hiện hữu bị Pháp bắt đi đày rồi vua Duy Tân bị tử nạn máy bay khi đang trên đường về nước sau khi đã có mọi cuộc diện liên quan của VN lại là điều có thật. Như vậy hoàn cảnh của VN quả thật không thể tách rời được với hậu quả của thời thuộc địa, không thể tách rời được với hệ quả của cuộc đối đầu quốc tế giữa chủ nghĩa cs và chủ nghĩa tư bản. Mọi cái xảy ra nhỏ hơn đều chỉ là sản phẩm, là hệ lụy, là hậu quả những các cái lớn bao trùm chung hết đó. Mọi biến cố nội địa trong suốt thời kỳ dài đó từ nam chí bắc ở VN sau thời kỳ thế chiến thứ hai kết thúc, đều không đi ra ngoài các hệ lụy của điều kiện quốc tế liên quan vào lúc đó như đã thấy. Đó có thể nói là kiểu nồi xôi đậu đã được nấu qua lịch sử. Không phải chỉ có nếp không, mà cũng không phải chỉ có đậu không. Còn người nấu, người thổi lửa và kể cả người bới ra, có khi không chỉ thuần người nào mà có nhiều yếu tố con người đã có mặt trong đó. Đó chính là ý nghĩa lịch sử đã từng có ở VN trước đây và cho mãi tới ngày nay. Tương lai không thoát ly hoàn toàn được hiện tại, hiện tại không thoát lý được hoàn toàn quá khứ của VN chính là thế. Đó cũng chính là định mệnh hơi khác thường mà khiến VN ngày nay cũng thật sự không hoàn toàn giống ai, tức không hoàn toàn giống một nước bình thường nào trên toàn thế giới. Đó cũng chính là điều mà mọi người VN nghiêm túc, sáng suốt, có hiểu biết phải nhìn đúng đắn về lịch sử cận đại của đất nước mình. Còn nếu chỉ theo tuyên truyền, hoặc lệch lạc theo cảm tính, theo khuynh hướng riêng tư, cạn hẹp hay tối tăm, bị che mờ nào đó theo hướng này hay hướng khác lại là chuyện khác. Có nghĩa luôn phải có cái nhìn bao quát, đại tượng hoặc vĩ mô về tất cả những gì đã xảy ra cho đất nước cho tới nay, còn nếu chỉ có cái nhìn theo kiểu quần chúng tầm thường hoặc chỉ kiểu nhìn cực đoan nào đó theo nhãn quan hạn hẹp hoặc chủ quan riêng đều không hữu ích, khách quan hoặc sáng tỏ.

    NGÀN KHƠI
    (27/8/13)

    • Nguyễn Trọng Dân says:

      Ngàn Khơi chắc là Đại Đệ tử của trường phái Văn Chương ” HUỀ VỐN ” !

      Để cho bà con đở mất thì giờ , Qua mạn phép tóm lượt phản hồi của Hàn Lâm Đại Học Sĩ Ngàn Khơi như sau :

      HIỆN TẠI LÀ HỆ LỤY CỦA QUÁ KHỨ, TƯƠNG LAI LÀ HỆ LỤY CỦA HIỆN TẠI. Xin bà con cô bác nhớ đến điều này khi nói, nghĩ & viết về sử Việt; chớ đừng nói, nghĩ & viết về Sử Việt theo tuyên truyền , hay theo cảm tính nhỏ nhen hạn hẹp cực đoan của riêng mình . Chấm hết !

      Đúng là Huề Vốn , không lổ không lời ( hoặc là lời… chút chút thôi !)

