WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Tản mạn chợ Đồng Xuân ở Berlin

Cuối tháng 11, vợ chồng đi chơi Berlin vài ngày. Berlin, thành phố mang nhiều vết tích đau thương của nhân loại. Biểu tượng của sự chia cắt thế giới nhưng đồng thời cũng là một bằng chứng mãnh liệt cho sức sống của dân tộc Đức.

Cổng chính chợ Đồng Xuân - Ảnh: tác giả

Cổng chính chợ Đồng Xuân – Ảnh: tác giả

Đi nhiều, nhưng cũng giống như các nơi khác, vẫn luôn muốn tìm hiểu không khí Việt Nam. Và tại Berlin, có lẽ chỉ có chợ Đồng Xuân là được nhắc nhở nhiều nhất. Xấu, tốt, nguy hiểm, cẩn thận, không nên đi… bấy nhiêu nhận xét, đánh giá về một trung tâm buôn bán của người Việt tại châu Âu. À, mà chỉ riêng chuyện nhắc đến khái niệm cộng đồng tại đây cũng cần cẩn thận!

Đi ăn cơm tối tại một nhà hàng Việt nằm ở phía Tây Berlin. Tò mò, bắt chuyện với chị chủ quán. Hỏi chắc chị lấy hàng ở chợ Đồng Xuân. Chị im lặng một chập rồi khẽ cười, trả lời bằng một giọng rất Nam Bộ: „Không anh, tụi này đi chợ nơi khác, gần đây”. Như có vẻ ái ngại, chị nói tiếp: „Ở Đồng Xuân, người Bắc đông lắm! Chủ yếu dành cho những ai thích món miền Bắc”. Nụ cười gượng gạo của chị ít nhiều phản ảnh một chủ đề tế nhị khi nhắc đến khu trung tâm thương mại này!

Cô bạn đang sinh sống tại Berlin nhắn tin: ”Anh chị muốn đi chợ Đồng Xuân, em sẽ dẫn đi, chứ một mình, em ngại nơi đó lắm!”. Ừ, có đọc báo, có nghe chuyện, nhưng „ngại” đến mức độ này thì nhất định phải đi thôi! Đi cho biết, cho hiểu. Cái gì mà khó thì càng thôi thúc dẫu „chỉ” là một cái chợ của một bộ phận người Việt tại đây!

Từ Alexanderplatz, chúng tôi lấy xe điện M6 rồi đổi lấy M8 ở trạm Landsberger Allee để đi về quận Lichtenberg.

Một cảm xúc lạ lùng, ấn tượng đập vào mắt chúng tôi chính là sự thay đổi cảnh vật một cách chóng mặt, sau khi rời khỏi khu phố xầm uất, nhộn nhịp, sống động, nhiều màu sắc của Alexanderplatz để đi về Lichtenberg. Chỉ sau chừng 5 phút, những toà nhà chung cư trơ trọi giữa những khu phố vắng vẻ xuất hiện ở hai bên đường.

Sự cũ kỹ, xuống cấp, hoen ố của những dãy nhà tập thể được xây dựng từ thời Chiến tranh lạnh vẫn nằm đó, nhưng dường như không được trùng tu, sửa chữa. Cái kiểu kiến trúc mang đậm dấu ấn của Stalin tại các nước thuộc khối XHCN ở Đông Âu vẫn hiện hữu trên những đại lộ rộng lớn. Tiết trời của những ngày cuối thu, đầu đông lạnh lẽo, xám xịt khiến cho cảnh vật trở nên vô cùng buồn bã và không cần nhiều lời giải thích, người ta có thể hình dung, cảm nhận được cuộc sống vất vả của vùng đất phía đông Berlin.

Càng về gần khu trung tâm Đồng Xuân, càng có nhiều người Việt lên xe điện. Những ánh mắt nhìn nhau, đôi khi những cái gật đầu, ra hiệu chào nhau. Tất cả diễn ra trong một không gian buồn tẻ. Những con đường thênh thang, những toà nhà hoang tàn, đổ nát bên những cánh đồng nhuộm màu vàng xậm và trống vắng. Có lẽ đó là những xí nghiệp, hãng xưởng đã bị phá sản, đóng cửa và bị bỏ hoang sau khi hai miền Tây và Đông thống nhất.

