WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Người cận vệ của Daw Suu

‘Bà rất trung hậu nên tôi xin làm cận vệ.’

Thế Hệ 88 ở Miến Điện không phải là những người sinh vào thập kỷ 1980. Thế Hệ 88, viết hoa, là tổ chức dân chủ của sinh viên ở Rangoon (Yangon). Họ khởi xướng và dẫn đầu cuộc tổng nổi dậy toàn quốc năm 1988 chống nhà nước độc tài. Bắt đầu từ sinh viên, cuộc nổi dậy lan rộng toàn quốc, không chỉ những thành phố lớn như Mandalay, mà tới tận phố Sittwe hẻo lánh nằm bên bờ vịnh Băng Gan. Sinh viên, tu sĩ, nông dân, ngư phủ, học sinh, trí thức, công chức, và cả thương gia giàu có ở Rangoon cũng xuống đường.

Cuộc nổi dậy kéo dài hơn một tháng thì quân đội bắn thẳng vào đoàn người biểu tình. Sinh viên đi đầu. Lãnh tụ sinh viên đi trước sinh viên. Nhưng Thế Hệ 88 không bị dập tắt.

Ko Thet. Ảnh: Từ Khanh.

Cuộc đời của Thet Oo bắt đầu từ Thế Hệ 88. Tôi gọi ông là Ko Thet (anh Thet) theo cách gọi thân mật và kính trọng của người Miến. Năm 1988 Ko Thet 27 tuổi. Gia đình ông là thương gia giàu có ở Rangoon. Ông phụ cha bán xe hơi. Xe hơi ở Miến Điện có lẽ đắt nhất thế giới. Một chiếc xe cũ, nếu ở Úc hay Mỹ nằm trong bãi phế thải nhưng qua Miến Điện sẽ có giá gần hai chục ngàn đô la.
Tôi gặp ông ở Mae Sot, biên quận nhỏ bé và buồn bã thuộc tỉnh Tak của Thái Lan. Cơn lụt vừa qua đi ngày hôm trước, những bao cát chất cao ba bốn lớp dọc đường phố bám đầy bùn đất và lá cây. Nước sông Moei chia hai bờ Thái-Miến dâng cao đến mép, chảy cuồn cuộn. Mấy căn nhà bằng các tấm bạt xanh dương dưới lòng Cầu Hữu Nghị chìm trong màu nước đục. Những người Miến chạy lên bờ Thái nhìn xuống nhà của họ, chờ nước rút.

Ba bề là núi một mặt là sông, Mae Sot có rất nhiều người Miến Điện sống chui nhủi trong lòng quận lỵ nhỏ bé này, chờ một ngày nào đó chính phủ Thái cấp cho tờ giấy xóa bỏ tình trạng vô tổ quốc mới qua khỏi biên quận. Con nít Miến sống bám vào bãi rác rất lớn cách biên giới ba cây số. Các thành viên dân chủ bên Miến bị săn đuổi vượt sông qua tiếp tục hoạt động và tiếp tế người còn tranh đấu và tù đày trong nước. Có cả một trại tỵ nạn lớn nhất, trại Mae La, cất nhà san sát dài bốn cây số men chân núi. Có một bệnh viện lớn cách biên giới bốn cây số do một nữ bác sĩ Miến Điện để chữa chạy những người không được bệnh viện Thái nhận. Một vài quán cà phê hoạt động gây quỹ giúp đỡ nhau, một thư viện Miến do một nhà sư Miến thành lập. Một trại cô nhi bình thường và một trại cô nhi không bình thường nuôi riêng những trẻ em Miến bị xâm hại. Rải rác bên bờ sông có những gia đình sống trong các căn lều che bằng bạt. Rải rác bên bờ sông vài tụm người người bán thuốc lá lậu. Các thiếu nữ Miến tắm bên bờ sông phía Thái.

Tôi đi hết những nơi vừa kể, đến trại Mae La cách Mae Sot 60 cây số. Bên trong hàng rào và các lô cốt quân sự dọc hàng rào, hàng chục ngàn căn nhà tre lợp lá, hàng chục ngàn người Miến đi qua đi lại vật vờ. Những người trong trại sống chui công khai. Những người ngoại trại sống chui phập phồng. Tất cả đều chui. Bệnh nhân chui. Chết chui. Sống chui. Làm bác sĩ chui. Thầy giáo chui. Hoạt động dân chủ chui. Bán buôn chui. Mồ côi chui. Và tắm chui. Họ có thể bị trả về bên kia sông bất cứ lúc nào.