      Kính

  2. says:

    Người dịch :
    “Lẽ ra theo đúng kế hoach thì phải bớt lần lần số nhân viên quân sự Mỹ từ 14 ngàn xuống còn 1500 cuối năm 1965. Trước sự từ chối của Diệm không chịu cho Mỹ tăng cường sự hiện diện quân sự của Mỹ”
    (ngưng trích )

    Theo lời kể của cựu bộ trưởng quốc phòng Mỹ Robert McNamara (từ trang 51-87 trong Retrospect, The tragedy and lessons of Vietnam, chương 3 The fateful fall of 1963) thì McNamara đề nghị với Kennedy chương trình rút dần quân Mỹ (16,000 người, hầu hết là cố vấn) về nước từ cuối 1963, bắt đầu rút 1,000 cho tới cuối 1965 thì rút hết, lý do tình hình an ninh miền Nam tương đối ổn định.
    Kennedy chấp thuận và ra thông báo sẽ rút từ từ, ông cho biết người Mỹ chỉ huấn luyện cho miền nam VN, người VN phải tự bảo vệ đất nước.
    Hoàn toàn không có chuyện Mỹ đòi tăng thêm quân hay đòi đổ quân vào như người ta đồn

  3. says:

    “Lẽ ra theo đúng kế hoach thì phải bớt lần lần số nhân viên quân sự Mỹ từ 14 ngàn xuống còn 1500 cuối năm 1965. Trước sự từ chối của Diệm không chịu cho Mỹ tăng cường sự hiện diện quân sự của Mỹ”
    (ngung trich’)

    Theo lời kể của cựu bộ trưởng quốc phòng Mỹ Robert McNamara (từ trang 51-87 trong Retrospect, The tragedy and lessons of Vietnam, chương 3 The fateful fall of 1963) thì McNamara đề nghị với Kennedy chương trình rút dần quân Mỹ (hầu hết là cố vấn) về nước từ cuối 1963, bắt đầu rút 1,000 cho tới cuối 1965 thì rút hết, lý do tình hình an ninh miền Nam tương đối ổn định.
    Kennedy chấp thuận và ra thông báo sẽ rút từ từ, ông cho biết người Mỹ chỉ huấn luyện cho miền nam VN, người VN phải tự bảo vệ đất nước.
    Hoàn toàn không có chuyện Mỹ đòi tăng thêm quân hay đòi đổ quân vào như người ta đồn

  4. Minh Đức says:

    Trích: ” Lẽ ra theo đúng kế hoach thì phải bớt lần lần số nhân viên quân sự Mỹ từ 14 ngàn xuống còn 1500 cuối năm 1965. Trước sự từ chối của Diệm không chịu cho Mỹ tăng cường sự hiện diện quân sự của Mỹ… Triển vọng quân đội Mỹ tới làm cả hai bên đều sợ”

    Trong đoạn trên, số nhân viên quân sự 14 ngàn đó là cố vấn quân sự không phải là quân đội. Vì thế đoạn sau viết là “Triển vọng quân đội Mỹ tới…” là không phù hợp với đoạn trước.

    Đoạn văn trên có nghĩa là lúc đó Mỹ chỉ có cố vấn quân sự và Mỹ thấy tình hình bất ổn nên không giảm bớt số cố vấn quân sự.

    Đoạn trên cho thấy ý đồ của người Mỹ là luôn luôn muốn rút cố vấn quân sự về, giảm giúp đỡ về quân sự cho Việt Nam. Không phải là người Mỹ muốn đưa lính qua Việt Nam để đánh chiếm miền Nam. Việc Mỹ thấy không thể rút cố vấn quân sự đi là vì CS gia tăng hoạt động. Chính sự gia tăng hoạt động của CS khiến cho Mỹ không thể rút hết cố vấn quân sự ra khỏi miền Nam. Vì thế CS nói là vì Mỹ xâm lược, muốn đem quân qua Việt Nam nên CSVN phải “chống Mỹ cứu nước” là nói chuyện ngược đời. Lúc đó CSVN chỉ cần ngưng tấn công miền Nam thì Mỹ sẽ hoàn toàn rút hết cố vấn quân sự ra khỏi miền Nam. Chính CSVN là kẻ làm cho Mỹ phải can thiệp quân sự vào miền Nam, không phải là vì Mỹ can thiệp vào miền Nam mà CSVN mới đánh.

    CSVN luôn nói ngược ngạo giống như chính CSVN là kẻ đem chính trị vào tôn giáo nhưng lại nói các tu sĩ tranh đấu cho tôn giáo đừng bị CSVN đem chính trị vào là những người tu hành mà đi làm chính trị. Kẻ ăn cướp đi tố cáo người bị cướp là ăn cướp.

