WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Đêm Trung thu, “đốt” Đèn Cù

dencu

Về ý nghĩa chính trị của cuốn Đèn Cù của tác giả Trần Đĩnh, nhiều người đã đề cập: Ít nhất đó là một cái nhìn vào lịch sử, vào những góc khuất mà các sử gia quốc doanh ở Việt Nam chưa bao giờ công bố (có ai trong số họ đã lặng lẽ nghiên cứu không thì tôi không biết). Đèn Cù khai thác nhiều những chi tiết mà tác giả là người duy nhất trực tiếp chứng kiến và trải nghiệm, như phong cách làm việc, thậm chí đời tư và cả đời sống tình cảm/tình dục của các nhà chính trị cộng sản thế hệ đầu. Từ đó, Đèn Cù là một sự giải thiêng cả Đảng Cộng sản Việt Nam, lẫn những người cộng sản thế hệ đầu, và đặc biệt, giải thiêng hình tượng Hồ Chí Minh.

Tuy nhiên, bên cạnh ý nghĩa chính trị như là ưu điểm, cuốn sách cũng bộc lộ một số nhược điểm mà độc giả, nhất là các bạn trẻ hoặc những người có ít thời gian, nên cân nhắc trước, trong và sau khi đọc:

1. Cuốn sách có vấn đề nghiêm trọng về cách hành văn tiếng Việt. Nếu bạn là người rất yêu tiếng Việt, hoặc nếu bạn chưa/ không vững về ngữ pháp và chính tả tiếng Việt lắm, bạn nên thận trọng khi quyết định có đọc Đèn Cù hay không. Trong văn phong của Đèn Cù, rất khó phân biệt đâu là trích dẫn trực tiếp, đâu là trích dẫn gián tiếp, đâu là văn nói, đâu là văn viết, thậm chí, đâu là ý kiến và quan điểm của các cá nhân, kể cả tác giả (opinion), đâu là dữ kiện thực tế (fact). Nhiều từ địa phương, từ cổ, từ cũ, tiếng lóng (cổ) không được giải thích; nên khó hiểu ngay cả với người đọc ở miền Bắc (coi như “đồng hương” với tác giả), chứ chưa nói với độc giả miền Trung, miền Nam và người Việt ở nước ngoài.

2. Cuốn sách tuy rất nhiều thông tin nhưng ít tính khoa học. Nhiều câu chuyện được kể thiếu câu trả lời cho các câu hỏi căn bản: Ai, cái gì, bao giờ, ở đâu, tại sao, như thế nào. Chẳng hạn, thiếu ngày tháng chính xác cho các sự kiện, thiếu những tựa đề bài báo, tác phẩm, tư liệu nói chung, những thông tin khả tín về các cá nhân liên quan. Tất cả những cái thiếu đó làm giảm đáng kể độ tin cậy của thông tin và đồng thời, cũng gây khó khăn cho độc giả nào có mong muốn kiểm chứng.

3. Cuốn sách không có một cấu trúc rõ ràng (các bạn có thể thấy ngay là nó không có… mục lục), nên có thể nói là nó được trình bày một cách thiếu tính hệ thống, khiến người đọc khó theo dõi.

Dù sao, như tác giả đã có đề cập, Đèn Cù là “truyện tôi”. Có thể hiểu “truyện tôi” là một thể loại sách mới, không phải sách lịch sử, cũng không hẳn là hồi ký. Nhưng cũng chính vì vậy mà độc giả có lẽ chỉ nên đọc Đèn Cù như đọc một tập hợp giai thoại để tham khảo, và lấy cái tinh thần “giải thiêng lịch sử” của cuốn sách làm trọng.

Nói cách khác, vì Đèn Cù không phải là một cuốn sách lịch sử – và chính tác giả Trần Đĩnh cũng bảo thế – nên một mặt, sẽ là vô lý nếu người đọc chúng ta đòi hỏi cao ở tính xác thực của nó. Mặt khác, chúng ta cũng chẳng nên coi nó như một tác phẩm tầm cỡ, có khả năng khai dân trí, sẽ mở mắt cho hàng triệu độc giả Việt Nam, v.v.

