WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Lịch Sử Quân Sử Việt Nam Ngày 30/04/1975

Quyết định đầu hàng đạo quân Bắc xâm cộng sản Việt Nam ngày 30/4/1975 của ông Dương Văn Minh đã mở đầu cho thảm nạn diệt chủng văn hóa lần thứ ba của tộc Việt

Ảnh: flickr.com

I. Dẫn Nhập:

Xin mượn bài thơ Oan Hồn được trích trong Thi tập Cõi Lòng của Thi sĩ Vĩnh Nhất Tâm để làm lời mở đầu cho bài biên khảo Lịch Sử Quân Sử Việt Nam Ngày 30/04/1975.

OAN HỒN

Biết bao nhiêu triệu oan hồn
Hồn còn vất vưỡng giữa dòng biển Ðông
Nhà tù, biên giới, ven sông
Ðường rừng chạy giặc, kẻ còn người không
Biết bao số phận má hồng!
Văn minh bác đảng “gả” chồng ngoại bang
Thế tình còn lắm gian ngoan
Trừ khi Cộng phỉ không còn vãng lai
Trải qua mấy chục năm nay
“Ðại đồng” đau khổ! Ðúng là giả nhân!.

Vĩnh Nhất Tâm

4-2003 (Thi tập Cõi Lòng)

Bài biên khảo này xin được nhìn lại một cách thẳng thắn và thực tiễn nhất trên tinh thần của một Phật tử về sự kiện Đại tướng Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa Dương Văn Minh quyết định đầu hàng đạo quân Bắc xâm cộng sản Việt Nam ngày 30 tháng 4 năm 1975, cách đây 35 năm về trước.

Trước khi đề cập đến quyết định lịch sử của Tướng Dương Văn Minh trong ngày 30/04/1975, chúng ta hãy nhìn lại hai trận đánh có tầm vóc lớn lao trong lịch sử nước nhà. Đó là trận chiến tái chiếm kinh thành Thăng-Long năm 1285 của quân dân Đại Việt đối đầu với đạo quân Bắc xâm Mông-cổ. Và trận đánh xảy ra vào gần cuối thế kỷ 20 giữa tộc Việt chống lại đoàn quân Bắc xâm Việt cộng (Việt cộng viết tắt của Việt Nam cộng sản).

* Cách xử dụng danh từ trong bài viết: quân Bắc xâm Việt cộng: dùng để chỉ quân đội của cộng sản Việt Nam từ miền Bắc vào xâm chiếm miền Nam (tức Quân đội nhân dân cộng sản Bắc Việt); An nam đô hộ phủ: tức Bộ chính trị trung ương đảng cộng sản Việt Nam. Vì Bộ chính trị TƯĐCS đã tình nguyện làm tay chân bộ hạ cho đảng cộng sản Tầu khi đã buôn bán đất, biển, và đảo của Việt Nam cho Tầu cộng.

II. Từ Cuộc Kháng Nguyên Năm 1285…

Sau khi tiêu diệt nhà Tống vào năm 1279,  Hốt Tất Liệt tức Nguyên Thái Tổ đã chuẩn bị binh sĩ cũng như cho đóng thêm chiến thuyền để xâm lăng nước ta. Ðể tránh sự thất bại như lần trước vào năm 1258, bị Thái tổ Trần Thái Tông đánh bại ở Đông Bộ Đầu, quân Nguyên dự trù mở ba mặt trận làm thế gọng kềm trong dã tâm đè bẹp nước Ðại Việt. Chúng dự định đem quân đánh chiếm Chiêm Thành làm gọng kềm phía Nam, phối hợp với hai hướng tiến quân phía Ðông Bắc và Tây Bắc, từ dưới đánh lên và phía trên cho quân tràn xuống với khí thế vô cùng hung hãn.

Bản đồ quân sự nhà Trần chống quân Mông-cổ năm 1285

Tình hình quân sự Mông-cổ và Đại Việt

Mùa thu tháng 8 năm 1283, viên tướng trấn thủ biên cương Lạng Châu (Lạng Sơn) là Lương Uất cấp báo về triều đình, Hữu thừa tướng nhà Nguyên là Toa Đô (Sôgatu) đem 5000 quân mượn đường nước ta sang đánh Chiêm Thành.