Chúng tôi có cảm tưởng như đang thực hiện một cuộc hành trình quay về quá khứ. Như thể những thước phim Good Bye, Lenin! của Wolfgang Becker đang hiện dần trước mắt. Sự tồn tại của bức tường Berlin dường như vẫn còn đâu đó trong ký ức, thậm chí, trong đời sống thường ngày của những người dân phía Đông.

Thông tin tìm việc, tìm vợ, tìm chồng… - Ảnh: tác giả

Thông tin tìm việc, tìm vợ, tìm chồng… – Ảnh: tác giả

Miên man suy nghĩ, cô bạn nhắc: ”Mình xuống anh chị”. Nếu không có cái bảng to đùng đón chào khách thì chắc mọi người không biết đây là khu chợ xầm uất của người Việt. Từ ngoài đường Herzberg, có thể thấy những ô cửa kiếng bị vỡ nát, những cánh cửa sổ cũ kỹ, những bức tường gạch nhuộm màu của năm tháng. Sự điêu tàn là ấn tượng ban đầu đập vào mắt. Những dấu vết của vụ hoả hoạn hồi tháng 9-2015 tại chợ Đồng Xuân vẫn còn đó.

Có lẽ khu chợ được dựng lên trong khuôn viên của một hãng xưởng thời CHDCĐ. Sinh hoạt của trung tâm vẫn còn yên lặng, ít nhộn nhịp dẫu vào ngày cuối tuần. Chúng tôi không thấy các cậu thanh niên choai choai, đầu đinh, gốc Quảng Bình, Nghệ An tụ tập, chửi thề, la hét, đánh đấm như đã đọc đâu đó về „danh tiếng” của Đồng Xuân. Và cố quan sát cũng không thấy các cô gái trẻ đẩy xe nôi, tay dắt con đi „nườm nượp”. Đành tự nhủ, có lẽ còn sớm quá, bà con chưa ra chợ nhiều.

Những dãy nhà rộng lớn (Halle) nằm toạ lạc trong khuôn viên trung tâm. Người ta bán buôn đủ thứ hàng hoá từ sách báo, áo quần, thực phẩm đến những nhà hàng với các món ăn thuần tuý của miền Bắc (hay đơn giản thuần Việt). Trên những bức tường, các thông tin tìm việc, bán hàng, tìm vợ, tìm chồng, làm giấy tờ được dán nhan nhản. Đây có lẽ là một khía cạnh sinh hoạt mang đậm tính chất cộng đồng, „luật bất thành văn”, chỉ tồn tại giữa những người Việt với nhau.

Vào trong một tiệm sách báo, thấy vô số các tạp chí bên nhà từ bao năm trước vẫn còn được bày bán. Chắc họ gởi theo từng container, sang đây dán giá 1-2 Eur. Đặc biệt các loại báo như „An ninh thủ đô”, „Công an”, „Pháp luật”…được chuyển qua đường hàng không hàng tuần. Giữa một rừng tạp chí cũ, sách vở đủ loại, kiếm mãi cũng không ra một cuốn khá hay để mua. Chào ra về, chợt thấy ánh mắt hơi buồn của anh chủ tiệm.

Các gian hàng bán áo quần, túi xách muôn màu, đủ loại, được bày la liệt trên kệ, dưới đất. Trông qua cũng biết đó là những hàng chất lượng thấp, hàng nhái, giá rẻ. Nhưng có lẽ, các gian hàng bán thực phẩm, từ thịt cá, rau quả đến gạo, chả đủ loại, là những nơi được bà con ghé nhiều nhất và bán chạy nhất. Mà ở đâu chẳng thế, ẩm thực luôn được ưu tiên hàng đầu!