Ko Thet cũng thế. Một trong các cận vệ đầu tiên của bà Aung San Suu Kyi đang sống chui ở Mae Sot từ năm 2007.

Trong căn phòng chỉ được bật sáng khi có khách, quanh bốn bức tường trưng bày ảnh chân dung các tù nhân chính trị Miến Điện, Ko Thet đeo kính để đọc tên từng đồng chí của ông còn ở tù bên Miến Điện. Danh tánh các người tù đã chết, các người tù còn sống đang ở khắp các nhà lao bên kia sông, các thầy tu đã sống hay đã mất trong tù, và ảnh bà Aung Sang Suu Kyi bên cạnh lãnh tụ sinh viên nổi bật nhất của Miến bị kết án 20 năm: Min Ko Naing. Ngay giữa phòng là mô hình nổi nhà tù Insein khét tiếng ở Rangoon. Ko Thet ở đó 12 năm.

Ko Thet đứng khập khễnh giữa phòng, dựa nhẹ vào mép bàn đặt mô hình nhà tù Insein. Chân phải ông khập khểnh, hai tai hoàn toàn điếc đặc nên phải đeo máy trợ thính. Thân thể ông không lành lặn sau những trận tra tấn. Nhưng chiều nay, trong căn phòng của Hội Trợ Giúp Tù Nhân Chính Trị Miến Điện, từ con người ông vẫn toát ra một vẻ cường tráng, đôi mắt sáng và dù chân khập khểnh, dáng ông vẫn hiên ngang.

Phòng triển lãm này chỉ có một ô cửa hình cánh cung đủ một người từ bên ngoài khom lưng và cúi đầu chui vào. Ô cửa nhỏ như cửa phòng biệt giam nhà tù Insein. Ko Thet nhìn chầm chậm các tấm hình của rất nhiều tù nhân còn sống và đã chết.
*
Tối hôm sau, chúng tôi gặp nhau ở quán Peace Café. Nơi đây có nhiều người Miến lui tới. Bàn bạc, thuyết trình, chiếu phim về tình hình Miến Điện mỗi tối chủ nhật, gây quỹ giúp nạn nhân động đất ở bang Shan. Quán do một hội Phật giáo Nhật Bản tài trợ và được một cặp vợ chồng Miến coi sóc. Cà phê dở, thức ăn cũng dở, nhưng người Miến không đến đây để ăn uống.

Ko Thet đến với hai cựu tù Thế Hệ 88. Người thứ nhất là nữ, tốt nghiệp cao học ngành Lý, tham gia Thế Hệ 88 và ở tù 5 năm 9 tháng. Người thứ hai là nam, cũng Thế Hệ 88, ở tù 14 năm. Cuộc đời người thứ nhất là một câu chuyện dài. Người thứ hai ngồi từ 7 rưỡi tới khuya, không uống, không ăn, không nói. Im phắt như pho tượng.

‘Anh cũng trong nhóm Thế Hệ 88?’

Giọng của Ko Thet vang rền đầy khí lực. Ông nhờ người nữ tù ngồi đối diện thông dịch.

‘Không, tôi thuộc nhóm sinh viên có tên là Tricolor. Tuy nhiên cũng có thể nói là Thế Hệ 88 như các bạn đây vì anh thấy đó, chúng tôi không chỉ đang ngồi với nhau, mà từ năm 1988, đã hoạt động chung. Trước đó, gia đình tôi buôn bán xe hơi, trong xã hội Miến chúng tôi là người giàu, không chật vật như rất nhiều người khác.’

‘Người giàu thường bảo vệ chế độ chứ!’