  5. Góp ý với Phong Uyên says:

    1-Tôi nghĩ đây chì là bản lược thuật, tóm tắt cuốn sách thì đúng hơn là lược dịch, cuốn sách dầy trên 500 trang nếu lược dịch thì ít ra cũng phải 100 trang hay hơn 100 trang. Tôi nghĩ nên đề là bảng tóm tắt cuốn sách thì đúng hơn.
    Một cuốn sách 540 trang tham khảo hàng nghìn tài liệu là chuyện thường không có gì to tát cả, cuốn Bên Thắng cuộc của Huy Đức, cuốn Nhân Văn Giai Phẩm của Thụy Khê… mới in gần đây cũng tham khảo hằng trăm, hàng nghìn tài liệu. Một bài biên khảo đăng trên các báo, trên mạng thường là tham khảo hàng chục tài liệu hoặc hơn thế.. tài liệu thì vô số nhưng vấn đề là tìm được tài liệu thật, khả tín, nếu dùng tài liệu sai, dở thì tác phẩm khó mà trung thực. Các khó là khai thác tài liệu sao cho hay để tìm ra những nhận định mới, trung thực

    2- Phong uyên nói ”. Qua câu nói ấy tôi tin chắc là nếu Duy Tân còn sống sẽ không có Hội nghị Geneve chia đôi đất nước.”
    Tôi thấy PY nói quá đơn giản không thể bàn được.

    3- Về Ông Thích trí Quang thì tôi không có ý kiến, tại miền nam VN trước 1975 có hai nhân vật mang nhiều huyền thoại là ông Ngô đình Nhu và ông Thích trí Quang, một người mang nhiều huyền thoại như TT Quang khó mà đem ra phán đoán
    Chuyện ông Diệm Nhu bị giết người ta thêu dệt nhiều khó mà biết đâu là hư là thật, nếu muốn biết thêm tôi đề nghị đọc trong In Retrospect, The Tragedy and Lessons of Vietnam, Chương 3 The Fateful Fall of 1963, từ trang 51 tới 87, tác giả McNamara cựu bộ trưởng quốc phòng Mỹ .

    PY nói
    Ông DIệm ông Nhu bị giết vì muốn thỏa hiệp với GPMN để tránh cho đất nước khỏi sự khống chế của Mỹ?

    Nói như thế là theo luận điệu CS, người Mỹ giúp miền nam VC chống phong trào CS quốc tế xâm lược sao lại gọi là khống chế?
    Người Mỹ vào VN giúp miền nam chống cộng mà còn đem tiền của giúp VN, không như người Pháp vào VN chỉ để bóc lột, thu thuế theo chính sách thuộc địa lỗi thời.

    4- PY nói Mỹ ký Hiệp định Paris để bỏ miền nam nghe đơn giản quá: Nước Mỹ không phải chỉ có một quyền lực, khong phải ông Nixon ký HĐParis là để bỏ miền nam VN. Nước Mỹ có hai, ba quyền lực : Hành Pháp và Lập Pháp và người dân, thường là đối chọi nhau, nước Mỹ có 2 đảng Dân chủ và Cộng hòa khống chế nhau, chống nhau công khai. Ông Nixon (CH) ký HD Paris 1-1973 nhưng vẫn dự trù bảo vệ miền nam bằng B-52 và viện trợ quân sự cho quân đội VNCH để tự vệ (Nixon, No more Vietnams, trang 189) nhưng Dân chủ nắm Quốc hội (55% cả thượng, hạ viện) đã vô hiệu hóa mọi nỗ lực của Nixon, nếu nói Mỹ (Nixon) ký Hiệp định Paris bỏ rơi miền nam thì chỉ là đoán theo bề ngoài

    Nếu nói là Pháp giúp Mỹ thành lập Hội nghị Paris thì quá chủ quan, Mỹ không họp tại Paris thì họp tại Luân Đôn, Tokyo, Tân dề ly.. thiếu gì chỗ họp

    PY nói
    “và Pháp chỉ giúp Mỹ đỡ mất thể diện và cố gắng giữ miền Nam được phần nào hay phần ấy mà không được.”