Bên trong một dãy nhà (halle) - Ảnh: tác giả

Bên trong một dãy nhà (halle) – Ảnh: tác giả

Đi dạo khắp 7-8 dãy nhà của trung tâm. Để ý, lắng nghe những lời trò chuyện, tâm tình của những người làm việc nơi đây mới tạm hiểu phần nào cuộc sống bán buôn nhiều gian truân của họ. Cách thức kinh doanh tại đây khác xa với những trung tâm to lớn của người Việt tại Mỹ, tại Pháp, tại Anh… Chợt nhớ nhận xét của ai đó về hình thức mua bán của chợ Đồng Xuân tại Lichtenberg như là „một ốc đảo của chủ nghĩa tư bản sơ khai trong lòng chủ nghĩa tư bản phát triển”.

Đó là một cách mua bán, kinh doanh tự phát, không có qui củ, nề nếp hay được tổ chức bài bản. Đa số không được đào tạo đàng hoàng về kinh doanh. Âu đó cũng là điều dễ hiểu khi biết rằng đại đa số những người Việt làm ăn tại đây xuất thân từ thành phần đi hợp tác lao động tại CHDCĐ. Sau khi bức tường sụp đổ, kéo theo tương lai mù mịt của hàng chục ngàn người Việt tại Đông Đức. Họ bị chính nhà nước CHXHCNVN bỏ rơi, tìm mọi cách ở lại Đức. Họ gặp nhiều bất lợi so với cộng đồng người Việt tỵ nạn cộng sản ở phía Tây Đức trong việc hội nhập với xã hội bản xứ.

Bất lợi về ngôn ngữ cộng với trình độ học vấn bị giới hạn là những yếu tố quan trọng nhất, khiến cho người Việt sống ở phía Đông không thể nào tìm kiếm việc làm trong các hãng xưởng Đức. Và cứu cánh sau cùng chính là mô hình kinh doanh, buôn bán với nhau. Khác với cộng đồng người Việt phía Tây, ra đi từ hai bàn tay trắng, nhằm thoát nạn cộng sản, thành công dễ dàng, hội nhập tốt vào xã hội Đức, những người Việt tại phía Đông rời bỏ Việt Nam vì lý do kinh tế hơn là chính trị. Đó cũng là sự khác biệt lớn, vô hình đã chia cắt, cản trở hai cộng đồng gần gũi, giao lưu với nhau.
Trong khuôn viên của chợ, thấy nhiều bích chương có hình cờ đỏ sao vàng, cả những biểu ngữ mừng ngày giải phóng Thủ đô…Có lẽ, chỉ ở những trung tâm thương mại ở Đông Âu mới có những hình ảnh như thế. Sự hiện diện của nhà cầm quyền CSVN tại chợ Đồng Xuân trong những dịp lễ lạc, mít tinh hay sự kiện quan trọng „được” cộng đồng tại đây chấp nhận. Những quan chức của chính phủ hay hệ thống báo chí trong nước vẫn thường ghé thăm hay đưa tin về chợ.

Ông Nguyễn Thiện Nhân cũng từng xuất hiện trong dịp Lễ hội 40 năm người Việt hội nhập và phát triển tại CHLBĐ bên cạnh những quan chức người Đức. Họ thổi phòng mô hình Đồng Xuân Center như một bước ngoặc, sự „đột phá” trong quá trình hội nhập thành công (?) của người Việt tại đây. Từ hình thức kinh doanh „sơ khai” được bộ máy tuyên truyền nâng lên thành „sáng tạo”, lớn, qui mô và „hiện đại” hay „chuyên nghiệp”! Không khó để tự rút ra kết luận hoàn toàn trái ngược với những nhận xét mang đậm hơi hướng chính trị và giả dối ấy sau vài giờ đi chợ.