Ko Thet cười hiền lành:

‘Chúng tôi chán ngấy rồi. Lâu quá rồi, độc tài lâu quá rồi. Ngột ngạt chịu không nổi. Nhìn xung quanh mình đời sống quá thảm hại. Tôi muốn thở, tôi muốn thở. Anh cũng biết mà, chúng ta sống đâu chỉ cần ăn mặc. Cần nhiều thứ khác, cần nhiều thứ khác, nói làm sao nhỉ, chúng tôi muốn làm theo ý mình, làm những điều mình thích. Khi Thế Hệ 88 tổ chức xuống đường, lấy ngày 8 tháng 8 làm ngày tổng nổi dậy chính, chúng tôi gia nhập ngay. Lúc đó khí thế bừng bừng. Mọi người, tất cả mọi thành phần ở Rangoon đều tham gia kể cả công chức, giáo sư đại học, những học sinh chưa xong trung học, như cậu bạn đây [người tù 14 năm] lúc đó mới 16 tuổi. Chúng tôi tin rằng phải có một sự thay đổi tận gốc bằng biện pháp ôn hòa, không bạo động. Cuộc buổi tình lúc đầu chỉ do một ít anh em sinh viên 88 khởi xướng ở Rangoon. Ban đầu chỉ đòi hỏi các vấn đề liên quan đến sinh viên, nhưng Min Ko Naing mở rộng mục tiêu đấu tranh, đòi hỏi nhân quyền cho cả nước, vì vậy lôi kéo hầu hết thành phần. Min Ko Naing biết làm việc, anh tổ chức kêu gọi bà con ở Mandalay, rồi các tu sĩ giúp vận động, thế rồi lan tới miền bắc bang Kachin, miền tây bang Arakhing. Và cả nước xuống đường.

‘Lúc khởi sự có bà Aung San Suu Kyi tham gia chưa?’

‘Chưa. Năm 88 Daw Suu về săn sóc mẹ đang bịnh. Bà đang ở bên giường mẹ. Các anh em sinh viên Thế Hệ 88 cho rằng phải có một gương mặt lãnh tụ nổi bật để thu hút quần chúng. Việc tổ chức nổi dậy trước khi có Daw Suu về nước. Chúng tôi đưa bà lên.’

‘Nghĩa là lúc đó chưa có cả Liên Minh Dân Chủ Toàn Quốc (National League for Democracy) của Daw Suu?’

‘Đúng. Sau đó NLD mới thành lập. Cuộc nổi dậy năm tám tám do Thế Hệ 88 tổ chức và lãnh đạo. Các sinh viên của Thế Hệ 88.’

‘Từ đâu Daw Suu thành lãnh tụ dân chủ?’

‘Thế Hệ 88 thấy rằng cần có hình ảnh một lãnh tụ có tầm vóc. Đúng lúc ấy Daw Suu xuất hiện. Nói cách khác chúng tôi marketing Daw Suu, bởi vì trong các khuôn mặt dân chủ lúc ấy Daw Suu xứng đáng nhất. Thế rồi Daw Suu đồng ý phát biểu trước đám đông nửa triệu người ngay chùa Shwedagon ở trung tâm Rangoon. Nhóm sinh viên bàn bạc rằng phải có một đội cận vệ để bảo vệ Daw Suu. Họ tuyển lựa  những người thích hợp nhất, như chưa có gia đình, có sức khỏe, biết võ nghệ càng tốt. Tôi xung phong làm cận vệ và được tuyển.’

‘Vậy là anh có võ đó nhẻ. Đấm đá có tốt không?’

Ko Thet gật đầu:

‘Cũng được. Nhưng tôi chỉ là một trong vài cận vệ của Daw Suu. Một mình tôi sao nổi.’

‘Anh phải theo sát Daw Suu ngày đêm, hay chỉ những lúc cần?’

‘Anh có đi ngang trước nhà Daw Sưu đó, có thấy một cái hộp nhà phía cổng không. Tôi ở đó, luôn luôn ở đó, trong suốt hai năm 1988 đến 1989.’

Ko Thet gật gù, đôi mắt như có một luồng sáng khi hồi tưởng những năm qua. Ông không hút thuốc, nhưng uống bia khá tốt, ăn uống như rồng cuốn. Ông kể tiếp:

‘Sau đó NLD mới thành lập bầu Daw Suu làm lãnh tụ. Khi bà bị giam lỏng, tôi vẫn tiếp tục hoạt động dù không còn làm cận vệ nữa. Đến năm 1993 thì bị tó.’

‘Chắc là nó lại bắt vào ban đêm?’