Đôi lời nói thêm:

Như nguyên tắc vẫn giữ từ trước đến nay, tôi chỉ nhận xét tác phẩm, không nhận xét tác giả và tuyệt đối không tấn công cá nhân (chỉ trừ phi cá nhân đó là các vị lãnh đạo). Cũng rất mong bạn đọc, nếu có ai không đồng ý với ý kiến của tôi thì cứ tự do phê phán nhưng vui lòng đừng chỉ trích cá nhân: Xin hiểu là tôi không có bất kỳ động cơ gì để đả kích một tác giả như nhà báo Trần Đĩnh cả.

Một tác phẩm, bất kể thể loại gì, có khen có chê là chuyện bình thường. Việc khen ngợi, đánh giá cao Đèn Cù, nhiều người đã làm rồi, nếu góp thêm một tiếng nói ca ngợi cũng là thừa. Trong khi đó, nhận xét, điểm sách một cách nghiêm túc, công bằng, khách quan thì thật sự chưa có ai làm (kể cả tôi với mấy đoạn viết trên đây), mà đấy lại là việc cần thiết để độc giả có thể đọc sách một cách tỉnh táo và thu được nhiều giá trị nhất.

Cho đến giờ, với tư cách một độc giả, tôi vẫn thành thật mong có người sẽ phân tích, bình luận một cách chuyên nghiệp, không cảm tính, không định kiến về những cuốn sách thuộc dòng “giải độc, giải thiêng”, có đề tài lịch sử hoặc liên quan đến lịch sử, ở Việt Nam. Với tư cách cá nhân, tôi muốn được biết sự thật, chứ không phải là giai thoại, vì các giai thoại về lãnh tụ, lãnh đạo… người dân Việt Nam chúng ta phải nghe nhiều quá rồi.

Blog Phạm Đoan Trang

7 Phản hồi cho “Đêm Trung thu, “đốt” Đèn Cù”

  1. Huỳnh Trung Cang says:

    Để chứng minh tính cách khách quan của Phạm Đoan Trang trong nhận định của cô về tác phẩm “Đèn Cù” của ông Trần Đĩnh, xin cô cho biết có phải cô là “Dư Luận Viên” của chính phủ Cộng Sản Việt Nam, hay cô có làm cho chính phủ Cộng Sản Việt Nam dưới bất cứ hình thức nào?

  2. vb says:

    1- NÊN THẬN TRONG KHI QUYẾT ĐỊNH CÓ NÊN ĐỌC ĐÈN CÙ HAY KHÔNG! ( lời cảnh báo cuả cô Đoan Trang với độc giả).

    Lời cảnh báo này làm tôi liên tưởng đến chuyện mấy năm trước, khi bọn khủng bố gửi thư cho một số chính khách (Hoa Kỳ) trong thư có mang mầm vi khuẩn bệnh Than, không nên cầm hay lưu giữ, phải báo ngay cho Phú Lít!
    Nghĩa là phải cẩn trọng. Chả biết hay dở ra sao, cứ “dính” bệnh dịch cái đã, cái dịch viết tiếng Việt “không nên thân”!

    Đâu đến nỗi nào hả cô Trang! Mà đây mới chỉ là nhược đểm về văn phong, ngữ pháp mà đã đặt bảng báo động: COI CHỪNG!!!

    2)CUỐN SÁCH RẤT NHIỀU THÔNG TIN NHƯNG ÍT TÍNH KHOA HỌC! (trích)
    Thế nào là “khoa học” ở đây? Là phải có nguồn (còn độ tin cậy, tính sau). Nghĩa là phải có “văn bản”, có ngày tháng, có nhân chứng… để ai cần, có nơi để kiểm chứng, đối chiếu v.v…. Đúng là phải như vậy.