Thật sự, chúng tôi không cảm thấy tự hào về mô hình chợ Đồng Xuân (đã được phóng đại hoá một cách quá đáng). Nhưng qua chuyến đi, chắc chắn một cảm xúc chân thành dành cho những đồng hương đang vất vả mưu sinh là điều quan trọng nhất. Bỏ đi yếu tố chính trị, giật dây của nhà cầm quyền VN nhằm lũng đoạn những sinh hoạt cộng đồng là những mảnh đời vất vả, cảm động, nhiều nước mắt của những người Việt tha hương, không thể hội nhập vào nước sở tại.

Dầu vậy, họ vẫn luôn cố gắng tìm mọi cách làm việc để sinh sống, để giúp cho chính gia đình, con cái tại Đức và ngay cả tại quê nhà. Chắc chắn có nhiều tồn đọng, bất ổn trong nội tình của chính trung tâm Đồng Xuân. Cũng có những cảnh đâm chém, giành giựt, làm ăn bất lương nhưng bên cạnh đó vẫn còn nhiều người khó nhọc làm việc quần quật một cách lương thiện. Đó mới chính là sức sống của người Việt, bất chấp ý thức hệ chính trị, hoàn cảnh tha hương.

Rời Đồng Xuân Center, trong lòng nhiều cảm xúc trái ngược. Cô bạn nhắc khéo: ”Anh để ý nha, ở nhà ga này, có cậu thanh niên người Việt thường đứng bán thuốc lá lậu”. „Ở chỗ kia là thánh địa của một cô gái trẻ. Cô ta lấp ló, đứng bán thuốc mọi ngày trong năm, bất chấp nắng, mưa hay tuyết trắng”. Đúng, đã nghe nhiều về chuyện này, kể cả những vụ thanh toán đẫm máu giữa những băng đảng Việt (ở phía Đông) tranh giành thị trường bán thuốc lá lậu. Cũng như „danh tiếng” về „nghề” trộm cắp của những người Việt mới đến Đức qua các ngã Nga, Ba Lan…Tất cả càng làm hoen ố hình ảnh của người Việt di dân kinh tế.

Biểu ngữ kỷ niệm ngày giải phóng thủ đô - Ảnh: tác giả

Biểu ngữ kỷ niệm ngày giải phóng thủ đô – Ảnh: tác giả

Berlin, thành phố mang nhiều chứng tích lịch sử, của những lỗi lầm, ngu muội của con người mượn danh một ý thức hệ chính trị phi khoa học. Đằng sau sự cố gắng xoá bỏ những khoảng cách, những bất đồng giữa hai phía Tây và Đông, vẫn còn đó những cách biệt không nhỏ, tồn tại trong tâm tư, tình cảm của những con người tại thành phố này. Đối với cộng đồng người Việt tại đây, ở cả hai bên, cũng thế.

Một bức tường ảo tưởng vẫn còn tiếp tục tồn tại trong tâm thức của hai phía. Và một cách vô tình, nó tiếp tục chia cắt những người Việt với nhau. Sự bất đồng về ý thức hệ chính trị vẫn tiếp tục đè nặng lên mọi sinh hoạt của họ. Những người phải bỏ quê hương để thoát nạn độc tài vẫn luôn mỏi mong đất nước sớm được hít thở bầu không khí dân chủ, thoát khỏi chế độ cộng sản. Ngược lại, những đồng bào ra đi từ miền Bắc, vì lý do kinh tế, lại có thể chấp nhận sự tồn tại của nhà cầm quyền CSVN một cách dễ dàng hơn. Đó cũng chính là yếu tố quan trọng khiến cho đại sứ quán và nhà nước CSVN có thể áp đặt sự kiểm soát cũng như chính sách và đường lối của họ một cách dễ dàng trong đời sống sinh hoạt của những người Việt ở phía Đông.

Và chắc chắn, nếu không có một sự đổi thay tích cực trên phương diện chính trị tại Việt Nam, sự khác biệt giữa hai cộng đồng tại thành phố này vẫn sẽ tồn tại. Sẽ không có nhu cầu qua lại, thông thương và chợ Đồng Xuân sẽ vẫn tiếp tục là chợ của những người Việt ra đi từ miền Bắc, của những người gần gũi với chế độ đương quyền mà những người phía Tây ngại ngùng, tránh nhắc đến! Cả hai cộng đồng cần phải nhìn ra đích đến chung của mọi người Việt là tương lai, là vận mệnh của quê hương!

