WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Gặp anh chàng Malaysia đã hủ hóa Hạm đội 7 của Mỹ

Trong nhiều tháng trời, một nhóm gồm các nhà điều tra của Hải quân và công tố viên liên bang Hoa Kỳ đã họp nhiều buổi để tìm ra biện pháp tốt nhất cho một cuộc săn bắt có tầm vóc quốc tế. Hai chọn lựa đặt ra là nên bắt đối tượng tại trụ sở chính của ông ta bên châu Á hay là dụ ông ta lên một chiến hạm Mỹ để bắt?

Kết quả chọn lựa không thể dứt khoát bởi vì chọn lựa nào cũng có khó khăn, khó khăn lớn và phức tạp. Đối tượng đã cài cắm rất sâu bên trong Hạm đội số 7 những ”tay trong” ở đủ mọi cấp, sẵn sàng cung cấp những tin nóng hổi cho đối tượng để thoát thân, khiến cho những lần đinh bắt trước đây đều bể mánh.

Đối tượng không phải là một tay khủng bố, hoặc một gián điệp cho nước ngoài, hoặc thủ lĩnh băng đảng ma túy. Thay vào đó là một người đàn ông nặng 160 kí-lô, một nhà thầu cho quân đội Mỹ có biệt danh Leonard Béo, quen biết với tất cả các thuyền trưởng các tàu của Hạm đội số 7 cặp vào các cảng châu Á. Ít nhất, các thuyền trưởng này cũng nhận được quà gồm xì-gà và rượu đắt tiền của Leonard Béo.

Có tên cúng cơm là Leonard Glenn Francis, doanh nhân Leonard Béo đã đóng đô ở Singapore trong nhiều năm, nổi danh với thái độ thân thiện và ưa chuộng hàng độc. Ông ta đã chi cho các sĩ quan Hải quân Mỹ những quà cáp độc đáo, những bữa ăn vua chúa, những cô gái điếm cao cấp, và nếu cần, còn cung cấp cả tiền tươi; để những vị sĩ quan này quay mặt đi chỗ khác khi Leonard Béo đội giá những món hàng và dịch vụ mà công ty ông ta cung cấp cho các chiến hạm cặp bến, ví dụ như đổ xăng, châm thêm thực phẩm, thay thế cơ phận, thiết bị…

Cuối cùng, nhóm điều tra của Hải quân và công tố viên liên bang đã chọn một giải pháp khá rủi ro để tóm cổ Leonard Béo. Họ dụ ông ta đến California, nói là để bàn bạc với một số đô đốc về một số hợp đồng béo bở.

Cá bị cắn câu. Ngày 16 tháng 9 năm 2013, Leonard Béo bị bắt trong căn phòng thượng hạng của một khách sạn nhìn ra bến cảng thành phố San Diego, mở màn cho một cuộc săn bắt trên 3 tiểu bang Mỹ và 7 quốc gia khác. Mấy trăm nhân viên công lực đã bắt giữ hàng chục nghi can và tịch thu hàng ngàn hồ sơ có thể giúp kết tội những chuyện làm ăn trái luật của Leonard Béo.

Sau ngày bị bắt năm 2013, người đàn ông 51 tuổi gốc Malaysia này đã nhận nhiều tội, từ lừa đảo đến hối lộ. Công ty của ông ta, Glenn Defense Marine Asia, GDMA, coi như rã đám.

Sự kiện này cũng phơi bày những chuyện mà tới nay, 3 năm sau vẫn còn được nhắc tới: liệu Hải quân Mỹ nói chung, Hạm đội 7 nói riêng, đã bị hủ hóa đến mức nào. Và sự hủ hóa của Hạm đội 7 đã tác động thế nào lên chính sách Xoay Trục của chính phủ Mỹ, nếu xét đến vai trò chiến lược của hạm đội này, là tuần tra Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.
Có lẽ đây là vụ tai tiếng lớn nhất của Hải quân Mỹ từ sau Chiến tranh Lạnh chấm dứt, nhất là với số lượng người bị Leonard Béo mua chuộc. Nhiều bí mật về an ninh quốc gia đã bị tiết lộ khi Leonard Béo nhận được các thông tin mật về sự di chuyển của các tàu nổi và tàu ngầm. Thậm chí các tay trong còn cung cấp những thông tin có lợi về mặt đấu thầu hoặc cảnh báo cho Leonard Béo biết đang có điều tra về công ty.