    Nước Pháp chỉ là một nước nhỏ làm gì mà giúp Mỹ đỡ mất thể diện? hồi thế chiến thứ hai đánh nhau với Đức quốc xã có hai tuần thì dơ tay hàng, đâu còn là cường quốc, đánh nhau với Việt Minh thua Điện biên phủ 1954 vì hỏa lực quá yếu, chính Navarre trong Agonie de l’indochine phải thú nhận thế.

    Riêng 1954 Mỹ đã gánh 78% chiến phí tại Đông dương cho Pháp (The Pentagon Papers Volum 1, Chapter 2) quân Pháp tại Đông Dương ngày càng suy yếu so với Việt Minh cả về chủ lực quân lẫn hỏa lực. Trang 42 Agonie de l’indochine, Tướng Navarre cho biết Việt Minh có một lực lượng chính qui tương đương 9 sư đoàn , trong khi Pháp chỉ tương đương 3 sư đoàn , (trang 43).. Navarre nói chính phủ Pháp không đủ tiền, đánh nhau theo chiến lược rẻ tiền (faire la guerre au rabais). Thua Điện biên vì không có tiền ! chính Navarre công nhận thế , cứ đọc Agonie de l’indochine thì rõ

    Chiến tranh Đông dương lần thứ nhất (1946-54)cũng như lần thứ hai (1960-75) do Mỹ chủ động, Pháp lấy tư cách cái gì mà đòi đứng ra giải quyết?
    Chúng tôi là lớp người cũ, chịu ảnh hưởng văn hóa Pháp, trước 1975 có học giáo sư Pháp, có tiếp xúc người Pháp nhưng cũng chẳng biết nhiều về De Gaulle, cũng chẳng quan tâm nhiều vì ông cũng chẳng làm đươc trò trống gì cho VN, cho thế giới

  6. Phong Uyên says:

    Trả lời phản ứng của một số bạn đọc :

    1) Tôi xin lỗi đã dùng sai từ “luợc dịch” có thể gây hiểu lầm : Sở dĩ tôi dùng Từ này vì đây là một cuốn luận án tiến sĩ được in thành sách. Luận án dày 543 trang trong đó có gần 100 trang dành cho phần thư liệu, tài liệu lưu trữ trong 3 nước có liên quan đến Việt Nam là Pháp, Mỹ và Canada (Ủy hội Quốc tế). Thử tưởng tượng mỗi trang trong phần thư liệu liệt kê trung bình 25 tài liệu thì thấy là tác giả luận án đã phải tham khảo hơn 2000 tài liệu mới thực hiện được luận án này. Đó là lí do vì sao bản luận án được giải thưởng Duroselle. Một cuốn sách dày như vậy tất nhiên là người dịch chỉ có thể trích dịch những đoạn nói đến những sự kiện mà người dịch cho là rất quan trọng cho sự hiểu biết của mình và dịch sao cho thật chính xác đúng với ý của người làm luận án chứ không phải chỉ tóm tắt và diễn giảng theo ý mình.

    2) Có bạn đọc cho là cuốn sách (tức là bản luận án) được viết để ca tụng De Gaulle và cho vua Duy Tân là người thân Pháp và De Gaulle muốn dùng vua Duy Tân để chống lại Hồ Chí Minh : tôi chỉ xin nhắc lại là ngay đến người Việt trong nước trước ngày cướp chính quyền 19-8-45 chả ai biết HCM là ai thì làm sao De Gaulle biết được HCM là ai mà cho là De Gaulle muốn dùng vua Duy Tân để chống lại HCM? Cho đến tháng 5 năm 1945 Pháp vẫn còn bị Đức chiếm đóng và De Gaulle vẫn còn bị chính phủ Pháp thân Đức dưới quyền Pétain coi là kẻ phiến loạn thì De Gaulle lo cho thân mình chưa xong còn lo được cho ai? Vua Duy Tân theo kháng chiến chống lại chính phủ Pháp thân Đức ngay từ khởi đầu năm 1940 bị chính phủ này bắt cầm tù và sai khi được giải thoát tiếp tục theo Đồng Minh chống Phát xít từ là một chuẩn úy lên đến chức thiếu tá tiểu đoàn trưởng, không bao giờ là tay sai của Pháp cả. Tôi chỉ cần nhắc lại câu nói gần như tiên tri của vị vua yêu nước này : “… không cần biết mối tương thân đó được thể hiện dưới chế độ nào, cộng sản, xã hội,quân chủ, vương quyền. Cái cốt yếu là tránh cho đất nước bị phân chia từng mảnh một”. Qua câu nói ấy tôi tin chắc là nếu Duy Tân còn sống sẽ không có Hội nghị Geneve chia đôi đất nước.