Dân tộc Đức đã chứng minh cho thế giới thấy được sức mạnh của họ khi vượt qua nhiều trở ngại để trở thành một quốc gia thống nhất, một cường quốc trên thế giới. Dẫu nhiều vết thương của Chiến tranh Lạnh còn âm ỉ ngay tại Berlin nhưng sự hàn gắn vẫn tiếp diễn qua bao năm tháng. Mong lắm thay, một ngày không xa, sẽ không còn cộng đồng người Việt phía Đông hay phía Tây. Hoặc người Việt miền Nam hay miền Bắc.

Mà chỉ còn một khái niệm duy nhất: người Việt Nam. Và chỉ có một đất nước Việt Nam tự do, dân chủ và phồn thịnh mà mỗi chúng ta tự hào, cảm động khi nhắc đến!

Đi chợ Đồng Xuân nửa ngày nhưng nhiều cảm xúc vẫn cứ đeo đuổi mãi đến tận hôm nay!

Đêm cuối năm 2015

©Lâm Bình Duy Nhiên

© Đàn Chim Việt

10 Phản hồi cho “Tản mạn chợ Đồng Xuân ở Berlin”

  1. Ban Mai says:

    VN có câu nói: “Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài” rất thích hợp với khung cảnh chợ Đồng Xuân trong lòng cộng đồng Việt ở Đức.

    Người miền Bắc đã sống với chế độ CS thì chính nó đã là yếu tố làm khác với người miền Nam đã sống với Dân chủ, Tự do. “Thời bao cấp” đương nhiên là khác với “thời VNCH”! Ngay cả người cùng gốc Bắc nhưng di cư vào Nam năm 1954, chẳng những khác, mà còn khác xa với người Bắc 30/4.

    Như vậy thì “tròn” và “dài”, như câu nói trên, nếu bỏ chung vô một rổ thì chỉ cần nhìn bằng mắt (nếu đủ ánh sáng) hay đụng vào tay (nếu tối mò!) cũng không thể lẫn lộn! :)

    Chuyện xấu/tốt gì đó thì ít nhất cũng một hai thế hệ nữa nhờ sống chung cùng một môi trường, là cái “rổ Đức”, mới có cơ “lai” nhau! Đây cũng là chủ trương của CS miền Bắc. Họ tìm mọi cách kéo dài thời gian giẫy chết để chờ cho việc “lai giống” Bắc-Nam thành công, đến lúc đó dù CS sụp tiệm cũng sẽ “huề cả làng”!

    Điều bất hạnh nhất là thay vì “lai giống” tốt lại làm dân tộc bị lùn đi trí tuệ và nhân cách, chỉ cần so với các nước hàng xóm thui, chứ chưa nói đến thế giới! Huhuh…

    Cho nên lịch sử VN, tự nó sẽ ghi lại tội ác tày đình của tập đoàn CS Ba Đình và con cháu chúng chắc khó thoát khỏi lưới Trời! (“Thiên võng khôi khôi, sơ nhi bất lậu” tui dịch chắc cú là “đố tụi bay thoát khỏi tay…. bà! hihihi)

    Cũng phải mở ngoặt để tránh bị “vỡ đầu” là tui chỉ nói về tổng thể, hổng nói về cá nhân à nghen!

  2. Lê Nguyễn says:

    Những chủ chợ ở Berlin như Hiền và Mùi chỉ là những con rối của mấy thằng trong nước, thông qua bọn Sứ Quán. Cuộc họp nào chẳng có Nguyễn Văn Hiền và Trịnh Thị Mùi, 2 chủ chợ cúi đầu nghe bọn ranh con SQ chỉ bảo. Hiền và Mùi chỉ là sân sau của bọn tư bản đỏ trong nước. Không Hiền và Mùi bị đập chết từ lâu rồi.