Cũng may là Leonard Béo chỉ dùng những thông tin này để làm lợi cho công ty mình, thay vì cung cấp cho quốc gia thù địch với Mỹ. Nhờ các thông tin đó, Leonard Béo có thể yêu cầu các tay trong của mình lái tàu về những bến có công ty của ông ta phục vụ; để rồi từ đó, ông ta có thể đội giá những dịch vụ cho Hải quân Mỹ như xăng dầu, xà lan, tàu kéo, thực phẩm, nước uống và đổ rác.

Theo hồ sơ tòa án, trong ít nhất cả chục năm, công ty GDMA của Leonard Béo cứ thoải mái tính tiền cho Hải quân Mỹ mà không cần phải ngại ngùng gì, vì Leonard Béo đã xâm nhập mọi ngõ ngách của quân chủng này.

Công ty đã làm những hóa đơn giả, tính những giá cao ngất ngưỡng để bù đắp chi phí bôi trơn. Công ty đã tạo ra các nhà thầu phụ chỉ có trên giấy tờ, tạo ra những ban quản lý bến cảng ma để đánh lừa Hải quân Mỹ, buộc quân chủng này phải chi cho những dịch vụ chẳng bao giờ nhận được.

Cho tới giờ này, Leonard Béo thú nhận đã xà xẻo khoảng 35 triệu đô la của Hải quân Mỹ, nhưng các nhà điều tra tin rằng con số thực sự cao hơn nhiều.

Robert Huie, công tố viên liên bang có tham gia vào cuộc điều tra nói rằng vụ này đã vượt tầm mức “độc đáo” để tiến sang tầm “lịch sử và huyền thoại.”

Cho tới giờ này, nhà chức trách Hoa Kỳ và Singapore cho biết có 14 người bị truy tố hình sự, 200 người đang bị điều tra, trong đó có độ 30 đô đốc, nhưng chỉ có một số nhỏ được tiết lộ tên cho công chúng.

Craig Whitlock, nhà báo chuyên về điều tra của tờ Washington Post là người đã tìm hiểu, đúc kết câu chuyện về Leonard Béo đang trải ra trước mắt chúng ta.

Cho tới giờ này, đã có 4 sĩ quan, 1 binh sĩ và 1 đặc vụ của Sở Điều tra Hình sự Hải quân (NCIS) nhận tội và đang bị giam. Leonard Béo và hai nhân viên cao cấp của GDMA cũng vậy.

Hôm thứ Sáu vừa qua, có 3 sĩ quan Hải quân khác, có người còn tại ngũ, đã bị xử trước tòa liên bang về tội có dính đến Leonard Béo. Nhiều người khác còn đang chờ điều tra.

Chính xác có bao nhiều người dính vào vụ này vẫn là một bí ẩn. Khi nhận tội, Leonard Béo thú nhận đã chiêu đãi “rất nhiều” quân nhân Hải quân bằng tiền tươi, gái, và quà trị giá nhiều triệu đô la để công ty ông trúng những quả thầu và nâng giá mà không bị ai thắc mắc.

Một công tố viên liên bang năm ngoái khai trước tòa có hơn 200 “đối tượng” đang bị điều tra.

Uy tín của nhiều tướng lãnh Hải quân đã bị hoen ố. Tháng 12 năm ngoái, Đô đốc John Richardson, Tư lệnh Hải quân triệu tập khoảng 200 tướng Hải quân về dự buổi họp đặc biệt tại Washington. Ông nói thẳng với họ, dù không nêu tên, có độ 30 người trong các bạn đang bị Bộ Tư pháp hoặc Hải quân điều tra vì có dính đến vụ Leonard Béo.

Trong thập niên 1990, Hải quân cũng gặp một vụ scandal lớn, thường gọi là vụ Tailhook, khiến 14 ông tướng bị khiển trách hoặc bị buộc giải ngũ. Vụ này do mấy ông phi công Hải quân họp đại hội với nhau, nhậu nhẹt và ăn chơi sa đọa, làm mất mặt Hải quân, một quân chủng được cho là quý phái trong quân lực Mỹ.