Tháng 10, vua Trần Nhân Tông tổ chức một hội nghị tại bến đò Bình Than, vũng Trần Xá (chỗ gặp nhau của hai con sông Thái Bình và Kinh Thầy. Nơi nầy về sau vẫn còn xã gọi là Trần Xá) ở địa phận xã Trần Xá, huyện Chí Linh. Hội nghị đã quy tụ hầu hết các vương thân quốc thích và cũng là các hàng lãnh đạo quân sự, mục đích tổ chức nhằm bàn kế chống giặc ngoại xâm cũng như thắt chặt thêm tinh thần đoàn kết chiến đấu của toàn thể triều đình chúng ta. Tại đây ngoài việc bàn kế chống giặc, vua Nhân Tông đã phục chức Trần Khánh Dư làm Phó đô tướng quân, một phẩm hàm đã bị tước đi khi ông phạm lỗi và phải lui về làm nghề bán than ở Chí Linh (xưa là đất Bàng Châu, cũng gọi là Bàng Hà, khi quân Minh chiếm nước ta chúng đổi thành huyện Chí Linh, sau đó nhà Lê vẫn xử dụng tên cũ không thay đổi, này nay nó thuộc tỉnh Hải Dương). Hoài Vương Hầu Trần Quốc Toản vì còn nhỏ tuổi đã không được tham dự. Ông đã bóp nát trái cam trong tay lúc nào không hay để tỏ ý chí quyết tâm chống giặc ngoại xâm. Khi lui về, ông đã quy tụ người nhà thành một đạo quân hơn ngàn người, trang bị khí giới, chiến thuyền, gương cao lá cờ «Phá Cường Ðịch Báo Hoàng Ân». Khi lâm trận chống quân Mông-cổ, lúc nào ông cũng đi đầu diệt giặc, khiến chúng phải e dè, không dám đối đầu mà phải lẫn tránh.

Vào tháng 10 cùng năm, Ðức Hoàng Ðế Trần sắc phong Chiêu Minh Vương Trần Quang Khải làm Thượng tướng Thái sư (vị quan đứng đầu triều đình, chỉ huy cả hai bộ phận văn và võ), Ðinh Củng Viên làm Hàn lâm học sĩ phụng chỉ (vị quan đứng đầu viện văn học trông coi việc soạn thảo các loại chế, cáo, chiếu chỉ của nhà vua).

Tháng 7 mùa thu năm 1283, triều đình Ðại Việt cử quan Trung phẩm Hoàng Ư lệnh, nội thư gia Nguyễn Chương đi sứ nhà Nguyên. Tháng 10 hai vị sứ giả của chúng ta trở về báo rằng nhà Nguyên sai thái tử Trấn nam vương Thoát Hoan (Toghan) và bình chương A Lạt (Ariq-Qaya) quy tụ 50 vạn quân ở hai tỉnh Hồ Quảng chuẩn bị tràn vào xâm lăng nước ta.

Cho nên mùa Đông tháng 10 năm 1283, vua Nhân Tông đã đích thân cùng với các vương hầu mở cuộc tập trận lớn bao gồm cả thủy và lục quân. Ngài bổ nhiệm Hưng đạo vương Trần Quốc Tuấn làm Quốc công, tiết chế thống lĩnh tất cả các sắc quân (tương đương với Tổng tham mưu trưởng quân đội ngày nay), chọn trong hàng tướng lãnh người nào có khả năng võ nghệ thì cho ra chỉ huy từng bộ phận.

Mùa thu tháng 8 năm 1284, Đức vua Trần Nhân Tông hạ lịnh cho Hưng Đạo Vương điều khiển các sắc quân của vương hầu, mở cuộc duyệt binh lớn ở Đông-bộ-đầu (tức bến sông Hồng phía trên cầu Long Biên gần dốc Hàng Than, Hà Nội ngày nay) rồi chia quân trấn giữ Bình-Than cũng như các nơi trọng yếu. Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đã phổ biến bài Hịch Chiến Sĩ đến toàn quân sĩ Đại Việt.

Sự bố trí lực lượng của quân đội Đại Việt được ghi nhận như sau:

Ở mặt Đông-Bắc quân ta trấn thủ Vĩnh Bình, Động Bàng, Nội Bàng, Vạn Kiếp, Bình Than, chỉ huy mặt trận này là Quốc Công Tiết Chế Trần Hưng Đạo; đối phó với cánh quân Vân Nam

Ở phía Tây Bắc thì giao cho Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật chỉ huy

Phía Nam kinh đô ta xây dựng một số địa điểm phòng thủ như Đà Mạc, A Lỗ và Đại Hoàng do Bảo Nghĩa Hầu Trần Bình Trọng làm chỉ huy.

Tổng chỉ huy chiến trường là Đức Hoàng Đế Trần Nhân Tông.

Tháng 8 năm 1284, Thượng hoàng Trần Thánh Tông đã cho mời các kỳ lão của cả nước vào thềm điện Diên-Hồng để chiêu đãi cũng như bàn kế sách chống giặc. Khi Đức Thượng Hoàng trình bày tình hình nguy biến của nước nhà trước họa xâm lăng của Mông-cổ, thì tất cả kỳ lão đồng hô to «Phải đánh».

Toa Đô thống lãnh đoàn quân Mông-cổ với mưu đồ mở gọng kềm phương Nam để kềm chế Đại Việt bằng cách tấn công nước Chiêm Thành đã hoàn toàn thất bại trước sự kháng cự mãnh liệt của quân dân nước này.

Vua Nguyên đã tổ chức một bộ máy quân sự khổng lồ sang xâm lược nước ta. Bao gồm A Lý là tướng có công trong các trận hạ thành Tương Dương, Ngạc Châu, Phàn Thành, Tỉnh Giang, Giang Lăng và nhiều chiến trường khác. Còn phải kể Lý Hằng, người dứt điểm nhà Tống trong chiến dịch Nhai Sơn. Một số cận tướng với A Lý như Áo Lỗ Xích, Trình Bằng Phi, Ô Mã Nhi, Toa Ðô, Phàn Tiếp. Phải nói là bộ tham mưu này đã tập trung những tướng lãnh dày dặn kinh nghiệm nhất của quân Nguyên trong chiến dịch xâm lăng nước Ðại Việt.