  3. Trần Thành says:

    Trước nhất cần nhận ra từ đâu đã tạo nên những bất hợp lý như vậy . Tại sao nó vẫn tồn tại và sẽ tồn tại mãi cho đến khi không còn bị lợi dụng nữa .
    Một số người đã chấp nhận những bất cập như vậy . Đừng trách người mà hãy dám nhìn vào sự thật .Quyền lợi vật chất vẫn là nguyên nhân của những ngưới cộng sản ,thêm vào đó là những người đã từng sống dưới chế độ cộng sản thích dựa vào quyền lực để trục lợi cho mình và ngồi lên đầu người khác dù đó là chính người cùng nước của mình .

  4. vinh says:

    … đôi lần ghé đến đây tôi cũng là chứng nhân như tg bài viết đã bén nhạy ghi nhận.
    Đi giữa lòng thủ đô Berlin mùa vận động tranh cử quốc hội năm nào, thấy tranh ảnh bà Merkel „Mutti der Nation“ của đất nước này, thấy những gương mặt lãnh đạo đối lập có thể thay thế đảng phái bà lên lèo lái vận mệnh dân tộc, ngoại nhân mang căn cước xứ người như tôi dù đã an cư lạc nghiệp, còn học hành, dù lao lụng hay hưu non, dưỡng già, đã trải qua một phần đời mưu sinh của mình trên mảnh đất quên hương thứ hai tạm dung nhưng dần dà rồi cũng sẽ vĩnh viễn nơi đây, đều có cảm nhận là xứ sở này quen thuộc, an toàn hơn là quê nhà, vào những lúc có dịp trở về Hà Nội, Saigon, lang thang phố xá nhìn hình lãnh tụ và cờ quạt chế độ xa lạ, tiếp xúc với những quan chức CS bị hủ hoá tham nhũng, xem cường quyền áp bức là vinh quang, đếm mạng sống người trong nước như súc vật, „Bỏ đảng Sao Vàng“ từ lâu để rồi chỉ biết có đồng USD với quyền lực tư bản đỏ … thấy Hà Nội được thổi phòng, to son trét phấn một cách trơ trẽn và tanh tưởi không thua gì xóm chợ „Đồng Xuân“ ở đông phần Berlin, một thứ „ốc đảo của chủ nghĩa tư bản sơ khai trong lòng chủ nghĩa tư bản phát triển” châu Á như tg ghi nhận
    Cảm nhận đó không phải là sự vong bản, chối bỏ cội nguồn ra đi mà đi từ hệ quả của một chế độ bán nước hại dân, chủ trương phân hoá triền miên để cai trị, cố xua đuổi, tạo hận thù, kỳ thị giữ người Việt hai miền mà 4 thập niên sau vẫn chưa một lời tạ lỗi với quyền bính trong tay, chờ nạn nhân bắt tay xin hàn gắn vết thương do chế độ tạo ra và còn đòi xoá bỏ hận thù (!) bằng cách quét rác dưới chiếu khi nhắc lại quá khứ tội ác của chính mình.
    Nhưng nào chỉ có một dãy lều Đồng xuân bị cháy nám gương mặt . Trên đất nước VN mình còn vô số căn nhà Đồng Xuân và những ông bà quan chức vô lại như tay Nguyễn Thiện Nhân nào đó!
    kính

  5. Tiến sĩ VC says:

    Thật tự hào ,hãnh diện là người VN dưới chế độ ưu việt CHXHCNVN :

    Theo VOA:
    Hai người Việt bị bắt ở Singapore vì phá két sắt trộm 500000 đô la trong một cữa hàng .
    Năm người Việt bị bắt ở Thai Lan vì trộm tiền trong các cữa hàng quần áo .

    Thế hệ thanh niên Hồ chí Minh quang vinh muôn năm !