Bởi vì hầu hết 11 người bị khởi tố trong vụ Leonard Béo đều nhận tội, được thu xếp ngoài tòa, nên không có vụ xử công khai nào xảy ra, do đó chỉ có một phần nhỏ tang chứng được công khai hóa.

Những gì được kể lại trong bài này được dựa trên các cuộc phỏng vấn với khoảng 30 quân nhân Hải quân tại ngũ hoặc giải ngũ, hàng trăm trang tài liệu của tòa, hồ sơ đấu thầu và tài liệu quân sự mà nhà báo được cung cấp theo Luật về Tự do Tìm hiểu Thông tin (FOIA).

Một cựu sĩ quan được phỏng vấn nói rằng “Ngay cả Liên Sô cũng không thể xâm nhập Hải quân Mỹ ở cái mức của Leonard Béo. Ông ta được Trời cho cái tài thu hút người khác. Ông ta trở thành bạn thân của bạn lúc nào bạn cũng không hay. Đã có lúc nguyên dàn lãnh đạo của hạm đội đã bị ông ta xâm nhập. KGB cũng không thể làm như ông ấy.”

 

Leonard Francis, tự Leonard Béo  Tổng Giám đốc kiêm CEO công ty Glenn Defense Marine Asia Tháng 1 năm 2015, nhận các tội hối lộ, âm mưu phạm tội hối lộ, và âm mưu lường gạt Hoa Kỳ. Đang chở tuyên án.

Leonard Francis, tự Leonard Béo
Tổng Giám đốc kiêm CEO công ty Glenn Defense Marine Asia
Tháng 1 năm 2015, nhận các tội hối lộ, âm mưu phạm tội hối lộ, và âm mưu lường gạt Hoa Kỳ.
Đang chở tuyên án.

LEONARD BÉO LÀ AI?

Leonard Francis xuất thân từ một gia đình khá giả ở Penang, Malaysia, có một công ty mua bán hàng đi biển mà bà ngoại ông đã lập ra vào năm 1946 ở eo biển Malacca, thủy lộ quan trọng của thế giới.

Dù là con của một gia đình khá giả, đi học trường tư, cha mẹ ông không hòa thuận. Hai ông bà có ba đứa con, vào lúc chia tay, bà mẹ chỉ mang theo người con gái và người con trai, để lại ông sống một mình với bố, với nhiệm vụ lạ lùng là mày phải canh chừng thằng bố mê gái của mày, không được cho bố mang bất kỳ con đĩ nào về nhà.

Năm 1986, khi đó 21 tuổi, Leonard Francis gặp rắc rối với pháp luật. Ông mở một quán nhậu ở Penang có nhiều “phần tử bất hảo” lai vãng. Khi cảnh sát ập vào phòng ngủ của ông, họ tìm thấy hai khẩu súng ngắn, 14 viên đạn và một áo giáp.

Theo luật khắt khe về vũ khí của Malaysia, tội này sẽ bị ăn roi và phạt tù. Quan tòa phạt khoảng 5.800 đô la nhưng tha màn ăn roi vì có bác sĩ tâm lý ra làm chứng, nói rằng bị can mắc bệnh béo phì, dễ bị xúc động, và có bệnh rối loạn về máu. Bố mẹ đã ly dị của ông mỗi người một tay góp tiền trả tiền phạt cho con.

Dường như không hài lòng trước bản án quá nhẹ, cảnh sát Malaysia bắt lại ông lúc vừa rời phòng xử, buộc ông vào tội tổ chức nhiều vụ cướp có vũ trang.

Luật sư của ông cãi được tội này nhưng công tố viên chống án, kết quả, tòa phúc thẩm phạt ông 18 tháng tù và đánh 6 roi.

Sau khi ra tù, Leonard Francis dành trọn thời giờ nối nghiệp gia đình. Ông nhìn thấy có tương lai nếu làm ăn với quân đội Mỹ. Cơ hội tăng thêm khi Mỹ đóng cửa căn cứ khổng lổ ở vịnh Subic ở Philippines năm 1992, các chiến hạm Mỹ phải ghé những cảng khác.