Đại Việt và Mông-cổ giao tranh

Ngày 21 tháng 12 năm Giáp Tý (1284) quân Mông-cổ do Thoát Hoan cầm đầu đã tràn xuống tới biên giới của nước ta. Thoát Hoan đã cho lý vấn quan Khúc Liệt (Kütä) và tuyên sứ Tháp Hải Tân Lý (Taqai Sarïq) cùng Nguyễn Ðại Học đem thư của A Lý đòi nước ta mở đường và cung cấp lương thực cho họ đi đánh Chiêm Thành. Ðức vua Trần Nhân Tông trả lời «Từ nước tôi đến Chiêm Thành, thủy bộ đều không tiện». Song song ngài hạ lịnh cho Hưng Ðạo Vương mang quân trấn thủ biên giới. Trong khi các phái bộ ngoại giao Nguyên-Việt tiếp tục qua lại trao đổi công hàm ngoại giao thì quân Nguyên tiếp tục ào ạt tiến đến Lộc Châu (tức huyện Lộc Bình tỉnh Lạng Sơn ngày nay). Thoát Hoan sai Ðà tổng là A Lý sang nước ta nói rõ về lý do chuyển quân là đi đánh Chiêm Thành chứ không có ý gì khác. Trong khi đó quân Mông-cổ tiếp tục tiến quân vào nội địa nước ta, khi chúng tiến tới núi Kheo Cấp thì bị quân ta anh dũng chận đánh không thể tiến lên được.

Nghe tin quân Nguyên kéo tới Lộc Châu, vua Trần Nhân Tông đã nhanh chóng điều động quân lính đến trấn thủ các ải Khâu Ôn và Khâu Cấp Lãnh.

Ngày 21 tháng 12 năm Giáp Thân (tức 27 tháng một năm 1285) Thoát Hoan và A Lý Hải Nha đã chia quân ra hai hướng để tấn công. Cánh quân phía Tây do Vạn Hộ Lý, La Hợp Ðáp Nhi (Bolqadar) và chiêu thảo Athâm (Atsin) chỉ huy do đường huyện Khâu Ôn tiến xuống. Cánh quân phía Ðông do khiếp tiết Tản Ðáp Nhi Ðãi (Tatartai) và vạn hộ Lý Băng Hiến … tới ải Nữ-Nhi (Toàn Thư, Cương Mục) còn An-Nam Chí-Lược gọi là ải Anh-Nhi. Ở đây chúng bắt và giết một nhân viên do thám của Đại Việt là Đỗ-Vĩ tướng quân. Quân ta chiến đấu chống giặc Nguyên ở núi Khâu (hay Kheo) Cấp vẫn không phân thắng bại vì hai ải Khả-Ly và Nữ-Nhi đã thất thủ, song vì áp lực địch quá nặng nên bắt buộc phải rút về cố thủ ải Chi Lăng (thuộc Ôn Châu, tỉnh Lạng Sơn).

Tại ải Chi Lăng quân Đại Việt không thể nào đương cự được quân địch đông đảo gấp bội phần nên đành phải cấp tốc rút về trấn giữ bến Vạn Kiếp (tỉnh Hải Dương) là nơi Hưng Đạo Vương đặt tổng hành dinh điều khiển mặt trận miền Bắc (trước đây được đặt tại ải Nội Bàng).

Khi vua Nhân Tông nghe tin các ải Chi Lăng, Nội-Bàng bị thất thủ, quân ta lui về giữ bến Vạn Kiếp, trong cuộc họp ở Hải Đông (chỉ chung vùng Hải Dương cũ nay thuộc tỉnh Hải Hưng và Hải Phòng hiện nay) ngài đã ra lịnh cho Hưng Đạo Vương điều động quân lính các lộ Hải Đông, Vân Trà, Ba Điểm (Vân Trà Ba Điểm là hai hương lộ thuộc Hải Đông bấy giờ. Hương Vân Trà hay Trà Hương là vùng Kim Thành, tỉnh Hải Hưng ngày nay), chọn những người dũng cảm làm tiên phong, vượt biển vào Nam để trợ chiến với quân bạn. Nhờ sự tăng viện kịp thời, tinh thần binh sĩ của ta mới được phấn chấn trở lại sau những thất bại liên tiếp ở các chiến dịch biên giới phía Bắc.

Ngày 26 tháng chạp năm Giáp-thân (1284) giặc Nguyên tấn chiếm các ải Vĩnh-Châu, Nội-Bàng, Thiết-Lược và Chi-Lăng. Trong đó Nội-Bàng là một chiến trường khá quan trọng cho vòng đai phòng thủ kinh thành Thăng Long.