  6. Tiến sĩ VC says:

    “Và chắc chắn, nếu không có một sự đổi thay tích cực trên phương diện chính trị tại Việt Nam, sự khác biệt giữa hai cộng đồng tại thành phố này vẫn sẽ tồn tại. Sẽ không có nhu cầu qua lại, thông thương và chợ Đồng Xuân sẽ vẫn tiếp tục là chợ của những người Việt ra đi từ miền Bắc, của những người gần gũi với chế độ đương quyền mà những người phía Tây ngại ngùng, tránh nhắc đến! ” trích

    Đúng vậy ! còn chế độ CS thì vẫn còn cái hố sâu ngăn cách , vẫn còn những con người ngu dốt ,mọi rợ và kém văn minh !

  7. Mặt trời says:

    Tôi rất cảm phục và trân trọng với cái tâm và cái tầm của người viết bài này. Tất cả những thông tin và nhận xét đều rất chính xác với cái nhìn của một người từ Mỹ qua. Để các bạn có thể hiểu sâu hơn về cộng đòng người Việt ở Đức thiết nghĩ chúng ta nên thấy và hiểu rằng : “nước Đức vẫn là của người Đức”, chứ không phải như Mỹ là “đất nước của mọi khả năng”. Xin thưa với các bạn là : người nước ngoài ở Đức , dù là người Mỹ hay người Nhật, vẫn là công dân loại hai, người nước ngoài ở Đức chỉ có thể ngóc đầu lên được khi anh làm những cái gì mà xã hội họ cần nhưng họ không làm được (hoặc họ tưởng là không làm được, như mấy cái trò cơm rang mỳ xào đã làm nên sự nghiệp của mấy ông chủ VN ở Đức, vì người Đức người ta tưởng rằng phải học nghề 3 năm mới rang được cơm và xào được mỳ !!!).
    Mấy năm trước món chè sữa trân châu (bupple tea) từ Mỹ và Anh tràn qua, một vài người Việt ở Đức vớ bẫm, nhưng động đên thị trường và quyền lợi của các tập đoàn đồ uống lớn của Đức nên họ dủng truyền thông công cộng đập cho chết lụi ngay tức khắc.
    Vì vậy cái TTTM Đồng xuân ở Berlin vẫn chỉ là một thành công từ giới buôn thúng bán mẹt là chính, rời cái gốc đó ra là thất bại ngay. Được cái ông chủ là người gốc bắc, có tiền rồi thì thích có tiếng, và cũng y như ở VN, các quan chức thấy có hơi tiền thì bám lấy, xâu vào, tất cả đều có đi có lại cả thôi. Cũng may cho ông chủ Hiền là Đồng xuân này ở Đức, chứ nếu ở VN thì đã khốn khổ vì bị các quan “làm luật” cho tới bến.

  8. Nguyen Trong says:

    Chủ nghĩa Cộng sản thổ tả, rác rưởi làm chia rẽ lòng người, làm nước nghèo, dân mạt .

  9. tt says:

    Sinh hoạt của người Việt tại Đức xuất xứ tại miền Bắc do ảnh hưởng giáo dục của Cộng Sản nên dù sống ở nước Đức ( miền Đông Bá Linh nơi đã khai tử chế độ CS) cách sống và lối xử sự của họ vẫn giữ nguyên hình Cộng Sản!!!
    Cám ơn tác giả Lâm Bình Duy Nguyên

  10. vohoan says:

    Đọc xong bài viết nầy tôi nhận thấy ngay cả ở tại xứ người cộng động người Việt ti nạn và người Việt xuất khẩu luôn là hai tập thể riêng biệt trong thật tế và ý thức. Vậy mà chánh quyền nhà nước cộng sản hiện nay còn đào sâu hố ngăn cách đó nửa. Mới đây TBT Nguyển phú Trọng trong cương vị lảnh đạo đảng lẻ phải tạo sự đoàn kết thì đả có một phát biểu kỳ thị phân biệt vùng miền. ” Tổng bí thư phải là người miền Bắc, có lý luận.. ” Làm sao mà có hoà giải hoà hợp được ? Và theo tôi chắc chắn là sẻ không có !

Leave a Reply to Lê Nguyễn