Mù tịt về các thủ tục đấu thầu đầy phức tạp của quân đội Mỹ, Leonard Francis bèn tuyển những người có kinh nghiệm, trong đó có những cựu sĩ quan Hải quân Mỹ, các tướng lãnh của Hải quân Philippines, Thái Lan và Malaysia.

Leonard Francis học hỏi phong cách của những cựu quân nhân đang ăn lương của ông. Ông học những tiếng lóng của Hải quân Mỹ, thắt nơ có cờ sao sọc. Tiếng reo điện thoại di động của ông là giọng của ca sĩ dòng nhạc country hát bài “God Bless the U.S.A.”

Từ Penang, Leonard Francis di chuyển trụ sở sang Singapore và mở chi nhánh khắp châu Á. Trong những năm 2000, công ty ông đã nhận được những hợp đồng để phục vụ các tàu chiến của Mỹ từ cảng Vladivostok của Nga cho tới đảo quốc Papua New Guinea hẻo lánh. Hải quân Mỹ cũng trao cho công ty những hợp đồng tại Anh, Pháp, Mexico, Ấn Độ và Hà Lan.

Vào thời cực thịnh, GDMA và các công ty con làm chủ hơn 50 chiếc tàu, phần lớn là tàu kéo hoặc xà lan. Họ cũng quảng cáo sẵn sàng cung cấp tàu có nhân viên trang bị vũ khí để chống hải tặc cho những ai có nhu cầu.

Từ khi chuyển sang Singapore, Leonard Francis vẫn tìm cách đánh bóng tên tuổi của mình với tư cách là một đại gia. Người nào ở Singapore mà thấy chiếc SUV bọc thép màu đen láng cón, có bánh xe đạn xoàng bắn không thủng là biết ngay đó là xe của chàng.

Là dân Công giáo, mỗi năm, gần đến Giáng Sinh, Leonard Francis cho trang hoàng cơ ngơi rộng 6.500 mét vuông của mình bằng dàn đèn rực rỡ, có nai, người tuyết cỡ như thật, có cây thông hơn 10 mét, máng cỏ cũng có tượng người và cừu y như thật.

Một tờ báo Singapore ước tính cái show Giáng Sinh này tốn khoản 75.000 đô la. Leonard Francis cám ơn tờ báo đã chú ý đến gia đình ông, mời gọi mọi người đến xem, đừng để ý đến chuyện tiền bạc, vì hạnh phúc của ngày Chúa chào đời không thể đong đếm.

TIẾP ĐÃI NỒNG HẬU

Trong lúc làm ăn với người Mỹ, Leonard Béo chiếm được cảm tình của hầu hết dàn lãnh đạo của Hạm đội 7, nắm tẩy của người Mỹ là quan tâm đến chất lượng, tiền bạc không thành vấn đề.

Mỗi lần có một chiếc tàu cặp bến, 10 lần thì hết 9, Leonard Béo đứng sẵn ở chân cầu thang để welcome. Nhân viên của ông sẵn sàng thu xếp những chuyến shopping, ngắm cảnh, nghe nhạc… cho thủy thủ nào có nhu cầu. Riêng thuyền trưởng đã có một chiếc limousine có tài xế chờ sẵn.

Một số thủy thủy có chọn lọc được mời tham gia những bữa tiệc linh đình, rượu uống thả cửa, xì-gà Cohiba từ Cuba, thịt heo sữa Tây Ban Nha, thị bò Kobe. Có khi Leonard Béo còn chở tới một nhóm vũ công múa cột đến từ Bangkok, mà ông ta gọi là tổ SEAL Thái Lan Tiên Tiến, ăn mặc mát mẻ giải trí cho thực khách.

Để chứng tỏ trình độ ăn chơi của mình thuộc loại có đẳng cấp, Leonard Béo đã mua một chiến hạm cũ, đã phế thải của Anh mang về tân trang lại và đặt tên cho chiếc tàu là Braveheart.

Chiếc tàu này được xem là tàu chỉ huy đội tàu của ông và thường hay đi cặp chiếc USS Blue Ridge, soái hạm của Hạm đội 7. Mỗi khi thả neo, chiếc Braveheart được biến thành một nơi ăn chơi tới bến, có gái điếm phục vụ các sĩ quan Mỹ.
Trong Hải quân Mỹ có tiếng lóng Bravo Zulu dùng để khen ngợi và cám ơn những công việc tốt. Leonard Béo nhận được rất nhiều Bravo Zulu của các quan lớn Hải quân.