‘Ban đêm. Cô này [người nữ tù 5 năm 9 tháng] cũng bị bắt vào đêm khuya. Chúng đưa thẳng vào nhà tù Insein. Tôi bị còng hai tay sau lưng, đặt nằm ngửa để chúng nhảy lên bụng, rồi bị treo lên sàn nhà, chúng thay nhau đá tưng như đá bóng, và bị đập vào đầu nhiều đêm liền. Chúng nhốt đến 2005 thì thả [cười].’

‘Điều gì ở Daw Suu khiến anh tình nguyện làm cận vệ, trong khi vào lúc đó chưa biết nhiều về bà?’

‘Sự trung hậu, anh ạ. Bà rất trung hậu nên tôi xin làm cận vệ. Bà nói chuyện gần gũi dù tôi biết bà trí thức, con một vị tướng lập quốc, thuộc một tầng lớp xã hội cách xa tôi. Ai tiếp xúc với Daw Suu đều thấy sự chơn chất, thật lòng, cứ như ở bà toát ra một sức hấp dẫn khiến ta sinh lòng kinh trọng và yêu mến. Chỉ đơn giả vậy thôi, đơn giản vì Daw Suu là người trung hậu.’
‘Giả sử nếu được lập lại, làm lại cận vệ cho Daw Suu, và tiếp tục bị… tù, anh có làm lại không?’

Ko Thet gật đầu, đôi mắt sáng băng nhìn vào một loạt poster chân dung Aung San Suu Kyi treo trên hai bức tường trong quán. Con người ông sung mãn tự nhiên sau 12 năm tù.

‘Nhưng đó là ý chí, chứ đau đớn lắm. Buồn nhất lúc ở tù thì cha chết, ông nội nội, anh trai chết. Tôi không bao giờ gặp nữa.’

Ông nghẹn ngào, mắt ướt lệ.
Sau khi được thả, các đồng chí của ông ở Mae Sot móc nối, giúp ông vượt biên qua Thái.

Tôi ngập ngừng hỏi:

‘Thế bây giờ, anh sống… có được không? Vợ con?’

Ko Thet cười cười. Người nữ bác sĩ Miến, ngồi bên cạnh từ đầu, đỡ lời:

‘Anh ấy đang nuôi đứa con 18 tháng tuổi. Thì… vậy vậy! Sống quanh quẩn trong phạm vi Mae Sot.’

Ko Thet chợt nói:

‘Tôi chỉ nhờ anh một việc. Tôi có hai người bạn đã trốn được ra nước ngoài nhưng không biết ở đâu, nhờ anh tìm. Để tôi viết tên họ, may ra.’

Chợt nhớ ra điều nữa, Ko Thet cười:

‘À hai việc. Daw Suu sắp đi khỏi Rangoon đi vòng quanh cả nước, ít bữa qua đó nếu anh gặp người cận vệ hiện nay của bà tên là abc, anh nhớ cho tôi gửi lời thăm nhé, kể cho ảnh nghe về tôi ảnh sẽ mừng lắm. Anh ấy cùng trong toán cận vệ của Daw Suu với tôi từ ngày đầu.’

Tôi nói điều thứ hai khó hứa, nếu may mắn không bị dùi cui chặn thì tôi sẽ gặp bạn Ko Thet, với lại làm sao biết lịch trình đi đứng của Daw Suu?

Người nữ bác sĩ cười cười, nói tôi sẽ gửi email cho anh biết lộ trình của Daw Suu.

‘Làm sao cô biết? Nghe nói quân đội họ cũng muốn biết lắm?’

‘Tôi cho anh biết một lộ trình trước: Daw Suu sẽ ghé Bagan với con trai. À mà tôi hớ rồi. Anh đi Miến thường xuyên như vậy chắc là người của quân đội theo dõi chúng tôi!’

Chúng tôi cười vang trong quán khuya. Hai người bạn tù xin về trước. Ko Thet ở lại, gọi thêm bia. Anh nói bốn năm nay mới có một tối cởi mở, không giấu giếm sợ sệt. Tôi uống thêm nữa nhé.

Vâng, xin mời anh nốc cạn. Rượu biên thùy đó nhé. Đêm đã khuya, chỉ còn hai chiếc xe đạp dựng chống nghiêng bên lề đường.

Mae Sot

© Đàn Chim Việt

Phản hồi