    3) Tôi chờ đợi phản ứng các bạn đọc về 2 sự kiện khác : Hòa thương Thích Trí Quang là con bài của Mỹ hay là cộng sản nằm vùng? Ông DIệm ông Nhu bị giết vì muốn thỏa hiệp với GPMN để tránh cho đất nước khỏi sự khống chế của Mỹ?

    4) Phần tôi dịch về những đường dây liên lạc để đưa tới Hội Nghị Paris cũng là cốt để chứng minh là Mỹ đã quyết định bỏ rơi miền Nam sau khi Nixon tái lập bang giao với TQ và Pháp chỉ giúp Mỹ đỡ mất thể diện và cố gắng giữ miền Nam được phần nào hay phần ấy mà không được.

    • Lâm Vũ says:

      1. Không phải là “lược dịch” thì đa số cũng nhận ra rồi. Nhưng trích dịch cũng phải có ngoặc kép dẫn giải từng đoạn, nếu không vẫn là tóm lược.

      2. Kết cục của Hiệp định Genève chủ yếu là do Trung Cộng và Hoa Kỳ định đoạt (khác chăng là miền Nam phản đối, còn miền Bắc.. ngậm bồ hòn, vì đã lệ thuộc vào TC từ 1949, để nhờ cậy TC đánh dùm). Do đó, khó mà biết nếu vua Duy Tân không thiệt mạng và trở về cầm quyền thì chuyện gì sẽ xẫy ra.

      3. Chuyện Trí Quang thì thiên hạ bàn nát nước (mà chẳng tới đâu) rồi! Cá nhận tôi, Trí Quang chịu ảnh hưởng của cả hai phia Hoa Kỳ và CS (như “bác”, ông ta nghĩ mình là thên tài.. đi giây, và nhất là mong cho danh ta cả sáng chứ chẳng yêu nưóoc yêu non chi cả). Còn ông Nhu, cho là đúng hay sai, ông cũng chỉ hành xử vì nước non.

  7. TÔ Mã Ý says:

    De Gaulle thông minh, xử dung con bài DUY TÂN chống lại HCM, là hợp lý,
    bởi Vua Duy Tân vang danh là vua yêu nước, tiến bộ, trí thức, và từng trải.
    Vua Duy Tân nếu đem so sánh, cũng như chí sĩ Ngô Đình Diệm 10 năm
    sau, có khác chăng, là ông Diệm thân Hoa Kỳ, và Vua Duy Tân tạm đứng
    với Pháp. Thân Pháp, có phải là lý do thảm tử của Vua Duy Tân chăng?

    Chính vì nhà vua tạm đứng bên phe Pháp, nên cái chết do tai nạn phi cơ tại
    Bắc Phi, tạo ra một nghi ngờ lớn. Bới, nêu là giải pháp Duy Tân thân Pháp,
    thì cái địa bàn Đông Dương mà Mỹ chuận bị có mặt sẽ có nhiều trở ngại
    phải vượt qua, không biết lâu mau thế nào

    Trường hợp vua Duy Tân trên đường hồi loan bị tử nạn bất ngờ, cũng gần
    giống như cái chết bị ám sát tại phi trường của nhà Vua Arabe Seoudite
    ngày 25 March 1975, bởi nhà vua có ý định giúp đỡ tài chánh cho VNCH
    tiếp tục chống CS Bắc Việt khi Mỹ bỏ rơi VNCH..