Nào là Bravo Zulu trong lá thư ngày 10 tháng 3 năm 2000 của Đại tá John J. Donnelly, bấy giờ là Tham mưu trưởng Hạm đội 7, cảm ơn Leonard Béo đã cho quân nhân dưới quyền của ông “những trải nghiệm lý thú, sẽ được nhớ mãi.” Donnelly sau đó mang 3 sao, tư lệnh tất cả các lực lượng tàu ngầm của Mỹ trên thế giới. Giờ đây đã về hưu, Donnelly nói mình không nhớ đã gửi một lá thư như vậy, hoặc nếu có gửi thỉ chẳng qua cũng chỉ là những bản sao có sẵn mà ông đã ký hằng ngày trong những năm giữ chức vụ liên hệ.

Nào là Bravo Zulu trong lá thư ngày 3 tháng 6 năm 2003 của Phó đô đốc Robert F. Willard, bấy giờ là Tư lệnh Hạm đội 7. “Leonard thân mến. Cám ơn sự tiếp đãi hàng đầu của anh. Nỗ lực và dịch vụ đạt yêu cầu của anh thật không đâu sánh bằng.” Willard sau đó có thêm một sao và giữ chức Tư lệnh các lực lượng quân sự Mỹ tại Thái Bình Dương. Giờ đã về hưu, ông từ chối phỏng vấn của nhà báo.

Nào là Bravo Zulu trong lá thư ngày 9 tháng 3 năm 2006 của Phó đô đốc Jonathan Greenert, bấy giờ là tư lệnh kế tiếp của Hạm đội 7. “Cám ơn các dịch vụ tuyệt vời của anh. Trải qua nhiều năm tháng, uy tín của công ty anh vẫn số một. Hãy tiếp tục làm tốt. Chúc anh và nhân viên tiếp tục thành công!” Greenert sau đó có thêm một sao và giữ chức Tư lệnh Hải quân, bây giờ đã về hưu, từ chối trả lời nhà báo.

Leonard Béo xem những Bravo Zulu là những lời ủng hộ của những nhân vật tai mắt, thường in chúng trong những tài liệu quảng cáo cho công ty, bên cạnh những ảnh ông ta vai kề vai với những nhân vật này.

Một trong những ảnh có đăng trong tài liệu quảng cáo công ty cho thấy Leonard Béo tươi cười với Đô đốc Mike Mullen, sau này là Chủ tịch Ủy ban Tham mưu Liên quân, vị tướng số 1 của Quân lực Mỹ.

Sally Donnelly, một cố vấn cho Mullen, đã về hưu, phát hành thông cáo báo chí thay mặt cho Mullen, nói rằng trong cuộc đời binh nghiệp, Mullen đã xuất hiện trên hàng vạn tấm ảnh với những người mà trong đó có nhiều người không hề quen. “Đô đốc Mullen không dính dáng gì đến người đang bị điều tra.”

Một đô đốc về hưu khác, không muốn nêu tên, kể lại có lần ông dùng cơm tối với Leonard Béo. Trong bữa ăn ông có khen nhà thầu có bộ đồ com-lê cắt rất khéo và có cái bật lửa chuyên dùng cho xì-gà rất bảnh, có giá khoảng 700 đô la. Sáng hôm sau, vào lúc tàu sắp nhổ neo, Leonard Béo đã leo lên tàu gặp ông tặng 25 xì-gà Cohiba của Cuba, cái bật lửa mới toanh giống tối hôm qua, và danh thiếp của nhà may bộ đồ mặc hôm qua. Vị đô đốc nói tiếp, dĩ nhiên là tôi phải từ chối vì rõ ràng là anh chàng nhà thầu này muốn gây ảnh hưởng lên tôi.

GDMA cũng không quên làm công tác từ thiện. Công ty là nhà tài trợ chính cho Hội Navy League, một hội dân sự bênh vực quyền lợi cho quân nhân Hải quân Mỹ và gia đình. Tại một buổi dạ vũ cho hội này tổ chức ở Singapore, công ty GDMA tặng giải độc đắc cho màn xổ số, một cặp đồng hồ nam nữ Rolex trị giá 30.000 đô la.