    Nhưng những thông tin trong cuốn sách này, về TỔNG THỂ đâu có gì mới? Về nhóm thân Tàu, nhóm thân Nga… là những chuyện cũ rích, hầu như những ai thích đọc, thích tìm hiểu, đều rõ. Chẳng hạn khi nói về chuyện “sex” cuả ông Hồ, về bà Nông Thị Xuân, về “nữ đồng chí” Phương Mai…thì trước khi Đèn Cù ra đời, độc giả đã được nhà văn Vũ Thư Hiên ‘đãi’ trong “Đêm Giữa Ban Ngày’ từ thời tám hoánh nào rồi. Hay là về “ông Cụ” hô :” Hồ Chí Minh muốn nằm” để diễu đám ‘con đồng’ xưng tụng Cụ: “Hồ Chí Minh muôn năm”. Hay khi Bác nói giữa đám đông rằng “từ đây trở lên thì Bác già, còn từ đây trở xuống thì Bác trẻ”, ai đã đọc Hồi Ký Nguyễn Đăng Mạnh mà không cười hả hê về “giai thoại” này. Ở đây với nhiều người, trong đó có tôi, chỉ cần những câu chuyện với những chi tiết, hoặc những nhận xét hóm hỉnh cuả người viết khi ‘bình’ một sự kiện, mà không cần những loại “khẩu hiệu” như CS tàn ác, “bè lũ bán nước, hại dân”, hay nói về những mưu thâm, chước độc, đấu đá nội bộ, hạ bệ lẫn nhau. Chế độ CS nào không có những thứ âý? Các anh CSVN từ đời cha cho đến đời con, có anh nào không bái lậy, lúc thì LX, lúc thì Tàu, lúc thì cả hai bằng …sư tổ? Có cần phải dẫn chứng văn bản, nguồn gốc, nhân chứng, vật chứng cho những sự kiện như thế?

    Có những thông tin chỉ mình Trần Đĩnh có, vì tiếp xúc trực tiếp với các vị “đầu lĩnh’ Đảng trong một môi trường đặc biệt riêng tư, cùng lắm có thêm một hay hai người mà vì “sợ” không dám tiết lộ, thì đòi văn bản, ngày tháng, hay nhân chứng… liệu có quá đáng không?

    Mà ai bắt ai tin? “Chuyện Tôi”, tôi viết ra những gì tôi trải nghiệm, có bạn bè, đồng nghiệp tôi chia xẻ, chứng kiến…. Có ai đòi ai phải coi đó như một tác phẩm TẦM CỠ đâu? Muốn coi là “giải thiêng” giải linh gi đó cũng tốt, hay chỉ coi như những giai thoại đọc rồi quên, hay để có câu chuyện làm quà trong bàn nhậu, cũng xong!

    Nói như thế không phải là…phá ngang, hay phê bình tiêu cực, Còn nếu cho là chuyện nghiêm chỉnh thì lại nhờ ông Vũ Thư Hiên …lên tiếng:
    “Thật ra tất cả những việc đó nằm trong vòng bí mật cuả Đảng. Nếu chúng ta tìm văn bản thì không có được, nhưng với những người ở trong giai đoạn đó mà ở gần với các vị (lãnh đạo) ở đỉnh cao quyền lực, thì chắc ông Trần Đĩnh là người có thể đưa ra những thông tin khá xác thực để mọi người có thể tin cậy rằng, đấy là một người đáng tin.” ( VTH trả lời BBC).

    Nếu là nhà viết sử, có được những nhân chứng sống thế này, loại ‘khủng long tiền sử’ còn sót lại, thì còn gì bằng, còn hơn là chúi đầu vào khai thác một số sách cuả nhà xuất bản Sự Thật, hay các văn khố chứa “Văn Kiện Đảng” đã bị viết đi, viết lại, viết theo ý Đảng, viết theo lời Bác thì có mà ngu đến…tận thế! Nói đâu xa, chỉ một cái Di Chúc cuả một ông Tổ mà đã ‘tam sao, thất bản”, đã gạch, xoá, đã lúc trưng ra, khi dấu nhẹm… Ở đó mà tin vào nguồn, vào văn bản vào những người CS !!!