    Cho nên, khác với sự nhận xét của nhiều người, TMY tôi thấy rằng, VN và
    Đông Dương — khi nhặt lúc thưa, lúc tối khi sáng, lúc mờ khi tỏ —.. vẫn
    nằm trong quyền “chủ động và độc quyền” của Hoa Kỳ.

  8. Củ Lẫn says:

    Vì đây là bài lược dịch (tóm tắt) thì không thể không có diễn giải của người dịch. Tuy nhiên có những diễn giải quá lộ liểu – chỉ không biết là của tác giả hay dịch giả – như những câu:
    - “Cuộc đấu tranh của Ngô Đình Diệm để thành lập một ” lực lượng thứ ba ” chống cộng và chống thực dân lấy được cảm tình những người này” (J.F.Kennedy, Mike Mansfield *)
    - ” Nhu bằng lòng từ chức, bỏ Sài Gòn sống ở Đà Lạt. Nhưng Nhu không chịu rời bỏ Việt Nam vì không muốn mất liên lạc với GPMN” v.v.

    Tóm lại, nếu bài lược dịch này trung thực, thì tôi không hiểu cuốn sách này của Pierre Journoud đưọo ckhen tặng bởi lý do gì?

    (*) Năm 1950, cả hai ông Kennedy và Mansfield đều mới là Dân Biểu (Member of the House of Representavives) – không phải TNS như tác giả – dịch giả viết.

  9. Lâm Vũ says:

    Tôi thực sự không hiểu bạn Thắc Mắc nói LM Cao Văn Luận “nghi ngờ” vua Duy Tân có “tham vọng trở lại VN” có ý nghĩa gì? Tại sao nhà vua chưa bao giờ thoái vị muốn trở về đất nước mình lại là một “tham vọng” đáng nghi ngờ?! Vả lại LM CVL có “nghi ngờ” hay không là ý kiến cá nhân của linh mục, ăn thua gì tới Lịch sử? (Theo tôi nhớ từ cuốn “Bên dòng lịch sử” thì vào thời 45-46, linh mục Cao Văn Luận ủng hộ HCM, có lẽ chẳng biết gì về là lãnh tụ này. Sau nay, khi NĐD trở về nước làm Thủ Tướng, thì ông quay ra ủng hộ NĐD. Đến khi ông Diệm gặp khó khăn chính trị (với Mỹ và “phe” PG ở Huế) thì ông quay ra chống ông Diệm, hay ít nhất không muốn dính gì đến chính quyền của TT NĐD nữa (từc chức Viện Trưởng viện ĐH Huế v.v.).

    Tóm lại, tôi thấy LM Cao Văn Luận chẳng hiểu gì về chính trị (thí dụ về CS) , mà cũng chẳng có lập trường chi ráo mà vẫn thích nói vào nói ra! Nhưng đó là quyền cá nhân ổng, tôi cũng có quyền nhận xét của tôi.

    • Thắc-Mắc says:

      Cảm ơn LV. Bạn viết như thế cũng đúng thôi, tuy nhiên xét về vai-trò của Lm CVL trong suốt các thập-niên 40, 50, 60 – cũng có ảnh-hưởng trên giới sinh-viên VN du học bên Pháp ( ví-dụ, Lm CVL đã vận-động để vua Duy Tân gặp và nói chuyện với những sinh-viên VN du-học này – xem BGLS) trong thập-niên 40, và uy-tín của ông đối với TT NĐD trong những thập-niên sau, thì những ý-kiến của Lm CVL không còn là ý-kiến riêng nữa. Sự nhận-xét (dù suy-đoán) của Lm CVL về vua Duy Tân, sau lần vị vua này lần đầu đến gặp Lm vào ban đêm để – qua uy-tín của Lm CVL – được giới-thiệu nói chuyện với những đại-biểu sinh-viên VN tại Pháp , khiến lúc đọc xong cuốn sách đó, tôi đã suy-nghĩ rằng nếu tập sách – có thể là tự-truyện – của Lm Luận là được viết cách đúng-đắn, với những ý-nghĩ cẩn-trọng, thì thật đáng buồn cho một thần-tượng, một hình-ảnh đẹp của một vì vua yếu nước – vốn đã được lịch-sử VN tô đậm nét. Chính vì vậy khi đọc bài viết này, có khác với nhận-xét của Lm CVL, tôi chợt cảm thấy trút bỏ được sự nặng-nề, nhưng cũng muốn có thêm nhiều tài-liệu chứng-minh để prevail sự suy-đoán của Lm CVL Cảm ơn ý-kiến của LV và Cù Lẫn, tuy chưa làm sáng-tỏ lắm điều tôi mong-ước.