MỌI NGƯỜI ĐỀU BIẾT

Leonard Béo biết tận dụng những mối quan hệ quen biết của mình để thủ lợi, hiểu rằng các quan hệ này sẽ trở thành ô dù cho ông trong trường hợp có biến.

Trung úy Hải quân David Schaus, thuộc Phòng Tiếp liệu đóng ở Hồng Kông nổi giận vào năm 2004 khi thấy hóa đơn tính tiền quá lố của GDMA. Hóa đơn ghi rằng công ty đã đổ 100.000 ga-lông rác cho một khu trục hạm đậu ở Hồng Kông trong 4 ngày. Trung úy Schaus nói rằng đây là chuyện tề thiên đại thánh, bởi vì thùng chứa rác của khu trục hạm này chỉ có 12.000 ga-lông và người của công ty chỉ làm có một ngày.

Schaus yêu cầu Leonard Béo đến giải thích. Schaus kể lại với nhà báo: khi ông ta đến gặp tôi, mặt ông ta hầm hầm, hỏi tôi có phải tôi bảo ông ta là kẻ nói láo hay không. Tôi trả lời, ừ, tôi bảo ông nói láo đó thì sao. Ông ấy gằn giọng, tôi không nhận lệnh của cấp úy như anh, anh có biết tôi là ai không? Rồi ông ta tiếp tục lớn tiếng, đập bàn đập ghế.
Sau đó, cấp trên của Schaus yêu cầu anh bỏ qua vụ này, giống như những lần trước mà anh đã báo cáo về GDMA. “Mọi người đều biết công ty này rất cà chớn, mọi người đều biết chuyện gì đã xảy ra, và yên lặng chấp nhận. Nếu anh tìm cách phá thối, anh sẽ là người bị loại.”

Schaus còn cho biết anh đã báo cáo những vụ tính tiền quá lố của GDMA cho Sở Điều tra Hình sự Hải quân (NCIS), sau đó có một đặc vụ của sở đến phỏng vấn anh, nhưng câu chuyện đến đây là chấm dứt. Sau đó chẳng thấy có kết quả gì kế tiếp, trái lại “mọi người xung quanh tôi có vẻ không ưa tôi.” Schaus xin giải ngũ vào cuối năm 2005. Có nhiều lý do khiến anh xin giải ngũ nhưng “sự thối nát lan tràn mà tôi thấy trong thời gian tại ngũ ngắn ngủi làm trong ngành tiếp liệu chắc chắn là lý do quan trọng.”

MỘT SỐ THƯỜNG DÂN ĂN LƯƠNG CỦA LEONARD BÉO

Sharon Kaur: công dân Singapore làm cho một nhà thầu với Hải quân Mỹ tại Singapore, nơi có trụ sở của GDMA. Năm 2006, bà Kaur tiết lộ cho Leonard Béo thông tin mật về chi tiết đấu thầu để đổi lấy 100.000 đô la và các chuyến đi chơi cao cấp tại Bali và Dubai. Nhà chức trách Singaporre đã khởi tố bà Kaur về tội tham nhũng và rửa tiền.

Paul Simpkins: công dân Mỹ làm cho một nhà thầu với Hải quân Mỹ tại Singapore. Simpkins trông coi một số nhân viên lo về đấu thầu. Năm 2006, sau nhiều lần lén lút gặp nhau trong một cái bar của khách sạn, Leonard Béo đề nghị chi cho Simpkins 50.000 đô la để giúp GDMA bắt được các hợp đồng tại Thái Lan và Philippines. Simpkins đòi thêm và cuối cùng nhận được 450.000 đô la vừa bằng tiền tươi, vừa bằng chuyển khoản điện tử cho các tài khoản ngân hàng bên ngoài Singapore do vợ Simpkins đứng tên.

Ngoài chuyện lươn lẹo hợp đồng đấu thầu, Simpkins còn giúp thu xếp một số “ách tắc” của GDMA, ví dụ, khi một giới chức Hải quân Mỹ ở Singapore thắc mắc về các hóa đơn tính cho việc phục vụ chiếc USS Decatur, một khu trục hàm có tên lửa, Simpkins đã ra tay thu xếp để vụ này chìm xuồng từ trứng nước.