Hưng Đạo Vương cùng quân lính rút lui vội vả khỏi ải Nội Bàng cho ta thấy tình thế rất bức bách, đồng thời ngoài dự tính của Đức Hoàng Đế Trần cũng như Hưng Đạo Vương. Ấy thế, kẻ thù vẫn không buông tha. Quân Nguyên đuổi theo đoàn quân triệt thoái và chúng chia ra hai ngả để tấn công vào cứ điểm Vạn Kiếp.

Tại đây quân Đại Việt phải triệt thoái một lần  nữa và bị thiệt mất 20 vạn chiếc thuyền về tay giặc. Thừa cơ quân ta rút lui, chúng cướp phá, giết chóc xem như chỗ không người, đồng thời tiến chiếm các cứ điểm Gia Lâm, Đông Ngàn. Ở hai nơi này hễ bắt được người lính nào của ta trên tay có xâm hai chữ «sát thát» trên cánh tay đều bị Mông-cổ giết thẳng tay.

Sau khi các phòng tuyến Vin-Châu, Nội-Bàng, Thiết-Lược và Chi-Lăng lần lượt thất thủ sau 5 ngày tấn công của giặc, Vua Trần Nhân Tông đã phải thay đổi chiến lược chống giặc. .. chủ trương chiến đấu ban đầu của vua Trần Nhân Tông và Trần Hưng Đạo hình như là đưa quân lên chận giặc ngay tại những vùng địa đầu biên giới của tổ quốc theo chiến lược Lý Thường Kiệt đã làm hơn 200 năm trước»

Chiến lược mới, vừa đánh vừa rút, vừa tổ chức phòng thủ đồng thời chọn lựa thời điểm và chiến trường thích hợp nhất để phản công đánh bại kẻ thù.

Ngày 26 tháng Chạp năm 1284 giặc Nguyên tấn công vào ải Nội-Bàng cũng như các ải gần đó (theo Toàn Thư), còn trong An Nam Chí Lược ghi là 27 tháng Chạp. Quân ta đã rút khỏi các ải vừa bị thất thủ và lui về phòng tuyến Vạn Kiếp. Vào lúc này nhằm năm hết tết đến, vừa phải cấp tốc tổ chức lại sự chiến đấu cũng như chăm sóc cho những binh sĩ bị thương còn phải chuẩn bị đón chào năm mới Ất-Dậu, không khí thật tưng bừng phấn chấn nhất là khi Đức Hoàng Đế Trần nhắc nhở và cổ vũ tinh thần toàn quân sau một số thất lợi ban đầu bằng cách nói rằng «Hoan diễn do tồn thập vạn quân» nghĩa là ta còn đạo quân dự bị ở Hoan ái đến hơn trăm ngàn người.

Thoát Hoan sau khi đã chấn chỉnh xong binh đội, ngày mồng 6 tháng Giêng năm 1285 chúng mở cuộc tấn công vào phòng tuyến Vạn Kiếp và núi Phả Lại (tức là núi ở xã Phả Lại, cạnh sông Lục Đầu, đối diện với thị trấn Phả Lại, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Hưng) của quân Đại Việt.

Ở tại Vạn Kiếp, Hưng Đạo Vương đã đem chiến thuyền dàn trận cách sông Vạn Kiếp mười dặm mà theo Cương Mục gọi là trận «dực thủy». Dực thủy là hình thức dàn trận đánh trên sông sắp các chiến thuyền theo hình cánh chim sãi trên mặt nước. Hình thức này có lợi là các chiến thuyền có thể nương tựa và bảo vệ nhau trong lúc chiến đấu. Tuy nhiên nếu gặp cường địch, thế cùng phải thoái lui thì sẽ bị vướng víu khó lòng xoay trở kịp. Trong sách Trần Hưng Đạo của tác giả Hoàng Thúc Trâm thì ghi là «Dục thủy» tức là trận tắm nước.

Phải nói là trận đánh tại Vạn Kiếp xảy ra rất là cam go giữa ta và địch, chúng phải mất hơn 10 ngày mới phá vỡ được phòng tuyến này của ta. Dĩ nhiên con số thiệt hại nhân mạng giữa hai bên là không nhỏ, phía quân Nguyên có tướng vạn hộ Nghê Nhuận bị tử trận ở Lưu Thôn.

Quân ta rút lui thêm một lần nữa trước sức công phá mãnh liệt của địch. Ngày 12 giặc Nguyên đánh vào Gia Lâm, Vũ Ninh (sau là Võ Giảng, nay là huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh), Đông Ngàn (tức là huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh). Chúng đã sát hại rất nhiều binh sĩ của ta, nhất là những người có xâm hai chữ «sát thát». Thẳng đường giặc Nguyên chiếm luôn Đông Bộ Đầu và dựng một lá cờ lớn (lá cờ lớn không thấy trong các bộ sử nói là cờ gì, không lẽ là cờ của quân Nguyên).

Cũng cần biết thêm rằng từ khi chiến cuộc Nguyên Việt bùng nổ thì khắp nơi trong nước Việt đều treo bảng yết thị của triều đình với nghiêm lịnh không được đầu hàng kẻ thù, nghiêm lịnh đó nội dung như sau: «Phàm các quận huyện trong nước, hễ có giặc ngoài đến, thì phải liều chết cố đánh; nếu không địch nổi thì cho phép lẩn tránh vào rừng núi, chứ không đón hàng».