  3. Người Việt says:

    Chỉ cái tựa đề Đêm Trung Thu “ĐỐT” Đèn Cù, thì cũng đã toát lên được dụng ý của chính tác giả, là sẽ “đốt” cuốn Đèn Cù của Trần Đỉnh!
    Và quả thật cách mà tác giả PĐT nêu lên những chi tiết như “thiếu tính khoa học”, “không mang tínhsử học”, “không thể kiểm chứng”, chỉ là “giai thoại” …, thì cũng đủ “đốt… bỏ” được sự tin tưởng của nhiều người khi đọc “Đèn Cù”! Tinh vi thật! Bởi vậy mới nói “ngòi bút còn sắc hơn gươm giáo!”.
    Một người kể lại CHUYỆN THẬT MÀ MÌNH CHỨNG KIẾN, có thể tin được không, hay cần phải “có mục lục”, có cách hành văn “chuyên nghiệp” mới đáng nghe, đáng tin?
    Thế lỡ một nạn nhân trong cơn hấp hối, chỉ cố gắng thều thào vài lời về kẻ giết mình rồi lăn ra chết, thì “nhà điều tra” có cần chú ý nghe để mà lần ra manh mối không nhỉ?
    Ai có đầu óc thì đều biết cân nhắc trước cái thật và giả, cái “chân thành” và cái “dụng ý”!

  4. Nguyễn Văn says:

    Đồng ý với nhận xét khách quan của Đoan Trang.

    “Đèn Cù”. Không bàn về sự khả tín và trung thực qua nội dung mà điều quan trọng ở đây là mục đích sự ra đời của tác phẩm. Tại sao lại vào thời điểm này, thời điểm mà các lãnh đạo đảng và nhà nước đang tranh giành quyền lực gần ngày đại hôi đảng, và cũng đang trong sự tranh giành ảnh hưởng vì lợi ích giữa Tàu và Mỹ mà có thể đưa đến chiến tranh? Ai hay thế lực nào là người chủ xướng và đạo diễn? Nên nhớ tác giả vẫn đang sống tại VN. Ai sẽ bảo vệ tác giả khi tác phẩm phơi bày nhiều tội ác của đảng, phơi bày bộ mặt thật gian ác của Hồ, và của các cấp lãnh đạo cộng sản?
    Đọc “Đèn Cù”, huyền thoại lòng tin yêu vào đảng, vào lãnh tụ hoàn toàn bị sụp đổ. Không kể những nạn nhân cộng sản nếu còn sống sót hay con cháu họ, mà mọi tầng lớp người dân cũng như mọi đảng viên, dù có muốn dối lòng cũng phải tự suy xét lại.., và nó có thể là dấu mốc dẫn đến sự sụp đổ của chế độ trong những ngày sắp tới!?

    Tình hình VN không ai có thể tiên đoán được chính xác những diễn biến đang xảy ra hàng ngày cũng như trong tương lai gần mà chỉ có thể đoán chắc rằng: sẽ còn nhiều đau thương cho dân tộc.

  5. tonydo says:

    Kính đàn anh Phạm Đoan Trang!
    Nhận xét của đàn anh quả thật rất thâm sâu. Bài (Đọc “Đèn Cù” ) của đàn anh Lê Quốc Tuấn cũng trên mạng này khi tới đoạn ông Tuấn trích của Trần Đĩnh:

    “Đạt trẻ nhất lại là người mở đầu bức ảnh ở bên trái. Và ngay cạnh anh là cụ Hồ, hai thầy trò duy nhất ngồi xổm bên nhau, bên cạnh là năm sáu thư ký của Trướng Chinh đứng sau Tổng bí thư tư lự. Bức ảnh đập ngay vào mắt người xem bởi cảnh hoang vu tiều tuỵ: một lán nứa nhỏ ba vách nức tuềnh toàng không nội thất, sau đó một vạt cây cối bị đốn trơ gốc và miếng đất mới khai phá chưa kịp xây cất nhà lán. Nhưng nổi hơn cả là hình ảnh Cụ Hồ và Lê Đạt. Ai xui mà chỉ có hai người ngồi xổm ? Cụ Hồ-chắc đến chỗ Trường Chinh có việc– hốc hác đăm chiêu, Lê Đạt mặt còn hôi sữa nhưng nom thẫn thờ. Tôi không thể không nghĩ đến hai cha con một nông dân bán gà ế chợ chiều ủ ê bên nhau mà đường về thì xa và nhà thì nhẵn gạo. Đặc biệt không một chút ranh giới phân chia đẳng cấp giữa người và người. Không một bóng dáng quyền lực. Tất cả là một hình ảnh buồn, suy tàn, hiu hắt. Mấy thành viên cuối cùng của một bộ tộc sống trên một dẻo rừng biệt lập được Geography chụp được. Bức ảnh với hết không khí hiện thực ủ ê của nó cho thấy cụ Hồ không thể không băng qua vùng biên giới bị Pháp chiếm đóng để tìm Mao Trạch Đông.”
    (Hết trích)

    Em thấy nó có vẻ lằng nhằng, dài một cách không cần thiết, lại hơi mù mờ về ý, và quan trọng nhất là ngài Trần Đĩnh viết cứ như là tiểu thuyết.

    Có người gửi cho em Đèn Cù, em chưa đọc, và có lẽ sẽ không đọc.
    Kính cám ơn đàn anh Đoan Trang. Chết cha, có khi đàn chị thì sao?
    Tên đàng hoàng và đẹp quá.

  6. Thích Trí Cười says:

    Ngay tiêu đề bài viết “Đêm Trung thu, “đốt” Đèn Cù”, tôi lại suy nghĩ miên man và hiểu như thế này: Đèn dầu (hay đèn Hoa kỳ mà dân Bắc Việt thường gọi), đèn bão, đèn Măng-sông (dùng dầu hỏa), còn đèn ông sao, đèn cù (đèn kéo quân) (dùng nến ) …. đại để không phải đèn (bằng) điện thắp sáng (như ngày nay), thông thường người ta nói: thắp đèn, rất ít người dùng từ “đốt” đèn. Từ “đốt” thường có nghĩa: tiêu huỷ (đốt bỏ).

    Tôi đồng ý với nhận xét của PĐT, văn phong cuốn Đèn Cù mang dáng dấp “sổ tay ghi chép, nhật ký ghi vội” hơn là một tác phẩm văn học. Nhưng dù sao cũng đáng đọc “vì muốn tò mò chuyện thâm cung bí sử của Triều đại nhà Hồ”. Một thói toọc mạch (chẳng hay ho gì) của người đời trong đó có tôi.

    Vậy có phải PĐT nhân dịp Trung thu “đốt” (cuốn) Đèn Cù ” chăng?

  7. Hòa says:

    Phạm Đoan Trang bình luận chính xác về tác phẩm “Đèn Cù” vì nếu đó là tác phẩm viết như sách sử thì phải kê rõ nguồn và ngày tháng. Thiếu đi những ghi nhận nầy thì không thể kể là sách lịch sử được.
    Có lẽ PĐT đã học qua khóa báo chí thời nay (không phải thời ông Trần Đĩnh) nên hiểu rõ luật 5 W’s (who, what, when, where, why and how) cần phải có và rõ ràng trong mỗi bài văn, bài báo, tường trình cũng như sách lịch sử, nên mới nhận ra những thiếu xót căn bản nhưng rất cần thiết trên.
    Tuy thế, với sự bịt kín thông tin trong xã hội VN thời csvn, cuốn sách quả là “một luồn gió mới” đem đến cho chúng ta những thông tin cần thiết để hiểu thêm những gì đã xảy ra tại Miền Bắc VN và bên trong hậu trường cs.
    Hy vọng khi sách của ông Trần Đĩnh, nếu tái bản, sẽ được bổ túc thêm những phần thiếu xót hay cập nhật thêm cho sách rõ ràng hơn; như thế, sách sẽ giúp ích cho thế hệ mai sau tìm hiểu cũng như khiên cứu về lịch sử VN.

Leave a Reply to Hòa