Năm 2007, Simpkins ra lệnh cho nhân viên của mình ở Hồng Kông ngưng dùng công-tơ đo dòng chảy để tính số lượng rác hút ra từ các tàu, nhờ vậy, GDMA dễ đội giá khi gửi hóa đơn cho Hải quân.

Cùng năm, Simpkins rời Singapore trở về Mỹ nhận chức cao hơn cho một công ty có hợp đồng với Bộ Tư pháp và sau đó là Bộ Quốc phòng.

Trong chuyến trở lại Singapore để vui chơi, Simpkins gửi email trước cho Leonard Béo: “Bạn có thể thu xếp vài em sạch nước cản trong thời gian tôi ở đó?” Leonard Béo trả lời: chuyện nhỏ.

Simpkins không nhận tội, đang chờ xử. Luật sư của ông ta không chịu trả lời phỏng vấn của nhà báo.

MỘT SỐ QUÂN NHÂN ĂN LƯƠNG CỦA LEONARD BÉO

Thiếu tá Todd Malaki: Sĩ quan hậu cần của Hạm đội 7, được giới thiệu với Leonard Béo vào năm 2004 trong một party do nhả thầu này chiêu đãi.

Trong bản tự khai gửi tòa án, Maliki viết: “Leonard tỏ ra dễ mến, thân thiện và gây ảnh hưởng rất nhanh. Trong lúc nhậu, ông ấy thuyết phục tôi rằng chúng tôi là bạn và ông ta là người dẫn đường cho tôi. Tôi phải xấu hổ mà nhìn nhận rằng tôi đã tin những gì ông ta nói như những người bạn đồng cấp.”

Chẳng mấy chốc, Malaki trao cho Leonard Béo lịch trình những chuyến di chuyển của các tàu, thông tin về các công ty đối thủ của GDMA. Đổi lại, Leonard Béo tặng viên thiếu tá này 3.000 đô la tiền tươi, tiền phòng khách sạn, một gái mại dâm sau khi nhậu tại một quán karaoke ở Malaysia.

Malaki bị kêu án 40 tháng tù hồi tháng 1.

Trung sĩ nhất Dan Layug: Năm 2010, GDMA móc nối được với Layug, nhân viên hậu cần cho Hạm đội 7, bằng cách tặng cho viên hạ sĩ quan này một điện thoại di động.

Trong vòng 3 năm kế tiếp, Layug phụt ra các bí mật của đối thủ cạnh tranh với GDMA, lịch trình di chuyển các tàu. Công ty cám ơn anh bằng các trò chơi điện tử, máy ảnh digital, iPad… bao anh tiền khách sạn ở những nước châu Á anh đặt chân đến. Cuối cùng, công ty trả anh đều đặn 1.000 đô la tiền tươi một tháng.

Cách chuyển tin của anh là đến ngày hẹn, anh lái xe đến văn phòng đại diện của GDMA ở Tokyo, đậu xe ở bãi đậu của văn phòng. Người của văn phòng lái xe đến đậu cạnh anh. Hai xe quay kính xuống, một bên trao bao thư thông tin, một bên trao bao thư giấy xanh.

Trước phiên tòa ở San Diego hồi tháng 1, Layug nói: “Tôi đã để lòng tham dẫn dắt tôi để rồi cuối cùng phản bội đất nước.”

Bản án: 27 tháng tù, phạt 15.000 đô la.

Đại tá Daniel Dusek: Nguyên Phó phòng Hành quân Hạm đội 7. Được đàn anh giới thiệu với Leonard Béo, “một người bạn tốt của Hải quân”, vào năm 2010.

Trong vòng vài tháng sau đó, Dusek được cung cấp gái điếm, rượu ngon, và phòng khách sạn 5 sao.

Dusek trao cho công ty các thông tin mật về lịch di chuyển của các tàu, và lái các hàng không mẫu hạm về nghỉ ở những bến cảng có GDMA phục vụ. Dusek làm lợi cho công ty đến độ Leonard Béo gọi ông là một “tài sản bằng vàng” của công ty.