Thành Thăng-Long bị bao vây

Ngày 9 tháng giêng năm Ất Dậu (1285) Đức vua Trần Nhân Tông thống lãnh 100 ngàn quân Đại Việt cả thủy và lục hai lộ quân ở tại phòng tuyến nơi sông Bình Than (hay Bài-Than theo An Nam Chí Lược của Lê Tắc) để chống lại sức tấn công vũ bảo của giặc Nguyên do các tướng Ô Mã Nhi, Chiêu-Thảo Nạp-Hải, Trấn-Vũ Tống-Lâm-Đức cầm đầu.

Để tấn công vào phòng tuyến này của ta, chúng đã xử dụng những chiến thuyền tịch thu được ở trận Vạn Kiếp. Cũng tại đây vào tháng 10 năm 1283, Vua Trần Nhân Tông đã triệu tập các vương thân quốc thích để bàn phương sách chống giặc. Thì nay hơn một năm sau tại bến đò Bình Than vũng Trần Xá này đã diễn ra một trận kịch chiến long trời lở đất do đích thân ngài chỉ huy. Trận này xảy ra cho ta thấy rõ ràng hơn chiến lược chống giặc của vị lãnh đạo của chúng ta là «mềm nắm rắn buông» hay tháo lui chiến lược phòng thủ chiến lược và phản công chiến lược. Và hiện tại ta đang ở giữa giai đoạn một và hai.

Ngày 13 tháng giêng, Đức vua Trần cùng quân lính trấn thủ phòng tuyến sông Cái (trong sử gọi là sông Lô) chống trả các cuộc tấn công của quân Nguyên nhưng không thành công đành phải rút lui để lập phòng tuyến mới.

Đang lúc các trận giao tranh xảy ra ác liệt có Chi hậu cục Đỗ Khắc Chung tình nguyện mang thơ đi nghị  hòa với quân Nguyên (mục đích do thám trại lính quân Nguyên), ông tâu với vua Nhân Tông rằng: «Thần hèn mọn bất tài, nhưng xin được đi». Đức vua khen ngợi: «Ngờ đâu trong đám ngựa xe kéo muối lại có ngựa kỳ, ngựa ký như thế».

Ngày 14 tháng giêng (1285), quân Đại Việt lập các cứ điểm (gồm các sào lũy bằng gỗ) phòng ngự phía Nam sông Cái để chống giặc, ở đây mở màn cho trận đánh thành Thăng Long.

Thoát Hoan cùng quan hành tỉnh thân chinh đến phía Đông bờ sông Cái để tấn công quân nhà Trần. Nơi đây chúng tịch thu của quân ta được 20 chiến thuyền. Quân do Hưng Đạo Vương không đương cự nổi phải rút lui. Và quân Mông-cổ buộc bè làm cầu, sang bờ bắc sông Phú Lương.

Vua Nhân Tông bố trí binh sĩ dựng gỗ dọc theo sông. Khi thấy quân Mông-cổ đến, quân ta nổ pháo và thách thức đánh nhau. Trận đánh tiếp diễn đến chiều, Nguyễn Phụng Ngự được sai đi thuyết khách yêu cầu Thoát Hoan rút lui. Dĩ nhiên quân mông-cổ làm sao chấp nhận được, chúng vẫn nhất quyết tấn công. Để  bảo toàn lực lượng vua Nhân Tông cùng binh sĩ Đại Việt rút khỏi thành Thăng-Long ngày 14 tháng giêng năm Ất Dậu (1285). Hôm sau, Thoát Hoan vào thành, đều thấy cung điện trống trơn, chỉ lưu lại chiếu sắc và mấy lá thư của Mông-cổ, tất cả đều bị xé nát. Ở đây chúng ta thấy tài trí phi thường của vua Nhân Tông trong việc cầm chân kẻ thù để rút lui binh lính một cách an toàn nhất, ít bị hao binh tổn tướng.

Tuy chiếm được Thăng Long nhưng Thoát Hoan e dè sợ lọt vào ổ phục kích của ta nên không dám đóng quân trong thành.

Kế hoạch rút quân của ta từ Bình Than về Thăng Long và từ Thăng Long về Thiên Trường là nhằm bảo toàn lực lượng tránh đi ba mũi tấn công của giặc Nguyên. Một mũi do chính Thoát Hoan và A Lý Hải Nha từ phía Đông Bắc xuống, mũi kế là từ Tây Bắc thọc qua do Nạp Tốc Lạt Đinh và cuối cùng, quan trọng hơn là mũi từ phương Nam đâm lên do Toa Đô chỉ huy.

Quân Nguyên vẫn tiếp tục truy sát quân ta để cố bắt cho được hai vị vua của ta.

Vua Nhân Tông rước Thượng Hoàng Trần Thánh Tông đi Tam Trĩ Nguyên (là sông Ba Chế, ở huyện Ba Chế thuộc tỉnh Quảng Ninh), Thoát Hoan khi vào thành biết rằng nhà vua đã đi xa nên càng gấp rút đuổi theo.