      • Lâm Vũ says:

        Tôi cho là, người tu hành cũng có bổn phận với dân tộc, cứu dân độ thế, nhưng không trực tiếp “làm chính trị”. Cụ thể nếu cha Luận lúc đó khuyên TT Diệm phải đối xử công bằng với mọi tôn giáo thì là điều nên làm. Đằng này, theo lời ngài kể trong hồi ký, ngài khuyên TT Diệm nên cải tổ nội các (thi phe PG Trí Quang mới hài lòng) thì là chuyện không nên, dù chắc hẳn là ngài có ý tốt, muốn hòa giải đôi bên. Tóm lại, với tôi, điều này chứng tỏ là ngài không sáng suốt, cho nên tôi không tin lắm những điều khác do ngài viết ra. Dù sao, viết hồi ký cũng không thể tránh được sự suy luận.
        Kính
        TB. Tôi không nhớ cha Luận viết gì về lần gặp gỡ với vua Duy Tân, nhưng tôi nhớ khá rõ điều ngài kể về ông HCM, tron lần gặp gỡ giữa năm 1946, khi HCM sang Pháp dụ hội nghị Fontainebleau. Cha Luận viết về HCM với sự cảm phục, khiến tôi thất vọng. Để so sánh, Phạm Quỳnh gặp HCM – lúc còn là Nguyễn Tất Thành – ở Pháp, năm 1922, đã có nhận xét rất đúng về con người đó, cũng như về chủ nghĩa CS (viết trong cuốn Pháp Du Hành Nhật Ký). Còn về nua Duy Tân, điều ông muốn làm rõ như ban ngày, chúng ta chấp nhận hay không, nhưng ông đâu có dấu diếm? Tổng Thống De Gaulle cai trị nước Pháp như một ông vua, nhưng ngưòi Pháp có vì thế mà trừ điểm đâu? Ai không thích thì không bầu cho ổng, thế thôi.

  10. Thắc-Mắc says:

    Đọc bài viết này – mà những phản hồi thì rất đa-dạng, phê-bình người dịch có, phê-bình De Gaulle có, khen Mỹ có, v.v…- tôi chỉ thích-thú có một điều : tìm thấy một sự khác-biệt về nhận-định của tác-giả đối với Cựu Hoàng Duy Tân, khi so-sánh với cảm-tưởng – đúng hơn, là suy-đoán – của LM Cao Văn Luận trong ‘ Bên dòng lịch-sử ‘ về vị vua yêu nước này. LM CVL nghi-ngờ rằng vua Duy Tân (xin đọc tài-liệu nói trên) , có thể đã thay-đổi (tư-cách) với tham-vọng trở lại VN, nên LM này sau đó không còn niềm-nỡ với vua Duy Tân và tìm cách xa lánh Ngài (và it lâu sau thì xảy ra tai-nạn máy bay). Nếu điều mà tác-giả viết về vua Duy Tân là có tính-cách thuyết-phục, thì cũng đã giải-đáp mối nghi-ngờ của LM CVL (nay đã qua đời – chắc cũng không đọc được tài-liệu này). Các bạn nào có thể truy-cập thêm tài-liệu về giai-đoạn vua Duy Tân – sau khi được bãi-miễn lưu-đày, được phục-vụ trong Quân-đội Pháp – hoạt-động để trở lại VN …và bị tử-nạn máy bay, thì tôi rất cảm ơn.

Leave a Reply to Thắc-Mắc