Trong bản tự khai trước tòa, Dusek nói rằng các hành vi của ông phản ánh “phong cách phổ biến của Hải quân Mỹ tại các nước châu Á” và mình dễ phạm tội hơn người khác vì làm việc nhiều giờ, hay dùng rượu để giải tỏa bớt áp lực, và hay chán đời “sau khi ly dị lần thứ nhì.”

Hồi tháng 3, Dusek bị phạt 46 tháng tù và bồi thường cho chính phủ 100.000 đô la.

LEONARD BÉO BỊ SỜ GÁY

Cuối cùng, vào năm 2010, các trò ma giáo của GDMA bắt đầu rơi vào tầm ngắm của Hải quân. Sở Điều tra Hình sự Hải quân (NCIS) mở hai cuộc điều tra về cách tính tiền của công ty tại Thái Lan và Nhật Bản.

Nhưng Leonard Béo có một quân bài ách trong số các tay trong: một đặc vụ của NCIS.

Đặc vụ John Beliveau từng đóng ở Singapore và cuối cùng đổi về trại Quantico trong tiểu bang Virginia. Beliveau quen với Leonard Béo trong ít nhất là hai năm, và đã nhận của nhà thầu này tiền, gái, và những quà cáp khác.

Vào lúc Hải quân bắt đầu nghi ngờ thì Beliveau truy cập cơ sở dữ liệu của NCIS và phọt cho Leonard Béo các bản nháp, các lời ghi chú, báo cáo của các nhà điều tra.

Nhờ các thông tin nay, Leonard Béo có thời gian bịt các đầu mối và hù dọa những người đã hoặc sắp được NCIS mời ra lấy lời khai.

Các thông tin do Beliveau cung cấp quý giá đến độ làm cho Leonard Béo phát choáng. Trong một email viết năm 2011 gửi cho một tay trong khác, Leonard Béo nói: “Tớ nắm nhiều thông tin và báo cáo mật của NCIS, nếu cậu muốn, tớ sẽ cho một xem một bản sao tập tin chính nói về tớ, ha ha.”

Cỗ máy tình báo của Leonard Béo hiệu quả đến độ nhiều nhân viên của hải quân Mỹ tại Singapore nghi nơi làm việc của họ đã bị nghe lén, và nhất cử nhất động của họ đã bị theo dõi bởi một công ty thám tử tư.

Cuối cùng thì Hải quân cũng phát hiện Leonard Béo có tay trong ở NCIS. Chuyên viên an ninh mạng kết luận Beliveau là người đã tải xuống hàng trăm tập tin liên quan đến Leonard Béo trong cơ sở dữ liệu của NCIS, trong lúc ông ta không có phận sự gì trong vụ này.

Tương kế tựu kế, tháng 7 năm 2013, các chuyên viên NCIS đưa vào cơ sở dữ liệu thông tin nói rằng tất cả các cuộc điều tra liên quan đến GDMA đã được khép lại và không có một vụ khởi tố nào cần phải đưa ra.

Hai tháng sau, tin tưởng rằng mình đã an toàn, Leonard Béo bay đến San Diego để tham gia lễ bàn giao chức vụ giữa hai đô đốc và để tìm thêm hợp đồng cho công ty.

Sau khi giới thiệu bằng PowerPoint trước các ông tướng Hải quân về cách mà GDMA có thể làm để tiết kiệm tiền bạc cho Hải quân, Leonard Béo quay về khách sạn và bị bắt tại đây.

Cùng ngày, tại Quantico, tiểu bang Virginia, Bileveau cũng bị bắt, sau đó đã nhận tội và đang chờ bản án.

Từ khi bị bắt, Leonard Béo đã nhận tội, xin hợp tác với nhà chức trách để được khoan hồng. Mức án của nhà thầu này là 20 năm tù.

 Đàn Chim Việt tổng hợp.

© Đàn Chim Việt

1 Phản hồi cho “Gặp anh chàng Malaysia đã hủ hóa Hạm đội 7 của Mỹ”

  1. Minh Đức says:

    Tiền của nhà nước nên các ông chỉ huy Hải Quân Mỹ không tiếc tiền. Đây không phải chỉ là vấn đề với hải quân Mỹ mà là vấn đề của tất cả cơ quan nhà nước khi chi trả cho nhà thầu và cũng là vấn đề có thể xảy ra tại mọi nước.

Leave a Reply to Minh Đức