Quân do thám Mông-cổ dò biết được nơi chốn đào tỵ của hai vua nên chúng chia hai đường do Tả thừa truy đuổi bằng đường thủy, Hữu thừa rượt theo bằng đường bộ. Đức Hoàng đế Trần bỏ đường thủy phò Thượng Hoàng đi bộ cùng với quân dân. Trong Cương Mục và Toàn Thư không thấy ghi cách tổ chức hành quân triệt thoái vào đời Trần ra sao, chắc hẳn là vô cùng gian nan và bức bách.

Đoàn quân triệt thoái được an toàn đã chứng tỏ tài năng trời cho về quân sự của vua Trần Nhân Tông suy nghĩ trong việc sắp xếp một cách chu đáo cuộc triệt thoái này. Ngày nay nhiều nhà quân sự tiếng tăm trên thế giới cho rằng hành quân triệt thoái còn khó hơn cả khi tấn công vào đất địch vì đạo quân bị rơi vào thế thụ động vừa phải tìm cách bảo toàn lực lượng vừa lo chống đỡ kẻ thù truy kích, thì cách đây 715 năm về trước, một vị Hoàng đế người Việt Nam đã thành công trong việc chỉ huy đoàn quân triệt thoái giữa lúc đang bị kẻ thù xâm lăng truy đuổi gắt gao nhất. Người đó không ai khác hơn đó là Đức vua Trần Nhân Tông. Và đây là cuộc triệt thoái thứ hai và được tổ chức một cách chu toàn nên đã thành công.

Ngày 28 tháng giêng, Hưng Đạo Vương tâu với nhà vua xin cho Thượng tướng Thái sư Trần Quang Khải chận đánh cánh quân của Toa Đô ở Nghệ An (cánh quân này được lịnh từ Chiêm Thành, tiến chiếm các châu lộ phía Nam của ta, rồi Bắc tiến, phối hợp với đạo quân của Thoát Hoan làm thành thế gọng kềm tiêu diệt quân đội nhà Trần).

Chao đảo về tình hình chiến trường, ngày 1 tháng 2, con thứ của Tỉnh Quốc Đại Vương Quốc Khang là Thượng vị Chương Hiến Trần Kiện (Trần Kiện vốn có hiềm khích với hoàng tử Đức Việp. Khi giặc Nguyên xâm lăng, Kiện được lịnh trấn giữ Thanh Hóa) và thuộc hạ thân tín là Lê Tắc (hay Trắc) ra đầu hàng quân Nguyên. Toa Đô sai quân lính đưa đám hàng binh này về Yên kinh (thủ phủ của nhà Nguyên). Dọc đường bị các vị tù trưởng ở Lạng Giang (tức Lạng Sơn ngày nay) là Nguyễn Thế Lộc, Nguyễn Lĩnh tập kích trại Ma Lục (ở Chi Lăng thuộc châu Lạng Giang thời đó, nay là tỉnh Lạng Sơn). Vị tướng của Hưng Đạo Vương là Nguyễn Địa Lô bắn tên giết được Trần Kiện. Lê Tắc phải đưa xác Kiện lên ngựa, chạy trốn trong đêm, được vài chục dặm tới Khâu Ôn và chôn tại đó.

Ngày 15 tháng 3 năm Ất Dậu (1285), Chiêu quốc vương Trần Ích Tắc, Phạm Cự Địa, Lê Diễn, Trịnh Long đem quân lính đầu hàng nhà Nguyên. Trong Toàn Thư trình bày về con người của Ích Tắc cho ta thấy sự đầu hàng nhà Nguyên của nhân vật này đã có nhân duyên từ trước, phải nói từ đời trước khi Ích Tắc đầu thai làm con vua Thánh Tông. Ích Tắc là hoàng đệ của Nhân Tông, so về tài thì Nhân Tông và Ích Tắc không ai thua kém ai, nhưng về mặt đức độ của người con lớn (Nhân Tông) hơn hẳn đứa con thứ (Ích Tắc). Ích Tắc tự phụ nghĩ rằng mình có tài hơn hẳn Nhân Tông tại sao phụ vương (vua Thánh Tông) không truyền ngôi cho mình lại phân biệt trưởng thứ như thế, nên sanh tâm bất mãn và tìm cách hợp tác với quân thù để cướp ngôi báu về cho bản thân mình.

Kết quả Trần Ích Tắc bị chết già trong sự hỗ thẹn ở đất Tầu.

Chuyển bại thành thắng

Quân Toa Đô từ Chiêm Thành kéo về, cướp bóc ở dọc đường, trèo non xuống dốc ở khoảng châu Ô, châu Lý, châu Hoan, châu Ái, nay về trấn đóng ở Tây Kết.

Nhà vua (Nhân Tông) bàn với quần thần rằng: «Quân giặc đi muôn dặm đường để đánh úp nước người ta, vì không đánh được mà phải bỏ đi, bây giờ nhân lúc chúng mỏi mệt mà đem quân đã nghĩ dưỡng sức của ta để đối địch với quân mỏi mệt của chúng, đánh ngay một trận phủ đầu cho chúng mất hết nhuệ khí, thì tất nhiên phá được».

Tháng 4, nhà vua ban hành lịnh tổng phản công : “«..đem quân đã nghĩ dưỡng sức của ta để đối địch với quân mỏi mệt của chúng, đánh ngay một trận phủ đầu cho chúng mất hết nhuệ khí, thì tất nhiên phá được».

Các vị Chiêu Thành Vương (khuyết danh), Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản, tướng quân Nguyễn Khoái được lịnh của Đức Hoàng đế Trần đem các binh sĩ tinh nhuệ vây đánh quân giặc ở bến Tây-Kết (ở ven sông Hồng, khoảng thôn Đông Kết, xã Đông Bình, huyện Châu Giang, tỉnh Hải Hưng. Ngày nay, thôn này cách sông Hồng 3 cây số, đất bãi (tức bãi Mạn-Trù, nay thuộc xã Tân Châu), nhưng xưa kia sông kề thôn).

Thừa thắng xông lên sau khi đã chiếm được bến Tây-Kết, các vị Chiêu Thành Vương (khuyết danh), Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật, Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản, tướng quân Nguyễn Khoái đã thẳng đường tiến đánh Hàm Tử quan (cửa Hàm Tử: ở bãi Hàm Tử, huyện Động Yên tỉnh Hưng Yên).

Như vậy là suốt trong tháng 4 sau khi lịnh tổng phản công được ban hành thì quân dân Đại Việt đã tái chiếm lại các cứ điểm đã bị mất trước đây. Đó là A-Lỗ, Tây-Kết, Hàm Tử Quan và nó đã mở rộng cửa cho đường về giải phóng Thăng Long.

Trận phản công diễn ra tại cứ điểm A-Lỗ hay Hải-Thị do Hưng Đạo Vương chỉ huy. Đây là một trận đánh lớn không kém phần gay go quyết liệt. Quân nhà Trần đã tấn công hai hướng An-Lỗ và Giang-Khẩu. Ở tại Giang-Khẩu dưới sự chỉ huy của Trung Thành Vương đã kịch chiến với tướng nhà Nguyên là Thiên Hộ Mã Vinh. Binh sĩ Nguyên bị quân ta sát hại rất nhiều phải tháo lui. Sau đó hai cánh quân thủy bộ của nhà Trần đã tập trung toàn bộ lực lượng đánh vào đại doanh của chúng. Đại doanh đây chính là kinh thành Thăng Long. Mặc dù quân giặc cố gắng chống trả, quân ta thiệt hại không ít, nhưng nhờ chiến lược «đánh cầm chừng» trước đây nên ta đã bảo toàn được lực lượng do đó ta có đủ lực lượng để bủa vây quân địch đến mấy lớp và viện quân được điều đến liên tục để dứt điểm chiến trường quan trọng này.

Quân Mông-cổ vì bị vây hãm nhiều ngày, người ngựa thiệt hại, lương thực thiếu thốn, khí giới mất mát, không có viện binh cũng chẳng có khí cụ thay thế nên chúng buộc phải rút bỏ thành Thăng Long. Trận đánh từ A-Lỗ qua Giang-Khẩu đến Thăng Long ắt hẳn phải kéo dài đến cả tháng trời từ đầu tháng 4 cho đến thượng tuần tháng 5 mới hoàn tất.

Sang tháng 5 vào ngày mùng 3 năm Ất Dậu (1285) Thượng hoàng Thánh Tông và Hoàng đế Nhân Tông từ Thanh Hóa tiến ra cùng tấn công đánh chiếm lại Trường-Yên (hay Tràng An theo Việt Sử Tiêu Án), ở đây quân ta đã thắng lớn, bắt được vô số địch quân cũng như giết được nhiều quân giặc.

Chương Dương (tên bến đò, ở xã Chương Dương, huyện Thượng Phúc, tỉnh Hà Nội ngày nay-thuộc huyện Phong Châu tỉnh Phú Thọ) là một cứ điểm phòng ngự lớn của giặc trước khi về tới Thăng Long. Có thể nói đây là tiền đồn xa để phòng thủ kinh thành Thăng Long mà giặc Nguyên gọi là đại doanh. Tại đây quân ta và Mông-cổ đánh nhau một trận rất lớn và kẻ thù đã bị thiệt hại nặng. Có thể vì lý do đó chúng đã không ghi một dòng chữ nào trong các quyển sử Mông-cổ, ngoại trừ An-Nam Chí-Lược của Lê Tắc ghi vắn tắt: «Trong tháng 4, mùa hạ, An-Nam thừa cơ quân ta chỉnh mãng, đánh lấy lại La-thành». Chương Dương là tiền đồn xa như đã nói, khi quân ta chiếm được địa điểm tức nhiên Thăng Long chắc chắn phải lọt vào tay ta thôi. Nếu Chương Dương không mất thì Thăng Long không bị đe dọa và cũng không bị ta chiếm. Cho nên ở đây Lê Tắc viết: «An-Nam đánh lấy lại La-thành».

La-thành tức thành Đại-La mà Đại-La là tên cũ của thành Thăng Long, thành này lại là đại doanh (tổng hành dinh đạo quân miền Bắc của Thoát Hoan) như trong Kinh thế đại điển tự lục Nguyên văn loại đã ghi. Chúng ta có thể biết được rằng kinh thành Thăng Long đã được quân ta giải phóng từ tháng 4 nhưng mãi đến 10 tháng 5 mới có người lính của ta bị giặc bắt ở Chương Dương trốn chạy về báo cho hai vua đang chỉ huy trận đánh ở Trường-Yên được biết tin trên. Như vậy kinh thành Thăng Long được quân ta giải phóng vào cuối tháng 4 và tháng 10 tháng 5 có người chạy về Trường-Yên để báo là điều hợp lý là vì trận đánh tái chiếm Thăng Long thành diễn ra rất gay go nên nó đã kéo dài hơn cả tháng trời. Tuy nhiên không hiểu vì lý do gì mà Cương Mục và Việt Sử Tiêu Án lại không đề cập đến trận đánh tái chiếm Chương Dương độ?

Về mặt trận Trường-Yên, Cương Mục ghi tiếp: «Về phần quân Nguyên: quân của Toa Đô và quân của Thoát Hoan đóng cách nhau đến hai trăm dặm, lúc Thoát Hoan phải rút lui quân, Toa Đô vẫn chưa biết, nên Toa Đô và Ô Mã Nhi đem quân từ đường biển ra đánh ở sông Thiên Mạc, định phối hợp với cánh quân Thoát Hoan để nương tựa lẫn nhau».

Tại mặt trận Trường-Yên do Thoát Hoan chống giữ. Thoát Hoan đã bị hai vua Trần thống lãnh quân sĩ đánh bại nên phải rút lui và cũng không kịp báo cho Toa Đô và Ô Mã Nhi cùng biết vì chúng đóng quân cách nhau đến hai trăm dặm.

Trong chiến dịch tổng phản công tái chiếm kinh thành Thăng-Long quân đội nhà Trần được tổ chức làm hai cánh quân: Cánh quân thứ nhất do Thượng tướng Trần Quang Khải dẫn đầu; cánh thứ hai do Hưng Ninh Vương Trần Quốc Tung và Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn chỉ huy.

Sau khi Thăng Long đã sạch bóng quân thù, ngày 15 tháng 3 năm Ất Dậu (1285) hai vua đã về lại kinh thành trong tiếng khải hoàn và hai vị đã đi bái yết lăng tẩm của tổ tiên ở Long Hưng. Thượng tướng Trần Quang Khải cảm khái làm một bài thơ bất hủ để đánh dấu cuộc chiến đấu vô cùng dũng liệt của mọi con dân Đại Việt đồng thời khuyến khích mọi người hãy cố gắng giữ gìn nền thái bình đã được đánh đổi bằng sinh mạng của cả dân tộc, nội dung như sau:

Chương Dương cướp dáo giặc
Hàm Tử bắt quân thù
Thái bình nên gắng giữ
Nước non ấy muôn đời.

Pages: 1 2 3 4

1 Phản hồi cho “Lịch Sử Quân Sử Việt Nam Ngày 30/04/1975”

  1. Nguyễn Anh Tuấn says:

    CSVN cần thực hiện 8 việc sau đây trước khi người dân trong nước và ở hải ngoại thật sự tin tưởng vào tiến trình hòa hợp, hòa giải dân tộc:

    1. Trả tự do cho những nhà đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền lập tức và vô điều kiện
    2. Xóa bỏ Điều 4 của Hiến Pháp nước CHXHCNVN vì điều này cho phép đảng CSVN là đại diện duy nhất cho dân tộc Việt Nam với độc quyền lãnh đạo đất nước.
    3. Tổ chức một cuộc tổng tuyển cử mà trong đó những người thật sự có tài và đức được chọn ra để lãnh đạo đất nước lèo lái con thuyền quốc gia. Từ những vị trí then chốt như lãnh đạo đất nước cho đến những vai trò lãnh đạo địa phương cũng như các đại biểu quốc hội phải là người được dân trực tiếp bầu ra chứ không phải do đảng đề cử
    4. Lập ra một chính phủ thật sự là của dân, do dân, và vì dân
    5. Tôn trọng các quyền và tự do cơ bản của con người như đã được viết trong Tuyên Ngôn về Nhân Quyền của Liên Hợp Quốc
    6. Xóa bỏ tất cả các hợp đồng, giao ước, hiệp ước, hiệp định, thoả ước, v.v…với cộng sản Trung Quốc
    7. Tách rời sự điều hành và quản lý của ngành giáo dục ra khỏi sự cai quản của đảng và nhà nước và phải trả lại cho lịch sử những sự thật về HCM và đảng CSVN
    8. Đem xác ông Hồ ra khỏi Lăng Ba Đình và chọn một nơi nào đó để chôn mà không lấn chiếm đất của dân, không cần bỏ công người và của để duy trì, đồng thời cũng không làm thiệt hại đến môi trường

Leave a Reply to Nguyễn Anh Tuấn